Gói quà của anh chị Trần Hoài Thư đã đến với tôi vào đầu tháng 8.
Đó là những cuốn sách của Thư Ấn Quán vừa mới xuất bản trong mùa hè năm nay: Lửa – tập thơ của Khoa Hữu, Truyện
từ Bách Khoa (anh
mới làm thêm bìa jacket), Truyện từ Văn của anh và Thư Quán Bản Thảo số 53. Mở ra và tôi
thật cảm động. Cuốn nào cũng đẹp,
trang nhã về hình thức và thật hay về nội dung. Tôi cứ cầm ngắm nghía mãi. Như
vậy, mùa hè năm nay anh chị đã rất bận rộn. Với số tuổi của anh chị, đây là
tuổi để nghỉ ngơi, để enjoy sau những năm tháng bận rộn mưu sinh. Anh chị có
thể đi chơi cruise, hoặc thăm viếng danh lam thắng cảnh ở Âu châu…, ai cấm?
Nhưng anh chị đã chọn làm việc bận rộn này để cố gắng vực dậy một nền văn học
miền Nam một thời đã bị ngập chìm trong lửa đỏ, dù có lúc anh bị bệnh Gout và
Joint hành hạ không ít, chân đi cà nhắc, phải bò, phải lết… Ngoài một số trợ
giúp từ các bạn trong việc tìm tài liệu và đánh máy, anh đã làm từ A đến Z: chủ
nhiệm kiêm chủ bút, tìm tài liệu, thư ký đánh máy, layout, trình bày, thợ in,
thợ đóng sách, thợ khuân vác báo ra bưu điện gởi… Trừ hai bộ Văn và Thơ Miền Nam , như những cuốn sách khác của Thư Ấn Quán,
tất cả các cuốn sách này chỉ để dành tặng biếu cho thân hữu và những ai còn
quan tâm đến văn chương miền Nam
thời chiến. Không bán.
Tôi nhớ cách đây hơn một tuần, anh đã khoe “Niềm vui sáng kiến”
trên trang blog của mình. Sau nhiều ngày nghiên cứu, mày mò, thử nghiệm anh đã
thực hiện được việc tự động hóa khâu ép phim loại lạnh (Cold laminating film
automatization) để bìa sách được láng bóng, không cong. Thì giờ đây tôi đã được
nhìn thấy tận mắt. Bìa rất thẳng thớm, phẳng như mặt kiếng, đẹp vô cùng. Nên
anh đã rất vui, là vậy. Bạn phải có trong tay những cuốn sách này để có thể cảm
nhận được như anh, như tôi.
Lửa là tập thơ di cảo của cố thi sĩ Khoa Hữu.
Ông mất vào ngày 5 tháng 4 năm 2012. Khi còn tại thế, ông đã âm thầm sáng tác,
không hợp tác với bất cứ tạp chí, tổ chức văn nghệ nào của chế độ hiện thời.
Tập thơ này gồm có hai phần: Thơ đốt không cháy và Thơ viết dưới thập giá. Tôi
đọc mà rưng rưng:
vết thương dài dọc trên lưng
mũi dao sâu tận đáy cùng còn đây
mấy mươi năm chẳng ngừng tay
miếng cơm cốt nhục cho ngày lớn khôn
thù một sông chất một non
một gông một xích chia con cháu nhà
(Triều đại mới – trang 6)
Phút đợi trông hả lòng gang thép
trung đoàn đi một nửa không về
cõi anh linh tiếc gì thể phách
đất trời này núi xẻ làm bia
(Phút tưởng niệm An Lộc – trang 12)
Truyện từ Bách Khoa là phụ bản đặc biệt của tạp chí Thư Quán
Bản Thảo số 48 chủ đề tạp chí Bách Khoa gồm 19 truyện ngắn được sưu tập từ tạp
chí Bách Khoa của Trần Hoài Thư. Bìa jacket laminating màu da cam rất đẹp.
Truyện từ Văn là ấn bản đặc biệt của tạp chí Thư Quán
Bản Thảo số 53 chủ đề tạp chí Văn gồm 20 truyện ngắn được sưu tập từ tạp chí
Văn trước năm 1975 của Trần Hoài Thư. Bìa jacket laminating màu đen rất sang
trọng.
Tạp chí Thư Quán
Bản Thảo số 53 chủ đề tạp chí Văn, tranh bìa Ngọc Dũng –
chụp từ bìa một số Văn cũ do Trần Hoài Thư trình bày. Như anh Trần Hoài Thư đã
ngỏ trong Thư Tòa Soạn:
“Kỳ này, phần chủ đề chiếm rất nhiều trang
hơn thường lệ. Lý do chúng tôi sưu tập rất nhiều tài liệu bài vở. Từ trên mạng,
đến sách báo cũ. Thêm vào đó, là phần viết về chủ nhiệm Nguyễn Đình Vượng. Tạp
chí Văn sở dĩ được tồn tại suốt 11 năm từ 1964 -1975, là do cái công rất lớn
của ông. Dù ông không phải là nhà văn, không dính líu gì đến văn chương chữ
nghĩa, nhưng ông đã đưa vai vác lấy khối đá tảng, để Văn càng ngày càng vững
mạnh, càng xứng đáng là một tạp chí văn chương có tầm vóc của miền Nam ”.
Tôi tin tưởng bạn sẽ rất hài lòng với phần sưu tập này gồm những
bài viết của Mai Thảo, Nguyễn Xuân Hoàng, Trần Phong Giao, Thanh Tâm Tuyền,
Duyên Anh, Trần Thiện Đạo, Huỳnh Phan Anh, Đinh Cường, Trần Hoài Thư, Lê văn
Thiện, Nguyễn Lệ Uyên, Trần Thị NgH., Vũ Trọng Quang, Nguyễn Đăng Trình, Ban
Mai, Nguyễn Kim Tiến, … Hy vọng đây sẽ là bộ sưu tập khá đầy đủ cho các bạn trẻ
sau này muốn tìm hiểu về tạp chí Văn một thời của miền Nam .
Ngoài phần chính, còn có những đóng góp mới nhất của các nhà văn
Trần Thị NgH., Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh, Khuất Đẩu và Hồ Phú Bông. Thơ của
Nhã My, Tuyết Linh, Nguyễn Thị Khánh Minh, Nguyễn Dương Quang, Đinh Thắng. Sống
và Viết với những đóng góp của Trần Hoài Thư, Vương Thúy Nga, Trang Luân, Trần Thị
Nguyệt Mai. Phần Di Sản Văn Chương miền Nam giới thiệu truyện dài Cúi Mặt
của Bùi Đăng và bài viết của nhà văn Nguyễn Lệ Uyên. Đặc biệt số này có một bài
viết bằng tiếng Anh của Elena Nguyễn (18 tuổi) về thơ Hồ Xuân Hương cùng bản
Việt ngữ của nhà văn Nguyễn Thị Hải Hà.
Muốn có sách, xin bạn liên lạc với Thư Ấn Quán ở địa chỉ:
PO Box 58
hoặc email:
tranhoaithu@yahoo.com
Trần Thị Nguyệt Mai
4-8-2012
----------------------
* nguồn: internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét