KỲ 56
Hai ta từng là... con cái
Chúa
(Nhân bài viết
của nhà thơ Trần Mạnh Hảo)
Chẳng biết mai sau, khi dắt tay nhau vào
cõi vô cùng, hai ông có hoan hỉ: “Hai ta từng là... con cái Chúa”? Chứ bây giờ,
ông nhà thơ Trần Mạnh Hảo vẽ chân dung ông nhà văn Nguyễn Khải trong bài “Mùa
Xuân thăm nhà văn Nguyễn Khải” như tranh biếm họa bất chấp hai ông cùng xuất
thân na ná nhau.
Một ông thủa bé “chăn trâu cắt
cỏ”, tối tối vào nhà thờ nghe giảng kinh, một ông lớn lên trong gia đình quan
lại, trí thức Thiên chúa giáo, hai ông chỉ giống nhau một điều là khi cách mạng
về, cùng... bán Chúa theo đảng. Và quả thực cái sự bán chác này đã đem lại lời
vô kể. Chưa kể mỗi ông có cái nhà to vật ngay giữa Sài Gòn, cả hai đều có cái
danh rất oách. Một ông là nhà văn cách mạng được Nhà nước gắn huân chương, một
ông là nhà thơ nổi đình nổi đám và cả hai đều chễm chệ chiếu trên trong làng.
Mở đầu bài viết, mới tới cổng nhà bác
NK, thi sĩ TMH đã tả hai cây cau như hai anh lính gác cổng:
“… được trồng trong một chỗ chính ra để
còi đi, lùn xuống, trồng trong chỗ kẹt, chỗ ép, chỗ tù túng sát sàn sạt bức
tường, như được dính vào gạch, phải toát mồ hôi mọc cật lực trên nền xi
măng...”.
Viết vậy thì đúng với… cả hai bác chứ
chẳng riêng gì bác NK. Tài năng văn chương của hai bác, mấy chục năm qua chẳng
được trồng vào chỗ kẹt, chỗ ép, chỗ tù túng mà hai bác phải “toát mồ hôi, cật
lực” mới mọc được trên “nền ximăng” đó ư? Rồi chẳng ai khảo mà xưng, bác nhà
văn thú nhận:
“... nói giấu gì ông em, nó chẳng đực
cũng chẳng cái, chẳng phải ta mà cũng chẳng phải tây; nó là cau hoàn cảnh, cau
chơi, cau mẽ đã kế hoạch hóa gia đình từ kiếp trước. Tôi vô ý buột miệng may
quá, nó không có quả, nên giời không ban cho nó giàu, với lại "được mùa
cau đau mùa lúa". Nhỡ hốt nhiên nó tức khí ra quả ồ ạt, e ảnh hưởng ít
nhiều đến những mùa bội thu lúa má văn chương của chủ nhân chăng?”.
Nếu phải dựng chân dung văn thi
sĩ thời nay quả thực khó kiếm hình ảnh nào hay hơn thế. Chẳng đực cũng chẳng
cái, chẳng phải ta cũng chẳng phải tây, nó là thứ... văn chơi, văn cảnh, văn mẽ
đã được... kế hoạch hóa gia đình. Thảo nào vào thời được “cởi trói”, một ông
nhà văn đã la lên rằng “nền văn học của chúng ta là một nền văn học bị... thiến”.
Ôi chao ôi, chẳng đực cũng chẳng cái nên mới đẻ ra cái thứ văn chơi, văn mẽ như
thế đó. TMH lại viết tiếp:
“Gớm, ngồi một tẹo, anh em mới trà
thuốc tí ta tí tách bác bác, chú chú, lúc lại ông ông, tôi tôi chưa ngấm câu
chuyện, mà hai anh lính cau ngoài cửa cứ quạt phành phạch, sốt cả ruột; giời
mới thương khuất nẻo cho tí gió máy đã cuống cả lên, đã sướng run lên cầm cập,
rối rít đập vầng lá xanh um vào tường như cũng muốn đòi vào nhà hóng hớt chuyện
văn chương”.
Viết như thế khác nào TMH xỏ “cả
làng văn chương” mỗi khi được Đảng cho
chút bổng lộc - nào phân nhà, đi
nước ngoài, tài trợ sáng tác... là anh nào anh nấy đã sướng run cầm cập, hoa
bút múa giấy, rối rít ca ngợi công ơn. Vậy rồi cũng chưa hết cái thân phận “anh
cau”, TMH còn nhấn thêm:
“Cái giống cau trông vậy mà tham, ưa
bất tử để đời, chết xuống rồi, tàu cau rụng cái ạch xuống đất rồi vẫn cứ cố
sống lại cho kỳ được, sống làm cái thân quạt mo, làm dâu trăm họ, rơi vào tay
anh Bờm mà bỡn cợt phú ông. Bác Khải lại cả cười, ấy vậy nó mới là cau cảnh,
người cảnh, văn cảnh”.
Chẳng phải tưởng tượng nhiều ta cũng
thấy vào một buổi sáng ở nhà bác NK,
ngoài cổng có hai cây cau, trong nhà có hai nhà văn “nhớn” hí hửng tự
nhận cái “phận cau”, cam chịu làm cái thân quạt mo cho... Đảng mà bỡn cợt cái
tụi... tư bản, nhà giàu. Và rồi hai bác còn hả hê “ấy vậy mới là người cảnh,
văn cảnh”. Thật không có lời sám hối nào thành thật hơn thế nữa. Chính vì
“cảnh” vậy, TMH mới nhận xét:
“Bản thảo của bác Khải với lối chữ đi
ra đi vào la đà con cà con kê, túc tắc như thím gà mái kiếm mồi, dòng chữ cao
to mà ẻo lả, lênh láng mà thẳng thớm, kiểu chữ thời ba mươi bốn lăm xưa lắm”.
về văn chương của NK thì:
“Văn ông nhìn chung là thứ văn hoạt,
thông minh, ranh mãnh, sắc như nước, lại dây dưa thừng chão, có mỏ có ngạnh mà
cũng có vây có cánh, có gai có góc mà cũng chồng nụ chồng hoa, có nghịch phá
dung dăng dung dẻ mà cũng cứ nền nã, con nhà, vẫn gia phong, gia giảm, gia
công, gia dụng, gia năng, gia giáo... Văn ông vượng về khí, ăn về hơi, giỏi về
chữ, mạnh về hoành mà hãm về tung, hút bởi tán mà hụt hẫng khi tụ, mặn việc đạo
nhưng nhãng sự đời, đi đường triết nhân hơn đường văn nhân”.
Tưởng là khen đấy mà hóa ra xỏ đấy,
“mạnh về hoành mà hãm về tung” chẳng qua là bốc phét một tấc đến giời, thùng gỗ
kêu to chứ còn cái chiều “tung” – cái chiều “sự thực ở đời”, cái thế sự ngổn
ngang “khổ dân, sướng quan” thì bác NK
lờ tịt, tức cái sự “nói thực” trong văn chương thì còn... “hãm” lắm. Làm thân
quạt mo phẩy mát cho Đảng lại còn muốn lưu tiếng thơm muôn thủa thì văn chương
cần phải “hoạt, thông minh, sắc như nước”, tưởng là “nghịch phá dung dăng dung
dẻ” mà thực ra “nền nã, gia giảm, gia công, gia dụng, gia năng, gia giáo” là
đúng quá rồi. Đây chính là “cẩm nang sáng tác” chẳng riêng gì của nhà văn NK mà
phàm là hội viên Hội nhà văn muốn in bài trên báo Văn Nghệ thì đều phải thuộc
nằm lòng. Nếu không thì:
“… muốn biểu tượng hai mặt à, mượn cau
kiếc nói cạnh khóe nhà văn chúng anh à?... Không sợ có ai rách việc mới hắng
giọng ho lên, dọa rằng anh biểu tượng hai mặt đấy là co vòi, co rút bút lên với
nhau, ngồi run như giẽ cả một lượt, thật chả còn ra làm sao...”.
Đúng như thế, nhà văn ta thật “chẳng còn
ra làm sao”, Đảng mới hắng giọng ho lên một tiếng đã co vòi, rút bút, ngồi run
như giẽ cả một lượt...”. Hết nhận mình là “cau”, rồi lại là “giẽ”, cái phần tự
bạch của hai nhà văn lớn quả thực không thua gì các bản “phản tỉnh” của các nhà
văn Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng... hồi học tập “Đề cương văn học
Diên An” của đồng chí Chủ tịch Mao Trạch Đông kính mến. Thế rồi sau khi tâng
bốc NK lên mây xanh:
“Ông là nhà văn lớn thời nay, một trong
những con chim đầu đàn của nền văn nghệ cách mạng và kháng chiến”.
ông bạn vàng TMH lại giở giọng xỏ xiên:
“Nguyễn Khải họp chợ trong tiểu thuyết
chỉ có một mình, hàng trăm nhân vật nhưng hầu như chỉ có độc một mình ông tự
thân chia ra mấy mươi phần trăm đối tác mà khóc cười rôm rả. Ông lặn xuống bề
sâu từng nhân vật mà hóa thân chúng vào mình, thành ra tưởng đông lắm, nghìn
nghịt lắm, tập thể lắm mà hóa ra vắng hoe như chùa Bà Đanh, chỉ một cá thể, một
mình ông sắm đủ các vai tuồng trên sân khấu chữ nghĩa”.
hóa ra bao nhiêu nhân vật trong văn
chương NK đều là “tào lao’, vẽ vời, ba
xạo... chỉ còn lại duy nhất một người cầm bút:
“lượn lờ đi lại, nói năng, giận hờn,
buồn vui, ngơ ngác, vờ vịt, chân thành, khiếp sợ, dũng mãnh, cuồng si... mà hơn
nửa thế kỷ chữ nghĩa văn chương cứ rào rào như tằm ăn rỗi, cứ cuồn cuộn hàng
mấy chục đầu sách làm ồn ào lênh láng cả văn đàn”.
Cái mẹo vừa đấm vừa xoa, vừa khen vừa
chửi... vốn là “nghề của chàng”, vừa chửi “vờ vịt”, tiếp ngay đó lại khen “chân
thành”, vừa chê “khiếp sợ” lại bốc ngay “dũng mãnh” rồi sau cùng mới huỵch toẹt:
“Nguyễn Khải cứ ngồi một chỗ ru rú
trong xó nhà mà nhặt được toàn bộ rác rưởi đời sống. Ông có biệt tài lượm ve
chai trên ti-vi... trên báo, lượm phế thải nơi những tâm hồn ủ ê néo hánh ù lì
thấp thoáng quanh đời ông”.
Nhận định này trùng với nhà thơ Xuân
Sách làm thơ chân dung Nguyễn Khải:
“Cồn Cỏ nào ở đâu xa
Cồn Cỏ là ở... ngay nhà đó em...”.
Và sau cùng cái “triết lý con lươn” mà
NK vẫn hãnh diện khoe khoang với bạn bè – cái triết lý khi bị Đảng bắt giò,
phải tiết ngay “chất nhờn” mà lủi đi, cũng được TMH khẳng định trong câu:
“May mà ông còn một con cáy trong
người để bảo hiểm cho văn mình...”.
Và cũng còn may, trong con người TMH
cũng còn “một con cáy”, chứ không thì … chưa biết sẽ đi về đâu?
Nghe nói đọc xong bài viết của TMH,
Nguyễn Khải chỉ cười nhạt. Tuy nhiên, cầm chắc một điều, mai sau có về nước
Chúa, dứt khoát hai ông không dắt tay nhau mà rằng: “hai ta đã từng là con cái
Chúa”.
KỲ 57
Hạt bụi lấp lánh ánh sáng của
đảng (!)
Ông hưởng lộc quan từ rất sớm,
năm 21 tuổi đã là Tổng thư ký Hội văn hóa cứu quốc, đại biểu Quốc hội khóa đầu
tiên của Nhà nước VN DCCH, và cũng hưởng rất lâu, năm ông mất, 79 tuổi, ông vẫn
còn là Chủ tịch Chủ tịch đoàn Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Nhà nước CHXHCN
VN.
Trên thế giới, hiếm có nhà văn
nào làm quan suốt 60 năm, làm quan tới hơi thở cuối cùng như ông, chỉ lạ một
điều, sao người ta chưa đưa ông vào Guiness. Ở nước ta, leo lên quan đầu ngành
đã khó, giữ được ghế càng khó hơn, bởi thế không ai ngạc nhiên khi đứng giữa
bàn dân thiên hạ, trên tivi vào dịp Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ 3, ông
trịnh trọng tuyên bố:
“Các nhà văn chúng ta… là những
hạt bụi lấp lánh ánh sáng của Đảng”.
Thật không có một câu “văn bia”
nào diễn tả thân phận văn nô hay hơn thế. Lập tức nó được các “hạt bụi” vỗ tay
vỡ hội trường và “bảo hiểm” cho ông ngồi ghế quan đến trọn đời.
Chắc ai cũng biết, tác giả câu
nói đáng ghi vào sử sách đó chính là nhà văn, nhà thơ, nhà sáng tác ca khúc… Nguyễn
Đình Thi.
Khác với mấy “anh tiền chiến” sau
cách mạng mới chịu theo đảng lên rừng, năm 18 tuổi NĐT đã bị đi tù vì hoạt động
cách mạng, đã viết báo, viết văn tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, tuy nhiên
theo nhận định của hai nhà nghiên cứu quốc doanh gạo cội Phan Cự Đệ – Hà Minh
Đức, phải đợi tới “ngọn lửa kháng chiến chống Pháp hun đúc, tài năng văn học
của Nguyễn Đình Thi thực sự mới hình thành”.
Vậy thử coi “tài năng văn học “trong
kháng chiến chống Pháp của Nguyễn Đình Thi lớn cỡ nào?
Trong tuyển tập Truyện ngắn Việt
Nam (1945-1954) của NXB Đại học, cũng do hai ông Giáo sư gạo cội Phan Cự Đệ -
Hà Minh Đức biên soạn cho sinh viên học có tới 2 truyện ngắn của Nguyễn Đình
Thi được đưa vào “bia đá”.
Truyện ngắn “Anh hùng cứ điểm” kể
chuyện đồng chí Còm, đại đội trưởng đại đội 112 trong trận đánh một cứ điểm Tây
ở mặt trận đông bắc. Trong đêm trước trận đánh, anh Còm tâm sự với anh Đăng,
đại đội phó: “Đời mình không vui lắm. Vợ con mất cả từ ngày đói bốn nhăm. Hồi
ấy mình lang thang ở mỏ. Lúc khởi nghĩa xong, vào bộ đội, đánh tây liên miên.”
Vậy là không lọt ra ngoài “phép
nước”, ông nhà văn phải chọn một anh “thành phần giai cấp công nhân” làm nhân
vật anh hùng cho dù hồi mới kháng chiến, hàng ngũ cán bộ đại đội phần lớn là
dân… “tạch tạch sè”, “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” (thơ Quang Dũng), có văn hóa,
có tâm hồn lãng mạn và toàn xuất thân thành thị. Bởi thế đặt chân lên đò qua
sông xung phong vào đồn địch, trong đầu anh Còm chẳng có “dáng Kiều” nào hết,
anh chỉ nghĩ đến “tương lai tươi sáng của dân tộc”: “Sau này kháng chiến thành
công, thế nào mình cũng phải qua bên Lào hay bên Tây Nguyên một phen…”.
Thử hỏi tại sao khi đó anh không
nghĩ tới chuyện về thăm bến Sáu Kho Hải Phòng quê hương anh?
Xin thưa ngày đó tư tưởng giải
phóng cả “Việt-Miên-Lào” thành lập Liên bang Đông Dương hãy còn sâu đậm lắm
trong cán bộ đảng ta. Và ông nhà văn NĐT cũng không quên điều đó khi mô tả
người anh hùng, nhất là tránh xa “con người chung chung” hướng tới “con người chính trị” mới đúng lập
trường văn học cách mạng.
Khi xung phong tới gần cứ điểm,
theo đúng kế hoạch lẽ ra đại bác phải bắn yểm trợ, rủi thay súng lại hỏng, cả
đại đội của Còm vấp phải 8 khẩu “đui sết” của Pháp cứ nằm chết gí bên bờ ruộng.
Thế là đồng chí Còm xông lên diệt ổ trung liên của địch cho toàn đại đội mở
hàng rào. “Bỗng một phát đại bác nổ như xé tai, Còm đứng sững lại, bơi bơi hai
tay trong không khí rồi ngã vật ra…”. Trước khi hy sinh, Còm còn thều thào hỏi:
“Vào đến đâu rồi?” và tháo cái đồng hồ đeo tay tặng chú giao liên rồi mới… chết.
Cũng na ná như nhà thơ Tố Hữu mô
tả cái chết của anh Nguyễn Văn Trỗi: “Trước khi đi anh gọi Bác ba lần”, chẳng
hiểu sao các văn thi sĩ cách mạng cứ buộc người ta lúc chết phải nghĩ tới chiến
thắng, tới lý tưởng, tới đồng đội mà không nhớ tới vợ con, gia đình ruột thịt?
Thực sự những người lính lúc chết ra sao, có gọi Bác ba lần, có hỏi “quân ta
vào tới đâu” không? Hình như chưa nhà văn cách mạng nào nói đúng được về họ.
Bởi lẽ đó là yêu cầu chính trị.
Trận đánh kết thúc, quân ta đương
nhiên là thắng quân nó, cứ điểm địch đương nhiên là bị nhổ bỏ và người anh hùng
nằm xuống đương nhiên là được ca ngợi: “Đời anh Còm sống chiến đấu lặng lẽ,
chết hy sinh lặng lẽ…”.
Truyện ngắn “Người anh hùng cứ
điểm” được vào bia đá “văn học cách mạng” xem ra cũng chỉ là một bài ký sự “người
tốt việc tốt” với mạch kể chuyện đơn giản, tuần tự, lười nhác cả trong xây dựng
nhân vật lẫn kết cấu truyện. Đó là cái giá phải trả cho việc hưởng ứng chủ
trương “sáng tác kịp thời” của Đảng chăng?
Sang truyện ngắn “Người tù binh
da đen”, tác phẩm “tuyển” thứ hai của NĐT xem ra còn… “kịp thời” hơn nữa.
Người tù binh da đen đó là lính
hầu của tù binh da trắng Thiếu tướng Đờ Cát, Tư lệnh mặt trận Điện Biên Phủ mà
chẳng hiểu sao ông nhà văn lại cho rằng “Mỹ” phong cho ông mới lạ chứ. Có lẽ vì
vậy mà Đờ Cát được NĐT gọi bằng “tên”, “nó”. “Trong đoàn tù binh, giữa hai
người lính hầu lúc nào cũng theo hầu hai bên nó như hai cái bóng, tên tướng
Pháp cầm cái gậy ngắn của sĩ quan, vừa hút thuốc lá vừa lòng khòng đi, cái mũi
dài xuống…”, “Tên Đờ Cát ngồi một mình trong cái lán, chống tay lên cái bàn
nứa. Nó lột cái mũ ca lô đỏ xuống, cầm mân mê, mắt tư lự nhìn ngôi sao thiếu
tướng mới đính trên cái mũ ấy, đôi môi mỏng nhếch ra một nụ cười trầm ngâm…”.
Có lẽ thấy đánh “người ngã ngựa”
chẳng “quân tử” chút nào nên NĐT “tha cho” “tên Đờ cát” mà quay sang người lính
hầu da đen của ông ta.
Dọc đường đi, anh tù binh trẻ
luôn đeo cái ba lô thật nặng cho ông tướng bị các bạn tù khác “ném đá” và “chế
giễu” nên đã trốn mất tiêu, trao nó lại cho người tù già. Bác này lại “è cổ đeo
cái ba lô nặng lù lù và cuộn chăn len dầy đi sau tướng Đờ Cát về tới trạm tù
binh”.
Khi “Đờ Cát được gọi đi, người lính hầu lại
đeo vội cái ba lô lên vai”, nhưng lúc này anh lính Việt Nam ngứa mắt
quá bèn ra lệnh cho viên tướng phải tự đeo ba lô.
“Đờ Cát leo đến nơi, hai chân lẩy
bẩy. Nó bĩu môi, vứt phịch cái ba lô xuống”.
Khi anh lính VN ra lệnh cho viên
tướng Pháp mở ba lô, người tù binh da đen mới thấy rõ mình đã è cổ cõng toàn
những thứ “phục vụ cho ông tướng”: “mấy tút thuốc lá Camen, hai chai rượu Huýt
ki, ba cái bút máy Pác ke vàng, bốn năm bộ quần áo Gabácđin, ảnh của tướng
Tatsinhi, một gói bạc Đông Dương dày cộm, một gói tiền vàng và nhẫn vàng, hai
cái đồng hồ vàng… và nhiều thứ khác nữa…”.
Chính điều đó làm người tù binh
già “giác ngộ” chính nghĩa thuộc “bên nào”, đêm đó ông tìm tới các chiến sĩ
Việt Nam. Họ vui vẻ hỏi:
“Phini balô, phini ba lô?”.
Rồi họ lại hỏi:
“Sao anh tóc đã hoa râm thế còn
đi lính cho Pháp?”.
Người tù binh da đen cảm động
chảy nước mắt kể chuyện đời mình. “Anh là người Maroc, làm thợ mộc ở một làng
vùng núi. Nhà có một mẹ già, hai anh em. Pháp đến bắt lính. Người em bỏ trốn
vào rừng… Những hình ảnh quê hương xa xôi hiện lên dồn dập như gọi anh trở về
nguồn gốc cũ…”.
Truyện ngắn “Người tù binh da đen”
của NĐT được xếp hạng trong văn học cách mạng gói gọn chỉ có thế. Nó như một
bản phác hoạ chân dung sơ sài, nặng về thiên kiến chính trị mà tính chân thực
của nó còn phải chờ ý kiến xác minh của chính nhân vật trong truyện: “Tướng De
Castrie”.
Vậy mà nó vẫn được khen là tìm
được một “lối khác” trong sáng tác văn học đề tài ca ngợi “chiến thắng Điện
Biên Phủ vĩ đại của Đảng và nhân dân ta” và là một gợi ý cho bà nguyên Cục phó
Cục Điện ảnh Nguyễn thị Hồng Ngát viết nên kịch bản “Người hàng binh” tức “Ký
ức Điện Biên” làm thiên hạ om sòm bàn tán vì tiêu tốn của Nhà nước cả triệu đô
la mà trong dịp kỷ niệm “chiến thắng Điện Biên Phủ” tháng 5-2004 số người tới
rạp trong mỗi buổi chiếu đếm được chưa hết mười đầu ngón tay. Tất nhiên, thất thu đó không thuộc lỗi nhà văn
Nguyễn Đình Thi…
(còn tiếp)
--------------------------
* nguồn: blo nhattuan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét