Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên & vụ kiện bản quyền đình đám – minh khánh

* Người ta gọi Nguyễn Tất Nhiên với rất nhiều cái tên “nhà thơ thất tình”, “nhà thơ điên”... nhưng không ai có thể phủ nhận được tài thơ đặc biệt có một không hai này.
Nguyễn Tất Nhiên là một tài thơ của Sài Gòn trước năm 1975. Tài thơ ấy, sớm nổi tiếng và Nguyễn Tất Nhiên cũng sớm ra đi. Một sự ra đi định mệnh, nhưng những vần thơ lạ còn ở lại reo lên cùng những nốt nhạc đắm say lòng người. Tự nhận mình là kẻ ngông cuồng, phá phách, vô đạo, ác quỷ sa-tăng nhưng thực tế “gã bán thơ” này rất hiền và trong tình yêu luôn chịu thua cuộc để đa mang một mình... nỗi buồn thiên thu.

Nguyễn Tất Nhiên (thứ 2 từ trái sang) và một số bạn hữu là ca sĩ, nhạc sĩ tại tư gia

gã lang thang bán thơ
Nguyễn Tất Nhiên là một tài thơ đã làm bùng nổ Sài Gòn những năm trước đây, người thơ hồn nhiên và có nhiều “máu điên” được xếp ngang Bùi Giáng, Nguyễn Ngu Ý. Họ giống nhau đều trở thành ‘thượng khách” của Bệnh viện tâm thần Biên Hòa. Tất Nhiên, “gã bán thơ” này cũng điên lắm chứ, hắn làm thơ, tự in thơ rồi đem thơ đi bán khắp Sài thành. Sau này, khi định cư ở Mỹ, Nguyễn Tất Nhiên vẫn cứ lang thang khắp nẻo đường miền đất lạ bán thơ.
Nơi đất khách quê người, tại bang California của nước Mỹ xa xôi, Nguyễn Tất Nhiên bị chứng trầm cảm nặng. Một ngày tháng 8/1992, Nguyễn Tất Nhiên đã tự ra đi trên chiếc xe hơi cũ, đậu dưới bóng cây, trong vườn một ngôi chùa, khi tuổi đời vừa tròn 40.
Xin mãi gọi tài thơ là anh, bởi đời anh lúc nào cũng đi sớm hơn, trẻ hơn kẻ khác. Chỉ biết, trong dòng tiếc thương, một người yêu thơ anh đã viết: “Đời không ruồng bỏ anh, cũng chẳng người tình nào ruồng bỏ anh (không ai có thể ruồng bỏ một người đáng yêu như thế! Mà cũng chẳng ai có thể ruồng bỏ được một gã yêu tha thiết, yêu miệt mài, yêu thủy chung suốt đời như thế!). Chỉ có anh, tự ý đi thật sớm, rời bỏ cuộc đời, để lại một cõi thơ bát ngát. Không cần phải tội nghiệp cho anh, và đừng tưởng anh khổ đau cùng tận! Anh là kẻ hạnh phúc vô cùng tận với tình yêu bất diệt và tấm lòng bao dung hiếm có. Và thơ anh, đã hóa thân khắp nơi khắp chốn: là ngọn cỏ mềm, là gió mơn man, là dòng sông êm, là bàn ghế lặng thinh, là đất trời mênh mang vô hạn... Nơi đó, có đủ hương vị của tình yêu cũng như những hỉ, nộ, ái, ố... bình thường của một con người, dù là con người thi sĩ, hay văn sĩ. Nhưng tất cả đều được dung chứa trong một cõi lòng thật rộng”.
Để tìm hiểu về con người và thơ Nguyễn Tất Nhiên, tôi đã cố công tìm kiếm và bất ngờ gặp đoạn viết của một học giả, cảm nhận tinh tế về thơ anh: “Thơ Nguyễn Tất Nhiên đi nhanh hơn bước chân còn ngại ngùng bỡ ngỡ của thế hệ trẻ thời ấy trước sự tràn ngập của văn hóa phương Tây, qua hình ảnh người lính viễn chinh Mỹ và qua phong trào hiện sinh mô phỏng trễ tràng trên đất nước đói nghèo, chiến tranh. Anh mạnh dạn nói được tiếng nói của tình yêu tuổi trẻ với sân trường, kỳ thi, mất mát, hoài vọng, tuyệt vọng... Chẳng phải sớm gì trong thể loại thơ, mà sớm trong phong cách biểu hiện. Anh dùng thứ ngôn ngữ của thời đại, rất hiện thực, không đẽo gọt; vậy mà thứ ngôn ngữ ấy bỗng nhiên mới, lạ và được đón nhận nồng nhiệt”.
đồng cảm... tình ca hồn nhiên
Hầu hết những người yêu nhạc, đắm say với dòng nhạc xưa đều đã hơn một lần nghe nhạc phẩm “Thà như giọt mưa” của nhạc sỹ Phạm Duy phổ thơ từ “Khúc tình buồn” của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên.
Nhớ lại lúc bắt gặp ý thơ lạ của Nguyễn Tất Nhiên để khuông nhạc của Phạm Duy reo lên bản tình ca mới, không bi lụy, phá bức tường mộng mị, ông chia sẻ: “Ngày ấy tôi hết chạy trốn vào đạo ca thì lại nhào ra với chiến ca, hết hạ mình xuống với vỉa hè ca, tục ca thì lại vươn lên với nữ ca, bé ca, bình ca... Tôi thèm thuồng được soạn tình ca, nhưng phải là tình ca không rầu rĩ cơ...”.
Thời ấy, nói như Phạm Duy, tất cả văn nghệ sỹ đều thu mình lại, rầu rĩ... Tài hoa như Trịnh Công Sơn thì ru con người ta vào cõi hư vô, mộng mị. “Thế rồi tôi gặp Nguyễn Tất Nhiên. Trong bầu không khí thơ ở miền Nam hơi nặng nề vào lúc đó, đầy rẫy những bài thơ chủ đề về chiến tranh, hòa bình... thì thơ của chàng thư sinh mới 17 tuổi này là thơ phi chính trị. Thơ rất hồn nhiên, rất ngộ nghĩnh. Tôi nghĩ nếu đem phổ nhạc thì sẽ rất hợp với giọng hát trẻ trung Duy Quang (con trai nhạc sỹ - PV) trong ban nhạc gia đình là ban THE DREAMERS mà tôi đang cần ''lăng xê'', nhạc sỹ Phạm Duy cho biết.
Cũng theo nhạc sỹ của những bản tình ca này, sau khi ông phổ bài “Thà như giọt mưa” được công chúng đón nhận quá trời, tác giả thơ Nguyễn Tất Nhiên còn cung cấp cho ông thêm nhiều bài thơ khác nữa. Ông đã biến thơ thành những ca khúc trẻ trung của thời đại như Cô Bắc kỳ nho nhỏ, Em hiền như ma soeur, Anh vái trời, hay Anh nam kỳ dễ thương, Hãy yêu chàng, Hai mươi năm tình lận đận... Và cho đến bây giờ, nhiều người vẫn hát vẫn yêu những ca từ ấy.

* Vụ đòi chia bản quyền của Nguyễn Tất Nhiên đã trở thành câu chuyện ồn ào của văn đàn Sài Gòn năm 1970. Có người nói, Nguyễn Tất Nhiên đã “đòi” nhạc sỹ Phạm Duy trả 1 triệu đồng.
Những người thời xa vắng ấy, kể lại Nguyễn Tất Nhiên còn nổi tiếng hơn khi kiện đòi tiền bản quyền những bài thơ nhạc sỹ Phạm Duy phổ nhạc. Khi ấy, 5 bài hát phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên được ký hợp đồng độc quyền với một hãng băng đĩa có tiếng. Tất nhiên thời ấy, những bài thơ của cậu thanh niên chưa đến 20 tuổi mà được Phạm Duy phổ nhạc phải lấy làm hãnh diện. Đằng này cậu ta lại kiện... đòi tiền nhạc sỹ quả là “ngông cuồng”. Có người nói, chẳng phải ham tiền đâu, thật ra cái tính của Nhiên là thế.

Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên
Sau này, khi gửi các bài thơ trên tập san Hợp Lưu, anh cũng có thói quen đòi chủ bút Khánh Trường phải trả tiền nhuận bút. Bởi vì tờ báo nghèo, những người cộng tác có bài đăng là vui rồi, có ai nghĩ đến nhuận bút đâu. Vậy nhưng, chủ bút Khánh Trường lại trả nhuận bút cho Nguyễn Tất Nhiên vì thương bạn. Và Nguyễn Tất Nhiên là người duy nhất được trả nhuận bút ở tờ báo ấy.
Vụ đòi chia bản quyền của Nguyễn Tất Nhiên đã trở thành câu chuyện ồn ào của văn đàn Sài Gòn năm 1970. Có người nói, Nguyễn Tất Nhiên đã “đòi” nhạc sỹ Phạm Duy trả 1 triệu đồng. Mãi sau này, người vợ của thi nhân quá cố bà Nguyễn Thị Minh Thủy mới hé lộ chút ít: Anh không phải túng thiếu hay ham tiền đến nỗi phải thưa kiện. Điều bận tâm duy nhất của anh lúc đó vẫn là những vần thơ mình rút ruột làm ra, nếu được dùng ở đâu đó cũng phải ghi kèm tên tác giả. Nguyễn Tất Nhiên và nhất là cha mẹ anh rất bực bội khi thấy những bản nhạc được in bán dưới hình thức từng bài lẻ có đề tên người sáng tác là Phạm Duy mà không nhắc tới tên tác giả thơ.
Ngay cả lúc bài “Thà như giọt mưa” được bán bản quyền cho hãng đĩa Việt Nam để soạn thành ca khúc tân cổ giao duyên (do các nghệ sĩ Chí Tâm và Lệ Thủy trình bày) cũng vậy. Tên tuổi thi sĩ hoàn toàn bị gạt ra ngoài... hư vô. Với tính tình nóng nảy, anh chạy đi cầu cứu với giới báo chí. Đúng lúc thiên hạ đang bất mãn giùm cho thi sĩ Linh Phương có thơ được phổ nhạc nhưng không được nêu tên. Vì vậy, một số tờ báo đã đứng về phía những nhà thơ, phát động phong trào đặt lại vấn đề tác quyền cho người làm thơ .
Theo lời kể của cha mẹ Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Duy cũng tìm lên nhà anh ở Biên Hòa và gặp họ. Nhưng gặp theo kiểu ghé qua nhà cho biết chứ không hề đề cập đến vấn đề. Chờ đợi mãi một lời nói chính thức nhưng không được đáp ứng, cuối cùng họ mới giao cho một luật sư (là người bà con) đứng ra can thiệp. Vụ kiện sau đó đã được điều đình để tránh phải lôi nhau ra tòa, nhằm cứu vãn thanh thế cho nhạc sĩ này. Bên nguyên đã bãi nại và nhận một số tiền bồi thường do những cơ sở thương mại đứng ra chi trả.
Thời gian hơn 40 năm trôi đi, nhiều điều người ta đã quên, nhạc sỹ Phạm Duy 93 tuổi -  người trong cuộc vẫn còn nhớ rõ. Ông cũng khẳng định: “Phạm Duy chưa bao giờ đến nhà Nguyễn Tất Nhiên. Tôi đến đấy làm gì kia chứ”? Nói về vụ kiện bản quyền đình đám, nhạc sỹ của những bản tình ca nói: “Vụ kiện này, hắn (Nguyễn Tất Nhiên - PV) hơi điên khùng đấy, hắn ở nhà thương điên ra mà. Tôi đâu có chịu trách nhiệm về vấn đề bản quyền. Ngày ấy, Nguyễn Tất Nhiên có bao giờ nói thẳng với tôi đâu mà chỉ qua những người khác. Vì thế tôi đã nói thẳng: Tôi chỉ phổ nhạc thôi, còn nhà xuất bản trả tiền hắn chứ. Tôi không mất một xu nào cho hắn. Còn các nhà xuất bản có trả hắn không thì tôi không biết”.
Nghĩ lại chuyện bản quyền ồn ào khi xưa, nhạc sỹ Phạm Duy bây giờ chỉ thấy... buồn cười. Ông khẳng định: “Tôi còn giữ được những bản thảo, những bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên “xin” tôi phổ nhạc”.
Theo thời gian, vụ kiện bản quyền đình đám cũng dần lãng quên. Có lẽ chẳng ai còn giận ai nữa khi một người đã đi về nơi rất xa, tận bên kia thế giới và chỉ có khúc giao cảm thơ - nhạc ở lại với đời.

--------------------
* nguồn: google

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét