Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

chân dung hay chân tướng nhà văn [kỳ 45-46] - nhật tuấn

 KỲ 45



                                         
                                       
Sau vố bị cha Hòe truy vấn và mạt sát, cha Thư rút ẩn vào chính mình, “đã hóa ra con người trầm lặng và buồn bã”. Trong số người giúp việc, cha chỉ quý mến có mỗi  mình một cậu bé giúp lễ tên Tú với một tình cảm đặc biệt:
“Cậu bé chỉ đứng nhìn ông cha trẻ bằng cặp mắt trong suốt, nghiêm nghị và miệng hơi mỉm cười là bao nhiêu bực giận đã lập tức tiêu tan, là đã muốn mỉm cười  đáp lại và thăm hỏi một câu thật dịu dàng”.
Tình cảm giữa ông cha trẻ và cậu bé giúp lễ được đẩy xa tới mức như tình cảm… cha con, anh em lại phảng phất mầu “đồng tính”:
“Vả lại cậu ta còn biết cách săn sóc người chủ vừa tỉ mỉ vừa âu yếm, đem lại cái vị mặn của trần tục vào cuộc sống nhạt nhẽo thiêng liêng. Chính là cái vị muối của thế gian đã gắn bó họ lại như anh em, như cha con, và nếu họ phải xa nhau thì nỗi đau đớn chia ly cũng sẽ rất xác thịt…”.
Mê mẩn cậu phụ lễ, đức cha lên giọng:
“Người lớn hay nghi ngờ, hay cứng cỏi, còn trẻ con thì tin tưởng và phó thác. Người lớn thì kiêu ngạo, tham lam, còn trẻ nhỏ thì hiền hò , nhường nhịn. Người lớn gian xảo, dối trá, còn trẻ nhỏ chỉ nói có nếu là có, nói không nếu là không. Người lớn là con rắn, trẻ nhỏ là bồ câu. Chúa đã từng vẫy gọi: "Hãy để trẻ thơ đến cùng ta, đừng có cản chúng. Bởi chưng nước Trời  thuộc về những kẻ giống như chúng…”.
Cha có thể ca ngợi trẻ con, nhưng sao lại gây cho chúng thù ghét, ngờ vực người lớn đến thế này:
“Con ơi! Thầy ghê sợ mọi người, trừ trẻ nhỏ. Ai ai cũng có thể hãm hại được thầy, trừ những kẻ trong trắng, ngây thơ như các con. Thầy nói bằng thật vì thầy đã từng biết. Lời nói ngọt ngào nhưng lại đọng vị đắng cay; mời chào và cởi mở là bẫy vô hình: gương mặt thánh thiện che đậy những mưu mô hiểm độc. Thầy đã bị khốn mấy lần rồi. Con nên tin lời thầy dặn…”.
Xa hơn nữa, cha còn xúi bậy:
“ … phải biết ngờ vực những cảm tưởng tốt đẹp ban đầu, phải biết tránh xa những cám dỗ có tính xác thịt. Mắt thấy đẹp tức là không đẹp, tai nghe hay tức là không hay, lưỡi nếm ngon tức là không ngon…”.
Linh mục là đấng chăn dắt linh hồn cho con chiên. Con chiên gần gũi linh mục ắt phải được học hỏi, trau dồi tâm hồn trong sáng và cao thượng. Vậy mà cậu bé phụ lễ gần gũi cha Thư, suốt ngày bị cha nhồi nhét tư tưởng thù hằn và mất lòng tin vào người, nhà thờ đã biến thành nơi đầu độc con người nguy hiểm như vậy, liệu có đáng tồn tại? Phải chăng đó là “triết luận" về đạo Thiên chúa và “chủ nghĩa xã hội” của Nguyễn Khải?
Cậu Tú phụ lễ sống trong nhà đạo vẫn phải đi lao động công ích với thanh niên trong xóm. Ra tiếp xúc với đời, cậu lại nghe lời khích bác rủ rê:
“Giả sử chúng tôi lại có một người con trai như cậu, nói cậu bỏ lỗi nhá, thì tôi chẳng còn ước ao cái nước thiên đàng nào khác. Cậu đưa bàn tay tôi xem, bàn tay đẹp quá, vừa mỏng vừa mềm, tay này có học nghề gì cũng mau giỏi, mau khéo…”.
Ra ngoài đời được tâng bốc rủ rê, trở về nhà đạo, cậu Tú lại ngập tai những chuyện bê bối xấu xa trong các thầy dòng, các cha cố. Nào chuyện khai gian tiền chợ, nào chuyên trai gái của các cha… Cứ một đằng “đời” thì kéo, một đằng “đạo” thì đẩy như vậy, trước sau cậu Tú phụ lễ cũng phải bỏ đạo mà về với đời. Cậu phàn nàn với ca xứ:
“ hưa thầy, ngày hôm nay con được nghe nhiều chuyện đến nhơ nhớp, chưa bao giờ con được nghe người ta nói với con, nói với nhau những chuyện lạ lùng đến thế …”.
Lẽ ra cha xứ là linh hồn của nhà thờ, phải bảo vệ uy tín cho đạo, phải tìm cho ra thực hư trong “những câu chuyện nhơ nhớp” mà cậu phụ lễ “buôn chuyện’ ở đâu, đằng này cha lại phụ họa, bôi thêm tiếng xấu, kể tội nhà thờ mà chính cha là đại diện:
“Một cặp kết bạn đến đưa cho đấng chăn chiên tám chục đồng, đấy là tiền biếu riêng, còn phí tổn dầu nến người ta đã chi một món khác rồi. Đấng chăn chiên đưa trả lại năm đồng, chỉ cầm có bảy mươi nhăm đồng, rồi bảo: "Cha chỉ lấy một nửa, còn cha cho con một nửa. Vậy là cha đã nâng giá lễ xin phép cưới từ tám chục lên trăm rưởi…”.
Vào những năm thập kỷ 60, chuyện cha bỏ túi tiền “làm lễ cưới” là “tội lỗi xấu xa”. Cha lại tố cáo tiếp :
“Có bảy cặp làm lễ vào tối thứ bảy. Sáng chúa nhật linh mục rao ở nhà thờ chỉ hoan hô có ba đôi sáu anh chị em đã có tinh thần ngoan đạo. Đấy là ba đôi có tiền xin lễ cưới, còn bốn cặp kia chỉ làm phép cưới suông thì coi như không có. Có tin được không? Không thể tin được! Không thể tin như vậy được! Lạy Chúa…”.
Cha kêu lên vì phẫn nộ, cha không còn biết chia sẻ với ai cái nỗi ghê tởm đó ngoài cậu phụ lễ.Vậy là hai người đã ngầm họp thành một khối tách khỏi sự dơ bẩn của nhà thờ. Ông nhà văn không dừng ở đó, ông còn đẩy cha cố và thầy phụ lễ đi xa hơn nữa về phía… cách mạng để trong cuộc đối đầu giữa “tôn giáo" và “chủ nghĩa xã hội”, phần thắng phải thuộc về "sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân”, minh họa cho “luận thuyết" “ai thắng ai” một thời bao trùm lên đời sống tinh thần dân miền Bắc.
Thế rồi một ngày nọ, ông chánh trương trố mắt nhìn cha linh mục ăn mặc lạ đời:
"cha mặc chiếc quần xanh đã cũ, một cái áo cộc tay nhuộm nâu, chân đi dép cao su, đầu đội mũ lá như… một anh cán bộ”, khiến ông chánh trương phải kêu lên:
“Lạy Chúa! cha đi đâu sớm vậy, mà lại ăn mặc như vầy?”.
Hóa ra cha đi thăm… bà con đang lao động sản xuất, hơn thế nữa, cha muốn cùng lao động với bà con:
“Ông chánh giới thiệu tôi với ông phụ trách tổ làm màu nhá. Tôi muốn hàng ngày tới đó làm một buổi. Còn việc nhà Chúa chỉ cần làm một buổi là đủ…”.
Ông nhà văn thật “to gan”, ông gán ghép cho cả cha cố “giác ngộ ý thức lao động”, coi “lao động là vinh quang”, từ bỏ vị trí “đạo cao đức trọng” để đòi “ba cùng” với nông dân không khác gì cán bộ cải cách ruộng đất. Tất nhiên ông chánh trương không đời nào để cha phá vỡ lề luật của nhà thờ như vậy. Ông nhắc nhở cha:
“Chúa đã phân mỗi người một việc. Việc của cha trọng hơn việc chúng con, sao lại bỏ việc trọng để làm những việc khác…”.
Cha chẳng những không nghe theo ông chánh trương mà còn tỏ vẻ thích thú được thoát cái vỏ làm cha:
Tôi ra cùng làm với bà con chứ thăm thú gì…
Ra đến đường, cha Thư lấy kính râm đeo rồi hỏi nhỏ:
“Nom tôi đã ra anh cán bộ chưa?”.
Ối Giêsuma lạy Chúa tôi, làm cha cố mà lại muốn... giống anh cán bộ, muốn học theo bác Hồ "đi sâu đi sát”, cùng lao động với nhân dân. Ông “cha cố” của Nguyễn Khải đúng là cha dở người, sắp bỏ áo choàng thâm để xin vào Đảng thật rồi. Quả nhiên ông chánh trương nghĩ thầm về cha:
”Ông này đã ra dở thật. Mặt mũi thì võ vàng, quầng mắt thì thâm đen, ăn nói lúc khôn lúc dại. Đến tội nghiệp!”.
và cố khuyên giải cha:
“Cán bộ họ không vận áo thâm chùng, thì người mặc áo thâm chùng không nên vận quần áo của cán bộ, ăn mặc phải cho nó phân minh…”.
Tất nhiên, cha Thư không hề có ý định bỏ đạo, ông chỉ muốn làm một thứ “linh mục đời mới” một chân trong nhà thờ, một chân thò ra ngoài xã hội, thực hiện đúng phương châm Nhà nước đề ra cho các nhà tu hành sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa: "tốt đời đẹp đạo”. Bởi thế, cha Thư mới tuyên  bố:
“ ôi vẫn dâng trọn đời tôi để rao giảng Tin Mừng, nhưng không ở nhà tu, không mặc áo chức. Tôi sẽ sống như mọi người…”.
Đó chính là cái hình mẫu “linh mục” “tốt đời đẹp đạo” mà Đảng và Nhà nước bấy lâu nay vẫn đưa ra làm mẫu mực trong Hội những “người công giáo yêu nước”. Hóa ra cái gọi là “triết luận về Thiên chúa giáo và chủ nghĩa xã hội” mà phê bình gia Vương Trí Nhàn gán cho “Cha và con” của Nguyễn Khải chẳng có gì ghê gớm mà chỉ “minh họa” chủ trương “tôn giáo vận” của Đảng và Nhà nước với hình mẫu quái thai “cha cố tốt đời đẹp đạo" mà thôi. Cái hình mẫu “quái gở" ấy nhất định vấp phải sự phản đối của con chiên. Bởi thế khi cha Thư xin một chân “lao động sản xuất” ở trại rau để “tự nuôi mình” lập tức bị ông Tài – con chiên, phản đối:
“Lạy cha, cha mà làm thế bằng trát bùn vào mặt chúng con còn gì. Xứ đạo này đâu đã đến nỗi túng thiếu?”.
Cha xứ vẫn khăng khăng đòi đi “lao động sản xuất":
“Họ nghĩ sao mặc họ, miễn là mình làm không sai…”.
Quả thực nhà văn viết về linh mục hay về thanh niên “tích cực lao động xã hội chủ nghĩa” đây? Chẳng thế mà ông cho linh mục hăng máu lên, mạt sát nhà thờ:
Tôi không muốn sống như các linh mục khác, sống như thế nhơ nhớp lắm, mỗi người nhơ nhớp mỗi cách. Tôi còn trẻ, tôi còn đủ thời giờ để lại chút ít tiếng tốt cho xứ đạo. Bằng không làm được gì hơn thì trả lại áo chức mà về. Sống như kẻ có tội đã đau đớn, lại không được phép cứu chuộc mới thật là đau đớn hoàn toàn…”.
Trải qua mấy thập kỷ, Nguyễn Khải liệu đã thấy rõ, ai là người sống nhơ nhớp? Các linh mục trong nhà thờ hay các quan chức ngoài đời? Bàn tay dàn xếp của ông nhà văn quá lộ liễu làm mất đi phần chân thực là cái cốt lõi, không thể thiếu cho một tác phẩm văn chương.
                           
                    

KỲ 46






Ban chánh trương không cho cha “tham gia lao động sản xuất” sợ mang tiếng, thì “cha đi lang thang khắp các dong xóm, vào nhiều nhà, hỏi han đủ chuyện và nếu chủ nhà giữ lại mời cơm thì cha trả lời rất nhũn nhặn:
”Tôi đã ăn rồi, tôi không ăn được nhiều, đừng có ép tôi…”.
Xưa nay, các xóm đạo được cha tới thăm là một vinh dự cả làng cả xóm, rục rịch chuẩn bị đón cha từ mấy ngày trước. Riêng cha Thư thì ngược lại, vì cha cứ tới luôn xoành xoạch “ngồi tiếp thì mất việc mà bỏ đi làm cũng không đành, nên vừa thấy sứ giả của Chúa lò dò vào cổng là trẻ con được bảo trước đã chạy vội ra nói dối bố mẹ hay ông bà nó vắng nhà…”.
Thật chưa ông linh mục nào giảm sút uy tín trong con mắt giáo dân như cha Thư cho dù đã cố gắng thực hiện phương châm “tốt đạo đẹp đời” mà Đảng và Nhà nước cho kẻ thành khẩu hiệu dán đầy ở các xóm đạo.
Đi xuống dân bị dân tránh mặt, cha Thư đành “đóng cửa ngồi lì trong phòng riêng đọc sách từ sáng đến tối, không tiếp một ai…”. Ngồi trong buồng chán, cha Thư mang sách ra ngoài trời đọc. Hôm đó cha tìm được một cụm tre ngay sát một cái cầu đá”, rất yên ắng và mát mẻ để ngồi đọc sách. Dân làng dường như đã quen với những hành vi khác thường của cha xứ nên khi cha vừa đi qua họ  liền ngoái cổ nhìn theo, cái nhìn bần thần xót tiếc: "Khốn nạn! Con người khỏe mạnh đẹp đẽ thế mà ra dở?”.
Cha xứ đã muốn “lìa đạo”, lại thêm ngồi đọc sách ở cái “cụm tre bên cái cầu đá” lại gặp một anh tu xuất, bỏ đạo về đời. Anh này đã học ở “tràng lý đoán” – tức trường học ra làm cha xứ được vài năm, đã “chịu phép cắt tóc là đã được vào sổ các thầy tư giáo”, trong Hội thánh có 7 chức thì anh ta đã “được chịu chức cầm nến tức là chức thứ tư rồi, chỉ còn hai năm nữa là anh ta đã thành linh mục năm mới 24 tuổi. Tu sắp thành “chính quả” vậy mà ngang xương bỏ về bởi lẽ những thầy dậy anh trong hội thánh đều là bọn mà anh ta cho là học vấn thì tầm thường, mọi quan niệm đều lạc hậu, tư cách lại hèn kém, nói cho thật họ không được phép rao giảng những lời cao đẹp…”.
Dựng nên nhân vật cha Thư chửi đạo dường như chưa thỏa lòng, ông nhà văn Nguyễn Khải phải đẻ thêm chàng “tu xuất” nữa để mượn mồm chửi tiếp. Anh này đưa ra lý do bỏ tu thật "cao quý”:
“ on chỉ không muốn bị dắt kéo bởi những người mù. Theo chân họ rồi có ngày bị sa hố…”.
Ta hãy thử tưởng tượng một chàng thanh niên tuổi măng tơ, vào trường dòng từ nhỏ, sắp sửa tốt nghiệp thành cha, vậy mà dám chê bai những người thày của mình là hèn kém, là dốt, là mù… thì anh ta nếu không phải phường vô ơn bạc nghĩa cũng là quân đầu đường xó chợ, trốn học đi bụi đời.
Sau lần cha Thư nghe thày “tu xuất” báng bổ đạo được vài ngày thêm ông cha Hòe hăng hái bôi đen cái áo choàng thâm nữa. Ông này kể về một “chiến sĩ đầy lòng quả cảm của Hội thánh, một nhà lãnh đạo và tổ chức hết sức khôn ngoan của địa phận", người đó là “cha Vinh” vừa mới bị "đuổi khỏi hàng ngũ giáo sĩ hết sức đột ngột” vì tội… hủ hóa.   
Bằng một giọng vô cùng khoái trá của kẻ tiểu nhân, cha Hòe kể lại vụ việc “ngã ngựa” của người đồng liêu. Trước  hết cha mạt sát:
“Ông Vinh được chết lành thì còn ai muốn giữ mình cho nên. Một đời mưu chước hại người, nay mới bị người hại lại. Mà dơ dáy vô cùng, dẫu người thân cũng phải che mặt mà tránh…”.
Chửi bới chán chê rồi cha mới đi vào tường thuật chi li bằng thứ ngôn ngữ chẳng phải của nhà tu hành chút nào:
“Cái đứa nữ ấy cũng đã ngoài ba chục tuổi, vốn có tính huê nguyệt, người mỡ màng phốp pháp, ăn nói cũng khôn khéo, ngọt ngào… Cha đã có tuổi hay đau ốm vặt nên cái đứa kia mới có dịp bưng cơm lên dọn cơm xuống, rồi hầu nước hầu thuốc, lâu dần thành cô hầu phòng, ngày nào không thấy đến, ông già lại có ý giận, có ý ghen…”.
Lẽ ra nói về "cái sự trượt ngã của người khác”, nhất của đức cha Tổng Giám mục, nếu là người có đôi chút tự trọng, ắt chỉ nói qua loa, vắn tắt, bóng gió, ngờ đâu, cha Hòe càng kể càng chi li, thích chí:
“Mà chuyện cũng đã dăm sáu năm nay rồi, chứ chẳng phải mới có ngày hôm qua Mãi đến đêm hôm vừa rồi, cái chuyện mờ ám giữa hai người mới hoàn toàn bị vỡ lở. Ai đời ngủ với nhau lại không cài then cửa bao giờ. Ờ thì cái chuyện ăn vụng bị bắt quả tang tiếng là xấu nhưng thế gian cũng đã thường. Cái tâm lý con người mình có thể hiểu được”.
Rào đón kỹ càng rồi, cha mới hạ nhục đồng liêu xuống đất đen:
Nhưng cái ông già ấy lại quỳ sụp xuống mà xưng con xưng cháu, khóc lóc kêu van những kẻ đối địch hãy tha thứ, hãy làm ngơ, cần gì sẽ dâng hiến bằng hết thì tôi không thể nào hiểu nổi. Cái tâm lý ấy nó kỳ quái quá, làm sao mà hiểu được…”.
Cái giọng bôi bác “thày cả” độc địa không chút tình cảm thông, đập một nhát cho chết, rõ là không phải giọng của linh mục “đồng liêu” mà là của … ông nhà văn ra sức bôi bác nhà thờ lấy điểm với Đảng:
Cấy ác thì gặp ác, dẫu là tôi tớ của Chúa cũng chẳng thể bênh. Chúa chẳng có tội gì còn bị đẩy lên khổ giá huống hồ một kẻ tội lỗi chất chồng. Rồi còn nhục nhã hơn nữa kia, chưa hết đâu…”.
Thật khó hiểu vì sao, đức cha Hòe sau khi đã thỏa thuê mạt sát đức cha Vinh tội hủ hóa, lại còn lớn tiếng chửi bới suốt lượt cả giới linh mục nhà Chúa mà chính ông ta cũng là một thành viên:
Có nhiều cha hễ mở miệng nói rặt điều nhân đức nhưng cách sống lại rất đáng phàn nàn. Chuyện ông Vinh chỉ là một chuyện vặt được lôi ra trước công luận. Còn lắm chuyện hệ trọng hơn vẫn được nhiều đấng bậc ở tòa giám giữ kín trong bóng tối, con là cái thằng hay thóc mách nên cũng biết được ít nhiều. Vì được biết ít nhiều nên con mới dám nói này nói nọ mà không sợ bị phạt vạ treo chén. Họ làm bậy còn được quyền tế lễ Chúa, huống là con…”.
Thực là một lời tố cáo hết sức đanh thép “sự thối nát” của Tòa Giám mục, nhất từ miệng đức cha sống ngay trong nhà Chúa thử hỏi ai còn dám nghi ngờ.
Bôi đen đạo Thiên chúa là cảm hứng xuyên suốt “Cha và con và…” cho tới tận chương cuối. Ông cha Vinh sau khi bị bắt quả tang ngủ với cô hầu phòng đã “cướp quyền của Đức Chúa Trời, tự hủy hoại cuộc sống của mình. Khi người nhà xứ phá cửa vào đã thấy xác treo lủng lẳng...”.
Thế rồi một hôm cha quản hạt cho gọi cha Thư – ông linh mục đang “chán đạo muốn về đời”, tra vấn:
Xin cha tha lỗi cho tôi nếu tò mò muốn hỏi một câu này: cha còn điều gì chưa được hoàn toàn hài lòng về những người cộng sản?”.   
Đó là một xúc phạm với cha Thư - vốn rất cảm tình với cách mạng, bởi vậy cha nghiêm mặt:
“Thưa cha, sao cha lại hỏi con chuyện đó?”.
Rồi cha bầy tỏ “lập trường cách mạng”:
“ on cảm phục cuộc cách mạng nói chung, có cách mạng chúng con mới được làm người tự do, làm một giáo sĩ tự do. Nhưng con chưa thể hoàn toàn bằng lòng những cán bộ cách mạng nói riêng. Đến là mâu thuẫn. Nhưng… thưa cha, con có thể sống được lâu dài với cái mâu thuẫn ấy. Vì con biết vâng lời người cầm quyền...”.
Ông nhà văn Nguyễn Khải quả rất ranh ma khi mượn lời toàn người nhà Chúa mạt sát các đấng chăn chiên. Cuốn sách gọi là tiểu thuyết “Cha và con và…” thực ra là một bản án hết sức nặng nề đối với Thiên chúa giáo tại Việt Nam mà lạ thay gần 40 năm sau khi ra đời vẫn chưa một ý kiến phản biện nào thuộc phía những người bị bôi xấu. Cuốn sách vẫn nghiễm nhiên là một “thành tựu” trong kho tàng văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam.         
                                  
(còn tiếp)
------------------------------
* nguồn: blog nhattuan
                                                                            

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét