Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

bên sông vọng một tiếng đàn - lê hoài lương




 

 





* Đọc tập thơ “Dạo đàn bên sông” của Văn Công Mỹ, NXB Trẻ 2012)
 
Tôi đọc một mạch hết 72 bài trong “Dạo đàn bên sông” và hiểu Văn Công Mỹ chủ ý  chọn bài “Chào buổi sáng” xếp đầu tập. Bài thơ thế này: “Sớm mai nổi hứng ra vườn/ Đi cho hết cõi vô thường xem sao?/ Đi từ bước một chiêm bao/ Thêm hai, ba, bốn… té vào trăm năm!”. Chủ ý từ việc mượn nguyên xi tên một chương trình ti vi làm cái tựa. Và lời “chào” của anh gửi bạn đọc là một cách khái quát về mình, đúng hơn, về thơ mình. Thấy ngộ và gợi. Ngộ từ cách nói nống lên: “đi cho hết cõi vô thường”, đến “bước một”, bước khởi đầu lại là “chiêm bao”, rồi đếm rồi ngẫm, hai, ba, bốn…, hình như chưa kịp hiểu gì mấy, đã “té vào trăm năm”. Cuộc thơ - cuộc người nhẹ tênh! “Chào” vậy, tự bạch vậy, ấn tượng lắm.
Bảy mươi hai bài, phần nhiều tứ tuyệt và tứ tuyệt lục bát nên đọc cũng nhẹ nhàng. Nhẩn nha đọc rồi thú vị thưởng thức hoặc chia sẻ cùng tác giả. Nói “đọc cũng nhẹ nhàng” một phần chất thơ của Văn Công Mỹ không nặng nề triết luận, không dụng công ám dụ, chơi chữ, không điệu đà làm sang. Thơ anh đúng là một cuộc “nổi hứng” mà so dây, dạo đàn. Cho mình. Cho người, nếu vọng chút tri âm.
Thơ là tiếng lòng của thi nhân xưa nay. Văn Công Mỹ cũng vậy. Đó là những giãi bày, chia sẻ, những trải nghiệm, những khám phá. Về mình. Về nhân sinh. Cũng không có gì mới những giễu cợt mình, những bế tắc trước câu hỏi rốt ráo về kiếp người, những vô vọng trước khao khát tồn tại. Và yêu, hy vọng và tuyệt vọng.
Nghĩ về mình, cả giễu mình, chưa chắc đã đáng tin, thời vàng thau lẫn lộn: “Tôi thường mơ mộng bên hiên/ Có hoa có bướm có tiên trên trời/ Tỉnh ra chỉ thấy mặt người/ Đôi khi có cả đười ươi, hết hồn!” (Mơ mộng). Nghe sang vậy kiểu giật mình thấy đâu đó “đười ươi” quanh mình. Nhưng chưa hẳn nhiều thuyết phục, vì xét cho cùng, dễ gì phân biệt một cách tách bạch người với đười ươi - ở khía cạnh thi sĩ? Vì có người sẽ viết theo logic đó mà ngược lại rằng, đôi khi gặp mặt người trong thế giới toàn đười ươi, cũng giật mình không kém!
Hoặc một kiểu “làm sang” vừa kiêu bạc vừa đượm thiền:
Nước lên chiều xuống khơi khơi 
Có phù du cũng rối bời tóc bay 
Này môi mắt, này chân tay 
Này là hư ảo hình hài sắc, không
Mây trôi cho trắng tận lòng 
Bên sông bẻ kiếm vời trông luân hồi. 
(Bẻ kiếm bên trời)
Cũng nhiều thi sĩ ưa thích cách nói này, và dù hào sảng hay an nhiên - phiêu hốt, khí khái hay u uẩn - bất đắc chí,…, vân vân, cả “tự vịnh” giễu nhại mình nữa, cách gì cũng là kiểu ve vuốt cái tôi cá nhân thi sĩ.
Thôi thì, trừ biểu hiện “yêu mình” căn cốt này, thử xem ở chất đa cảm đa tình cố hữu của thi nhân, Văn Công Mỹ có gì khác? Nói nôm na là, một trong những ám ảnh lớn nhất của đời người là tình yêu nam nữ, là cuộc ghép đôi nhiều tính duyên nợ, người thơ này thể hiện ra sao? Thử đọc một vài: “Lời thơ tôi tệ như tôi/ Có canh tân cũng rã rời vô duyên/ Cũng may còn chút yêu em/ Tôi đem ván mục đóng thuyền chở thơ” (Ngó lại mình); hoặc: “Biết em là thánh nữ/ Nhưng tôi chẳng cầu kinh/ Mà lại đem sính lễ/ Bắt ái tình đóng đinh” (Nghiệp chướng). Rồi “ăn gian” luôn với quá khứ: “Những người bạn gái ngày xưa/ Khăn len, yếm thắm khi chưa lấy chồng/ Giờ son phấn nhớ má hồng/ Giờ tôi già chát đèo bồng cố nhân…” (Những người bạn gái).
Đã thấy, từ một vài ấy, thi sĩ họ Văn có cách riêng của mình khi chạm vào muôn năm tình không cũ. Vì quá yêu mà táo gan “đem ván mục đóng thuyền” chở chút ảo tưởng, cũng từ yêu mà dám vào cuộc khổ nạn đóng đinh ái tình. Anh viết cho vợ, cho người ngày xưa tên Th., cho những “em” nào đó bát ngát trong cuộc đời thật nhiều cảm xúc. Nhưng có lẽ hay nhất vẫn là bài viết về những người bạn gái. Bài thơ bốn câu này có thể xếp vào hàng những bài thơ trữ tình độc đáo. Hai câu đầu quen thuộc và xưa cũ để chuẩn bị cho hai câu sau thật lạ. Sao mà thương, mà u hoài, mà cam chịu, mà nhân tình cách nói “giờ son phấn nhớ má hồng, giờ tôi già chát đèo bồng cố nhân”!
Ở mảng “cho mình” với những bộn bề riêng tư, Văn Công Mỹ còn một góc riêng đau đáu là quê hương. Anh người Quy Nhơn, Bình Định, giờ sống ở Sài Gòn, xa quê, anh có cách nói như lời tạ tội với quê, một trần tình đầy “lỡ vận”:
Nhánh rong buồn buổi bôn ba 
Lòng sông trong đục quê nhà mù tăm 
Nổi trôi đâu một chỗ nằm? 
Thôi thì lỡ vận trăm năm xứ người. 
(Rong buồn)
Chẳng ai lợi dụng được gì từ quê hương nên không bắt buộc phải viết về quê nếu không thật có tình. Quê của anh cũng là mẹ, là ký ức, là những người bạn tuổi nhỏ…, nhưng trở đi trở lại nhiều là chi tiết dòng sông. Dòng sông được viết trang trọng và thiêng liêng như một ẩn dụ, một hình tượng nghệ thuật. Dòng sông là cõi hồn riêng để giãi bày, để bấu víu. Tất nhiên sông-quê cũng là sông-đời.
Và đó là nguyên cớ sâu xa để một người quá “ngũ thập”, bỏ quên những vần thơ tuổi hoa niên gần bốn chục năm, giờ bên sông mê mải so dây nâng phím. Từ xuất phát điểm này, cuộc “dạo đàn bên sông” của anh chắc sẽ ngân vọng bởi những trần tình chân thành, những “lột trái” mình đáng tin cậy. Ít nhất là sẽ gặp những bất ngờ thú vị với cách thể hiện rất riêng của anh từ những đề tài, nội dung quen thuộc như đã dẫn. Đó là nét bụi bặm, tự giễu và cách nói dân dã, tất cả thường được bật ra một cách nguyên sơ. Nó tự nhiên và lóng lánh.
Cũng từ ưu thế này, nghe suốt “cuộc đàn” sẽ có đôi khúc hòa âm trùng lặp, đôi chỗ khép lại còn có cảm giác thiêu thiếu. Mà thôi, chỉ biết đó là những khúc tâm ca, những bật thốt dù ê a, dù minh triết, tất thảy đều chân thành lắm.
Nên, bên sông ấy, một tiếng đàn mới đã ngân lên nhiều âm vọng./.
 
Lê Hoài Lương
-------------------------
* nguồn: VCV 10.06.2012

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét