Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

văn & tôi - một thời - nguyễn đăng trình

Các anh chị em văn nghệ khác viết, nói, kể về tạp chí [giai đoạn cuối là giai phẩm] VĂN với tư cách là nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhà phê bình... từng thành danh từ đấy. Tôi chỉ xin “phụ họa” công việc ấy với tư cách một người đọc trẻ bình thường trước 1975.
Năm 1967, tôi học đệ lục [lớp 7] tại trường trung học tư thục Bồ Đề Tuy Hòa [Phú Yên]. Phụ trách môn văn là thầy Phan Phúc Gia. Bạn thân của thầy phần lớn là các nhà văn, nhà thơ -hoặc người bản xứ hoặc dân tạm cư- của cái thành phố nhỏ xíu ra ngõ đụng nhau nhưng rất nên thơ ướt sũng không khí văn nghệ này: Trần Huyền Ân, Y Uyên, Hoàng Đình Huy Quang, Mang Viên Long... dù nó đang bị vây khổn bởi cuộc chiến ngày càng khốc liệt. Những chiều thứ bảy, những sáng chủ nhật tôi và mấy thằng bạn học khá môn văn: Nguyễn Công Trường [bút danh Nguyễn Hồ Trường], Tạ Ngọc Vân [bút danh Kinh Tự]... thường đến nhà thầy chơi chủ yếu là mượn sách báo và thi thoảng lén “ngó trộm” các ông bạn “thứ dữ” của thầy. Có lần thầy nửa đùa nửa thật: “Các cậu có muốn sau này như mấy ổng không? Họ là dân VĂN, Thời Tập, Vấn Đề..., nói chung là các tạp chí văn nghệ tầm cỡ và uy tín ở Sài Gòn cả đấy!”. Chúng tôi đồng giẫy nẫy: “Thầy giỡn hoài!”. Đơn giản là trong mắt chúng tôi lúc bấy giờ họ không phải là những con người bình thường mà là... là gì nhỉ... à... là những con người... khác thường.
Năm sau lên đệ ngũ [lớp 8], bọn tôi không đứa nào bảo đứa nào dẹp hết ba cái truyện tranh: Batman, Tề thiên đại thánh..., sách thiếu niên: Tuổi Hoa, Thằng Bờm..., kể cả truyện thiếu niên: Thằng Côn, thằng Vũ..., truyện trinh thám: Người khăn trắng, Điệp viên Z.28, truyện thần thoại: Nghìn lẻ một đêm, Ma cà rồng... cực kỳ hấp dẫn sau khi được thầy Gia “nhồi nhét” vào những Hồn Bướm mơ tiên, Trống Mái, Đoạn tuyệt, Dọc đường gió bụi... của Tự lực văn đoàn. Được thầy khuyến khích, chúng tôi vừa làm bích báo viết tay cho lớp vừa “thực hiện” những tuyển tập thơ văn quay ronéo chung cho cả khối. Không phải làm để mấy đứa cùng lớp đọc khơi khơi đâu nha. Bán sòng phẳng đấy. Lại không phải chỉ phổ biến trong trường mà còn bày đặt “phát hành” đến các trường khác nữa mới ngon [ngông] chứ!
Đây cũng là thời điểm thầy Phan Phúc Gia “làm mai” chúng tôi với các tạp chí, tập san văn nghệ tầm cỡ xuất bản tại thủ đô Sài Gòn như: Phổ Thông, Thời nay, Văn, Văn Học, Vấn đề, Bách Khoa... Tôi đột nhiên vùng biến thành Phù đổng thiên vương để đến với các tạp chí văn nghệ Sài Gòn, đặc biệt là VĂN từ đó. Cho dù với kiến thức non nớt của một học sinh trung học đệ nhất cấp không thể nắm bắt hết cái hay, cái đẹp, cái cao xa, cái mênh mông... của văn-chương-tạp-chí-văn, nhưng cứ đến ngày 1 và 15 hàng tháng tôi đều mua về chủ yếu là để sưu tập hơn là để đọc đúng với ý nghĩa của từ này. Và để có một collection đầy đủ từ số đầu tiên tôi đã phải gửi ngân phiếu vào nhà phát hành Nam Cường tít tận Sài Gòn.
Xong đệ ngũ, tôi rời thành phố Tuy Hòa để ra Phù Cát [Bình Định] sum họp với ba má và các em. Ngày đi quên gì thì quên nhưng tôi không thể quên ký củm bộ sưu tập tạp chí VĂN và cái Stamp Album “gia bảo” được.
1969 tôi học đệ tứ [lớp 9] trường trung học Thánh Giuse Phù Cát. Quận lỵ quá nhỏ hay sao mà Văn không về tới. Tôi phải đặt tiền trước nhờ chủ một sạp báo mua giùm từ đại lý phát hành ở Qui Nhơn bộ sưu tập mới không bi lõm. Vừa học tôi vừa nhấm nháp VĂN vừa thầm mơ cái ngày rọc tạp chí ra bỗng thấy tên mình “chễm chệ” bên những Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn, Tuệ Sỹ, Phạm Công Thiện, Phạm Thiên Thư, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Nhật Tiến, Huỳnh Hữu Ủy, Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Đình Toàn, Du Tử Lê, Duyên Anh, Trần Dzạ Từ, Cao Tần, Hà Thúc Sinh, Luân Hoán, Nhã Ca, Trùng Dương, Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trần Thị Ngh., Nguyễn Thị Ngọc Minh [Minh Ngọc], Dương Nghiễm Mậu, Trần Hoài Thư, Ngụy Ngữ, Mường Mán, Hoàng Đình Huy Quang, Hoàng Ngọc Châu, Nguyễn Lệ Uyên, Nguyễn Lệ Tuân, Phạm Cao Hoàng, Tần Hoài Dạ Vũ, Mang Viên Long, Phạm Ngọc Lư, Nguyễn Thanh Trịnh [Đoàn Thạch Biền], Huỳnh Hữu Võ, Từ Thế Mộng, Nguyễn Như Mây, Nguyễn Bắc Sơn, Trần Dzạ Lữ, Phạm Chu Sa, Hà Nguyên Dũng, Đặng Tấn Tới, Nguyễn Tôn Nhan, Huy Tưởng, Khê Kinh Kha, Tô Đình Sự, Kinh Dương Vương, Thái Ngọc San, Nguyễn Miên Thảo, Thái Tú Hạp, Triều Uyên Phượng, Lương Thái Sỹ, Y Uyên, Thế Uyên, Doãn Dân, Ninh Chữ, Kim Tuấn, Cao Thoại Châu, Hạc Thành Hoa, Tô Nhược Châu, ... và... không sao kể hết [nếu thiếu vị nào người viết xin được bỏ qua]. Năm cuối cấp bao giờ bài vở cũng nhiều hơn và khó dần lên. Thời gian dành cho VĂN nói riêng và sách báo nói chung không nhiều được nữa! Nỗi lo “rớt tú tài anh đi trung sĩ” đã trở thành câu nói không phải để chơi!...
Chiến tranh mỗi ngày mỗi phình to. Bộ mặt hung hiểm gớm ghiếc của nó rõ dần. Tôi bắt đầu nghĩ về cái ngày nhập cuộc.
Xong đệ tứ [lớp 9] tôi thi vào Trung Học Cường Đễ Qui Nhơn để lấy lại cơ hội học trường công lập mà tôi đã bỏ lỡ hồi 1965 trong kỳ thi vào lớp đệ thất vì phải bỏ ngang năm lớp nhì [lớp 4 bây giờ] sau chính biến 1963 phải lìa xa Quảng Ngãi hành phương nam.
Đậu vào đệ tam [lớp 10] ban C tôi vào Qui Nhơn trọ học. Trong rất nhiều niềm vui mới có niềm vui trực tiếp sưu tập VĂN. Ở những thành phố lớn nhỏ khắp miền Nam, VĂN hầu như không bao giờ vắng mặt cho dù chiến sự có lúc làm gián đoạn hành trình đường bộ của nó.
Cách chơi nổi của cánh nam sinh đệ nhị cấp ôm ấp mộng tưởng trở thành văn thi sĩ lúc bấy giờ là cầm trên tay một tập thơ, một tập truyện, một cuốn sách triết... che đầu ngày mấy bận đi, về trên phố làm như không có cái từ ngượng nghịu trên đời. Tôi và các “chiến hữu” trong nhóm Bằng Hữu như Du Thọai Miên, Hiếu Thư, Hàn Lệ Châu, Kao Kung Kiện, Thái Nhơn.... chọn VĂN. Giờ nghĩ lại tôi thấy hình ảnh ấy thật đáng yêu mà cũng thật buồn cười.
Do thiếu sĩ số Cường Đễ không thể mở lớp 10C nên tôi phải học 10B. Không cam lòng, lên lớp 11 tôi gặp thầy giám học Nguyễn Mộng Giác xin chuyển ra Trần Quốc Tuấn Quảng Ngãi. Sau khi nghe tôi nêu nguyện vọng, thầy OK ngay vì thầy chẳng phải là dân tạp chí Bách Khoa, VĂN... đó sao?
Mùa Đông Quảng Ngãi mưa bão dầm dề, âm u, lạnh lẽo và buồn buồn không thua gì mùa đông Bình Định. Ngày đầu tiên đặt chân đến thành phố quê hương vừa thân thương vừa xa lạ của mình, tôi co ro trong chiếc manteau màu đen, một tay cầm chiếc dù cũng màu đen một tay cầm cuốn VĂN vừa mua ở hiệu sách Đồi Non Hoa Sen, lòng vòng qua các con phố thưa người và xe cộ giống một diễn viên quảng cáo hơn là một học sinh “chuẩn tú tài”!
Nhờ cái vẻ kênh kiệu có phần ngỗ ngáo ấy mà chỉ ít lâu sau tôi thân thiết với mấy gã môn đồ của VĂN như Huyền Huyễn Thạch, Nguyễn Thiện Tường, Bùi Nhật Úy... Không chừng cánh Dương Thành Vinh, Bùi Văn Cang, Lý Văn Hiền, Từ Nguyên Thạch, Đoàn Vị Thượng, Trần Trọng Uyên, Trần Quang Châu, Nguyễn Tấn Cứ... cũng rứa rứa thôi?! Quái quỷ hơn cái bệnh khoe mẽ này cũng không chịu buông tha phái nữ mà các nạn nhân điển hình là nhóm Trần Thị Triều Dương, Thanh Thanh, Trần Thị Cổ Tích, Trương Thị Kim Chi, Nguyễn Thúy Ái...
Quảng Ngãi đang là vương quốc của tạp chí Trước Mặt do nhóm đàn anh: Phan Nhự Thức, Hà Nguyên Thạch, Luân Hoán, Lâm Anh, Vũ Hồ, Phạm Cung, Nghiêu Đề... chủ trương và thực hiện, nhưng xem ra lớp trẻ yêu VĂN luôn chiếm số đông. Và tôi vẫn thường xuyên có cảm giác thầy Huỳnh Châm, giáo sư dạy văn kiêm chủ nhiệm lớp 11C, dành cho thằng học trò chân ướt chân ráo từ Qui Nhơn mới ra mà học hành ở lớp “không đàng hoàng cho lắm” [chỉ ở lớp thôi] ít nhiều thiện cảm vì hắn hay nhét cuốn VĂN sau túi quần mỗi khi đến lớp.
Xong tú tài phần 1 ban C, tôi trở vào Cường Đễ Qui Nhơn tiếp tục năm 12 ban A. Lại gặp thầy Nguyễn Mộng Giác. Không phải là giám học hoặc hiệu trưởng nữa mà là giám đốc sở học chánh. Nhiệm sở mới của thầy không đâu xa, nằm gần như đối diện cổng trường Cường Đễ và là nơi gặp gỡ thường xuyên của các nhà văn, nhà thơ Qui Nhơn đều đặn có mặt trên VĂN: Lữ Quỳnh, Phạm Chu Sa, Võ Chân Cửu, Nam Chữ [Phạm Mạnh Hiên], Hồ Ngạc Ngữ... và các văn nghệ sĩ tên tuổi từ các thành phố khác ghé chơi .Một lần tôi tạt vào thăm thầy Nguyễn Mộng Giác bất ngờ gặp một bàn nhậu với vài ba nhân vật lạ mặt đang tranh luận về Nhất Linh. Phản xạ tự nhiên buộc tôi “đằng sau quay” theo cách vừa thụ huấn trong chương trình quân sự học đường. Có tiếng gọi của thầy Giác. Dĩ nhiên tôi không thể “đằng trước bước”. Theo lời giới thiệu trang trọng của thầy, tôi “hân hạnh và vinh dự” lần lượt được nhà văn Mai Thảo, nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn, thầy Phan Châu Thuận... bắt tay. Nhìn cuốn VĂN “bất ly tay” mỗi khi ra khỏi nhà trên tay tôi, cả hai nhà văn Sài Gòn không mấy bất ngờ nhưng hẳn là khá thú vị. Kéo tay tôi, thầy Giác ngắn gọn: “Nguyễn Đăng Trình. Rất máu làm báo. Thơ đọc được”. Câu chuyện lại rôm rả. Ngồi làm khách mời “bất đắc dĩ” kể cũng... quê quê. Thấy chai Hennesy đang vơi quá nửa, vả lại có lý do gì đâu để tiện ngồi lâu, tôi đứng lên chào tạm biệt sau khi góp một câu duy nhất, đại khái là: “Nếu Nhất Linh đợi đến hôm nay thì có lẽ ông sẽ không tự vẫn. Em nghĩ và tin như thế”. Ra giữa sân tai tôi nghe một giọng Bắc ném theo: “Thằng này khá!”. Sau đó là vài tiếng cười...
Năm lớp 11 tôi học bao nhiêu thì năm 12 tôi chơi bấy nhiêu. Mảnh bằng tú tài 2 đối với tôi không chút xíu quan trọng nào nữa. Trong đầu tôi luôn lỡn vỡn hai chữ Thủ Đức. Không phải nỗi ám ảnh mà là tiếng gọi.
Một buổi chiều rượu bụi với anh Mịch La Phong và anh em nhóm Bằng Hữu, chân nọ xọ chân kia, tôi lết về nhà trọ 142 Trần Quý Cáp. “Trên đường về nhớ đầy... Chiều chậm đưa chân ngày... Tiếng buồn vang trong mây...”. Giọng ca khá truyền cảm quen thuộc của nhà văn Đặng Hòa [cũng chính là nhà thơ Nguyễn Thị Thùy Mị đã xuất hiện trên VĂN từ những số đầu tiên] làm tôi sững sờ rồi tỉnh hẳn. Ngay cửa lớn, anh nhìn tôi như nhìn một vật lạ... Và ánh mắt anh chợt dịu lại khi chạm vào cuốn VĂN và cuốn Tiền Phong vừa cẩu thả vừa ngạo nghễ trên hai túi áo ngực của tôi. Cả hai vào nhà không một lời. Tôi và anh ở chung, kẻ trên gác người dưới nhà, khá lâu nhưng chưa thân tình vì vài lý do rất riêng tư. Nhưng không thể không biết về nhau tí tí. Lát sau có tiếng anh gọi. Tôi nửa muốn lên nửa muốn không. Cuối cùng thì tôi ngồi đối diện anh. Chính giữa là cây đèn tọa. [Anh không thích đèn điện!]. “Thủ Đức rồi “con”!”. “Sao anh biết hay vậy?”. “Mày bây giờ là tao mấy năm về trước. Vừa khoái làm nhà văn vừa khoái làm người hùng!”. “Đâu có tệ, anh”. “Tệ quá đi ấy chứ”. “Đậu Đà Lạt, rớt Thủ Đức. Em đã chọn”. “Đà Lạt hay Thủ Đức gì gì thì cũng đừng để giống cái tay này của tao”. Anh chỉ vào cánh tay từ lâu quên mất cái chức năng của nó. Hóa ra ngoài chức danh giáo sư trường Lasan, anh còn là trung úy thương phế binh Biệt Động Quân. Anh đang nghiện cocain nặng nên đã đình bản tạp chí Nhìn Mặt, niềm đam mê cũng là nỗi hệ lụy của anh. Giờ muốn tục bản nhưng lực bất tòng tâm! “Em khoái Phan Nhật Nam, Trần Hoài Thư”. “Tao nghĩ mày sẽ dư sức làm được”. “Tại sao?”. “Đơn giản là vừa đọc VĂN vừa đọc Tiền Phong”. Anh em thân nhau từ đó. Thân đến nỗi nhiều lần tôi liều mạng ra Lê Lợi mua cocain về đích thân tiêm vào tĩnh mạch cho anh mỗi khi anh lên cơn nghiện mà không nhấc người lên được. Sau đó anh giao chìa khóa tủ đựng bản thảo và bài lai cảo của tạp chí Nhìn Mặt để tôi tuyển đọc trước khi anh đủ sức gượng dậy vực lại đứa con tinh thần vừa làm anh hứng khởi vừa khiến anh bầm dập. Với đống bản thảo cao cả mét ấy tôi đã “gặp” hầu hết những tên tuổi vốn thành danh từ VĂN: Thái Ngọc San, Lương Thái Sỹ, Ngụy Ngữ, Mường Mán, Khê Kinh Kha, Dương Kiền, Nguyễn Bắc Sơn, Trần Hoài Thư, ... Nhưng anh đã bỏ lại tất cả sau một cơn sốc cocain vào một ngày của năm 1973!
Đậu tú tài 2 tôi không Đà Lạt hay Thủ Đức như đã nói mà vào Đại Học Văn Khoa Sài Gòn để nếm thử mùi giảng đường cho biết, nhưng chủ yếu là chờ Không quân tuyển mộ pilot. Một dạo tôi ra đầu cầu xa lộ phía Thủ Đức dựng cái chòi nho nhỏ làm chỗ vá xe Honda để kiếm thêm tiền ăn học. Vẫn kè kè cuốn VĂN bên mình để lẫm rẫm những lúc rãnh tay. Hôm nọ, khoảng 7 giờ sáng có cặp vợ chồng đẩy xe vào vá. Trong lúc tôi đang lui cui nạy vỏ thì anh chồng táy máy cầm cuốn VĂN lật lật rồi nhìn chị vợ nháy nháy mắt. Tôi bất chợt ngước nhìn lên đôi kính cận kiểu John Lenon, buột miệng: “Anh là Nguyễn Đình Toàn?”. Thoáng chút ngạc nhiên pha lẫn chút thích thú, anh chồng cười cười với chị vợ: “Em ơi! Cậu này bảo anh là Nguyễn Đình Toàn!”. Rồi cả hai phá lên cười thay cho một xác nhận. Từ đó thỉnh thoảng tôi vào làng báo chí thăm anh chị Nguyễn Đình Toàn nhưng hoàn toàn không đá động gì đến chuyện văn chương.
Cuối cùng tôi vào Thủ Đức thật vì hầu như toàn bộ sinh viên sĩ quan pilot đang học bay ở Mỹ hoặc đang chờ go oversea đều bị trả về thụ huấn chương trình sĩ quan bộ binh. Thời gian này ở quân trường tôi không đọc gì ngoài binh thư, binh pháp... Định bụng sau khi ra trường về đơn vị sẽ tiếp tục bổ sung bộ sưu tập cho đầy đủ và sẽ điền tên mình vào danh sách cộng tác viên của VĂN như các nhà thơ nhà văn đồng thời hơn kém tôi vài ba tuổi: Phù Hư, Nguyễn Lương Vỵ, Nam Chữ [Phạm Mạnh Hiên], Hồ Ngạc Ngữ, Võ Chân Cửu, Nguyễn Nhật Ánh...
Ngày 30/3/1975, Bình Định di tản chiến thuật!... Ngày 30/4/1975 Nam Việt Nam bại trận !... Có quá nhiều thứ để tiếc đứt ruột nhưng nếu bảo rằng tôi không suýt soa về bộ sưu tập VĂN từ số đầu tiên đến số gần cuối cùng là tôi tự dối lòng, mặc dù không phải những gì được đăng tải trên VĂN đều super như một số khá đông anh chị em đã mạnh miệng xưng tụng bấy lâu nay khi viết, nói hoặc kể về tạp chí gần như huyền thoại này. Hiểu biết rất khiêm tốn về nhà văn Trần Phong Giao, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, nhà văn Mai Thảo qua tác phẩm và càng mù tịt về chủ nhiệm Nguyễn Đình Vượng, nhưng tôi thật sự cảm phục và kính trọng cái tâm đối với nền văn học miền Nam của họ. Giả dụ nếu VĂN tồn tại đến bây giờ thì bộ sưu tập của tôi chắc chắn sẽ không thiếu một số nào.../


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét