Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

luân hoán & “Nén Hương Cho Bàn Chân Trái” - du tử lê




Việt Nam có nhiều vùng đất được ghi nhận là “địa linh nhân kiệt”. Một trong những vùng được công nhận và, nói tới nhiều là Quảng Nam.
Những danh nhân có tên trong lịch sử, xuất thân từ xứ Quảng nhiều tới mức độ khó ai có thể nhớ hết. Tuy nhiên, những tên tuổi như Hoàng Diệu, Tiểu La / Nguyễn Văn Thành, Ông Ích Khiêm, Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân, Phan Chu Trinh, Nguyễn Bá Trác, Phan Khôi… khi được nhắc tới, hầu như ít ai không biết.
Xứ Quảng cũng là nơi duy nhất, được vua Thành Thái sắc phong “Ngũ Phụng Tề Phi”. Theo ghi nhận của nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Q. Thắng thì, “Khoa Mậu Tuất 1898 tỉnh Quảng Nam có 5 thí sinh trúng kỳ thi Hội và thi Đình nên được vua Thành Thái (1879-1854) ban tấm biển ghi 4 chữ “Ngũ Phụng Tề Phi” (năm con phụng cùng bay) nhằm chúc, tặng cho các sĩ tử nói chung và học trò đất Quảng thuở ấy học giỏi”. (1)
Nhiều người nói với tôi rằng, đa số nam giới xứ Quảng chỉ có một trong hai chọn lựa: Làm cách mạng hoặc làm văn nghệ.
Tôi không rõ lắm xác xuất của nhận định vừa kể. Nhưng, hiển nhiên, rất nhiều bằng hữu trong văn giới của tôi, xuất thân từ đất Quảng. Nhiều người nổi tiếng rất sớm. Cũng có những người khi bước qua tuổi trưởng thành, hoặc đã nửa đời người mới chính thức tìm vào sinh hoạt văn học, nghệ thuật. Tuy muộn màng, nhưng trong số này, cũng không thiếu người nổi tiếng.
Một trong những bằng hữu Quảng Nam của tôi, bước chân vào sân chơi văn chương miền Nam 20 năm, rất sớm là nhà thơ Luân Hoán (2).
Ngay từ năm 1964, 23 tuổi, nhà thơ Luân Hoán / Lê Ngọc Châu đã có tác phẩm xuất bản. Thi phẩm “Về trời”.
Ở phần “Lời Bạt”, trước khi khép lại thi phẩm “Về trời” của Luân Hoán, nhà văn Dương Kiền viết:
“Gia tài quê hương của chúng ta đã bị xâu xé gần hết, chúng ta chỉ còn lại một di sản quí báu: tình tự con người. Tình tự con người bất chấp mọi tương tranh, chia cắt, vùi dập, thủ đoạn... nó sáng ngời trong đêm tối kéo dài từ hai chục năm nay, nó là ngọn lửa sưởi ấm những tâm hồn còn biết hướng về nhau, những con tim còn biết xôn xao mơ ước. Nó làm thành một thế giới trên những thế giới của tham vọng và hận thù.
Anh Luân Hoán, chính thơ anh đã đưa tôi vào thế giới ấy…”(3).
Nhưng theo ghi nhận của tôi, khi miền Nam cuối thập niên (1960) bị đẩy sâu vào giai đoạn chiến tranh khốc liệt; dẫn tới việc nhà thơ của chúng ta đã để lại nơi chiến địa bàn chân trái của mình, Luân Hoán viết:

“nằm im mà thấy bềnh bồng
nghe như mây đảo vòng vòng trong tim
tỉnh ra sửng sốt giật mình
một đoạn chân đã tuyệt tình bỏ đi”

“… núi Vàng, cõi đặt mộ bia
cho bàn chân trái nằm kia, mơ hồ”
.
“cái chân một thuở đánh rơi
“hình như đang nhớ đến tôi, khóc thầm…”(4)

Đó là năm 1968. Nơi “… bàn chân trái nằm kia, mơ hồ” của Luân Hoán / Lê Ngọc Châu là “Núi Vàng”, thuộc quận Đức Phổ, Quảng Ngãi.   
Nhưng chính sự “một đoạn chân đã tuyệt tình bỏ đi” mà, từ đó, giới thưởng ngoạn được đọc thi phẩm “Nén hương cho bàn chân trái” của họ Lê.
Theo tôi, cũng chính từ thi phẩm vừa kể, Luân Hoán được người đọc và văn giới chú ý tới thơ ông nhiều hơn nữa.
Trước đấy, dự cảm mang tính tiên tri, dường báo trước cho Luân Hoán biết, bi kịch chiến trường, rồi đây, sẽ xẩy đến cho ông, sau khi chúng đã tìm đến những người bạn của ông:

“ từ đồn Đức Hải ta về phép
bạn thế chân ta kích xóm đêm
đâu có chỗ nào vừa mắc võng
nằm hoài cũng mỏi cái lênh đênh”

“bạn mới ngả lưng lim dim mộng
cạc-bin, bảy-chín, lẫn AK
trời xanh thăm thẳm hồn nhiên quá
phận số dành riêng mỗi chúng ta?”
.
“ta trở lại đồn qua xóm cũ
rút colt bắn lẫy cái lu sành
nước tràn, lu vỡ, trời ta khóc
bóng bạn chập chờn đóm lệ xanh”
.
“Nam ơi, Đức Phổ trưa nay vắng
biển lặng ngồi không, xót phận mày
ngày mai nhổ trại lùng Đức Phụng
đến lượt ta, hay đứa nào đây?”(5)

Mặc dù Luân Hoán / Lê Ngọc Châu mang được vào trong thơ của mình, tên của nhiều loại súng hơn bất cứ một tác giả nào khác; nhưng tôi vẫn không thấy tính hận thù, sắt máu trong thơ ông. Khi nhớ tới bạn đã hy sinh nơi trận địa thì mức độ “bi phẫn” cao nhất của họ Lê, cũng chỉ là rút cây “colt” bắn… vỡ “cái lu sành” – Và sau đấy, ông bật khóc!
Cũng vậy, khi nhận được giấy gọi động viên, ông bình thản, như thể sự kiện ấy, không hề là một điều gì to lớn hay nghiêm trọng:
“bỏ lệnh gọi trong túi quần
         tôi đi qua từng đường phố
         không biết phải làm gì
         tôi trở về rửa mặt
         quyết định ngủ một ngày
         thản nhiên không mơ mộng…”(6)

Phải chăng thanh niên miền Nam, trong cuộc chiến miền Nam 20, ngay từ tấm bé, đã không bị dạy dỗ, nhồi nhét tinh thần căm thù?
Phải chăng, vì thế mà, đặc tính thơ, văn miền Nam, theo ghi nhận của giáo sư Neil. L Jamieson, vốn đầy tính nhân bản?(7).   
                                        
--------------
  Chú thích:
(1)Theo Wikipedia, Bách khoa toàn thư mở “Khoa cử và giáo dục Việt Nam", NXB Văn Hóa Thông Tin, 1993. Vẫn theo Wikipedia thì “Một lập luận khác của ông Trương Duy Hy là danh hiệu ‘Ngũ phụng tề phi’ do Tổng đốc Nam-Ngãi Đào Tấn và Ðốc học Quảng Nam Trần Ðình Phong lấy từ tích xưa đặt cho 5 vị đại khoa nói trên, đồng thời tặng cho bức trướng có 4 chữ Ngũ phụng tề phi, có thêm hình 5 con chim phụng đặt tại dinh Tổng đốc ở Điện Bàn. Và theo Giáo sư Sử học Đặng Tiến thì ‘… chuyện này không có sử sách nào ghi lại mà chỉ lưu truyền ở dân gian. Nhất là những đoàn hát bội ở Trung bộ lấy đó làm vẻ vang truyền tụng nhằm vinh danh xứ Quảng. Tuy nhiên, việc 5 đại khoa (gồm 3 Tiến sĩ và 2 Phó Bảng người Quảng Nam đỗ đại khoa trên 17 vị toàn quốc cũng được cho là hy hữu xưa nay hiếm tại Việt Nam”.
(2) Nhà thơ Luân Hoán tên thật là Lê Ngọc Châu, sinh ngày 10-01-1941 tại  Hội An, Quảng Nam. Gia đình ông di chuyển ra Ðà Nẵng từ 1953. Là sĩ quan QLVNCH, ông bị mất bàn chân trái tại mặt trận Ðức Phổ, Quảng Ngãi, 1968. Kể từ năm 1985, cùng với gia đình, ông định cư tại Montreal Canada.
(3), (4), (5), (6): Nguồn đd.
(7) Đọc thêm “Understanding Vietnam”, bản paperback, in lần thứ nhất năm 1995, bởi liên đại học Berkeley, Los Angeles & London.

  
đóng quân đêm

trung đội thiếu quân số
chờ nắng tắt hồi lâu
thong thả một hàng dọc
lưng, ngực gần chạm nhau

điểm nằm đêm khoanh sẵn
đánh lừa đi vòng vo
vừa ngủ vừa kích giặc
một trò chơi giả đò

bóng tối mở dạ hội
côn trùng chung vòng đai
ếch nhái thảnh thơi hát
một cõi trời thiên thai

nằm lơ mơ nghe ngóng
bóng tử thần trong đêm
sống chết dẫu có mạng
đầu đạn biết chọn tên?

cổ không đeo Thánh Giá
không tượng Quán Thế Âm
tấm thẻ bài lành lạnh
nằm sát da âm thầm

giữa đồng không mông quạnh
ngửa mặt thấy sao băng
nhớ nhiều giai đoạn sống
lấp ló lời trối trăn

địch quân chưa xuất hiện
qua trọn thêm một ngày
mừng cho ta, cho địch
còn được rửa mặt mày

sớm mai, sớm mai đến
đời còn mấy sớm mai?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét