1. Sáng nay, vừa xỏ chân vào đôi giày “búp bê”, tôi thấy tim
mình như lỗi nhịp khi bàn chân chạm phải cái nham nhám, ươn ướt của cát biển, cát
biển quê anh. Những hạt cát dấp dính vào da đau đáu một sự chia xa. Tôi bỏ chân
ra, lùa tay vào giày, vân vê từng hạt cát li ti, lòng tôi nghèn nghẹn. Tôi xa
anh ngàn trùng…
Anh đã đưa tôi đi dọc biển quê anh. Tôi đã trật chân ra khỏi
giày khi bất thần một con sóng nghịch ngợm xô vào chân anh. Theo phản xạ, tôi bíu
chặt lấy tay anh kéo về phía mình. Anh ngả về phía tôi, cả hai chấp chới. Anh
cười, cám ơn em, không thì anh ướt hết rồi. Tôi nghe lòng mình thổn thức, tôi
muốn nói may là em vẫn còn có anh, nhưng rồi tôi im lặng. Tôi tự hỏi lòng mình
nếu quả tình có một bàn tay khổng lồ thò lên kéo chân anh xuống khỏi mép nước
thì tôi sẽ làm gì. Tôi sẽ nắm chặt tay anh để cùng bị lôi phăng xuống hay là
tôi sẽ buông tay anh ra để được vô sự. Tôi là người sợ biển đêm, sợ mép nước
tăm tối. Nước mắt tôi giàn ra vì thấy sợ hãi với ý nghĩ lựa chọn thật dễ sợ của
mình, nhưng anh không nhận ra, anh nghĩ tôi khóc vì ngày mai chúng tôi đã phải
xa nhau rồi. Đến bây giờ, khi đã xa anh thật xa, sống trong nỗi nhớ giày vò,
tôi nhận rõ một điều, được ở bên anh dù vui hay buồn, sống hay không sống cũng là
hạnh phúc.
2. Tôi vừa yêu biển vừa sợ biển. Lúc còn bé xíu tôi được coi
là dạn nước. Mỗi sáng, tôi theo ông anh và đám con trai lốc nhốc trong xóm đi bộ
gần hai cây số ra biển rồi lại hai cây số về. Hè nào cũng đủ chín mươi ngày như
thế. Thời đó nhà nào cũng đông con, đứa nào cũng tự thân vận động. Nhà tôi cũng
vậy, miễn sao đến khi cái đồng hồ có cái quả lắc đánh chín tiếng thì phải có
mặt, ngồi vô bàn để học sinh ngữ là được. Bố tôi sinh thời rất giỏi tiếng Anh,
cả tiếng Pháp. Lính Mỹ trọ ở khách sạn của bác Hai tôi cứ năn nỉ bố tôi đi
phiên dịch cho nhưng ông cụ không chịu. Cụ đi làm hỏa xa, lúc ở trên tàu thì
thôi, về nhà là bắt đàn con “vô lớp”, vì theo bố tôi, phải biết sinh ngữ để còn
ăn nói với người ta. Bất kể chênh lệch trình độ, bố tôi đã lên máu giáo sư là
từ trên xuống dưới phải ngồi vào bàn. Lập luận của bố là đứa lớn phải kèm cặp
đứa nhỏ, “em ngã chị nâng”. Vì vậy một đứa lười học, không làm bài là tất cả
phải nằm xếp hàng ăn roi, chị em “máu chảy ruột mềm” mà không chịu nhắc nhở
nhau là có lỗi như nhau.
Nhà tôi có một bộ bàn mặt gương sáu ghế để ở phòng khách.
Anh chị tôi xuống bếp bưng thêm bộ bàn tròn dùng để ăn cơm lên nữa là dư chỗ
ngồi. Dân trong xóm thấy lớp học nhà tôi cũng hay hay nên muốn gởi con sang học.
Bố tôi là nhà sư phạm rất amateur, chỉ đứa nào qua sát hạch đọc đúng giọng mới
được vô học chung. Anh em tôi con nhà nòi, học hơn hẳn tụi trong xóm, được
nhiều đứa nịnh nọt gà cho vài câu “tủ” của bố, trả công là một con dế, mấy tấm
hình để dích hoặc hai chục cọng dây thun… Bốn, năm tuổi, tôi đã phải đọc đúng
những câu tiếng Anh có rất nhiều âm gió như “I see the seashell on the seashore”
(Tôi thấy cái vỏ sò trên bãi biển) trong khi nhiều đứa to ngồng ngồng trong xóm
đọc hoài chưa được. Mẹ tôi sinh một đàn con tám người, cứ xen kẽ một gái một
trai, đều đặn. Lẽ ra đến tôi phải là con trai thì mới đúng, nhưng tôi lại là
gái, nên các cụ ngừng lại. Tôi thành cô Út. Nhưng tôi không thân với bà chị kế
mình mà lại lẵng nhẵng theo ông anh kế trên. Tôi mặc quần đùi, tóc cắt ngắn lơ
thơ, tập tọng vài câu chửi bậy ngô nghê. Có như vậy anh tôi và mấy thằng trong
xóm mới cho đi theo. Bù lại, có ảnh kèm một bên, bố tôi không sợ tụi nhóc trong
xóm ăn hiếp tôi, thả cho hai anh em muốn làm gì thì làm. Anh tôi có đầu óc chỉ
huy lại có tài kể chuyện tiếu lâm, chuyện ma nên tụi trong xóm khoái lắm, tụi
nó không dám đụng đến sợi lông chân của tôi mặc dù có đứa nói gièm tôi là con
gái không được đi chơi với con trai.
Đi tắm biển, anh tôi mang cho tôi cái batxi là cái ruột xe
hơi bơm lên để ảnh đẩy ra xa xa nhưng dần dà tôi cũng men theo mép nước đập tay
đập chân lung tung cho nổi lên, coi như đã biết bơi. Bởi anh tôi ra tối hậu thư
Út biết bơi anh mới thưởng cho ăn kem. Đến tận bây giờ tôi vẫn không tìm đâu ra
cái vị kem tuyệt vời của thời ấu thơ. Những que kem hồng hồng cam cam được
người bán để trong một cái thùng xốp trắng đeo lên vai mang bán đến tận mép
nước, tay cầm một cái chuông lắc kêu keng keng rất mời gọi. Đâu phải ngày nào
hai anh em cũng có tiền, phải lâu lâu anh tôi mới mua cho ăn một lần. Ôi sao mà
nó ngọt ngào, lại vương vướng một chút mằn mặn của nước biển, cắn từng miếng
thật mỏng, để cho nước đá tan ra buôn buốt êm ái, chốc chốc phải liếm một lượt
không thì nó chảy ra thật phí.
Tôi thích biển sáng còn vì mặt biển như một tấm áo kim tuyến
óng ánh, thi thoảng điểm vài hạt kim sa sáng lóe lên. Những con sóng vỗ vào bờ trắng
xóa giống những đường ren lụa viền dưới lai váy. Cứ mỗi lần ngụp xuống tôi lại
nghĩ nàng Lọ Lem mặc áo dạ hội đi gặp chàng hoàng tử chắc đẹp đến thế này cũng
là cùng. Nói cho mau là tôi yêu biển, thích tắm biển.
Vậy mà mười tuổi tôi lại thành nhút nhát. Nhát biển, nhát
nước, nhát bóng đêm. Số là xóm tôi có tám nhà, thêm nhà bác Hai tôi ở mặt tiền
của xóm nữa, chín nhà chơi với nhau thật thân thiết. Độ tuổi nào cũng có bạn thân.
Những đêm hè nóng nực, mấy anh chị lớn dẫn đám con nít lũ lượt kéo nhau ra
biển. Hết bắt còng lại chơi u mọi. Cái trò mà người lớn thích nhất là rượt đám
con nít, túm được đứa nào là hai người, một người xốc nách, một người tóm chân,
một hai ba đưa như đưa võng rồi quăng ùm xuống nước. Tôi thường nghe anh tôi kể
về một con ma da tóc tai rũ rượi, thò bàn tay lông lá lên tóm lấy chân người
kéo xuống nước là coi như tiêu đời. Tôi đã từng chứng kiến cảnh một đứa trẻ
chết đuối khi tìm được xác, cái bụng to như cái trống vậy mà cứ phải để dập
dềnh, đầu và lưng ở trên cát nhưng nửa thân dưới vẫn phải nhúng trong nước, chờ
thầy cúng đến mới được đưa lên liệm, sóng biển liếm đi liếm lại cái bụng đã bắt
đầu nứt da dưới sức nóng của mặt trời. Tôi cũng từng đọc bài thơ “Đại dương
đêm” của Victor Hugo viết về những tiếng kêu tuyệt vọng trong đêm dài của những
người thủy thủ không bao giờ còn có thể trông thấy quê hương và người thân.
Thân xác họ tan trong nước, theo sóng biển xô mãi vào bờ…
Lần đó xui xẻo tôi bị tóm, bị hất tung lên rồi rơi tòm xuống
màn nước đen ngòm. Biển đêm thăm thẳm như không tới đáy, nước lạnh như chưa từng
thấy lạnh như vậy bao giờ, tôi hoảng hốt tối tăm mặt mũi vì sóng cát làm mắt
tôi cay sè, tôi thấy mình chuồi xuống không phương bấu víu. Tôi nghĩ đến bàn
tay con ma da, tôi vùng vẫy tuyệt vọng đến khi chạm vào đáy cát, tôi lóp ngóp
loi ngoi bò bằng tay bằng chân lên được bờ cát. Tôi đã chạy trên bãi cát dài
như vô tận nhưng không khóc nổi, chỉ tức tưởi không thành tiếng. Từ đó tôi hãi,
thôi không đặt chân xuống mép biển đêm nữa, biển sáng cũng dần thưa thớt cho
đến khi gia đình tôi rời xa thành phố về quê vì bố tôi bị tai biến, phải về hưu
non.
3. Anh nói nhờ có tôi anh biết biển đêm quê anh thật tuyệt.
Chúng tôi lang thang theo những con sóng, anh cười: “Biển một bên và em một
bên”. Lòng tôi rối bời, luôn trông chừng mép nước bướng bỉnh lấn lên bờ cát. Anh
chỉ cho tôi tượng Phật Bà tỏa sáng một góc trời, rồi nói biển quê anh hiền hòa
và yên bình. Tôi muốn nói em chỉ cần thấy anh là thấy ấm áp, chỉ cần nhìn anh
cười là thấy an tâm, chỉ cần ở đâu có anh là em thấy nơi đó thật êm đềm. Tôi cố
nhìn vào mắt anh, thấy thăm thẳm một cái gì lặng thầm sâu kín nhưng êm ả. Cơ
hội cuối cùng được nói với nhau đã đi qua. Anh hỏi Út có thấy biển nói gì
không? Tôi lắng nghe biển âm âm như đang gọi tên mình, tên anh. Đang nghĩ đến
câu hát trong “Biển nhớ” của Trịnh thì con sóng lạ tràn lên…
4. Tối nay, tôi lại lần xuống biển. Bờ cát bị xâm thực chỉ
còn vài chục bước chân đã đến mép nước. Tôi cởi bỏ đôi giày búp bê để cho sóng cát
xoi vào gan bàn chân nhột nhạt. Chợt kỷ niệm ấu thơ bừng thức, tôi thốt lui.
Tôi nhớ anh vô cùng. Tôi nhớ anh không nguôi. Từ nơi đây đến
nơi ấy núi đèo cách trở nhưng mặt biển này thông nhau. Vậy mà tôi không
bước xuống mép nước. Tôi không dấn thêm bước nào. Có những giới hạn của số phận,
của cuộc đời làm người ta phải từ bỏ hết, kể cả những giọt nước mắt dào lên mặn
đắng…
---------------
* nguồn: xunau.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét