Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

kẻ dụ hoặc - nguyễn đạt * truyện ngắn


Gặp lại Đăng, bạn thân thiết của tôi, học cùng lớp ngồi cùng bàn mấy năm liền. Năm cuối bậc trung học chúng tôi mới chia tay; tôi theo gia đình dời Sài Gòn chuyển tới một thành phố khác, và học tiếp ở đó. Ngồi cùng bàn học với chúng tôi cũng mấy năm liền là Hoàng Thanh, anh chàng đã ra vẻ một nhà thơ một nhà văn đích thực từ thuở còn là học trò. Chúng tôi từng đọc những bài thơ bài văn mà Hoàng Thanh lấy bút danh là gì đấy tôi quên rồi, trên bích báo của lớp, báo xuân của trường. Hồi ấy tôi chơi thân với Đăng, cùng Đăng tham gia những vụ đánh lộn của băng nhóm Chu Bá Sương. Thật ra băng nhóm chỉ có ba người: Đăng-tôi-và xếp sòng là Chu Bá Sương. Sau khi Lâm-thợ-điện bị đàn em là Hùng-mặt-mụn lụi dao găm vào giữa ngực, vì y phẫn uất đàn anh cướp tình yêu của y, thì tay anh chị số một của trường Trung học Chu Văn An là Chu Bá Sương chứ không ai khác. Hoàng Thanh với chúng tôi thì cũng thân mà không thân. Thật chán ngán, tôi nghĩ về anh chàng nhà thơ nhà văn sớm phát tiết này mà buồn nôn. Tôi không thể gọi anh chàng bằng một danh xưng nào của văn nghệ sĩ. Tôi chỉ thấy anh chàng giống một con sâu lầy nhầy ẩm ướt; không hiểu sao Đăng lại gọi Hoàng Thanh là Kẻ-dụ-hoặc. “Kẻ dụ hoặc cũng rất giống, và giá trị ngang bằng một con sâu lầy nhầy ẩm ướt, bạn Nguyễn ạ. Tất nhiên hắn là con sâu đực, giữa vô số những con sâu cái…,” Đăng chỉ nói vậy.

Bây giờ gặp lại Đăng, tôi mới biết chàng võ sĩ quyền Anh chưa từng thượng đài một lần nào. “Khi võ sĩ quyền Anh Lương-Kế-Chính tức Leng-kê-cheng bảo rằng cấu trúc xương sọ tôi không thích hợp với thi đấu quyền Anh, tôi từ biệt lò võ của ông", Đăng nói. “Còn tập luyện làm gì, quyền Anh không phải thứ võ để tự vệ. Chẳng lẽ tự nhiên tôi tấn công ai đấy?...", Đăng nói tiếp. Tôi hỏi thăm Hóa, cô gái xinh đẹp, học dưới chúng tôi và Hoàng Thanh một cấp lớp, tất nhiên ở trường nữ trung học Trưng Vương, trường nữ danh tiếng ngang trường Chu Văn An. Chúng tôi quen Hóa trước Hoàng Thanh. Anh chàng lân la tới làm quen họa sĩ Nghiêu Đề; chả là anh chàng cố-đấm-ăn-xôi tối đa với văn nghệ, muốn học đòi vẽ tranh để trở thành họa sĩ nữa. Không hiểu anh chàng có học hỏi được gì về hội họa; ấy tuy nhiên từ đó anh chàng cứ bám lấy Hóa, em gái họa sĩ Nghiêu Đề.
        
Đăng cho tôi biết, một lần tới thăm Hóa tại nhà, thấy trên bàn học bài thơ tỏ tình của Hoàng Thanh. Đăng hỏi Hóa bài thơ này hay không, Hóa có xúc động không… Một hồi lâu, Hóa trả lời: “Vần điệu bài thơ cũng nghiêm chỉnh". “Quá nghiêm chỉnh là đằng khác, nhưng bài thơ thì quá dở, sáo rỗng mà thôi…", Đăng nói, “Anh làm thơ phải hay hơn Hoàng Thanh một nghìn lẻ một lần". Trên gương mặt xinh đẹp của Hóa, có cả ngạc nhiên và giễu cợt khi Hóa nói tắp lự: “Anh Đăng làm thơ? Không thể giả định như vậy được! Anh mơ trở thành võ sĩ quyền Anh mà?”. Đăng cho nàng biết, anh đã hoàn toàn từ giã quyền Anh. Hóa lại bảo: “Từ quyền Anh sang viết văn như Jack London, Hemingway, thì em còn hiểu được; nhưng ngoặt sang làm thơ thì thiệt lạ lùng đó".

Một tuần lễ sau Hóa cầm xem mãi bài thơ của Đăng mà không nói năng. Hóa nghĩ ngợi gì đó, vẻ mặt đắm chìm. “Anh có thể làm thơ được chứ?”. Hóa im lặng thêm một hồi, rồi nói: “Thấy lạ lạ… nhưng tại sao lại Dấu vết trắng?”. Bài thơ của Đăng có câu Nàng để lại đời tôi dấu vết trắng. “Thật khó để giải thích thơ… Có thể là…",
 Đăng đã giải thích một hơi dài, và, nếu Hóa chờ đợi lời giải thích rành mạch cụ thể, anh chỉ đưa ra câu giải đáp mơ hồ, trừu tượng. Nhưng Hóa không nhắc lại thêm một lần ý nghĩ quyền Anh chuyển sang thơ là việc thiệt-lạ-lùng, nên Đăng tiếp tục làm thơ tặng Hóa. Ấy tuy nhiên, cảm giác về mối quan hệ có lẽ đã trầm trọng giữa Hóa và Hoàng Thanh, Đăng không thấy hưng phấn. Giữa những dòng thơ Đăng viết cho Hóa, mối quan hệ ấy cứ hiện lên, hiện lên. Anh ấy làm thơ có thể không đặc sắc, nhưng tính cách, con người anh ấy khó quên được Ôi, con người đó anh ấy biểu, đời anh ấy chẳng còn ý nghĩa gì từ năm hai mươi tuổi. Anh ấy xem như anh ấy đã chết ở tuổi hai mươi… Đăng phẫn nộ trước sự bịp bợm, gian lận của Hoàng Thanh. Anh chàng từ lúc được sinh ra đã là một thứ đẻ-bọc-điều; từ đời ông cha cụ kỵ của anh chàng, những kẻ bản mệnh được sao trời an cho chỗ ăn-trên-ngồi-trốc, đè đầu đè cổ thiên hạ; thế thì anh chàng đào bới ở đâu ra nỗi niềm bi thảm để gắn vào mình làm tấm huy chương văn nghệ, để thấy đời mình chẳng còn ý nghĩa gì từ năm hai mươi tuổi, cái tuổi anh chàng đang còn đặt bàn tọa mỗi ngày, trên chiếc ghế yên ấm nhà trường đại học?

Đăng nhớ vài lần ngẫu nhiên đọc những gì anh chàng cóp nhặt lượm mót đâu đó, để viết ra trên tờ báo, thì đúng là giọng điệu của một tên văn nghệ trá hình. Anh chàng càng viết càng nhăng nhít vớ vẩn, với bút danh cũng tào lao như tác giả của nó, lài nương lài rẫy gì đấy. Ấy tuy nhiên cô gái xinh đẹp và không thiếu trí tuệ, Hóa, xem ra cũng bao phen cảm kích rúng động trái tim, bồi hồi với văn chương nghệ thuật của Lài-Nương-Hoàng-Thanh. Bồi hồi với những tác phẩm của kẻ dụ hoặc, Đăng từng nói với tôi như vậy, từ lâu rồi.

Một buổi sáng không có gì đặc biệt, Đăng nói, nhận được tin Hóa đính hôn với Hoàng Thanh. Sau đó ít lâu Đăng cũng lập gia đình. Chuyện Đăng lập gia đình thật sự giống chuyện bất thường, thật sự giống chuyện đột ngột; một người trong họ quen biết chị ấy, giới thiệu chị ấy với anh. Tôi đã gặp chị, chẳng có gì đặc biệt để nói, chị làm nghề thêu thùa, có lẽ có tay nghề cao. Đăng nói với tôi, anh muốn bạch hóa những rắc rối của trái tim. Ban ngày anh làm công việc của mình, chị làm bữa ăn khi rời những đường kim mũi chỉ trên vải trên lụa. Buổi tối anh thường uống trà với nhà sư trụ trì ngôi chùa cổ, giữa vườn cây rộng mênh mông.

Lễ cưới của Hóa, anh và chị có tới dự. Đăng nhìn thấy cái vẻ chưa bao giờ khác vậy của Hoàng Thanh. Khuôn mặt anh chàng là khối thịt dày căng vẻ thỏa mãn, vẻ dương-dương-tự-đắc. Chả là anh chàng ra cái điều ta đây con nhà dòng dõi ăn-trên-ngồi-trốc. Còn Hóa, nàng luồn cánh tay vào cánh tay chú rể, kéo giữ nài nỉ anh ta điều gì đấy, giữa những ly rượu cay nồng, hân hoan tràn dâng của đông đảo bạn bè khách khứa.

Vào lúc chị bận rộn với khách đặt hàng thêu, anh biết Hóa không hạnh phúc. Lúc ấy chị đang làm việc tại nhà một thân chủ có lắp đặt máy thêu hiện đại, ở vùng Tân Định. Chị đi làm từ năm giờ chiều, anh đưa đi và đón về lúc chín giờ tối. Anh ngừng xe ở đầu hẻm số mười đường Mã lộ, chị xuống; và cũng ở chỗ ấy anh chờ, hoặc chị đã đứng đợi anh đi xe tới đón về. Cũng có những tối chị ở lại vì hàng quá nhiều, sáng hôm sau chị tự về bằng xe xích lô.

Những buổi tối ấy Đăng cũng không về nhà. Anh tới ngôi chùa cổ, uống trà, chuyện trò thâu đêm với thầy trụ trì. Thầy lại nói công án Thiền: Tâm bất an ư? Nào, đưa cái tâm ấy ra đây, ta an cho… Anh có giấc ngủ chập chờn lúc đêm đã khuya, tiếng chim ăn trái trong vườn cây; anh nhớ tới Hóa, thảng thốt. Sớm tinh mơ, lối đi cỏ ướt sương, anh nổ máy xe trong vườn chùa tịch mịch, đi thẳng tới nhà Hóa.

Hiện ra nhợt nhạt, có thể Hóa đã trằn trọc với giấc ngủ; anh xuất hiện bất ngờ, hỏi Hóa, tình trạng bây giờ ra sao? “Em vẫn bình thường… Sao anh lại hỏi vậy?”. “Em không bình thường nữa đâu. Anh đã gặp Dung, Khoa Dung đó… Dung nói lúc này em sống với Hoàng Thanh không được hạnh phúc". Một thoáng cười có vị mỉa mai, Hóa nói: “Hạnh phúc… ôi, có thiệt là anh thích nói tới chuyện ấy không?”.

Có thể anh sẽ rất bất bình về câu nói ấy, nếu người trước mặt không phải là Hóa: nhợt nhạt, và cả vẻ hoảng hốt còn đọng trên gương mặt. Giọng anh dịu dàng: “Em phải tin anh, dù liên hệ giữa anh và em chẳng thấy được nét gì hiện lên để nói… Nhưng anh không bao giờ quên em". “À… dấu vết trắng đấy mà. Anh vẫn nói năng như làm thơ". “Em đừng đùa nữa. Anh thật lòng muốn biết". Im lặng, đôi môi mím chặt bỗng mở ra; Hóa khóc, tiếng khóc nghẹn trong cổ. Đăng chịu đựng giây phút ấy, rồi nghe Hóa nói, nhỏ giọng: “Đã từ lâu anh Thanh không cư xử bình thường với em. Em chẳng biết tại sao như vậy… Anh ấy đi suốt ngày. Em vẫn hỏi han, săn sóc, dịu dàng với anh ấy… Em biết anh Thanh yếu đuối, chẳng được mạnh mẽ như anh… Nhưng… nhưng bây giờ anh ấy lại đi cả đêm, không bận tâm gì tới nỗi lo lắng của em nữa". “Tại sao như vậy được? Em cho rằng Hoàng Thanh đi đâu suốt đêm?”. “Có người quen nói với em, biết anh Thanh thuê nhà; một phụ nữ vẫn lui tới đấy. Cô ấy biểu, người phụ nữ này hình như có chồng, vẫn chở xe tới đầu ngõ hẻm”.

Đăng buột miệng, sau giây phút anh giống một gã khờ: “Ngõ hẻm nào?”. “Ngõ hẻm… đường Mã Lộ, ở phía ngang hông chợ Tân Định đó mà”.

Tôi không nghĩ trạng thái tinh thần của Đăng có thể còn bình thường vững vàng được; dù cũng như Hóa, tôi tin anh là người mạnh mẽ. Tôi cũng tin, những người mạnh mẽ có thể đã chết hàng nghìn lần trong im lặng. Nhưng nếu ai tin có Thượng đế, và ngài được biết đến bằng ngọn roi của ngài, thì tôi đã thấy ngọn roi ấy được vung lên vào những lúc ngài nhầm lẫn. Dù sao Đăng trước mắt tôi, sau nhiều năm xa cách, vẫn cho tôi thấy lại một chàng võ sĩ quyền Anh có đôi mắt nhiều lúc đượm buồn, có thể buồn hơn một điệu nhạc Blues buồn./.
   
Tặng một người lẽ ra có thế giá lại trở thành ba xu.

-----------------------
* nguồn: vanchuongviet,org


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét