Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

nhà văn Doãn Quốc Sỹ và hai mươi năm văn học miền Nam (1954-1975) – nguyễn mạnh trinh


Nhà văn Doãn Quốc Sỹ

Năm 1954, hiệp định Genève chia đôi đất nước và cả triệu người từ miền Bắc vào Nam di cư và lập nghiệp. Và chính ở cột mốc thời gian này, một nền văn học mới được hình thành ở miền Nam với phong cách khác so với những thời kỳ trước. Tạp chí Sáng Tạo của một nhóm các nhà văn di cư đã góp phần để tạo dựng một nền văn học tự do và khai phóng mà một con đường văn chương mới được vạch ra với một tâm thức mới.

Có nhiều người phân vân khi trả lời có hay không nhóm Sáng Tạo, vì thật ra tất cả những cây bút như Mai Thảo, Trần Thanh Hiệp, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Cung Tiến,… mỗi người đều có phong cách cũng như tâm thức riêng và họ chỉ góp mặt trong một tạp chí theo một con đường của cá nhân họ. Nhưng, một điều rõ ràng là từ những đóng góp ấy, đã tạo được một cá tính đặc sắc cho cả một thời kỳ văn học và ảnh hưởng của họ rất lớn, có thể coi như là đến ngày hôm nay.

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ trong bài viết “Nhìn lại một thời” đã viết về những ngày đầu tiên tham dự vào văn chương của mình như sau:
“Năm 1954, hai vợ chồng tôi cùng hai đứa con gái đầu lòng và cô em gái năm người cả thảy ra phi trường di cư vô Nam. Danh từ thời thượng là Bắc Cờ năm mươi tư.

Thuở đó, tôi còn là sinh viên, gặp Trần Thanh Hiệp sinh viên Luật khoa chúng tôi bèn thành lập đoàn thể Ðoàn Sinh Viên Hà Nội Di Cư (ÐSVHNDC) Trần Thanh Hiệp đứng ra làm chủ tịch.

Ðể giới thiệu ÐSVHNDC nhân dịp chào mừng mùa xuân năm đó chúng tôi cho in tập Xuân Chuyển Hướng. Tôi còn nhớ trước năm 1954, thuở còn ở ngoài bắc tôi sớm có khuynh hướng viết văn, hoàn tất được một truyện ngắn đầu tay dưới dạng một truyện cổ tích mang tên là “Sợ lửa”. Di cư vô Nam năm 1954 may sao tôi có mang theo bản thảo Sợ Lửa và cho đăng vào tập Xuân Chuyển Hướng này! Thế là như lửa gặp gió, tôi tiếp tục... sáng tác để chính thức đi vào nghiệp cầm bút của nhà văn bên cạnh sự nghiệp cầm phấn của nhà giáo sau này.

Sau tập Xuân Chuyển Hướng tôi đứng ra làm chủ nhiệm tờ tuần báo Người Việt nhưng cũng chỉ ra được vài số là đình bản. Sau đó gặp thêm Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, hai họa sĩ Duy Thanh và Ngọc Dũng nữa, thế là chúng tôi xúm lại chủ trương nguyệt san Sáng Tạo vào cuối năm 1956 thì phải, nếu tôi nhớ không nhầm. Tòa soạn Sáng Tạo ở đường Ký Con. Truyện dài đầu tay Dòng Sông Ðịnh Mệnh của tôi đăng trên Sáng Tạo trước khi in thành sách. Sáng Tạo ra được tới số 30 hay 31 thì đình bản. Các văn hữu từ đó vẫn gọi nhóm chúng tôi Mai Thaỏ – Nguyễn Sỹ Tế – Ngọc Dũng – Duy Thanh là nhóm Sáng Tạo. Tòa soạn ở đường Ký Con!”.

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ sinh ra và trưởng thành trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt. Như một câu ví von của ông: “Ba sinh hương lửa” thành nhan đề của một tập trong trường thiên Khu Rừng Lau. Các nhân vật đã sống trong thời đại Pháp thuộc, Nhật thuộc, rồi Việt minh, rồi đảng phái Quốc gia, rồi ở lại kháng chiến, rồi trở về thành phố mà thời ấy gọi là về Tề, bao nhiêu là biến chuyển, bao nhiêu là cảnh bể dâu. Rồi hiệp định Genève chia đôi đất nước, rồi chiến tranh tiếp diễn… Hình như, sống trong thời đại ấy, định mệnh đã đẩy con người đi vào những lối ngõ khác nhau và cho đến bây giờ, hàng triệu người lưu lạc xứ người và cuộc chiến vừa qua tới bây giờ vẫn còn hậu quả. Cuộc đời đầy những chuyến ra đi, rời quê Bắc vào Nam, rồi lại phải ra đi lần nữa. Lịch sử toàn là những chia ly tan tác.

Thế mà, ông viết văn trong cái tâm thái ung dung, dù đang trong cảnh tù giam bức bối, hay chịu những o ép nặng nề về chính trị. Vẫn thái độ tin vào mình, tin vào người, tin ở những điều tốt đẹp của cuộc sống. Ðộc giả khó tìm thấy những lời hằn học, những tâm trạng phẫn nộ. Viết văn, với ông là một phương cách của “văn dĩ tải đạo” – viết, như một cách để làm đời sống đẹp tươi thêm…

Những lúc thấy những cảnh tráo trở tàn nhẫn của người đời với nhau, tôi lại giở những “Gìn vàng Giữ Ngọc” hay “Chiếc chiếu hoa cạp điều” ra đọc. Những lúc buồn nhớ về quê hương, tưởng tượng ra những Hà Nội, những Saigon, tôi đọc “Dòng sông định mệnh” để thấy mình tìm lại cái rung động thuở nào khi đọc những câu thơ tả lại cảnh đạp xe theo một tà áo trắng những câu dễ thương:

“… Em nghèo ta có giầu đâu.
Tịch liêu đổ xuống đôi đầu ngẩn ngơ.
Hoe đôi mắt em vơ tà áo.
Áo trắng bong ảo não hồn trinh.
Lòng ta gợn gió ngây tình.
Theo em nào biết chúng mình về đâu…”.

Mặc dù nhà văn Doãn Quốc Sỹ ít làm thơ bởi vì ông quan niệm rằng thơ khó chuyên chở ý tưởng so với tiểu thuyết, truyện ngắn hoặc kịch. Nhưng ông lại cho nhân vật của ông yêu thơ và thường có những bài thơ chen vào trong các tiểu thuyết của ông. Như trường hợp của Dòng Sông Ðịnh Mệnh hoặc về sau này khi viết ở hải ngoại như tiểu thuyết Mình Lại Soi Mình khởi đầu trong phần khai từ bằng hai bài thơ mà ông gọi là “giai thoại thi ca”.

Và khi nào thấy đời sống có một chút gì sương khói, tôi đọc “Sầu mây”, “Vào thiền”… để mình tìm lại trong một góc cạnh nào của đời sống những ý nghĩ cao đẹp thánh thiện. Ðọc sách Doãn Quốc Sỹ, không phải là để giải trí, mà để thấy mình trẻ lại, hồi sinh từ thưở nào, từ một giai đoạn nào của lịch sử, đã qua nhưng thật nhiều gần gũi. Thời thế, của một đất nước Việt Nam có nhiều dông bão và nếu bị cuốn trong dòng lũ ấy mà vẫn giữ được tấm lòng an nhiên tự tại không phải là điều dễ dàng ai cũng làm được, Thế mà, trong cõi văn chương Doãn Quốc Sỹ, thái độ vô úy vô ưu đã là một cá tính rõ nét của riêng ông.

Có người nói rằng văn chương mà mang thời thế làm đề tài thường tuổi thọ không dài bằng những đề tài xoáy sâu vào chân dung con người muôn thuở. Viết về thời thế khó có tác phẩm lớn.

Nhưng tôi lại có ý nghĩ khác như vậy. Không có đề tài nào giới hạn cho những tác phẩm lớn. Nếu có tài năng, nhà văn sẽ viết những tác phẩm bất tử bất kỳ đề tài nào. Huống chi, một thời đại đặc biệt của dân tộc Việt nam nếu mô tả những cơn lốc thời cuộc sẽ có biết bao nhiêu chân dung con người điển hình cho những nhân vật tiểu thuyết tuyệt diệu…

Hình như, trong tiểu thuyết của Doãn Quốc Sỹ, thời thế đã đóng vai trò quan yếu và văn chương là những dấu hằn chẳng thể nào phai trong ký ức của dân tộc chúng ta.

Với “Khu rừng Lau”, những ngày kháng chiến chống Pháp được ghi chép lại với tất cả những nỗi niềm của người yêu nước nhưng bị lừa gạt bởi những ý thức hệ ngoại lai. Một tiểu thuyết trường thiên vẽ lại cả một thời kỳ hoành tráng của lịch sử mà trong đó con người bị cuốn vào những cơn lốc dữ dội.

Trong bài phỏng vấn của nhà văn Nguyễn Ngu Í ông đã nói về Khu Rừng lau:
 “Xin trở lại khu rừng của chúng ta. Ban đầu tôi dàn rất mực đơn sơ, rồi càng viết, sự việc dồn dập, ý nghĩ kéo thêm thành trở nên rườm rà…
- Rườm rà như một khu rừng hoang?
- Một khu rừng hoang mà mình say sưa ra tay khai phá. Rồi cốt truyện nó biến, mình không ngờ. Từ một truyện ngắn, rồi từ một truyện vừa, nó trở thành một tiểu thuyết trường thiên…

Và anh chợt đứng dậy, quay ra sau, mở cửa kính tủ sách gia đình, lấy ra một quyển sách:
- Như quyển “Les frères Karamazov này. Trường thiên chứ không phải trường giang. Một quyển dày, nhưng gồm nhiều cuốn liên lạc mật thiết với nhau, ta phải đọc từ đầu đến cuối…”.

Với những truyện ngắn như “Chiếc chiếu hoa cạp điều”, hay “Gìn Vàng Giữ Ngọc”, chân dung những con người tốt đẹp vằng vặc như trăng đã khiến cho độc giả cảm thấy cuộc đời không phải chỉ toàn người xấu. Trái lại người tốt rất nhiều và trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù khốn cùng đến đâu, cái chất nhân bản vẫn rõ nét.

Quả thật, văn chương của ông bình dị không lên mặt dạy đời mà lại có sức thuyết phục. Thường thường, văn chương cũng như âm nhạc phải theo luật cân phương, có nghĩa là phải thể hiện được đời sống ở nhiều mặt tốt xấu và tất cả phải quân bình cân đối. Nhà văn thời danh Milan Kundura đã ví von công việc viết tiểu thuyết như soạn hòa âm, nhạc đề cũng cần phải có những dạo khúc hoặc những chuyển khúc và cân bằng nó là cả một vấn đề kỹ thuật tinh tế.

Thế mà, ở Doãn Quốc Sỹ, hầu như những nhân vật đều ăm ắp chất thiện ở trong. Ngay những nhân vật ở tuyến ác, cũng có nét khiến độc giả có thể bao dung được và không thể ghét bỏ hoàn toàn. Văn của ông, chuyên chở một phần nào cuộc sống và ở đó, đời sống của người Việt Nam đã được phóng chiếu qua những cảnh ngộ đặc thù của một thời đại đặc biệt.

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ là một khuôn mặt văn chương hàng đầu của hai mươi năm văn học miền Nam. Ông sinh năm 1923 tại ngoại ô Hà Nội lớn lên trong thời kỳ kháng chiến, dạy học ở Hà Nội và Nam Ðịnh, rồi di cư vào Nam năm 1954. Nghề chính của ông là dạy học và đã sang Hoa Kỳ tu nghiệp giáo chức trong hai năm. Trên bình diện văn chương, ông là một cây bút chủ lực trong nhóm chủ trương tạp chí Sáng Tạo và cũng là giám đốc nhà xuất bản cùng tên đã giới thiệu được nhiều tác phẩm có giá trị và nhiều cây bút tài hoa có khả năng.

Tác phẩm của ông gồm bộ trường thiên “Khu Rừng Lau” có bốn cuốn: Ba sinh hương lửa, Người đàn bà bên kia vĩ tuyến, Tình yêu thánh hóa, Ðàm thoại, Ðộc thoại; truyện dài Dòng sông định mệnh, Sầu mây, Ðốt biên giới; truyện ngắn Gìn vàng giữ ngọc, Cánh tay nối dài, U hoài, Gánh xiếc; tùy bút Vào thiền; khảo luận Người Việt đáng yêu;…

Sau năm 1975, ông bị chính quyền Cộng Sản bắt giam hai lần và sau những cuộc can thiệp của công luận thế giới ông được trả tự do và định cư ở Hoa kỳ với người con trai lớn ở Houston, Texas.

Trường thiên “Khu Rừng Lau” vẽ lại cả một thời kỳ nhiễu nhương của lịch sử Việt Nam. Ðời sống của một lớp thanh niên tiểu tư sản được dựng lại trong cái phong cảnh hoành tráng của một đất nước không may trở thành nơi chốn đọ sức của những ý thức hệ quốc tế.

Những nhân vật như Miên, Kha, Tân, Hiển, Hãng, Lăng, Khiết… từ lúc trưởng thành, tham gia kháng chiến chống Pháp, rồi trải qua những ngày cải cách ruộng đất, trở về thành rồi di cư vào Nam, tất cả những quặn mình của cả một thế hệ được nhà văn tạo thành tiêu biểu.

Nhân vật chính là Miên và các nhân vật khác đã có cuộc sống đi qua suốt chiều dài lịch sử từ thế hệ mà tác giả mệnh danh là thế hệ Nguyễn Thái Học cho đến thế hệ trưởng thành trong cuộc chiến toàn quốc kháng chiến. Có những người như Khóa, Lãng, Khiết trực tiếp hoặc gián tiếp chịu ảnh hưởng của những đảng phái quốc gia như Việt Nam Quốc Dân Ðảng hoặc Ðại Việt. Còn các nhân vật thế hệ sau như Hãng, Hiển, Tân, Kha, Miên,… thì mới đầu tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp nhưng sau đó nhìn thấy bộ mặt thực của đảng Cộng sản Việt Nam nên trở về thành và sau đó di cư vào Nam.

Tuổi tác họ chênh lệch nhau nhưng cùng có chung một mẫu số yêu đất nước như yêu tự do và cùng mong ước cho một ngày đất nước hùng cường. Cũng như, dù chịu ảnh hưởng của truyền thống văn hóa cổ truyền trên kính dưới nhường nhưng họ lại chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Tây phương nên sự gặp gỡ và thông cảm có phần dễ dàng tự nhiên. Câu chuyện khởi đầu với thời thơ ấu của nhân vật Vũ Ðình Tân trong cuốn đầu tiên của bộ trường thiên Khu Rừng Lau là cuốn Ba Sinh Hương Lửa rồi đến cô Miên trong cuốn thứ hai Người Ðàn Bà bên Kia Vỹ Tuyến và tập ba tiếp theo là Tình yêu Thánh Hóa và sau là Những Ngã Sông Trên Dòng Ðời .

Hình như, họ có chung nỗi hoang mang của những người trí thức luôn đi kiếm tìm cho mình một con đường nhưng lại thấy bơ vơ khi chọn lựa. Ở với kháng chiến, thấy lòng yêu nước bị lợi dụng bởi những con người Bolcheviks tàn bạo vô nhân, về thành thì thấy giặc Pháp nghênh ngang, chính phủ quốc gia chỉ là cái bóng. Di cư vào Nam, thì chế độ độc tài và gây ra nhiều kỳ thị bất công.

Nhà văn Võ Phiến trong Văn Học miền Nam – Tổng quan đã có đoạn viết về nhà văn Doãn Quốc Sỹ như sau:
 “Còn Doãn Quốc Sỹ, ông làm chúng ta nghĩ đến một nhân vật của ông – Khiết. Khiết kiên trì theo đuổi con đường văn hóa nhưng đã trót đi vào con đường chính trị, biết những ngõ nghách của nó âu cũng thành ngjiệp chướng của mình nên khó bỏ lắm. Khu Rừng lau phơi bày ra cái hiểm ác của chế độ này, lột trần nền độc tài nọ. Thái độ chính trị của tác giả luôn luôn biểu lộ trong tác phẩm. Tuy nhiên ông Doãn cũng như Khiết trước sau “kiên trì theo con đường văn hóa”. Ông chê cái này chống cái nọ vì nó ác nó xấu. Mà ông thì nhất tâm phục vụ cái thiện cái mỹ… Thiện tâm thiện ý của tác giả tỏa ra khắp tác phẩm trong các truyện của ông Doãn nhân vật nào cũng tốt việc gì cũng có khía cạnh hay. Ông bất lực không tạo nổi người xấu, kể nổi viêc xấu. Ðọc sách ông thơm tho cả tâm hồn. Truyện ông Doãn vừa có luận đề chính trị vừa có chủ tâm giáo dục…”.

Dòng đời trôi, qua bao năm tháng, chiến tranh lại tiếp chiến tranh, hết độc tài Cộng sản đến độc tài gia đình trị, thế nước nghiêng ngửa như những cuộc đời ngả nghiêng theo. Bộ trường thiên này có lẽ là một phác họa lịch sử hoành tráng và tiêu biểu nhất của văn học Việt Nam

Có nhiều người nhìn ngắm và định nghĩa thế nào là trường thiên tiểu thuyết trong văn học Việt Nam và trong những nhận định ấy rút ra nhiều kết luận từ nhiều ý kiến khá tương phản với nhau. Có người cho rằng phải có bề dầy đồ sộ và có thể là của nhiều truyện dài nối tiếp nhau thì mới gọi là trường thiên được. Nhưng lại có ý kiến rằng bề dầy của tác phẩm không đủ mà còn phải diễn tả đầy đủ một cuộc sống để vẽ lại những biến cố lịch sử của nhiều người và không phải chỉ của một mình tác giả. Và có nhiều ý kiến cho rằng bộ Chiến Tranh và Hòa Bình của Tolstoy đã vẽ lại được cả một thời thế với rất nhiều nhân vật tiêu biểu và đó là một bộ trường thiên tiểu thuyết mẫu mực.

Ở Doãn Quốc Sỹ, ông viết Khu Rừng Lau như một cách lý giải sự thất bại của những người quốc gia trong thời cuộc hiện đại. Họ là những người đã bị những tay sai quốc tế Cộng Sản đệ tam lường gạt trong công cuộc giành độc lập cho đất nước.

Nhưng đọc truyện ngắn của ông như “Chiếc Chiếu Hoa Cạp Ðiều” hay “Gìn Vàng Giữ Ngọc” mới thấy được cái Tâm vằng vặc của ông. Hoàn cảnh dù thế nào, con người dù ở trong cảnh ngộ nào, cái tình đối xử với nhau mới là quan trọng. Cái nghèo, cái khổ, cái đói không làm hạ giá trị được con người bằng sự tha hóa tâm hồn. Tình đời thường thay đổi cách ứng xử tùy theo giàu nghèo nhưng cũng có những trường hợp cá biệt như nhân vật xưng tôi trong “Gìn vàng giữ ngọc” hay “Chiếc chiếu hoa cạp điều” trời làm loạn lạc, gây nhiều thảm cảnh nhưng con người với cái tâm hiền vẫn vòi vọi đứng không quỵ ngã. Văn phong đôn hậu, chữ nghĩa thật thà đã có tác dụng ảnh hưởng đến người đọc. Bao nhiêu năm trôi qua, tôi mỗi khi đọc lại những chuyện ngắn này thấy đời sống dù sao cũng còn nhiều người tốt và không phải chỉ toàn là lang sói và lừa lọc như những bi hài kịch thường diễn ra mỗi ngày của thực tế đời thường…

Trong truyện ngắn Gìn Vàng Giữ Ngọc, trước đây gần nửa thế kỷ, nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã viết một câu văn thật hàm súc, mà suy nghĩ cho cùng tới bây giờ cũng có phần nào hữu lý tuy quá lý tưởng:
 “Ở thế giới Thực Dân Tư Bản, người ta tung vật chất ra để giam lỏng linh hồn; ở thế giới Thực Dân Cộng sản ngươì ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất bại! Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được bằng Tình Thương Yêu rộng rãi và chân thành…”.

Truyện dài Dòng Sông Ðịnh Mệnh mà theo lời chính ông là một cuốn sách bán chạy nhất của nhà xuất bản Sáng Tạo do ông điều hành và đã tái bản nhiều lần. Một tiểu thuyết rất lãng mạn thơ mộng và tác giả ví hai cuộc đời của hai nhân vật chính Thiệu và Yến như hai dòng sông, lúc cùng một nguồn lúc có những khúc quành trước khi xuôi ra biển cả. Thiệu là một họa sĩ, yêu sông và yêu trăng cũng như yêu người tình. Hai người quen nhau từ thuở ấu thơ rồi đời như hai dòng sông chia hai định mệnh. Thiệu yêu nghệ thuật, cũng như yêu đất nước, có tham gia kháng chiến nhưng vì là thành phần tiểu tư sản và cũng không thích hợp với phương cách hành động của người Cộng sản nên trở về thành và theo đuổi công việc phụng sự nghệ thuật. Những khúc quành của dòng sông chính là những thời điểm nóng bỏng của thời cuộc Việt nam và tạo thành những ngã rẽ trong đời Thiệu. Chàng họa sĩ yêu Yến nhưng cũng yêu nghệ thuật nên đành hy sinh tình yêu thần thánh của mình để sang Pháp du học. Ở Pháp, chàng kết hôn với Suzanne, một thiếu nữ rành âm nhạc và cũng yêu nghệ thuật không kém Thiệu. Và Dòng Sông Ðịnh Mệnh từ bắt đầu Khúc Quành Của Dòng Sông, đến Con Sông Dài đi Tìm Ánh Trăng Mười Sáu, rồi Hai Ngả Sông Ði về Ðâu, Hai Nhánh Sông Gặp Gỡ, Thuyền Ơi Thuyền Thuyền Trôi Nơi Nao, Khúc Quành Con Sông Xưa, Ðêm Trăng Thuyền Về Bến Cũ, và kết cuộc Sông Ðã Tới Biển Còn Khúc Quành Nào Nữa Ðâu?

Ðoạn kết thật lãng mạn và mối tình của hai người có lẽ đẹp hơn cả những vần thơ mà Thiệu đã viết khi tuổi vừa mười sáu:
 “Dù mai đây gặp nhau, dù hai ba mươi năm nữa, khi cả hai mái tóc đã pha sương mới gặp nhau, dù ba bốn mươi năm nữa khi cả hai đã da mồi tóc bạc mới gặp nhau thì phút đầu vẫn chẳng ai tránh được xao xuyến và riêng mình mình sẽ trấn tỉnh từ phút thứ hai trở đi vì: “Việc gì mà phải xao xuyến! Dòng sông định mệnh đã đổ ra biển rồi, có còn khúc quành nào đâu!”.

Doãn Quốc Sỹ còn là một nhà viết kịch dù một nhà phê bình cho rằng ông viết kịch không phải với chú tâm để trình diễn mà cố tình dùng để chuyên chở những ý nghĩ, những suy tưởng của mình,

Ông đã tự nói về vở kịch của ông: Trái Cây Ðau Khổ với người phỏng vấn nguyễn Ngu Í:
“Kịch này được đăng làm hai kỳ trên tờ Dân Chủ chủ nhật của anh Vũ Ngọc Các vào khoảng năm 1956. Anh để ý thì thấy trong tác phẩm đầu tiên của tôi, quyển Sợ Lửa có rao sẽ xuất bản Trái Cây Ðau Khổ. Thế mà mãi đến bảy năm sau nó mới ra đời được. Ðây là tôi kể bao nỗi đoạn trường mà nó phải chịu. Tôi gom bốn vở kịch và lấy tên một vở làm tên chung cho cả tập, bốn kịch này sắp theo thứ tự thời gian soạn và đánh dấu bốn trạng thái của tâm hồn tôi. Kịch đầu là Một Mùa Xuân Tin Tưởng đăng trên tờ báo của sinh viên, Lửa Việt, số mùa xuân lúc cùng anh em sống ở làng Thăng long. Thời ở chẳng yên mà lại là thời cảm động nhất, tin tưởng ở cuộc cách mạng; lúc bấy giờ gặp các ông bộ trưởng, đổng lý văn phòng là anh anh tôi tôi thân mật với nhau không chút ngượng ngùng. Trái Cây Ðau Khổ tôi viết xong năm 1955 bản thảo để trong đại học xá Minh Mạng gặp lúc Bình Xuyên và chính phủ Ngô Ðình Diệm xung đột tôi phải chạy tìm nơi ẩn trú xa đại học xá một tí, đạn súng lớn rơi trong khu đại học xá và trước nhà thờ gần đấy làm cho tôi càng lo cho xấp bản thảo này. Chạy về thấy nó còn y nguyên tôi rất đỗi mừng. Kịch thứ ba là Trăng Sao đăng ở Sáng Tạo số 12 tháng 9 năm 1957 có cái duyên là được một độc giả dịch ra Hoa Văn, gởi một bản dịch ở tòa soạn cho tôi cùng một bức thư xin phép tôi để đăng nó vào một tờ báo ở Hồng Kông.Tiếc rằng người bạn này không để lại địa chỉ và sau đó chẳng tin tức gì nên tôi không biết Trăng Sao chữ Tàu có xuất hiện ở Cảng Thơm không. Sau cùng là kịch Tiếng Hú Tâm Linh viết năm 1960 và đăng ở nguyệt san Chỉ Ðạo như anh nhắc. Tôi nhớ ông giám đốc Nha Chiến Tranh tâm lý hỏi anh Nguyễn Mạnh Côn tại sao lại chọn đăng một vở kịch có ngụ ý chống nhà cầm quyền. Kịch này vốn đã được kiểm duyệt rồi để in. Chính anh Hoàng Nguyên chủ tịch Hội Ðồng kiểm duyệt lúc ấy cũng thích nó, không nỡ bỏ, mời tôi đến văn phòng để cùng thảo luận sửa chỗ này một ít chỗ kia một ít chớ còn để y như tôi đã viết thì rồi anh phải chịu một phần trách nhiệm nếu có người kẻ vạch. Tôi thấy đã sửa đi sửa lại, đã được phép xuất bản mà đăng ở Chỉ Ðạo mà còn rắc rối thế, tốt hơn là để nó nằm im trong ngăn kéo. Chừng chế độ Ngô Ðình Diệm đổ, tôi mới cho vở kịch lận đận này ra đời…”.

Vở kịch Trái Cây Ðau Khổ mang nhiều thông điệp của ông. Quan niệm sống và viết mà nhà văn Nguyễn Ngu Í đã kể lại khi phỏng vấn:
 “Nghệ thuật sống với nhau – nếu quả sống với nhau là một nghệ thuật – chính là những điểm đó.
Hãy dừng lại nơi thiện chí chân thành của nhau. Hãy gìn giữ cho nhau khỏi sa ngã. Dại gì mà dồn nhau vào thế cùng để cất lời bi quan: tình người vụ lợi? Hãy giúp nhau thổi thêm ánh sáng vào những lúc hồn chợt lóe bình minh để cùng chia vui giây phút thiên thần. Như thế mới là thái độ trân trọng, thái độ gìn vàng giữ ngọc cho nhau, vàng ngọc của tâm hồn”.

Trước năm 1975, trong hai mươi năm văn học miền Nam, nhà văn Doãn Quốc Sỹ có vị trí của những người có bước chân đi tiên phong mở đầu cho một nền văn học có nhiều thành quả rực rỡ với tính chất nhân bản, khai phóng. Cũng vì thế nên bị chế độ Cộng Sản giam giữ hai lần và đấy ải trong những trại tù khổ sai khắc nghiệt nhất. Nhưng, dù thể chất yếu đuối nhưng với ý chí kiên cường sắt thép, ở trong tù ông vẫn giữ vẹn tư cách của kẻ sĩ. Và sau này, khi kể và viết về những ngày lao ngục ấy, ông vẫn giữ thái độ bình thản không hận thù dù vẫn kể lại những sự thực và thẳng thắn phê phán những sai lầm của chế độ hiện hữu…

--------------------------
* nguồn: thuviensangtao


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét