Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

hoa tường vi nở sớm - hồ ngạc ngữ * truyện ngắn




Bố là một nhà thơ nghiệp dư, tuy tuổi tác đã cao nhưng vẫn còn yêu thích văn chương. Mẹ còn trẻ, thua bố những hai mươi tuổi, làm kế toán cho một công ty kinh doanh thủy sản đang mùa làm ăn phát đạt. Mẹ đi làm, thường vắng nhà. Thư đi học buổi sáng, lớp tám, ở nhà, bố thích ra khoảnh vườn con phía trước chăm sóc mấy chậu hoa kiểng, thỉnh thoảng nằm đu đưa trên cái võng treo ở hai cây khế bên hông nhà, viết viết xoá xoá hoặc tiếp vài người bạn văn nghệ ở xa đến chơi.
Bạn học cùng lớp của Thư đôi khi ghé nhà đều ngại bố. Tính bố ít nói, luôn giữ một khoảng cách đối với người khác, nên khó ai gần. Bố chỉ thích nói chuyện văn chương, khi say mê, quên cả việc nấu ăn buổi trưa cho hai bố con. Những lúc ấy, khi đi học về. Thư sẽ cất cặp, thay nhanh đồ, vào làm bếp. Thư hay dỗi bố về chuyện này, bố chỉ cười, xoa đầu con gái: “Bố quên, con tập nấu ăn cho quen”.
Thơ của bố thế nào, với ai khác thì Thư không biết, nhưng với Thư, thơ của bố là nhất. Thảng hoặc bố viết tặng Thư một bài thơ ngắn, nhân sinh nhật của Thư hay nhân có một kỷ niệm nào đó, một chuyến về quê thăm nội, đi tắm biển với cả bố mẹ vào dịp nghỉ cuối tuần. Những bài thơ ấy được Thư cẩn thận đặt vào tập an-bum riêng, chung với những ảnh chụp từ lúc Thư còn bé.
Riêng mẹ không thích thơ của bố, tuy mẹ không nói ra. Mẹ đẹp, ăn mặc theo “mốt”, lịch sự, nhưng mẹ chỉ chú ý tới những con số, những ký cá hoặc mực tươi mang về nhà buổi chiều. Buổi tối, mẹ nấu ăn, dọn dẹp, hỏi Thư dăm ba điều, xem ti-vi một tí rồi đi ngủ. Có lẽ, những số liệu đã làm mẹ bận rộn tâm trí cả ngày, ban đêm cần nghỉ ngơi sớm. Thư ngủ với mẹ dưới nhà. Bố hay thức khuya ở trên gác. Mỗi người thư thả sống trong khoảng không gian riêng mình. Đôi khi Thư tự hỏi, bố và mẹ có còn yêu nhau nữa không?
Một trong vài loại hoa được bố đặt biệt yêu thích là hoa tường vi. Bố trồng cây tường vi thành khóm nhỏ trên đất, cho leo trên bờ rào lưới B40. Bố nói, hoa tường vi trồng bằng cách giâm cành nhưng khó trồng vào mùa mưa. Phải trồng chỗ đất ráo kẻo bị úng nước, cây sẽ khó phát triển. Khóm hoa tường vi trước nhà được bố mang giống từ quê nội vào. Kỷ niệm thời tuổi trẻ của bố gắn liền với những mùa hoa tường vi.
Có những ban mai Thư thức sớm học bài đã thấy bố lui cui ngồi một mình uống trà bên khóm tường vi có mấy bông đang nở. Trên những cánh hoa màu hường nhạt còn long lanh mấy giọt sương. Hoa tường vi đẹp mỏng manh sương khói như nụ cười mơ màng đài các của những nàng tôn nữ. Trong cái lạnh sớm mai, một làn hương từ khóm hoa toả ra phảng phất nhẹ nhàng. Bố ngồi im lặng uống từng ngụm trà, râu tóc đã pha sương như một cụ già đang tưởng nhớ những ngày trai trẻ quyện trong mùi hương tường vi.
Nhưng mẹ không thích hoa tường vi, mẹ chỉ yêu màu vàng rực rỡ lâu tàn của hoa cúc. Một lần, cùng đứng bên chậu cúc với Thư, mẹ đọc hai câu thơ của Nguyên Sa viết về loài hoa này: “Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc, áo nàng xanh anh mến lá sân trường”. Thư lại tiếc là sao bố lại không làm thơ về hoa tường vi để cho mẹ đọc.
Chiều hôm ấy, khi chỉ còn hai bố con ở nhà, Thư ngập ngừng hỏi:
- Bố ơi! cho con hỏi điều này…
Bố đang nằm đong đưa trên chiếc võng ngoài hiên, bỗng nhỏm dậy:
- Có chuyện gì vậy con?
- Sao bố không làm thơ tường vi để tặng mẹ?
Bố cười, nụ cười thật hiền hậu:
- Vì mẹ chỉ yêu hoa cúc.
- Sao mẹ lại không thích hoa tường vi như bố nhỉ?
- Mỗi người có một sở thích khác nhau, con ạ! Nếu ai cũng thích hoa tường vi, vườn hoa của bố sẽ buồn tẻ lắm.
- Con hiểu rồi, bố và mẹ…
Thư kịp ngừng lại. Mình không nên làm bố buồn. Bố hỏi Thư:
- Bố và mẹ thế nào?
Thư cười:
- Một người yêu hoa cúc, một người yêu hoa tường vi!
Và Thư chạy nhanh vào nhà.
Bố có khách. Hai người bạn thơ đến chơi với bố cả buổi chiều. Một người già, một người trẻ. Thư vừa làm bài vừa nghe bố nói chuyện thơ. Không phải Thư thích nghe lỏm chuyện của người lớn, nhưng tiếng nói của bố và của họ vang đến chỗ Thư ngồi học. Thư muốn xin phép bố đi chơi nhưng nghĩ lại, nhỡ bố có sai làm gì, nên thôi.
Người già nói:
- Thời xưa, người bình thơ hay rất được kính trọng. Người ta phải đi qua biết bao dặm đường, lễ mễ mang lễ vật đến nhờ người bình một bài thơ mới làm. Nếu người bình khuyên tròn một chữ cho là có thi nhãn, người làm thơ sướng như đi lên cõi tiên!
Bố của Thư gật gù:
- Còn khi đọc sách, người ta phải chọn nơi yên tĩnh, xông hương trầm cho thơm rồi mới giở từng trang đọc. Ông cụ quen, mới đây đã kể một chuyện nghe thật ý vị. Một hôm, ông đến chơi nhà một người bạn thân, gặp lúc bạn đang chăm chú ngồi đọc sách. Ở ngoài khung cửa nhìn vào, ông cụ thấy có cái bóng trắng đứng sau lưng người bạn. Ông cụ bảo: Đọc sách có ma! Đôi khi, người ta thấy gần gũi với người xưa qua trang sách.
Người trẻ yên lặng lắng nghe, nâng ly uống một ngụm trà, bỗng hỏi bố:
- Trong nhà của chú có mùi hương gì mà đặc biệt thế?
Bố chỉ ra phía bờ dậu:
- Tường vi! Chỉ cần nhặt mấy cánh hoa tươi bỏ vào ấm trà là cậu đã có trà tường vi. Nhưng muốn thưởng thức mùi hương của trà tường vi, cậu phải uống lạnh. Tường vi hợp với không khí lạnh lẽo của sớm mai có mấy giọt sương còn đọng trên cành…
Bỗng có tiếng xe đỗ trước cổng. A, mẹ Thư đã về! Mẹ dắt xe vào nhà, gật nhẹ đầu chào khách đang ngồi bên hiên, nhưng lại im lặng nhìn bố. Mùi cá nồng nặc bay trong gió át đi làn hương thoang thoảng của trà tường vi.
Khách chào bố. Họ lặng lẽ ra về.


*
Bây giờ mẹ đã đột ngột bỏ đi xa mà không để lại dòng chữ nào cho Thư và cho bố. Bố khổ tâm, loay hoay dò hỏi tìm kiếm nhưng cũng chẳng biết mẹ đi đâu. Cũng có thể bố đã biết nhưng không cho Thư hay, sợ ảnh hưởng đến việc học của Thư. Nhiều tin đồn tung ra, người ta xì xào quanh chuyện mẹ Thư bỏ công ty thủy sản ra đi có liên quan đến chuyện tiền bạc gì đó, nhưng Thư biết không phải vậy. Mẹ vốn chi li, rõ ràng, đâu vào đấy. Bố thì vô tư trong đời sống, nhìn cuộc đời lãng đãng như có như không trong mùi hương tường vi. Thư tôn trọng nỗi buồn của bố, không nhắc thêm gì về mẹ, cố gắng chăm học, cố gắng thay mẹ chăm sóc những bữa ăn cho bố, nhưng bố cũng chẳng thích ăn gì nhiều. Bố chỉ bảo Thư một câu nhớ đời: “Lớn lên, khi con đã đến tuổi lập gia đình, đừng bao giờ lấy người chồng quá chênh lệch về tuối tác”. Thư giẩy nẩy: “Không! Con sẽ ở bên bố suốt đời…”.
Mẹ đi, bố đóng kín cửa nhà, không còn thiết gì đến hoa và thơ. Buổi chiều, khi rãnh rỗi, Thư múc từng ca nước nhỏ đem tưới vài khóm tường vi của bố và giậu cúc của mẹ. Thư yêu cả màu hường mong manh của hoa tường vi và màu vàng rực rỡ của hoa cúc. Nhưng khóm tường vi của bố không còn bông hoa nào, cành lá trơ trụi, héo hắt theo nỗi trông chờ của bố. Bố cũng không thích ngồi uống trà buổi sớm nữa, trông bố già đi, còm cõi.
Ban mai, Thư thức sớm trên chiếc giường trống trải của mẹ, khi bố còn ở trên gác. Thư ra hiên, lấy chổi quét đi quét lại từng chiếc lá rụng. Đến khoảnh vườn nhỏ của bố, bất chợt Thư trông thấy một nụ hoa tường vi đang hé nở. Quanh mấy chồi lá xanh màu tím biếc, nụ hoa hé ra từng cánh nõn tươi như nụ cười của trẻ thơ, một làn hương tinh khiết lan tỏa quanh Thư như hơi thở từ khóm hoa đã cỗi.
Nụ hoa tường vi nở sớm đang thắp lên một đóm lửa nhỏ trong không khí lạnh lẽo và yên tĩnh của ban mai…

--------------------
* nguồn xunau.org


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét