Nguyễn Đức Sơn và Tiêu Dao Bảo Cự trước nhà TDBC
Lời giới thiệu: Tiêu Dao Bảo Cự (TDBC) quen biết với Nguyễn
Đức Sơn (NĐS) từ đầu thập niên 70 của thế kỷ trước và hai người cùng sống ở
thành phố Bảo Lộc (trước đây là Blao, thị trấn sương mù), Lâm Đồng gần 20 năm.
Sau khi TDBC chuyển lên Đà Lạt, hai người vẫn thỉnh thoảng thăm viếng gặp gỡ
nhau.
NĐS là nguyên mẫu nhân vật của TDBC trong một số tác phẩm.
Trong tiểu thuyết “Nửa đời nhìn lại” (NXB Thế Kỷ 1994, Văn Nghệ tái bản 1997,
Hoa Kỳ) TDBC có 4 chương viết về NĐS với tên nhân vật Mây Đầu Non. Trong tác
phẩm “Mảnh trời xanh trên thung lũng” (NXB Văn Mới 2007, Hoa Kỳ), TDBC có 3
chương viết về NĐS.
Xin giới thiệu với độc giả một cách nhìn về NĐS qua TDBC,
một cây bút có sự hiểu biết và gần gũi với nhân vật văn học độc đáo này…
Trên đường đi xuống xã X công tác, Hoài gặp lại một người
bạn cũ, nhà thơ Mây Đầu Non. Hai người đi ngược chiều và đến lúc gần chạm mặt
nhau, Hoài mới nhận ra anh. Hai người nhìn nhau chằm chằm và Hoài kêu lớn:
- Mây Đầu Non phải không?
Anh bạn thắng xe đạp, nheo mắt nhìn Hoài một cách diễu cợt,
rồi lắp bắp theo thói quen cố hữu của anh:
- Chớ… chớ… không phải hay sao ông làm quan rồi lơ… lơ cả
người quen.
Hoài nhìn kỹ anh bạn. Nét chung anh ta vẫn như xưa. Chiếc
đầu húi cua gần như trọc. Đôi mắt nheo nheo linh quái, chiếc mùi khoằm và đôi
môi mỏng giật giật liên tục khi nói lắp. Chiếc áo sơ-mi trắng nhưng đã ngả
vàng, sờn cổ, chiếc quần xanh bạc màu và đôi dép da đen tróc xi bám đầy bụi.
Chiếc xe đạp cà khổ không vành, với boóc-ba-ga thô kệch chở một bao gì lớn
tướng, buộc bằng một sợi cao su đen bản to gần bằng nửa bàn tay. Anh và chiếc xe
đạp toát lên một cái gì mệt mỏi, tàn tạ. Hoài nói với anh, giọng cảm động:
- Sao ông lại nói thế. Tôi mà quan gì, chỉ là thứ cán bộ tép
riu.
- Lâu lắm rồi mới lại gặp ông. Không chừng đến bốn, năm năm
rồi, kể từ ngày ông bị quân cảnh bắt quân dịch đưa đi dạo đó. Mới đây có người
quen nói ông mới trở lại đây, tôi có ý tìm nhưng chưa gặp.
- …
- Chỉ sợ… sợ… Ông quên thôi. Ông… Ông là cộng sản mà. Tôi đã
mấy lần thấy ông nhưng ông không thấy tôi hay cố tình lơ lơ nên tôi cũng không
gọi. Vậy là huề. Tôi đâu có nợ gì ông?
- Nếu thật thế chắc là vì tôi không thấy ông. Tôi đời nào
lại tệ thế. Chắc ông hiểu tôi chứ.
- May ra là vậy. Nhưng có người khác cùng loại như ông đã lơ
tôi đấy. Cán bộ cộng sản mà.
Hoài không giận vì biết tính của Mây Đầu Non. Anh ta là thế
và từ xưa đã không biết kiêng nể ai bao giờ. Hoài hỏi:
- Bây giờ ông ở đâu? Bà xã và các cháu có khỏe không?
- Kỳ này tôi thật sự ở trên núi. Mây Đầu Non mà. Ông biết
đồi cây mai không? Tôi đang dựng lều ở trên đó và sống như người rừng.
Mây Đầu Non chỉ vào chiếc bao ở phía sau xe đạp:
- Nguồn sống của tôi đây. Măng, sim, đót, củi… Mùa nào trong
rừng có gì gia đình tôi đi lấy đem về đổi gạo, mắm. Chủ nghĩa xã hội của các
ông cho tôi tự do, hạnh phúc, thế còn gì bằng. Bà xã và bốn đứa con tôi cũng
như tôi, đều là “sơn nhân” cả. Chưa chắc lương cán bộ của ông đã bằng nghề của
tôi đâu nghe. Thôi bây giờ tôi phải đi giải quyết cái này đã. Lúc nào rảnh rỗi
tôi dẫn ông lên chỗ tôi chơi. Ông dám đi không?
Hoài suy nghĩ về công việc sắp tới, giờ giấc không chủ định
và chắc sẽ rất bận rộn. Anh nói:
- Tôi đang đi công tác dài hạn, nên thời gian chưa sắp xếp
được Chỉ có nhiều nay còn rảnh. Ông xuống phố mất bao lâu?
- Thế thì tốt rồi. Sau trưa tôi về. Khoảng 1 giờ, ông đợi
tôi ở ngã ba này được không?
- Được rồi. Tôi sẽ chờ ông ở đây từ 1 đến 2 giờ.
Trước khi đạp xe đi, Mây Đầu Non còn quay lại lắp bắp:
- Nhớ… nhớ… đợi đó. Cán bộ cộng sản các ông là… là… hay quên
lắm.
Buổi chiều, khoảng 1 giờ, Hoài và Mây Đầu Non cùng tới chỗ
hẹn. Hai người đi xe đạp về chỗ Mây Đầu Non ở xã X, cách thị trấn khoảng năm
cây số, từ đó theo đường mòn đi vào dãy núi phía tây khoảng năm cây số nữa.
Trên đường đi, Hoài ít nói, nhất là khi leo dốc thở không ra hơi, trong khi Mây
Đầu Non không ngớt lắp bắp phê phán cộng sản và nói về đủ mọi thứ trên đời, kể
cả văn chương, triết học đông tây kim cổ. Có lẽ việc gặp lại Hoài là một dịp
cho Mây Đầu Non bùng nổ các tư tưởng chất chứa trong đầu óc mang mang thiên địa
của anh.
Cho đến khi Hoài thở dốc, hai người mới đến chỗ ở của Mây
Đầu Non, một vùng khá bằng phẳng trên đỉnh ngọn đồi gần sát dãy núi bên trong.
Quang cảnh ở đây rất hoang sơ, vài cây thông lẻ loi còn sót lại, đứng chụm vào
nhau giữa một vùng cỏ lau bạt ngàn. Ngôi nhà của Mây Đầu Non nằm im lìm đơn độc
dưới mấy góc thông.
Chợt một con chó chạy xồ ra sủa và một thằng bé khoảng tám
tuổi, tóc vàng cháy để dài phủ vai, mình trần trùng trục đen nhẻm chạy theo con
chó la lớn:
- Người! Người! Đi vô! Đi vô!
Con chó vẫn hướng về phía của Hoài sủa dữ dội cho đến lúc
thằng bé nắm lấy cổ nó, đánh vào đầu và quát lớn:
- Người! Im đi.
Hoài ngạc nhiên nhìn Mây Đầu Non:.
- Con của anh đấy à? Có phải thằng bé gọi con chó là người
không?
Mây Đầu Non cười lớn:
- Có gì mà ông phải ngạc nhiên. Tôi đặt tên con chó là Người
vì nó trung thành và tử tế hơn người, còn người hiện nay lắm kẻ không bằng chó.
Nói xong, Mây Đầu Non cúi xuống vuốt ve con chó đang nằm im
dưới chân thằng bé. Thằng bé đứng nhìn Hoài chằm chằm. Trong mắt nó, Hoài cảm
thấy có cái gì hận thù và man dại đến làm Hoài chột dạ. Thằng bé bỗng chỉ tay
vào mặt Hoài la lên:
- Đi đi! Đi đi!
Hoài luống cuống quay lại nhìn Mây Đầu Non. Anh ta đứng lên
nói với thằng bé:
- Sơn, không được hỗn. Bạn của cha đó. Con vô nhà đi.
Thằng bé lại trừng mắt nhìn Hoài một lần nữa rồi bỏ chạy vào
nhà cùng với con chó. Mái tóc dài gợn sóng vàng hoe của thằng bé bay tung trong
gió cùng với đám cỏ lau gợi một cảm giác hoang dã lạ lùng.
Mây Đầu Non đi lên trước theo đường mòn dần vào nhà, vừa đi
vừa quay đầu lại nói:
- Đó là thằng Sơn, con út tôi. Mẹ nó và ba đứa lớn giờ này
chắc đi rừng chưa về. Bà xã tôi vẫn nhắc đến ông đấy. Từ khi lên đây các con
tôi đều căm thù con người. Ai lạ đi qua hay đến gần nhà đều bị chúng ném đá.
Hoài bước vào căn nhà lạ lùng của Mây Đầu Non, một loại nhà
sàn lai nửa kinh, nửa thượng. Tất cả đều làm bằng tre, kể cả các sạp dùng đề nằm
được đan bằng nứa đập dập. Ngay phía trong cửa ra vào là một sạp lớn có bếp lửa
ở giữa theo kiểu đồng bào dân tộc ít người. Phía trên là một gác lửng có cầu
thang đề leo lên nằm sát góc. Các cột đều đen bóng vì khói và tay người. Trong
nhà hầu như trống trơn, một vài chiếc thạp, gùi đủ kiểu để dọc theo vách. Trên
các sạp nằm, chăn chiếu rách và quần áo bẩn vứt ngổn ngang.
Mây Đầu Non nổi lửa nấu nước sôi và pha chè già vào một
chiếc ấm đen nhẻm, rồi rót ra chiếc bát ăn cơm mời Hoài uống:
- Ông đừng chê. Chè già này còn ngon và vệ sinh gấp mấy chè
ướp hương của các tiệm dưới phố, làm bẩn thấy mẹ. Ông uống nước rồi ta ra gốc
thông nói chuyện cho mát. Chiều ông ở lại ăn cơm với tôi, ông sẽ được thưởng
thức những món ăn thuần túy thực vật do tôi tự chế biến bằng rau cỏ, trái cây
chung quanh đây
Hoài uống bát nước
nóng bỏng họng chưa hết. Mây Đầu Non đã bảo:
- Ta ra ngoài kia nói chuyện thoáng hơn.
Hoài theo Mây Đầu Non ra ngoài, hai người ngồi dưới gốc
thông lớn nhất, ở vị trí này Hoài có thể nhìn bao quát toàn thị trấn về hướng
đông và thấy rõ quốc lộ chạy ngang phía dưới. Hai bên đường, một số nhà dân với
vườn cây ăn trái có vẻ xanh mát, nhưng những dãy đồi chè trùng điệp phía sau
trông khô khan trơ trụi vì phần lớn chè mới đốn. Trời chưa chiều hẳn nên nắng
vẫn gay gắt, dù có gió nhưng toàn bộ vùng không gian này vẫn bị nung nóng hừng
hực, một khí hậu hoàn toàn khác hẳn với vùng này trước đây lúc nào cũng sẽ lạnh
kể cả trong mùa khô. Mây Đầu Non vỗ vào cây thông bên cạnh:
- Tôi phải chiến đấu ghê gớm, đúng là chiến đấu, mới giữ
được mấy gốc thông này. Bao nhiêu người đã định làm thịt chúng, từ bọn xẻ gỗ
lậu cho đến dân kiếm củi và cả một số cán bộ. Có hôm suýt đánh nhau và tôi phải
mang dao ra đòi thí mạng bọn chúng mới chịu để yên. Vậy mà đài phát thanh của
các ông cứ ra rả chuyện bảo vệ rừng, trồng rừng. Toàn là tuyên truyền láo toét.
Cộng sản chỉ giỏi nói chứ không làm, chỉ sính hô khẩu hiệu. Đi đâu cũng thấy
khẩu hiệu. Nào là “Nhiệt liệt chào mừng…”, “Tất cả vì…”. “Muôn năm…”. Ai nhiệt
liệt chào mừng các ông? Tự các ông tung hô nhau thì có. Từ ngữ nào cũng kêu ghê
gớm. Lại còn rêu rao bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Tôi không chịu nổi
tên của các cửa hiệu. “Cửa hàng mậu dịch quốc doanh” thì tiếng Việt trong sáng
ở chỗ nào? “Bị vong lục” là cái quái gì? Lại còn “Cửa hàng may đo”, “Cửa hàng
ăn uống”, may chẳng lẽ lại không đo, ăn xong lại không uống à?... Nghe thật lố
bịch và thô tục. Rồi tên của các cơ quan nhà nước, ủy ban nhân dân, Tòa án nhân
dân, Kiểm sát nhân dân… Hiệu sách cũng nhân dân, cái gì cũng nhân dân, nhưng
nhân dân nằm ở đâu hay chỉ là những con chốt thí. Cộng sản thực ra không khác
gì tôn giáo cả, đúng ra là không khác gì Thiên Chúa giáo. Một hệ thống tín điều
và một bộ máy ràng buộc ghê gớm. Cộng sản chống được Thiên Chúa giáo nhưng lại
thiết lập một hệ thống giáo điều mới, đẩy con người vào chỗ cuồng tín và mất tự
do. Cộng sản đã đào tạo một lớp cán bộ cuồng tín, giỏi nói dối và có khi không
tự biết mình nói dối. Còn nhân dân thì trở thành một đàn cừu bị xua đi về một
tương lai huyễn hoặc…
Mây Đầu Non càng nói càng hăng lên, không còn lắp bắp nữa,
nước miếng phun cả ra ngoài.
Hoài nghe anh ta nói với nhiều cảm giác và ý nghĩ mâu thuẫn.
Có lúc Hoài thấy tức giận vì bị xúc phạm, vì anh ta báng bổ cả những điều mà
Hoài coi là thiêng liêng và chân lý, nhưng cũng có lúc Hoài thấy anh ta có lý,
tuy cách diễn đạt cực đoan, thậm chí cả nhưng lời chửi tục, những lời mỉa mai
dè bỉu không thương tiếc.
Hoài rất muốn tranh luận với Mây Đầu Non, nhưng chưa được.
Anh ta nói không ngừng, không để cho Hoài xen vào. Vả lại đã lâu lắm Hoài mới
gặp lại anh ta, biết anh ta có nhiều mặc cảm và muốn tìm hiểu thêm tư tưởng,
tình cảm của anh ta nên Hoài đành bóp bụng ráng ngồi nghe.
Cuối cùng, Hoài chờ dịp ngắt lời Mây Đầu Non để hỏi anh ta:
- Nhận thức ông như vậy thì sắp tới ông sẽ làm gì? Ông có ý
định sáng tác gì mới không?
Mây Đầu Non nhìn Hoài chăm chăm:
- Làm gì à? Trước hết là kiếm sống đã, kiếm sống một cách
lương thiện bằng sức lao động của chính mình. Mơ ước của tôi là tôi sẽ trồng
thông lại toàn bộ khu vực này, không cần nhà nước nào cả. Tôi sẽ xây dựng một
thư viện ở cuối dốc bên đường quốc lộ nơi đó bất cứ ai đi ngang muốn vào đọc
cũng được, và có thể tìm thấy bất cứ tác phẩm đông tây kim cổ nào, từ
Shakespeare cho đến Tagore, Nietzsche và J. P. Sartre, Marquès và Dostoievski,
Kinh thánh của Thiên Chúa giáo và Kinh Kim Cương của Phật giáo… nghĩa là bất cứ
danh tác nào của nhân loại. Đó sẽ là kho tàng của trí thức và tự do. Còn sáng
tác ư? Dĩ nhiên tôi sẽ viết, viết để lật mặt tất cả những gì giả trá, phi nhân
bản hiện nay. Nhưng với điều kiện là phải được an toàn. Ông cũng là cộng sản, ông
sẽ đi tố cáo tôi với cấp trên hay sẽ bảo vệ tôi?
Hoài không trả lời và bỗng dưng cảm thấy thương hại Mây Đầu
Non. Phải chăng đây là một con người không tưởng, một kẻ hư vô chủ nghĩa, nạn
nhân của mọi chế độ và là nạn nhân của chính anh ta. Dưới chế độ cũ. Mây Đầu
Non đã phải trốn quân dịch, sống chui lủi khổ sở như một con chuột, có khi phải
cạo đầu vào ẩn trong chùa nhưng cuối cùng cũng không thoát khỏi tay quân cảnh.
Anh ta đây phải vào tù, đi lao công đào binh. Cuộc sống của bản thân và vợ con
nghèo xơ xác đến mức khốn cùng.
Văn chương của anh thời đó là tiếng kêu của sự cùng quẫn, bế
tắc, những giấc mơ điên rồ, những tiếng vang dài trong núi sâu và đêm khuya,
những lăn lộn bên bờ vực tử sinh… Còn bây giờ anh ta sống ra sao trong ngôi nhà
sàn nửa kinh nửa thượng nơi đèo heo hút gió này? Rồi còn vợ con nữa. Thế mà anh
ta mơ ước chuyện trồng thông, chuyện xây dựng thư viện, chuyện sáng tác dài
hơi. Anh ta điên hay anh ta đích thực là một con người chân chính không thể
sống giữa cõi đời trá ngụy này? Ôi, Mây Đầu Non mà mỗi ngày phải đạp xe xuống
phố chợ để bán từng trái sim, mụt măng kiếm sống thì còn gì là Mây Đầu Non nữa.
Mây Đầu Non mà phải đọc sách với một ngọn đèn dầu tù mù và như anh ta nói, có
đêm khi đọc một trang sách hay, đèn sắp tắt vì hết dầu, anh ta phải cầu nguyện
cho ngọn đèn cố cháy thêm một phút nữa để đọc xong trang sách.
Trước khi về, Hoài còn gặp vợ và ba đứa con lớn của Mây Đầu
Non đi rừng về. Ba đứa con gần như bằng nhau và còi cọc so với tuổi của chúng.
Hai đứa để tóc dài phủ vai và một đứa đầu trọc lóc, tất cả đều mặc quần đùi, đi
chân đất, thân hình đen nhẻm.
Còn vợ của Mây Đầu Non, chao ôi, hầu như Hoài không còn nhận
ra người phụ nữ xinh đẹp với cặp mắt xanh biếc và hàng mi dài rợp bóng liêu
trai năm nào. Trước mắt Hoài là một phụ nữ ốm tong teo, quần áo rách rưới, tóc
vàng cháy, đang còng lưng dưới bó củi nặng. Khi chị vứt bó củi ngước lên, Hoài
mới nhận ra giữa khuôn mặt gầy guộc lem luốc bụi than, một phần đôi mắt xưa
nhưng đã nhuốm nỗi u hoài mù mịt, trong đó vẫn ánh lên nét hoang dã căm hờn như
trong đôi mắt của mấy đứa con.
Hoài chia tay gia đình Mây Đầu Non như trốn chạy mặc dù vợ
chồng anh ta cố sức giữ Hoài ở lại. Hoài viện cớ tối còn phải bận họp đội công
tác. Một nỗi buồn lạ lùng và những dấu hỏi phân vân xâm chiếm Hoài. Hoài rời
khỏi núi đồi lúc hoàng hôn chập choạng và khi chiếc xe đạp lăn bánh trên đường
quốc lộ, anh tưởng như mình vừa rời một cơn mơ.
*
Một chiếc xe Jeep mui trần và một chiếc xe tải cỡ trung đậu
kín đáo dưới tầng cây nơi một ngã rẽ trên quốc lộ gần địa đầu cuối huyện, chỗ
tiếp giáp ngọn đèo hiểm trở. Một số cán bộ hỗn hợp gồm công an, quân đội, thuế
vụ, các đoàn thể đang phối hợp làm công tác quản lý thị trường, chủ yếu bắt chè
và cà-phê buôn lậu chuyển về Sài Gòn. Theo sự phân công của ban chỉ đạo huyện,
Hoài có mặt trong nhóm người này để nắm tình hình tuy anh không trực tiếp làm
công tác này.
Thời gian qua, việc thu mua sản phẩm và đóng thuế, nguồn thu
nhập tài chính chủ yếu của huyện bị sút giảm nghiêm trọng. Bao nhiêu nghị quyết
đưa ra và được tổ chức học tập, phát động trong nhân dân có rất ít hiệu quả.
Chè, cà-phê là những mặt hàng nhà nước độc quyền quản lý, phải xuất khẩu để thu
ngoại tệ. Nhân dân phải làm nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Phải thắt lưng buộc
bụng khi đất nước còn khó khăn. Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật…
Cán bộ đi nói rã miệng, các loa truyền thanh oang oang suốt ngày đêm nhưng hơn
nửa năm rồi mà huyện chỉ thu mua chưa tới 20% kế hoạch. Có xã chỉ đạt 5%, gần
như hoàn toàn không quản lý được sản phẩm. Huyện ủy, ủy ban nhân dân huyện đã
mở nhiều hội nghị để xem xét vấn đề và cuối cũng đã rút ra kinh nghiệm là phải
dùng đến biện pháp mạnh. Nhân dân chưa giác ngộ, bọn con buôn bất chấp pháp
luật, không loại trừ đây là âm mưu của đủ loại kẻ thù, phản động đang phá hoại
ta về kinh tế nên không được hữu khuynh. Phải cứng rắn, thực hiện chuyên chính
vô sản.
Huyện quyết định mở một chiến dịch quản lý thị trường trong
thời gian ba tháng. Đây là một chiến dịch thực sự, vì huyện thành lập một ban
chỉ đạo do chính đồng chí chủ tịch ủy ban nhân dân huyện làm trưởng ban, trưng
tập cán bộ và phương tiện các ngành dứt hẳn công tác chuyên môn, chuyên trách
làm công tác này trong một thời gian. Các tổ công tác được thành lập và trấn
giữ các nút chặn trên mọi ngả đường ra vào huyện, chưa kể các tổ kiểm tra đột
xuất dùng xe lùng sục mọi ngả đường, kể cả đường trong xã, trong xóm. Huyện còn
tổ chức một trại cải tạo lao động để đưa bọn con buôn bị bắt vào nhốt một thời
gian. Toàn huyện sôi lên vì chiến dịch này. Ngày nào xe cùng đưa về hàng chục
tấn chè, cà-phê nhập kho. Tiếng cãi cọ, mắng chửi, khóc lóc vang lên khắp mọi ngả
đường.
Một nhóm người vừa lách ra khỏi bìa rừng bước ra quốc lộ. Họ
gồm hơn chục người, có cả đàn ông, đàn bà, ông già và trẻ con. Họ mang vác nặng
nhọc và thở phào, cười nói vui vẻ khi đi ra đến đường lộ rộng thênh thang. Họ
không thể tiếp tục đi xuyên rừng vì phía trước là ngọn đèo hiểm trở. Đây là
nhóm người buôn lậu chè, cà-phê, tơ kén. Người mang ba-lô, kẻ vác bao tải,
người xách túi. Đi đầu là một anh thương binh hỏng một mắt, mặc đồ bộ đội đã
sờn cũ, chân đi dép râu, ngực đeo huân chương. Anh khoát lay về phía sau:
- Ráng lên bà con. Thoát rồi.
- Chưa thoát đâu. Một
giọng nói lạnh lùng cất lên làm cả nhóm giật mình. Họ đã bị số cán bộ quản lý
thị trường bao vây.
Một cán bộ công an mặc sắc phục tiến đến trước đám đông,
giọng nghiêm khắc:
- Các người đã bị bắt quả tang buôn lậu hàng quốc cấm. Tất
cả đưa hàng đến đây và trình giấy tờ cho cán bộ kiểm soát.
Nhóm người buôn lậu hoảng hốt đứng đờ ra một lúc, chưa ai
phản ứng gì vì quá bất ngờ. Một lúc sau, anh thương binh tiến lên, cố ra vẻ
đĩnh đạc:
- Các đồng chí không có quyền bắt. Đây là sản phẩm của dân
làm ra, dân có quyền tiêu thụ. Tôi là thương binh đây, đói phải đi làm thuê. Ai
dám bắt, thử bắt coi.
Một sĩ quan của huyện đội trong số cán bộ tiến lên trước mặt
anh thương binh, nhìn anh từ đầu đến chân:
- Thương binh hả? Thương binh ngụy hay cách mạng? Thương
binh cách mạng đã có chế độ chính sách của đảng và nhà nước. Thương binh cách
mạng đâu có tiếp tay cho con buôn. Đưa giấy tờ đây coi.
Con mắt còn lại của anh thương binh long lên:
- Đồng chí đừng ỷ là sĩ quan nghe. Sĩ quan mà đã đi chiến
đấu chưa hay chỉ ngồi cạo giấy? Nhìn đi! Anh vỗ tay vào ngực. Huân chương chiến
công hạng nhất đây này. Đã thấy cái này bao giờ chưa? Cái này không đem bán
được nên phải đi kiếm ăn. Được không?
Trong lúc hai người đối đáp, số cán bộ còn lại xông vào đám
con buôn để giật các bao hàng của họ. Cuộc giằng co om xòm vang lên.
- Bỏ xuống.
- Đưa đây.
- Chè nhà mà. Có buôn lậu đâu.
- Có mấy ký bán nuôi con đói. Các anh tha cho.
- Đồ ăn cướp.
- Ngoan cố hả?
Hai cô gái ăn mặc diêm dúa, mặt son phấn tay xách túi nhỏ có
vẻ là con buôn chuyên nghiệp kéo anh cán bộ thuế vụ ra phía sau thầm thì, người
nhét vào túi anh một xấp tiền, người mở vội bao thuốc ba số 5 mời anh hút. Anh
ta lúng túng gạt đi:.
- Không được đâu. Đây là tổ công tác hỗn hợp của huyện,
không phải chỉ riêng thuế vụ. Coi chừng ở tù cả lũ đa.
Cuộc giằng co càng lúc càng căng thẳng. Cả hai bên đều hăng
lên, ra sức giành giật, chửi rủa. Có hai đứa bé bỏ chạy trở lại vào rừng. Mấy
phát súng chỉ thiên vang lên.
Hoài đứng tựa vào thành xe nhìn cảnh náo loạn. Anh cảm thấy
tim đau nhói và ngợp thở. Một cảm giác xấu hổ làm anh phải quay mặt đi như kẻ
phạm tội. Chợt anh thấy có người đứng xa xa theo dõi cảnh tượng như anh.
“Ai như Mây Đầu Non?”. Anh lẩm bẩm và tiến lại phía người
kia. Đúng là Mây Đầu Non. Anh ta không chào hỏi, liếc xéo Hoài một cái rồi lắp
bắp, miệng giật giật liên tục theo thói quen:
- Đẹp mắt quá. Cách mạng lo cho dân dữ ha, ông cán bộ… Dân
đói phải đi ăn cắp, buôn lậu, nhà nước lại ăn cướp của dân… Hòa cả làng phải
không ông?
Hoài đặt tay lên vai anh ta:
- Ông đi đâu mà tới đây?
- Đi đâu hả? Đây là giang sơn của tôi mà. Tôi đang theo dõi
hoạt động của bọn buôn lậu ngang qua vùng tôi ở.
- Để làm gì? Hoài ngạc nhiên.
- Để nhập bọn chứ làm gì nữa.
Mây Đầu Non cười phá lên, nước miếng bắn cả vào mặt Hoài.
Anh ta hấp háy mắt:
- À quên. Tôi nói ông biết để ông đi bắt hả? Mà thực đấy
nhé. Dễ ăn lắm. Không thì tôi sống bằng cách nào? Rừng các ông cách mạng đốt
hết rồi. Đất thì hăm sung vào tập thể. Tôi ở trên núi mà có yên đâu. Mây Đầu
Non ơi Mây Đầu Non! Mây tan, non lở và Mây Đầu Non rồi cùng đi buôn lậu thôi.
Hoài lo ngại nhìn anh ta. Anh nói một cách thành thật:
- Không được đâu ông ơi. Người ta bắt đi cải tạo lao động
chứ không đùa đâu.
Mây Đầu Non trợn mắt:
- Ông tưởng tôi sợ à? Tôi đã từng bị biệt giam, đi lao động
đào binh thời ngụy. Bây giờ nếm mùi tù cách mạng cũng không sao. Để so sánh hai
chế độ chớ. Nhưng mà ai phải cải tạo lao động? Chính mấy cha cán bộ cách mạng
chuyên nói dóc phải lo cải tạo trước đi. Dân người ta lao động thấy mẹ, không
đủ ăn còn cải tạo nỗi gì?
Hoài ngoái nhìn số cán bộ đang dồn nhóm con buôn lên xe tải.
Cả anh thương binh cũng chung số phận và đang gào lên câu gì đó nghe không rõ.
Hoài hạ giọng:
- Này, ông nói nhỏ thôi nghe. Nói với tôi thì sao cũng được
nhưng mấy ông cán bộ kia nghe cùng phiền đấy. Sao? Độ này ông đói lắm hả?
Hoài nhìn kỳ Mây Đầu Non. Vẫn chiếc bê-rê bạc màu đội lệch
che cái đầu húi ngắn gần như trọc. Chiếc áo sơ-mi cháo lòng sờn cổ, đầy vết bẩn
vẫn bỏ trong quần nghiêm chỉnh. Đôi giày ba-ta trắng đã biến thành xám đen loang
lổ, cột dây đàng hoàng tuy dây cũng sờn gần đứt. Anh có vẻ già hơn nhiều so với
lần gặp Hoài mấy tháng trước. Khuôn mặt đầy vết nhăn sâu cử động không ngừng do
tật hấp háy mắt và giật giật đôi môi. Anh ta cùng chăm chú nhìn Hoài. Đôi mắt
nâu nheo nheo tinh quái thoáng vẻ mệt mỏi và phẫn nộ, một chút gì hoang đã như
mắt thú rừng.
Mây Đầu Non nói với vẻ diễu cợt cố hữu:
- Đói à? Ông vẫn biết tôi thường xuyên đói mà. Tôi đói hư
vô, đói tuyệt đối, đói cô độc, đói chân lý. Đó là cơn đói tự nguyện của tinh
thần. Còn thân xác đói là đói cưỡng bức. Tôi thiếu ăn, không nuôi nổi vợ con và
xã hội không cho tôi lao động chân chính để kiếm sống. Ông biết đó, tôi là một
thằng đỗ cao học triết, một người viết văn nhưng tôi có ngại lao động chân tay
bao giờ? Thế mà hiện nay tôi đang tính chuyện đi buôn lậu đây.
Chính chế độ các ông dồn tôi đến chỗ này chứ tôi không muốn
đấy nhé. Ông không cãi được tôi đâu…
“Cãi lại anh ta ư?” Hoài nghĩ thầm. “Đâu thể đem chế độ
chính sách để giải thích với anh ta được. Anh ta đã chiêm nghiệm chế độ này
bằng chính cuộc sống bản thân và gia đình, một cuộc sống khắc nghiệt, bi thảm,
cheo leo bên bờ vực, lơ lửng ở sườn non như dã thú kia thì thuyết phục anh ta
thế nào được bằng đường lối chính sách?
Mây Đầu Non tiếp tục tuôn ra hàng đống không để cho Hoài kịp
trả lời:
- Ông không cãi được tôi vì ông không phải là cách mạng thứ
thiệt, cộng sản thứ thiệt. Ông chỉ là cộng sản theo, cộng sản dỏm. Cộng sản thứ
thiệt có đầy đủ mọi loại lý luận và bẻ gãy mọi người bằng chuyên chính vô sản.
Chuyên chính vô sản làm cho những thằng ngu dốt với các thứ lý luận giáo điều
đủ sức mạnh để đè bẹp mọi lực lượng đối kháng. Chúng nhân danh hạnh phúc của
nhân dân để hành hạ con người. Nhân dân trừu tượng mà con người là cụ thể.
Chúng không đếm xỉa đến con người vì con người có thể chống đối, làm hại đến
chúng nó. Còn nhân dân là một tập thể vô hình ngu muội đương nhiên chỉ biết ủng
hộ và đứng về phe bọn ngu dốt cầm quyền. Đó mới là quan điểm đích thực của
chúng nó.
Ông Hoài ơi, ông không hiểu được điều đó đâu vì ông là cộng
sản dỏm mà, không phải thứ thiệt. Tôi với ông còn lạ gì nhau. Ông là trí thức
tiểu tư sản, ông theo đuổi các giá trị nhân văn, còn chúng nó là vô sản. Ông
cũng là đối tượng đấu tranh của chúng nó đấy. Ông phải coi chừng cái mạng của
ông chứ đừng tưởng chúng thí cho cái chức cán bộ rồi mà có ngày vỡ mộng.
Mây Đầu Non liếc nhìn về phía hai cái xe của tổ công tác
đang chuẩn bị chạy sau khi số cán bộ đã dồn hết người buôn lậu và hàng lên
chiếc xe vận tải. Anh ta nói vội vàng hơn:
- Thôi ông đi làm nhiệm vụ đi, ông cán bộ. Tôi biết ông xấu
hổ khi nhìn cảnh ăn cướp này. Còn chúng nó có xấu hổ đâu? Một ngày kia ông sẽ
bị chúng triệt hạ vì thứ lương tri trí thức của ông. Ông cứ tin tôi đi.
Hoài quay về với chiếc xe của đội công tác đang chuyển bánh.
Anh đi chậm rãi mặc dù có mấy người trên xe đang vẫy gọi
giục anh nhanh lên. Anh choáng váng vì những lời lẽ như dao sắc của Mây Đầu Non
đau thấu tim anh. Anh mong cho chiếc xe chạy luôn bỏ anh lại một mình giữa chốn
vắng vẻ này. Anh đã bị thương và muốn nằm liếm vết thương của mình như một con
thú.
*
Vy đã rời thành phố Sương Mù đi thăm con được một tuần. Hoài
lại trở về cuộc sống độc thân. Sáng chủ nhật này Hoài dậy muộn. Khu biệt thự
của cơ quan im ắng như những ngày đầu Hoài mới về đây ở. Tối hôm qua Minh Hương
đi suốt đêm không về. Thỉnh thoảng Minh Hương đi chơi rồi ngủ lại đâu đó. Anh
dễ thân với mọi người, không có gì ràng buộc và phóng thích cô độc.
Hoài trái lại, luôn muốn quay về với chính mình. Đêm qua
thức đọc sách khuya nên sáng nay lúc Hoài dậy, căn phòng đã sáng rực. Làm vệ
sinh cá nhân xong, Hoài pha cà-phê định ra ban- công ngồi sưởi nắng, chợt thấy
có người đang lúi húi làm gì ở ngoài vườn phía xa xa gần đường.
Hoài che mắt nhìn. Đó là một người đàn ông khoác măng-tô xám
cũ kỹ, đầu đội bê-rê đen, đang đi chậm chậm nhìn chăm chú xuống bãi cỏ và thỉnh
thoảng dừng lại quỳ xuống. Hoài cố nhìn kỹ hơn. Anh ta đang nhổ các cây thông
con. Trong khu vườn này, dưới các tàng thông lớn, ngoài cỏ và hoa bay màu vàng
bé nhỏ, lác đác có các cây thông và mimosa con mọc tự nhiên.
Người đàn ông làm công việc một cách rất cẩn trọng, vạch cỏ
xem gốc cây kỹ lưỡng trước khi nhổ. Gặp gốc hơi cứng, anh ta lấy một con dao
cẩn thận xắn chung quanh và bứng lên nguyên bầu. Nhổ được vài cây anh ta bỏ vào
một bao ni-lông và mang dần để vào cái túi treo trên chiếc xe đạp dựng gần đấy.
Anh ta đã nhổ được khá nhiều nhưng vẫn tiếp tục chăm chú tìm kiếm.
Hoài hơi bực mình khi thấy có người vào khu vực cơ quan nhổ
cây không hỏi ý kiến trước. Anh đi xuống lầu mở cửa định ra gặp người đàn ông
bảo thôi đi. Đi quá nửa vườn, Hoài giật mình chợt nhận ra người đàn ông đang
lom khom không ai khác hơn là Mây Đầu Non, người từ khi lên đây, đã gần một năm
anh chưa gặp.
Hoài vui mừng kêu lên:
- Mây Đầu Non! Ông làm chuyện bất ngờ. Tôi định ra bắt ông
về tội phá hoại đấy nhé!
Mây Đầu Non ngẩng lên nhìn Hoài rồi thản nhiên cúi xuống
bứng tiếp cây thông con:
- Ai bảo ông tôi phá hoại? Mấy cây thông con này ở đây chắc
chắn sẽ không lớn nổi và đây cũng nhiều thông quá rồi. Tôi bứng đi nơi khác để
“phủ xanh đồi trọc” theo chính sách nhà nước mà ông dám bảo là phá hoại à?
Hoài đến gần kéo tay Mây Đầu Non:
- Thôi để đó vào đây uống nước đã. Ông cần nhiều tôi sẽ bứng
giúp cho. Ông lên đây từ bao giờ? Hôm qua ở đâu?
Mây Đầu Non cẩn thận đặt gốc cây mới bứng vào túi đựng cây
nơi xe đạp, theo Hoài vào nhà:
- Tôi lên hôm kia. Đi bằng xe đạp đấy. Hơn trăm cây số đi tà
tà một ngày cùng tới. Hôm qua tôi ngủ lại chùa. Tôi thì biết tá túc đâu ngoài
cửa Phật mặc dù các ông sư cũng có người không ưa tôi. Dù sao tôi vẫn có duyên
với nhà Phật và cửa chùa thường mở rộng hơn nơi khác. Tôi đi dọc đường này nhổ
thông và nhân tiện lại thăm ông luôn.
Vừa bước vào phòng khách. Mây Đầu Non hấp háy mắt nhìn lướt
qua các bức tranh treo trên tường rồi bĩu môi:
- Hội nhà văn mà treo các đồ dỏm này à? Trình độ nghệ thuật
của các ông đâu mà trưng các thứ bá láp đó lên?
Hoài không phật ý vì đã biết tính Mây Đầu Non. Anh ta hầu
như luôn luôn đả kích mọi thứ. Hoài cười xòa:
- Ông lúc nào cùng khó tính. Đó là tranh của anh em họa sĩ
trong tỉnh và các đoàn khách tặng nên tụi mình treo trang trí và để làm kỷ niệm
chứ cơ quan mới thành lập làm gì có tiền mua các bức tranh nghệ thuật nổi
tiếng.
Mây Đầu Non vẫn chưa chịu thôi:
- Nhưng đây là trụ sở của hội nhà văn. Văn chương và hội họa
là hai anh em song sinh, là tinh hoa của những bộ môn nghệ thuật. Tất cả có thể
bị chôn vùi vào lãng quên nhưng những tuyệt tác về văn chương và hội họa sẽ
trường tồn mãi mãi khi nhân loại còn muốn sống như con người. Đừng để người ta
nghĩ rằng hội nhà văn các ông không biết thưởng thức và đánh giá tác phẩm hội
họa.
Hoài kéo Mây Đầu Non lên lầu:
- Được rồi, ông yên chí. Tụi tôi không đến nỗi nào đâu. Lên
đây uổng cà-phê sưởi nắng nói chuyện đã.
Hoài sửa soạn pha thêm cà-phê nhưng Mây Đầu Non gạt đi:
- Tôi không uống cà-phê, chỉ uống trà thôi. Trà tôi tự làm
có mang theo đây. Ông lấy ấm tôi pha cho.
Sau khi nhắp mấy ngụm trà, không để Hoài hỏi han chuyện gia
đình, Mây Đầu Non nói luôn về tạp chí La Ban:
- Tôi đã đọc tạp chí của các ông và mới lên đây cùng nghe dư
luận phê phán này nọ. Ôi dào, đã có cái quái gì ghê gớm đâu! Có bài còn tệ quá
nữa là khác. Tạp chí văn học gì mà mới mở đầu đâu có mấy bài phát biểu của các
ông lớn. Chỗ nào cùng nói đi nói lại chuyện đảng lãnh đạo. Văn nghệ cần quái gì
ai lãnh đạo. Văn học thế giới bao nhiêu thế kỷ nay có đảng nào lãnh đạo đâu mà
vẫn có vô số kiệt tác để đời? Còn văn học của các nước có đảng cộng sản lãnh
đạo như nước ta có gì hay ho hơn hay chỉ là những công cụ tuyên truyền hàng
loạt. Thứ nghệ thuật đồng phục không có sáng tạo, không cá tính, thực ra không
thể gọi là nghệ thuật được. Đó chỉ là tuyên truyền. Đây đó cũng có tác phẩm đọc
được nếu tác giả thực sự có tài năng, còn đại bộ phận đều nhợt nhạt rập khuôn
theo cùng một mô-típ. Mà ngay cả các tác giả có tài năng cùng bị hạn chế rất
nhiều vì phải đi theo con đường đã được vạch ra. Theo tôi, nghệ thuật là tự do,
phi đảng. Nghệ sĩ là thượng đế trong tác phẩm của mình. Tác phẩm phải sáng tạo,
độc đáo, mang rõ cá tính của người nghệ sĩ. Còn nếu sản xuất hàng loạt thì vứt
mẹ nó đi.
Hoài cắt lời Mây Đầu Non:
- Bàn chuyện sáng tác còn khối điều để nói. Nhưng này, ông
đang nói đến tạp chí La Ban, ông hãy góp ý cụ thể đi. Tụi tôi cũng đang muốn
nghe nhiều loại ý kiến. Nhưng có điều ông chú ý cho đây là tạp chí của hội nhà
văn mà hội nhà văn này là do đảng lãnh đạo. Nếu là tạp chí của một nhóm tư nhân
hoàn toàn độc lập lại khác. Tôi còn nhớ ngày xưa một mình ông cũng chủ trương
và thực hiện được một tờ báo. Ông quảng cáo kêu gọi người ta viết nhưng lại cấm
giáo viên, sinh viên sư phạm và một lô một lốc những loại người không được gởi
bài cho báo ông. Bây giờ đâu phải làm báo theo kiểu đó. Trong hoàn cảnh cụ thể
hiện nay, ông nghĩ tờ báo nên như thế nào và ông có thể cộng tác gì không?
Mây Đầu Non trợn mắt nhìn Hoài:
- Làm tờ báo như thế nào là chuyện của các ông chứ không
phải của tôi. Tôi không thể nghĩ cách làm một tờ báo có đảng lãnh đạo được. Nếu
cần làm một tờ báo thực sự tự do tôi sẽ làm được ngay. Nhưng chế độ này làm gì
có tự do thực sự, chỉ có tự do giả hiệu cũng như bao nhiêu quyền chính đáng của
con người được nêu ra cũng là lừa bịp cả. Ngay chuyện sáng tác của tôi, hơn
mười năm nay tôi có viết được gì đâu mặc dù tôi thừa sức viết không phải hàng
ngàn mà là hàng chục ngàn trang. Cũng có khi tôi cầm lại cây bút nhưng viết
được vài trang tôi lại xé bỏ vì tôi nghĩ đến cảnh công an ập vào lục xét. Tôi
không muốn đi tù về chuyện đó. Nếu các ông bảo đảm đăng và chịu trách nhiệm về
bài của tôi, tôi sẽ viết. Chỉ sợ các ông không dám thôi.
Hoài hơi bực mình về lối nói này của Mây Đầu Non, không phải
lần đầu anh ta nói như thế. Hoài đánh giá Mây Đầu Non trước đây là một tác giả
có tài, độc đáo, nhưng sau này chưa thấy anh ta viết gì. Anh ta luôn bị ám ảnh
bởi nỗi sợ hãi sẽ bị bắt về chuyện sáng tác.
Hoài nói:
- Ông cứ viết đi và gởi đến cho tụi tôi rồi tụi tôi sẽ có ý
kiến. Không ai bắt ông đâu. Ông sợ hơi nhiều đấy. Nếu ông viết chỉ để trong nhà
hoặc cho bạn bè đọc cùng dễ thôi. Nhưng viết để đăng lên báo là cả một vấn đề.
Cũng như chuyện viết và “lách” ngày trước, bây giờ làm sao một tạp chí công
khai có thể đứng được, tác phẩm chuyên chở được tâm huyết của người nghệ sĩ,
tác động được vào tình hình chính trị, xã hội chung, đó là điều rất khó khăn.
Về phương diện sáng tác cá nhân, tụi tôi có thể làm như điều ông nói, nhưng với
tư cách là người chủ biên tờ báo, tụi tôi phải nghĩ đến những điều khác nữa.
Mây Đầu Non vứt cái mũ bê-rê xuống bàn, tay xoa xoa cái đầu
húi trọc, mắt nheo nheo nhìn Hoài với một vẻ gần như khinh bỉ và thương hại:
- Đặt vấn đề như thế thì tôi không cộng tác với các ông được
đâu. Tôi viết dứt khoát là phải hoàn toàn tự do. Ông đã biết tôi mang cả hình
ảnh “người đàn bà ngồi đái” và chuyện “buồn buồn móc đít ngửi”, vào trong thơ
kia mà. Chấp nhận, thưởng thức được hay không là tùy người đọc. Có thể tác phẩm
của tôi chỉ có mươi người đọc, thậm chí một người, nhưng hiểu đến nơi đến chốn
còn hơn là làm trò giải trí cho hàng vạn người. Thế kỷ này có thể không có
người hiểu tôi nhưng mai sau có người tìm đọc là được.
Tôi cần gì kiểu viết “lách” của các ông? Cuộc đời đầy giả
trá chưa đủ sao mà các ông còn đem văn chương tô son điểm phấn cho những con đĩ
rạc? Hãy chân thật đi mới có văn chương đích thực. Còn những thứ “ngụy văn
chương”, tôi xin chào thua. Nhưng thôi, nói thế đủ hiểu nhau rồi. Dù sao ông và
Minh Hương vẫn là đảng viên cộng sản, tôi làm sao đi với các ông được mặc dù
tôi biết các ông là những kẻ có lòng. Kẻ có lòng thời nay cũng hiếm đấy. Các
ông cứ làm việc của mình đi rồi sẽ tới lúc các ông phải xét lại. Còn tôi, bây
giờ tôi quyết chí trồng thông. Tôi không cần chính sách, chế độ gì hết. Ông cứ
chờ xem. Một mình tôi sẽ trồng mười ngàn cây thông ở khu vực đồi chung quanh
nhà tôi ở. Tôi lên tận đây để nhổ thông con, tự tay đào hố trồng từng cây và
xách nước từ dưới suối lên để tưới. Đảng và nhà nước của các ông cứ hô hào phủ
xanh đồi trọc nhưng chỉ phá hoại, còn tôi, tôi sẽ làm.
Mây Đầu Non đội mũ đứng lên:
- Thôi, tôi đi đây. Tôi phải nhổ một ngàn cây nữa trong ngày
hôm nay để sớm mai còn về.
Hoài tiễn Mây Đầu Non xuống lầu:
- Trưa nay ông trở lại đây ăn cơm với tôi rồi tối về đây ngủ
nói chuyện tiếp nhé.
Mây Đầu Non vỗ tay vào túi xách mang trên người:
- Cám ơn ông. Cơm nước có đây rồi. Tôi tự lo mọi thứ. Lúc
nào đói bụng tôi chỉ việc ngồi xuống bãi cỏ dở đồ nguội ra ăn, khỏi phiền ai
cả. Còn tối tôi cũng chưa biết về đâu. Tiện đâu ngủ đó. Có khi tôi sẽ ngủ lại
trong rừng cũng nên. Ta sẽ có dịp gặp nhau vì thế nào tôi cùng còn lên đây để
nhổ thông tiếp nữa. Thôi, đi nhé.
Mây Đầu Non bắt tay Hoài rồi lầm lũi đi ra, dáng vội vàng và
quả quyết.
Hoài lên lầu đứng tựa lan can nhìn Mây Đầu Non loay hoay với
chiếc xe đạp ngoài xa. Trước khi khuất sau cổng, anh ta còn quay lại giơ tay
vẫy. Lần nào gặp nói chuyện với Mây Đầu Non, anh ta cũng làm cho Hoài xao
xuyến, gần như chấn động. Một con người lạ lùng, lạc lõng và cô độc. Anh ta
sinh nhầm thế kỷ hay đi quá trước thời đại? Những điều anh ta nói về chuyện
sáng tác và tự do không phải là những gì Hoài không từng nghĩ đến. Nhưng rõ
ràng trong thời đại này, nghĩ và sống như thế là hoàn toàn không tưởng. Anh ta
là một người sống hoàn toàn ảo tưởng nhưng lại có ý thức rõ ràng về sự ảo tưởng
của mình. Còn Hoài, anh có ảo tưởng không? Phải chăng anh cũng hoàn toàn ảo
tưởng nhưng không tự biết, không tự nhận khi hy vọng làm một cái gì cho xã hội
bằng văn chương nghệ thuật, bằng bộ máy và tất cả cơ chế, nghị quyết, chính sách
của chế độ này? Anh có ngây thơ không và rồi anh sẽ vỡ mộng về sự cả tin của
mình?
*
Sau khi gặp học giả Nguyên Bạt Tụy, Minh Hương và Hoài hết
sức quan tâm đến trường hợp của ông. Ông là một nhà nghiên cứu kỳ dị, có những
quan điểm hết sức độc đáo về ngôn ngữ học. Những bài viết trước đây của ông đã
gây ra tranh luận giữa các nhà chuyên môn không những trong nước mà cả ở nước
ngoài. Tuy chưa được xem công trình của ông cũng như chưa có điều kiện sưu tầm
lại các tư liệu cũ liên quan đến những hoạt động trong học thuật của ông trước
đây, Minh Hương và Hoài cảm thấy có trách nhiệm trong việc nêu vấn đề của ông
ra trước công luận, từ đó, tìm cách xuất bản công trình nghiên cứu một đời của
ông mà hai anh dự đoán sẽ là một đóng góp không nhỏ cho học thuật ở một lãnh
vực không mấy người có điều kiện dấn thân vào. Nếu ông không muốn tự viết về
trường hợp của mình, hai anh sẽ viết hoặc thực hiện dưới hình thức cử phóng
viên đến phỏng vấn. Tuy nhiên, dự tính của hai người đã không thành. Tạp chí La
Ban chỉ mới đăng một bài nghiên cứu về phong tục tập quán của ông, sau đó sau
khi ra số 3, tạp chí La Ban đã bị rút giấy phép xuất bản. Việc rút giấy phép
xuất bản tạp chí La Ban hầu như là một việc đương nhiên phải đến. Người ta cảm
thấy không thể chỉ đạo được tạp chí này cũng như những người phụ trách nó.
Người ta đã khó chịu khi đại hội thành lập hội nhà văn đón tiếp nhà thơ Hữu Lần
một cách nồng nhiệt, khó chịu hơn khi La Ban đăng thơ Trần Dần, càng không thể
chịu đựng được khi La Ban số kế tiếp lại đăng thơ Hữu Lần, một bài thơ tố cáo
mạnh mẽ trước đây chưa hề được công bố.
Bài thơ “Tục đèo Cả” nói về người anh hùng đèo Cả năm xưa
sau khi chiến thắng trở về thành phố:
Giữa thủ đô Hà Nội
Có một anh xe ba gác
ngực
đầy
huân
chương
trên chiếc áo sợi đôi
màu cổ chiến trường
màu
bết
khô
quánh
đỏ
như đem đóng
vinh quang
vào ngực
bằng đinh!
Cả Hà Nội vỉa hè
theo sát
vây quanh
Công an
xông dùi cui
đến quát
Đeo huân chương
để
chủ
tâm
bôi bác?
Anh ba gác kia
cúi nhìn xuống ngực
trả lời:
là đeo
vinh
đeo
dự
sáng
ngời
Công an trợn mắt
nghiến mồm:
- là
thâm độc
bôi
đen
chế độ!
Anh ba gác
bình
tĩnh
rù
rì
Ta làm gì có màu đen hơn
ta
chỉ
có
nguyên…
và anh rũ rượi ho ra
máu đỏ
m lặng rùng mình
Người công an
định lấy tư thế
quát
thật rắn
thật to
và phát ra thất thanh
tiếng méo
mồm cùng méo
- Người là ai?
Anh ba gác
vẫn bình tình
từng lời
từng lời.
Ta là ta
cũng
đã
là
mi.
- Ta là lịch sử
đóng
chặt
hơn đinh
dù chậm hơn rùa!
Trong chế độ này sao có người dám làm thơ như thế, hơn nữa
là một tay “Nhân văn” cũ, La Ban lại dám cho đăng. Đã thế còn in theo kiểu bậc
thang xuống dòng liên tục, giấy đâu đem đăng thơ bôi đen chế độ? Đó là chưa kể
các bài vở khác ở La Ban số 2 và 3 càng ngày càng tỏ ra một quan điểm cấp tiến
đáng ngại, muốn xem xét, lập lại mọi vấn đề đã được khẳng định lâu nay theo
quan điểm chính thống của đảng. La Ban số 3 đã công bố lần đầu tiên một tư liệu
cũ gọi là “Đề cương đề dẫn thảo luận ở hội nghị đảng viên bàn về sáng tác văn
học” trước đây đã bị cấm phổ biến và những người chuẩn bị nó đã bị trù dập.
Bên cạnh đó, hội nhà văn và tạp chí La Ban chính thức lên
tiếng về vụ Nguyên Ngọc, tổng biên tập báo Văn Nghệ trung ương, bị phê phán và
cách chức, lại là một dấu hiệu đáng ngại nữa trong quan điểm của những người
hoạt động văn nghệ ở đây.
Từ khi Nguyên Ngọc về làm tổng biên tạp báo Văn Nghệ của hội
nhà văn Việt nam, tờ báo đã có những khởi sắc theo hướng đổi mới thực sự. Những
phóng sự đi sâu điều tra các tội ác, đặc biệt ở nông thôn, những truyện ngắn
lấy nguyên mẫu từ các nhân vật lịch sử để từ đó đặt vấn đề xem xét lại quá khứ,
những bài thơ chống tiêu cực mạnh mẽ, những bài lý luận phê bình văn học công
khai xem xét lại các giáo điều, đánh giá lại các thành tựu văn học đã qua… Xu
hướng này được đông đảo bạn đọc hoan nghênh nhưng những người lãnh đạo bắt đầu
lo ngại. Văn nghệ vốn là một lãnh vực rất nhạy cảm và sự chuyển động trong văn
nghệ chính là báo hiệu của những chuyển động xã hội. Thế là người ta chỉ đạo để
dập tắt xu hướng nguy hiểm này. Ban chấp hành hội nhà văn Việt Nam đã họp, ra
nghị quyết, phê phán tuần báo Văn Nghệ đã có “những lệch lạc nghiêm trọng”,
phân tích một số tác phẩm được đăng tải để chứng minh, cho rằng tờ báo đã “làm
đổ vỡ lòng tin vào sức sống của chủ nghĩa xã hội” và quyết định “uốn nắn, chẩn
chỉnh tuần báo Văn Nghệ về nội dung và tổ chức”. Đây là một đòn nặng giáng
xuống văn nghệ đổi mới. Nếu là trước đây, khi mọi chuyện còn bưng bít và uy
quyền của đảng còn tuyệt đối, sự việc đã xong xuôi, nhưng ngày nay tình thế đã
khác. Các nhà văn, trí thức, độc giả bình thường khắp cả nước đã lên tiếng phản
đối nghị quyết sai trái của ban chấp hành hội nhà văn Việt Nam . Ban chấp
hành hội nhà văn thành phố Sương Mù và tạp chí La Ban là một trong những tổ
chức đầu tiên chính thức lên tiếng với tư cách tập thể, sau một cuộc tọa đàm và
đưa ra một kiến nghị mạnh mẽ. Kiến nghị yêu cầu tuần báo Văn Nghệ phải là diễn
đàn đổi mới, không bị quy chụp về chính trị đối với những quan điểm cấp tiến,
không đồng phục, lên án việc làm của ban chấp hành hội nhà văn Việt Nam và kêu
gọi toàn xã hội cùng lên tiếng ủng hộ cho đổi mới mà vụ việc tuần báo Văn Nghệ
chính là một điểm nóng.
Sau cuộc tọa đàm, Minh Hương và Hoài đang ngồi trao đổi về
các biện pháp đấu tranh đòi tiếp tục xuất bản tạp chí La Ban, thì Mây Đầu Non
xuất hiện. Anh ta lại đi xe đạp từ huyện lên để nhổ thông con về trồng tiếp.
Sau lần đầu gặp Hoài ở cơ quan hội, Mây Đầu Non đã đi mấy lần nữa và cũng đã
làm quen, chuyện trò về văn nghệ với Minh Hương. Vừa lên khỏi cầu thang, thấy
Minh Hương và Hoài đang ngồi ở ban-công, anh ta la lớn ngay:
- Các ông dở quá! Các ông dở quá? Tạp chí La Ban sẽ không ra
gì nếu không đăng lại bài “Ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ” của Nguyễn Minh
Châu đã đăng lên tuần báo Văn Nghệ trung ương. Bài này quan trọng và có giá trị
hơn tất cả các nghị quyết của đảng. Các ông thấy không? Văn chương mà chỉ biết
mặc đồng phục, hát tụng ca thì còn gì là văn chương nữa. Hãy đọc ai điếu, hãy
chôn vùi nó đi. Tay Nguyễn Minh Châu này khá quá.
Tôi vốn không thích các nhà văn Bắc kỳ nhưng ông Nguyễn Minh
Châu này được lắm. Có thế chứ. Rồi có lúc người ta cũng phải tỉnh ngộ. Tôi hy
vọng một thời kỳ mới đã bắt đầu mở ra. Bài viết như thế mà được đăng thì những
sáng tác của tôi may ra có thể xuất hiện. Lâu nay các ông bảo tôi gởi bài nhưng
tôi vẫn chưa tin các ông dám đăng nên tôi không gởi. Đây tôi đưa các ông xem
mấy bài thơ mới làm.
Mây Đầu Non lục tung chiếc túi cũ kỹ rất hài hòa với bộ quần
áo xập xệ sờn cũ anh đang mặc, đưa cho Minh Hương và Hoài một xấp giấy khổ lớn.
Hoài mở ra, trang đầu tiên là một bài thơ hai chữ, chữ viết tay to và phóng
khoáng, chiếm hết trang giấy:
Đụ mẹ
Cây bông
Hắn không
Lao động
Ai trồng
Chật chỗ
Mày nhổ
Xem sao
Máu trào
Thiên cổ
Những bài thơ còn lại theo nhiều thể loại khác nhau nhưng
bài nào cũng có giọng điệu ngang tàng rất đặc biệt kiểu Mây Đầu Non, không thể
lẫn với ai được.
Hoài chuyển mấy bài thơ cho Minh Hương. Minh Hương xem qua
rồi thở dài:
- Muộn rồi ông Mây Đầu Non ạ! Ông ở chốn hẻo lánh nên hơi
thiếu thông tin. Bài viết của Nguyễn Minh Châu đã bắt đầu bị phê phán và tạp
chí La Ban đã bị rút giấy phép xuất bản. Mây Đầu Non trợn mắt, nổi sùng lên,
lắp bắp:
- Đ. M… Thế… mà nói đổi… đổi mới cái con c. gì?
-------------------------
* nguồn: sangtao.org
-------------------------
* nguồn: sangtao.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét