Chỉ còn hơn mười ngày nữa là Giáng Sinh, mà không khí
Sài Gòn vẫn còn
oi bức quá. Chị ra khỏi khách sạn, đi dạo dọc theo vỉa hè, rảo qua
những cửa tiệm với các ô cửa kính sáng loáng, rực rỡ màu sắc bởi những
cây thông Noel đã được trang trí. Hai mươi sáu năm rồi chị mới quay
trở lại quê hương, Sài Gòn bây giờ khác xưa nhiều quá, những cao ốc
vòi vọi nhìn mà chóng mặt. Ở bên Pháp mỗi lần nghe Lê Uyên hát “… Sài
Gòn bây giờ trời mưa hay nắng? Sài Gòn bây giờ ai khóc thương ai…Sài
Gòn bước ai gõ xuống đêm sầu, Sài Gòn bóng nghiêng Sài Gòn đứng đợi,
Sài Gòn bây giờ cúi mặt xa nhau…” là lòng chị rưng rưng muốn khóc,
nhưng chị không muốn trở về, chị sợ phải nhớ lại những kỷ niệm mà chị
đã chạy trốn, nhưng hôm nay cũng chính vì nó mà chị lại quay về…
Chị đi dần về phía cuối con đường Bà Huyện Thanh Quan, nơi ngày xưa có
quán cà phê mang tên Nỗi Nhớ, nơi chị và Nguyên hẹn hò nhau vào mỗi
cuối tuần, chẳng biết bây giờ nó có còn không. Chị vô cùng mừng rỡ khi
nhìn thấy ngôi quán cũ hiện ra, cũng vẫn màu sơn xanh da trời quen
thuộc như ngày xưa. Quán đã được đổi tên thành Trúc Lan, cách trang
trí của quán đúng như tên gọi của nó, hai bên cửa có trồng mấy bụi
trúc hoe vàng, còn những chậu lan đủ màu sắc thì được treo rải rác
khắp trong sân. Chọn một chỗ ngồi dưới vòm trúc, chị gọi một ly cà phê
sữa nóng, lắng nghe giọng hát trầm buồn của Lan Ngọc trong ca khúc
Tình Nghệ Sĩ. Không gian cũ… âm nhạc cũ… đã đưa ký ức chị trở về
những năm tháng xa xưa…
Mùa hè năm chị mười bảy tuổi, chị được ba mẹ cho về Đà Lạt chơi ở nhà
cô. Đó là lần đầu tiên chị đến Đà Lạt, thành phố cao nguyên thật trầm
mặc lặng lẽ, khác hẳn với Sài Gòn quê chị. Dù đang mùa hè chiều xuống
trời vẫn lạnh, đặc biệt ở đâu chị cũng nhìn thấy hoa, có nhiều loài
hoa rất lạ. Cái giàn hoa chị đứng ngắm buổi sáng hôm ấy, nơi lần đầu
chị gặp Nguyên, có màu đỏ cam rất đặc biệt, khi cánh hoa chưa nở nhìn
giống như hoa thiên lý, chị gọi nó là hoa Thiên Lý Mặt Trời. Lúc ấy
Nguyên đã xuất hiện trước mặt chị và nói - Cho tôi vẽ cảnh cô bé với
giàn hoa này nhé? Giọng Bắc của Nguyên nghe mới hay làm sao, nhưng tất
nhiên chị từ chối rồi bỏ đi. Nguyên cứ lẽo đẽo theo sau chị một đoạn
dài và năn nỉ mãi, hứa sẽ tặng chị bức vẽ khi nó hoàn thành, thế là
cuối cùng chị cũng xiêu lòng. Nguyên chọn tư thế ngồi mẫu cho chị,
loay hoay mãi đến trưa mới xong bản phác thảo, Nguyên hẹn gặp chị ngày
mai với bức tranh hoàn chỉnh. Sáng hôm sau tới chỗ cũ, chị thấy Nguyên
đã ở đó, chị chẳng hiểu gì về hội họa, nhưng chị thấy Nguyên vẽ thật
đẹp, đôi mắt chị trong tranh, đầy ngạc nhiên thích thú, khi nhìn những
bông hoa Thiên Lý Mặt Trời. Nguyên đặt tên bức họa là Tà Áo Xanh. Chị
hỏi Nguyên tại sao lại chọn tên như thế, Nguyên bảo vì Nguyên thích
màu xanh ngọc của chiếc áo chị mặc và cũng rất thích bài hát Tà Áo
Xanh của Đoàn Chuẩn, bài hát này thì chị quá quen thuộc vì mẹ chị vẫn
thường hay hát, hồi trước giải phóng mẹ chị vốn là một ca sĩ phòng
trà, khi gặp ba chị rồi thì bà đã bỏ nghề.
Từ đó chị và Nguyên gặp nhau mỗi ngày, Nguyên chở chị bằng xe đạp, đi
qua nhiều con dốc nhỏ tìm cảnh vẽ, thấy chỗ nào đẹp là lại bắt chị làm
mẫu, dù chị mặc bất cứ màu áo gì Nguyên cũng biến nó thành màu xanh
hết thảy. Có lần chị hỏi Nguyên - Không biết tác giả Tà Áo Xanh thích
màu xanh nào nhỉ, da trời hay xanh ngọc? Nguyên bảo - Có lẽ cả hai, vì
màu xanh ngọc là màu của cốm mùa thu, còn màu thanh thiên là màu của
bầu trời mùa thu - Riêng Nguyên thì Nguyên thích cả hai màu xanh ấy.
Hết hè chị và Nguyên trở về Sài Gòn, Nguyên vào mỹ thuật năm thứ tư,
còn chị học lớp mười hai. Cứ mỗi cuối tuần, Nguyên lại đưa chị đến
quán cà phê Nỗi Nhớ nghe nhạc Đoàn Chuẩn. Nguyên bảo đã khám phá ra
chỗ này vào năm thứ nhất đại học, cũng từ đó yêu thích luôn những màu
xanh. Lần nào đến quán Nguyên cũng yêu cầu bài Tà Áo Xanh, còn chị lại
thích nghe bài Gởi
Gió Cho
Mây Ngàn
Bay. Chịu ảnh hưởng của
Nguyên,
lần hồi chị bắt đầu thấy thích những bài hát viết về tà áo xanh và mùa
thu của Đoàn Chuẩn. Khi chị thi đỗ vào đại học, Nguyên bày tỏ tình cảm
với chị và chị đã nhận lời.
Chị bước chân vào đại học được vài tháng, thì tai họa ập xuống gia
đình chị. Xưởng dệt nhà chị đột nhiên nửa đêm bốc cháy, trước đó một
tuần, ba chị vừa nhập về một lượng sợi rất lớn. Xe cứu hỏa phải mất
hàng giờ mới dập tắt được ngọn lửa, nhưng tất cả máy móc, tơ sợi, vải
vóc thành phẩm chẳng còn lại gì. Phút chốc trắng tay, ba chị bị sốc
rất mạnh, ông đã ra đi mãi mãi trước khi kịp tới bệnh viện. Cái chết
của ba chị đã để lại nỗi đau quá lớn cho gia đình, mẹ chị phải nhập
viện vì bệnh tim tái phát. Cô chị từ Đà Lạt xuống lo hết mọi việc, chị
thì khóc mãi, trong lòng cứ lo sợ rồi mẹ cũng đi theo ba.
Mọi chuyện không dừng lại đó, đến hạn không tiền trả nợ ngân hàng, nhà
xưởng bị niêm phong, Tài sản nhà chị chỉ còn lại mỗi căn nhà, nơi gia
đình chị gắn bó hơn hai mươi năm qua, dù đau lòng mẹ chị cũng phải rao
bán. Mẹ mua một căn nhà nhỏ ở ngoại thành, dù mẹ can ngăn chị vẫn nghỉ
học để đi làm, chị xin vào làm kế toán trong một cửa hàng bách hóa.
Suốt thời gian ấy, Nguyên vẫn ở cạnh an ủi động viên chị, nhưng chị
chẳng thể nào nguôi ngoai được.
Một người bạn cũ của ba chị ở Pháp về tìm tới nhà thăm, bác mở lời với
mẹ chị, xin cho chị về làm dâu nhà bác. Con trai của bác lớn hơn chị
tới mười tuổi, đang định cư tại Pháp. Anh đã để ý tới chị từ khi chị
còn là cô bé, vừa đặt chân vào ngưỡng cửa trung học. Mẹ hỏi ý chị, sau
nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, chị đã nhận lời. Hồi ấy tình yêu của chị
với Nguyên, chưa đủ sâu nặng để chị sống chết vì nó, chị còn quá trẻ
vẫn chưa tới tuổi hai mươi, với chị con đường phía trước sao mà mờ mịt
quá, bệnh mẹ chị thỉnh thoảng lại tái phát, rồi còn việc học hành của
hai em trai chị nữa. Mẹ Nguyên thì từ ngày nhà chị sa sút, thái độ của
bác đối với chị cũng đã khác đi rất nhiều.
Chị với Nguyên vẫn gặp nhau mỗi tối, mẹ bảo sẽ nói cho Nguyên biết về
quyết định của chị, chị lắc đầu nói mẹ hãy để chị tự đối mặt với việc
này. Nhưng rồi chị cứ lần lữa mãi, thời gian còn lại của chị bên
Nguyên quá ngắn, nói sớm ngày nào chị sẽ mất Nguyên sớm ngày đó, nghĩ
tới việc ấy là trái tim chị lại đau nhói. Cho đến trước ngày cưới một
tuần, chị mới dám nói hết với Nguyên mọi chuyện. Chị không bao giờ
quên khuôn mặt của Nguyên lúc ấy, Nguyên nhìn chị tái xanh thảng thốt
và đầy vẻ đau đớn, đôi mắt như đau đáu một câu hỏi tại sao?.. tại
sao?.. Nguyên không thốt ra một lời nào trách móc chị và cứ thế lặng
lẽ quay lưng, chị nhìn theo bóng Nguyên lòng tan nát. Cũng kể từ hôm
đó, chị không gặp lại Nguyên một lần nào nữa.
Trước hôm cưới một ngày, chị nhận được một cuốn băng cassette do
Nguyên gởi đến. Đêm đó chị đóng cửa phòng mở băng ra nghe, toàn bộ
cuốn băng chỉ có mỗi một bài hát Tà Áo Xanh được thu lặp đi lặp lại
“… Rồi chiều nào xác pháo bên thềm tản mác bay. Em đi trong xác pháo,
anh đi không ngước mắt thôi đành em… trách sao hoa xưa còn có lúc tàn,
nhưng riêng anh dệt mấy cung đàn, nhạc đời còn ghi những nét thương
yêu, hoa tàn tình tan theo không gian…”. Lời hát cứ như lưỡi dao, xoáy
sâu thêm vào trái tim vốn đã nhiều đau đớn của chị. Bài hát Tà Áo Xanh
chẳng lẽ là mặc định cho tình yêu của chị và Nguyên. Chị đã khóc, khóc
rất nhiều cho mối tình đầu của mình một lần sau cuối…
Tròn hai mươi tuổi chị theo chồng xa xứ, chồng chị là một người rất
tốt, tính tình điềm đạm sâu sắc và tỉ mỉ. Anh gượng nhẹ chăm sóc chị
từng li từng tí. Anh không nhìn thấy, hay vờ không nhìn thấy đôi mắt
vốn lúc nào cũng đầy những nỗi u uẩn của chị. Hình như lúc nào anh
cũng như đoán trước được ý chị, để nương theo đó mà làm cho chị hài
lòng. Còn chị vốn là người có lý trí mạnh hơn tình cảm, khi đã quyết
định điều gì chị sẽ không hối hận, chị đã quyết tâm đoạn tuyệt mối
tình đầu, chôn thật sâu những ký ức ngọt ngào của thời con gái. Đôi
lúc hình bóng Nguyên chập chờn hiện về, thì chị lại gạt nó ra khỏi
đầu, chị đã từng có lỗi với một người, nên không muốn lại có lỗi thêm
với người thứ hai nữa. Rồi con gái chị ra đời, ngày lại ngày con bé
chiếm hết trái tim chị, chị không còn thời gian để nghĩ ngợi đến
chuyện cũ nữa. Chị đã làm một người vợ trọn vẹn đúng nghĩa, trong suốt
mười sáu năm chị chung sống cùng anh.
Gần mười năm trước chồng chị qua đời vì bệnh tim, con gái của chị lúc
ấy mới mười lăm tuổi, đó là thời điểm chị thấy mình cô độc ghê gớm.
Một lần dọn dẹp lại phòng làm việc của chồng, chị phát hiện hai vật
thuộc sở hữu của chị, lại đang nằm sâu trong ngăn kéo của anh, đó là
cuốn băng cassette và bức họa Tà Áo Xanh. Chị vô cùng kinh ngạc, ngày
ra đi chị đã quyết tâm quên mối tình đầu nên để chúng ở lại. Vậy ra từ
lâu anh đã biết chuyện của chị, có lẽ ngày anh về đón mẹ và hai em chị
sang Pháp, anh đã nhìn thấy nên mang chúng đi theo. Khi chị hỏi mẹ, mẹ
chị cũng rất ngạc nhiên về điều này.
Gặp lại kỷ vật cũ, đánh thức trong chị, những ký ức tưởng chừng như đã
lãng quên. Lúc đầu chị còn cảm thấy có lỗi với người đã khuất, sau đó
nỗi nhớ Nguyên mỗi ngày càng thêm cồn cào da diết. Hơn lúc nào hết,
chị cảm nhận sâu sắc những câu thơ của Phạm Thiên Thư: Ôi mối tình đầu
- Như đi trên cát - Bước nhẹ mà sâu - Mà cũng nhòa mau - Tưởng đã phai
màu - Đường chiều hoa cỏ… Nhưng rồi lý trí đã giữ chân chị lại xứ
người thêm mười năm nữa, giờ đây con gái chị đã trưởng thành, con bé
tốt nghiệp đại học và ổn định việc làm cũng đã vài năm, thế nên chị
quyết định quay về…
Ngày hôm sau chị lại đến quán Trúc Lan, giọng hát Mai Hương đang vào
đoạn cuối bài Chiều Mơ, câu kết của bài hát nghe mà não lòng quá
“… Dù ngày về chỉ có… chiều mơ…”. Nghĩ đến ngày về của mình chị cảm thấy
chạnh lòng vô hạn. Chị vẫy tay gọi cô bé hầu bàn đến và yêu cầu bài
Tà Áo Xanh, chị tựa lưng vào ghế nhắm hờ đôi mắt và thả lỏng đầu óc.
Khi chị mở mắt ra, một cô gái đang nhìn chị chăm chú, cô gái hỏi chị
bằng giọng Bắc pha giọng Sài Gòn nghe ngồ ngộ - Cô thích nghe nhạc
Đoàn Chuẩn có phải thế không ạ? Chị gật nhẹ đầu, cô gái hỏi tiếp -
Hình như cô ở xa mới về? Chị lại gật đầu - Thế trước đây cô đã tới
quán Trúc Lan lần nào chưa? Chị trả lời - Lâu lắm rồi, cũng đã ngoài
hai mươi năm, ngày ấy nó mang tên là Nỗi Nhớ.
Mấy ngày tiếp theo sau đó, cứ thấy chị đến là cô gái lại mở bài hát Tà
Áo Xanh, rồi đến ngồi bên cạnh nói chuyện cùng chị. Cô gái có đôi mắt
ấm áp và quen thuộc khiến chị có cảm tình, nên chị cũng cởi mở hơn. Có
hôm chị nghe bài Gởi Người Em Gái, được hát với giọng nam trầm rất
lạ, (hình như đây là bài hát duy nhất Đoàn Chuẩn viết về mùa xuân)
trong tiếng đàn guitar thùng nghe da diết vô cùng, chị mơ mơ hồ hồ
tưởng chừng như giọng hát từ thuở xa xưa nào đó vọng về… Cô gái bảo đó
là tiếng hát của ba cô, dành tặng cho một người quen cũ, chị cảm thấy
những lời trách móc trong bài hát sao mà giống như là dành cho chị:
“… Nhưng một sớm mùa thu khép giữa trời tím ngắt, nàng đi gót hài xanh,
nàng đi trong dạ sao đành, đường xưa lối cũ ân tình nghĩa xưa…”. Tự
dưng tim chị bỗng thấy đau nhói.
Dần dà chị đã kể cho cô gái nghe về gia đình chị, cô cũng kể chuyện
của cô cho chị nghe. Cô chính là con gái của chủ quán, Trúc Lan là tên
của cô, mẹ mất lúc cô mới hai tuổi, bố cô vẫn ở vậy nuôi cô khôn lớn.
Mười tám năm trước, bố cô mua lại quán cà phê này, chỉ thay đổi mỗi
cái tên thôi, chứ không sửa sang gì nhiều về vẻ bề ngoài của quán. Cô
đã hai mươi hai tuổi, vừa tốt nghiệp xong ngành công nghệ sinh học,
hiện đang tìm kiếm việc làm. Một hôm Trúc Lan hỏi chị - Ngày mốt là
noel rồi cô có định đi đâu không? Chị trả lời - Cô định mai về Đà Lạt
cùng người thân đón Noel, tiện thể xem festival hoa luôn. Trúc Lan
bỗng nắm tay chị và nhìn chị với ánh mắt nài nỉ - Sau Noel cô hãy đi
Đà Lạt nhé, tối hai mươi bốn cô đến đây, con có một món quà muốn dành
tặng cho cô. Thấy giọng cô gái tha thiết quá đỗi cùng với ánh mắt đó,
làm chị không thể nào từ chối nên đành nhận lời, lúc chị ra về Trúc
Lan còn nhắc đi nhắc lại sợ chị quên.
Hơn mười giờ tối đêm giáng sinh, chiếc taxi chở chị bị kẹt giữa một
rừng xe cộ, chị trả tiền rồi xuống đi bộ, len lỏi trong đoàn người.
Chị thấy ở Châu Âu, trong những ngày lễ tết đường phố rất vắng vẻ, ai
cũng muốn về sum họp với gia đình, còn ở Việt Nam thì dường như mọi
người đổ hết ra đường. Từ xa chị đã nhìn thấy Trúc Lan, cô gái đang
đứng trước cửa với dáng điệu bồn chồn. Nhìn thấy chị, Trúc Lan mừng rỡ
- Con cứ sợ cô không đến. Chị đáp - Cô bị kẹt xe, mà sao quán vắng
tanh thế này, tối nay con không bán sao? – Dạ không! Tối nay quán nhà
con chỉ có mỗi cô là khách đặc biệt thôi.
Trúc Lan đóng cửa quán rồi kéo tay chị vào trong, cô đưa chị lên lầu
đến trước một căn phòng, cô đẩy cửa ra rồi nói với chị - Cô vào trong
đi. Chị nghe theo và bước qua cánh cửa… đột nhiên chị khựng lại tròn
mắt kinh ngạc, chị nhìn thấy những bức tranh Nguyên vẽ chị ngày xưa,
màu áo xanh tràn ngập cả gian phòng. Tim chị thắt lại giây lát rồi đập
thật nhanh, chị lảo đảo vịn tay vào một chiếc ghế rồi ngồi xuống thở
dốc. Một bàn tay đặt nhẹ lên vai chị, chị ngước lên và bắt gặp ánh mắt
quen thuộc ngày nào, Nguyên đó. Nguyên đang cúi xuống nhìn chị, nước
mắt chị giọt nọ nối giọt kia cứ thế lăn dài xuống má. Nguyên siết nhẹ
tay chị và nói nhỏ - Mừng Thanh Trúc đã quay về. Xa xa… chị nghe
tiếng chuông nhà thờ đang đổ từng hồi rộn rã, có lẽ đã bắt đầu thánh
lễ nửa đêm…
---------------
* nguồn: huongxua.org