Đó là thời mà nhà văn luôn phải đối diện với nỗi
lo sợ tù đày bởi những quy chụp chính trị, còn thiếu thốn, cái đói thì ám ảnh
sau mỗi trang viết. Ngòi bút nhà văn phải lách qua mọi kìm toả, bão giông của
thời cuộc để đi đến tận cùng sự thật tâm hồn, để giữ gìn một thứ thiên chức nhà
văn, mà Bùi Ngọc Tấn gọi là “nghiệp chướng”.
Bùi Ngọc Tấn là một trong những gương mặt quan trọng nhất
của văn xuôi hiện đại Việt Nam, là hội viên danh dự hội Văn bút Canada và hội
Văn bút quốc tế; được biết đến với những cuốn: Chuyện kể năm 2000, Biển và chim
bói cá, Người chăn kiến, Một ngày dài đằng đẵng, Những người rách việc… Tháng
4.2012, tiểu thuyết Biển và chim bói cá đoạt giải Grand Prix của festival Biển
và sách tại Pháp.
nhà văn Bùi Ngọc Tấn
Hơn 450 trang hồi ký và chân dung văn học trong Viết về bè bạn (*) là tập hợp của hai cuốn Một thời để mất (1995) và Rừng xưa xanh lá (2002). Đó là những cuộc khảo sát lại ký ức của một nhà văn đã sống, viết và trải nghiệm qua một thời kỳ hết sức đặc biệt trong đời sống xã hội Việt Nam, một sinh khí văn nghệ đầy ngột ngạt.
Những ai quan tâm đến đời sống văn nghệ thời hậu Nhân văn
giai phẩm kéo sang thời bao cấp và đầu đổi mới, có thể nhặt được những mảnh tư
liệu quý ở cuốn sách này. Ở đó, nghề văn là một thứ nghề trời đày túng quẫn.
Những ai sống chết với văn chương đối diện với sự đói nghèo, phải xoay xở bằng
đủ thứ nghề, từ tập tành buôn bán “mánh mung” đến bán máu, từ viết thuê từng
bài báo từ dịch sách, phim cật lực đến bốc vác, làm rừng… Cơm áo không đùa với
khách thơ – thi sĩ Xuân Diệu của Thơ mới từng nói như vậy, và, ít ra trong cuốn
sách này, chân dung ông thấp thoáng tái hiện như một kẻ cầm bút đã lách được
“cửa cơm áo không đùa” để chọn lấy một “tư cách” khác.
Âu cũng là “hoàn cảnh khách quan” của thời đại. Trong số
những chuyện mấy ông nhà văn bươn chải mưu sinh, có lắm nỗi cay đắng được kể
bằng ngôn ngữ thật hài hước, dí dỏm làm cho người đọc thấu cảm cái nghĩa tình,
sự hồn nhiên của các nhân vật. Ở đó, ta thấy một ông Bùi Ngọc Tấn từng lăn lộn
qua các nghề, từ kéo xe bò, thợ sắt, phu khuân vác, nhân viên quốc doanh đánh
cá, nhưng vẫn giữ được sự tĩnh tại trước trang viết trên căn gác bừa bộn ở
thành phố Hải Phòng trong thời buổi nhá nhem, trong sự “tra tấn” miệt mài của
những chiếc loa phường; chuyện Mạc Lân chỉ vì công khai tán thành quan điểm của
báo Nhân Văn mà bị mất chức ở tòa soạn, từ đó vật lộn với sự thiếu thốn bằng
việc chấp nhận viết, bán chữ dưới tên của người khác; chuyện dịch giả Dương
Tường đi bán máu chuyên nghiệp để kiếm sống – một thời mà đến những điểm bán
máu chỉ toàn gặp trí thức Hà Nội. Và nữa, chuyện Lê Bầu xoay xở giành cái gốc
cây trong ngõ Phùng Hưng cho thuê sạp vải kiếm tiền mỗi “dịp” cháy chợ Đồng
Xuân, không những thế, ông còn là người rất giỏi trong việc tranh thủ lội chợ
trời săn quần áo siđa vào mỗi dịp đi trại viết. Ở Rừng xưa xanh lá, Bùi Ngọc
Tấn dí dỏm kể chuyện Chu Lai, Đình Kính, Nguyễn Quang Thân nhận viết sách cho
lâm trường quốc doanh với những tình tiết dở khóc dở cười…
Những chuyện vật lộn với cái đói, cái nghèo được Bùi Ngọc
Tấn ôn lại đầy chi tiết, tỉ mỉ, giọng điệu hài hước, sẻ chia. Vật lộn với cái
đói, sự thiếu thốn để tồn tại và cầm bút đã là một thử thách lớn nhưng với các
nhà văn, có lẽ quan ngại lớn nhất lại ở chỗ tâm trạng luôn phải đối phó với một
thiết chế văn nghệ ấu trĩ, bất thường, thách thức bản lĩnh cầm bút. Những trang
văn được nhìn qua lăng kính chính trị, dễ dàng bị quy chụp. Bầu không khí căng
thẳng nặng nề đó là nguyên nhân đẩy Nguyên Bình vào bệnh viện tâm thần, ở đó
ông thấy bình yên vì thoát khỏi nỗi ám ảnh bị theo dõi, hãm hại. Vũ Tú Nam bị
quy tội “nói xấu con ngan”, ảnh hưởng đến đường lối nghị quyết 6 về phát triển
nông nghiệp; còn Võ Huy Tâm bị kết luận “có tư tưởng công đoàn chủ nghĩa”. Sự
quy chụp và văn chương bè phái cũng đẩy Nguyên Hồng từ phụ trách báo Văn phải
lui về Yên Thế trong tức tưởi, hay Vũ Bão bị vùi dập tơi bời… Và, bản thân Bùi
Ngọc Tấn, trong bối cảnh đó, cũng đã trải qua nhiều sóng gió vì trang viết.
Những trang văn của ông trở nên đắng đót khi hướng người đọc vào những chiêm
nghiệm về tình thân “thời đã mất” sau mỗi lần vào tù ra tội.
Bùi Ngọc Tấn viết: “Không hiểu các nhà văn viết như thế nào,
tôi – một kẻ mới tập tọng vào nghề khi viết luôn có ở trước mặt một nhà phê
bình, một nhà tuyên huấn và sau này có cả một nhà… công an nữa. Họ nghiêm khắc
nhìn tôi” (Một thời để mất).
Điều đáng nói, trong bầu không khí ngột ngạt đó, đã thực sự
có một cộng đồng người viết thường xuyên giao du, quan tâm chia sẻ nghịch cảnh
và sống với nhau theo cách của những “người văn” trong sáng với nghề, với xã hội,
tha nhân. Sống có tình nghĩa, có trải nghiệm tận đáy hiện thực, trên hết là ý
thức về sứ mệnh xã hội của văn chương, trang viết của họ được chăm chút kỹ, đẹp
và trung thực.
“Các bạn có biết vì sao người ta nói dối không? Có hai lý
do. Thứ nhất: người ta sợ nói khác mọi người. Thứ hai: người ta mệt quá rồi”.
Trong bài tiểu luận Lại chuyện Nguyên Hồng một thời đã mất, Bùi Ngọc Tấn kết
bằng một chi tiết thú vị: ông để cho Nguyên Hồng nhắc lại đoạn thoại trên trong
một vở kịch Ba Lan với giọng đầy hả hê và tự trào.
Thời “để mất” chưa hẳn là đã mất.
----------------------------
* nguồn: sgtt 11.7.12
(*) Tái bản có bổ sung, Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn, 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét