KỲ 26
Kể từ hôm nàng Emily ngoài đời chỏ tay
một cái ông trung tá đã ù té bỏ chạy, rồi sau lúc ban tặng gã cái nhìn đầy yêu
thương,âu yếm, nàng bất ngờ nhổ bãi nước bọt, kể từ hôm đó trên ban công đối
diện gã vẫn thường ngóng sang vắng hẳn bóng nàng.
Cơn giận giữ tan dần theo nỗi nhớ và
giả dụ lúc này được giáp mặt nàng, hẳn gã chẳng còn gợn chút xót xa của buổi
trưa hôm đó, ngược lại còn thấy yêu quý gấp bội. Đôi lúc gã định đứng rình
trước cửa bám ngay khi nàng đi ra, viện cớ nào đó đến gần hỏi han, trò chuyện.
Tuy nhiên những cái đó vượt khỏi tính cách gã, bởi vậy gã chỉ dám
nghĩ thôi, khi nào dám thực hiện. Ấy thế rồi đại hạn mong mãi cũng có ngày mưa,
thật bất ngờ, một hôm gã được giáp mặt nàng ngay trong chợ khi gã chen vào mua
mớ rau. Nàng đứng đó, thoảng mùi trầm ngời ngời trong chiếc
áo pull chẽn, chiếc quần jean bó căng, tay xách túi, bước lại gần và
trời ơi nàng nở một nụ cười tuyệt diệu:
“Anh cũng đi chợ đấy à?”.
Than ôi, quà tặng quá bất ngờ ngoài
tưởng tượng làm gã cứ trố mắt, cổ tắc nghẽn, người ngẩn, cứng ngắc như bị trúng
gió. Chưng hửng vì thái độ bất động của gã, nàng sầm mặt, quay ngoắt, để lại gã
nỗi tiếc nuối, ân hận tự sỉ và rồi bừng tỉnh trong cơn bàng hoàng, gã cố vớt
vát lại lỗi lầm bằng cách hấp tấp bước theo nàng. Đúng, dù thế nào, gã cũng bày
tỏ bằng được cho nàng thấy không phải gã khước từ lời chào thân thiện của nàng,
chẳng qua gã quá xúc động, tắc nghẹn cả cổ họng không thốt nên lời đấy thôi.
Không may, đám đông xúm xít quanh gã với đủ thứ túi, bị, rổ, rá đang chen chân
vào chợ, gã cứ gạt phăng tất cả để cố theo kịp nàng.
“Chị gì ơi…. Cô gì ơi!”.
Gã cứ lì lợm bám sau nàng, hổn hển gọi
cho tới lúc mùi trầm lại xộc vào mũi và nàng quay phắt lại.
“Anh hỏi gì?”.
Chao ôi vẻ mặt băng giá giận giữ của
nàng như gáo nước lạnh dội thốc vào lòng, tan hết mọi dự định. Gã
cuống lên:
“Tôi muốn… Tôi muốn hỏi cô… cô mua con
cá ấy ở đâu đấy ạ?.
Vẻ khổ sở và giọng nói lắp bắp của gã
làm nàng bật cười.
“Cá mua trong chợ ấy chứ đâu?”.
Nàng có vẻ thương hại, chờ gã qua cơn
bối rối, trò chuyện thêm được gì nữa chăng.
“Dạ… cảm ơn… dạ… cảm ơn”.
Than ôi, gã chỉ lẩm bẩm được có thế rồi
bước thấp bước cao quay vào chợ.
“Ta đã hai lần phạm sai lầm”.
Gã nghĩ vậy khi bỏ mớ rau vào nồi.
“Lần thứ nhất lẽ ra phải trả lời ngay
khi nàng hỏi chuyện, vậy mà cứ đứng đực, lần thứ hai nàng đã cười, có ý chờ ta
hỏi chuyện ấy thế mà ta lại bỏ đi, trời ơi, sao rụt rè, nhút nhát đến thế? Một
cơ hội vàng bỏ qua, chắc chắn nàng rất giận. Ta phải làm gì chuộc lại? Trước
lúc ngủ gã đã phác ra cả loạt kế hoạch, nhưng rồi sáng hôm sau trở dậy lại thấy
tất cả đều viển vông, chẳng qua là trò tưởng tượng được bóng đêm kích thích mà
thôi.
Và rồi gã lại tiêu phí bao thời gian
chờ đợi bên cửa sổ mong thấy nàng nhưng chỉ có cái dây phơi giăng đủ thứ quần
áo và đồ lót của nàng mà gã đoán nàng đã ra phơi từ lúc gã đang ngủ. Tất cả
những thứ đó hầu như gã đã thuộc lòng tới mức có thể liệt kê nàng có bao nhiêu
váy ngủ, bao nhiêu áo ngắn, áo dài, đồ lót… đủ màu sắc, kiểu cách khác nhau.
Đôi khi căn cứ vào bộ đồ mới giặt phơi trên dây, gã có thể phỏng đoán đêm
trước nàng đi đâu, làm gì theo trí tưởng tượng của gã, và cứ mỗi lần nhìn thấy
bộ đẹp nhất, gã lại buồn rầu nghĩ rằng hẳn đêm qua nàng đã đi nhà hàng với lão
trung tá. Không hiểu lão tặng gì mà nàng có thể buông thả tấm thân ngọc ngà vào
vòng tay cái lão mặt sắt đen sì ấy? Dẫu sao gã cũng được an ủi rằng chẳng qua
lão ấy cũng chỉ chiếm được phần thân xác nàng thôi, giống như gã đầu nậu xuất
bản mua cô gái có tên là Tình ấy mà. Còn phần hồn, biết đâu ngày nào đó nàng sẽ
dâng hiến cho gã. Biết đâu đấy, phải, biết đâu đấy rồi sẽ có ngày… nàng sẽ nói
những lời cháy bỏng trong vòng tay gã, rồi sau đó dù phải chết như
những tình nhân nàng Emily trong truyện gã cũng cam lòng.
Khi đã đưa mộng tưởng xa tới đó, gã
giật mình nghĩ tới dịch tiếp ngay cuốn trinh thám, quá hạn lần này thằng “đầu
nậu” dám cắt cổ. Thế rồi mới chưa được một trang, tiếng gõ cửa rụt rè cắt
ngang.
“Vào đi, cứ đầy cửa mà vào”.
Gã vứt bút cau có và rồi tươi mặt trước
nụ cười âu yếm của Tố Oanh trong bộ đồ thụng đang mốt của các vũ trường.
“Anh khỏe hẳn chưa, đã làm việc?”.
“Khỏe rồi, khỏe lắm rồi…”.
Trời ơi, không lẽ mình đã làm tình với
cô gái xinh đẹp nhường này? Quả thực phấn son lòe loẹt, ngược hẳn vẻ tâm linh,
huyền hoặc trên gương mặt, nhưng lại tạo ra được sự thu hút đặc biệt khiến gã
không rời mắt.
“Sao anh nhìn em mãi thế?”.
“Lạ thực, không hiểu sao anh cứ cảm
giác đã gặp em ở đâu rồi ấy?”.
Cô gái cười sung sướng:
“Có khi anh với em duyên nợ kiếp trước”.
“Em vẫn tin có kiếp trước sao?”.
Cô gái cau mày như bị xúc phạm.
“Lần sau mong anh đừng hỏi những câu
như thế”.
Cô xách làn đi tới trang thờ, bày hoa
quả, thắp nhang, vái lạy và khấn khứa. Gã chợt nhớ hôm nay mồng một ta. Chết
thật, gã quên thắp nhang và cúng hoa quả vào ngày sóc vọng. Khi cô khấn vái
xong, gã cảm thấy có lỗi, giọng áy náy.
“Khổ quá, anh quên khuấy mất, thôi từ
mai anh hứa với em thắp nhang hàng ngày”.
Cô gái nghiêm trang:
“Anh không cúng, ma quỷ tới. Em chẳng
dám đặt chân tới đâu”.
Rồi cô kể vừa đi lên rừng, bói cho dân
bản được họ biếu bao nhiêu gạo thịt heo, gà vịt. Ở một bản cao nhất, chính giữa
rừng, trèo đèo lội suối quanh co mất đúng một ngày rưỡi, cô chẳng gặp ai, chẳng
thấy nhà cửa, duy nhất chiếc lều cỏ chênh vênh sườn núi. Khi cô mò mẫm tới gần,
trong lều vọng ra tiếng nói sang sảng.
“Vào đi, cứ vào đi, chớ rụt rè”.
Trong nhà chẳng đồ đạc, giường phản gì
hết, một chiếc nệm cỏ trên đó một ông già tóc bạc phơ, mắt sáng quắc đang ngồi
xếp bằng tròn, miệng ngậm chiếc tẩu dài cả thước nhả ra không phải là khói
thuốc mà là một thứ hương thơm từa tựa như hương trầm. Nghe tới đây gã giật
mình, liên tưởng ngay mùi xà bông của nàng Emily ngoài đời, sao lạ thế, ngay
giữa rừng sâu cũng có người thích mùi trầm, tiếc thay lại là một ông già. Gã
kêu lên:
“Khói thuốc mà có mùi trầm?”.
Tố Oanh nhìn gã thương hại:
“Anh không tin hả? Đúng thế đấy, đúng
là thoang thoảng mùi nhang trầm. Mà có thế anh đã nghi hoặc thì những điều em
sắp kể chắc khó lọt tai anh”.
“Không, em cứ kể, anh tin, đời thiếu gì
chuyện lạ gấp trăm lần thế”.
Cô gái gật đầu, kể tiếp:
“Khi em bước vào, ông cụ cất giọng cười
ha hả: “Hay lắm, hay lắm, đúng như ta đã bấm giờ, cháu phải đến đúng ngọ, vậy
là cháu có cơ duyên từ trước! Rồi cụ nhắm mắt, bấm đốt và gật gù: “Đúng là trời
định, chẳng việc gì thoát”. Cụ hỏi em rất tỉ mỉ, từ ngày sinh tháng đẻ, hai bên
gia đình nội ngoại, mình định tới coi cho người trong bản hóa ra cụ lại coi cho
mình. Cụ bảo từ lâu, cụ có một cuốn cổ thư dạy tử vi, tướng số cụ đã nghiền
ngẫm cả mấy chục năm, không hề coi cho ai hết. Khi biết được số mình chẳng còn
bao lâu, cụ tính đốt cuốn sách, chẳng ngờ một đêm cụ nằm mộng thấy một cô gái
ăn mặc ra vẻ người thành thị hiện lên khóc lóc, van xin: “Cụ ơi, xin
cụ, đừng đốt, thất truyền bí thuật, đúng ngày ấy, tháng ấy, giờ ấy, cháu sẽ
tới, khẩn cụ truyền cho cháu nối nghiệp…”. Sáng hôm sau, cụ giở
sách bói, quả nhiên đúng giờ Ngọ ngày ấy sẽ có khách phương xa.
Thoạt nhìn em, cụ đã nhận ra cô gái trong mộng và cụ tặng em cuốn sách cổ suốt
ba ngày liền cụ truyền mọi bí quyết. Sau cùng cụ bảo: “Thôi con xuống núi, nhớ
không bao giờ dùng đến nó kiếm tiền, phải lấy đức làm gốc, mất gốc thì tài của
con cũng tàn héo luôn”. Em xin cụ ở lại hầu hạ trong những ngày cuối cùng vì cụ
đã già yếu quá rồi, nhưng cụ khăng khăng không chịu, em đành gạt nước mắt, lạy
cụ ba lạy rồi khoác khăn gói rời bản.
(còn nữa)
--------------------------
* nguồn blog: nhattuan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét