Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

âu thị phục an & những sợi tơ vàng - đặng kim côn & chân phương



ĐẶNG KIM CÔN
ÂU THỊ PHỤC AN VÀ NHỮNG SỢI TƠ VÀNG

Nếu đã có không ít người yêu văn chương trước 75 vui mừng khi bất chợt gặp lại Âu Thị Phục An trong một vài trang web với những truyện ngắn, vừa nhú lên như những búp măng đầy hứa hẹn của một thời (như Thăm Viếng, Sói Đồng Hoang, Một Ngày Không Định Trước…), thì, cũng không ít độc giả đã giật mình với sự xuất hiện những vần thơ đầy tính mới mẻ, mới mẻ như những dấu chân mở đường của một cơn tỉnh thức, sau những tháng năm (cũng như độc giả) mộng du quanh quẩn trong thiên đường vô ngôn, đã như bị bóng đè không dậy nổi…
Tôi nghĩ là tôi đã nói không quá, bởi, nếu như độc giả có dịp lướt qua những trang Da Màu, Tiền Vệ, Văn Chương Việt, LitViet, Sáng Tạo… sẽ thấy có những ngòi bút phê bình quen thuộc đã không ngại ngần đặt Âu Thi Phục An lên một vị trí trang trọng trên chiếc chiếu hoa “VĂN MIỀN NAM THỜI CHIẾN”
Trong 117 truyện ngắn, truyện ngắn này (Văn Miền Nam – Thư Ấn Quán sưu tập), Thăm Viếng (ÂTPA) đã theo đuổi tôi mãi sau khi tôi gấp sách lại. Không phải vì đây là truyện ngắn xuất hiện đầu tiên trong tuyển tập, cũng không vì người viết mới 21 tuổi khi truyện đăng tháng 2 năm 1975. Nó theo đuổi tôi bởi vì nó rất mới lạ trong suy nghĩ của tôi. Nó mới ở chỗ, cô có suy nghĩ một cách độc lập đến cái hạnh… cái định nghĩa của hạnh phúc (Nguyễn Thi Hải Hà)
Tôi kinh ngạc một cách thích thú khi biết tác giả Âu thị Phục An mới trên 20 tuổi mà đã viết được một cách tinh tế những ngại ngùng bối rối, những xót xa âm thầm… (Trần Bình Dân).
Độc giả sẽ không lấy làm lạ, tại sao MỞ một tập thơ, lại thấy nói toàn văn! Tôi nói ngay, không lạ đâu, ý tôi, nhà thơ ÂTPA của chúng ta hôm nay, ngày xưa là thế đấy! Con tằm đó đã không chết vì những nhát búa đóng lên 1975, mà “đã đi qua hơn ba mươi năm bầm dập để kiếm sống…” ( ÂTPA, bài phỏng vấn của Hai Trầu, trong “14 Tác Giả, mỗi người mỗi vẻ”), để cho chữ nghĩa đóng kén nằm im, như ghi nhận của Lương Thư Trung (Hai Trầu) “Như chị vừa nói : vầng trăng tôi bị đời ăn đi trong một đoạn đời rất lâu mà sau đó, từ cuối năm 2007, tôi đã làm thơ lại”, có nghĩa là chị đã tìm lại được mình giữa muôn trùng bất trắc của dòng đời (LTT). Và, những chiếc kén đó, đã và đang cho chúng ta những sợi tơ vàng.
Chúng ta đang bước vào RỤNG XUỐNG TRĂM NĂM, thi phẩm thứ 2 của ÂTPA, sau NGUYỆT THỰC, cái “vầng trăng tôi bị đời ăn” đó đã (không thể dùng chữ gì khác hơn) thành công, ít nhiều để lại những âm vang (nếu không muốn nói là chấn động) trong giới yêu thơ, ở hải ngoại: “…cũng như nhiều ngòi bút chân thực khác trên thế giới trong các xã hội chuồng trại, chính là vùng đất ươm mầm cho tiếng nói của một nhà thơ ngoại hạng (CHÂN PHƯƠNG: KHÁT VỌNG  ĐƯỢC LÀM NGƯỜI QUA THƠ ÂU THỊ PHỤC AN) hay “…Ít lâu sau cô ra tập thơ đầu tay, được nồng nhiệt đón nhận từ giới yêu thơ. Nhiều nhà phê bình thơ có uy tín trong và ngoài nước đã đọc và đánh giá rất công bằng về tài năng của ATPA” (ĐỖ XUÂN TÊ: Âu Thị Phục An, Khuôn mặt thơ tôi yêu), cũng như ở trong nước: “Thơ Âu Thị Phục An, nhiều lúc có nét sáng lóa và huyền bí như vậy, tạo dựng một khuynh hướng thi ca có nét sống mãnh liệt, đầy dương tính, pha trộn ý thức hóa sinh đầy rẫy hơi thở tiềm phục. Mở ngõ tử sinh cho gió bốn phương tràn ngập, mang âm sắc thinh lặng ngàn xưa lang thang về cõi sống (NGÔ NGUYÊN NGHIỄM: Người Đồng Hành Quanh Tôi, tập 3), và “…Thế giới thơ của Phục An đa chiều, rộng nghĩa. Chị đã phá bỏ những luật lệ trong thơ cổ điển (như nhiều nhà thơ đi trước đã từng làm) để tìm kiếm cái đẹp, dẫu cho cái đẹp ấy hàm chứa bao nỗi nhục nhằn của một kiếp người. Tuy nhiên, khi đến với thế giới thơ Phục An, nếu chỉ lướt qua, một lần thì dễ bị những ẩn ngữ kia đánh lừa, bởi bề ngoài ngôn ngữ mang đầy chất phồn thực, lớp lớp những khoái cảm của tính dục là “những khắc khoải, thao thức về thân phận, khát vọng làm người của một con người” như chị đã từng tâm sự. (NGUYỄN LỆ UYÊN: Trang Sách Và Những Giấc Mơ Bay, tập 2).
Tôi hy vọng độc giả sẽ đón nhận RỤNG XUỐNG TRĂM NĂM như một cuộc tái hợp mong đợi, vì gần như hầu hết những bài thơ được in trong tập này đều đã được các các trang mạng điện tử, các tạp chí văn học uy tín và khó tính tuyển chọn đăng trong nhiều năm qua, và được độc giả yêu thích.
Tôi bắt gặp cái nét lãng đãng, phiêu bồng, mơ màng của thơ ÂTPA ngay từ những câu đầu tiên của tập thơ, để không thể không thắc mắc một cách thích thú “Tác giả đang ở cõi nào” mà những viên sỏi cuội trên đường kia lại là con đường lạ, ném đâu chả được lại lựa phải nơi chẳng có nơi nào (phù du) mà ném, và có phải chăng viên sỏi xấu xa kia  dưới mắt nhà thơ bao dung, đã hóa ra nụ hoa thơ mộng?
Hôm qua nhặt sỏi bên đường lạ
Ném xuống phù du một nụ hoa (Đường Mơ)
Cả đến cái giọng hờn trách trong một bài thơ buồn, cũng vẫn cái hơi thơ “tiếu ngạo” ấy:
rơi đâu từ lá thu vàng úa
thảng thốt  địa đàng chợt vắng tanh (Có Khi)
Và những cố tình rất duyên dáng (mà cũng lãng đãng như có như không), mà tôi tin, bạn sẽ mỉm nhẹ nụ cười, khó khăn gì cái câu “Mưa Ngâu Tháng Bảy” quen thuộc, mà sao phải là Tháng Tám:
Khi nào mùa thu tan theo mưa
Đừng vẫy tay chào
Cho ta níu lại
Từng hạt ngâu Tháng Tám. (Chút Thu Mưa)
Nhà thơ nói thế, không có nghĩa là không biết độc giả sẽ không hiểu như thế, cho nên Mưa Ngâu Tháng Tám thì cũng không khác gì Trung Thu Tháng Chín, cứ thả cho nhà thơ bềnh bồng, càng bềnh bồng chúng ta càng có cơ hội thưởng thức được những vần thơ ý nhị, bất ngờ như những giọt mực rớt đại xuống trang giấy:
Hột mưa lăn đại xuống cơn đau thầm (Cõng)
mặt trời Sài gòn hôm nay ì ạch nỗi buồn. (Sao em buồn quá)
tia sáng diệu kỳ
bơi nhiệt tình trong nước ối (Đêm Rằm Ra Đời)
            Chúng ngồi thiền lặng như gốc cây
Chúng mơ về cái gì ai biết (Tất Cả Đều Bỏ Đi)
Bên cạnh những gốc cây lơ mơ, “mơ về cái gì ai biết” đó, lại cũng có những hình tượng sống động, vừa như cam chịu cũng vừa như phá phách (một cách đau đớn mà phá phách):
thưa anh ngọn cỏ em mềm/ e đau trái mộng để dành đã lâu (Trầm Khúc)
Để thấy nhức buốt như khi đứng trước bức họa Skrik (The Scream: Tiếng Thét) của danh họa người Na Uy Edvard Munch:
bước tới và bước tới
vọc suối nguồn lạnh căm
tay ta vời bóng tối
khuya rớt giọt máu bầm (Khuya Rớt)
Em phơi xuân đồi ngà ngọc
Nước trôi dầm dập bờ hông

Thở hương hoa hồng thơm lụa
Ngửi em trinh tiết vàng thu (Cơn Điên Của Sợi Tóc Bạc)
đừng đặt tay lên ngực em
đêm nay gió sẽ về qua cửa sổ
Em muốn rồi đó (Bắt Đầu)
tay vọc miền vực thẳm
anh, chạm vào hư hao. (Biển Đêm)
ngửa thả lướt trên cuồng đêm trượt vào đời anh
hút vào bao la đêm đêm lũ sóng dập dập vào hang động mềm mượt rong rêu xanh um
ép sát vô thường cực bắc cực nam hút sát
anh hôn em em hôn anh níu trái mộng đỏ lòm trực giác (Trái Mộng Đong Đưa)
Như đùa cợt với thân phận mình, có lẽ người đọc dễ nhận thấy, khi bắt gặp những điệp ngữ chập chùng nhảy múa, một cách cố tình, giống như là bí vần, kẹt chữ, mà tôi khó (hoặc không) tìm thấy ở một nhà thơ nào:
khi không trăng gió ngừng trăng gió
kiếp trước kiếp nào ai biết đâu
luân hồi luân chuyển mờ con mắt
có khi ẩn ẩn hồn tố nữ
nhập nhập vờn vờn một đóa tranh  (Có Khi)
Mưa mưa trăng trăng vờn qua phố (Mưa Trăng)
đỉnh cao, cao đỉnh núi (Biển Đ êm)
Nhưng, như tôi đã nói, những cợt đùa kia phải chăng cũng để “ẩn ẩn” những “Tiếng Thét” xuống ngày tháng mình? Bởi tôi thấy, bàng bạc từng trang nghêu ngao, là những xót xa rất thực, “rất đời thường” và trần gian đến nao lòng:
tô thị vời vợi ngóng
những gót chân hoang đàng (Khuya Rớt)
Tóc ai đêm rồi đã bạc
Đêm rồi ngơ ngác tìm xuân (Cơn Điên Của Sợi Tóc Bạc)
Không hẹn hò mà sao mưa bay
Có quen đâu mà tay níu tay (Tìm Chút Nhau)
Một vài nơi, tôi bắt gặp chữ Cali, như một tiếng thở dài, một Cali của trăm năm rụng xuống, mất dấu, một Cali mà tác giả muốn khắc khoải cho những ngậm ngùi bên kia bờ, cũng như những đợi mong mòn mõi bên nay bờ, Cali cho tất cả những 36 năm viễn xứ, những lưu lạc năm châu… Nơi đó, “sông núi chờ nhau…” một thứ tình lớn, lớn như những gì đã mất mà “NGƯỜI (đã) không về”. NGƯỜI không về, nên từ đó nhà thơ đã tự lạc loài trên chính quê hương mình “… từ đó, tôi luôn là kẻ ngoài lề, và tôi thích như vậy.
Cũng như thời cuộc vậy, chúng ta đều muốn sống hạnh phúc và yên bình cho đến hết một kiếp người, nhưng chúng ta đều đang hụt hẫng và hoang mang bơi trong một vũng lầy… (PA trả lời P/v của Phan Nhiên Hạo)”, hay:
-Điều gì là sao Bắc Đẩu khi thơ lạc lối?
-Thường thì tôi thích lạc lối.(PA trả lời P/v của Lưu Diệu Vân).
Thích lạc lối, hay kẻ ngoài lề, thì điều đó cũng chưa phải là   nấc thang đưa ÂTPA đến gần độc giả, có lần, khi nghe tôi nói đùa “Tôi ganh tỵ với PA đấy nhé”, chị cười rất đỗi thật thà: “Có lẽ do cây bút nữ ít quá, mà lại nữ liều mạng như ÂTPA”

Rất mong, độc giả hiểu tôi chỉ là độc giả đầu tiên, và vẫn còn nhiều bí ẩn kỳ thú mà độc giả sẽ giúp khám phá hương sắc của từng đóa hoa trong vườn thơ Rụng Xuống Trăm Năm…

.
.
.
       
CHÂN  PHƯƠNG

Dù chưa từng gặp nhau, Âu thị Phục An thân thiết với tôi như một người bạn cũ nhờ các sáng tác trên mạng của chị mà tôi thường đọc lại. Gần đây, chị gửi tôi đọc bản thảo thi tập mới, Rụng xuống Trăm Năm, gồm 70 bài dưới nhiều thể thơ.
Từ cổ điển qua tiền chiến, cho đến một số bài mang không khí thơ miền Nam 65-75 với âm hưởng Nguyên Sa, Bùi Giáng, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Phạm Thiên Thư…, nhà thơ của chúng ta chứng tỏ năng lực đọc và hòa nhập các dòng thơ Việt trước kia cũng như hiện đại. Đọc một mạch tập thơ của chị, tôi có cảm giác đây là một thi tuyển chọn các bài thơ chị đã viết từ thuở sinh viên cho đến hôm nay. Bằng chứng là nhiều bài nơi phần đầu tập thơ rất điêu luyện nhưng qui ước, chẳng hạn

Cỏ đã xanh rêu, bờ cỏ mục
Chân hoang dẫm đã gãy phiêu bồng
Ngựa cũng mòn chân về vọng động
Bốn mùa gõ nhịp khuấy hư không
(Đường mơ)

vỡ ra những phiến sầu lặng lẽ
gió mùa nằng nặng mấy sầu tư
luân hồi luân chuyển mờ con mắt
ai hẹn chờ ta giữa bể dâu              
(Có khi)

hoặc những câu lục bát, ngũ ngôn sau đây,
trắng tay xóa hết cuộc cờ
phất phơ chiếc bóng bên bờ tử sinh  
(Cõng)
Ừ yêu đã hết thì thôi
Chảy bao giọt máu luân hồi giữa tim
(Thì thôi)
l
eo dốc lên triền núi
hái một nụ tình không
ấp vào lòng sương khói
nở một đóa mêmh mông
(Tìm suối nguồn)
Tàn chưa ngọn đèn đêm
Vàng phai chưa góc phố
Con tim về ở trọ
Trên ngực buồn hoang vu                                  
 (Về chơi góc phố)

Rõ ràng ảnh hưởng từ thi ca truyền thống, từ ca dao qua tiền chiến, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong hồn thơ Âu thị Phục An. Dù có lúc với nỗi niềm chân thật và khả năng tự chế ngôn từ, chị đã tặng người đọc nhiều câu, nhiều đoạn vần điệu xuất thần:
Khi không trời đổ cơn mưa
Ngày chưa kịp hết chiều chưa kịp tàn
Chân ai qua vội phố phường
Mưa che mờ lối người thương sao tìm
Bỗng dưng trời đổ cơn mưa
Tình chưa kịp cạn buồn chưa kịp buồn.
(Trời còn đổ mưa)

trời ơi lại mưa
một ngàn năm nữa
trời mãi rưng rưng
khóc vời đôi lứa
chiều qua lối cũ
mộ chàng chênh vênh
cỏ vàng hoang phế
mưa gì buồn tênh!
(Mưa gì mưa mãi)
Đây còn góc phố
Biệt nhau năm xưa
Ngọn đèn đứng ngó
Nụ hôn bơ phờ
Ái ân đã dứt
Một mùa xuân phai 
Người không còn nữa
Tháng năm quá dài
(Biệt nhau cuối phố)

Nhưng tôi chú ý với nhiều thích thú khi đọc một loạt bài có khẩu khí thời đại – hậu 1975 (tôi đã tuyển và giới thiệu một số bài tương tự đã đăng trên mạng trong Khát Vọng được làm người qua thơ Âu thị Phục An, ĂMVC, tháng 5-2011) – ở đây cảm xúc, suy nghiệm giao thoa với ngôn từ đã sinh ra các nét độc đáo của nhà thơ. Theo tôi, chấn động trong miền Nam từ tháng 4-1975 đã khiến tâm hồn cùng thi pháp nhà thơ đột biến. (Đây gần như một qui luật tâm lý -lịch sử; chẳng hạn  Thế Chiến Một đã biến đổi bút pháp của Wilfred Owen, Siegfried Sassoon, Apollinaire …, Thế Chiến Hai với kinh nghiệm sống sót qua bạo lực độc tài các thứ   đã “lột xác” nhiều nhà thơ Âu châu như Rosewicz, Pilinszky, Celan, Pagis, Holan…) . Không thể du dương duy mỹ, nhà thơ nhập thế và đưa vai cùng chịu thập giá với đồng bào trên hành trình khổ nạn. Tiếng nói bị đọa đày gian truân thử thách trở nên thô sần, gân guốc, có lúc ngổ ngáo, phũ phàng hoặc khôi hài đen. Em yên tâm ngủ trên miếng đất không quy hoạch (Đừng đá vào giấc mơ em). Vòng ôm khít khao lần cuối cũng buông thôi/ Không thể dính vào nhau mãi như keo dán chuột (Tất cả đều bỏ đi). Tôi nhớ hôn qua hàng kẽm gai/ Tôi nhớ siết ghì trong lô cốt/ Bùn đỏ nát nhàu dưới chân nhón…(Nhiều năm vẫn nhớ hàng rào kẽm gai trên dốc đồi). Hai cái kim cứ nhích tới/ xua ngày trôi qua…/ áo đen góa phụ xếp lại…/ cài hoa mai lên tóc/ giả bộ đón xuân (Đi một vòng quay lại đầu năm). Tình nhân bỏ đi/ nắng quay quắt nóng/ cơn hừng hực vàng quái con đường/ 38 độ… (Gõ cửa). Người đàn bà cần nhiều bông băng cho lổ thủng lâu năm/ Máu vẫn rỉ suốt cuộc chơi/ Mép bàn tay không đủ chèn vết đứt…/ Người đàn bà ôm ngực cúi ho/ Nuốt máu đỏ/ Tan cùng băng giá (Trên ngọn tháng Giêng)…

   Còn nhiều câu, nhiều bài như thế trong toàn bộ sáng tác của ÂTPA khiến cho người đọc nhức nhối và giới nghiên cứu văn học không thể lãnh đạm quay đi. Chẳng còn phải nghi ngờ, cùng với nhiều tiếng thơ nữ giới VN như Dư thị Hoàn, Tuyết Nga, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Nguyễn thị Thanh Bình, Lưu Diệu Vân… nhà thơ của chúng ta đang tạo ra ngôn từ và khí hậu mới cho thơ Việt hôm nay.
Sẽ không công bằng nếu chúng ta chỉ quan tâm đến chùm thơ thế sự đặc sắc của chị mà quên đi nhiều bài thơ tình tuyệt diệu bên cạnh những bài thơ triết thâm trầm, như Nguyệt, Thanh Minh, Đêm rằm ra đời, Trái Mộng đong đưa… Từng là sinh viên môn triết, ngòi bút tài hoa ấy đồng thời cũng là một chủ thể tri thức điềm tỉnh với nụ cười độ lượng giữa cõi nhân sinh:
Cái kèn rống lên giọt trầm bi
“đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”

…Tay kèn nẩy lên hồi cuối
Nấm mộ dính đầy cát và bụi

Những đôi giầy tây giậm giậm, bước đi.
(Cuối Cùng)


Nhà phê bình bất nhã thường oang oang át giọng nhà thơ, quên mất điều căn bảntrong đạo lý văn chương – hãy để cho những bài thơ nói lên thông điệp của chính nhà thơ. Tôi xin dừng bút, mời các bạn đọc tự mình bước vào cõi thơ Âu thị Phục An, từ các sáng tác trên mạng cho đến thi tập RỤNG XUỐNG TRĂM NĂM vừa ra mắt.
----------------------
* nguồn: xunau.org



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét