Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

giành giật sự sống - thomas bailey aldrich (1836-1907) * người dịch: trần thị cổ tích


- Giới thiệu tác giả:
       Thomas Bailey Aldrich sinh ở Porthsmouth, New Hamshire, U.S.A. Vào ngày 11.11.1836. Khi ông còn nhỏ gia đình dời đến New Orleans. Dở dang đại học vì cha mất sớm, năm 16 tuổi ông phụ việc cho người chú ở New York. Chẳng bao lâu sau ông trở thành cọng tác viên thường xuyên cho nhiều nhật báo và tạp chí, kết bạn với một số nhà thơ, họa sĩ… đương thời. Năm 1865 ông về New England. Ông từng là chủ bút của nhiều tạp chí như tờ Tichnor and Fields (10 năm), Atlantic Monthly (9 năm, 1881-1890)…
      Tác phẩm gồm cả văn và thơ. T.B.Aldrich là tác giả đa tài nhưng được biết đến nhiều nhờ tài thơ.
      “Truyện ngắn” vẻn vẹn 3 câu của ông thường được nhiều người nhắc đến:
“Một thiếu phụ đang ngồi trong một căn nhà cũ kỹ, đóng kín, biết rằng chỉ có mình trơ trọi trên thế giới này. Tất cả đều đã bị tiêu hủy.
Chuông cửa reo”.


       Một buổi sáng cuối tháng tư, trên đường đến nơi làm việc, tôi gặp một người tao nhã đang thơ thẩn dọc khu thương mại. Bình thường, bận bịu với  suy nghĩ của mình, tôi chỉ cắm cúi đi thẳng một mạch qua phố xá đông đúc, chẳng để ý ai cả. Nhưng gương mặt ấn tượng của người đàn ông này khiến tôi phải quan tâm. Đôi mắt mờ đục. Tóc để dài, lốm đốm bạc. Đôi mắt và mái tóc bảy mươi tuổi. Những nét khác chưa tới ba mươi. Gương mặt trẻ trung, vóc dáng dẻo dai, vầng trán phẳng sáng láng không phù hợp với độ tuổi, đã thu hút cái nhìn của nhiều người. Có vẻ như ông đã từng trải qua một việc gì đó rất hệ trọng trong đời. Một con người vừa trẻ trung vừa già dặn một cách kỳ lạ.
      Trước khi tới nơi làm việc, tôi đã lấy lại dòng suy nghĩ mà ông vô tình làm gián đoạn. Tuy nhiên, người đàn ông nửa già nửa trẻ với vầng trán không nếp nhăn và mái tóc bạc đó đã ám ảnh tôi suốt cả ngày.
       Sáng hôm sau tôi lại gặp ông ở khu thương mại. Ông đang uể oải tựa vào hàng rào sắt màu xanh, buồn rầu nhìn hai chiếc xà lan nhỏ mà hai người chủ tàu bơ phờ đã phó mặc cho hiểm nguy trên biển. Hai con tàu nằm im giữa biển bất chấp vẻ bất lực điên cuồng của chủ tàu trên bờ. Trong lúc ông  quan sát tình thế khó xử đó, ánh sáng hiện lên trong đôi mắt ảm đạm rồi tắt nhanh làm cho đôi mắt trông càng buồn thảm hơn trước. Tôi tự nhủ không biết vào thời trai trẻ ông có để cho con tàu của mình lênh đênh mãi không bao giờ cập cảng. Không biết con tàu có phải là vật mà ngày xưa ông đã đánh mất.
          “Mình muốn biết về ông ấy quá”. Tôi buột miệng nói hơi lớn khi dừng lại trên một trong những con đường nhỏ ngoằn ngoèo tỏa nhánh khắp khu The Pond tĩnh lặng và dừng lại ở khu vực phố Tremont ồn ào xô bồ.
        Một giọng nói vang lên bên cạnh tôi. “Anh muốn biết à?”. Tôi quay sang và đối diện với ông H., một người hàng xóm. Ông cười hỉ hả khi bắt gặp tôi nói chuyện một mình. Sau đó, vẻ suy tư, ông nói:
        - Được. Tôi sẽ kể cho anh bạn nghe về ông ấy.
    Tôi mừng rỡ:
        - Ông biết ông ấy à?
        - Biết và không biết. Tôi tình cờ ở Paris đúng vào lúc ông ấy bị chôn.
- Bị chôn?  
- Đúng ra không phải bị chôn mà là một điều gì đó giống như vậy. Nếu anh bạn rảnh rỗi thì hãy ngồi xuống băng ghế này. Tôi sẽ kể cho anh bạn nghe tất cả những gì tôi biết về sự việc làm rúng động Paris hai năm về trước. Người đàn ông đứng đàng kia sẽ là nhân chứng sống cho câu chuyện tản mạn này. 
       Những trang sau đây là toàn bộ câu chuyện ông H. đã thuật lại với tôi. Trong khi ông ta kể một làn gió nhẹ thổi đến. Những chiếc xà lan nhỏ vẫn dập dềnh trên biển. Trên bờ những người chủ tội nghiệp chạy tới chạy lui trong khi cơn gió phỉnh phờ hứa hẹn sẽ đưa hai con thuyền tấp vào một bến bờ nào đó. Chim chào mào ríu rít đó đây trong khóm cây du mới mọc ven rừng. Còn người đàn ông nửa già nửa trẻ ấy đang đứng dưới nắng, mệt mỏi tựa vào hàng rào, không ngờ rằng cách đó không xa có hai kẻ đang bàn tán về mình.

      Ba người ngồi trong gian phòng lớn có cửa sổ rộng nhìn ra quảng trường Vendôme. Ngài Dorine ngồi hơi quay lưng một chút về phía hai người kia. Ông đang đọc sách, thi thoảng dừng lại chùi kính và ngượng ngùng cố không liếc mắt về phía chiếc ghế bên phải ông nơi cô Dorine và chàng trai trẻ người Mỹ lịch lãm đang ngồi. Gương mặt chàng thanh niên điển trai biểu hiện khá rõ vị trí của chàng trong nhà này. Không chàng trai nào ở Paris hạnh phúc bằng Philip Wentworth chiều hôm đó. Cuộc sống trở nên quá ngọt ngào với chàng đến mức chàng ngại phải nhìn thẳng vào nó. Tương lai sẽ mang lại điều gì nữa cho trái tim đầy mãn nguyện này và sẽ cướp đi điều gì? Niềm hạnh phúc quá lớn luôn ẩn chứa bất hạnh, một linh cảm, một nỗi buồn mơ hồ, một cảm giác không tên gọi… Đêm hôm đó Wentworth dường như nhận thức được cái bóng đen huyền ảo đó khi chàng đứng lên và trầm ngâm đưa bàn tay Julie lên môi trước lúc giã từ. Ngay cả một người quan sát lơ đễnh nhất cũng không thể nghĩ rằng chàng là người hạnh phúc nhất Paris mặc dù đúng là như thế.
     Ngài Dorine đặt tờ báo xuống, tiến đến chỗ chàng. Ông dặn dò:
    - Nếu như ngôi nhà đúng như ông Martin đã mô tả, ta khuyên cháu nên gặp ông ấy ngay. Ta muốn đi cùng cháu lắm nhưng ta không thể rời xa con chim nhỏ bé kia để tìm chọn cái lồng cho nó. Nhớ là chuyến tàu cuối cùng về thành phố khởi hành lúc năm giờ chiều. Đừng để nhỡ tàu vì chúng ta đã lấy vé xem vở kịch mới của Sardou vào tối mai. Ha ha. Tối mai cô bé này sẽ biến thành bà già mất. Từ đây cho đến lúc đó là khoảng thời gian quá dài đối với Julie.
     Sáng hôm sau, đoàn tàu mang Philip tới một trong những địa điểm đáng yêu nhất cách Paris chừng năm mươi cây số. Sau một tiếng đồng hồ đi bộ qua những con đường nhỏ xanh mướt, Philip đến cơ ngơi của ông Martin.Chàng trai đi từ phòng này sang phòng khác trong trạng thái mơ mơ màng màng. Chàng xem xét tỉ mỉ nhà kính, chuồng ngựa, những thảm cỏ cùng dải rừng thưa vang lừng tiếng chim. Dùng bữa trưa với ông Martin xong, hoàn tất việc ngã giá, chàng quay lại nhà ga ngay cho vừa kịp chuyến tàu hỏa tốc.
       Paris hiện ra trước mắt chàng với hàng triệu ánh đèn nhấp nháy vào buổi hoàng hôn. Đây đó những tháp nhọn đâm thẳng lên trời. Philip tưởng chừng chàng đã rời khỏi Paris từ lâu lắm. Vừa đến nơi chàng lái xe về ngay khách sạn. Nhiều lá thư nằm đợi trên bàn nhưng chàng không quan tâm. Chàng vội vã ném bộ y phục đi đường, thay bộ khác sang trọng hơn.
     Nôn nóng mong gặp Julie, chàng thấy xe cộ như đang nhích từng bước một. Chiếc Fiarce mà chàng để sẵn tại ga cũng chạy như rùa bò. Cuối cùng nó cũng quẹo được vào quảng trường Vendôme, dừng lại trước nhà ngài Dorine.
      Cửa lập tức mở rộng ngay khi chân Philip vừa chạm bậc cấp thứ nhất. Người giúp việc lặng lẽ cất áo choàng và mũ cho chàng với vẻ cực kỳ trang trọng như thể chàng không phải là người nhà. Anh ta nói thật từ tốn:
       - Ngài Dorine không thể gặp ông lúc này. Ngài bảo đưa ông tới phòng khách.
       - Còn cô…?
       - Dạ phải, thưa ông.
       - Một mình?
       - Dạ. Một mình ạ.
       Người giúp việc tò mò nhìn Philip, cố giấu vẻ không vừa lòng. Đây là
lần đầu tiên Philip được ban cho đặc ân này. Những cuộc gặp gỡ trò chuyện giữa chàng và Julie luôn diễn ra với sự có mặt của ngài Dorine hoặc một thành viên nào đó trong gia đình. Một cô gái Paris được nuôi dạy tử tế không được phép quá thân thiện với người yêu.
     Philip không nấn ná lâu ở cầu thang. Trái tim chàng ngân nga trong lồng ngực khi chàng chạy nhanh từng hai bậc một. Men rượu ta được nhắp ở tuổi đôi mươi mới ngọt ngào làm sao! Chàng nhanh nhẹn băng qua phòng lớn dưới ánh đèn dìu dịu, cảm nhận mùi hương nhẹ nhàng tỏa ra từ những đóa  hoa nàng yêu thích và rón rén mở cửa phòng khách.
     Gian phòng mờ tối. Bên dưới cái đèn chùm là một quan tài nhỏ màu đen đặt trên giá đỡ, ánh nến chập chờn, tượng chúa oằn người trên thập tự giá, những đóa hoa trắng nằm lặng trên mặt bàn. Julie Dorine đã chết!
     Tiếng thét tột cùng đớn đau như làm nổ tung cả ngôi nhà im ắng. Ngài Dorine vội vã rời thư viện đi ngay đến phòng khách và trông thấy Philip  đứng lừng lững rũ rượi như một bóng ma ở giữa phòng.
     Không lâu sau đó Wentworth được biết rõ hơn về thảm họa giáng xuống đời mình. Đêm hôm trước Julie có vẻ hoàn toàn khỏe mạnh khi về phòng riêng nghỉ ngơi. Nàng cho người hầu lui ra sau khi dặn nhớ đánh thức nàng vào giờ qui định. Sáng sớm hôm sau cô hầu gái vào phòng.Julie đang ngồi  ở ghế bành, có vẻ như ngủ. Ngọn nến đã cháy hết, quyển sách nàng đang đọc mở nửa chừng nằm trên tấm thảm dưới chân nàng. Cô hầu gái giật mình khi nhận thấy chiếc giường đêm qua chưa hề có người nằm và cô chủ vẫn còn mặc nguyên bộ y phục tối hôm trước. Cô nhào đến bên cạnh nàng. Không phải nàng đang ngủ…
    Hai lá thư báo tin được gởi ngay cho Philip. Một lá gởi đến ga G., một gởi đến khách sạn. Lá thứ nhất đến ga lúc chàng đang ngồi trên tàu nên không nhận được. Lá thứ hai chàng không đọc vì nôn nóng gặp nàng. Khi chàng đến nhà nàng, người giúp việc cứ tưởng chàng đã hay biết nên vô tình làm một công việc ác độc là chỉ cho chàng vào thẳng phòng trong.
   Gia sản kếch xù, vẻ đẹp xinh tươi, cái chết bất ngờ của Dorothy và chuyện tình lãng mạn giữa nàng với chàng trai người Mỹ đã khiến nhiều người tò mò muốn xem tang lễ tại nhà thờ. Thi hài được đặt trong hầm mộ của gia đình Dorine ở nghĩa trang Montmartre.
     Vật đầu tiên trước khi vào hầm mộ là một chấn song sắt chạm trổ tỉ mỉ. Qua chấn song người ta nhìn thấy một tiền sảnh. Cuối sảnh là cánh cửa bằng gỗ sồi to chắc mở ra một bậc cấp thấp bằng đá dẫn vào hầm mộ. Hầm rộng khoảng mười lăm hay hai mươi mét vuông, được thông gió khéo léo từ trên trần nhưng ẩm thấp tối tăm và thiếu ánh sáng. Bên trong đặt hai quan tài bằng đá. Cái thứ nhất của bà Dorine, qua đời đã lâu. Cái thứ hai còn mới, một bên ghi hai mẫu tự J.D. lồng vào nhau xen lẫn những đóa hoa huệ.
    Đoàn đưa tang dừng ở cổng khu vườn nhỏ bao quanh nơi chôn cất. Chỉ những người thân thiết mới theo đoàn phu vào hầm mộ. Cây nến mỏng mảnh dưới chân chiếc quan tài còn mở nắp tỏa ánh sáng lờ mờ giữa căn hầm, đẩy bóng tối lùi xa vào các góc. Trong ánh nến lay lắt, quan tài được đặt vào hộc đá hoa cương. Người ta trang trọng đặt lên đó một phiến đá mỏng. Và rồi cánh cửa gỗ sồi xoay tròn trên bản lề rỉ sét, ngăn cách hầm mộ tối đen với thế giới bên ngoài.
     Ngài Dorine quấn chặt người trong chiếc áo choàng, buông mình vào ghế sau xe ngựa, đau khổ đến mức không nhận ra chỉ có mình ông trên xe. Từng vòng bánh xe nghiến trên mặt đường trải sỏi. Nghĩa trang Montmartre trở lại với quạnh hiu. Đến cổng chính, chiếc xe ngựa tách khỏi đoàn xe nhẹ nhõm lao băng băng qua các ngả đường. Lúc đầu là nhạc tang lễ nhưng sau đó lại trổi một khúc nhạc vui tươi.
     Nhưng chúng ta không quan tâm đến chiếc xe ngựa. Cũng không còn quan tâm đến cái chết trong cơn mơ bí ẩn của nàng Julie. Người cần được quan tâm bây giờ là Wentworth.

  Khi Wentworth mở mắt ra thì không còn tiếng xe nữa. Lòng hoang mang như người vừa thức dậy sau giấc ngủ say, chàng chống tay ngồi dậy, cố nhìn vào màn đêm đang vây phủ quanh mình. -Mình đang ở đâu đây? Trong giây lát sự thật lóe lên. -Mình đã bị bỏ lại trong hầm mộ! Trong lúc quỳ gối bên phía kia của chiếc quan tài, có lẽ chàng đã ngất xỉu và do bận rộn trong nghi lễ cuối cùng người ta đã không để ý đến sự vắng mặt của chàng.
    Ban đầu là nỗi hoảng sợ tự nhiên. Nhưng nỗi sợ đó qua rất nhanh. Cuộc sống không còn đáng giá với chàng nữa. Số phận chàng là chết bên cạnh Julie. Đây chính là tâm nguyện mà chàng đã nghĩ đến hàng trăm lần vào sáng hôm đưa tang. Vài năm nữa hay lát nữa cũng thế thôi. Đàng nào chàng cũng phải trút bỏ nỗi đau nặng nề này. Tại sao không? Sau đó Philip lại tự trách mình. Lẽ nào chàng có thể vứt qua một bên tình yêu thương của các đấng sinh thành, những người đã dịu dàng cúi xuống bên nôi chàng. Cái tên thánh mẹ đặt cho lúc chào đời vô tình thốt ra trên môi. Lẽ nào hèn nhát chịu thua mà không chiến đấu giành giật sự sống, cái sự sống chàng phải giữ gìn vì mẹ thân yêu. Chẳng phải bổn phận của chàng đối với người sống và cả với người đã khuất là phải đối mặt với mọi khó khăn và quyết liệt chiến thắng đó sao. Bản tánh dịu dàng như phụ nữ, tâm hồn chàng dù yếu đuối thụ động vẫn có thể dữ dội bật lên để đo lường sức mạnh của nó trước tai họa. Nỗi lo sợ siêu nhiên thường gặp ở nhiều người không có trong lòng chàng. Chàng chỉ tạm thời bị nhốt trong căn hầm này một thời gian nhất định để nghỉ ngơi. Đây là nơi lưu giữ thi hài của người con gái chàng yêu nên không đáng sợ chút nào. Giờ đây nàng là pho tượng trắng xinh đẹp. Linh hồn nàng đang ở rất xa và nếu linh hồn tinh khiết ấy trở lại liệu nàng có thể che chở chàng bằng tình yêu của nàng không? Khung cảnh này không thể không mang lại những suy nghĩ như vậy. Philip không thể hoàn toàn rời bỏ ý nghĩ ấy khi chàng đứng lên giang tay trong bóng tối. Chàng là người mạnh mẽ và thực tế, không thể đắm chìm lâu trong những suy nghĩ như vậy.
    Tình cờ Philip có mang theo trong túi áo một hộp diêm nhỏ mà những người hút thuốc hay dùng. Sau rất nhiều lần cố gắng quẹt diêm vào bức tường ẩm ướt cuối cùng một que bật sáng. Nhờ ánh sáng trong giây lát đó chàng nhận ra cây nến còn bỏ lại trong hầm mộ. Vật này sẽ giúp chàng xem xét các chốt cửa. Nếu như bằng cách nào đó chàng mở được cánh cửa phía trong và ra đến chỗ chấn song - chàng nhớ mang máng là có cánh cửa đó - hy vọng tiếng kêu cứu của chàng có thể được nghe thấy. Nhưng cánh cửa gỗ sồi cũng vững chắc như bức tường mà nó gắn khít vào. Cho dù chàng có đủ dụng cụ cần thiết thì cũng không có cái móc khóa nào được dời đi vì các chốt cửa đều nằm bên ngoài.
     Biết rõ điều này, Philip đặt lại cây nến xuống sàn nhà, dựa vào vách suy nghĩ. Chàng chăm chú nhìn đốm lửa xanh phất phơ qua lại và có nguy cơ tàn lụi. Dù sao cũng may mắn là nơi này được thông gió. Đột nhiên Philip nhào tới trước và dập tắt ngay ngọn nến. Sự sống của chàng tùy thuộc cây nến này.
Chàng nhớ đã đọc ở đâu đó trong những tài liệu nói về việc đắm tàu, những người sống sót đã cầm cự được nhiều ngày nhờ vào mấy cây nến mà trước đó hành khách đã cẩu thả ném xuống sàn tàu. Vậy mà ở đây suýt nữa chàng đã đốt đi chính cuộc đời chàng.
    Nhờ ánh sáng lóe lên của một trong những que diêm nhỏ chàng xem đồng hồ. Kim đã đứng vào lúc mười một giờ. Nhưng mười một giờ ngày hôm đó hay hôm trước? Đám tang đã rời nhà vào lúc mười giờ. Bao lâu rồi kể từ lúc đó? Chàng đã ngất đi trong bao lâu? Trời ơi! Chẳng bao lâu nữa chàng sẽ không còn có thể đếm được cái thời gian đang nhích từng tí một đến niềm đau khổ nhưng lại bay vút thật nhanh nuốt chửng niềm vui.
   Chàng nhặt cây nến và ngồi phịch xuống bậc cấp. Wentworth là một con người lạc quan nhưng khi chàng tính toán đến cơ hội thoát hiểm thì quả là khá vô vọng. Chàng bị mất tích. Sự biến mất của chàng trong hoàn cảnh này có thể đánh động cho các bạn chàng. Có lẽ họ đang cuống cuồng tìm chàng nhưng ai có thể nghĩ đến việc tìm kiếm một người sống trong hầm mộ ở nghĩa trang Monmartre? Ngài cảnh sát trưởng sẽ cho hàng trăm nhân viên tìm kiếm chàng. Dòng sông Seine có lẽ sẽ bị khuấy động. Những con người khổ sở đó sẽ lục tung các nhà xác. Bức ảnh tốc họa của chàng có lẽ nằm trong túi mọi thám tử trong khi đó chàng lại ở trong hầm mộ của gia đình Dorine.
       Ngược lại, nơi đây cũng là nơi người ta lần cuối cùng thấy chàng. Một thám tử giỏi đương nhiên sẽ xem xét vấn đề. Rồi biết đâu người chuyên lo việc tang lễ sẽ trở lại tìm cây nến vì có lẽ họ sơ ý để quên. Có thể ngài Dorine sẽ gởi thêm vòng hoa thay thế cho những vòng hoa hiện đang tỏa hương khắp gian phòng. Những cơ hội ấy thật khó xảy ra nhưng nếu một trong những điều này không sớm đến thì tốt hơn đừng bao giờ đến. Chàng sẽ duy trì sự sống của mình được bao lâu? Tim đập thật nhanh, chàng lặng lẽ cắt cây nến đã cháy dở thành bốn phần bằng nhau. Tối nay mình sẽ ăn miếng thứ nhất. Ngày mai miếng thứ hai, tối mai miếng thứ ba, ngày sau nữa miếng thứ tư và rồi…mình sẽ đợi…
      Hôm đưa tang chàng không ăn sáng chút gì ngoài một tách cà phê được xem là bữa sáng. Bây giờ chàng đói ngấu đói nghiến. Một việc trước đây chưa từng xảy đến với chàng. Philip cố trì hoãn càng lâu càng tốt. Chắc phải là nửa đêm -theo tính toán của chàng- khi chàng quyết định dùng miếng thứ nhất trong khẩu phần ăn. Mẩu nến trắng thật vô vị nhưng cũng giúp đỡ đói. Cơn đói dịu xuống thì nỗi khó chịu khác xuất hiện. Hơi ẩm từ những bức tường, gió lùa vào theo cửa thông gió ở một nơi nào đó làm chàng lạnh thấu xương. Đi qua đi lại liên tục là nguồn an ủi duy nhất. Cơn buồn ngủ bất thần ập đến. Chàng cương quyết chống lại nó. Ngủ tức là chết. Chàng đã quyết định phải sống.
     Nhiều ảnh tượng kỳ lạ lướt qua tâm trí Philip khi chàng dò dẫm đi lại trên cái nền đá của gian hầm tối tăm, quờ quạng đi sát vào tường tránh những ngôi mộ. Những giọng nói từ lâu im lặng bỗng thốt lên những lời từng bị lãng quên. Những gương mặt quen thuộc thuở ấu thơ hiện ra rõ ràng trong bóng tối. Từng chi tiết của cuộc đời chàng trải ra trước mắt, bao đổi thay trong một năm tràn ngập tình yêu và cái chết, bao ngọt ngào đắng cay được thu nhỏ lại chỉ trong giây lát. Cơn thèm ngủ rời khỏi chàng nhưng cơn đói dữ dội lại đến.
       Bây giờ chắc đã gần sáng. Có lẽ mặt trời vừa mới nhuộm vàng những đỉnh tháp, những mái vòm trong thành phố. Có thể một cơn mưa phùn đang gõ nhẹ trên những mái nhà Paris, thổn thức trên những ngôi mộ. Paris chỉ còn là giấc mộng. Có phải tôi đã từng vui bước trên những con đường Paris tràn ngập nắng vàng. Trời ơi! Niềm vui, nỗi khổ và đam mê của đời người sao thật ngọt ngào!
     Philip nhận ra rằng cái ảm đạm buồn tẻ, cái im ắng lạnh lẽo dần dần chiến thắng chàng. Đầu óc căng thẳng khiến chàng bắt đầu thấy buồn ngủ. Chàng vội bước từng bước mạnh mẽ, không suy nghĩ nữa. Tay chàng vô tình đụng phải một mẩu nến. Chàng tóm lấy nhai ngấu nghiến và hơi lại sức. Chàng nghĩ thật kỳ lạ là sao mình không thấy khát. Có thể những bức tường ẩm ướt làm mình phải hít thở liên tục nên bù được lượng nước chăng. Đã hai ngày rồi mình không uống giọt nào. Cảm ơn trời mình không còn buồn ngủ nữa. Không ngờ mình có thể thức trắng cho tới giờ phút này. Lẽ ra cơn buồn ngủ đã như liều thuốc độc làm trĩu nặng mí mắt. Chắc chắn nỗi khiếp sợ cơn buồn ngủ đã có ích.
   Từng phút như hàng giờ. Chàng bước đi mạnh mẽ như thể đang đi lên đi xuống các bậc cấp rồi dựa vào cánh cửa nghỉ mệt. Đã nhiều lần chàng muốn ném mình lên chiếc quan tài bằng đá mang thi thể Julie và buông xuôi tất cả…
   Chỉ còn một mẩu nến. Chàng đã nhai đến miếng thứ ba, không phải cho đỡ đói mà để phòng hờ. Chàng nuốt mẩu nến như một người ráng uống thuốc cho khỏi bệnh. Thời gian đến thật nhanh, ngay cả cái vật thay thế cho thức ăn cũng sắp hết. Chàng cho phép mình ăn chậm rãi. Mẩu nến nhỏ xíu trong tay chàng là vật cứu rỗi. Đó là chống chọi cuối cùng của chàng với cái chết. Và rồi, lòng tràn ngập nỗi khổ đau chưa từng thấy, chàng đưa mẩu nến lên môi. Nhưng rồi chàng dừng lại, tức giận ném mạnh mẩu nến ra xa. Ngay lúc đó cánh cửa gỗ sồi bật mở. Đôi mắt bị chói lóa của Philip kịp thông thấy hình dáng ngài Dorine nổi bật giữa nền trời xanh.
     Khi người ta đưa Philip ra khỏi hầm mộ, về với ánh sáng thênh thang, ngài Dorine nhận ra mái tóc của chàng trước đó đen tuyền giờ đã lốm đốm bạc. Đôi mắt mờ đục đi vì bóng tối đã làm hỏng con ngươi.
- Vậy ông ấy thật sự bị nhốt trong bao lâu?
- Chỉ một tiếng hai mươi phút.
     Trong khi ông hàng xóm kể chuyện, mấy chiếc xà lan nhỏ với cánh buồm phất phới như những bông hồng trắng đang lướt nhanh vào cảng và ông Wentworth đi ngang chỗ chúng tôi, dưới ánh nắng tháng tư nhẹ nhàng, vẻ mệt mỏi.
     Câu chuyện tạo ấn tượng mạnh cho tôi. Thì ra đây là người đàn ông đã chịu đựng những thử thách kỳ lạ, chịu đựng nỗi khổ đau đặc biệt, một kỷ niệm không thể quên. Tám mươi phút mà như hai ngày. Nếu ông thật sự bị giam hai ngày thì đối với tôi câu chuyện chẳng có gì bi đát cả.
      Sau câu chuyện này dĩ nhiên là tôi nhìn ông Wentworth với sự chú ý đặc biệt hơn nữa. Ngày ngày gặp ông với cái vẻ lơ đãng thu hút ấy, có điều gì đó trong nỗi cô đơn của ông làm tôi xót lòng. Tôi tự hỏi sao trước đây mình không đọc được trên gương mặt trầm tư xanh xao đó một câu chuyện buồn như thế. Tôi quyết định sẽ trò chuyện với ông, vì mục đích gì tôi cũng không rõ.
     Một sáng tháng năm, chúng tôi gặp nhau ở chỗ hai con đường nhỏ giao nhau. Ông lịch sự nhường tôi đi qua.
   - Chào ông Wentworth… Tôi nhã nhặn nói.
 Vẻ bực bội, ông ngắt lời:
   - Tên tôi là Jones.
   - Jo…Jo…Jones à! Tôi ngạc nhiên lắp bắp.
Ông lạnh lùng quay đi:
   - Không phải Joe Jones mà là Frederick.
    Ông Jones ơi! Cho dù tên ông là gì đi nữa, ông cũng không bao giờ hiểu được -trừ khi ông đọc những dòng này- tại sao có người đã bắt chuyện với ông vào buổi sáng hôm ấy vì tưởng ông là Wentworth, và rồi ngay tức khắc lao sang con đường khác, biến vào đám đông.
   Tôi đã bị lừa. Ông hàng xóm là một người có khiếu văn chương. Xin nói nhỏ rằng ông ta đã dở điên dở cuồng khi hàng ngày ngốn ngấu những trang tiểu thuyết chưa kịp tiêu hóa. Ông ta thực sự đã truyền cảm hứng từ những trang sách ấy sang tôi!
  Còn “người hùng” của tôi, sau này tôi được biết chẳng “hùng” gì ráo. Ông chỉ là một người bình thường, có liên quan chút ít đến việc xây dựng cái cầu bằng đá granite xinh đẹp bắc qua một hồ nhỏ uốn khúc trong công viên.
  Mỗi khi nhớ về vẻ mặt tỉnh rụi của ông hàng xóm lúc ông ta đùa cợt trên sự ngây thơ cả tin của tôi, tôi không nhịn được cười. Tôi không giận chút nào vì đã trở thành nạn nhân tự nguyện của trò đểu ấy.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét