Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

chu trầm nguyên minh – tác giả bài thơ Lời tình buồn * phạm cao hoàng



Cuối thập niên 1960, những tình khúc lãng mạn của Vũ Thành An xuất hiện ở miền Nam như một luồng gió mới, được nhiều người yêu thích, nhất là giới sinh viên học sinh, trí thức và quân đội… Nhạc Vũ Thành An sang trọng, nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người. Chất lãng mạn trong nhạc của ông có một cái gì đó rất gần gũi với tâm trạng của tuổi trẻ lúc bấy giờ: buồn vì chiến tranh, sợ hãi vì phải đối mặt với những hiểm nguy, đau khổ vì chia ly, mất mát. Ngoài những bài không tên và những tình khúc do ông tự viết nhạc và lời, Vũ Thành An còn có một ít ca khúc phổ từ thơ. Một trong những ca khúc phổ từ thơ rất thành công của ông là bài LỜI TÌNH BUỒN.

LỜI TÌNH BUỒN là bài hát mà tôi nghĩ rằng dạo ấy những người yêu nhạc ai cũng đã từng nghe qua ít nhất một lần. Anh đi rồi còn ai vuốt tóc. Lời tình thơm sách vở học trò. Đêm xuống rồi em buồn không hở? Trời sa mù tầm tay với âu lo.

Bài hát ra đời năm 1967, cho đến nay đã được 45 năm. Trong 45 năm đó, LỜI TÌNH BUỒN đã được nhiều ca sĩ nổi tiếng thu âm và trình diễn, trong đó có những ca sĩ hàng đầu như Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Ngọc Lan, Khánh Hà, Duy Quang, Họa Mi, Bằng Kiều… Khi nhắc tới bài hát này, người ta thường nhắc đến nhạc sĩ Vũ Thành An, ít nhắc đến tên tác giả của bài thơ đã được phổ nhạc là CHU TRẦM NGUYÊN MINH, mặc dù trên bản nhạc khi in ra hay băng đĩa khi phát hành đều có ghi rõ: thơ Chu Trầm Nguyên Minh. Có thể do Vũ Thành An thường tự viết lời cho nhạc của ông nên nhiều người nghĩ bài hát này cũng vậy.


 
Nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh tên thật Phạm Minh Tâm, sinh năm 1943 tại Bình Thuận. Ông đã trải qua một thời tuổi thơ đầy tự hào nhưng cũng đầy bất hạnh. Cha ông đi kháng chiến, thỉnh thoảng mới tạt về thăm nhà. Ở nhà, chỉ còn lại người mẹ tảo tần nuôi dưỡng 5 người con: Phạm Minh Tâm, ba người chị, và một cậu em trai. Gia đình ông có một căn nhà gạch chắc chắn, nhưng cha ông quyết định đập bỏ, vì “nhà kiên cố Tây nó sẽ lấy để làm đồn bót, thà đập đi còn hơn”. Sau đó, mẹ ông đưa các con vào sống trong khu tam giác Phan Thiết – Ma Lâm – Mường Mán. Đây là vùng “xôi đậu”, thuộc khu “oanh kích tự do”, và em trai ông đã chết ở nơi này vì một quả đạn mọt-chê. Đầu năm 1953, Pháp mở cuộc càn quét dữ dội vào khu Tam Giác. Cả cha lẫn mẹ của ông đều bị giết trong cuộc càn quét này.

Cha mẹ không còn, nhà cửa không còn, mấy chị em cùng một số người khác kéo nhau vào khu rừng Đá Bàn giáp ranh với Lâm Đồng, sống trong bụi cây như người rừng. Khu rừng này cây cối âm u, rắn rết rất nhiều. Một ngày kia ông bị rắn độc cắn, suýt bỏ mạng trong rừng. Mấy chị em sợ quá, không dám ở đó nữa. Đầu năm 1954, bốn chị em về Phan Thiết, chia ra mỗi người sống nhờ vào một người bà con.  Lúc đầu, Phạm Minh Tâm ở với người cậu, sau chuyển sang ở với người chú ở Phú Bình, rồi bắt đầu đi học bậc trung học ở trường Phan Bội Châu (Phan Thiết). Chỗ ông ở cách trường khoảng 7 cây số, không có xe đạp, hàng ngày ông phải đi bộ đến trường. Đôi chân thì nhỏ, trường thì xa, hầu như ngày nào ông cũng phải chạy mới kịp giờ học. Gia đình tan nát vì chiến tranh, mồ côi cha mẹ sớm, sống nhờ vào người chú, ông có những nỗi buồn riêng, và chính những nỗi buồn này đã tạo ra nhiều cảm xúc, đưa ông vào con đường thi ca. Học hành trong một điều kiện hết sức khó khăn như vậy, nhưng với ý chí sắt đá và lòng kiên nhẫn, ông đã vượt qua khó khăn, theo đuổi ngành sư phạm, ra trường 1965, và được bổ nhiệm về dạy Toán tại một trường trung học ở Phan Rang. Cũng từ đây, nhiều người biết đến Chu Trầm Nguyên Minh với những bài thơ xuất hiện đều đặn trên các tạp chí văn học ở Sài Gòn: VĂN, VĂN HỌC, Ý THỨC…



Năm 1967, cường độ cuộc chiến gia tăng, nhiều giáo chức được gọi nhập ngũ. Chu Trầm Nguyên Minh nằm trong số đó. Ông nhập ngũ khóa 25 Thủ Đức, cùng khóa với nhạc sĩ Vũ Thành An. Chuyện nhập ngũ lại trở thành cái “duyên văn nghệ”, và bài hát LỜI TÌNH BUỒN (thơ Chu Trầm Nguyên Minh, nhạc Vũ Thành An) đã được Vũ Thành An viết vào năm đó. Điều đáng chú ý là tự thân bài thơ này đã là một bài thơ hay, lời bài thơ rất thật, chất nhạc đã có sẵn trong bài thơ, nên Vũ Thành An dễ dàng chuyển thành một trong những tình khúc hay nhất trong 45 năm qua.

Hiện nay Chu Trầm Nguyên Minh sống ở Sài Gòn.

-------------------------------
* nguồn: phamcaohoang blog

1 nhận xét:

  1. Lời Tự Bạch,

    Quả đúng như vậy ! Tình khúc lãng mạn của nhạc sĩ Vũ Thành An, không những làm sững sờ giới sinh viên, học sinh thời đó. Mà
    ngay cả người làm thơ cũng có ảnh hưởng.

    Đọc "Lời Tình Buồn" của Thi Sĩ, Chu Trầm Nguyên Minh, như nói dùm cho lớp thanh niên - từ biệt mái trường lên đường nhập ngũ. Hành trang họ mang theo: Hình bóng người thân; quê nhà với dòng sông, ruộng lúa, có cả người bạn gái... Họ không hận thù - chỉ mong đất nước thanh bình trở lại mái trường xưa hay cuộc sống đời thường. Bài thơ "Lời Tình Buồn" đã gom hết những băng khoăng, khắc khoải lẫn nuối tiếc một thời...!

    Xin cảm ơn [nguyendongon.blogspot.com] với trang "Sáng Tác & Giao Lưu .
    Chúc sức khỏe !

    Trang Y Hạ
    (Xin được gởi bài thơ. Một thời lính chiến - lãng mạn))

    Tình Như Ly Rượu Cạn

    Tình như ly rượu cạn trơ vơ
    một kiếp nhân sinh trót dại khờ…
    rượu ngóng uống tràn cung mây biếc
    mây biếc trên đồi trông ngẩn ngơ.

    ta rủ nàng về uống rượu chơi
    quanh năm suốt tháng im ỉm lời?
    đối ẩm vườn hoang – nghe dế kể…!
    trắng đáy mình ta giữa chợ trời.

    hổng biết bây giờ nàng ở đâu
    núi cao hay lội giữa đồng sâu?
    ly ta thấp thỏm chờ nàng rót…
    hãy rót cạn dòng nước mắt châu.

    nàng có về trên bến sông xưa?
    oằn lưng suốt kiếp tủi thân dừa,
    thuyền nan rách nát đau lòng sóng!
    gân cổ gà rên vọng giữa trưa.

    thương nhánh lục bình khép nép trôi
    hồn ta còn đậu cánh luân hồi.
    lạc nẻo đường tình chưa siêu thoát
    trơ đáy một ta lẩn quẩn ngồi!

    ta rủ nàng về uống rượu vui
    nàng xa xăm quá - hóa ngậm ngùi…
    ly không ngong ngóng mây về rót
    tràn ly - ha hả…! tiếng nàng cười…


    Trang Y Hạ
    tặng bé Hà BĐ Sài Gòn
    tháng 4.1969

    Trả lờiXóa