Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

về "Kẻ tử đạo cuối cùng" của đào hiếu - nguyễn trần sâm



 


Trong số các tác phẩm của Đào Hiếu, Kẻ Tử Đạo Cuối Cùng có lẽ không phải là tác phẩm mà ông tâm đắc nhất. Ở mức độ nào đó, nó có vẻ như chuyện đùa. Viết cho vui, để giải trí. Và để tạo ra sự đa dạng của các mảng đề tài.
Vậy mà những vấn đề mà nó đặt ra, hoặc gợi ra, thì hoàn toàn nghiêm túc. Những câu hỏi không mới, chúng đã có từ hàng trăm năm, nhưng không hẳn là dễ trả lời. Đó là những câu hỏi về lẽ sống, về nghệ thuật. Và cả vấn đề về (tâm hồn) những cô gái đẹp.
*
Câu chuyện chủ yếu nói về bốn người đàn ông còn khá trẻ, thuộc hai “tuyến”. Tuyến thứ nhất có: Phạm Hưng – nhà soạn nhạc, Lê Đạo – nhà văn, Nguyễn Xuân Đắc – nhà điêu khắc; cả ba đều chưa mấy nổi tiếng. Tuyến thứ hai chỉ có một nhân vật: đó là một kẻ lang thang, không gia đình, không bạn bè, không tài sản, không nhà. Và sống gần như vô mục đích. Anh ta có một cái tên nhưng cũng chẳng mấy khi có người gọi đến. Có thể gọi anh ta là Kẻ Điên Khùng.
Hai tuyến nhân vật này vừa đối lập nhau, vừa có những đoạn trùng nhau. Và chính những đoạn trùng nhau này làm cho sự đối lập trở thành đối kháng đến cực độ. Đến mức họ không thể cùng tồn tại. Thậm chí phải cùng chết!
Hoạt động sống của bốn nhân vật này xoay quanh hình bóng một cô gái trẻ đẹp bán cà phê, tên Hồng. Nhưng cô ta chỉ đóng vai trò một sức hút vô hình. Sự tồn tại của cô thực sự rất mờ nhạt. Cô ta đẹp, có lẽ là rất đẹp. Nhưng chỉ có vậy. Ngoài một vài động tác (“khuấy cà phê cho nhà văn bằng những ngón tay thon thả của mình, chậm chạp, lặng lẽ và trìu mến”) và một hai câu nói khá nhỏ nhẹ, cô không thể hiện gì thêm. Gần như không có tính cách.
Vậy mà cả bốn người đàn ông khá trẻ kia đã phải sống và chết vì nàng. Trong cả tâm và trí của họ không có gì khác, ngoài Hồng.
Họ yêu Hồng, nhưng chưa ai từng được chạm vào người nàng, thậm chí chạm vào tay cũng không. Cả Nguyễn Xuân Đắc là người đã từng ngủ với hàng chục người đàn bà con gái, trong đó có người được anh yêu quý hẳn hoi, khi có mặt Hồng cũng thấy sợ. (“Khi nhìn xuống đất thấy mấy ngón chân trắng hồng của cô gái, tim anh hồi hộp và anh chỉ muốn bỏ đi. Lúc cái bàn chân xinh đẹp kia biến mất, Đắc mới choàng tỉnh, hấp tấp đứng dậy.”) Cả Kẻ Điên Khùng, mặc dù có gan giết người và không thể sống nếu không có Hồng, cũng chưa từng cả gan chạm vào người nàng. Chỉ dám nói “Không có em anh sẽ chết mất” và “cầm chiếc guốc của cô gái lên hôn hít như điên như dại”. Họ yêu Hồng để tôn thờ, như yêu một vị Chúa Trời.
Chính vì vậy mà Lê Đạo đã đề xướng ra một cái đạo, gọi là Hồng Đạo. Để tôn thờ Hồng, tôn thờ cái đẹp. Điều đó đối với bộ ba Hưng-Đắc-Đạo là hoàn toàn hợp lý. Vì họ đều là những nghệ sĩ thực thụ. Mà nghệ sĩ thì còn cần tôn thờ gì, ngoài Cái Đẹp? Và một khi có hàng triệu người tự nhận mình là tín đồ của một cái “đạo” gọi là Maradona-đạo, thờ một cựu danh thủ bóng đá tuy từng rất có tài nhưng cũng không ít những trò nhiễu nhương, thì Hồng Đạo tôn thờ một người con gái đẹp – tại sao không?
Và ba người đã cắt máu hòa rượu uống thề, như Lưu Quan Trương tại yến Vườn Đào. Đoạn này được Đào Hiếu kể lại bằng giọng văn “trang trọng”, vừa hơi giống Tam Quốc Diễn Nghĩa, vừa có hơi hướng tiểu thuyết võ lâm, chỉ khác là có một từ “Whisky” rất “tây” và rất “hiện đại”:
“Nói xong Lê Đạo cầm con dao cán ngà lên cứa vô cổ tay mình một nhát, nhểu mấy giọt máu vô chén rượu Whisky. Hưng và Đắc cũng bắt chước làm theo. Khi máu của ba người đã hòa lẫn vào trong rượu, Lê Đạo liền kính cẩn nâng chén rượu lên ngang mày, gọi tên HỒNG ba tiếng rồi đưa chén rượu lên môi uống một phần tư. Uống xong, anh trao chén rượu cho Hưng và nhắc:
“ - Các ngươi nhớ chừa lại một phần tư…”.
Những sự việc tiếp theo là hai hành động cực đoan của Kẻ Điên Khùng (tự đốt ngón tay và cắt một tai) làm Hồng và quán cà phê phải trải qua những chấn động khủng khiếp. Nhưng rồi vài tháng sau mọi việc trở lại gần như bình thường.
Nửa năm sau thì ba “đạo tử” đã bắt đầu gặt hái những thành quả của việc theo Hồng Đạo. Từ những nghệ sĩ ít nhiều có năng khiếu và tâm huyết, họ đã trở thành những tài năng lỗi lạc, giống như quỷ thần đã nhập vào họ. Và không nghi ngờ gì, chính tình yêu với bản chất tôn thờ đã làm nên điều kỳ diệu.
Hưng đã biến căn phòng vốn sạch sẽ ngăn nắp thành một nơi bừa bộn, bởi sự sạch sẽ ngăn nắp giờ đây chẳng còn ý nghĩa gì trước niềm đam mê quên cả trời đất và cả bản thân. Anh đàn, và viết nhạc, với “khuôn nhạc của anh to như những luống cày, như những đường ray không thẳng hàng, nốt nhạc thì có khi chỉ là những nét vạch chéo, những vòng tròn lệch, và những dấu móc thì bay bướm như lá cờ phướn, như đuôi con chim trĩ”. Không có thời gian cho sự nắn nót, khi thác âm thanh mà chỉ mình anh nghe thấy ập đến, nếu không viết vội ra giấy thì chúng sẽ kéo nhau bay đi mất. Đó là lúc người nghệ sĩ chìm trong một sự quên lãng ngọt ngào, và cả thế giới chung quanh không còn tồn tại đối với chàng. Chàng đã viết 15 bản sonate, trong đó có Sonate Cánh Chim mà chàng đắc ý nhất. “Hưng sử dụng nhiều hợp âm rải để tạo ra sự mênh mang của nỗi nhớ, và khi giai điệu đi đến cuối con đường của nó, anh để cho tay trái lồng lên với những chùm hợp âm táo bạo chuyển sang Mi trưởng”. Rồi “chàng đàn đi đàn lại không biết bao nhiêu lần, quên cả mệt mỏi, quên cả thời gian, quên cả giấc ngủ…”.
Chưa hết.
Nhưng bỗng nhiên đang bước đi giữa phố thì dòng nhạc ở đâu bỗng lùa về như gió lộng trong thảo nguyên mênh mông giữa đêm lạnh buốt. Chàng nhìn thấy một ánh lửa du mục cháy lập lòe trong sương mù và chàng hoảng hốt, cuống cuồng sợ dòng nhạc trôi đi mất”.
Đó là lúc chàng cho ra đời bản Sonate Theo Gió Bay với số phận trôi nổi. Nó bị gió cuốn đi tan tác và chỉ quay trở lại với chủ nhân do một sự may mắn đặc biệt.
Nguyễn Xuân Đắc “tạc hai bức tượng bán thân, một bức Hồng mặc áo xẩm, kẹp tóc đuôi gà, bức kia Hồng khỏa thân, tóc bay tự nhiên”. Nhưng chàng vẫn chưa ưng ý. Chàng suy nghĩ rồi quyết định ra Bãi Dâu tạc một bức tượng mà nửa thân thể Hồng như lộ ra từ trong đá, trên một ngọn núi. Sau 15 ngày đêm gần như liên tục ăn ngủ tại chỗ, chàng đã hoàn tất bức tượng mà gần như ngay lập tức nó đã làm chàng trở nên nổi tiếng ở cả trong và ngoài nước.
Còn Lê Đạo, chàng quyết định viết một pho kinh cho Hồng Đạo. Để làm việc đó, chàng đã phải đọc kỹ cả Kinh Tân Ước của đạo Ki Tô, 160 bài phong của Kinh Thi, và Nam Hoa Kinh của Trang Tử. Rồi chàng quyết định tìm ra bút pháp riêng của mình. Trong Hồng Đạo Kinh, chàng đã chép lại mọi việc, từ lúc Hông ra đời, lớn lên thành một tuyệt thế giai nhân, kể lại các mối tình của ba đạo tử chính thức và của Kẻ Điên Khùng chống lại họ nhưng thực chất cũng là tín đồ Hồng Đạo.
Một pho “kinh” như vậy đương nhiên là làm cho rất nhiều tầng lớp trong xã hội nổi điên. Đặc biệt là những tầng lớp đáng kính: các chính trị gia, các giáo sư, các nhà giáo dục, giới tăng lữ, và cả những lực lượng “bảo vệ chế độ”. Nhưng họ càng phê phán bao nhiêu thì càng làm cho giới tín đồ của Hồng Đạo đông đảo bấy nhiêu, nhất là trong giới trẻ.
Trong khi đó, Kẻ Điên Khùng, đóng vai một nhà sư khất thực, vốn không muốn chia sẻ tình yêu với bất cứ ai, đã không từ một hành động cực đoan và dã man nào để triệt hạ mọi nguy cơ phải chia sẻ. Y đã đập phá tan tành chiếc piano của Hưng, hai bức tượng bán thân tả Hồng và bức tượng Đắc tạc chính mình dưới chân Hồng trên núi ở Bãi Dâu. Rồi y lần lượt bắn chết Đắc và Hưng, bắn trọng thương Lê Đạo (mà y tưởng là cũng chết). Sau đó, y đánh thuốc mê Hồng, vác nàng ra bến sông, trói nàng lại, và khi Hồng tỉnh dậy, y đã tự thiêu trước mặt nàng.
Lê Đạo, linh hồn của Hồng Đạo, tuy không chết vì ba phát súng của Kẻ Điên Khùng, nhưng đã tự tìm đến với Thần Chết sau một cuộc gặp đầy bất ngờ. Nhưng trước khi nói đến cuộc gặp đó, ta hãy nói đến một nhân vật nữa. Đó là nhân vật thứ năm, một nhân vật phụ. Ông ta là Hoành Bá, một chủ tiệm chạp phô người Tàu, không biết cả chữ Việt lẫn chữ Tàu và bỗng nhiên trở nên giàu có vì bán được bộ chén cổ mà Lê Đạo phát hiện ra trên đó có ghi “Càn Long nội phủ”. Bán xong thì ông ta không còn sống ở Sài Gòn nữa.
Lê Đạo nằm viện gần một năm. Vào thời gian cuối, chàng nghe tin Hồng mất tích và có khả năng đã tự sát. Vừa ra viện, chàng đã lập tức tìm đến nhà Hồng. Không dò được gì, chàng quyết định đi Phan Thiết tìm Hoành Bá với hy vọng dò hỏi được điều gì đó về tung tích của Hồng. Có thể nói câu chuyện đã chấm dứt tại đó. Một kết thúc quá bất ngờ nhưng không phi lý: Lê Đạo nhận ra người đàn bà trẻ đẹp đang ngồi đấm lưng cho Hoành Bá chính là đối tượng tôn thờ của cái Đạo của chàng và các bạn chàng! Diễn biến tiếp theo dẫn đến cái chết logic của Lê Đạo chỉ còn là để hoàn tất câu chuyện.
Lê Đạo chết. Nhưng không phải chết cho Đạo, mà chết vì sự sụp đổ của Đạo. Vì đối tượng để tôn thờ tỏ ra quá tầm thường.

*
Việc Lê Đạo phát hiện ra sự tầm thường của Hồng đã đưa anh và chúng ta trở lại thế giới thực. Đó là một thế giới với không ít những cái đẹp, nhưng cũng đầy những cái không đẹp, và cả những cái rất xấu. Trong những cái không đẹp có thế giới nội tâm của những người đẹp, kể cả những người đẹp đến mê hồn, đẹp đến mức mà nhìn vào ta hầu như luôn có cảm giác chiều sâu tâm hồn họ là vô hạn. Ta không thể tin rằng họ có thể làm việc gì đó không xứng đáng. Nếu bạn là nhạc sĩ chẳng hạn, bạn sẽ tin rằng nàng có thể cảm thụ được đầy đủ các bản nhạc mà bạn soạn ra. Không loại trừ có những người đẹp như vậy, nhưng than ôi, đa số những người đẹp không thuộc loại đó!
Như vậy thì Đạo, Đắc và Hưng là những kẻ ngu xuẩn chăng? Họ đã tôn thờ cái không đáng tôn thờ? Bằng chứng là cuộc gặp cuối cùng giữa Lê Đạo và Hồng tại nhà Hoành Bá? Những đầu óc thực dụng hoàn toàn có thể dùng sự kiện này và cái kết cục bi thảm của câu chuyện để chứng minh rằng các “đạo tử” là những kẻ điên rồ, ngu ngốc, thậm chí kết tội họ vì đã đầu độc hàng ngàn thanh niên trong trắng.
Nhưng việc đánh giá họ lại là vấn đề khác. Ở đây, cần phân biệt đối tượng của sự tôn thờ với bản thân sự tôn thờ, phân biệt người được yêu với tình yêu. Tình yêu thực sự, dù là mù quáng, dù là hướng tới một người không đáng được yêu, vẫn có nét đẹp của nó. Sự tôn thờ, nhất là tôn thờ cái đẹp, bao giờ cũng có khía cạnh đáng trân trọng. Ngay cả sự tôn thờ của Kẻ Điên Khùng cũng không hoàn toàn đáng lên án.
Cho dù Hồng không đáng để những người đàn ông kia yêu say đắm và tôn thờ như vậy, nhưng rõ ràng chính sự say mê chứ không phải bất kỳ điều gì khác đã giúp họ làm nên những tác phẩm để đời, đóng góp vào kho tàng những giá trị tinh thần cao quý của nhân loại. Liệu có bao nhiêu người “tỉnh táo” làm nổi những việc như vậy?
Người ta vẫn có thể lấy cái kết cục bi thảm để chê bai ba chàng nghệ sĩ. Điều này thật khó có thể dùng lý luận mà minh định. Chỉ xin so sánh việc họ đàng hoàng chấp nhận cái chết với chi tiết cuối cùng trong truyện ngắn bất hủ “Đêm Ai Cập” của Pushkin: khi nữ hoàng Cleopatra ra giá là cái chết cho một đêm hoan lạc cùng nàng, vẫn có những kẻ hiên ngang chấp nhận. Họ đến với Thần Chết một cách bình thản, chấp nhận thà chết còn hơn kéo dài một cuộc đời vô vị.
Và nói về nghệ sĩ, xin trích những câu cuối trong một bài ca của người ca sĩ – thi sĩ ứng tác cũng trong “Đêm Ai Cập”:
Đó, thi sĩ, đội trời đạp đất
Bước chân đi và cất lời ca
Như cánh chim ưng mãi bay không mỏi
Như con tàu thường rời bến đi xa.

Không bận tâm ai chê, ai thích
Không hỏi vì sao cơn lốc xoáy tròn
Không bực bội vì sao người mỹ nữ
Yêu chàng da đen, người dũng tướng cô đơn.
Và Kẻ Tử Đạo Cuối Cùng của Đào Hiếu mãi là một bài ca đẹp.

Chú thích: Những câu thơ ở cuối bài trích từ bản dịch “Đêm Ai Cập” của Nguyễn Trần Sâm, đã đăng trên website Lề Bên Trái của Đào Hiếu. (Hiện còn lưu trên website của Nguyễn Xuân Khoa xuankhoa.violet.vn). “Người mỹ nữ” và “chàng da đen” nói về Desdemona và Othello của Shakespeare.

---------------------------- 
* nguồn: blog daohieu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét