In được hơn chục bài thơ trên báo địa phương, anh thôi chân
nhân viên văn hóa xã, làm một cuộc… đại nhảy vọt vào Hội
Văn học nghệ thuật tỉnh. Dân làng rỉ tai nhau:
“Xã mình có một nhà thơ”.
tấm thẻ… nhà thơ
Hôm nhận thẻ hội viên, anh mừng quýnh. Nâng tấm thẻ trước
mặt vợ, anh nói: “Nè, coi đi, đã lắm!”. Vợ nheo mắt nhìn, hỏi:
“Thẻ này có lãnh được tiền hằng tháng như thẻ thương binh
hông anh?”. Anh nói: “Cái này thuộc phạm trù thơ ca nên
hương hoa là chủ yếu thôi em...”.
Cuộc nhậu mừng “sự kiện” diễn ra. Bạn bè chuyền tay nhau
ngắm nghía tấm thẻ. Ai cũng xuýt xoa nói sướng hè, ảnh ông
trông nghệ sĩ lắm, cái trán y chang nhà thơ Xuân Diệu. Làng
này nhất ông. Mình hỏi vô hội khó không, anh nói căng lắm,
đợt này có mấy chục hồ sơ mà chỉ xét được ba người. Tui là
một, hai ông sếp cấp sở về hưu nữa là hết vé.
Ban chấp hành soi kỹ lắm. Tác phẩm phải có tiếng vang trong công chúng, triết
lý sâu sắc, có tính thời đại… thì tác giả mới được vào hội.
Bạn bè xuống bếp kéo vợ anh lên chúc mừng. Chị ngồi lơ ngơ
trông thật tội nghiệp. Một người khéo miệng nói cái thẻ hội
viên của anh lấp lánh niềm tự hào của chị. Công chị cúc cung
tận tụy chăm sóc để có một ngày anh hót ra thơ. Một giáo viên
văn khen khéo hơn, nói hình tượng xuyên suốt thơ anh là bóng
dáng cuộc đời lam lũ của chị. Mỗi từ “em” trong thơ anh đau
đáu nỗi niềm.
Nhưng có lẽ lời khen của ông trưởng đài “truyền thanh phát lại
huyện” là khéo nhất: “Dưới ngòi bút của anh, khói thuốc lá trở
thành khói lam chiều. Hình ảnh em và rượu, biệt ly và sầu
mộng là những nốt bổng trầm trong thơ anh”.
Lâng lâng với nàng thơ, anh không nghe “tiếng lòng” của vợ
đang… thổn thức: Đồ mồi, bia bọt bay tưng gần ba triệu!
Câu thơ gãy đổ
Thấy anh ngày càng lơ tơ mơ, anh thợ điện cùng xóm đặt vè:
Từ ngày có thẻ nhà thơ/ bỗng chàng ra ngẩn vào ngơ u sầu.
Anh nổi điên, nói điện không thắp sáng tâm hồn. Mày làm sao
thấu hiểu cõi vi diệu của thơ ca. Cút đi, đồ chập mạch.
Mái tóc đang gọn, anh để dài lòa xòa cho ra vẻ nghệ sĩ. Vợ
quét sân, anh dặn chừa một khoảng lá vàng để anh làm thơ về
mùa thu. Vợ cười cười, nói bữa nào anh làm thơ về biển, em sẽ
gánh cho anh mấy thùng nước mặn.
Anh thường lên tỉnh, lờ vờ ở văn phòng hội hoặc tòa soạn báo.
Tháng nào anh cũng mấy lần đưa “thi hữu” về đãi đằng cơm
rượu, đọc thơ thâu đêm suốt sáng. Vợ anh mách mẹ. Chẳng
biết thơ là gì, bà mẹ đã 90 tuổi chống gậy lập cập tới rầy anh,
nói sao con không tìm việc gì tử tế mà làm, lại đi làm thơ. Anh
nói mẹ ơi, bao nhiêu người sẵn sàng bỏ tiền để làm nhà thơ mà
không được đấy.
Mặc vợ kêu ca, anh cứ thơ ca. Đêm nào vợ cũng phòng không
trằn trọc. Còn anh thức đến ba bốn giờ sáng để làm thơ. Anh
hay dẫn câu nói của ai đó, rằng nếu đời xô anh ngã, anh sẽ vịn
câu thơ đứng dậy.
Một lần anh dự trại viết ở Đà Lạt, gã thợ điện từng bị anh chửi
được chị mời đến chỉnh sửa đường dây. Chị loay hoay đưa cái
này, lấy cái nọ giúp gã. Đứng trên ghế cao, ánh mắt gã đậu trên
đôi nhũ hoa phập phồng của chị. Gã bông lơn, thả bóng đèn trái
ớt rơi đúng vào “khe núi”…
Thấy gã thợ chạy đường dây hơi lâu, cô em chồng sinh nghi
nên mò sang. Cô ta sững sờ khi thấy chị dâu và gã thợ trong
buồng ngủ.
Kết thúc trại, anh được một chùm thơ tình nhưng mất vợ. Anh
sầu đời, nát rượu, dáng hiu hắt, liêu xiêu. Em gái anh nói anh
hãy vịn câu thơ mà đứng dậy. Anh cười buồn, nói đừng xỏ xiên
anh nữa, câu thơ gãy đổ rồi em.
---------------------------
* nguồn báo Thanh Niên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét