Hắn
cao hơn một mét sáu một chút – không thể gọi là ốm, cũng không xem là mập. Dáng
người tầm thước, trung bình – như bao người khác mà chúng ta thường gặp. Chỉ có
khuôn mặt – có đôi nét khác thường: Đôi mắt sâu, nhỏ. Không hề thấy mở lớn, hay
nhỏ hơn – cứ một vẻ cố định như hai lỗ hổng trên thân cây. Nó
mở ra, cố định – cứng ngắt dù lúc vui hay buồn. Chiếc miệng – ít khi mở lớn,
ngay cả lúc nói và nhất là lúc cười: luôn đóng kín lại sau mỗi lần mở ra. Bởi
vậy – giọng hắn cũng một âm điệu, một chuẩn mực đều đều, nhàn nhạt, lửng lơ! -“Hì hì… cái thằng cha ấy mà!”- “Hì hì… cái con mẹ ấy mà!”. Vừa nói, vừa nhìn đâu
đâu – hắn không hề dám nhìn vào mặt người đối diện bao giờ.
Nhìn hắn, và nghe giọng hắn – ai cũng có cảm giác là hắn không quan tâm tới
bất kỳ điều gì! Không thể gần gũi, thân thiết – với bất cứ ai. Nó trơn trụi như
mặt một tản đá. Có lẽ, ngay cả khi đối diện với người mà hắn cho là đã yêu
thương cũng thế chăng? (Hay với vợ và đứa con gái duy nhất của hắn bây giờ?).
Hắn tỏ ra cách xa mọi người – như một kẻ từ trên cao nhìn xuống, cách biệt
– coi thường. và không hề tỏ ra quan tâm tới ai cả! Vậy mà – không biết
sao, hắn vẫn thường nói nhiều về những đứa con gái mê hắn, theo hắn một cách
khó hiểu? Và, có một điều mâu thuẫn khó hiểu nữa, là hắn lại thường moi tìm mọi
chỗ để chê trách người chung quanh cho dầu đó là những điều mà không ai thấy,
không ai quan tâm. Không là chuyện gì khác thường để quan tâm? Và, hắn
thường tỏ ra hãnh diện – (được nhận thấy trên khuôn mặt trơn tru lạnh ngắt bỗng
căng ra) – vì đã làm điều khác mọi người!
Không ai biết hắn đã học hành tới đâu – có loại bằng cấp gì, nhưng chỉ biết
rõ là hắn đang là anh công chức ở một cơ quan tài chính của tỉnh sắp nghỉ
hưu. Vậy mà – hắn thường bàn về văn học thế giới (về tôn giáo, về các ý thức
hệ…) – thường bắt đầu bằng câu hỏi: “Cậu đã đọc Enest Hemingway, Erich Maria Remarque, Léon Tolstoi, Stefan Zweig,
Súsean Donovan, hay Kalei Florder, Jennifer Crusie (...) chưa?”. Và, như một
người sành thạo – thỉnh thoảng, hắn chêm một câu tiếng Pháp vào giữa câu nói –
không ăn nhập gì đến câu chuyện.
Lúc không thể chắp vá lại được các kiến thức vụn vặt không đâu vào đâu của
các tác giả nước ngoài ấy – hắn bèn đọc dăm ba bài thơ của hắn để minh chứng
cho cái tài năng văn học ít ai có thể đạt tới ở xứ này. Ví dụ 4 câu hắn thường
hiu hiu gọi là “tuyệt tác” trong loại thơ tứ tuyệt, sánh ngang hàng thơ Lý
Bạch, Đỗ Phủ đời Đường:
“Áo em trắng phủ mờ sương lạnh
Che lấp đời ta giữa tháng đông
Phố thị buồn tênh chiều tiễn biệt
Anh buồn da diết cõi hư không”
Tóm lại, trước hết – người nghe thơ của hắn có chung một cảm nhận là sự
ngạc nhiên đến lạ lùng, vì tìm mãi trong ý thơ của hắn, không có chút dính dáng
gì đến con người hắn cả! Lạ lùng đến nỗi – họ nghĩ, hắn có thể copy ý thơ, lời
thơ của ai? Giữa thơ và người, là một sự mâu thuẫn ghê sợ. Dạo này, thơ không
biết ở đâu mà lại bay đi tràn lan – có kẻ tự hào, một ngày làm đến năm bảy bài
thơ các loại. từ thơ tình đến thơ thế sự, xã hội, tôn giáo… Người ta thấy hắn
làm thơ đề tặng cô này cô nọ – chịu khó nghe đọc, để tìm sự thích thú trong cái
ngạc nhiên lạ lẫm lúc ngồi ở quán café, quán nhậu – chứ không phải là cảm nhận
của thi ca. Thi ca không có mặt, không tồn tại trong sự ngụy tạo dối lừa mình, phỉnh
gạt người!
Hết đọc thơ, hắn than: “Trong máy điện thoại của mình tái khoản có luôn
trên máy mấy trăm ngàn mà có bao giờ dùng đâu?”. Giọng
hắn nhỏ, đều đều – rè rè – tưởng như nói với chính hắn: “Ở trong cái thành
phố này, mình cô độc lắm! Cô độc và buồn bã ngay trong cái nhà của mình nữa
trong bao nhiêu năm trời!”. Rồi hắn nhắc tên người này người nọ (trong và
ngoài nước) đã gởi cho hắn tiền để trả khoản nợ vỡ hụi của vợ hắn lên đến mấy
trăm triệu không biết bao nhiêu lần. Hắn tỏ ra thất vọng kể về mấy nhân vật mà
hắn cho là “khó ưa” trong cùng cơ quan đã không thể “chơi” được; không
hề nhận ra “tài năng đa dạng” của hắn trong mấy chục năm trời, mà cũng
chẳng hề bỏ ra xu nào trong lúc gia đình hắn khốn đốn vì nợ kêu réo! Ngồi
nghe hắn, ai cũng thấy rất rõ có một điều dễ nhận ra mà hắn không hề nhìn thấy
– là suốt bao năm, có thấy hắn tỏ ra “ưa” thật lòng ai đâu – mà ai đem
lòng ưa hắn? Chẳng lẽ trong bao nhiêu con người chung quanh đời hắn (ngay những
người thân, vợ và con) – không có được một vài người để hắn tin tưởng, yêu
thương? Người ta cũng thắc mắc: “Vậy mà hắn cũng cưới được vợ mới là điều lạ!”.
Bất cứ gặp người quen ở đâu (quán café, trong đám giỗ, tiệc cưới, hay bên hè
đường) – với giọng sắc nhỏ, nhát gừng. lạnh băng – chui ra từ chiếc miệng khin
khít hai hàm răng – hắn quở trách người này, kẻ kia (vì chuyện này chuyện nọ)
mà người nghe biết rất rõ là hắn chỉ biết lỏm bõm trong các vấn đề này!
Không hiểu vì lý do nào, bỗng nhiên hắn bỏ cơ quan – đi đâu mất biệt gần
tháng trời sau khi đến tòa ký vào giấy xin ly hôn của vợ. Nhiều tin đồn
đãi về hắn trong lức căn nhà được tòa đem ra bán đấu giá để trả nợ cho chủ.
Nhiều người nghĩ rằng, ngôi nhà trong con hẻm nhỏ – không phải là cái lý do
chính để hắn bỏ đi, nhưng không ai hiểu gì thêm. Người ta chỉ thấy vợ hắn cùng
đứa con gái đang học lớp 12 phải ra thuê một căn phòng của ngôi nhà cấp bốn
nhiều phòng, được dựng lên trên khu đất khá rộng vốn là vườn cây ngoại ô, để
cho học sinh, sinh viên, hay cán bộ nghèo thuê tạm.
Còn hắn, sau khi về lại cơ quan xin được cho về nghỉ hưu vì lý do sức khỏe
trước thời hạn – vội vã mang túi xách ra đi. Như chạy trốn. Đứng bên đường đón
xe khách Bắc –Nam, hắn cứ chốc chốc thò tay vào túi áo. lấy chiếc máy điện
thoại di động - bấm máy, thoáng nhìn vào máy rồi cất vào túi. Không rõ
hắn muốn xem giờ, coi tin nhắn, hay muốn gọi cho ai? Mấy trăm ngàn trong tài
khoản có của máy chắc vẫn còn nguyên như cũ?
Sau nhiều tháng ngày lêu bêu, lang bạt đó đây – hắn không còn tiền để thuê
được một căn phòng trọ rẻ mạt nhất ở khu bến xe, hay xóm chợ ngoại ô. Một buổi
chiều, người ta thấy hắn đi mải miết ra vùng quê xa thành phố đến hơn mười cây
số. Phía trước hắn là con đường dẫn lên con xóm lác đác vài ngôi nhà tranh, nhà
lá – phía xa là chân đồi, ngọn núi mờ nhạt như bức tranh nhòe.
Hắn cứ đi. Không hề thấy quay đầu nhìn lại…
Cuối cùng, khi mặt trời đã nằm gần kề dãy núi phía tây bên trái con đường
mòn – hắn cũng nhìn thấy được mái ngói rêu phong của ngôi chùa mà bà chủ phỏng
trọ đã nói với hắn lúc sáng. Ngôi chùa có tên “Linh Phong Tự”.
Hắn khẽ đẩy cánh cửa cổng chưa được cài then – lách mình vào, toàn thân như
chiếc bong bóng bị xẹp. Hắn bước nhè nhẹ từng bước vào khoảng sân đất đầy lá
khô. Tiếng khua – dù rất khẻ, cũng đôi lần khiến hắn hoảng hốt, dừng lại.
Từ chiếc cửa chánh điện khép hờ, hắn nhìn thấy vị sư già ngồi bất động, như
một pho tượng. Hắn tựa cửa, đứng nhìn – chờ đọi. Mỏi mệt, hắn ngồi dựa vào vách
tường phía trước. Chờ đợi.
Không rõ mấy giờ đã trôi qua mà hắn không hề nghe thấy một tiếng đọc kinh
nhỏ – hay một âm thanh nào – ngoài tiếng muỗi vo vo mỗi lúc một nhiều.
Hắn ngồi yên như vậy.
Và ngủ…
Tiếng vị sư vang lên như tiếng sấm làm hắn giật mình, đứng bật dậy như con
robot được bấm nút. Hai tay chắp trước ngực – trân tráo nhìn vị sư qua ánh đèn
nến leo lét ông đang cầm trên tay. Có lẽ, trong cuộc đời của hắn – đây là lần
đầu tiên đôi mắt sâu. nhỏ của hắn đã mở lớn đến vậy?
- Ta biết con sẽ đến đây từ
khi con bắt đầu rời thành phố…
- Dạ…
- Ta đã tự ra mở cánh cửa
chùa, bỏ hờ đó – sau khi chú Thiện Trí đã khóa.
- Dạ...
- Những điều con muốn tìm
không có ở đây đâu!
- Dạ…
Khi vị sư già chớm bước đi – hắn òa lên khóc: “Thầy ơi! Vậy con phải tìm ở
đâu?”.
- Trong con chưa hề có chút
gì con muốn tìm cả, thầy cũng không giúp gì con được – Vị sư quay lưng, lặng lẽ
bước đi.
- Thầy ơi!
- Gì vậy?
- Thầy ơi! Con khổ lắm!
- Thầy biết! – giọng vị sư
già ôn tồn, kẻ nào đã làm cho đời con khổ như sa vào vũng lầy vậy?
Hắn im lặng.
Đứng yên như một thân cây.
Nước mắt hắn cứ chảy tràn qua mặt – nhỏ xuống giọt giọt, mỗi lúc một nhanh.
Vị sư bước đi vài bước – chợt quay lại: “Con có lúc nào được khóc như vậy
chưa?”.
- Thưa, chưa…
- Vậy hãy đứng yên mà khóc
đi, nhé? Những giọt nước mắt sẽ chỉ cho con thấy điều con muốn tìm đó, con ạ!!
- Dạ...
Tiếng vị sư già vang lên như tiếng chuông:
- Rồi con sẽ tự vượt ra khỏi
vũng lầy, và thấy điều con muốn tìm là không xa…
-------------------
* nguồn: xunau.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét