Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

thơ điên Ngu Í – đỗ hồng ngọc



Nhiều người biết đến ông như một nhà báo, Nguiễn Ngu Í, một “cí jả kông chuiên ngiệb” (ký giả không chuyên nghiệp, theo danh thiếp của ông) như ông tự nhận với loạt bài phỏng vấn văn nghệ sĩ rất tài hoa trên tạp chí Bách Khoa; nhiều người biết đến ông như một nhà giáo dạy văn, dạy sử ở nhiều trường tư thục Sài Gòn, nhưng ông, trước hết là một nhà thơ, một người làm thơ đặc biệt hơn bất cứ một người làm thơ nào khác: thơ điên. Thơ ông là cuộc đời riêng ông. Có khi là một tiếng thét uất hận, có khi là một tiếng lòng thổn thức, có khi là nỗi hờn căm, khi khác lại là những tiếng hát dịu dàng âu yếm thiết tha tùy lúc bài thơ được viết giữa các cơn điên hay trong cơn điên, giữa những ngày tháng nằm vùi trong Bệnh viện tâm thần Chợ Quán hay Dưỡng trí viện Biên Hòa.
Cũng viết về trăng, nhưng là Trăng của ông, năm 19 tuổi, một đêm trong nhà thương điên Chợ Quán:
Ta sẽ đánh đầu ta
Vào mặt Trăng bơ sữa
Thì Trăng ơi, em sẽ ngã ngữa tan tành.
Rồi ta nuốt
Mảnh của Trăng vào ruột
Rồi tống ra
Khỏi cơ thể ta mà…
(Van Trăng, 1940)
Ông viết về cái màu trắng, màu của Bệnh viện vẫn luôn ám ảnh ông:
Nhưng mà lạ quá, ôi là lạ
Ngó phía nào đây Trắng cũng theo
Trắng phủ vây tôi, tôi sợ quá
Làm sao trốn Trắng, hỡi người ôi!
(Trắng, 1940)
Hết Chợ Quán tới Biên Hòa, hết vào rồi lại ra, giữa các đợt lên cơn như vậy, ông sống như một người mộng du, đi trên mặt đất mà như đi trên tường cao, trên mái ngói, nghiêng nghiêng, lảo đảo, lênh khênh, lãng đãng… Ông thân thiết với tất cả các bác sĩ, nhân viên của Bệnh viện tâm thần, của Dưỡng trí viện:
Cũng tưởng một đi không trở lại
Nào ngờ duyên nợ lại dằng dai
Bỗng nhiên sực tỉnh nằm trong “khám”
Khám của lòng ai, ai của ai…
(Bài thơ tái ngộ Dưỡng trí viện, 1966)
Vâng, ông là một người điên, một người điên thứ thiệt, không phải là người giả điên của buổi nhiễu nhương thường thấy, nên ngay trong thời gian nằm ở Dưỡng trí viện Biên Hòa, ông đã cùng những người đồng bệnh ra một tập thơ có tên là “Thơ điên thứ thiệt” (1970), trong đó có Bùi Giáng cùng nhiều “bạn điên” khác của ông. Một tập thơ rất độc đáo, lạ lùng.

Trong một bài thơ ông viết:
Ta đi lang thang
Ta nói tàng tàng
Ta cười nghinh ngang
Ta chửi đàng hoàng
(Bài thơ tự giết, 1966)
“Chửi đàng hoàng” quả không phải là chuyện dễ, nhưng với ông thì ông làm được. Nhưng chửi ai? “Chửi cả và thiên hạ, trong đó có mình”, đó là cái tựa của một bài thơ khác của ông.
Nhưng tại sao điên? Dĩ nhiên là có một số tế bào thần kinh nào đó bị rối loạn, bị xáo trộn, nhưng điều đó không quan trọng, điều quan trọng là cái lòng ông, cái chí ông, cái tình ông đối với cõi đời, với con người, với quê hương và đất nước, với gia đình, bè bạn, anh em… Cái tình đó vĩ đại quá, bao la quá, nên không nhốt được trong những sợi dây thần kinh chật hẹp bình thường của một kiếp người.
Chẳng hạn, có lúc tỉnh táo, ông viết:
Kiếp sau xin cứ làm người
Còn bao nhiêu việc trên đời, còn bao…
(Kiếp sau, 1947)
Ông làm câu đối cho cha mình, ông Giáo Hoàn, người đã tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục:
Mắt mở, đã thấy xiềng nô lệ
Hồn đi, còn mơ gió tự do
(Thầy, 1953)
Rồi khi ông dạy sử, ông viết:
Ba trăm quyển sử to dày
Cũng không sánh được một ngày tự do
(Học và hành, 1955)
Ông viết cho mẹ, có lẽ đây là bài thơ viết về mẹ cảm động nhất ở một người con điên:
Má ơi, con má điên rồi
Má còn trông đứng đợi ngồi mà chi
(Má, 1950)
Năm 1960, trong chuyến về quê cải táng mộ cho song thân, đến Nước Nhỉ, khi nằm nghỉ dưới những tán cây dứa đầy gai nhọn, bên cạnh đống gạch đổ vụn, ông viết một bài thơ nhớ về những người bạn thuở thiếu thời của mình ở quê hương “Núi Cú Hòn Bà”:
Nằm đây mà ngó lên trời
Lá cây dứa đã mấy đời đong đưa
Nằm đây mà nhớ mơ hồ
Những xanh tóc ấy bây giờ về đâu?
Đó là lúc ông đã vào tuổi bốn mươi. Rồi khi đến Ngãnh Tam Tân, nơi quê ngoại của ông, nơi ông đặt sẵn ngôi mộ cho chính mình, ông cảm khái nhìn ra biển xanh, núi biếc, với những hàng dương vi vút gió:
Em có đến… mà không anh đón tiếp
Cát mịn này sẽ mơn trớn gót chân em
Em có đến mà anh không đứng đợi
Biển khơi này sẽ thỏ thẻ chuyện đời anh
Phải rồi, cái quê hương nhỏ bé đó của ông, quê hương Núi Cú Hòn Bà (nay là Lagi - Hàm Tân), nơi mà từ thuở đôi mươi ông đã mang những lý tưởng độc lập tự do về gieo mầm ánh sáng, ông đã không bao giờ quên, mà những người thân yêu ở nơi chốn heo hút đó cũng đã không bao giờ quên ông.
Có một bài thơ khác của ông mà nhiều người cùng quê không mấy ai không nhớ:
Nhè nhẹ sương bông ôm núi lịm
Êm đềm cây cỏ đắm trong mơ
Tiếng chuông đâu bỗng run lòng đá
Ngó xuống trần ai, thấy: mịt mờ
(Từ chùa Núi Cú nhìn xuống Hòn Bà, 1964)
Thơ của ông có thể người ta thích, có thể người ta không thích, nhưng đọc thơ ông bao giờ cũng có một cảm giác rờn rợn. Ông làm thơ rất nhanh, thơ như tự túa ra, ứa ra, nhiều bài sần sùi đọc cứ nghe ấm ách nhưng có những bài mượt như nhung. Đọc thơ ông mà hiểu ông thì thấy thương, thương một con người có chí, có lòng mà không sao đạt được những ước nguyện. Rồi thôi, rồi thành tro bụi như hai câu thơ viết sẵn cho đời mình:
Bao nhiêu chí trẻ rồi tro bụi
Một thoáng tình xa cũng ngậm ngùi

Ông và tôi có tình ruột rà, mẹ tôi và ông là hai chị em con cô cậu ruột. Có lần ông nói hồi tôi mới sinh, ông đã đưa võng và đọc thơ cho tôi nghe! Có lẽ vì vậy mà khi lớn lên, được sống gần gũi ông, tôi luôn được ông sẻ chia những bài thơ, bài văn ông mới viết cùng biết bao chuyện tâm tình không thể ngỏ cùng ai. Nhiều bài thơ ông chép vội trên mảnh giấy gói đồ, phong bì, bao thuốc lá… Nhiều đêm ông lên cơn, đến đập cửa nhà tôi lúc hai ba giờ sáng, đọc thơ cho tôi nghe rồi chửi “cả và thiên hạ”. Sau đó ông tắm táp, ăn uống chút gì đó rồi khệ nệ ôm một chồng sách ra đi. Trời can cũng không nổi! Hỏi đi đâu, ông nói không biết. Rồi có hôm nghe ông nằm giữa xa lộ Biên Hòa cho xe Mỹ cán, họ bắt ông chở thẳng vào Dưỡng trí viện, hôm khác lại nghe ông bắt đom đóm bọc trong khăn tay làm đèn đi giữa giờ giới nghiêm trong rừng cao su, cũng lại bị bắt đưa vào bệnh viện. Có lần tôi đến thăm ông trong Dưỡng trí viện, thấy ông ngủ say như chết, đưa mấy ngón chân giao chỉ to bè ra ngoáy xoắn vào nhau như tìm hơi ấm, tôi vẽ ngay một bữa ký họa, ông thích lắm nhưng đã làm mất tiêu. Có lần tôi đưa ông vào bệnh viện Chợ Quán, người ta sốc điện cho ông, ông giựt đùng đùng như con cá nằm trên thớt. Sau đó ông bất tỉnh, xụi lơ, tay chân quặt quẹo sùi bọt mép… Rồi khi tỉnh dậy, ông lại làm những bài thơ quái dị, nhiều bài rất hay.
Đọc thơ ông mà thương cho một kiếp người tài hoa, bất đắc chí.

-----------------------
* nguồn: xunau.org


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét