Hiệu phở buổi sáng thứ tư vắng vẻ hơn những hôm khác.
Tôi chọn cái bàn ở góc phòng, nơi có thể nhìn được qua lớp cửa kính những người
khách sắp tới. Người bồi bàn bỏ quầy tính tiền đến hỏi:
- Cần thứ gì đây ?
Giọng anh ta cố
làm ra thân mật tự nhiên, như hai người bạn đã thân từ lâu nói chuyện với nhau.
Anh ta trạc tuổi tôi, khuôn mặt trắng trẻo, để ria mép, đôi mắt biết cười. Tôi đáp:
- Tôi còn chờ một người bạn nữa. Cho tôi một tách cà
phê sữa nóng trước đi!
Anh ta gật gù. Tôi không hiểu anh ta gật gù vì cái gì.
Một lúc dường như không tìm được câu nói nào hợp cảnh, anh ta thân mặt hỏi:
- Filtre nhé ?
- Vâng, tôi còn nhiều thì giờ.
Người bồi bàn kiêm thâu ngân viên (hay là thâu ngân
viên kiêm bồi bàn?) quay gót. Tôi có nhận xét là cách tiếp khách của những
người bồi bàn ở hiệu ăn Tàu khác hẳn cung cách của các bồi bàn Việt. Ở tiệm
Tàu, có thể người bưng hủ tiếu hoành thánh ra chính là ông chủ của một dãy các
hiệu ăn, tiền 100 đô đốt đi không hết. Nhưng khi làm bồi, ông ta đóng trọn vai
trò một người bồi bàn. Ông ta xem thực khách là vua, khép nép nhún nhường trước
khách hàng. Vâng dạ tíu tít. Cái gì cũng gật. Quả ớt ngọt? đúng lắm anh Hai!
Trái cam cay? Thưa phải! Không có gì cay hơn cam, cay hơn cả chili Mê, hơn cả
kim chi Đại Hàn! Cái gì cũng “hẩu lớ” miễn là trả tiền đủ!Ở cái tiệm ăn Việt
Nam, không hề có các điều đó. Người bưng phở muốn chứng tỏ cho khách biết mình
chỉ tạm thời làm công việc này như một chuyện chẳng đặng đừng, trong quá khứ họ
không hề động tay đến bếp núc. Và tương lai thì chắc chắn không thể hạ mình làm
việc này. Thực khách là bạn, là người chịu ân, người được hân hạnh có một “bậc”
một “đấng” tạm thời ẩn nhẫn hầu hạ. Câu hỏi đầu lưỡi để lấy “order” luôn luôn
có vẻ kẻ cả, bất cần.
Mười phút sau, người bồi bàn bưng tách cà phê tới. Ở
quầy thâu ngân, đã có một bà trạc 30 tuổi trang điểm kỹ càng, tóc bới cao ngự ở
đó rồi. Tôi nghĩ: “Anh không phải ông chủ, không phải thâu ngân viên. Nhưng
cũng không hề muốn người khác xem mình là bồi bàn. Thôi được! Cũng là bồi bếp
một lũ như nhau, khỏi cần sắc mắc làm gì!” Tôi hỏi bâng quơ làm quen:
- Sáng nay vắng khách nhỉ?
Anh bồi bàn vỗ vai tôi:
- Mười giờ sáng thứ tư. Chỉ có mấy tướng thất nghiệp
như anh tới đây thôi! Tìm chưa ra việc hả?
Tôi gật. Anh ta hỏi:
- Ông bạn tới chưa?
- Bạn nào ?
- Anh vừa bảo đang đợi một người bạn nữa.
Tôi trực nhớ tới Toản:
- Ờ phải! Chắc hắn sắp tới!
Người bồi bàn nói:
- Lại một tướng thất nghiệp khác.
- Vâng.
Bà chủ ở cuối phòng gọi lớn: “Có khách tới” với giọng
lảnh lói. Người bồi bàn vội vã tiến về phía cửa hiệu đón cặp vợ chồng già vừa
vào.
Tôi đợi Toản gần một giờ. Uống hết tách cà phê sữa, đốt
nửa bao thuốc Chesterfield ,
suýt gọi phở để ăn cho xong rồi về, thì Toản mới lò dò đến. Toản xin lỗi rối
rít:
- Định gọi điện thoại cho ông nhưng không đổi được tiền
xu để bỏ vào máy. Chờ lâu không?
Tôi nhìn đồng hồ, hơi mỉa mai:
- Sơ sơ một giờ đồng hồ thôi!
Toản kéo ghế ngồi xuống, xoa tay nói:
- Thì giờ rộng rãi, hãy tiêu hoang như triệu phú đi.
Không có tiền để tiêu thì hãy tiêu thì giờ.
- Ông uống gì ?
- Cái gì cũng được.
- Cà phê ở đây tệ. Khét và nhạt.
- Từ sáng tới giờ tôi nốc ba ly cà phê rồi. Này anh
(Toản ngoắc anh bồi lại). Cho tôi một tô phở đặc biệt và một chai Coors.
Người bồi bàn nghiêm mặt như ông quan tòa:
- Không được phép uống rượu tại đây !
Toản cãi:
- Bia không phải là rượu. Thôi được! Cho một ly nước
chanh vậy.
- Chỉ có Seven Up chứ không có nước chanh !
- Thôi được, cho Seven Up.
Toản lắc đầu, nhìn theo người bồi bàn, hỏi tôi:
- Ông tới số hay sao mà chọn cái quán kỳ dị vậy?
Tôi cãi:
- Nhưng phở ngon. Tới đây ăn phở chứ không phải để nghe
một điều “yes, sir”, hai điều “yes, sir”. Vả lại, ông nên bớt rượu chè đi! Lo
sống đàng hoàng để còn “làm lại cuộc đời!”
Toản ngỡ ngàng nhìn tôi, chưa hiểu tôi nói đùa hay nói
thật. Nét mặt anh đổi:
- Phải, nên “làm lại cuộc đời”. Nghe thê thảm chẳng
khác gì cô Kiều sau mười lăm năm lưu lạc quyết giũ sạch nợ trần. Ơ, ông kêu gì
ăn đi chứ!
Tôi gọi thêm một tô phở tái. Anh bồi cằn nhằn tại sao
không gọi luôn một thể cho anh khỏi đi lại nhiều bận. Toản nỗi cáu hỏi:
- Anh là bồi bàn hay là cha mẹ chúng tôi?
Thế là hai bên bắt đầu cãi vả nhau. Tôi và bà chủ hiệu
phở can cả hai phía. Toản dằn tức giận ngồi xuống bàn, lẳng lặng ăn phở rồi bỏ
ra bãi đậu xe trước. Tôi ngồi lại nghe lời phân trần của cả bà chủ lẫn anh bồi,
xin lỗi giùm Toản đôi lời để giữ hòa khí, rồi mới đi. Tôi trách Toản:
- Ông điên rồi !
Toản bậm môi không nói gì. Tôi hỏi:
- Bây giờ đi đâu ?
- Đi đâu cũng được, miễn không còn phải thấy bản mặt
của một con người nào hết! Lên núi đi!
- Nắng bỏ mẹ mà đòi lên núi. Xuống biển cho gần.
- Cũng được. Ông đi xe tôi.
Tôi ái ngại:
- Xe ông không có bảo hiểm,tay lái nặng chình chịch, ớn
quá!
Toản không nói năng, mở cửa xe, đề máy, rồi chồm người
mở cửa phía tay phải chiếc xe cho tôi lên. Chiếc xe gầm gừ một lúc, khói tỏa mù
tiếng nổ mới hết khục khặc như người suyễn. Toản lái xe ra đường, nhưng không
chạy về phía biển. Tôi hỏi:
- Ông đi đâu vậy?
- Xuống biển.
- Xuống biến sao lại chạy ngược ngả này.
Toản thản nhiên đáp:
- Mùa này học trò nghỉ hè, xuống bãi biển khác nào đi
dạo chợ bán da người. Tôi chở ông tới một bãi biển hoang, chỉ có cát, nắng, và
mỏm đá có hàu bám.
Tôi chán nản bảo:
- Điên hay sao mà tới mấy chỗ khỉ ho cò gáy ấy vào giờ
này. Lớ xớ mấy ông đội xếp Mỹ tưởng hai thằng “gay” thì bỏ mẹ!
Toản không đáp lời tôi, lặng lẽ lái đúng luật tốc lực
tối đa 55 dặm giờ trên xa lộ 5, chạy về hướng San Diego . Đến một khoảng đồi trọc, Toản dừng
xe lại. Tôi hỏi:
- Có trục trặc gì vậy ?
- Không. Mình xuống đây.
- Xuống đây làm gì ?
- Đi vào trong kia có đường mòn dẫn xuống bờ biển.
Tôi cằn nhằn:
- Hai thằng đực rựa mà bỏ công phu tìm khúc biển vắng
thế này, không là dân “gay” cũng là những thằng trốn nhà thương điên ra. Chán
ông quá!
Nói thế nhưng tôi vẫn đi theo Toản, lòng hơi tò mò,
muốn biết ông bạn định giở trò gì nữa.
Qua khỏi một ngọn đồi thấp cỏ áy, lại phải lội một
quãng lầy nước lên đến mắt cá mới tới chỗ giáp múi hai ngọn núi cây cối um tùm
hơn. Ở khe núi, có một con suối cạn nằm dưới một cái thác nhỏ đã khô. Dấu vết
còn lại là những mảng rêu nâu bám trên sườn đá dựng thẳng và một vũng nước
trong và cạn ở ngay chân thác. Hơi nóng tỏa từ vách đá át cả hơi mát từ biển
xanh thổi vào. Tôi nói :
- Vườn Địa đàng của ông đây phải không?
Toản không đáp, chạy lại chỗ vũng nước quỳ xuống cố tìm
vật gì. Tôi ngăn:
- Uống nước tù nguy hiểm lắm. Ông muốn tự tử hãy tìm
cách khác.
Toản ngửng lên, ngoắc tôi lại:
- Ông đến tìm giúp tôi đồng xu coi !
- Đồng xu gì ?
Toản chờ tôi tới gần, trỏ về phía bên kia vũng nước:
- Ông tìm giùm phía bên kia. Đừng thọc tay xuống, nước
bị quấy đục, khó tìm. Chỉ lấy mắt mà dò. Lâu ngày bùn và lá mục phủ lên, khó
tìm, nhưng cố thử xem.
Tôi chăm chú nhìn kỹ đáy vũng nước. Vài chiếc lá mục
nằm lẫn lộn giữa một lớp bùn nâu hiện rõ dưới làn nước trong, nhưng không thấy
xu xiết gì cả. Tôi mỏi tay và hoa mắt vì chói nắng, bực dọc bảo:
- Thôi! Chạy theo cái trò điên của ông như thế đủ rồi.
Đi về!
Đột nhiên Toản reo lên hí hửng:
- Đây rồi !
Toản sẽ sàng nhè nhẹ đưa bàn tay vào vũng nước như sợ
làm đau khối nước bình yên, dùng hai ngón tay nhón lên một đồng 25 xu rỉ xám vì
bị ngâm nước lâu ngày. Tôi tò mò hỏi:
- Kỷ niệm cuộc tình thứ 101 của ông phải không?
Toản hớn hở khoe :
- Vậy là có chuyện vui cho con bé Mai nhà tôi cuối tuần
này rồi. Ông muốn ở lại tắm biển hay đi về?
Thấy Toản chỉ muốn về, tôi đáp ngược:
- Đã xuống đây thì phải tắm biển. Điên sao mà về liền
khi chưa nhúng chân xuống nước mặn!
Toản xịu mặt, nhưng đành phải theo tôi đi lần theo khe
núi, xuống một doi cát ngắn và hẹp nằm giữa những hòn đá lởm chởm xác hàu. Biển
xanh ngăn ngắt. Và hiu quạnh lạ lùng!
***
Chúng tôi tắm nắng trên mặt cát không có vết chân
người, nhàn nhã như hai ông tỉ-tỉ-phú cỡ Aristotle Onassis nằm tắm nắng trên
một hòn đảo mua riêng để mỗi năm ghé máy bay trực thăng lại phơi da một lần.
Tôi bắt đầu thấy khoái mùi thơm trinh nguyên của cát ấm, gió biển và rong rêu
bị sóng đẩy giạt lên bờ, nằm lim dim tận hưởng ảo giác Kha Luân Bố tìm ra Mỹ
châu. Toản thì lại có vẻ bứt rứt không yên. Thật lâu, không dằn được nữa, Toản
hỏi:
- Sao ông chẳng hỏi tôi chuyện gì cả ?
- Có gì đâu mà hỏi ?
- Chuyện đồng xu.
Tôi cười, bây giờ mới xoay người nằm nghiêng nhìn Toản:
- Chuyện điên điên dớ dẩn của ông nghe chỉ thêm mệt!
Toản tức giận:
- Sao ông biết là chuyện điên. Ông không muốn nghe thì
thôi!
Tôi khích :
- Ừ, nằm yên hưởng nắng gió một chút, rồi về !
Toản đành nằm yên một lúc nữa, độ mươi phút. Cuối cùng
anh ta xuống nước:
- Không kể cho ông nghe tôi chịu không được. Cứ ấm ức
trong lòng.
Tôi không nỡ đùa dai thêm nữa. Chúng tôi nằm nghiêng
quay mặt vào nhau. Toản nói:
- Hồi sáng đến trễ hẹn với ông chỉ vì cãi nhau một trận
trên điện thoại với thằng khốn nạn đó. Tôi không hiểu nếu mặt giáp mặt với nó,
tôi có đủ can đảm phun ra chừng ấy câu độc địa hay không. Nếu nó không cúp, tôi
còn nói nữa!
- Thằng nào vậy ?
- Ông hỏi đùa hay thành thật không biết ?
- Làm sao tôi biết hết những người ông cãi cọ với họ.
Tính ông hay cáu, một ngày cãi với bao nhiêu người! Làm sao…
Toản ngắt lời tôi :
- Nhưng không
bao giờ tôi gọi những người tôi cãi cọ với họ là “thằng khốn nạn”. Trừ hắn. Tôi
biết ông biết rõ, hoặc cũng đã nghe bạn bè xầm xì về chuyện gia đình tôi, nên
đã hiểu hắn là ai. Thôi! Hắn không đáng được nhắc tới. Mà nhà tôi, cũng không
nên nhắc tới nữa. Sáng nay tôi nhắc điện thoại lên, bấm số, chỉ vì hy vọng rằng
mùa này nghỉ hè, cháu Mai có ở nhà và chính cháu sẽ bốc điện thoại lên, trước
khi hắn và nhà tôi chịu ngồi dậy. Nhà tôi đi làm về muộn, về nhà lại còn lo nấu
nướng phục dịch cho hắn. Hắn ưa nhậu, khảnh ăn, nàng mệt thường ngủ đến 10 giờ
sáng mới dậy. Hắn nhậu say, lại còn… nên tôi đoán không thể dậy sớm. Gọi lúc 8
giờ sáng chắc chắn sẽ được nói chuyện với cháu Mai. Nhưng sáng nay xui dễ sợ.
Hắn trả lời điện thoại ông ạ. “Xin lỗi tôi được tiếp chuyện với vị nào đó ạ“.
Ông xem, nó khách sáo rởm không chịu được. Tôi mím môi đáp muốn gặp “chị
Tần“. “Nhà tôi dậy muộn. Xin cho biết quý danh để tôi bảo nhà tôi gọi
lại cho ông“. Máu tôi sôi lên! Cái giọng “ông chủ” đáng ghét quá chừng!
Nào là “nhà tôi“, nào là “bảo nhà tôi“. Trước kia có bao giờ
tôi dám xem nàng như một vật sở hữu của mình như thế đâu! Nói hơi cải lương một
chút, ông đừng cười, tôi coi nhà tôi như một làn hương thấp thoáng lơ lửng, tôi
không dám thở mạnh, không dám nặng tay. Sợ nàng tan đi. Ông nhìn cháu Mai thì
biết. Cháu là một thiên thần. Cháu là hình ảnh tôi nhìn nhà tôi. Ông đừng cười
mỉa! Ừ, nhà tôi bên ngoài có vẻ tháo vát, thực tiễn, mạnh khỏe, phàm tục, thứ
gì cũng được. Nhưng qua mắt tôi, nhà tôi đúng y như cháu Mai. Mảnh khảnh, yếu
ớt, buồn rầu, mơ mộng, lơ láo, chới với. Những thứ đó tôi đọc được hết trong
đôi mắt của cháu mỗi cuối tuần, khi tôi được phép đến đón cháu đi chơi.
Tòa cho phép nhà tôi được tiếp tục nuôi cháu. Việc ấy
tôi không kêu ca gì. Trẻ con sống với mẹ vẫn hợp tình hợp lý hơn sống với cha.
Chưa kể mọi sự đổ vỡ phần lớn do tôi. Trong bảy ngày mỗi tuần, tôi còn được cái
ân huệ đón cháu đi chơi trọn ngày thứ bảy, sáng chủ nhật trả cháu về, như vậy
công bằng. Nhưng điều khổ tâm cho tôi, là cứ áy náy thắc mắc trong sáu ngày còn
lại, có thể hắn cố giở hết mánh khóe mua chuộc tình thương của cháu Mai. Hắn có
nhiều cơ hội và thì giờ hơn tôi để làm việc đó. Tôi chưa bao giờ mặt đối mặt
với hắn, nhưng qua điện thoại,tôi biết hắn nói khéo. Bạn bè tôi, trừ ông là kín
đáo không nhắc tới, đều nửa đùa nửa thật bảo hắn đẹp trai hơn tôi, nhã nhặn hơn
tôi. Tôi mất nàng, nhưng không thể để mất cháu Mai được.
Tôi âm thầm ganh đua với hắn để chiếm tình thương của
cháu. Mỗi tuần,đến chiều thứ sáu,tôi không yên tâm làm được gì cả. Tôi bứt rứt
đi ra đi vô, phác họa một chương trình giải trí thật vĩ đại cho cháu. Chương
trình lại phải thay đổi cho cháu khỏi nhàm. Hai tuần trước, tôi dẫn cháu xuống
tận đây!
- Thật à? Cháu có đòi về ngay lập tức khi tới chỗ khỉ
ho cò gáy này không?
Giọng Toản đầy kiêu hãnh :
- Không đời nào! Tôi vạch ra cả một “kế hoạch”, chuẩn
bị đầy đủ mọi thứ, cháu chán sao được. Tôi bảo cháu hai cha con mình chơi trò
Kha Luân Bố tìm ra châu Mỹ. Cháu hỏi Kha Luân Bố là ai, tôi trực nhớ mới nói
tới Columbus. Cháu cãi là Columbus
chỉ phiêu lưu tìm đất lạ có một mình cùng với thủy thủ đoàn chứ không dẫn theo
con gái. Tôi bảo sử chép sai, thế mà cháu vẫn tin ông ạ! Tôi chuẩn bị mang theo
cả hai bộ quần áo cũ, con dao, và mớ bông gòn, chai xăng để dùng đá nhúm lửa
nướng hot dog, dùng dao chặt cây làm lều lá y như thời trước. Cháu nó thích
quá, chạy nhảy, nô đùa, hò hét, tắm biển suốt cả buổi sáng. Buổi chiều, chúng
tôi giả vờ làm những kẻ thám hiểm chống gậy dò từng bước tìm hiểu Mỹ châu. Tôi
đi trước, cháu đi sau cười hích hích. Tôi nhắc: “Coi chừng tụi da đỏ. Đừng để
cho chúng nó lột da đầu nghe Mai.” Cháu cũng nhắc tôi: “Bố phải giết cho được
tù trưởng Wounded Knee . Nhớ cướp cho được con
ngựa thực khỏe để hai bố con mình cưỡi nghe bố!” Ông nghĩ xem, tôi bày trò đến
cỡ đó thì sáu ngày còn lại kia coi như vứt đi! Một ngày cháu sống với tôi, cháu
sẽ nhớ đời!
Gần xế, hai bố con tôi gặp cái thác khô và ngọn suối
cạn tụi mình đến lúc nãy. Đến đây là “phần phụ diễn” ngoài chương trình, ngoài
“kế hoạch” của tôi. Chúng tôi mệt nhoài vì leo núi và cười đùa. Mặt cháu bớt
hồng, hơi tái và nhễ nhãi mồ hôi. Tôi bảo cháu ngồi nghỉ một chốc bên “hồ”, rồi
trở về chỗ để xe, ngược xa lộ Năm lên Los
Angeles ăn cơm Triều châu. Cháu nhìn vũng nước tròn
như cái giếng ông với tôi đã thấy, đột nhiên hỏi tôi:
- Bố có đồng xu nào không ?
Tôi ngạc nhiên hỏi :
- Chi vậy ?
- Cho con 25 xu để quăng xuống cái “Wishing Well” này.
Tôi bàng hoàng cảm động ông ạ ! Trẻ con tinh mắt hơn
mình nhiều. Phải rồi, những cái “giếng ước” xây tại các thương xá (nơi người ta
quăng những đồng 1 xu, 5 xu, 10 xu, 25 xu xuống lòng nước trong róc rách chảy
từ các thác giả để cầu nguyện những điều ước ao) có khác nào vũng nước cô độc
này đâu. Khung cảnh ở đây lại bao la hơn, gần gũi với Đấng Tạo Hóa hơn. Nếu có
một Đấng Tạo Hóa Toàn Năng ẩn mặt bên những giếng ước để lắng nghe những lời
cầu xin thành khẩn, thì tại đây, bên cái giếng ước này, xa hẳn tiếng xe cộ,
tiếng nhạc rock, tiếng chửi rủa, tiếng mặc cả buôn bán… Ngài phải nghe rõ những
lời cầu xin hơn chứ! Tôi lục túi, còn hai đồng 1 xu, một đồng 5 xu, một đồng l0
xu, và một đồng 25 xu. Cháu chọn đồng 25 xu, và nhón đồng tiền bằng hai ngón
tay như tôi làm lúc nãy, chồm người cố thả nhẹ vào giữa mặt giếng ước. Sau đó,
cháu quì gối trên nền sỏi, chắp tay lại, lim dim thầm ước.
Ông nhìn được cháu vào lúc đó phải nhận cháu đúng là
thiên thần. Cháu chỉ thiếu đôi cánh trắng. Cháu quì như thế khá lâu. Lúc đã ước
xong, đứng dậy, tôi hỏi cháu:
- Con ước những gì ?
Cháu không đáp, chỉ hỏi lại :
- Thường thường bao lâu thì có kết quả hở bố?
Tôi đáp liều:
- Một tuần.
Cháu có vẻ hớn hở vui mừng. Hai bố con tôi ra về. Tối
hôm đó sau khi ăn một bữa cơm Tàu thật ngon ở Anaheim , tôi hỏi cháu có thích đi xem phim
không. Cháu bảo thích được về ngủ nhà bố một đêm để sáng mai còn về với mẹ.
Như mọi lần trước, tôi cứ muốn hỏi thăm cháu nếp sống ở
nhà bên đó ra sao, nhưng không dám hỏi. Cháu Mai thì tíu tít nhảy từ chuyện nọ
đến chuyện kia, nên tôi chỉ vô tình chộp được những mảnh rời, ghép lại chưa
chắc đúng sự thật. Tôi làm ra vẻ lơ đãng khi hỏi:
- Tối ở bên đó con ngủ với ai ?
Cháu đáp:
- Con ngủ với Ngân.
Tôi chưa kịp hỏi, cháu đã giải thích:
- Ngân con của “bác” đó bố !
Tôi cảm thấy nóng mặt. Nhưng vẫn cố làm tỉnh hỏi tiếp:
- Ngân nó có thương bố nó không ?
Mai ngẫm nghĩ một lúc, rồi đáp:
- Con không biết. “Bác” không thương Ngân nhiều như bố
thương con đâu.
Tôi sung sướng vội hỏi:
- Sao con biết ?
Cháu trả lời đơn giản:
- Vì “bác” không bao giờ cho Ngân tiền cả! Bố này, con
kể chuyện này bố đứng mắng con nhé!
- Ừ! Không bao giờ bố mắng con. Chuyện gì vậy?
- Hai đồng bố cho tuần trước, con đã cho con Ngân một
đồng rồi.
- Tốt! miễn là đừng tiêu hoang.
- Nó xin, con thấy tội! “Bác” mà biết được, chắc Ngân
bị đòn liền!
- Ngân tiêu phí tiền lắm à? Ăn hàng à?
- Không, Ngân nó nói với con là nếu nó để dành được 50
đồng, nó sẽ “runaway”.
Tôi giật mình hỏi:
- Nó mấy tuổi rồi ?
- Nó bằng tuổi con. Đêm nó khóc hoài, làm con ngủ không
được! Nhưng nhiều đêm con cũng làm nó ngủ không được! Thế là hòa !
Cháu cười tự nhiên như kể một chuyện vui. Tôi vừa hãnh
diện vì tìm thấy một “điểm xấu” của hắn, lại vừa xót xa cho cháu. Nhiều đêm Mai
của tôi cũng khóc trong giấc ngủ trẻ thơ sao? Những tối thứ bảy cháu ở lại với
tôi, cháu đều vui tươi hồn nhiên. Đêm nào trong sáu ngày còn lại cháu đã khóc?
Đêm chủ nhật nhớ bố? Tôi mong thế!
Phải đợi tới tối thứ bảy tuần rồi, lần đầu tôi mới tận
mắt thấy cảnh cháu khóc một mình. Chương trình giải trí cuối tuần vẫn hấp dẫn
như thường lệ, cháu vẫn vui đùa như mọi lần. Quá khuya, tôi chợt thức giấc vì
nghe có tiếng động lạ. Cháu Mai ngồi hẳn dậy, và thút thít khóc giữa ánh sáng
mờ ngọn đèn ngủ 5 watts. Tôi thảng thốt hỏi:
- Sao con khóc ?
Cháu cố nén những cơn uất nghẹn, đáp lại :
- Đúng một tuần rồi bố ơi! Chúa có nghe lời con ước bên
“Wishing Well” đâu!
- Nhưng con đã ước gì ?
Cháu đáp thì thào:
- Con ước bố lại sống với mẹ.
Ông ạ, nghe cháu nói thế, tôi choáng váng cả người.
Biết nói thế nào với cháu đây! Cuối cùng tôi bảo :
- Mới một tuần, còn ngắn quá con ạ! Chúa có nhiều việc
phải lo, con hãy chờ thêm ít lâu nữa!
Cháu nó cứ khóc mãi. Tôi biết cháu không tin lời tôi, lần
này là lần đầu!
Nguyễn Mộng Giác
Cali 12-7-86
Nguyễn Mộng Giác
Cali 12-7-86
Nguồn: từ
tập truyện ngắn Xuôi dòng, nhà xuất bản Văn Nghệ, Hoa Kỳ, 1987
----------------------------
* nguồn: xunau.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét