Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

tôi hình dung ông đang “bay” về... - nguyễn khắc phê



TT - Tôi biết nhà văn Nguyễn Mộng Giác lâm trọng bệnh đã mấy năm, nhưng sáng 3-7 nghe nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Khoa Quả báo tin anh vừa qua đời tại Mỹ, vẫn cứ cảm thấy thảng thốt.




Thảng thốt, vì ấn tượng hai lần trò chuyện với anh tại Huế quá đậm nét - thì đó, một ngày thu năm 2004, sau khi bị cắt một phần lá gan, anh trở lại thăm Huế, cùng với vợ là cựu nữ sinh Đồng Khánh Diệu Chi (em ruột Nguyễn Khoa Quả); tôi dẫn anh đến phòng trưng bày mẫu tượng anh hùng dân tộc Quang Trung - nhân vật chính trong trường thiên tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ...

Nhìn vóc dáng đậm đà, cái trán cao bóng loáng và nụ cười mỉm hiền lành của anh bên mẫu tượng Quang Trung, tôi cứ nghĩ con người ấy còn “trụ” được lâu. Và cuộc đời vẫn thường có những điều kỳ diệu. Như anh đã hoàn thành 2.000 trang Sông Côn mùa lũ vào thời kỳ cả nước thiếu đói (1978-1981), lúc anh suốt ngày phải kiếm ăn tại tổ hợp mì sợi Dân Sinh ở Phú Lâm; và chuyện chị Diệu Chi mang cả “núi” bản thảo ấy sang Mỹ cũng là điều kỳ diệu...

Những người góp nhiều công sức để Sông Côn mùa lũ đến tay bạn đọc VN đều đánh giá cuốn sách là “hay và hấp dẫn”, “đáng mặt là tiểu thuyết theo cái nghĩa cổ điển của từ này”. Trong lời giới thiệu bộ tiểu thuyết, nhà thơ Đỗ Minh Tuấn viết: “Nguyễn Mộng Giác đã tỏ ra là một ngòi bút tiểu thuyết lịch sử xuất sắc khi phân tích và tái hiện huyền thoại lịch sử bằng cái nhìn văn hóa và cái nhìn thế sự. Những chuyện tình của Nguyễn Huệ, những bê bối của vương triều, những cưu mang nghĩa hiệp và bối rối cũng như những sóng gió gia đình, những tâm sự buồng the không làm mất đi ánh hào quang của người anh hùng, mà trái lại, làm cho Nguyễn Huệ trở nên lớn lao hơn, gần gũi ta hơn như một con người cụ thể đầy những lo toan trần thế và đầy thủy chung ân nghĩa”.

Nhưng Nguyễn Mộng Giác không chỉ có Sông Côn mùa lũ (NXB Văn Học và Trung tâm Nghiên cứu quốc học ấn hành năm 1998, tái bản năm 2002). Nhân đây xin cung cấp thêm một số tư liệu về những tác phẩm của ông viết trước năm 1975: Nỗi băn khoăn của Kim Dung (tiểu luận), Bão rớt (truyện ngắn), Tiếng chim vườn cũ (truyện dài), Qua cầu gió bay (truyện dài), Đường một chiều (truyện dài); các tác phẩm sau năm 1975: Ngựa nản chân bon (truyện ngắn), Xuôi dòng (truyện ngắn), Nghĩ về văn học hải ngoại (tiểu luận)...

Trong lần gặp tôi trước đó, ông cho biết đang khởi thảo cuốn tiểu thuyết về lớp người Việt định cư ở nước ngoài. Nhưng một người cẩn thận chữ nghĩa như ông, chắc là tác phẩm đã phải bỏ dở...Ông cũng không còn dịp trở lại Huế để xem bức tượng Quang Trung hoành tráng đã sừng sững bên núi Bân, mà ông đã góp ý là “một ông vua trí dũng song toàn như Nguyễn Huệ không cần cây kiếm dài quá...”.

Cho dù vậy, tôi tin là hôm nay (5-7), khi chùa Ba La Mật (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) làm lễ tưởng niệm ông thì vong linh ông sẽ “bay” về với bà con họ Nguyễn Khoa...

Một nhà văn nặng lòng với đất nước sẽ mãi mãi không xa cách chúng ta...

-------------------------------
* nguồn: tuoitre online 5.7.12



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét