Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

chân dung hay chân tướng nhà văn [kỳ 51] - nhật tuấn

KỲ 51




         
                                

                                                                                                      
Đó chính vì khi "đời ta có Đảng" xã hội chuyển sang thời kỳ tăm tối còn hơn cả phong kiến:
"Còn thời bây giờ là một xã hội mạnh ai nấy lo, người người lấn chen nhau, tranh cướp nhau vì những tham vọng không được kìm nén, kỷ cương cũ bị xóa bỏ, kỷ cương mới chưa kịp hình thành, mọi sự đều phải làm lại từ đầu từ quốc kỳ, quốc ca, quân kỳ… Nhưng xem ra chả có mấy ai than thở về hiện trạng hỗn loại, họ cảm thấy thoải mái, bằng lòng với cuộc sống đầy bất trắc của hiện tại vì lần đầu tiên họ được lựa chọn cách sống của mình, thắng thua tự mình gánh chịu, cũng là lần đầu họ biết nhận ra cái “bản lai diện mục” của chính họ".
Nhà văn Nguyễn Khải cả gan ca ngợi xã hội tư bản là mảnh đất ươm những tài năng:
"Cách tổ chức xã hội của giai cấp tư sản dẫu có xấu xa tới tận đâu cũng vẫn tạo được những môi trường tự do và dân chủ hơn, mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển tài năng của mọi cá nhân và của cả cộng động".
Còn xã hội "xã hội chủ nghĩa", chẳng hạn như Liên xô, lại là mảnh đất chết tiêu diệt tài năng vì tính chất "trại tập trung" của nó:
"Lại lấy thêm một ví dụ về nước Nga trong non một thế kỷ qua. Dưới chế độ Xô Viết, người dân Nga được nhà nước chăm lo hoàn toàn từ khi sinh đến khi chết, nhưng họ vẫn không thích, vẫn thấy ngột ngạt vì đó là cuộc sống không phải lo nghĩ của một trại tập trung, con người bị đánh số, bị xếp theo khuôn, theo hàng, chỉ nhìn thấy đám đông chứ không thể nhìn ra từng con người riêng biệt, kể cả trong triết học và văn chương".
Đó là một bước tiến lớn trong hành trình tư tưởng của Nguyễn Khải. Ông đã nhìn ra được cái cốt lõi của chủ nghĩa cộng sản: "đánh đồng mọi giá trị" , trộn lẫn cái cao thượng với cái ti tiện, đồng mẫu số chung toàn bộ xã hội khiến cái "cá nhân" bị tiêu diệt chỉ còn lại bản mặt của đám đông.
Trong một xã hội như thế chẳng riêng gì văn chương mà các ngành nghệ thuật, khoa học khác cũng đều ngắc ngoải hoặc biến thành dị dạng. Từ đó ông công nhận những mặt sáng của chế độ thực dân:
"Chế độ thực dân tuy tàn bạo nhưng nó là sản phẩm của thời đại này nên nó vẫn có khả năng ươm cấy nhiều nhân tố tích cực, có giá trị bền vững cho những xứ sở nó đô hộ.
Những nhân tố tích cực, những "giá trị bền vững" đó chính là những thành tựu văn hóa nghệ thuật và khoa học kỹ thuật đã được "ươm cấy" trong lòng xã hội thực dân.
Tiếp tục nhận diện cái xã hội "xã hội chủ nghĩa" nơi ông lớn lên và đang sống, Nguyễn Khải vạch ra cái bản chất "toàn trị", "chuyên chế" của nó:
"Bất cứ nhà nước nào lấy học thuyết xã hội hoặc tôn giáo thay cho hiến pháp thì trước sau sẽ chuyển đổi thành nhà nước chuyên chế".
Tại sao như vậy? Chính là vì trong toàn xã hội không phải ai cũng đồng thuận với cái "học thuyết" đó. Và ý chí phản kháng, tất nhiên bị đàn áp – đó là bi kịch trước hết của trí thức:
"Vì trong hàng triệu công dân sẽ có nhiều nhóm người không cùng lòng tin, không cùng tín ngưỡng với nhà cầm quyền. Họ trở thành những cộng đồng đáng ngờ, sẽ bị phân biệt đối xử, trước hết là mất quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do xuất bản. Đó là nói về tầng lớp trí thức".
Thế còn thường dân? Họ cũng bị tước đoạt "kiểu sống" của họ để nhét chung vào một rọ "cách sống kiểu mẫu chung của xã hội":
"Còn những người làm các nghề khác, chả dính dáng gì đến sách vở cũng sẽ cảm thấy bị tước đoạt nhiều quyền tự do, như quyền tự do lựa chọn cách sống của riêng mình chẳng hạn. Đã độc quyền về tư tưởng tất nhiên sẽ độc quyền cả về cách sống, vì mỗi học thuyết đều có phần đạo lý của nó, nó cần tiêu chuẩn làm người đã được lý tưởng hóa của nó để làm khuôn mẫu cho tu sĩ và tín đồ".
Đó là tình trạng hiện nay của xã hội Việt Nam khi "toàn Đảng toàn dân" được phát động học tập theo "gương đạo đức của bác Hồ", còn trước đây là "sống học tập theo hình mẫu con người mới xã hội chủ nghĩa".
Trí thức và thường dân đã vậy, thế còn các nhà văn – tín đồ trung thành của Đảng, họ sống và viết ra sao trong xã hội "chuyên chế" đó:
"Lại nói về những tín đồ trung thành của chủ nghĩa Mác, những chiến sĩ theo cách mạng từ thuở mới lập nước là đám văn nghệ sĩ chúng tôi cũng “sống không dễ” trong sự viết lách. Viết đúng luật lệ thì chỉ có hai chủ đề: căm thù và hy sinh. Cũng chỉ có ba loại người được tôn vinh: công, nông, binh. Cái thế giới mênh mông, nhiều màu sắc ngày một thu hẹp và chỉ có hai màu: đỏ là quân ta, đen là quân địch".
Cái bi kịch lớn nhất của người cầm bút là sự thắt buộc, xét nét trong sáng tác, giản lược hóa đời sống thành những sơ đồ cứng nhắc và đơn điệu:
"Văn chương cách mạng thoạt đầu cũng lạ so với văn chương thời trước nên được bạn đọc trẻ hoan nghênh. Nhưng cứ phải đọc mãi một vài đề tài quen thuộc, một vài loại người quen thuộc và những tâm trạng rất quen thuộc ngay những bạn đọc trung thành cũng phải chán. Chính chúng tôi cũng tự chán mình. Tài đã kém lại bị bó chặt từ đầu tới chân, xoay tới xoay lui cũng chỉ có một vòng quay, ú ớ một cách nói, càng viết càng nhảm cũng là phải".
"Xoay tới xoay lui cũng chỉ một vòng quay, ú ớ một cách nói" - nhà văn khác nào nghệ sĩ múa ballet bị đẩy ra sân khấu mà lại bị buộc hai chân với nhau chỉ bằng một đoạn giây. Vậy sao mà nhảy?
Trong giới cầm bút, chắc không ai thấm thía cho bằng Nguyễn Khải cái ê chề, nhục nhã của một nhà văn bị buộc phải viết theo "yêu cầu chính trị": 
"Một nền văn nghệ phải phục vụ chính trị (mà chính trị thì sớm nắng chiều mưa) là đã mất một nửa tự do rồi, lại phải phục vụ chính trị theo nghĩa các chủ trương, chính sách của từng thời kỳ thì còn gì là tự do nữa. Ấy là chưa nói mỗi cấp cầm quyền lại có những yêu cầu riêng, những cách đối xử riêng, lúc nhu lúc cương, cái thằng nghệ sĩ chả còn biết lối nào mà lần".
Tất nhiên chạy theo những yêu cầu nhất thời của chính trị, văn chương làm sao có được những tác phẩm để đời. Chính vì vậy Nguyễn Khải riễu cợt các thứ giải thưởng văn chương trong chế độ cộng sản:
"Văn chương đã đến nông nỗi ấy mà vẫn có giải thưởng quốc gia, nhưng những tác phẩm được giải thưởng Lenin, Stalin liệu có còn cuốn nào được người Nga hôm nay muốn đọc lại. Tôi cũng được giải thưởng văn chương cao nhất cấp quốc gia, nhưng tôi biết chỉ mươi năm nữa, thời thế đổi thay chắc chả còn ai nhớ tới mình nữa".
Hơn ai hết, Nguyễn Khải tự biết tác phẩm "phục vụ chính trị của ông" rồi đây sẽ "tung tóe" hết và ông chỉ là nhà văn của một thời:
"Tôi là nhà văn của một thời, thời hết thì văn phải chết, tuyển tập, toàn tập thành giấy lộn cho con cháu bán cân. Buồn nhỉ? Nghĩ lại cũng chả có gì phải buồn, con người vốn sống trong những chiều kích hữu hạn lại mơ tưởng những gì do con người làm ra sẽ thuộc về vĩnh viễn, có họa rồ! Tất nhiên vẫn có nhiều công trình của trí tuệ thuộc về cõi bất tử nhưng là của các thiên tài. Với bộ não con sâu cái kiến, ngước nhìn những cái đầu khổng lồ ấy làm gì cho thêm buồn ra. Hãy viết những gì trong cái tầm nhìn tầm nghĩ của con sâu cái kiến vậy. Một cách nghĩ thiếu “tự hào dân tộc” nhưng chắc chắn là một cách nghĩ đúng. Đã từng có những quốc gia từng nghĩ từng viết rất tự hào, rất kiêu hãnh rằng dân tộc họ đã sải bước trước nhân loại cả trăm năm, sắp chạm tay vào cánh cửa thiên đàng rồi! Mà rồi sao nhỉ? Là như mỗi chúng ta đều đã được chứng kiến trong suốt mấy chục năm nay đấy! ".
Đúng là nỗi buồn đến ê chề của một nhà văn biết rằng mình trắng tay đi sang thế giới bên kia sau cả một đời cầm bút tận tụy phục vụ Đảng.

(còn tiếp)
-------------------------
* nguồn: blog nhattuan


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét