Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

chân dung hay chân tướng nhà văn [kỳ 68] - nhật tuấn



Hơn 500 trang phần một “Vỡ bờ”, Nguyễn Đình Thi đã dàn ra hàng tá nhân vật từ thượng lưu quý tộc, tư sản - địa chủ như nghị Khanh, vợ chồng huyện Môn, Phượng, Hằng, họa sĩ Thanh Tùng… tới giới lao động bình dân như giáo Hội, họa sĩ nghèo Tư, làm thuê  Gái, An… các cán bộ hoạt động cách mạng Khắc, Lê, Cảnh… Tuy nhiên, ngoài ông cán bộ cộng sản Khắc đã  chết do đòn tra tấn của Pháp, hầu như toàn bộ nhân vật vẫn sống hết ngày dài lại đêm thâu, phận số vẫn vậy, chẳng đổi thay, cứ như bị trưng ra đó mà chẳng biết đưa đi đâu đi về đâu.
Cho dù xã hội nảy sinh nhiều sự kiện nóng bỏng, nào Nhật Pháp bắn nhau, nào cách mạng bị đánh phá, thoái trào khắp nơi nơi, nào công nông bị bóc lột và sống lầm than… nhưng vẫn chưa biến cố nào rơi vào mỗi cá nhân tạo nên đột biến để đám nhân vật Nguyễn Đình Thi bày la liệt đó có cơ hội trở thành nhân vật của tiểu thuyết. Hay nói rõ hơn, tiểu thuyết đã “đi” được cả 500 trang mà phần lớn nhân vật vẫn “tại vị”, vẫn chưa bị đẩy vào cảnh ngộ để từ đó bật ra tính cách của riêng nó.
Cuối phần một, ông cán bộ thành ủy Khắc hy sinh, vậy ngay đầu phần hai ông nhà văn phải cho người khác thay thế. Người đó chẳng phải nhân vật mới nhảy vào truyện mà chính là đồng chí bí thư xứ ủy Lê, thủ trưởng cũ của Khắc.
Trong hoàn cảnh khắc nghiệt, người đọc chờ đợi tác giả dẫn dắt họ theo chân cán bộ Đảng len lỏi vào dân, thắp lại lòng tin của quần chúng, xây dựng lại các cơ sở… Tiếc thay ông nhà văn tuyệt nhiên không làm được thế. Ông chỉ đưa ra cảnh ông bí thư xứ ủy Lê liên lạc với anh cán bộ Cảnh để lên lớp chính trị, truyền đạt chủ trương đường lối… lặp lại y chang cảnh Khắc giáo dục chính trị tư tưởng cho chị Gái ngày trước:
“Cảnh ngồi lặng im nghe giảng giải, nhưng rõ ràng sự thu nhận còn khó khăn, nó vấp phải những cách nghĩ, những tình cảm đã ăn sâu vào tâm trí từ lâu. Lê vẫn nói rủ rỉ nhưng giọng anh đã quả quyết:
“Vấn đề bây giờ là tập trung mọi lực lượng đánh tụi phát xít. Đây cậu nghe lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài gửi về”.
Và tác giả “chơi” luôn nguyên văn một đoạn lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc.
Rồi mượn lời “đồng chí Lê”, Nguyễn Đình Thi tranh thủ ca ngợi “bác Hồ”:
“Tôi có một lần được xem ảnh đồng chí ấy ở Sở mật thám Sài Gòn. Lần ấy thằng Riu đang hỏi cung mình bỗng nó đưa ra một bức ảnh và bảo: “Mày có biết ai đây không? Nguyễn Ái Quốc lãnh tụ tối cao của chúng mày ở nước ngoài…”. Mình mặc kệ nó nói gì thì nói, xem ảnh cái đã. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đội mũ phớt đen, quàng khăn phu la, mình chỉ còn nhớ đồng chí đội mũ mà vẫn rõ trán rất cao và đôi mắt sáng lắm…”.
Vậy là mọi chủ trương đường lối, mọi niềm tin vào tương lai của cách mạng vẫn chỉ là chuyện trao đổi giữa mấy ông cán bộ cộng sản với nhau, còn việc đưa nó vào quần chúng, biến nó thành sức mạnh cách mạng thì không nhắc tới. Sau khi kể sơ sài việc gây dựng lại phong trào chỉ qua một buổi hội ý giữa hai ông cán bộ xứ ủy, ông nhà văn trở lại các nhân vật “quần chúng”.
Gia đình của Khắc sau cùng đã nhận được tin ông hy sinh. Việc đầu tiên là mẹ ông, bà Tú gieo rắc hận thù vào lòng con trẻ – Thu, con gái Khắc mới có 9 tuổi.
“Lúc Quyên (em gái của Khắc) đã chít miếng vải trắng lên đầu cái Thu, bà Tú kéo đứa cháu vào  lòng nói chuyện với nó:
“Thu, năm nay cháu lên chín rồi, cháu nhớ phải để chở bố cháu ba năm cho trọn đao làm con. Thế là bố cháu đi theo ông rồi đấy. Tây nó đày ông cháu chết ở ngoài đảo Côn Lôn, bây giờ lại đánh cha cháu chết ở trong tù. Nó ác thế đây cháu ạ…”.
Tất nhiên, khi lớn lên, những đứa trẻ như Thu ngoài việc “khắc cốt ghi xương” hận thù và theo đảng làm cách mạng đến cùng, còn đầu óc đâu suy nghĩ đến những chuyện tốt đẹp khác trong cuộc sống con người?
Dặn dò cháu rồi, bà Tú, mẹ của Khắc, khấn thầm với chồng:
“Ông ơi ông thế là con nó đã đi theo ông rồi. Tôi đã nuôi thằng Khắc con Quyên nhớn khôn, chúng nó không làm điều gì nhục cho họ nhà ta. Tôi không làm thế nào giữ cho thằng Khắc còn sống được. Nhưng nó chết cũng là vì nước vì dân, không đến nỗi phải hổ thẹn với ai…”.
Thật đúng bà mẹ Việt Nam anh hùng, không lo dựng vợ gả chồng cho con cái, chỉ lo “không làm gì nhục cho họ nhà ta” với niềm tự hào có con “chết vì nước vì dân”. Hình ảnh người mẹ của Nguyễn Đình Thi cũng chỉ xào xáo lười nhác hình ảnh “người mẹ” của Gorki, “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Đình Thi và khẩu hiệu “trung hậu, bất khuất, đảm đang” mà Đảng và Nhà nước phong tặng cho các bà mẹ Việt Nam.
Tuy thế, tác giả có vẻ sảng khoái dựng nhân vật gần gũi với ông nhất: anh giáo Hội, thất nghiệp quay sang viết văn. Nhưng anh viết gì được khi anh cho rằng:
“Bọn người viết văn bây giờ chẳng qua là một lũ ô trọc cầm bút. Họ cần gì đến văn chương, họ chỉ cần tiền và họ chạy theo mốt, họ ăn cắp của các nhà văn nước ngoài, họ mạ lại những ý nghĩ của người khác để lòe người không biết, họ viết quàng xiên những chuyện bịa đặt quái lạ, lấy sự ly kỳ để câu người xem, chứ không biết nhìn vào sự thật hàng ngày, cái sự thật tầm thường nó đáng nói biết bao…”.
Nguyễn Đình Thi viết những dòng đầy hứng khởi này mà quên béng mất cái “lũ ô trọc cầm bút” ấy đã tạo ra cả một nền văn xuôi rực rỡ với những tên tuổi lớn Ngô tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng… và nhận định này, kỳ lạ thay lại phù hợp với thời hiện tại, thời “một lũ ô trọc cầm bút” ở Hội nhà văn VN “viết quàng xiên những chuyện bịa đặt ly kỳ câu người xem chứ không biết nhìn vào sự thật hàng ngày…”. Rồi ông nhà văn tên Hội lại than thở:
“Vì ở nước mình, cái anh viết văn còn có giá trị gì nữa? Còn được đi đến đâu, trông thấy gì, biết gì nữa? Thân phận như một thằng ăn xin, sống như một con ốc sên chỉ ru rú trong cái vỏ của mình… Hội cho rằng một xã hội mà để cho những nghệ sĩ của nó chết đói là một xã hội đốn mạt, mà một xã hội nuôi nhà văn và nghệ sĩ như ông hoàng thì cũng nát bét…”.
Thật chẳng có lời lẽ nào hay hơn, chính xác hơn để chỉ cái đám giặc già – nói theo kiểu Nguyễn Huy Thiệp – ở Hội nhà văn Việt Nam hiện thời?
Mạt sát nghề cầm bút vậy nhưng Hội cũng kỳ cạch viết xong  một cuốn tiểu thuyết có tựa “Những mối tình sông nước”. Và rồi từ đó ông nhà văn xác định ngay được “hướng đi” trong cái nghề kiếm sống bằng chữ nghĩa: “Anh sẽ cứ viết truyện ngắn cho các báo để kiếm vặt mỗi tháng mười lăm đồng và trong khi ấy anh sẽ tiếp tục viết quyển tiểu thuyết thứ hai của anh…”.
Cái phương châm “lấy ngắn nuôi dài” mà các ông nhà văn ngày nay thường khoe khoang, hóa ra đã có từ thời tiền khởi nghĩa.


KỲ 68


Sau nhà văn Hội, tác giả giành nhiều trang cho họa sĩ Tư – loại nhân vật  Nguyễn Đình Thi “thuộc” hơn cả.
Họa sĩ Tư có người yêu cũ là tiểu thư hàng Đào - Phượng, bỏ anh lấy quan huyện Môn. Phượng chán chồng, ngoại tình với họa sĩ Thanh Tùng, nổi tiếng và giàu sang rồi cũng rũ bỏ vì tính cách thực dụng và rỗng tuếch, rốt cuộc lại muốn với tình xưa là họa sĩ Tư.
Sửa soạn cho cuộc tái hồi, “Phượng ra đứng trước gương nhìn con người trắng hồng trong ấy. Thân thể nàng vẫn thon lẳn, nhưng bây giờ những đường nét đã dần dần đầy đặn lên hơn, nom càng mềm mại dễ ưa. Phượng quay nghiêng, ngắm đi ngắm lại cái lưng gọn gàng, đôi chân thuôn dài. Con người mình đáng mê quá…”. 
Dựng lên pho tượng “vệ nữ” tỉ mỉ thế, Nguyễn Đình Thi bị các nhà phê bình “quốc doanh” Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ phê “sa đà vào sự thích thú thân xác”, tuy chưa mang tội “môn đồ Freud” như Vũ Trọng Phụng nhưng cũng bị nhắc nhở “ve vuốt nàng Phượng quá kỹ càng”.
Lo “mất lập trường giai cấp”, Nguyễn Đình Thi vội vàng đánh “sụt giá” nàng Phượng bằng cách cho họa sĩ Tư thẳng thừng từ chối lời mời “ngọt ngào” của người đẹp.
Tư viết cho Phượng, lời lẽ thật “dùi đục”: “Không thể được, Phượng ạ. Bởi vì rồi sau, chúng ta làm thế nào mà sống như cũ được nữa?” và đòi Phượng phải từ bỏ “giai cấp” của mình”. Vậy là trong tâm tư họa sĩ nghèo này đã mầm mống phân biệt giai cấp: hoặc bên này hoặc bên kia. Hễ trưởng giả nhất định không có tình yêu, phải từ bỏ hết tiện nghi, gốc gác, tài sản để trở thành người cùng khổ, người lao động mới mong có được tình yêu cao đẹp. Đọc đoạn viết về gã họa sĩ nghèo lăm le học làm cộng sản này mà... phát tức vì lố bịch.
Tất nhiên tiểu thư Phượng đời nào chấp nhận đề nghị “dở hơi” thế . Thực chất sự từ chối giai nhân của họa sĩ Tư xem ra là của chính Nguyễn Đình Thi bày tỏ lập trường giai cấp với Đảng chứ chẳng phải tính cách chàng họa sĩ tài hoa, sống giữa Hà Nội. Ông nhà văn cố nhồi vào đầu chàng nghệ sĩ tư tưởng đề cao người nghèo khó, bài bác người có tiền:
“Thà là một cô gái bán mình vì miếng cơm manh áo để nuôi thân, nuôi gia đình như cô Bích đáng thương… Cái xã hội ngu xuẩn khinh bỉ những con người ấy nhưng lại sụp xuống trước những người có đủ ăn, đủ mặc, không cần phải bán mình mà lại ngày ngày ôm lấy kẻ mà mình không yêu. Rút cuộc cái xã hội này chỉ đòi hỏi người đàn bà bán mình thôi, hoặc là bán mình cho một người độc quyền theo đúng lễ giáo, pháp luật vân vân… hoặc là bán mình một cách rẻ tiền hơn cho nhiều kẻ qua đường… Bao giờ thì người đàn bà mới có thể chỉ sống với người đàn ông vì tình yêu…”.
Theo lý thuyết Nguyễn Đình Thi thì từ xưa các cụ ta lấy chồng do “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” hoặc “lấy trước thương sau” cũng đều là… điếm bán mình cả. Đây là hệ quả của tư tưởng “hữu ái giai cấp” quá đà một thời ăn sâu trong tâm tưởng các nhà văn Việt Nam khiến họ nhìn đâu cũng thấy phân biệt giàu nghèo, sáng tác ra cả một thời đại văn chương chỉ toàn than nghèo khóc khổ, bôi tro tư sản, trát trấu địa chủ như những kẻ có tiền tội lỗi.
Cái phong trào “vô sản hóa trí thức” một thời xem ra nhiễm sâu vào gan ruột Nguyễn Đinh Thi đến độ họa sĩ Tư tin vào sự đánh giá nghệ thuật của cô gái điếm chính xác hơn cả giới chuyên môn:
“À… mà cô xem cái phong cảnh này thấy nó thế nào?”.
Bích cười lúng túng:
“Thấy con sông nó rộng, cảnh nó như là lúc đợi đò man mác thế nào. Ở quê ngoại em, chỗ bến đò Mía cũng giông giống thế này, cũng có cây gạo to lắm…”.
“Cô xem tranh thế mà còn đúng hơn khối ông phê bình đấy. Các ông viết báo ấy…”.
Tư cũng cười to. Anh tự bảo: “Con đường của mình nhất định là đúng rồi…”.
Được một “em điếm” khen tranh tức là được quần chúng nhân dân chấp nhận thế là họa sĩ đã có thể yên tâm: “đi đúng đường rồi” thì chắc con đường đó chỉ dẫn tới văn hóa văn nghệ phục vụ công nông binh theo lời dạy của đồng chí Mao Chủ tịch kính mến qua đề cương “văn nghệ Diên An” mà thôi. Con đường đó chưa biết dẫn họa sĩ Tư tới sự nghiệp sáng tác to tát nhường nào chỉ chắc một điều nó làm chàng từ khước một mỹ nhân kiêu sa như Phượng để yêu một cô điếm, “cùng giai cấp”. Đưa được “nghệ thuật” về với giới “cần lao” rồi, làm sao dắt được nó tới được với Đảng đây? Dẫn dắt họa sĩ Tư từ bỏ cô Phượng giàu có, xinh đẹp để tới với cô Bích gái điếm, nghèo khó có vẻ còn dễ hơn đưa đẩy chàng đến với cách mạng. Nhà văn Nguyễn Đình Thi đã làm điều đó như thế nào?
Trước hết do túi không còn một xu đong gạo, mua thuốc chữa bệnh lao và mua toan với màu, họa sĩ Tư lại đành tìm về với người yêu cũ giàu có để xin giúp đỡ. Tất nhiên Phượng biếu ngay Tư một số tiền lớn tạo điều kiện để anh thực hiện dự định vẽ một bức tranh sơn dầu khổ lớn. Tuy nhiên, anh vẫn chưa quyết định vẽ gì ngoài xác chết đói nhan nhản trên phố.
“Bỗng anh nhắm mắt lại. Anh vừa thấy rồi. Bức tranh người chết đói của anh phải làm lại. Không phải chỉ có người chết đói. Một người đàn bà, một người mẹ, một bà mẹ Việt Nam đang nhìn lên phía trước, người đàn bà ấy đang đi giữa lửa đạn, chiếc khăn quàng rơi xuống vai, đôi mắt bà mẹ đang nhìn thấy cái gì đó rất lớn lao đối với bà…”.
“Cái gì đó rất lớn lao” chính là cách mạng, là phong trào cộng sản mà ông nhà văn đang loay hoay chưa kiếm được cớ nào để nhét vào đầu ông họa sĩ cho dù hình ảnh bà mẹ đã rõ ra là hình ảnh “Người mẹ” của Maxim Gorki – hình ảnh một người mẹ công nhân, một người mẹ cộng sản. Dịp đó đã tới khi có một anh “cán bộ Việt Minh” tới nhờ Tư vẽ một bức tranh cổ động để ủng hộ Việt Minh chống Nhật cứu nước. Anh nhờ Bích, cô gái điếm cầm đòn gánh làm mẫu cho anh vẽ nữ du kích cầm súng.
“Trên tờ giấy đã hiện rõ hình cô du kích mặc quần áo chàm, cầm khẩu súng trường giơ lên vẫy gọi, đằng sau cô ta là cảnh đồi núi xanh và bây giờ Tư tô nốt màu lên lá cờ có ngôi sao ở giữa. Lá cờ được màu đỏ bỗng như bay phấp phới hơn và chấm vàng của ngôi sao cũng như sống lên…”.
Vậy họa sĩ Tư đã đặt một chân vào cách mạng. Tuy nhiên, đó chỉ là tranh cổ động, chưa phải là sáng tác phẩm chính thức của họa sĩ. Nguyễn Đình Thi đẩy chàng nghệ sĩ “dấn” thêm bước nữa: đưa hình ảnh cách mạng vào tranh sơn dầu khổ lớn. Chàng họa sĩ bỗng nhảy vọt trong sáng tác:
“Bức tranh sơn dầu bây giờ như từ sương mù mà hiện lên rất nhanh. Tư vẽ tưởng chừng không cần nghĩ và không kịp dừng lại để thở nữa… Giữa cảnh người đói, người chết, bên cạnh bà mẹ, Tư đã vẽ thêm một người con gái… áo cánh nâu, tay cầm khẩu súng, đứng dậy nhìn về phía còn đang bắn nhau đằng trước và vội vã sắp băng mình chạy lên phía ấy…”.
Thế là Nguyễn Đình Thi chính thức đưa được hôa sĩ Tư đứng vào hàng ngũ văn nghệ sĩ cách mạng. Chỉ có điều sao dễ dàng quá vậy?

(còn nữa)
---------------------
* nguồn: blog nhattuan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét