Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

tri kỷ & tôi - đỗ hồng ngọc * thơ













người bác sĩ bạn tôi

Một chục bác sĩ xúm quanh bác sĩ bạn tôi
trầm ngâm
Một chục bác sĩ ngồi quanh bác sĩ bạn tôi
lắc đầu
Người vợ bác sĩ nằm dưới chân chồng bác sĩ
mím môi
Người con bác sĩ ôm người cha bác sĩ
nín khóc

Tất cả đều bất lực
như bó tay
trước Thần chết…

Trừ một người
duy nhất:
bạn tôi

Anh nhìn Thần chết cười cười
dắt tay Thần chết đi chơi
loanh quanh
nghêu ngao ca hát
rồi hôn lên môi Thần chết
giả từ
mỗi người đi về một phía.

Người bác sĩ bạn tôi,
Trương Thìn
là vậy đó!

(Saigon 26.10.12)


ngày về Huế

Tôi thức trắng đêm ở Đà Nẵng
Ngày mai hội thảo
mặc kệ ngày mai
Cứ thấy bạn tôi chập chờn
Cứ thấy bạn tôi bay bay
mà không bắt tay nhau được
mà không nói được với nhau lời nào

Rồi tôi về Huế
Lạ lùng thay con đường nào cũng mang tên
Dù Vỹ dạ, Đập đá, Bao Vinh
Chỗ nào cũng thấy đường Trương Thìn
Nhưng rồi tôi chợt nhớ
Chỉ có mỗi con đường duy nhất
ở lòng tôi.

Tôi ra bờ sông 
Nơi thuyền chở trăng về chưa kịp
Nơi lô nhô những chiếc thuyền rồng
buồn thiu đợi khách
Tôi lên tận Tuần
Nhìn tả trạch hữu trạch
nơi dòng sông ngan ngát trôi về
Tôi ghé Kim Long
mỹ miều đâu nữa
để liều để đi…

Khi bạn tôi chẳng về
cùng tôi hôm nay!

(Huế 20.10.12)

----------------
* nguồn: vcv.org


 

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

TIN BUỒN: Thi Sĩ & nghệ sĩ Tô Kiều Ngân vừa ra đi…


 


CHIA BUỒN
Chúng tôi vừa được tin muộn:
Nhà thơ, nghệ sĩ TÔ KIỀU NGÂN đã qua đời vì bạo bệnh, hưởng thọ 86 tuổi.
Lễ nhập quan vào lúc 14 giờ ngày 20 tháng 10 năm 2012 (nhằm ngày mồng 06 tháng 09 năm Nhâm Thìn). Lễ động quan lúc 09 giờ sáng ngày 24 tháng 10 năm 2012 (nhằm ngày 10 tháng 09 năm Nhâm Thìn). Hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.

Chúng tôi xin chia buồn cùng tang quyến và cầu chúc hương linh ông sớm về miền Cực Lạc.
Nhóm bạn THỜI VĂN HP TUYỂN


chu trầm nguyên minh – tác giả bài thơ Lời tình buồn * phạm cao hoàng



Cuối thập niên 1960, những tình khúc lãng mạn của Vũ Thành An xuất hiện ở miền Nam như một luồng gió mới, được nhiều người yêu thích, nhất là giới sinh viên học sinh, trí thức và quân đội… Nhạc Vũ Thành An sang trọng, nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người. Chất lãng mạn trong nhạc của ông có một cái gì đó rất gần gũi với tâm trạng của tuổi trẻ lúc bấy giờ: buồn vì chiến tranh, sợ hãi vì phải đối mặt với những hiểm nguy, đau khổ vì chia ly, mất mát. Ngoài những bài không tên và những tình khúc do ông tự viết nhạc và lời, Vũ Thành An còn có một ít ca khúc phổ từ thơ. Một trong những ca khúc phổ từ thơ rất thành công của ông là bài LỜI TÌNH BUỒN.

LỜI TÌNH BUỒN là bài hát mà tôi nghĩ rằng dạo ấy những người yêu nhạc ai cũng đã từng nghe qua ít nhất một lần. Anh đi rồi còn ai vuốt tóc. Lời tình thơm sách vở học trò. Đêm xuống rồi em buồn không hở? Trời sa mù tầm tay với âu lo.

Bài hát ra đời năm 1967, cho đến nay đã được 45 năm. Trong 45 năm đó, LỜI TÌNH BUỒN đã được nhiều ca sĩ nổi tiếng thu âm và trình diễn, trong đó có những ca sĩ hàng đầu như Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Ngọc Lan, Khánh Hà, Duy Quang, Họa Mi, Bằng Kiều… Khi nhắc tới bài hát này, người ta thường nhắc đến nhạc sĩ Vũ Thành An, ít nhắc đến tên tác giả của bài thơ đã được phổ nhạc là CHU TRẦM NGUYÊN MINH, mặc dù trên bản nhạc khi in ra hay băng đĩa khi phát hành đều có ghi rõ: thơ Chu Trầm Nguyên Minh. Có thể do Vũ Thành An thường tự viết lời cho nhạc của ông nên nhiều người nghĩ bài hát này cũng vậy.


 
Nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh tên thật Phạm Minh Tâm, sinh năm 1943 tại Bình Thuận. Ông đã trải qua một thời tuổi thơ đầy tự hào nhưng cũng đầy bất hạnh. Cha ông đi kháng chiến, thỉnh thoảng mới tạt về thăm nhà. Ở nhà, chỉ còn lại người mẹ tảo tần nuôi dưỡng 5 người con: Phạm Minh Tâm, ba người chị, và một cậu em trai. Gia đình ông có một căn nhà gạch chắc chắn, nhưng cha ông quyết định đập bỏ, vì “nhà kiên cố Tây nó sẽ lấy để làm đồn bót, thà đập đi còn hơn”. Sau đó, mẹ ông đưa các con vào sống trong khu tam giác Phan Thiết – Ma Lâm – Mường Mán. Đây là vùng “xôi đậu”, thuộc khu “oanh kích tự do”, và em trai ông đã chết ở nơi này vì một quả đạn mọt-chê. Đầu năm 1953, Pháp mở cuộc càn quét dữ dội vào khu Tam Giác. Cả cha lẫn mẹ của ông đều bị giết trong cuộc càn quét này.

Cha mẹ không còn, nhà cửa không còn, mấy chị em cùng một số người khác kéo nhau vào khu rừng Đá Bàn giáp ranh với Lâm Đồng, sống trong bụi cây như người rừng. Khu rừng này cây cối âm u, rắn rết rất nhiều. Một ngày kia ông bị rắn độc cắn, suýt bỏ mạng trong rừng. Mấy chị em sợ quá, không dám ở đó nữa. Đầu năm 1954, bốn chị em về Phan Thiết, chia ra mỗi người sống nhờ vào một người bà con.  Lúc đầu, Phạm Minh Tâm ở với người cậu, sau chuyển sang ở với người chú ở Phú Bình, rồi bắt đầu đi học bậc trung học ở trường Phan Bội Châu (Phan Thiết). Chỗ ông ở cách trường khoảng 7 cây số, không có xe đạp, hàng ngày ông phải đi bộ đến trường. Đôi chân thì nhỏ, trường thì xa, hầu như ngày nào ông cũng phải chạy mới kịp giờ học. Gia đình tan nát vì chiến tranh, mồ côi cha mẹ sớm, sống nhờ vào người chú, ông có những nỗi buồn riêng, và chính những nỗi buồn này đã tạo ra nhiều cảm xúc, đưa ông vào con đường thi ca. Học hành trong một điều kiện hết sức khó khăn như vậy, nhưng với ý chí sắt đá và lòng kiên nhẫn, ông đã vượt qua khó khăn, theo đuổi ngành sư phạm, ra trường 1965, và được bổ nhiệm về dạy Toán tại một trường trung học ở Phan Rang. Cũng từ đây, nhiều người biết đến Chu Trầm Nguyên Minh với những bài thơ xuất hiện đều đặn trên các tạp chí văn học ở Sài Gòn: VĂN, VĂN HỌC, Ý THỨC…



Năm 1967, cường độ cuộc chiến gia tăng, nhiều giáo chức được gọi nhập ngũ. Chu Trầm Nguyên Minh nằm trong số đó. Ông nhập ngũ khóa 25 Thủ Đức, cùng khóa với nhạc sĩ Vũ Thành An. Chuyện nhập ngũ lại trở thành cái “duyên văn nghệ”, và bài hát LỜI TÌNH BUỒN (thơ Chu Trầm Nguyên Minh, nhạc Vũ Thành An) đã được Vũ Thành An viết vào năm đó. Điều đáng chú ý là tự thân bài thơ này đã là một bài thơ hay, lời bài thơ rất thật, chất nhạc đã có sẵn trong bài thơ, nên Vũ Thành An dễ dàng chuyển thành một trong những tình khúc hay nhất trong 45 năm qua.

Hiện nay Chu Trầm Nguyên Minh sống ở Sài Gòn.

-------------------------------
* nguồn: phamcaohoang blog

Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

bài chủ nhật số 8 - nguyễn đăng trình * thơ
















phố buồn buồn cuối mùa mưa
hoe hoe màu nắng vàng chưa chịu vàng
gió tin yêu mãi lang thang
em thì… chân sáo chẳng hoang đàng về…

sớm chiều ngồi dỏng tai nghe
tiếng mầm non bật nụ xòe chồi xanh
và chiêm bao suốt năm canh
vườn tình tôi trái trĩu cành ngày xưa

phố rầu rầu cuối mùa mưa
sáu mươi mà ngỡ như vừa hai mươi
em còn đâu đó rong chơi
mãi vui quên tuốt luốt lời trăm năm!...


Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

những câu thơ bên sóng - hoàng thanh hương * thơ


bãi cát phù du-Danny Vu


này sóng, đừng vỗ nữa vào em ào ạt
biển đã đủ rộng – dài cho em thấy lẻ loi
em đã hét vào mặt biển hai ngàn lẻ hai lần
yêu anh, yêu anh, yêu anh…
biển cười trắng phau ngọn sóng
trắng phau triền cát
trắng phau không gian em khỏa thân hát
biển đêm nay biển mình em
đồi thi nhân trăng non
hồn thi nhân si tình dạy em làm thơ và hát
anh ở đâu sau một rời xa
sau một chớp mi giá buốt
em già đi từng giây, tâm trí hoang mang bấu neo vào đức phật
miệng niệm adida, tâm nhớ anh day dứt
cọng tóc biếng lười nhớ hơi ấm tay nâu
anh đã ở đâu, ở đâu
đêm nay em kể biển nghe chuyện tình của em
biển hát em nghe tình khúc Trịnh Công Sơn “Biển nhớ”
sóng rủ em múa phụ họa
sóng bảo thế gian mọi điều hư vô
chỉ còn: tình yêu và biển
sóng lại bảo em tình yêu là đức tin
.
em lặng im, lặng im
sóng cứ múa & biển cứ hát
em xoay xoay xoay trong vũ điệu đức tin.

-------------------
* nguồn: xunau.org

Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

“NGỰA CHỨNG” TRIỂN LÃM TRANH



 

Bút lực đáng nể của Bùi Chí Vinh thể hiện không những chỉ trong văn chương thơ phú mà nay còn lấn sang hội họa. Không nể sao được khi gã thi sĩ họ Bùi phi nước đại vào mảng nghệ thuật màu sắc hoàn toàn mới mẻ đối với gã với lời bộc bạch rất… chứng: “Ai cũng có thể là một con ngựa chứng như tác giả nếu dám sáng tạo, dám hành động, dám công khai sòng phẳng tư tưởng trước đám đông, dám sống cho chính mình và dám chết cho đất nước". Không nể sao được khi trong vòng non 10 tháng, Bùi Chí Vinh đã chọn trong hàng trăm tác phẩm đã sáng tác của mình, làm thành một album gồm 30 bức tranh sơn dầu và 15 bức màu nước để tổ chức một cuộc triển lãm có chủ đề: NGÀY SINH CỦA NGỰA. Không nể sao được khi gã chơi ngông chọn địa điểm triển lãm: Một không gian uy nghi, sang trọng – Nhà Bảo Tàng Thành Phố, 65 Lý Tự Trọng, quận 1, Sài Gòn (Dinh Gia Long cũ) với giá thuê (nghe đâu) 1,000usd/ ngày. Khai mạc phòng tranh lúc 9g sáng ngày 1 tháng 11 năm 2012 kéo dài đến hết ngày 5 tháng 11 năm 2012. Là thi sĩ, nhà văn nên tính cách độc đáo thể hiện rõ qua tư tưởng hội họa của Bùi Chí Vinh.

Văn Công Mỹ

Cuộc Triển Lãm “Ngày Sinh Của Ngựa” Của Bùi Chí Vinh tại Bảo Tàng Thành Phố
Tình yêu ngày tận thế
Tình yêu ngày tận thế
(sơn dầu 100×100)
Vĩ cầm đôi
Vĩ cầm đôi
(sơn dầu 70×100)
Vĩ cầm đơn
Vĩ cầm đơn
(sơn dầu 70×100)
-----------------------------
* nguồn: xunau.com

Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

cai tình - trần dzạ lữ * thơ










Tôi tự hứa tôi sẽ cai tình
Như là cai xì-ke vậy đó
Không thòm thèm bờ môi em đỏ
Không liếc nhìn đôi mắt em đen…
.
Không dám chộ chiếc váy em xinh
Xòe trong chiều lung linh nỗi nhớ
Sợ phải đi con đường đau khổ
Suốt kiếp này sẽ mô côi thêm!

Không ngu ngơ trước những lời tình
Mà phía sau rập rình chiếc bẫy
Eva trời sinh ra là vậy
Trái cấm nào không nghẹn đâu em?

Làm Adam có lắm nỗi buồn
Không dám thấy đồi thông hai mộ
Sẽ hụt hẩng, nếu như mình lỡ
Chìa đam mê ra trước rất phiền…

Tôi tự hứa tôi sẽ cai tình
Không ghiền em như ghiền ma túy
Bởi trước mặt là André Gide
Và sau lưng Khung Cửa Hẹp đã dành…

Đêm nay về, cắt máu làm tin
Uống chén rượu quên người năm cũ
Không dám ngó vầng trăng lồ lộ
Đuổi theo sau chiếc bóng của mình…

(Sài Gòn tháng 9 năm 2012)
-----------------
* nguồn: xunau.org


bài chủ nhật số 7 - nguyễn đăng trình * thơ













rất cần
em
chút sẻ chia
lòe nhòe xa
chấm
sao khuya cuối trời
đời trầy trật
tình mồ côi
dập bầm
chiếc lá vàng
trôi
ngược dòng

rất cần
em
chút cảm thông
bao năm
thèm
cái tấm lòng
mà sao?…
bốn mùa
sông suối đục ngầu
chim
không bói cá
bói vào… bóng chim!...

21/19/02

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

im lặng côn trùng – văn công mỹ * thơ


Em hát những lời gì buồn bã
Ngậm ngùi tự thuở mới nghe đau
Bài ca khô khan như bóng quạ
Ngập ngừng vết dịch chuyển bọ sâu

Ngày cũ trượt dài cơn gió lạ
Có dáng quê hương hóa hoang đường
Một lũ con người đang hóa đá
Mỗi chiều ngồi nhấm nháp tai ương

Sóng vốn bạc đầu như vỏ hến
Nay chập chùng vỗ tiếng vô âm
Khát khao quay quắt lời chính biển
Những con còng gió chết âm thầm

Dế giun lặng lẽ cùng lá mục
Tím bầm oằn nặng dấu oan khiên
Tê tái đêm dài thân cỏ cú
Thì thầm vay mượn những câu kinh

Chúa. Phật mượn vay thêm vô ích
Cuộc sống trầm luân vốn tự người
Quay mặt ngồi thiền nơi bức vách
Còn thua ngọn cỏ tự sinh sôi…



Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

hà duy phương * thơ



tan

đời sống dặt dìu Boléro
em bỗng nhảy điệu Mambo
đôi mắt hoan lạc
co giật / vặn vẹo ánh nhìn vào thế giới khác

có một dạo rình rập chính mình

rồi chụp bắt bóng
em đã làm vỡ toang sắc nắng
loang nát màu trăng

điệu Mambo dập tàn hốc mắt
tan ánh nhìn vào vong mộng
góc hồn em một góc trời hẻo lánh
con nhạc sành róc giọng đan đêm

mùi hương

có một mùi hương rất lạ
không đến từ thịt da
như bao loại mùi hương
tôi đã từng bị quyến rũ
mùi hương anh ấm nồng cảm thụ
giấc ngủ tôi vô trùng
siêu thoát mọi ưu tư…

có một mùi hương thực tại chối từ
bởi trong lành ngạt ngào hơn nắng biếc
dồn đuổi xót xa lên đỉnh sầu cay nghiệt
mùi hương lặng thầm
tôi phảng phất mơ hoang…

----------------------------
* nguồn: thuviensangtao

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

nguyễn tất nhiên - gã cuồng thơ yểu mệnh * đoàn thạch hãn




Nguyễn Tất Nhiên tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, sinh năm 1952 tại Đức Tu, Biên Hòa. Sinh thời anh chẳng đi đâu xa, chỉ quanh quẩn trong hai thành phố Biên Hòa và Sài Gòn. Lần đầu tiên tôi gặp Nhiên là dạo cuối năm 1972, tại nhà thi sĩ Du Tử Lê, một căn phòng nhỏ ở số 8, đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai). Nguyễn Tất Nhiên là "khách thơ" thường xuyên tạm trú ở đó. Lần nào tôi tới cũng thấy anh đang cặm cụi làm thơ. Tôi không hiểu tại sao trong căn phòng chật hẹp như thế, mà thằng bé Lê Tử Du, con trai của Du Tử Lê, còn đỏ hỏn, lại có thể chịu đựng nổi khói thuốc mịt mù của Nhiên phả ra như khói tàu hỏa. Nguyễn Tất Nhiên hút liên tục. Điếu này vừa dứt lại mồi tiếp điếu khác, quăng tàn thuốc la liệt xuống sàn. Lê coi Nhiên như một đứa em ruột thịt, nên Lê dọn nhà đi đâu, Nhiên cũng đi theo. 


Có những người chết trẻ, nhưng tên tuổi và tác phẩm của họ còn ở lại rất lâu với cuộc đời. Đó là Đặng Thế Phong (24 tuổi), Hoàng Quý (26 tuổi), Hàn Mặc Tử (28 tuổi), Bích Khê (30 tuổi)... Tất cả đều là những bậc tài hoa, mệnh yểu! Trong số họ, tôi hay nghĩ về bạn tôi, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên. Anh chỉ nấn ná với dương gian đến năm 40 tuổi.
Năm 1937, ở tuổi 17, Chế Lan Viên trình làng tập thơ "Điêu tàn", được coi như một kỳ tích. Năm 14 tuổi (1966), Nguyễn Tất Nhiên đã có "Nàng thơ trong mắt", rồi hai năm sau, mới tròn 16 tuổi, cùng với thi văn đoàn Tiếng Tâm Tình, Nhiên lại có tập "Dấu mưa qua đất" và 18 tuổi có tập "Thiên tai", đều ký bút danh Hoài Thi Yên Thi. Trần Đăng Khoa mới 10 tuổi đã có tập thơ riêng, được xem như thần đồng, nhưng đó là thơ dành cho thiếu nhi. Còn với thơ tình thì Nguyễn Tất Nhiên đã lập nên một kỷ lục. Có điều, chỉ với một "Điêu tàn" thôi, Chế Lan Viên đã trở thành một cây đại thụ. Còn Nguyễn Tất Nhiên, với bút hiệu Hoài Thi Yên Thi, thì dù đã in 3 tập thơ rồi, vẫn còn là một… mầm xanh! Trong làng thơ miền Nam trước 1975, với cái bút hiệu còn thơm mùi giấy học trò như thế, chàng thiếu niên của vùng đất Đồng Nai vẫn chỉ mới là con chim sẻ vừa ra ràng. Nhưng vài năm sau, khi trở thành Nguyễn Tất Nhiên, với sự chắp cánh của nhạc sĩ Phạm Duy, con chim sẻ ấy đã vững cánh bay xa…

Nguyễn Tất Nhiên tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, sinh năm 1952 tại Đức Tu, Biên Hòa. Sinh thời anh chẳng đi đâu xa, chỉ quanh quẩn trong hai thành phố Biên Hòa và Sài Gòn. Lần đầu tiên tôi gặp Nhiên là dạo cuối năm 1972, tại nhà thi sĩ Du Tử Lê, một căn phòng nhỏ ở số 8, đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai). Nguyễn Tất Nhiên là "khách thơ" thường xuyên tạm trú ở đó. Lần nào tôi tới cũng thấy anh đang cặm cụi làm thơ. Tôi không hiểu tại sao trong căn phòng chật hẹp như thế, mà thằng bé Lê Tử Du, con trai của Du Tử Lê, còn đỏ hỏn, lại có thể chịu đựng nổi khói thuốc mịt mù của Nhiên phả ra như khói tàu hỏa. Nguyễn Tất Nhiên hút liên tục. Điếu này vừa dứt lại mồi tiếp điếu khác, quăng tàn thuốc la liệt xuống sàn. Lê coi Nhiên như một đứa em ruột thịt, nên Lê dọn nhà đi đâu, Nhiên cũng đi theo. Về sau, Du Tử Lê mua được một căn nhà trong làng Báo Chí ở bên kia cầu Sài Gòn và trở thành hàng xóm, láng giềng của tôi. Tôi ở cuối đường số 2. Giữa đường, có Cung Văn - Nguyễn Vạn Hồng, sát với nhà văn Thụy Vũ. Đầu đường, có họa sĩ Phạm Văn Hạng và Phan Kim Thịnh (tức nhà báo Lý Nhân, người hay viết cho An ninh thế giới sau này). Đường số 3 có Nguyễn Đình Toàn. Du Tử Lê ở đường số 4. Vài lần, Nguyễn Tất Nhiên ghé tìm, nhưng Du Tử Lê đi công tác xa, không có nhà. Chẳng còn ai thân thiết ở đây, thế là bất đắc dĩ, Nhiên qua ở lại nhà tôi.

Những lần ghé lại, Nhiên dường như không ngủ, cứ lục đục suốt đêm để pha càphê, hút thuốc và làm thơ.  Sáng, tôi chạy ra quán mua bàn chải đánh răng, khăn mặt về cho khách. Nhiên khoát tay lia lịa: "Khỏi, khỏi. Để chiều về Biên Hòa tắm luôn một lượt. Ông đọc bài thơ tôi mới làm tối qua đây này". Nguyễn Tất Nhiên không cần quan tâm đến bất cứ một điều gì khác ngoài thơ. Anh say thơ đến điên cuồng, đến mức lập dị. Lần nào gặp, tôi cũng thấy anh mặc chiếc áo ca-rô, bỏ ngoài quần tây nhăn nhúm, chân đi đôi dép lẹp xẹp, khá lôi thôi và bất cần.

Những cây viết trẻ miền Nam đều coi tạp chí Văn là mảnh đất ươm mầm, được Văn chọn đăng truyện ngắn hay thơ là lấy làm hãnh diện lắm, coi như đó là dấu ấn trưởng thành. Một hôm, tôi và Du Tử Lê, mỗi người có một bài viết về Nguyễn Tất Nhiên và Kim Tuấn (tác giả những bài thơ nổi tiếng "Anh cho em mùa xuân","Những bước chân âm thầm") trên tờ Văn Học do anh Phan Kim Thịnh làm chủ bút. Báo ra, cầm tờ Văn Học trên tay, Nguyễn Tất Nhiên nói: "Phải chi được đăng trên tờ Văn thì hay biết mấy!". Khi đó, Nhiên đã nổi tiếng, nhưng anh vẫn còn giữ nguyên cái mơ ước rất dễ thương của tuổi học trò.

Tôi với Nguyễn Tất Nhiên gặp nhau rất nhiều lần, có những lần ngồi quán càphê suốt buổi, nhưng vẫn không thân bằng so với đạo diễn Lê Cung Bắc thân với Nguyễn Tất Nhiên. Mới đây, tôi có hỏi Lê Cung Bắc: "Hồi đó, anh đi đâu trên Biên Hòa mà gắn bó với Nguyễn Tất Nhiên như thế?". Bắc kể: "Năm 1973, sau khi học xong cao học, tôi bị động viên vào trường sĩ quan Thủ Đức. Ra trường, bị thuyên chuyển lên Biên Hòa. Ở đó, tôi có mướn một căn phòng nhỏ trên đường Ngô Quyền để tá túc. Một buổi chiều, tôi từ Sài Gòn lên Biên Hòa. Xuống bến xe, đi bộ lững thững về nhà, ngang qua quán càphê Tuyệt, thì có một thanh niên ăn mặc lôi thôi, lếch thếch, trông rất lãng tử, từ trong quán đi ra, cứ lẽo đẽo theo sau. Đến đầu ngõ, tôi sắp quẹo vào, thì người thanh niên đó vượt lên hỏi, có phải anh là Lê Cung Bắc không? Tôi gật đầu. Người thanh niên tự giới thiệu mình là nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên, ái mộ tôi đã lâu, mãi đến bây giờ mới được gặp. Lúc bấy giờ thơ của Nhiên đã có tiếng tăm. Tôi lại là người yêu thơ, nên hai chúng tôi kéo nhau vào một quán càphê gần đó ngồi nói chuyện. Nguyễn Tất Nhiên tâm sự, trong đời Nhiên có hai người mà anh yêu mến và kính phục tài năng nhất. Về thi ca là Du Tử Lê, về thoại kịch là Lê Cung Bắc. Từ đó tôi và Nhiên trở nên gắn bó. Tôi coi Nhiên như em và thương nó vô cùng. Một thời gian sau, Nguyễn Tất Nhiên nói với tôi, nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ của Nhiên, mà chỉ để tên một mình ông trên bản nhạc, chứ không có tên tác giả bài thơ. Hiện các ca sĩ đang hát ì xèo mà chẳng thấy ai trả cho Nhiên một cắc bạc nào hết. Tôi đưa Nguyễn Tất Nhiên đến gặp nhà văn Chu Tử, chủ bút nhật báo Sóng Thần, tờ báo mà tôi có tên trong nhóm chủ trương. Ngay hôm sau, ông Chu Tử phang Phạm Duy một bài khá nặng trên mục Ao Thả Vịt. Thế là nổi đình, nổi đám. Về sau, nghe nói nhà xuất bản hay ai đó có điều đình và gửi cho Nhiên một số tiền, không biết là bao nhiêu. Có tiền, Nhiên nói muốn may tặng tôi một bộ veston, vì gia đình Nhiên là chủ một tiệm may khá nổi tiếng ở Biên Hòa. Nhưng tôi từ chối…"

Lê Cung Bắc còn nhận xét, Nguyễn Tất Nhiên rất dễ thương, dù có vẻ hơi bất bình thường. Nhiên từng khoe là anh giả điên rất giỏi, đến độ qua mặt được cả hội đồng giám định y khoa, để khỏi bị đi lính. Rồi Nhiên tự diễn xuất cho Bắc coi. Coi xong, Lê Cung Bắc cười ngặt nghẽo: "Chú mày có vẻ điên thật hơn là giả điên!". Sau ngày 30-4-1975, Nguyễn Tất Nhiên làm việc tại ban điều hành Hợp tác xã xe lam Biên Hòa, thỉnh thoảng vẫn về Sài Gòn, ngồi uống rượu với Lê Cung Bắc, cho đến ngày Nguyễn Tất Nhiên rời xa quê hương.

Nguyễn Tất Nhiên cũng rất thân với nhà thơ Phạm Chu Sa. Một lần ngồi uống rượu, Phạm Chu Sa nhận xét: "Bút hiệu Nguyễn Tất Nhiên nghe ngồ ngộ. Có vẻ hay và chững chạc hơn là Hoài Thi Yên Thi nhiều". Nguyễn Tất Nhiên bộc bạch ngay: "Bút hiệu này do Du Tử Lê đặt. Ngay lần đầu mới gặp, Lê đã chê cái bút hiệu Hoài Thi Yên Thi". Nguyễn Tất Nhiên hỏi Du Tử Lê: "Bạn bè em cũng chê. Cái bút hiệu này hơi sến phải không?". Lê đáp: "Tất nhiên". Khi biết là họ Nguyễn, Du Tử Lê mới nói: "Nguyễn, tất nhiên, sao không lấy là Nguyễn Tất Nhiên". Vậy là cái tên định mệnh đó ra đời, gắn chặt với thi nghiệp một con người tài hoa bạc mệnh.

Đầu thập niên 80 (của thế kỷ trước), Nguyễn Tất Nhiên sang Pháp, được vài năm thì qua Mỹ định cư. Lúc này bệnh tâm thần của Nhiên, từ giả thành thật và có phần nặng thêm. Ngày 3-8-1992, Nguyễn Tất Nhiên đã tìm đến một ngôi chùa tại quận Cam (California), uống nhiều thuốc an thần rồi vào xe hơi, nằm chết ở đó! Lúc này anh vừa tròn tuổi 40.
Đây là bài thơ được xem là cuối cùng của Nguyễn Tất Nhiên.

TÌNH ƠI HỠI TÌNH
Lâu rồi… không nhớ bao lâu
Tìm nhau trong cõi bạc đầu nhân gian
Em về dưới gót trăng tan
Có nghe thiên cổ tiếng ngàn thông đau.
Lâu rồi… lâu lắm xa nhau
Còn chăng hư ảnh trong màu thời gian
Em đi tóc lộng mây ngàn
Ngàn mây lộng khổ mây bàng bạc theo
Lâu rồi… không biết bao nhiêu
Nắng mưa trên những tan xiêu đỗ đời
Hôm em êm ả điệu ngồi
Sau lưng là những tình ơi hỡi tình. 

Mới đây, một tờ báo in trong nước đã có bài viết nhắc lại vụ kiện bản quyền nổi đình, nổi đám một thời giữa Nguyễn Tất Nhiên và Phạm Duy. Nhạc sĩ Phạm Duy phát biểu: "Vụ kiện này hắn hơi điên khùng đấy, hắn ở nhà thương điên ra mà. Tôi đâu có chịu trách nhiệm về vấn đề bản quyền. Ngày ấy, Nguyễn Tất Nhiên có bao giờ nói thẳng với tôi đâu mà chỉ qua những người khác. Tôi chỉ phổ nhạc thôi, còn nhà xuất bản trả tiền hắn chứ. Tôi không mất một xu nào cho hắn. Còn các nhà xuất bản có trả hắn không thì tôi không biết". Theo tôi thì việc ai trả tiền bản quyền và trả bao nhiêu cho Nguyễn Tất Nhiên không quan trọng. Vấn đề là một tác giả như Phạm Duy thừa hiểu rằng, khi một nhạc sĩ phổ thơ của thi sĩ nào đó, thì tên của tác giả bài thơ phải được đứng chung với tên của nhạc sĩ trên mọi ấn phẩm. Bởi vì, nhờ công sức của cả hai gộp lại mới thành ca khúc.

Nguyễn Tất Nhiên đã thành người thiên cổ và Phạm Duy cũng đã gần đất xa trời. Mọi thứ đã bị bụi thời gian phủ lấp. Nhắc lại chuyện này cũng chỉ như là một giai thoại giữa hai con người nổi tiếng, thuộc hai thế hệ khác nhau. Để có cớ nhớ về một nhà thơ, người bạn tài hoa đã khuất dặm mây ngàn…




nhìn lại văn chương 7X Sài Gòn – nguyễn hồng lam



Đôi điều về một thế hệ cầm bút ở Tp HCM

Khá vô nghĩa, nếu đặt nặng vấn đề tuổi tác trong sáng tạo, nhất là trong địa hạt văn chương. Tuy nhiên, văn chương tự thân nó lại là một chuyến đi dài. Thế hệ 8X dường như hơi trẻ, dấu ấn văn chương chưa nhiều, trong khi 6X, theo tôi, thì đã quá già. Thôi thì chọn 7X, lứa tuổi còn sung sức trong khi đoạn đường đi được cũng đã không còn quá ngắn. Và chọn Sài Gòn - Tp HCM, bởi đó là nơi tụ hội, chứ thật ra, các tác giả văn chương Sài Gòn của nhiều thế hệ cũng chẳng có mấy ai sinh ra, lớn lên ở Sài Gòn. Người rời đi không ít, người ở lại, nặng lòng với văn chương nhưng còn loay hoay mãi cũng nhiều. Tác giả văn chương 7X có khá nhiều người nổi tiếng không nhờ giá trị tác phẩm mà nhờ những ầm ĩ phi văn chương, phi thẩm mỹ. Chuyện này, thỉnh thoảng báo chí lại rộ lên rùm beng một vài vụ, vài chuyện, nhắc lại e thừa.

Sự đào thải khắc nghiệt
Các tác giả 7X đều ra mắt vào thập niên 1990, "ồ ạt" nhất là trong những năm đầu. "Bà đỡ" văn chương của thế hệ này có khá nhiều. Tờ Văn nghệ Tp HCM có trang "Hoa hàm tiếu" do nhà văn Lý Lan phụ trách, đều đặn trong nhiều năm liền, mỗi số báo đều dành đất đăng tác phẩm kèm lời giới thiệu khá chu đáo về một cây bút mới. Trên Bán nguyệt san Áo Trắng, nhà văn Đoàn Thạch Biền, cũng dành nhiều tâm huyết để xây dựng nên một "Gia đình áo trắng" quy tụ gồm toàn những sáng tác của học trò, sinh viên, những người mà nhà văn đàn anh bảo là "Tôi thương mà em đâu có hay". Nhóm "Vòm me xanh" của tờ Mực tím cũng là một sân chơi xôm tụ, những Me Xanh, Me rẫy, Mẹ Ruộng, Me Vườn… ươm mầm văn chương dưới vòm me, giờ nhiều người đã khẳng định được tên tuổi trên văn đàn, trong đó có Gia Bảo, Nguyễn Khắc Cường, Nguyễn Danh Lam, Trần Lê Sơn Ý… giờ vẫn ở lại Vườn Mực tím và đã trở thành những gốc me "cụ".
Những cuộc thi, giải thưởng văn chương cũng là nơi đã phát hiện ra nhiều cây bút mới thế hệ 7X. Nguyễn Thị Châu Giang, Nguyễn Ngọc Thuần, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Tiến Đạt, Nguyễn Lê My Hoàn… và nhiều người khác đều được bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ biết đến nhờ các cuộc thi, giải thưởng của Báo Tiền phong (tác phẩm tuổi xanh), Nhà xuất bản Trẻ (Văn học tuổi 20), báo Tuổi trẻ (thơ Bút mới)… Không đếm hết và cũng không nên đếm. Phần nhiều các tác giả đều xuất hiện ở cả hai nơi, trình làng tác phẩm tại các vườn ươm và được biết đến nhờ giải thưởng.
Như bất kỳ một người không có tác phẩm dự thi nào khác, tôi chắc rằng, nghệ thuật đích thực thì không cần đến các cuộc thi! Không ít tác giả thành công - và "hơi" thành danh - trong các cuộc thi, sau 10, 20 năm đã hoàn toàn bị lãng quên và tự lãng quên, dường như chẳng dính dáng gì đến văn chương nữa. Gia Bảo, Khắc Cường, Nguyễn Hữu Huy Nhật… sau một vài tập truyện ngắn "thơm mùi giấy học trò", giờ có thể đã yên tâm với thành công (tôi mạnh dạn dùng từ này) ở lĩnh vực khác, với công việc mà họ chọn, không thấy xuất hiện tác phẩm mới. Nguyễn Lê My Hoàn nhận ra "Lối đi ngay  dưới chân mình", nhưng đi đâu thì đó là việc của chị, tuyệt nhiên không phải là lối văn chương. Nguyễn Thị Châu Giang dường như đã gác lại 14 cuốn sách từng in (trong 10 năm đầu) để yên tâm "chơi với nghệ thuật hội họa". Khoảng 10 năm nay, độc giả không thấy chị ra sách mới, có viết nữa hay không thì chưa ai hỏi, chưa từng nghe chị thổ lộ. Ly Hoàng Ly thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trên mặt báo khá rình rang, nhưng không với tư cách tác giả văn chương mà với tư cách một họa sĩ sắp đặt có triển lãm trong và ngoài nước. Không biết với thơ, chị có "tắt lửa lòng"…
Người rời đi không ít, người ở lại, nặng lòng với văn chương nhưng còn loay hoay mãi cũng nhiều. Tác giả văn chương 7X có khá nhiều người nổi tiếng không nhờ giá trị tác phẩm mà nhờ những ầm ĩ phi văn chương, phi thẩm mỹ. Chuyện này, thỉnh thoảng báo chí lại rộ lên rùm beng một vài vụ, vài chuyện, nhắc lại e thừa.
Cái sự loay hoay của tác giả 7X Sài Gòn, tôi thấy tựu trung vẫn nằm trong ước muốn cách tân văn chương, thơ phú, ít nhất là về hình thức, bút pháp thể hiện. Đây là điều đáng trân trọng. Song phải thừa nhận thực tế, sau 15-20 năm cầm bút, cố gắng cách tân của một thế hệ cầm bút vẫn chưa đọng lại gì nhiều. Dễ thấy nhất là hai trào lưu (lại tạm gọi thôi, vì ngoài danh xưng, bạn đọc vẫn chưa thấy có gì rõ nét hình hài): "hậu hiện đại" trong văn xuôi và "tân hình thức" trong thơ. Tôi đoán, viết kiểu truyền thống thì sợ cũ, mòn, không thích, hiện đại thì với chưa tới nên các tác giả nói trên cố ý tự gán cho khuynh hướng sáng tạo của họ là "hậu hiện đại" thôi. Mơ hồ, rối rắm, những tác phẩm hậu hiện đại đến nay vẫn chẳng thấy đâu, ngoài tên gọi định tính vốn dĩ được dịch từ tiếng nước ngoài.
Thơ "tân hình thức" có nhiều tác phẩm xương thịt hơn. Đáng nói, những tác phẩm ấy chỉ xuất hiện trên blog, facebook cá nhân hoặc một vài trang mạng văn chương của một nhóm văn nghệ nào đó ở nước ngoài. Chưa từng thấy tác phẩm "tân hình thức" nào được xuất bản bởi báo chí trong nước hay đĩnh đạc nằm trên giá sách như những tác phẩm không tân hình thức, cũng chẳng  hậu hiện đại mà tôi vẫn còn thích đọc.
Không bàn về tương lai, tôi chỉ nhận xét ở thì hiện tại, cả "tân hình thức" lẫn "hậu hiện đại", đều chỉ là một sự giãy giụa tuyệt vọng trong cơn khủng hoảng phương pháp sáng tạo. Nó chưa từng là khuynh hướng của công chúng văn nghệ, chỉ là khuynh hướng của một số - rất ít - người viết và chỉ người viết mà thôi. Không có Internet, tôi e cả thơ lẫn văn trong hai "phái" này e chừng sẽ đặc sệt một đặc điểm mà tác giả của chúng bài xích, đó là văn học… dân gian! Chỉ về mặt "đường truyền" thôi. Vì không thể xuất bản thành sách, in trên báo, tôi nghĩ nó rất thích hợp, như đã từng với cách… truyền miệng, thông qua cãi vã từ tác giả này sang tác giả khác chứ không từ tác giả đến người đọc. Nó cũng na ná như hiện tượng 7X đặc biệt xuất hiện rất nhiều nhà thơ. Trong các quán cà phê, quán cóc vỉa hè, các nhà thơ vô danh có mà nổi danh cũng có vẫn thường túm tụm nhau bàn luận sôi nổi chuyện văn chương và say sưa nói về tác phẩm dự định của mỗi người. Nhiều người làm thơ, tôi e chỉ là để khỏi phải làm một công việc nghiêm túc nào khác. Đầy niềm tin và hứng thú, họ vẫn nói về chuyện ra mắt tác phẩm như một động từ chia ở thì tương lai.
Văn chương 7X Sài Gòn thành tựu không nhiều nhưng vẫn có những tác giả đáng đọc, không cần căn cứ vào giải thưởng mà họ từng giành được. Tôi thấy thú vị với truyện ngắn của Tiến Đạt, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Vũ Đình Giang, tiểu thuyết của Phan Hồn Nhiên, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Danh Lam, truyện thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần… Riêng Nguyễn Ngọc Thuần, qua hai cuốn "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" và "Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ", anh đã xuất hiện với một tâm thế rất lạ, sâu lắng và trong trẻo hơn nhiều, ngoài tầm hình dung so với một tác giả lòng khòng đen đúa khá đầu bù tóc rối!
Với 7X, có lẽ còn quá sớm để nhận diện một thế hệ văn chương sắp già chăng? Đành thôi, chắc cũng nên kiên nhẫn đợi thêm 20 năm nữa, tác phẩm của thế hệ văn chương 7X Sài Gòn đầy hơn một chút, biết đâu lại chẳng nhận ra văn học nước nhà vừa (hay đã) xuất hiện một tay hảo hán?

Nhà văn Trần Nhã Thuỵ: "Lặng lẽ rút lui là tốt" 
Nói về thành tựu văn chương 7X, tôi nghĩ đó là công việc của những nhà lý luận, phê bình. Đứng ở góc độ một tác giả, một người đang viết - nghĩa là vẫn đi trên đường, tôi nghĩ mình chỉ có thể nói một cách hết sức cá nhân và chủ quan. Về những tác giả thế hệ 7X đang sống, làm việc tại Tp HCM mà tôi ấn tượng, yêu thích, tôi xin ngẫu nhiên nêu ra đây (không xếp hàng hay xếp hạng), đó là Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Danh Lam, Phan Hồn Nhiên, Vũ Đình Giang, Tiến Đạt, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Ngọc Thuần, Song Phạm… Họ đều là những người đang viết, đang vật lộn giữa cuộc sống và sáng tạo. Tôi thấy ở họ đầy đủ những tư chất của nhà văn: sự cô đơn, ý thức xã hội và ý thức sáng tạo. Những ai từng theo đuổi công việc viết lách trên dưới 20 năm, tôi nghĩ phải có tình yêu văn chương lớn lao lắm và sức mạnh ý chí bền bỉ lắm. Cũng có thể nói, viết văn cũng cần có sức khỏe như dân cày.
Những người từng gây đình đám rồi lặng lẽ rút lui, tôi nghĩ cũng bình thường, và tôi luôn cảm thấy như thế là tốt. Mỗi người đều có một số phận. Nhà văn hay không thì cũng là để sống hết một cuộc đời. Những ai từng đến với văn chương để kiếm chút danh còm thì cũng mau chóng nhận ra nó thật ngớ ngẩn, buồn cười. Những nhà văn cứ loay hoay kiếm danh thì chỉ thấy tên tuổi nổi lềnh bềnh mà tác phẩm không có gì. Còn hỏi vì sao văn chương cứ quẩn quanh, tôi xin mượn câu trả lời phỏng vấn của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Khi được hỏi suy nghĩ của ông về điện ảnh Việt Nam, Bùi Thạc Chuyên nói điện ảnh Việt Nam đang ở… dưới hố, khi nào lên khỏi miệng hố rồi hẵng tính. Tôi cũng muốn nói một câu tương tự như thế. Chúng ta chưa từng có một tiền đề nào để nhà văn sáng tác tác phẩm lớn, thì đừng đòi hỏi tác phẩm lớn. Chúng tôi vẫn đang dưới hầm, dưới hố. Vậy thôi. 

Nhà văn Phan Hồn Nhiên: "Phải biết đặt ra cho mình các thử thách"
Có lẽ không khó để xác định những người viết thế hệ 7X ở Tp HCM vẫn còn gắn bó với văn chương. Phần đông người trẻ khi bắt đầu viết vẫn xem đây chỉ là sự thử sức, hay đơn giản hơn là cuộc chơi. Khi trưởng thành, có những công việc khác hấp dẫn hơn, thiết thực hơn, việc ngừng cuộc chơi là điều dễ hiểu. Mặt khác, theo đuổi công việc viết một cách nghiêm túc, tất cả đều phải chấp nhận rằng, thử thách trong công việc này là rất lớn. Công việc viết cũng lấy đi thời gian, trí lực và sức lực khá nhiều. Ngay bản thân trong việc làm nghề, mỗi chặng đi, lại có thêm một thách đố nào đó buộc người viết phải vượt qua. Thậm chí, người viết phải đặt ra cho mình các thử thách, nếu muốn phát triển kỹ năng nghề nghiệp.
Từ khi bắt đầu viết cho đến nay, tôi vẫn chỉ theo đuổi duy nhất một quan niệm: Như các loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, hội họa, viết văn đòi hỏi người sáng tạo quá trình rèn luyện khắt khe. Bạn có thể gặp may mắn khi khởi đầu, nhưng để đi đường dài, bạn chỉ có thể dựa vào chính bạn. Viết và học. Học và viết. Các tiến trình này luôn song hành. Hứng thú của tôi trong công việc văn chương cũng là hứng thú tìm tòi, thay đổi, thử nghiệm kỹ thuật. Nắm vững kỹ thuật này, lại thấy vấn đề khác đặt ra. Theo đuổi kỹ thuật viết có lẽ là mục tiêu hơi kỳ quặc, nhưng đây là động cơ giúp tôi có thể làm việc liên tục, mạnh dạn thử sức trong một số thể loại khác lạ. Viết văn cũng đòi hỏi kiểm soát bản thân khá gắt gao. Có thể tác phẩm thử nghiệm này của mình tình cờ tương thích với độc giả, được ủng hộ. Nhưng cũng phải chấp nhận có tác phẩm bị từ chối. 

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: "Văn chương 7X lãng mạn nửa vời..." 
Thế hệ 7X ban đầu có những cây bút nổi đình đám như Gia Bảo, Nguyễn Khắc Cường, Nguyễn Thị Châu Giang… nhưng công việc viết lách nhạt nhòa dần với họ. Vì sao có thực trạng ấy? Đôi khi ngả lòng, tôi cũng hỏi chính tôi như vậy? Thực sự, nghề cầm bút rất nhọc nhằn mà thu nhập lại ít ỏi. Bằng cái nhìn tỉnh táo sẽ dễ dàng nhận ra, kẻ sáng tạo trong kinh tế thị trường khác gì đánh cược cái dạ dày để phân định được thua với Thượng Đế? Thôi thì cảm thông cho từng sự lựa chọn cá nhân. Thay vì thao thức với số phận con người, họ có quyền dành ưu tư ấy cho miếng cơm manh áo riêng mình giữa thời buổi mà phần lớn các giá trị đều tô thêm màu sắc xanh đỏ phô trương và cộng thêm âm thanh rủng rẻng kim tiền!
Sinh ra trong giai đoạn đất nước loay hoay khó khăn và trưởng thành trong giai đoạn đất nước vươn vai hội nhập, nên thế hệ văn chương 7X tồn tại khá nhiều mâu thuẫn. Theo tôi, sau khi trừ đi vài trường hợp đặc biệt thì có thể phân tích về mặt tâm lý, họ lãng mạn nửa vời và thực dụng cũng nửa vời, họ bảo thủ nửa vời và hiện đại cũng nửa vời. Muốn có tác phẩm xuất sắc, chỉ còn cách dấn thân vào sự thật, nhúng bút vào những đề tài đang gây nhức nhối lương tri cộng đồng. Có lẽ, đó là phương pháp duy nhất hữu hiệu để thế hệ 7X tránh khỏi sự đào thải khắc nghiệt của chữ nghĩa. Ngược lại, mọi mưu cầu cách tân hoặc đổi mới chỉ giống như trò lạ mắt vui đùa chốc lát mà thôi!
Trong thực trạng người làm thơ nhiều hơn người đọc thơ, tôi dành nhiều tâm trí hơn cho chuyện thẩm định và phê bình. Sau cuốn "Thi ca nết đất", tôi đang có kế hoạch xuất bản một cuốn tiểu luận khác về thơ Việt đương đại. 
 
Nhà văn Nguyễn Danh Lam: "Một thế hệ mới đã hình thành"
Văn chương 7X có một lợi thế về khởi điểm. Đó là lúc tình hình văn nghệ Việt Nam bắt đầu trào lưu đổi mới. Không khí văn học được hâm nóng, từ "thượng tầng" với những giải thưởng văn học chất lượng, cho đến "hạ tầng" qua hàng loạt ấn phẩm văn học dành cho lứa trẻ… Không khí văn chương rộn ràng ấy trùng khớp với thời điểm chúng tôi bắt đầu "tập tọng" viết lách, nên ai cũng hào hứng, có cả những tranh đua rất lành mạnh. Sau hơn 20 năm nhìn lại, tôi thấy không quá, nếu nói có cả một thế hệ mới đã hình thành, sau thế hệ 1975. Có nhiều tên tuổi, thuộc nhiều "dòng phái" khác, rất đáng kể.
Với thế hệ 7X, theo tôi nếu đã "nhiễm" văn chương có vẻ "nặng nợ" hơn các bạn sinh ở thập niên sau (8X). Vì quan niệm "văn chương là một nghề có giá" vẫn được lứa 7X hấp thu từ những người thuộc lớp trước nữa. Giờ đây văn học đã có phần… hắt hiu rồi. Âu đó cũng là việc chuyển mình của cả thế giới. Nhà văn không chọn, nhưng thế giới chọn thì nhà văn cũng phải chịu và… nên chịu!
Cá nhân tôi thấy, văn chương Sài Gòn tiếp thu cái mới khá sớm. Tất nhiên, với đầu vào như thế, đầu ra cũng theo đó biến đổi. Tôi thấy mình bắt đầu viết khác đi. Tôi cũng nhận thấy điều này, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Ngọc Thuần… viết rất "khác".

Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh: "Nhiều cây viết nguội lạnh sớm"
Tôi rất ngại dùng từ "thành tựu" để nói về mình hay thế hệ mình. Đây là một từ mà khi dùng sức thuyết phục đối tượng sẽ rất khó khăn. Bởi không có một lĩnh vực nào mơ hồ, cảm tính và khó định đoán như văn chương. Theo tôi, họ, những người viết 7X ít ra cũng đã làm được một điều gì đó cho thế hệ của họ. Ví dụ như sự mờ nhạt chẳng hạn!...
Nhiều cây bút từng nổi đình nổi đám một thời nhưng nay đã mất hút, tác phẩm không đọng lại được với công chúng văn nghệ, việc sáng tạo cũng đang bế tắc, quẩn quanh. Chuyện đó bình thường thôi! Cả thế kỷ đôi khi chỉ còn lại một hai văn tài. Sự "chuyển vùng" đôi khi lại khiến bút lực phong độ hơn! Đáng suy nghĩ chăng, nhiều câu viết thế hệ 7X đã nguội lạnh rất sớm!
Bằng cái nhìn cá nhân, tôi thấy văn chương 7X Sài Gòn có thể gói gọn bằng mấy từ: Hồn nhiên, chân thành, thiếu vắng bản sắc cá tính, u ơ, ồn ào, vô danh và "im thin thít lặn mất tăm"…
Tôi nghiệm ra tôi chỉ thực sự quan tâm khi viết tác phẩm và khi viết xong thường ít nghĩ về nó. Tôi vẫn hài lòng khi tình cờ đọc lại những gì đã viết của mình (2 tập thơ, 2 tập truyện). Vì đã hết mình khi thể hiện. Còn nếu nó dở trong cách đọc của ai đó thì phần lớn do tài năng ít ỏi, hạn chế của mình chứ không phải là ít nỗ lực!

Nhà thơ Phan Trung Thành: "Không cần phải sốt ruột"
Hội Nghị Nhà văn Trẻ Tp HCM lần thứ nhất năm 2001 quy tụ khoảng 50 cây bút, phần đông đều thuộc thế hệ 7X. Số cây bút này sau đó có "rơi rụng", một số khác "chuyển ngành" nhưng không thể phủ nhận thành tựu của họ được. Trong sáng tạo, sự "im ắng" trở mình trong khoảng thời gian 5-7 năm là điều bình thường, không cần phải sốt ruột.
Bản thân tôi, đi từ những bài thơ lẻ cho đến trường ca là một chặng đường, sau khi loay hoay với đủ thể loại. Tôi ấn tượng với những tựa sách thơ như "Cơn ngạt thở tình cờ" của Trần Lê Sơn Ý hay "Trở mình trên máng xối" của Ngô Liêm Khoan. Thật tiếc là tác giả ấy đã "rời" thành phố trở về quê hương khi cuộc "trở mình" chưa đến hồi quyết liệt và gay cấn. Năm 2008, tôi xuất bản cuốn "Đồng hồ một kim" (NXB Văn Học, 2008). Thơ in ra chưa ráo mực thì ngã bệnh. Điều trớ trêu là những câu thơ trong tập như dự báo những ngày buồn bã sắp đến: "Chọn bệnh viện Chợ Rẫy để yên thân"..


* nguồn: lethieunhon