Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

cao thoại châu & vách đá cheo leo - nguyễn liên châu




Khi tôi đang còn tập tễnh bước vào nghiệp sáng tác thì tên tuổi Cao Thoại Châu đã được khẳng định vị trí trong làng văn, và là một trong số rất ít những tác giả mà tôi yêu thích lúc bấy giờ. Còn nhớ, tôi đã rất tâm đắc kiểu đặt “tít” cho những bài thơ của anh thời ấy, dứt bỏ kiểu ước lệ chung chung để trực diện với chính cảm xúc, kiểu như “Để nhớ lúc Trâm xa”, thơ hơn và nhiều âm ba hơn so với những “Biệt ly” hay “Chia xa” của thời kỳ trước đó. Nói một cách khác, anh là một trong những người Thầy - trước khi là bạn - của tôi trong chuyện sáng tác, dù không trực tiếp dạy tôi một phút giây nào.
Giới văn nghệ, đa số, cho anh là người khô khan, khó gần. Thật ra, chơi thân với anh mới hiểu vì sao có sự ngộ nhận ấy. Anh luôn cầu toàn nhưng bình dị, cả trong đời sống và trang viết. Anh rất ngại đám đông và ghét sự “điếu đóm”, ngại và ghét đến độ có biệt danh “Cao Thoại Châu - người không quen vui”. Không, anh “quen” vui lắm đấy, “quen” đến độ hồn nhiên nhưng vì anh luôn điềm đạm, và cả bao dung, nên rất khó nhận ra cái sự “quen” ấy ở anh. Tôi ngưỡng mộ chất điềm đạm và bao dung của anh, nhất là ở những trang viết.

Cái sự “Tạp” nhiễu nhương khi được anh đưa vào “Văn” luôn trở nên nhẹ nhàng hơn, dễ cảm thông hơn. Tạp văn của anh không “đao to búa lớn” và nhất là không bao giờ “bi thảm hóa” vấn đề. Anh điềm đạm dẫn người đọc đi từ những chi tiết nhỏ nhặt tưởng chừng như vặt vãnh, nhưng kỳ thực, đó chính là những “lỗ nhỏ làm đắm thuyền”. Sự trân trọng chi tiết và tiết giảm tối đa lý luận đã làm nên cái “duyên” và cái “trọng” cho “Tạp văn Cao Thoại Châu”. Anh bao dung với đủ mọi thứ “trên trời dưới đất” nhưng không bao giờ thỏa hiệp mà luôn điềm đạm từng chút một để “gỡ” và để “thoát”.

Đúng là đọc Tạp văn của một nhà thơ thấy rất khác so với đọc Tạp văn của một nhà văn hay một nhà báo. Lại càng khác khi đó là “Tạp văn Cao Thoại Châu”. Cần phải có tâm thế “bao dung và điềm đạm” giống tác giả mới có thể “mỉm những nụ ưu tư” trước những đa đoan và nhiễu nhương thế sự, phận người.

Ngay cả khi anh viết Tiểu phẩm Châm biếm (dưới nhiều bút danh, nhưng nhiều nhất là Hư Trúc), cái “duyên” và cái “trọng” cũng không khác là mấy khi anh viết Tạp văn. Chỉ tiếc là không biết đến bao giờ anh mới tập hợp và cho xuất bản những tuyển tập tiểu phẩm này. Hy vọng...
Thân, nhưng hai anh em rất ít khi được gặp nhau, anh đã thôi không làm báo ở Sài Gòn nữa. Biết là dạo này sức khỏe của anh rất kém, nhưng vẫn khá yên tâm khi mỗi tối vào blog của anh, vẫn đều đặn được đọc những bài viết mới toanh của “người không quen vui”. Bút lực của anh “cho hít khói” một số người nhỏ tuổi hơn anh rất nhiều mà lại “đại lãn” như tôi. Cố mà học cái chất “bao dung và điềm đạm” của anh, thời may ra...
Còn nhớ, ngày anh giao nhiệm vụ chăm sóc bản thảo tập thơ “Ngựa hồng”, mở ra, thấy mình được anh đề tặng một bài trong đó, mừng và cảm động quá chừng. Anh vốn là người không dễ bộc lộ tình cảm cũng như biểu hiện cảm xúc ra mặt, vậy mà lại ưu ái tặng cho thằng em một trong những bài thơ hay nhất của mình. Bài thơ có 2 câu đề từ luôn đeo lấy tôi như một ám ảnh: “Cũng đành bứt sợi dây câu / Ra đi để lại một châu thổ buồn...”. Anh rất tâm lý, hiểu người và nặng tình.
Những ngày này, ngồi chăm sóc bản thảo tập Tạp văn “Vách đá cheo leo” của anh, lại vẫn rưng rưng với 2 câu đề từ ấy.
Và bất ngờ thú vị khi phát hiện, trời đất, bài nào cũng được anh khởi viết bằng duy nhất phụ âm đầu “T”, phụ âm đầu của “tình, tiền, tù, tội, thương, thù...” đầy “bi, ai, hỉ, nộ, ái, ố...”. Ngoài sự kỹ lưỡng, làm việc gì anh cũng cố tình lưu lại những dấu ấn rất riêng. Thiết nghĩ, đó cũng là một cách “chơi” rất Cao Thoại Châu!
Cũng thú vị nhưng đắc địa và cần thiết, khi tập tạp văn này của anh trình làng dưới một hình thức mà không phải người viết nào cũng làm được: Dưới mỗi tạp văn là một bài thơ! Có thể anh đã “khiêm nhường” xem những bài thơ này là phần “phụ lục”. Nhưng chính những “phụ lục” này đã mở rộng biên độ vấn đề, hướng vấn đề vào một chiều không gian khác, nhẹ nhàng hơn và thấm thía hơn. Viết tạp văn kiểu này, chỉ mới có mỗi mình anh, Cao Thoại Châu!
Sài Gòn, 6/3/2012

-----------------------
* nguồn: blog nguyenmienthao



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét