Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012

chân dung hay chân tướng nhà văn [kỳ 60] - nhật tuấn


KỲ 60


Nhân vật trong Xung kích của Nguyễn Đình Thi đều có mẫu số chung là căm thù giặc Pháp, dũng cảm chiến đấu, tình cảm riêng tư hầu như số không và đời sống tính dục hoàn toàn bị loại bỏ. Cứ như bao nhiêu nhân vật đàn ông dũng mãnh trong truyện đều bị “thiến bỏ” hết phần “bản năng tính dục”, khiến họ toàn tâm toàn ý tập trung giết quân thù.
Gía trị của “Xung kích” không nằm ở văn chương, không nằm trong phản ánh thân phận con người trong chiến tranh, mà chính là đã nêu được một hình mẫu tổ chức quân đội, từ chế độ chính trị viên toàn trị cho tới các tổ 3 người kiểm soát lẫn nhau, từ cung cách quản lý tư tưởng cho tới quản lý sinh hoạt… tất thảy đều nhằm biến một đơn vị quân đội trở thành một cỗ máy chỉ biết xông lên chém giết quân thù.
Và phải chăng cái “sức mạnh quân đội đã làm nên nhiều chiến thắng thần kỳ” như người  ta vẫn ca ngợi là do sự tinh vi về tổ chức, sự hà khắc về tư tưởng và sự tiêu diệt mọi màu sắc cá nhân. Bởi thế, cái hình mẫu tổ chức quân đội đó chẳng nơi nào trên trái đất này có được, nó chỉ thực hiện được ở các nước cộng sản.
Trong sự nghiệp văn chương NĐT, những “Nhận đường”, “Anh hùng cứ điểm”, “Xung kích” chỉ là những phác hoạ chân dung để sau này ông viết nên một pho tiểu thuyết đồ sộ: Vỡ bờ 1 dày 500 trang , Vỡ bờ 2 trên 700 trang.
Như cái tên của nó, NĐT muốn dựng lại cả một thời kỳ lịch sử vào lúc dân Việt Nam dường như không chịu nổi ách áp bức của cả Pháp và Nhật nên đã “tức nước vỡ bờ”, bung ra làm cách mạng.
Xoay quanh nhiều nhân vật trí thức, “Vỡ bờ” dường như muốn tìm cách trả lời câu hỏi vì sao đại đa số trí thức Việt Nam đi theo cộng sản làm cách mạng? Cho tới tận bây giờ, vấn đề này vẫn được nhiều người quan tâm và vẫn chưa được trả lời một cách thỏa đáng, liệu  Nguyễn Đình Thi qua bộ trường thiên tiểu thuyết này có đóng góp gì hơn?
Mở đầu thiên tiểu thuyết, NĐT cho “ra tuồng” cùng lúc hai nhân vật trí thức tham gia cách mạng.
Một là Hội, có vợ con ở làng Chẩm, lên Hà Nội dạy học. Hội của NĐT gợi đến khá rõ nhân vật Thứ trong “Sống mòn” của Nam Cao chỉ khác Hội đã tìm được tới cách mạng còn Thứ thì chưa.
Thứ hai là Khắc, con trai cụ tú Nguyễn Mai, hoạt động Đông Kinh Nghĩa Thục và bị bắt đày đi Côn Lôn rồi chết ở ngoài đảo. Cụ Tú mất đi nhưng truyền lại được cái chí của mình cho con: “Năm ba mươi, Khắc bị bắt về tội cộng sản, Tòa đề hình xử án 20 năm tù và Khắc cũng lại đi Côn Đảo… đến hồi chính phủ bình dân Pháp lên, Khắc được tha về nhưng hai lá phổi của anh đã bị vi trùng lao đục ruỗng…”.
Từ Hà Nội về làng chuyến này, Hội có trách nhiệm báo động cho Khắc đi trốn vì sắp có đợt khủng bố mới. Hai trí thức cách mạng gặp nhau, tất nhiên chuyện “cách mạng” phải nở như bắp rang.
“Khắc nhận định:
“Bây giờ không phải lúc Mặt trận Bình dân cầm quyền bên Pháp nữa. Chiến tranh đã nổ ra. Từ nay đã sang một thời kỳ khác rồi…”.
Rồi ông chính trị phạm Khắc giải thích cho anh thanh niên Hội, cách mạng tay mơ vì sao “ông Xtalin lại bắt tay ông Hitle” để ký hòa ước Xô - Đức, vạch mặt bọn trôtskit ở Hà Nội nhân vụ này đã la to: “vĩnh biệt Mạc Tư Khoa”…
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng của Khắc tỏ ra rất hiệu quả, Hội nghe xong nắm cánh tay Khắc:
“Cứ nghe anh, tôi lại thấy vui một tý, tôi lại muốn vật lộn, xem cái xã hội này xoay vần đến đâu. Chứ còn nhìn vào sự thật hàng ngày thì lắm lúc tôi chỉ muốn buông xuôi hết. Dân mình không biết bao giờ mới cách mạng được. Cái nọc độc nô lệ nó đã ăn quá sâu vào xương tủy chúng ta rồi…”.
Tất nhiên, Hội được Khắc đả thông ngay:
“Anh nói thế không đúng đâu. Tôi thì tôi cho rằng anh vẫn chưa thực thấy cách mạng là cần thiết. Đến lúc thực không thể sống thế này được nữa, thì anh sẽ có gan và có sức mạnh…”.
Nhưng rồi Hội cũng thấy ngay dự định của anh thật viển vông, cách mạng đòi hỏi phải lao vào hoạt động không ngại tù đầy bắt bớ, phải đặt nhiệm vụ tổ chức giao cho cao hơn là việc kiếm tiền nuôi vợ con. Đó là một tương lai rất khó khăn đối với Hội, bởi lẽ anh là người nhút nhát, mật vụ mới chỉ lùng sục bắt bớ trên Hà Nội, anh đã mang bao nhiêu báo chí bí mật của cách mạng “nhờ cụ vua bếp giải thoát đi cho…”.
Đối lập với trí thức cách mạng là tầng lớp “thượng lưu quý tộc” những năm 1940-1945 được Nguyễn Đình Thi mô tả khác xa so với các nhà văn cùng thời như nhóm Tự lực văn đoàn, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan…
Trước hết, Nghị Khanh là một tên đại địa chủ gian ác “ngày nào, ngoài cổng nhà Hai Khanh cũng có hàng dãy người chầu chực xin vào gặp quan chủ để vay mượn, cầm cố. “Quan” cứ trông giỏ bỏ thóc, nhằm nhà nào có mảnh ruộng miếng đất mới bỏ tiền cho vay, với lãi cắt cổ. Qua vài vụ thì ruộng đã về tay quan…”.
Vợ Hai Khanh được ông nhà văn mô tả:
“cặp mắt bà Nghị mở ra trắng dã… một làn phấn mỏng làm cho nước da đen và dày bì bì của bà thành một màu khó tả. Mỗi khi bà nghị chú ý nhìn ai, hai con mắt long sòng sọc ấy như muốn nuốt chửng người ta…”.
Hai vợ chồng Nghị Khanh cho anh nông dân Bào cấy rẽ có mẫu hai lại ăn gian thành mẫu rưỡi và ông nhà văn ra sức bôi đen gương mặt giới điền chủ:
“Anh Bảo cố nén uất ức:
“Bẩm bà lớn nhà con cấy có mẫu hai thôi ạ…
Mụ nghị như chồm lên trên cái bàn giấy:
“Tiên nhân bố mày, bà thèm ăn không của mày mấy thùng thóc à…”.
… Anh Bảo tức đầy ruột đâm liều:
“Bà lớn ức tôi quá. Tôi cày ruộng nộp đủ thuế thì thôi…”.
Nghị Khanh vừa ở nhà trên đi xuống. Cặp môi mỏng và đỏ tía của lão mím lại dưới hàng ria đen. Lão cầm ba toong bằng song quất thẳng vào mặt anh Bào đánh chát một tiếng.
“Đồ khốn nạn. Ai cho mày đến đây làm loạn. Anh Long đứng đấy làm gì, sao để nó láo với bà lớn? Giần xác nó ra…”.
Vậy là anh nông dân đã bị “địa chủ, phong kiến” bóp cổ lè lưỡi đến gần chết, phải vùng dậy đi theo Đảng làm cách mạng thôi.
Bám vào cái chủ đề “vỡ bờ” đã được đặt trước cho cuốn sách, ông Nguyễn Đình Thi  phải ra sức “ép” cho “tức nước” nghĩa là phải mô tả “thằng địa chủ, thằng tư sản” phải thật xấu xa, thật độc ác, người nông dân phải thật nghèo khó, thật khổ sở, và rồi ách áp bức của “tư sản, địa chủ” choàng lên đầu lên cổ nông dân đã khắc nghiệt tới mức họ không chịu nổi và Đảng đã phát động họ vùng dậy làm cách mạng tháng Tám.
Vậy là khi bỏ công sức ra viết cả ngàn trang tiểu thuyết “Vỡ bờ”, Nguyễn Đình Thi không làm cái công việc ghi chép một cách chân thực diện mạo xã hội -  thiên chức của người cầm bút, “người thư ký thời đại” mà lại nhào nặn đời sống để minh hoạ cho những nhận định của Đảng về sự tất yếu phải nổ ra cuộc “cách mạng dân tộc, dân chủ” do Đảng lãnh đạo.

(còn tiếp)

------------------
* nguồn blog nhattuan


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét