- Tôi viết những dòng này sau khi xem clip trong bài “Tây ‘ba
lô’ điều khiển giao thông tại Hà Nội” đăng trên VietNamNet. Cảnh quay này làm
tôi nhớ lại một câu chuyện khác khi tôi đang ngồi trên chuyến bay từ Bangkok về sân bay Tân
Sơn Nhất.
trật tự giao thông
phụ thuộc ý thức người dân
Trên chuyến bay đó,
người Việt mình chen nhau giành nhà vệ sinh rất mất trật tự, thấy thế một ông
Tây ở hàng ghế gần đó đã tự nguyện đứng lên làm trật tự bằng cách đứng giữa lối
đi và chỉ định cho từng người một đi vệ sinh tuỳ theo thời gian người đó đến
trước hay sau. Nghĩa là ông Tây tập cho bà con mình xếp hàng để đảm bảo sự công
bằng và trật tự trong khu vực gần nhà vệ sinh của máy bay.
Ông Tây phân làn giao thông ở HN. Ảnh chụp từ clip
Cả hai chuyện làm tôi
có một cảm giác thực sự xấu hổ, nó in vào tâm trí tôi hình ảnh dân Việt của
mình không mấy tốt đẹp trong đó có tôi bên cạnh dân Tây. Không biết trong đầu
những người Tây phương đó nghĩ gì về chúng ta? Sao dân mình lại hành xử đến nỗi
để Tây phải đứng ra lo trật tự giùm, mà lại là tập thể dân mình như thế? Chúng
ta giải thích làm sao những hiện tượng này ?
Có thể nhiều người đi
đường và cả những người xem clip cho ông Tây là rỗi hơi, “ăn cơm nhà vác tù và
hàng tổng”, hay có khi nặng hơn nữa là ông Tây đó muốn “chứng tỏ” gì đó, nhưng
là người sống ở Tây, thì tôi không ngạc nhiên về hành xử của các ông Tây này
(trên máy bay và trong clip), chỉ đơn giản là vì họ không thể chấp nhận cảnh
lộn xộn, và hành động thiếu ý thức của người khác xung quanh họ.
Sự công bằng, việc
tuân thủ luật lệ là những nét đã ổn định trong nhân cách của họ, thể hiện qua
những hành vi hằng ngày. Họ không thể đến sau và giành chỗ của người đến trước
mà không có sự thương lượng, cũng không thể chấp nhận chứng kiến người khác làm
như vậy mà không phản ứng gì.
Giao thông tại các
nước Tây Âu có được sự trật tự, nơi đó mọi phương tiện di chuyển nhanh nhưng ít
lộn xộn, ít tai nạn vì mọi người đều tự động chấp hành luật giao thông. Sự trật
tự này không phải vì nơi các xã hội đó có nhiều cảnh sát, nhiều camera theo
dõi, mà còn là ý thức của người dân.
Một người vi phạm
luật giao thông, thì ngay lập tức mọi người xung quanh phản ứng mạnh mẽ, vì
trong thói quen của tất cả, không ai chấp nhận ai đó lại hành xử như vậy. Khi
trong một xã hội, người dân nào cũng ý thức và có hành động cự tuyệt với cái
sai, cái xấu như hành động của các ông Tây trong những câu chuyện trên, thì lẽ
dĩ nhiên, xã hội đó sẽ bớt đi những điều tiêu cực.
bài học con dành cho cha
Một lần tôi dẫn con
tôi qua nhà ông bà ngoại bên kia đường, lúc đó cháu chưa đầy 5 tuổi, vì ngôi
làng tại Pháp tôi đang ở là nông thôn nên rất vắng, thấy trên đường không có xe
qua lại, tôi đã cầm tay cháu dẫn “đại” qua đường, không ngờ thằng bé kéo tôi
lùi lại không chịu đi theo. Tôi đang chưa kịp hiểu lý do thì cháu tuyên bố:
“Nếu ba không đi qua đường theo vạch vôi (dành cho người đi bộ gần đó) thì con
sẽ gọi cảnh sát”.
Con trai tác giả đang học mầm non ở Pháp: “Nếu ba không đi
qua đường theo vạch vôi (dành cho người đi bộ gần đó) thì con sẽ gọi cảnh sát”.
Đúng là bài học đầu
đời của con dạy cha, tôi đã im lặng theo cậu bé đi đúng vạch với cảm giác tội
lỗi và xấu hổ với con mình, vì đã hành xử theo thói quen, theo hướng xấu mà có
thể một ngày nào đó cháu lại bắt chước. Không biết các cô giáo ở trường mầm non
đã dạy gì cho cháu, nhưng sự dạy dỗ đó đã đủ “đô” để cháu ý thức và phản ứng
mạnh trước một hành xử sai của người khác bất chấp người đó là ai.
Phải chăng đây là một
câu chuyện “xung đột văn hoá” mà hai cha con đại diện cho hai nền văn hoá, sản
phẩm của hai nền giáo dục đang cọ xát nhau, mà phần thắng thuộc về đứa con vì
cháu đã sở hữu cách hành xử và một chuẩn mực đúng. Trong câu chuyện này, không
phải tôi không biết luật, nhưng tôi đã hành xử theo sự tiện lợi, theo thói quen
đã được hình thành từ quá khứ, dựa trên một thứ văn hoá xuề xoà mà có lẽ nhiều
người Việt chúng ta hay mắc phải.
Sự hành xử của những
người đi ngược chiều và cả sự dấn thân của ông Tây trên đường phố Hà Nội đều
liên quan đến những chuẩn mực xã hội, các giá trị đạo đức, văn hoá mà mỗi bên
đã sở đắc trong quá trình hình thành nhân cách của mình.
Quá trình này lại tuỳ
thuộc vào nhiều kênh khác nhau trong đó quan trọng nhất là môi trường xã hội và
giáo dục của mỗi xã hội. Học sinh có buộc học thuộc lòng những luật lệ giao
thông trong nhà trường, nhưng nếu hằng ngày các em chứng kiến cảnh người lớn vi
phạm thì những luật lệ đó cũng khó lòng trở thành những đường nét trong cấu tạo
nhân cách của các em.
Giáo dục ngoài chức
năng dạy chữ còn có nhiệm vụ dạy người, thế nhưng hình như nền giáo dục chúng
ta chỉ chú trọng dạy chữ một cách nhồi nhét, chạy theo thành tích, mà xem nhẹ
nhiệm vụ nuôi trồng nhân cách của người trẻ.
Giáo dục là con đường
chung đưa cá thể vào xã hội, con đường đó tốt và đúng, sẽ góp phần tạo ra được
những công dân có ý thức, có trách nhiệm, có những chuẩn mực sống và các giá
trị đạo đức chuẩn để duy trì trật tự và những điều tốt đẹp trong xã hội.
Nguyễn Khánh Trung (viết từ Pháp)
------------------------
* nguồn: vietnamnet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét