KỲ 53
(tiếp theo)
Đó là viết về lãnh
tụ, thế còn «quần chúng nhân dân».
Xã hội miền Bắc vào
những thập kỷ 60 luôn luôn náo động bởi những đợt «học tập chính
trị». Nào «chỉnh huấn mùa xuân mùa thu…» nào «tình
hình nhiệm vụ mới» trong đó Đảng luôn luôn không để cho dân chúng được
yên mà thông qua những đợt "vận động" đó để kiểm soát, rèn giũa tư
tưởng sao cho toàn xã hội không còn le lói một tia sáng «phản
loạn». Nhận định về thời kỳ đó, Nguyễn Khải viết:
«Người dân
ở đâu cũng thế, đều muốn có một cuộc sống bình yên, được tính việc cá nhân và
gia đình trong một khoảng thời gian dài, một trăm năm chẳng hạn, không có những
thay đổi lớn trong lối sống, trong công ăn việc làm, trong các giá trị, đặt
biệt là giá trị của đồng tiền. Chứ cứ phải sống mãi từ năm này qua năm khác
trong các phong trào cách mạng, lúc chống tả lúc chống hữu, những hội nghị toàn
quốc và địa phương nối nhau không dứt, những hô hào la hét từ trong nhà ra
ngoài đường như một lũ hóa rồ, các quan hệ xã hội và các giá trị thay đổi soành
soạch thì còn biết đằng nào mà sống...».
Những «phong trào cách mạng», «những
hội nghị toàn quốc», «những hô hào la hét... như một lũ hóa
rồ»… chính là những «liệu pháp» kích động cơn lên đồng
tập thể của quần chúng để tập trung vào những mục tiêu mà Đảng dẫn dắt toàn xã
hội phải chú ý tới. Chính vì vậy không còn «khoảng trời riêng» cho
cá nhân, không còn «giây phút tĩnh lặng» để ngắm một bức tranh tĩnh
vật. Dường như «âm thanh và cuồng nộ» là đặc trưng cơ bản nhất
của một xã hội cộng sản nhất vào thời chiến tranh mà chiến tranh thì kéo dài
liên miên khiến trong vòng nửa thế kỷ nó trở thành «vật bất ly
thân» của xã hội đó.
Trong suốt cuộc đời
Nguyễn Khải, dường như ông viết văn dưới
sự cưỡng ép của những quan điểm văn học của Đảng, về cuối đời chưa giải thoát
được nó trong sáng tác, thì ông rũ bỏ nó bằng tuyên ngôn. Trước hết ông
vạch trần sai lầm của lý thuyết mác xít ảo tưởng "cải
tạo con người":
«Do không
hiểu con người cá nhân, hoặc chỉ hiểu theo những phân tích máy móc, nông cạn
của chủ nghĩa duy vật cơ giới của thế kỷ 19, nên các nước xã hội chủ nghĩa mới
dám đặt ra những mục tiêu huênh hoang nhằm cải tạo con người trong vài thập kỷ
nếu môi trường xã hội thay đổi».
Theo Nguyễn Khải,
tất cả những thứ «cải tạo» đó là vô bổ, bởi
lẽ:
«Về cái thế
giới tinh thần của mỗi cá nhân hãy để cho mỗi cá nhân tự lo liệu lấy, nó không
thích người khác can thiệp bằng bất cứ cách nào".
Chính vì quan niệm
cần và có thể cải tạo được con người Đảng đã chất lên vai nhà văn cái danh hiệu «kỹ sư tâm hồn», coi nhà văn như nhà giáo:
«Nên mới gọi nhà văn là “kỹ sư tâm hồn”… Cái
mục đích “tải đạo”, “giáo dục” của văn chương không bao giờ lộ liễu, lộ liễu là
văn chương tồi".
Nguyễn Khải cãi lại
Đảng bằng những lời thật hào sảng:
«Vả lại
chính người viết cũng không có ý định ấy, họ viết bằng tâm sự thành thật của
mình, những trải nghiệm đau đớn của mình, họ viết cho họ trước rồi cho độc giả
sau, có khi họ cũng chả nghĩ đến những người sẽ đọc họ, viết mà chơi thôi, viết
để giải sầu rồi tự mình ngậm ngùi với mình, ứa lệ với riêng mình. Chả trách ai
cả, chả giận ai cả, cũng chả lên án một ai. Vì không có vật cản nào nảy sinh
trong ta khi đọc nên chữ nghĩa của tác phẩm cứ mặc nhiên trôi vào tận những kẽ
ngách trong cái tâm sự u uẩn, những khát vọng thầm kín của riêng ta, đọng lại
trong ấy, rồi cứ thẩm thấu dần dần vào cái thế giới tinh thần của ta một cách
vô thức, giúp ta nhận ra một vùng sáng mới lạ nào đó, gột rửa một vài thành kiến,
thay đổi một vài quan niệm, và ta vẫn nghĩ một cách khoan khoái là chính tự ta
đã chủ động thay đổi, tuyệt nhiên không theo lời chỉ bảo của một ai cả, của một
học thuyết nào cả, hoặc nhập vào một cách bất chợt một phong trào thời thượng
nào cả. Bất cứ cái gì xa lạ với bản tính của mình, với thói quen của mình, nói
một câu, với những gì làm nên lai lịch của mình, chả sớm thì muộn đều bị đào
thải để mình lại được trở về với cái nguyên gốc...".
Than ôi, lẽ ra trong
sáng tác, Nguyễn Khải «tuyệt nhiên không theo lời chỉ bảo của một ai
cả, của một học thuyết nào cả, hoặc nhập vào một cách bất chợt một phong trào
thời thượng nào cả» như ông đang tuyên ngôn – tiếc thay mọi
việc đã diễn ra theo chiều ngược lại, ông đã tự cầm tù trong dòng «văn chương phải đạo», viết ra hàng loạt, hàng loạt
những tiểu thuyết truyện ngắn mà bây giờ chế độ cộng sản tuy còn đó mà văn
chương xu phụ nó đã bị quăng vào sọt rác của lịch sử. Lẽ ra bằng tài năng, ông
có thể viết ra một thứ văn chương để đời:
«Văn chương
do con người làm ra để trao tặng cho con người một cách tự do nhất, ít bị ép
buộc nhất. Chỉ có văn chương mới tôn trọng mọi giá trị của cá nhân, tôn trọng
mọi lựa chọn của cá nhân kể cả những thành kiến phi lý của họ. Họ có quyền yêu
mình hoặc ghét mình, tôn vinh mình hoặc nguyền rủa mình, chả sao cả. Người
viết cứ viết người ghét cứ ghét kể cả cái quyền ném sách vào lửa".
Đó là thứ văn chương
«tôn trọng mọi giá trị của cá nhân» chứ không phải thứ văn chương
«phục vụ chính trị», «phục vụ kịp thời» như Nguyễn Khải
đã để lại cho người đời sau. Và cuối đời nhìn lại, so sánh với các nhà văn
trong «thế giới tự do», Nguyễn Khải đã thấy xót xa trong
lòng:
«Năm đất
nước mới thống nhất vào Sài Gòn được gặp gỡ các nhà văn nhà báo, các nghệ sĩ của chế độ cũ mà thèm. Họ sống thoải mái quá, nói năng
hoạt bát, cử chỉ khoáng đạt, như chưa từng biết sợ ai. Còn mình thì đủ thứ sợ,
sợ gặp người thân vì chưa rõ họ có liên quan gì với Mỹ Ngụy? Nói cũng sợ vì nói
thế là đúng hay sai? Đến vẻ mặt của mình cũng phải canh chừng, vui quá sợ mất
cảnh giác, khen quá có thể đã ăn phải bả của nền kinh tế tư bản. Người lúc nào
cũng căng cứng, nói năng gióng một nên bị bà con trong này chê là quê, nhà văn
nhà báo gì mà “quê một cục” (…). Tôi còn sợ rồi sẽ có ngày lịch sử sẽ trừng
phạt mình vì cái tội muốn khôn hơn lịch sử, muốn đánh lừa lịch sử!».
Tiếc thay, lời
«phản tỉnh» này được nói ra ngay tại Sài Gòn vào tháng 4 năm 1975
thì sự hòa hợp giữa các nhà văn của hai miền đã thành tựu được một bước khá
dài. Cái thân phận «nhà văn cách mạng» được Nguyễn Khải nhớ lại
nghĩ thật là thảm:
"Trong nửa thế kỷ sống dưới sự lãnh đạo
của một Đảng theo học thuyết Mác Lê, tôi luôn luôn được nhắc nhở phải tôn trọng
quần chúng, sức mạnh của quần chúng có thể thay đổi dòng chảy của lịch sử và số
phận của nhiều cá nhân (…). Một xã hội có hàng triệu cá nhân không được đếm xỉa,
không được tôn trọng nhưng một nhúm cá nhân lại được tôn vinh hết mức và được
được hoàn toàn thỏa mãn trong mọi nhu cầu là cái xã hội gì đây, là xã hội kiểu
mẫu cho nhân loài tương lai ư?! Nói miệng mấy chuyện kỳ cục này đã khó nghe,
lại còn viết thành văn mà các nhà văn không thấy ngượng sao? Ngượng thì vẫn
ngượng nhưng chả lẽ lại gác bút, gác bút thì nuôi vợ con bằng gì? Nghĩ tới
miếng ăn lại phải quên hết để sự bán mình cho quyền lực được hoàn toàn".
Nhưng «bút ký
chính trị» của Nguyễn Khải còn đi xa hơn chuyện văn chương.
(còn tiếp)
------------------
* nguồn: nhật tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét