Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

ngôi đền giữa trời cao – trương văn dân

Đi truyền thuốc về, tôi thấy cửa khép hờ. Bước vào nhà, nghe từ phòng ăn có nhắc đến tên mình nên tôi dừng lại. Tôi nhận ra tiếng bác Thuận. Có lẽ bác mới đến và hai người quên khép cửa.
- Bác thấy bệnh tình của Gấm ra sao?
- Bác rất lo. Bác đã xem hồ sơ bệnh lý của Gấm. Bác thấy tế bào ung thư của Gấm thuộc loại có nhân, rất khó chữa, vì di căn rất nhanh.
- Nhưng bác sĩ điều trị nói là sẽ  dùng loại thuốc mới nhất của hoá trị liệu. Phương pháp này tốt chứ?
- Dĩ nhiên là tốt. Bác biết nói điều này cháu sẽ không vui. Nó làm cháu thất vọng và có thành kiến xấu với người thầy thuốc. Nhưng nghe bác nói đây: Trong nghề y, người ta quan niệm, nếu nói dối mà có lợi cho một người nào thì nó là một liều thuốc bổ sung. Đừng bao giờ để người bệnh đầu hàng và luôn giúp họ bám vào một tia hy vọng dù mỏng  manh nhất.
- Bác nói sao? Con chưa hiểu hết ý.
- Khi y học không biết làm gì, họ làm bận rộn người bệnh bằng những phù phép. Lý do là để tranh thủ thời gian và khoả lấp sự  lúng túng; nhưng điều kỳ lạ là bệnh nhân lại cảm thấy đỡ hơn. Nói trắng ra đó là một thứ tự kỷ ám thị, nhờ nó mà khi uống một ly nước từ tay một người đạo mạo mặc áo blu trắng, hay từ lão thầy pháp mặc áo đỏ khăn đen, cầm bó nhang vẽ bùa trong không khí, bệnh nhân tưởng được cấp một liều thuốc thánh, nên uống vào sẽ có một sự hưng phấn mà họ tưởng là hiệu quả.
- Theo ý bác thì…
- Bác muốn nói là có những trò tầm phào, những viên thuốc vô ích, công dụng chưa rõ ràng hay chưa được chứng minh… nhưng mục đích là làm trí óc bệnh nhân bận rộn, tạo hy vọng và xoá nỗi sợ.
Điều quan trọng là con bệnh thấy “đỡ” hơn. Kết quả “tốt” hơn. Giới y khoa gọi đó là  hiệu ứng placebo.
- Nhưng dạo này con thấy sức khoẻ của Gấm đã khá hơn. Hy vọng thuốc đã bắt đầu công hiệu.
- Tại cái tâm con muốn nhìn thấy thế. Bác nhìn thấy các tĩnh mạch trên cánh tay của Gấm bị phá nát vì những mũi kim truyền thuốc, lòng bác đau lắm. Nhưng yếu tố tâm lý rất cần thiết để giúp người bệnh kiên nhẫn và kéo dài sự sống.
- Trời ơi! Nghĩa là…
- Con  hiểu rồi đấy. Nhưng phải tuyệt đối bình tĩnh và đừng nói cho Gấm biết. Hãy ở gần và an ủi Gấm.
- Vậy bác nghĩ là…
-Nghĩ gì ư? Con không thấy các móng tay của Gấm bắt đầu xù xì sao? Con không thấy giọng nó khàn khàn, nhịp thở  bình thường nhưng có lúc như bị chèn ép sao? Trên cánh tay bắt đầu xuất hiện những vết bầm. Bác sợ là thuốc chỉ gây tác dụng phụ mà chẳng hiệu quả. Hay hiệu quả không cao. Nếu vậy thì  khối u sẽ di căn lên màng phổi. Rồi lên não. Nó sẽ làm Gấm chóng mặt, xây xẩm, dễ té ngã. Không phải là bác sĩ chuyên về ung bướu, nhưng kinh nghiệm cho bác biết là tình trạng của Gấm rất đáng lo.
- Thế bác nghĩ rằng…
- Bác không nghĩ gì cả. Bác không biết được ý muốn của định mệnh. Bác sẽ không dám nói gì hết. Mà thôi, đủ rồi. Bác đã nói quá nhiều. Đã tán gẫu  nhiều hơn những điều cần thiết. Bây giờ, bác phải đi đây.
Hoảng hồn.Tôi đi giật lùi và vội bước ra khỏi nhà.

Khi tôi đóng lại cánh cửa sau lưng thì chút tự chủ cuối cùng cũng biến mất.Như một con thú bị thương, sự khiếp hãi gầm lên trong tôi như một phản ứng cuối cùng trước khi ngã vật. Gần  một tháng nay tôi đã phải đến viện ung bướu để truyền thuốc mỗi tuần ba lần. Tôi đã vật vã và chịu đựng những cơn đau, những trận nôn nửa. Thốc tháo. Người ta nói giúp tôi khỏi bệnh. Tôi đã chấp nhận sử dụng loại thuốc tân tiến, phát minh mới nhất của y học. Nhưng tình trạng của tôi  đâu cần đến những thứ đó. Tôi đã chịu những sự hành hạ không cần thiết.
Tuyệt vọng, tôi  cầm chai thuốc  trong túi xách ném vào vách tường.
Đà ném quá mạnh làm tôi mất thăng bằng.
Mắt tôi hoa lên, chuệnh choạng bước thêm vài bước, dang hai tay vịn vào tường mới có thể bước xuống những bậc thang. Đi đâu bây giờ? Tôi không biết. Nhà thì không thể vào còn nếu chạy loanh quanh ngoài đường thì tôi biết mình sẽ gục ngã. Đến nằm nhà bạn bè ư? Tôi không thể lê cái xác vô hồn này đến ăn vạ nhà ai… Suy nghĩ… Cuối cùng tôi lấy xe chạy vào một nhà trọ, thuê một phòng để nằm tạm vài giờ.
Khi mở được cửa, tôi nằm vật xuống giường như một tảng đá. Ý thức của tôi lúc đó bị rối loạn và ruột gan chỉ thấy một nỗi đau, như vừa bị một miếng đòn thâm hiểm mà định mệnh đã giáng trúng. Hy vọng cuối cùng của tôi đã bị đạp đổ. Tôi nằm úp mặt vào gối. Tôi muốn kiềm chế hơi thở để bình tĩnh lại. Nhưng những kiến thức về thiền chẳng giúp gì được. Trạng thái đóng cửa với ngoại cảnh đã thất bại. Thay vào đó, tôi cảm thấy có một sức ép lên hai bên thái dương.  Nhẹ,  nhưng sau mỗi đợt co thắt, nó làm tôi tê dại. Tôi muốn hét lên. Tôi muốn thét gào nỗi sợ với ai đó, hay đập phá mọi thứ xung quanh.
Áp lực của cõi sống như càng lúc càng đè nặng lên ngực.
Lúc cơn đau dịu đi, tôi cố gắng thu hết tàn lực để suy nghĩ. Thế nhưng đầu óc cứ trống không. Có một cái gì đó lờ mờ làm đầu óc tôi càng lúc càng mụ mị.  Bốn bức tường của căn phòng như lắc lư dịch chuyển. Chúng khép dần như bắt vít, thu hẹp khoảng không. Không gian dồn ép, vây chặt lấy tôi, khủng khiếp như bị nhốt trong một chiếc quan tài bằng kính. Xung quanh tôi chỉ có sự yên lặng của huyệt mộ. “Tôi đã làm gì? Tại sao số phận lại khắc nghiệt với tôi?”. Không có trả lời. Tôi chỉ thấy sự cô đơn của chính bản thân mình trong thế giới này. Tôi cảm giác mình chỉ còn là một mẩu thể xác đang thoi thóp, cơ thể còn ấm nóng nhưng không còn một chút sinh lực. Cái chết dữ tợn đang chậm chạp bước đến, các tế bào rồi sẽ lần lượt chết vì trái chôm chôm mỗi lúc một phình to và cô Gấm sẽ nằm bất động, ý thức, chờ đến lúc trái tim hoàn toàn ngừng đập.
Tôi nằm vật trên giường, hai hàm răng cắn chặt vào mép áo để khỏi phải hét lên. Vì cuồng điên và  bất lực.
Tâm trí tôi mờ ảo như một đám sương mù. Hai bên thái dương đau nhức, tôi thiếp đi trong một cơn mơ màng.
Giấc ngủ đã đến. Nhưng có lẽ đó không phải là giấc ngủ mà là một sự mê mệt, một sự quên lãng hoàn toàn. Từ trước đến nay chưa bao giờ tiềm thức của tôi lại chìm đắm trong một sự lãng quên đến thế, khó khăn lắm tôi mới có thể kéo dần tiềm thức trở về với thực tại, từng tí, từng tí một. Khi tỉnh dậy, tri giác của tôi vẫn không sao xác định được thời gian. Chỉ mơ hồ hiểu là trời sắp về chiều. Và tiếp theo cảm giác đó là nỗi sợ hãi.
Nó đã bám theo tôi ngay cả trong giấc ngủ.

Sự im lặng trong căn phòng bỗng làm tôi khó chịu. Tôi ngồi bật dậy mở toang cửa sổ. Những khối tháp bằng ciment án mất tầm nhìn. Có lúc tôi tưởng như tất cả những cao ốc đang sừng sững mọc lên trong thành phố này đang ngạo nghễ đè lên ngực mình. Cùng với nó là khói bụi, tường vách, ban-công, nóc nhà sắt thép đang đổ ụp. Tôi có cảm giác là thân thể mình mỗi lúc mỗi cứng đờ, và có lúc, trong cơn sợ hãi điên cuồng, tôi muốn khóc rống lên làm náo động cả cái thế giới này.
Không. Cần phải ra khỏi nơi đây. Phải đi ngay, đi ngay… nhưng trời đất bao la thế này mà tôi chẳng biết về đâu. Tôi không còn một chỗ nào để được yên thân. Tuy nhiên tôi hiểu là mình cần phải đi khỏi đây, cần phải thoát khỏi sự im lặng khủng khiếp này.
Và bất thình lình, tôi ngồi bật dậy lao ra hành lang.
Sau lưng là cánh cửa mở toang hoác. Và trong sự ngạc nhiên của nhân viên phòng nghỉ tôi thanh toán tiền phòng trong vội vã, lấy xe rồi phóng ra ngoài.
Tôi chạy trên đường đờ đẫn như một kẻ mộng du. Những hình ảnh và khuôn mặt bềnh bồng quanh mình như những bóng ma. Tôi nhìn mọi người, và có lẽ mọi người cũng nhìn lại tôi, nhưng tôi như không thấy gì cả.Tôi không ý thức là mình đang nhìn cái gì. Mình đang chạy đi đâu. Chỉ có tay lái và tay ga không hiểu bằng cách nào cứ cho xe lao đi, chạy vun vút trên đường phố.
Một mối quan hệ nào đó bình thường điều khiển trí óc của tôi giờ đây như bị đứt đoạn. Tôi lái xe mà như không chủ đích, cứ  giữ tay lái và chạy, tiến mãi về phía trước như muốn bỏ lại nỗi sợ ở phía sau lưng. Có lúc tôi đi bình thường, có lúc tôi như đứng lại, chỉ có con đường nhựa đang chạy dưới chân. Có lúc mọi vật đứng yên mà cũng có lúc những cột điện chao đảo, lắc qua lắc lại… và tôi tưởng mình sẽ ngã. Những lúc ấy, theo bản năng tôi cố giữ thăng bằng và chạy chậm...
 Phản xạ  đưa tôi chạy về  phía cầu Bình Triệu nhưng tôi không  về  nhà mà rẽ xe qua Thanh Đa, về hướng Bình Quới.
Đến một góc khuất tôi dựng xe rồi bước dọc theo bờ sông. Tôi đi rất lâu và khi đã mệt nhoài tôi vẫn bước tiếp mặc cái mệt rã rời trong cơ bắp. Đi, đi mãi và cuối cùng tôi tìm được một nơi vắng vẻ và cạnh đó một bãi cỏ xanh. Mới đầu tôi ngồi nhưng chỉ một lát tôi thả người nằm ngửa ra bất động, hai cánh tay và đôi chân giang ra thành hình chiếc thập tự trên nền cỏ xanh mềm; Tôi nằm yên và nhắm mắt lại. Sự vĩ đại của cơn mệt nhọc tự nó đã làm giảm bớt căng thẳng. Nó không cho phép một cảm giác bất kỳ nào khác ngoài sự dễ chịu khi sự căng thẳng rời dần khỏi các cơ bắp. Tôi hít thở như lời bác Thuận dạy: “Hít vào sự bình an. Thở ra, thãi  những lo âu, sợ hãi hay căng thẳng”.
Nằm yên như thế một đỗi lâu tôi thấy người dễ chịu. Tôi chuyển thế nằm sấp, chống hai khuỷu tay ra phía trước, hai bàn tay chống lấy cằm rồi ngắm nghía những đường vân trên những chiếc lá nhỏ nằm trước mặt mình. Có lúc tôi ngắt một bông hoa dại, làm những sợi cỏ đung đưa, run rẩy. Nhìn chán, tôi xoay người nằm ngửa, cảm nhận hơi ấm của thảm cỏ dưới lưng mình. Trên cành cây, những chiếc lá có thứ màu xanh mượt mà khác hẳn những chiếc lá ửng vàng bám đầy bụi bặm trong thành phố. Các lá cây bất động treo trên nền trời vàng chanh bóng loáng. Vẻ xanh xao của bầu trời càng làm cho ánh sáng chiều yếu dần. Tôi ấn mạnh lưng xuống đất và chợt cảm thấy một sự khoan khoái nhè nhẹ trong các cơ bắp. Nằm một lát tôi chống tay đứng dậy, đi dọc bờ sông, nhìn bóng mây phản chiếu trên mặt nước. Có hai bầu trời. Một trên cao. Một dưới thấp. Đường chân trời xa tắp, không biết đâu là giới hạn.

Chiều xuống. Tôi nhìn những mảng lục bình đang bập bềnh trôi. Nắng đã tắt gần hết; Chỉ còn sót lại một mảng nắng trên đọt cây cao. Lòng tôi tự nhiên chùng xuống. Tôi chưa hiểu tại sao bên một dòng sông… trong cái thời khắc của buổi chiều tàn lại gây xúc động tâm hồn mình đến thế. Có lẽ giữa phút giao hoà của ngày và đêm, sự phối hợp của nắng vàng và bóng tối đang choàng lên tạo vật một sắc màu lung linh huyền bí.
Bầu trời  chiếu sáng mờ mờ,  xanh và rộng như một đại dương phẳng lặng. Bên góc trái còn có một mảnh trăng lưỡi liềm, lơ lửng như treo giữa mênh mông thăm thẳm.
Gió nhè nhẹ thổi. Trời đang trong bỗng mây trắng ở đâu chậm chạp kéo về, bay từ hướng  đông nam qua tây bắc. Những tầng mây, mới đầu lẻ tẻ, thưa thớt nhưng chỉ trong chốc lát chúng kết hợp  thành nhiều khối, rồi đột  ngột hiện ra như  muôn nghìn đền đài đồ sộ; mỗi khối có kích thước lớn hơn ức vạn ngôi đền thông thường mà con người xây dựng xưa nay. Nó có những đỉnh cao như toà tháp, những mái bằng nhô cao, vạt thấp, những hình trôn ốc được chạm khắc, đường nét đậm nhạt uyển chuyển giữa trời… hình ảnh xem giống Angkor-wat, mà còn vĩ đại hơn Angkor-wat hàng trăm hàng vạn lần.
Nhưng có lẽ tôi không nên gọi nó là Angkor-wat, mà phải gọi là đại vực, là Grand Canyon vĩ đại và đồ sộ.
Một bức tranh thiên nhiên kỳ tuyệt hiện lên sừng sững giữa trời cao.
Xung quanh khối tháp bên phải có ánh nắng chiếu vào, do một khúc xạ và phản chiếu kỳ ảo, ánh sáng biến thành những đường viền màu trắng, làm những đền đài kia càng thêm sáng chói và rực rỡ.
Màu sắc của  đại vực lộng lẫy và biến hoá vô lường.
Tôi nhìn sững cảnh sắc kỳ lạ đó như kẻ bị thôi miên.
Thời khắc như dừng lại, và cảnh đền đài đồ sộ hiện giữa không trung  kéo dài đâu chừng vài  phút.
Bởi, sau mốc thời gian đó, một điều kỳ lạ đã xảy ra.
Gió!
Bầu trời chuyển động. Gió nổi lên. Mỗi lúc mỗi mạnh. Những khối mây vần vũ, dịch chuyển, đổi ngôi. Có một khối  tháp lớn bay qua, che khuất,  như va chạm vào ngôi đền làm tường thành ập xuống. Trên thinh không những vân sóng đồng tâm, tầng tầng lớp lớp loang ra, lan rộng.
Theo làn sóng những đền đài, miếu mạo bị chấn động, run rẩy, tự dát mỏng, biến dạng rồi  chìm đi. Mất hút.
Cảnh tự xoá diễn ra chậm chạp. Trịnh trọng và thần bí như tuân theo một nghi lễ trang nghiêm.
Bất ngờ hiện ra, đột ngột biến mất.
Tất cả những hình tượng đó chợt làm tôi thấy rõ sự sụp đổ; như sự tan vỡ của ảo tưởng. Và ngộ ra sự trần trụi của phù du.
Mọi phiền muộn, lo toan trong đời đều điên rồ, vô nghĩa.
Rồi cuốn hút trong chấn động của vân sóng, những lo âu, phiền muộn bỗng chốc tiêu tan; Tình yêu, khổ đau, bệnh tật, hạnh phúc, tử sinh chỉ là hư ảo.
Tất cả đều bị xoá mờ.
Trên bầu trời phút chốc chỉ còn một màu mây xám.
Những tảng mây  không còn hình thù gì rõ nét.
Dưới ánh hoàng hôn, lác đác có vài khối mây riêng lẻ. Có khối vàng vọt  nhưng cũng có khối sẫm đậm màu da cam.
Phần lớn đã tự dát mỏng và phân tán như muôn nghìn lông ngỗng, vắt vẻo giữa trời.
Dòng sông trước mặt vẫn đang chảy nhẹ nhàng thoải mái trước mắt tôi. Tiếng nước chảy rì rào. Tôi đến sát bờ, soi mình trong dòng nước. Tôi nhìn thấy khuôn mặt và mái tóc xoả dài phản chiếu trên mặt gương. Dường như trong mờ mờ nhân ảnh còn có cái gì của quá khứ, của hiện tại và của tương lai đang quyện vào nhau. Kiếp trước, kiếp sau, đời này tiếp nối. Khuôn mặt dừng lại vài giây, như nhìn lại tôi, rồi, bất chợt một con nước xoáy, bóng ảnh kia tan biến.
Ngay lúc ấy, tôi thấy một cơn đau, nhói lên giữa ngực. Nhưng tôi chỉ khẽ đặt một bàn tay lên ngực mà không sợ hãi. Tôi biết  rồi sẽ có một cơn đau sung sướng, hiệu quả như một nhát dao chí mạng, vết thương vỡ mủ, ứa ra… sau đó tất cả sẽ chấm dứt. Và cuối cùng máu sẽ phọt ra  từ hai trái phổi, phù phù rửa hết những đau thương và bất hạnh.
Đây đó, mây tản mác thành những mảng đen lấp loáng, như vết dầu loang trên biển.
Chiều đang xuống nhanh. Mặt trời sắp tắt…

Trích tiểu thuyết  “Bàn tay nhỏ dưới mưa”
(Công ty văn hóa Phương Nam & Nhà xuất bản Hội nhà Văn -2011)
(từ trang 320-327)


hai bàn tay thì đầy

(Đọc Bàn tay nhỏ dưới mưa, tiểu thuyết của Trương Văn Dân, Nxb Hội Nhà văn, 2011)

Đọc một cuốn tiểu thuyết dài hơn 400 trang trong bối cảnh đời sống hiện nay quả là một việc không mấy dễ dàng ngay cả với những người được coi là chuyên tâm nghiên cứu văn học. Vậy mà tôi đã đọc tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa của Trương Văn Dân một cách say sưa, nhiều khi lén lau nước mắt vì sợ người khác nhìn thấy sự mềm lòng của một người đàn ông tuổi ngoài sáu mươi vẫn được bạn bè và đồng nghiệp coi là cứng rắn, vững vàng trong cuộc sống. Cái định đề “Quy luật của nghệ thuật là quy luật của tình cảm” mà ai đó, lúc nào đó cho rằng “xưa rồi Diễm ơi!”, nay tôi lại thấy thật đúng và thật tâm đắc.
Một kiếp người như Gấm – nhân vật chính đứng ra kể chuyện đời mình bằng nhật kí – thật khổ hạnh và bi ai trong một xã hội mà đôi lúc chúng ta ảo tưởng rằng đã là thiên đường giữa trần gian. Ở độ tuổi xấp xỉ bốn mươi, trải qua hai đời chồng, có một cô con gái nhỏ thơ ngây (tên Liên), Gấm mới bắt đầu đi tìm hạnh phúc cho mình. Tìm và gặp, cuối cùng thì Gấm đã gặp được Anh (làm nghề báo, vợ và con mất trước đó), cùng một cảnh ngộ, có thể tri âm tri kỉ. Đến bây giờ Gấm mới nhận biết được, thấm thía được tình yêu và mới thấy “như yêu lần đầu”, mới thấy “hạnh phúc thật ra ở ngay trong những điều nhỏ nhặt”. Gặp được Anh, Gấm mới “ngộ” ra được nhiều điều sơ đẳng mà lại như là chân lí của đời sống. Nhưng số phận của Gấm thật éo le và tột cùng đau đớn. Đúng khi tưởng như nắm giữ được hạnh phúc với người đàn ông của đời mình (“một nửa” của mỗi con người), thì Gấm lại phát bạo bệnh (bị ung thư). Tất cả vỡ vụn và sụp đổ tan tành trong con người Gấm. Một lần đã lâu, tôi có đọc một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Đumbatze nhan đề Quy luật của muôn đời, có một ý ngẫm thấy thú vị: trong đời mỗi người, nên có một lần nằm trong bệnh viện, đó là dịp tốt nhất để ta suy ngẫm chín chắn về giá trị, ý nghĩa của con người và đời sống. Lần này Gấm phải đối diện với cái chết, vì thế cũng là lần đầu tiên chị ý thức được “Tôi là ai? Là con Gấm? Là đứa bé bị đời bạc đãi, là người con gái trôi sông lạc chợ, bám víu vào những cuộc hôn nhân, thực chất là bè gỗ mục, chấp chới giữa dòng chảy xiết? Tôi là kết tinh của sự bất hạnh hay là người phụ nữ được yêu, được vỗ về, che chở để có thể tự cho mình là người hạnh phúc nhất trần gian? Tôi là một, hay là tất cả những hình ảnh phản chiếu từ những chiếc gương xung quanh mình do cuộc đời sắp đặt: tôi phản chiếu thành bóng trên gương và bóng lại phản chiếu lên những tấm gương khác, tạo thành chuỗi hình ảnh vô cùng vô tận. Phản chiếu của phản chiếu, hình ảnh của hình ảnh, cùng với tiếng vọng của âm thanh pha lẫn giọng cười, tiếng khóc?”.Cũng lần đầu tiên, do phải đối mặt với cái chết, Gấm bắt đầu ý thức được vấn đề “thân và tâm” của một cá thể người. Cái chết của Gấm, đáng lí là bi đát, nhưng do “ngộ” ra được cái tất yếu, cái vô hạn của cuộc đời và cái hữu hạn của kiếp người, nên lại “nhẹ tựa lông hồng”. Gấm đã bay vào cõi vô cùng, để cuối cùng “cát bụi trở về với cát bụi”. Gấm cảm thấy hạnh phúc vì “Còn tôi, tôi đã về lại với chính mình. Hòa nhập vào thiên nhiên có lẽ là phần vi diệu nhất trong tất cả những gì hiện hữu dưới ánh sáng mặt trời”. Như thế là Gấm đã ngộ ra được lẽ tử sinh, đã ý thức được cái giới hạn vươn lên cõi vô cùng của con người trong thế giới này.
Lối viết của Trương Văn Dân trong Bàn tay nhỏ dưới mưa, thoạt trông có vẻ như rất thật theo cái triết lí “khôn ngoan chẳng lọ thật thà” của dân gian. Trong phần kết Tro bụi và Trần gian, nhân vật Anh (xưng Tôi) viết“Câu chuyện mà các bạn đang đọc được viết lại theo nhật kí của Gấm (…). Qua những trang viết của Gấm, tôi chỉ làm công việc chủ yếu là sửa vài lỗi chính tả, viết xen vào vài đoạn cho câu chuyện mạch lạc. Còn phần nội dung và cảm xúc thì tôi cố gắng giữ nguyên, dù đôi khi những ý tưởng của Gấm mâu thuẫn hay rối rắm, phản ảnh một tâm lí rối ren tất yếu phát sinh từ những uẩn khúc, sợ hãi, khát khao trong những ngày cuối đời của nàng”. Tuy được biện minh như thế nhưng độc giả nhận thấy cái thật của câu chuyện không phải là “thật như đếm”, mà đã được chăm sóc cẩn trọng, được tính toán đến từng ý, từng đoạn, thậm chí từng câu chữ. Sẽ có người coi sự “dài dòng” là một nhược điểm của tiểu thuyết này vì nó làm mất thì giờ của độc giả. Đúng là dài, nhưng dài không phải vì tác giả “độn” vào nhiều thứ, mà vì bản thân câu chuyện tình, trong trường hợp này, quả thực là miên man bất tận.
Tôi muốn nói đến văn phong của tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa. Lâu nay, khi bàn về tính hấp dẫn của một tác phẩm văn chương, ta thường nghiêng bàn về giá trị nội dung (về “chuyện” của một tác phẩm văn xuôi), đôi khi ít chú ý tới “văn chương là nghệ thuật ngôn từ”. Tôi thấy tác giả là một người có ý thức “làm văn”. Tại sao không?! Nhưng câu chữ  của tác phẩm lại giản dị một lòng yêu đời, yêu người. Đọc kĩ thấy rõ trước hết những gì được viết ra đều từ một cảm xúc run bật, chín và mạnh – chính điều đó dẫn dụ độc giả vào câu chuyện, vào các tình huống, tâm trạng, cảnh ngộ của nhân vật “Rồi vĩnh viễn yên nghỉ trong vườn địa đàng (…). Gấm như con bướm thoát xác, chỉ để lại vỏ kén. Còn hồn nàng vút lên trời, như quả pháo thăng thiên. Và tôi tin là Gấm còn biết rằng, dù nàng đã ra đi nhưng tình yêu thiêng liêng của nàng trong cuộc sống này không bao giờ mất (…). Giờ thì Gấm đã thành mây. Tôi có cảm giác rằng ngay lúc cảm thấy mình sắp chết, nàng đã ý thức rất rõ ràng về cái chết của mình. Nàng đã cảm nhận được sự tái sinh và cũng ý thức được rất rõ sự tái sinh của mình. Vì Gấm sẽ chờ tôi bên kia thế giới. Để cùng quay lại trần gian”.
Một cái kết không “có hậu”, nhưng có sao đâu khi cuộc đời không phải lúc nào cũng có hậu, cũng chia đều may mắn và hạnh phúc cho từng người vì “Tôi kinh hãi nghĩ đến những con thuyền neo bến mà không còn kẻ qua sông”. Một bạn văn của tôi đã đọc cuốn sách này và có ý cho rằng tác giả viết như không tính đến kĩ thuật. Đúng như thế. Nhưng phải nói lại rằng, trong bất cứ nghề gì, khi đã chín, đã sâu, đã tận tâm thì công việc cứ băng băng như là không cố ý cố gắng, nhưng hiệu quả lại cao, lại bền vững. Thật ra thì Trương Văn Dân đã thử bút trong truyện ngắn (Hành trang ngày trở lại - Tập truyện ngắn – Nxb Trẻ, 2007), nên ít nhiều có kinh nghiệm viết.
Gần đây tôi có đọc tiểu thuyết Một bàn tay thì đầy của Hoàng Việt Hằng (Nxb Phụ nữ, 2010). Nhưng tôi thấy Trương Văn Dân lại có cái tứ khác “hai bàn tay mới đầy”. Cả cuốn tiểu thuyết là nghệ thuật hoá ý tưởng sau “Trong cuốn nhật kí, giữa những trang giấy, tôi còn thấy có một tờ giấy ruột của quyển vở học trò được gấp làm tư. Khi mở ra, đặt lên bàn, tôi dùng bàn tay vuốt cho thẳng nếp. Trên mặt giấy có in hình hai bàn tay. Một bàn tay nhỏ bên trái và một bàn tay bên phải to hơn và khi gấp giấy thì hai bàn tay ấy chạm vào nhau. Mắt tôi ướt đẫm. Tôi nhớ đến những lần thấy Gấm và bé Liên xòe hai bàn tay phải áp vào nhau, rồi cười lên vui vẻ. Hai bàn tay ấy Gấm đã đặt trong quyển vở ghi chép tất cả những bí mật của đời nàng”.
Tôi nghĩ cuộc khám phá bí mật đời sống tâm hồn con người của tác giả Trương Văn Dân đã chạm tới thành công bước đầu rất khả quan./.

Hà Nội 4-2012
Bùi Việt Thắng
----------------------
* nguồn: xunau.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét