Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

chân dung hay chân tướng nhà văn [kỳ 62 - 63] - nhật tuấn



KỲ 62

Tranh Đinh Quang Tỉnh
                             

Vậy cốt lõi, nhân vật Khắc, lãnh đạo cộng sản, tuy NĐT đã dày công tô vẽ, cũng không phải trí thức, ông ta chỉ là người thừa hành, tổ chức các hoạt động theo chủ trương trên đưa xuống.
Lúc này thành ủy Hải Phòng bị bắt gần hết, cán bộ cấp dưới có thể phản bội, trong tình hình thoái trào đó, Khắc được “trung ương” cử về Hải Phòng xây dựng lai thành ủy và tổ chức bộ não lãnh đạo cho cả khu Bê gồm Kiến An, Quảng Yên và Hải  Phòng.
Vừa đặt chân xuống Hải Phòng, Khắc đã lộ ngay cái máu “căm ghét tiện nghi, căm ghét văn minh” vốn là bản tính ghen tị sẵn có với đời sống người thành phố của mấy bác nhà quê theo Đảng đi làm cách mạng, lấy nông thôn “bao vây và tiêu diệt” văn minh đô thị.
Khi nhìn thấy phố xá thắp đèn điện, đồng chí Khắc căm tức:
Những cái nơi đèn sáng lộng lẫy kia không tỏa sáng và sự văn minh ra xung quanh. Trái lại mỗi ngọn đèn điện bật sáng ở đây là hút đi tất cả ánh sáng của hàng chục hàng trăm mái nhà tranh trong những làng xóm tối mù mịt. Chung quanh một vài thành phố có đèn điện, cứ đêm đến khi mặt trời tắt là tất cả đồng ruộng sông núi chìm vào bóng tối mênh mông như biển. Ở nông thôn hầu hết mọi nhà đều không có tiền mua dầu để thắp đèn, đêm đến người ta ăn mò, làm mò, lụi hụi trong bóng tối hoặc chung quanh một ngọn đèn leo lét như thời cổ xưa…”.
Tâm lý bài xích “văn minh đô thị” của ông lãnh đão cộng sản, về gây dựng Hải Phòng  được  huỵch  toẹt:
“Cái đời sống văn minh ở một vài thành phố chỉ là do hút hết máu mủ của các làng xóm cùng cực, lạc hậu, đem về đốt lên thành đèn điện, thành sự xa hoa truỵ lạc ngày càng thối nát thêm mãi .Mấy cái thành phố lớn khác nào những cái nhọt đỏ bầm, càng tấy lên càng làm cho đau đớn nhức nhối, tê liệt cả cái cơ thể Việt Nam đã bị vắt máu đến kiệt quệ…”.
70 năm sau, thật chẳng ngờ những suy gẫm của Nguyễn Đình Thi về các thành phố thời “phong kiến đế quốc” lại trở thành hiện thực trên đất nước Việt Nam, đúng y chang tới từng câu, tùng chữ một cách lạ lùng. Nào “hút máu mủ các làng xóm cùng cực lạc hậu đem đốt lên thành sự xa hoa truỵ lạc…”, nào mấy “cái thành phố lớn khác nào ung nhọt, tấy lên làm tê liệt cả cái cơ thể Việt nam bị vắt máu đến  kiệt quệ…”.
Còn đoạn văn nào mô tả thực trạng các thành phố lớn ở Việt nam ngày nay chính xác hơn, sinh động hơn đoạn văn của Nguyễn Đình Thi viết về Hải Phòng  70 năm trước?
Khả năng “thấu thị”, dự báo, “tiên tri” của nhà văn thật chẳng ngờ lại "chơi ngược" lại chính ông. Hoàn toàn không nhìn thấy mặt tích cực của những thành tựu văn minh công nghiệp người Pháp mang tới Việt Nam, ông lãnh đạo cộng sản mà Nguyễn Đình Thi hóa thân vào đó nhìn đâu cũng chỉ thấy biểu tượng của sự bóc lột, hút máu hút mủ:
“...trước mắt Khắc, nơi con sông Tam Bạc đổ vào Cửa Cấm, sừng sững nổi lên những khoảng tường, mái, nặng nề, chồng chất lên nhau tâng tầng lớp lớp như những bức thành cao ngất đến lưng trời. Quả thật đấy là một cái thành trì to lớn của tư bản Pháp ở Việt Nam: khu nhà máy xi măng Hải Phòng. Trên nền trời bầm tím, hai cái tháp lò đồ sộ phun lên hai cột khói trắng toát. Hai cột khói im lìm như hai cái cây kỳ lạ mọc thẳng lên đến những khoảng mây mù mịt trên trời sâu thẳm…”.
Hằn học ánh sáng đô thị, thù ghét văn minh công nghiệp, liệu những lãnh tụ cộng sản như Khắc của Nguyễn Đình Thi sẽ dẫn dắt dân tộc này đi tới đâu?. 
 Đưa dân tộc tới một ngày mai ra sao, trong đầu Khắc chưa hình dung được gì ngoài hình ảnh “thiên đường cộng sản” mờ mờ nhân ảnh, chỉ biết lúc này, trong huyết quản ông, sôi sục máu nóng muốn đập bỏ cái con quái vật - “nhà máy xi măng” - bên bờ sông Tam Bạc, Hải Phòng.
Ở đó “dưới vòm trời âm u khói, dòng người xám xịt im lặng chảy đi. Những bộ mặt gày còm lấm nhơ dầu máy hoặc bê bết than đá và bụi đất, đều lộ vẻ mệt mỏi, khác nào vừa bị rút kiệt sức lực trong cái âm phủ đầy lửa cháy và đầy bụi nóng ngột ngạt”. “…ở đó “Chân người ta bủn rủn, bụng đói như cào. Gió đầu mùa đông thổi tới, những manh áo xanh, áo nâu không làm sao chống nổi với gió lạnh. Mọi người đều im lặng bước đi, chỉ nghe thấy tiếng guốc, tiếng giày vải, tiếng chân không bước lệt xệt trên mặt đường…”.
Những đoạn văn mô tả “nhà máy của tụi tư bản bóc lột công nhân” này cũng có thể tìm thấy trong tiểu thuyết cùng đề tài của các nhà văn mác xít đầu thế kỷ 20 như “Người mẹ” của Maxime Gorki. “Thép đã tôi thế đấy” của Nicola Ostrosvki, hoặc truyện ngắn “Người đàn bà tàu”của Nguyên Hồng. Chúng giống nhau đến độ có thể tráo đổi cho nhau mà không ảnh hưởng tới cục diện chung của tiểu thuyết bới lẽ chúng có chung một cảm hứng chủ đạo là coi  “nhà máy tư bản bóc lột công nhân” giống như  “con quái vật hút máu mủ người làm thuê” như “âm phủ đầy lửa cháy và bụi nóng”.
Tiếc thay, “cảm hứng chủ đạo” đó không hẳn đã được các nhà văn “nghiệm sinh” từ thực tế đời sống mà là sản phẩm của trí tuệ sau khi đã được nhồi nhét một cách sơ lược và sống sít những luận điểm của chủ nghĩa Mác.
Và khi đi dưới “tấm biển chỉ đường” đó, ông nhà văn buộc phải chấp nhận sức mạnh đập chết con quái vật, đánh sập “âm phủ” phải là cái năng lượng tiềm ẩn của đám đông:
“Một ngọn đèn điện vàng khè đã thắp lên, dòng người rét và đói vẫn cuồn cuộn, lầm lì đi trên đường. Cái quang cảnh ấy có một sức mạnh riêng , nó có cái vẻ oai nghiêm của nó. Giả thử đầu đám người ấy nổi lên một lá cờ đỏ, và tất cả dòng người lầm lì kia mỗi người giơ lên một nắm tay và reo lên một tiếng thì cả con đường bờ sông này sẽ rung chuyển hết, biến thành một dòng thác dữ  và mấy nghìn con người mệt đói bủn rủn kia đã thành một đạo quân ghê gớm rồi…”.
Chỉ bằng một đoạn văn ngắn, Nguyễn Đình Thi đã vô tình bộc lộ ngoài ý muốn cái cốt lõi của “chủ nghĩa nhân đạo cộng sản”. Đó là một cái nhìn thuần “lý tính”, nhảy qua mọi khốn khó của quần chúng, nhằm ngay tới sự đánh thức sức mạnh mù quáng của nó, “biến khổ đau thành hành động”, biến biển nước mắt của chúng sinh thành sức mạnh đập phá.
Đặt chân tới Hải Phòng, Khắc gặp vô vàn khó khăn khi phong trào cách mạng bị đánh phá tơi bời. Cơ sở cách mạng đầu tiên Khắc được giới thiệu móc nối là anh trí thức Tuyển.
Chưa đọc tiếp, cũng có thể đoán chàng “trí thức tiểu tư sản” này gặp thoái trào sẽ dao động, từ bỏ hàng ngũ cách mạng làm một anh “trí thức trùm chăn”. Đó là “tính giai cấp” quy định tính cách nhân vật mà.
Quả nhiên Khắc tìm tới Tuyển thì anh ta lại vờ vịt:
“Ông có việc gì đấy ạ…”.
Sau cùng anh ta huỵch toẹt:
“Anh cũng hiểu… lòng tôi vẫn trước sau như một… nhưng cảnh nhà tôi anh thấy đấy, còn năm đứa con nhỏ, tôi không thể như các anh được…”.
Đúng như bác Mao nói: “trí thức không bằng cục phân”, nhất trí thức tiểu tư sản hay dao động, sợ thay đổi, sợ khó sợ khổ… Nguyễn Đình Thi quả đã vẽ chân dung anh trí thức Tuyển đúng hệt với sự phân tích giai cấp của Đảng đối với loại nhân vật này.




KỲ 63

 

Trong lúc cách mạng khó khăn, mấy anh tiểu tư sản đã chạy làng , đảng chỉ tìm được chỗ dựa ở công nhân thôi.
Nhân vật thứ hai Khắc được xứ ủy cho móc nối là chị Gái, công nhân xi măng. Đã là công nhân thì không thể có chuyện dao động, ngại khó, ngại nguy hiểm. Quả nhiên Khắc tới, chị Gái mừng lắm, bố trí nơi ở an toàn cho anh và hẹn:
Tôi đã báo tin anh về cho các đồng chí ở xi măng rồi. Các anh ấy mừng lắm và muốn gặp anh ngay…”.
Thế là như cá trở lại nước, đồng chí phái viên xứ ủy đã tìm được cơ sở đảng và bắt tay vào hành động.  Lực lượng trung kiên của Đảng còn lại gồm toàn công nhân. Trí thức tiểu tư sản đố anh nào chen vào được. Đó không phải thực tế như vậy mà chính là “thực tại trong tiểu thuyết” bị đòi hỏi phải như thế. Giữa cái “đang là” và cái “phải là” , tất nhiên ông nhà văn chọn cái “phải là” thì mới thể hiện được tính đảng và tính giai cấp.
Uốn nắn “thực tại” theo quy luật vận động của “cuộc cách mạng vô sản”, Nguyễn Đình Thi cố gán ghép “động lực cách mạng Việt Nam” cho mấy anh thợ xi măng, thợ mỏ thực ra là sai bét. 
Giai cấp công nhân Việt Nam ốm yếu ra sao, có thực sự hợp thành một giai cấp như định nghĩa kinh điển của Mác không, nhà lý luận mác xít Trần văn Giàu đã chỉ ra rất rõ trong công trình nghiên cứu của ông. Sự thực, lực lượng xách động và tổ chức quần chúng nổi dậy mùa Thu năm 45 phần lớn là trí thức tiểu tư sản hoặc trí thức quan lại đã bị chói lòa bởi “thời cơ giải phóng dân tộc” và “sổ tay hướng dẫn làm cách mạng” được các học viên Đại học Phương Đông từ Liên xô đất nước của đồng chí Xít-ta-lin vĩ đại mang về làm cẩm nang hành động chứ chẳng phải do sức mạnh tự thân, “quật khởi” của giai cấp công nhân Hải Phòng, Hòn Gay.
Nhân vật điển hình cho lãnh đạo có rồi, vậy còn quần chúng cách mạng? 
Theo đúng bài bản “giai cấp công nhân hình thành phần lớn là do nông dân bị phong kiến bóc lột, bần cùng hóa phải lên thành phố kiếm sống mà trở thành công nhân, đội ngũ tiên phong của cách mạng.. .”, Nguyễn Đình Thi cũng đưa ra một nhân vật đúng khuôn mẫu như vậy. Đó là anh nông dân tên Côi, sống ở quê rất nghèo, yêu chị Quế, gái góa. Anh Côi phải đi phu 3 tháng rồi bỏ về Hải Phòng kiếm sống. Khi đã có một món tiền rồi, Côi trở về làng cưới chị Quế và nếu diễn tiến tiểu thuyết y như thế thì làm gì có anh Côi sau này thành cán bộ hoạt động trên thành phố. Chính vì vậy nhà văn đã phải cho chị Quế… chết đi bằng nguyên nhân ngớ ngẩn là đi mò cua giẫm mảnh sành về ốm mà chết. Vậy là anh Côi không còn cớ gì ở lại quê nữa, phải lên thành phố thành công nhân cách mạng thôi.
“Quế thì đã chết rồi. Thôi, Côi không thể ở lại đây được nữa. Côi nhớ lại bao nhiêu chuyện anh đã thấy ở Hải Phòng, những chuyện làm cho anh và Mầm nhiều đêm nằm rì rầm bàn với nhau không sao ngủ được. Chưa biết phải đi đâu, nhưng Côi phải đi thôi. Đi để tìm một cái gì, chưa biết, nhưng hình như phải tìm thấy một cái gì, Côi mới sống được…”.
Cái gì – đó chính là cách mạng. Là cái ông nhà văn dụng công dàn dựng để tất cả những ai nghèo khổ, những ai bị áp bức trên thế gian này, đều sẽ gặp nó trên đường đời.
Tính chân thực, tiêu chuẩn hàng đầu của nghệ thuật đã bị Nguyễn Đình Thi gạt qua bên để xây dựng cho được bức tranh hoành tráng về phong trào cộng sản ở Việt Nam theo một quy tắc nghệ thuật vị chính trị, dẫn tới một hiện thực phi hiện thực. Chính cái sai phạm chết người đó đã làm Nguyễn Đình Thi thật uổng công biết chừng nào khi vắt tâm não lên trên hai ngàn trang tiểu thuyết mà giá trị của nó chẳng được bao nhiêu.
Xưa nay người ta vẫn cho rằng Nguyễn Đình Thi là “đứa con Hà Nội” bởi những tác phẩm ông viết về cái “quê hương tinh thần” của trí thức Bắc kỳ này. Ngày nay, mở đầu cuộc họp của các “Hội đồng hương Hà Nội” ở Sài Gòn và các thành phố lớn phía Nam, người ta thường đứng cả dậy đồng thanh cất tiếng hát: “Đây hồ Gươm, Hồng hà, hồ Tây…”. “Bài ca người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi từ lâu đã trở thành bài hát chính thức của các hội đồng hương này.
Nhưng đó chỉ là trong âm nhạc hay chính xác hơn trong duy nhất một bài hát. Tiếc thay trong văn chương, hay hẹp hơn, trong tiểu thuyết Vỡ bờ, mặc dầu đổ rất nhiều công sức viết về Hà Nội những năm 1940-45, Hà Nội của những “Hanoiennes”, của Thạch Lam trong “Hà Nội, 36 phố phường”, của Vũ Bằng trong “Thương nhớ mười hai”…; Nguyễn Đình Thi chỉ dựng được một Hà Nội méo mó bởi  thiên kiến chính trị, nhìn đâu cũng thấy sự “phân chia giai cấp”, sự hằn thù thực dân, ý thức đạp đổ tiến lên làm cách mạng…
Đọc những chương Nguyễn Đình Thi viết về Hà Nội, người ta nhận thấy ông đã tự giam mình trong những chuẩn mực rất thực dụng của cách mạng, tự ngăn mình không tới được những phong vị đặc trưng rất Hà Nội trong văn hóa, trong cái đẹp thuần khiết; tự biến mình thành một kẻ tục tử chối từ những hương sắc tế vi, vẻ lung linh mà đất kinh kỳ chỉ giành cho những đứa con đích thực của nó như Bùi Xuân Phái trong “phố Phái”, Hoàng Dương, Đoàn Chuẩn, Hoàng Giác… trong những ca khúc “rất Hà Nội”.
“Một tối thứ bảy, nhà hát Tây có buổi biếu diễn long trọng của nữ sinh các trường học ở Hà Nội…” và Nguyễn Đình Thi đã nhìn “những tà áo dài trắng”, những “dáng kiều thơm” không phải vẻ đẹp của họ mà ở… thành phần xuất thân:
”Về phía các nữ sinh người Nam thì ở đây cũng đã kén chọn các bậc hoa khôi trong hàng tiểu thư, lệnh ái các quan tuần, quan phủ hoặc các công thương gia, thượng lưu trí thức…”.
Và ông dè bỉu:
Các nhà phê bình nghệ thuật trên mấy tờ báo Curiê hoặc Vôlônggiê cũng như Đông Pháp hay Trung bắc lại bàn nhiều về cuộc thi tài giữa hai trường phái nhạc và múa ở đất Hà thành văn vật: một bên là trường phái của vợ chồng giáo sư Rôbe dạy trường lytxê và bên kia là trường phái của trung tá Phécnăng chỉ huy đội kèn lính khố xanh và giáo sư nhạc trường nữ học An Nam…”.
Nhà hát lớn thành phố Hà Nội được NĐT mô tả không kém “riễu cợt” vì nó là sản phẩm của “thực dân Pháp”:
Cái nhà hát làm theo kiểu thế kỷ 19 ở Pháp, đèn điện thắp sáng choang. Từ ngoài cửa chính vào, đã trải thảm đỏ cho đến tận cầu thang lên tầng giữa. Một xe ô tô đỗ sịch, cửa mở ra, lại có một ông Tây áo đen, nơ đen, một bà đầm mặc váy lòa xòa, bước xuống và khoác tay nhau leo lên các bậc thềm, giữa sự chú ý của mọi người…”. 
Những ông tây, bà đầm này, sang thời hiện đạ, ngay cả lúc sinh thời Nguyễn Đình Thi đã lại bỏ tiền chỉnh trang Nhà Hát lớn như một công trình văn hóa, một kỷ niệm của nền văn minh Pháp mang tới đất kinh kỳ vào thời người Hà Nội còn chưa nghe nói tới chủ nghĩa Mác và nước Liên xô thành trì của cách mạng thế giới cũng chưa ra đời. Tiếc thay cho ông nhà văn, Liên xô đã tan từ lâu mà cái Nhà Hát lớn thành phố Hà Nội do thực dân Pháp dựng nên, vẫn còn lại mãi.
Thế còn “Khách đi xem hôm nay toàn là các nhà quý phái, bậc thượng lưu của đất Hà Nội” thì ra sao?
Họ là “Một bà mặc áo nhung đỏ tóc uốn quăn, mặt phấn trắng như bột, đang cười cười và nói tiếng Pháp liến láu, đi sóng đôi với một ông tây to béo, râu mép đen rậm bước lên cầu thang. À… madam Ngọc Oanh đi với ông Giám đốc học chính Đông Dương. Ai không biết rằng bà Ngọc Oanh, bà đốc trường nữ học An Nam. Bạn của bà toàn là các quan tây cả. Đấy, như hôm nay, người An Nam có ai được lên tầng giữa đâu, vậy mà bà vẫn đàng hoàng được mời lên trên ấy. Con mụ có lẽ đã ngủ với gần hết các vị nguyên thủ Bắc kỳ. Lão thống sứ Sa tiền, nhân tình của mụ, mới về tây có hơn một tháng, bữa nay đã thấy mađam đi với lão này rồi…”.
Oh Mon Dieu, lạy đức Mẹ Đồng Trinh, một phụ nữ ở cương vị cao quý là hiệu trưởng trường nữ học Hà Nội như trường Trưng Vương, trường Thanh Quan… mà lại phải mang thân đi ngủ với đủ các ông tây thì thử hỏi ở những công sở khác, các quý bà quý cô thời đó có còn ai không phải là điếm? 
Chẳng hiểu Nguyễn Đình Thi đã lấy nguyên mẫu ở đâu để đẻ ra cái nhân vật “bà đốc trường nữ học An Nam Ngọc Oanh” này hay chỉ là sự vu cáo bỉ ổi và trắng trợn, sản phẩm của “con quái thú” có tên là “tưởng tượng” được nuôi dưỡng bằng lòng căm thù “thực dân Pháp” và ghen ghét trí thức thượng lưu Hà Nội?


(còn tiếp)

---------------------------
* nguồn: blog nhattuan


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét