KỲ 16
NHÀ THƠ PHẠM TIẾN DUẬT
Vào những năm 1973-74, cuộc chiến tranh chống Mỹ đã kéo quá dài, khó khăn kinh tế ngày càng trầm trọng, tâm lý chán nản, “hòa bình chủ nghĩa” đã xuất hiện trong một bộ phận quân đội và nhân dân.
Vào đầu năm 1974, tại một đỉnh dốc Trường Sơn ngang đoạn bốt Đỏ Mỹ, gần sông A Vương, tôi cùng nhóm trinh sát công binh đang ngồi nghỉ, bất chợt một chiếc xe quân dụng bịt bạt từ Bắc vào, qua chỗ chúng tôi ngồi, xe dừng lại, anh lái nhảy từ trên xe xuống chửi toáng:
“Mẹ kiếp… thằng miền Bắc làm thằng miền Bắc ăn, thằng miền Nam làm thằng miền Nam ăn, đánh nhau làm đ…. gì cho khổ chúng ông…”.
Tôi trợn tròn cả mắt. Í chết chết… câu nói này mà đến tai chính trị viên thì thằng cha này ra Tòa án binh là cái chắc. Vậy mà cả đám ngồi đó chẳng ai nói gì, còn cười hô hố.
Tâm lý “mệt mỏi vì chiến tranh kéo dài” đó không thể không ảnh hưởng tới văn học. Hồi còn Hà Nội, nhà thơ Định Nguyễn tức Bá, biên tập Tạp chí Thanh Niên vẫn hay tới nhà tôi nhậu nhẹt, đưa tôi coi bài thơ “Vòng trắng” của Phạm Tiến Duật:
Khói bom lên trời thành một cái vòng đen
Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng
Tôi với bạn tôi đi trong im lặng
Cái im lặng bình thường đêm sau chiến tranh.
Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng
Tôi với bạn tôi đi trong im lặng
Cái im lặng bình thường đêm sau chiến tranh.
Có mất mát nào lớn bằng cái chết
Khăn tang vòng tròn như một số không
Nhưng bạn ơi, ở bên trong vòng trắng
Là cái đầu bốc lửa ở bên trong.
Í chết, thơ sặc mùi “phản chiến”, bi quan, “hòa bình chủ nghĩa” thế này sao mà đăng. Không ngờ sang tháng 1-1974, Định Nguyễn uống thuốc liều sao đó, cả gan cho đăng trên Tạp chí Thanh niên và lập tức ăn đòn hội chợ. Cũng may anh là học sinh miền Nam nên cũng đỡ không thì đi đập đá là cái chắc.
Sau “Vòng trắng" của Phạm Tiến Duật đến lượt “Sẹo đất” của Ngô Văn Phú bị “lên đĩa”:
Cái hố bom nằm trên vạt ruộng
Dẫu san bằng vẫn cứ nhận ra
Đến mùa bừa chân bước nhấp nhô
Lúa cấy kín, vệt tròn còn đấy
Tưởng trên da thịt mình mới sẹo
Ai ngờ đất cũng sẹo như người
Dẫu san bằng vẫn cứ nhận ra
Đến mùa bừa chân bước nhấp nhô
Lúa cấy kín, vệt tròn còn đấy
Tưởng trên da thịt mình mới sẹo
Ai ngờ đất cũng sẹo như người
Trong chiến tranh đạn cắm tay tôi
Trong chiến tranh hố bom dày đất
Hết chiến tranh, tôi về hợp tác
Đất chuyển vần, vụ lúa vụ khoai
Ái chà, cả nước đang nêu cao khí thế anh hùng cách mạng, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, thơ thẩn gì bi quan, than vãn như thế? Lập tức ông trùm văn nghệ Tố Hữu kéo còi báo động:
"Tà khí đang bốc lên ...".
Nhà thơ chính thống Chế Lan Viên phải đẻ ra một từ mới: "bọn bàng thống", để chỉ những cây bút "chân đất" đang khởi màu phản kháng, và nhà thơ Dương Tường khi được hỏi về "đặc điểm của thời đại chúng ta", đã buông một tiếng thở dài:
"L'angoisse" - sự lo âu.
Vâng, những năm đó bầu trời Hà Nội lúc nào cũng ong ong một màu tai ương, mỗi sáng anh em cầm bút thường hỏi nhau, hôm nay, báo Văn Nghệ làm thịt thằng nào đây, danh sách "cấm bút" có thêm thằng nào.
Tâm trạng bất an thường trực trong những cây bút "bàng thống" khiến chẳng còn lòng dạ đâu nghe một bản giao hưởng, coi một tranh tĩnh vật. Tháng Tư năm 1975, nếu không có sự kiện ngày 30, cái tâm trạng bất an đó còn trĩu nặng biết chừng nào, bởi lẽ, mừng rỡ về "đại thắng mùa Xuân", Đảng đã "tha" hết, bỏ qua những bắt bẻ, những suy diễn, giảm thiểu đi rất nhiều cái tâm lý bất an thường trực kia.
May mắn thay, trong suốt thời gian đó, Phạm Tiến Duật lại đang “chiến đấu” trong Trường Sơn, sáng tác những bài rung động cả nước “Tiểu đội xe không kính”, “Vầng trăng quầng lửa”, "Gửi em cô thanh niên xung phong”,“Trường Sơn đông, Trường Sơn tây”… Nhiều bài đã trở thành “tiếng đàn muôn thủa” mà không phải ai cũng “tri âm”. Có trải qua những năm tháng Trường Sơn mới “thấm" hết thế nào là “Muỗi bay rừng già cho dài tay áo”, "Nước khe cạn bướm bay lèn đá”, "Hết rau rồi em có lấy măng không?”…
Cứ mỗi lần đọc lại thơ Duật, tôi thấy nghèn nghẹn trong lòng, dội lại cả một thời đã qua. Quả thực, “Lửa đèn” như nhạc cổ điển vậy, lâu lâu nghe lại vẫn thấy bồi hồi.
Khoảng tháng 3 năm 1975, tôi gặp nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha ở sông A Vương (Quảng Đà) trên đường anh vào B. Tay bắt mặt mừng. Kha hỏi tôi có gặp Duật không? Tôi bảo tuy cùng lính “Năm năm chán” (559) nhưng Duật ở Cục chính trị mãi ngoài Vĩnh Mốc, còn tôi ở tiểu đoàn trinh sát tít trong này sao mà gặp?
Mãi tháng 9 -1975 tôi mới ngồi xe commăngca, mặc đồ lính chạy vào Sài Gòn ở chơi ít ngày nhà ông anh là nhà văn Nhật Tiến tại Tòa soạn báo Thiếu Nhi phố Thiệu Trị.
Một buổi sáng có một cô gái xinh đẹp tới xin gặp. Áo dài trắng, người mình rây, tóc ngang vai… thoạt nom biết ngay là nữ sinh Sài Gòn.
Cô hỏi tôi có quay ra Hà Nội không? Tôi bảo chắc chắn sẽ quay ra. Cô rụt rè:
“Vậy thì anh chuyển giúp em cuốn sách này cho… nhà thơ Phạm Tiến Duật…”.
Tôi giật mình, hóa ra ông bạn vàng đã lẻn vào Sài Gòn trước tôi và sau này nghe nói Duật phải kiểm điểm về tội bỏ đơn vị quá lâu.
Cô gái có vẻ buồn và ngơ ngác. Hóa ra cô nhờ tôi chuyển cho Duật cuốn “Con chim trốn Tuyết…” , truyện của Gallico viết về Rhayader, một họa sĩ tật nguyền, phải tìm nơi ẩn dật ở một hải đăng hoang phế ven biển và chết bên dưới vòng cánh lượn đầy tình nghĩa của "con chim trốn tuyết".
Nội dung cuốn truyện chẳng dính dáng gì tới Duật mà sao cô gái cứ khẩn khoản tôi chuyển cho anh. Bất ngờ, bằng những kinh nghiệm tình trường, tôi chợt nghĩ ra:
“Phải tên cô là Tuyết không?”.
Cô gái gật đầu e thẹn:
“Dạ vâng, em tên Tuyết…”.
Tôi bật cười:
“Con chim của Gallico thì trốn tuyết, còn Duật thì trốn… cô à?”.
Cô gái đỏ bừng mặt nhưng sự im lặng đã là câu trả lời. Ít lâu sau ra Hà Nội tôi nhắn Duật tới “nhận quà Sài Gòn”. Hồi đó dân gian có câu “miền Bắc nhận hàng, miền Nam nhận họ”. Tất nhiên Duật không rơi vào trường hợp đó nên cứ thắc mắc không biết ai gửi quà cho anh? Tôi đưa ra cuốn “con chim trốn Tuyết":
“Sao? Đã nhận ra ai gửi chưa?”.
Nhìn cái tựa sách, dường như Duật đã hiểu ra, mặt đỏ bừng, buồn buồn. Tôi nhắc:
“Thế nào… định trốn…Tuyết à?".
Duật khó khăn:
“Cái gì đã qua thì thôi cho qua luôn…”.
Hồi đó Duật vẫn đang ở với chị Vân, tôi giằng cuốn sách lại:
“Thôi đừng cầm về… bà Vân biết thì rắc rối…”.
Duật lắc đầu:
“Không sao… không sao đâu…”.
Anh vẫn cầm cuốn sách về, thẫn thờ như người mất hồn và không nói gì thêm. Nhiều năm sau gặp lại Duật ở phòng làm việc của Tùng Điển, Phó chủ tịch Hội liên hiệp VHNT. Thì ra Duật đã về tạp chí của Hội, lương bổng bằng cái “móng tay” so với quan chức Hội nhà văn. Chẳng hiểu sao Duật cứ buồn buồn, tất nhiên không phải vì chuyện “con chim trốn Tuyết” – nghe nói cô gái đã định cư ở Mỹ. Thời gian này chắc để kiếm thêm do thu nhập eo hẹp Duật đang làm MC trong tiết mục “Cây cao bóng cả” trên tivi.
Nhìn vẻ mặt buồn và khắc khổ, tôi nhói lên thương anh. Bằng vào sự nghiệp thơ, lẽ ra Phạm Tiến Duật phải được cấp villa ven hồ Tây, phải được dựng tượng ở nghĩa trang Trường Sơn và đặt tên cho một phố lớn Hà Nộ.. Nhưng mà nghĩ lại, những cái đó để làm gì?
“Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả
Nơi có những ngọn đèn thắp trong kẽ lá
Quả cây chín đỏ hoe
Trái nhót như ngọn đèn tín hiệu
Trỏ lối sang mùa hè…”.
Nơi có những miền quê yên ả
Nơi có những ngọn đèn thắp trong kẽ lá
Quả cây chín đỏ hoe
Trái nhót như ngọn đèn tín hiệu
Trỏ lối sang mùa hè…”.
Đọc lại dưng dưng muốn khóc. “Lửa đèn”, “Gửi em cô thanh niên xung phong…” đó mới là “tượng đài” Phạm Tiến Duật.
KỲ 17
NHÀ THƠ HOÀNG CẦM
Tôi ở phố Ấu Triệu, nhà thơ Hoàng Cầm phố Lý Quốc Sư, cách nhau nửa con phố ngắn nhưng ít khi tôi mò sang quán rượu số 43 của ông. Gọi là quán cho sang, ngang dọc lối chừng 5-6 mét, mấy chiếc ghế gỗ, bàn nhỏ. Một lần nhà thơ Lê Xuân Đố cùng ca sĩ Trần Khánh ghé tôi rủ sang quán rượu Hoàng Cầm. Quán chỉ có hai người “phục vụ”: chị Yến, phu nhân Hoàng Cầm làm đồ nhậu lạc rang, thịt bò khô… nhà thơ “phụ trách" rót rượu. Ngồi nhấm nháp chốc lát rồi cả bọn kéo nhau lên gác xép. Lê Xuân Đố bảo anh Hoàng Cầm đọc thơ. “Em ơi buồn làm chi? Anh đưa em về bên kia sông Đuống…”, nhà thơ đọc chưa hết nửa bài nước mắt đã ròng ròng. Chợt bên tai vang lên hồi chuông nhà thờ Lớn gọi con chiên lễ chiều. Trong này nỗi buồn sông Đuống, ngoài kia nô nức vây quanh tượng Đức mẹ Hòa Bình giữa sân nhà thờ Lớn. Tôi cũng không biết nên buồn hay vui?
Năm 1980 trước khi chuyển vào Sài Gòn tôi ghé chào nhà thơ. Ông chép tặng tôi bài “U gì?”. Rất tiếc tôi không còn giữ bản chép tay, đành trích theo Hoàng Hưng:
“Lỗ chỗ chín chậu nắng tóe mắt võng rách tụt cân đai yên ngựa què kéo đen ngòm cỗ xe bánh vuông (không thấy mui) sa lầy bãi sông thu bùn lũ ngược vẫy sen tàn (đi hoang ư) ngậm miệng nghỉm gió thốc lốc cung rê-ma-giơ quắt nhức ba cạnh nhung gai lì ái ân gì dài thon mười búp lóa kim cương trắng sữa đầu vú núi cao ngất lùm cỏ ngọt ước ao...”.
Bài này đã vượt khỏi âm hưởng “kinh Bắc”, đậm chất avant-garde như “Ô mai” của Đặng Đình Hưng, “Ngàn lẻ một mùi hương" của Dương Tường, “Gốc gió", “Con ngựa vào thành phố “ của Hoàng Hưng.
Năm 1982, một Việt kiều tên “Hùng Canada” (sau nghe nói là nhà văn Nam Dao) về nước tính mang tập thơ “Về kinh Bắc" ra hải ngoại, từ đó đẻ ra vụ án Về Kinh Bắc “lưu truyền văn hóa phẩm phản động”.
Tháng 8-1982 nhà thơ Hoàng Cầm bị bắt, 16 tháng sau mới được tha. Trong vụ này nhà thơ vốn nhát sẵn lại thêm nàng tiên nâu hối thúc nên đã khai tuốt luốt, nhanh chóng nhận tội nói xấu chế độ và tỏ lòng ăn năn hối lỗi.
Sau khi ra tù được ít lâu, trên báo Tuổi Trẻ có đăng bài thơ của Hoàng Cầm với lời đề: ”Kính tặng anh Phạm Hùng”, ông này lúc đó là Bộ trưởng Bộ nội vụ tức Bộ công an sau này.
Tôi không tin vào mắt mình, lập tức gọi điện cho nhà thơ Dương Tường:
“Sao Hoàng Cầm lại tặng thơ cho kẻ đã ký lệnh bắt mình?”.
Dương Tường rền rĩ:
“Thôi Tuấn ơi… Cậu phải thông cảm với Hoàng Cầm…”.
Thực ra người đọc cũng đã thông cảm với Hoàng Cầm từ hồi đại hội văn nghệ tháng 8/1950 tại Việt Bắc, Đảng chủ trương đề cao kịch nói và loại trừ Tuồng, Chèo, Cải lương, Kịch thơ. Hưởng ứng chủ trương này, Hoàng Cầm đã đứng dậy, trịnh trọng bưng ghế ra đặt ở giữa hội trường, lấy ở trong túi ra sợi dây dài buộc tập kịch thơ, xong leo lên ghế đẩu, giơ tập thơ vừa mới bị trói chặt lên thật cao, tuyên bố:
- "Tôi xin treo cổ Kịch Thơ. Bắt đầu từ ngày hôm nay" (...)
Tất nhiên không phải ai cũng “thành khẩn” như Hoàng Cầm, nhiều văn nghệ sĩ khác đã bỏ của chạy lấy người, âm thầm bái biệt cách mạng, "dinh tê" về Hà Nội như Phạm Duy, Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Võ Phiến... sau này đều là cây bút trụ cột của miền Nam.
“Thông cảm với Hoàng Cầm” - tất nhiên là tôi hết sức “thông cảm” nhưng chắc thơ của ông thì… không, nó mang theo những dấu vết đó.
Năm 2005, tôi gặp nhà thơ Hoàng Cầm tại Đại hội nhà văn 7 ở Hội trường Ba Đình. Giờ nghỉ tôi đứng ngoài hành lang, chợt nhà thơ Hoàng Cầm ghé tới xin lửa. Sau này tôi cứ ân hận vì không tay bắt mặt mừng với ông.
Năm 2007 Hoàng Cầm nhận giải thưởng Nhà nước với tác phẩm: “Bên kia sông Đuống (thơ 1993), Lá diêu bông (thơ 1993), 99 tình khúc (thơ 1995) với lời phát biểu:
”Tôi cảm ơn Nhà nước vì về cuối đời được nhận giải thưởng xứng đáng của mình. Tôi chỉ thấy tiếc cho những anh đã qua đời như Trần Dần, Phùng Quán. Chỉ có gia đình các anh được nhận chứ bản thân các anh không được nhìn thấy. Giải thưởng đánh dấu một giai đoạn phát triển của văn nghệ, và đáng vui mừng, dù chậm. Tôi nghiệm rằng trong văn nghệ cái gì có giá trị thì có thể trong một thời gian bị vùi lấp hoặc bị hiểu nhầm nhưng rồi sự thật vẫn là sự thật…được Nhà nước trao giải tôi thấy yên tâm, không có gì phải ân hận với cuộc đời”.
Thực ra trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm chẳng ai bị “hiểu nhầm” hết, trao giải thưởng cho họ trước hết là ghi nhận sự trở về với Đảng của những đứa con sau những "bước đường lầm lạc" (sic). Lại cũng phải “thông cảm” với Hoàng Cầm, tuy vậy, không biết có phải vì thế vụ này ông nhà thơ mất khá nhiều phiếu của một cộng đồng không nhỏ các fan hâm mộ ông.
Ca ngợi Hoàng Cầm có nhiều người, Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, trong tọa đàm ngày 22-4 tại Hà Nội về nhà thơ Hoàng Cầm nhân ngày giỗ đầu của ông (6-5-2010) bốc thơm:
”Lê Đạt ra đi, Hoàng Cầm đã mất… nhưng vẫn còn lại đây con mắt thời gian nhìn xuyên lịch sử”.
Xin hỏi ông Phạm Xuân Nguyên, "con mắt thời gian nhìn xuyên lịch sử" liệu có thấu những thảm cảnh trong cải cách ruộng đất, hợp tác hóa nông nghiệp, tết Mậu Thân ở Huế …?
Một thời có người suy diễn “lá diêu bông” là tự do sáng tác Đảng hứa hẹn cho văn nghệ sĩ mà tìm hoài không thấy. Thực ra Hoàng Cầm làm bài thơ này năm 1959 chỉ là nhớ về một chị Vinh ngày xưa ở quê nhà. Cái mẹo “vẽ rắn thêm chân” này không ngờ về sau được nhiều nhà phê bình sử dụng bình thơ Hoàng Cầm.
Trong “Hồ sơ Nhân Văn Giai Phẩm” lưu tại RFI, nhà phê bình văn học Thụy Khuê đã bỏ ra rất nhiều công phu viết về Hoàng Cầm. Mặc dầu bà thừa nhận: “Kiều Loan, là vở kịch thơ hay nhất của Hoàng Cầm, của thời tiền chiến. Khởi thảo cuối xuân 1942 đến giữa năm 1943, đã tạm xong…”, nhưng khi phân tích tập thơ “Về kinh Bắc" bà lại sử dụng nó như tác phẩm sáng tác sau thời Nhân Văn Giai phẩm.
Kiều Loan là kịch thơ viết về con gái một cựu thần Tây Sơn, đi tìm chồng là Vũ Văn Giỏi vốn theo Nguyễn Ánh, tàn bạo càn quét những người chống lại nhà Nguyễn. Kiều Loan giả điên đến Phú Xuân, bị giam trong ngục rồi uống thuốc độc tự vẫn, trước khi chết, nàng chém người chồng phản bội….”.
Có thể nói năm 1942, viết vở này Hoàng Cầm không mảy may “tiên tri” chuyện sau này để Thụy Khuê có thể liên hệ nó với thời cải cách ruộng đất:
“Thà giết oan trăm mạng lương dân
Hơn để thoát một tên phản nghịch
Hoặc với phong trào Nhân Văn Giai Phẩm:
“Mà trước mắt, cuộc xoay vần thời thế
“Mà trước mắt, cuộc xoay vần thời thế
Gạt ra ngoài hầu hết bậc tài danh”.
Cũng như vậy, không thể căn cứ vào Kiều Loan để kết luận:
“Về Kinh Bắc là bản hùng ca bi tráng, vào đêm. Đêm của người thất trận, nhưng không thoái gót. Về Kinh Bắc là về đất mẹ Luy Lâu (Kinh Bắc), kinh đô văn hóa đầu tiên của nước Việt, để dâng sớ kể tội "triều đình" đàn áp tư tưởng, càn quét nhân tài. Nội dung ấy được giấu trong những câu thơ kín đáo, rồi lại đảo lộn thứ tự như sấm Trạng Trình. Đọc qua không thể hiểu. Hoàng Cầm trả lời mọi thanh trừng bức bách. Nhưng kẻ ra lệnh bắt Hoàng Cầm đã hiểu.”
hoặc:
“Về Kinh Bắc lần này, là khúc tráng ca, xuyên sa mạc, của một hồn cọp dữ, gào thét những vấn nạn buổi đổi đời, "rực lửa Phong Châu", "Diêm Vương mở hội". Cọp về hỏi lại Luy Lâu đất tổ, hỏi Ba Vì, hỏi gái Cầu Lim, hỏi trai Yên Thế. Bởi Hoàng Cầm, người, có thể ngã ngựa, có thể van xin đảng tha tội. Nhưng Hoàng Cầm, thơ, chưa bao giờ khuất phục…”.
hoặc:
“Về đây là cáo ấn từ quan, về ẩn dật. Về đây còn là về mách mẹ, về khấn tổ tiên, về báo cáo với thánh hiền những lăng loàn của chuyên quyền hiện tại. Về Kinh Bắc...”.
“Vẽ” thêm chất “bi tráng”, “hồn cọp dữ", “gào thét những vấn nạn buổi đổi đời”, “trả lời mọi thanh trừng bức bách” dâng sớ kể tội "triều đình" đàn áp tư tưởng, càn quét nhân tài…”. Chắc lúc còn sống thi sĩ Hoàng Cầm đọc những nhận định này cũng phải toát mồ hôi hột sợ đến tai… an ninh văn hóa.
Thực ra thơ Hoàng Cầm thiên về "thơ huê tình" hơn là "thơ phản kháng", thiên về tính “âm”, tính “nữ”, tính ôn hòa hơn là hừng hực ngọn lửa phản kháng đến mức trở thành “tráng ca”.
Trong “Chân dung tự thú năm 1994”, ông viết:
“Gọi chiều xưa trở lại
Đẩy chiều nay về xa
Thường trò chuyện với ma
Như với người đang sống”.
Nhà thơ Hoàng Hưng vốn biết rất rõ Hoàng Cầm đã nhận xét rất hay về “Về kinh Bắc":
“... Kinh Bắc huê tình non tơ (Chũm cau căng nứt mạch tằm/ Yếm may ba ngày mẹ vá lại… Gió ra hồng da trinh nữ… ong bay vai áo tiểu thon mình), Kinh Bắc bi tráng (Chợt mê thét giữa sân/ Nét mác chữ thiên toạc lưng trâu mộng), Kinh Bắc ma mị (Châu chấu ma vờn cổ yếm xây…Trò chuyện gì ai đâu/ mồ tháng giêng mưa ướt sũng…), Kinh Bắc của những sinh hoạt văn hóa dân gian giàu bản sắc (Gió mất chồi xuân đay nghiến lũy tre dày… Đằm ca dao sáo diều chiều lịm tím lưng trâu…) Có thể nói Về Kinh Bắc... là kết tinh vùng văn hóa nghìn năm Kinh Bắc, là thi sĩ của đất quan họ, chẳng khác thi sĩ Tây Ban Nha Federico Garcia Lorca với quê hương Andalusia qua những khúc cante hondo (trầm ca) và romance….”.
(HH -Bài giới thiệu tập thơ Mưa Thuận Thành, báo Lao Động1991).
Đúng vậy, nhà thơ Hoàng Cầm từng tự giới thiệu:
“Có lẽ khi được sinh ra trên cõi dương gian, tôi đã được Mẹ Kinh Bắc cho tôi ăn những giọt sữa tinh khôi chắt chiu từ những câu hát quan họ ngọt say như mật, nên từ nhỏ tôi đã chọn thủ pháp khai thác triệt để tính nhạc của ngôn ngữ và đặc biệt là chất say của thơ”.
Bởi thế thơ Hoàng Cầm là kết tinh của văn hóa vùng miền Kinh Bắc, như F.G. Lorka với quê hương Andalusia, và cũng có thể ví như Nguyễn Ngọc Tư với quê hương Cà Mâu… Khác với những nhà thơ cùng thời không đậm chất “vùng, miền”, họ có được sự đồng cảm rộng rãi từ dân quê miệt vườn cho tới thị dân đô thị như Thanh Tâm Tuyền, như Trần Dần…
Sau cùng, trả lời nhà báo Thu Hồng (báo Thanh Niên), nhà thơ Hoàng Cầm cho biết:
“Hầu hết những bài thơ của tôi được độc giả ưa thích bao giờ cũng bắt đầu một cách vi diệu từ thế giới xa xăm, vô hình nào đó...".
“Lá diêu bông là bài thơ duy nhất tôi viết trong trạng thái vô thức. Đó là mùa rét năm 1959, đêm nào khi lên giường, tôi cũng cầm sẵn một tập giấy trắng bên tay trái và cây bút chì bên tay phải, phòng khi không ngủ được thì làm thơ. Chợt vẳng bên tai một giọng nữ nhỏ nhẹ độc chậm rãi, có tiết điệu, nghe như từ thuở xa xưa nào vọng đến: "Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng...". Sáng hôm sau, tôi phải mất nửa giờ mới tách được ra các câu thơ theo thứ tự mà người phụ nữ kỳ diệu nào đó đã đọc cho tôi. Tôi gọi những giây phút vô thức ấy là "xuất thần", đó là phần tinh túy của tinh thần bật ra”.
Thực ra vô thức theo Sigmun Freud ví như phần chìm của tảng băng tâm linh, là vùng chứa những ẩn ức bị dồn nén từ xa xưa, bị ngăn chặn, chỉ vượt được lên tầng ý thức phần nào trong giấc mơ và phần lớn trong các chứng loạn thần kinh (névroses). Các bác sĩ phân tâm học phải thôi miên bệnh nhân họ mới nói ra được những ẩn ức chìm trong vô thức, nhà thơ Apollinaire cũng đã từng ngồi đồng để làm thơ “inconscience”… Vậy cái chuyện Hoàng Cầm nói về “vô thức” có thể chỉ là trong cơn say với nàng tiên nâu hoặc với hoàn cảnh nào đó. Chính vì vậy ông tiếp tục trả lời nhà báo:
“Thủ pháp quan trọng nhất là phải khéo sử dụng âm thanh và nhịp điệu theo chủ đề của bài thơ“.
Thao tác đó phải thực hiện trong ý thức chứ không phải trong những giây phút “vô thức xuất thần” hoặc “một cách vi diệu từ thế giới xa xăm, vô hình” như nhà thơ nói.
Điều này cũng chứng tỏ trong thời “bao cấp tư tưởng” những kiến thức phương Tây hiện đại là khá xa lạ với các nhà văn, nhà thơ miền Bắc.
Dẫu thế nào, thơ và kịch thơ Hoàng Cầm về nỗi bất hạnh - hạnh phúc xa xôi của kiếp người cũng đã lay động con tim hàng triệu người Việt.
Nhà thơ Xuân Sách dựng chân dung Hoàng Cầm với lời lẽ chua chát:
“Em ơi buồn làm chi
Em không buồn sao được
Quan họ đã vào hợp tác
Đông hồ gà lợn nuôi chung
Bên kia sông Đuống em trông
Tìm đâu thấy lá diêu bông hỡi chàng”.
7-3-2012
KỲ 18
NHÀ VĂN NGUYỄN TUÂN
Ngày 26 tháng 12 là cái ngày gì?
Hỏi 10 người chắc cả 10 không biết nó là cái ngày quỷ gì?
Vậy xin hãy nghe nhà văn Nguyễn Tuân trả lời:
“Toàn thể văn nghệ sĩ Việt Nam cũng như toàn thể nhân dân chúng tôi rất hân hoan, sung sướng đón mừng ngày sinh nhật của Chủ tịch vĩ đại. Trong dịp này chúng tôi đã nhận được từ khắp nơi gửi tới những sáng tác văn nghệ của quần chúng gửi tới mừng thọ Chủ tịch...”.
Chủ tịch nào vậy?
Chắc không phải Hồ chủ tịch, sinh ngày 19 tháng Năm.
“…công tác văn nghệ của chúng tôi cũng theo phương hướng văn nghệ công nông binh do Chủ tịch vạch ra...”.
“Dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác - Lênin - Stalin, của Chủ tịch và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi nguyện vĩnh viễn đấu tranh cho hạnh phúc của dân tộc chúng tôi, cho tình hữu nghị vĩ đại giữa các dân tộc...”.
Chủ tịch được tung hô, xếp trên cả Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ có thể là Chủ tịch… Mao Trạch Đông.
Những đoạn trên trích trong “Thư Hội văn nghệ Việt Nam kính gửi Mao Chủ tịch “ do nhà văn Nguyễn Tuân, Tổng thư ký hội Văn nghệ Việt Nam ký vào ngày 26-12 năm 1952-53 gì đó.
Nhưng chuyện đó xưa lắm rồi, từ thời cải cách ruộng đất lận, nhắc lại cho vui vậy thôi. Còn thời chiến tranh chống Mỹ…
Vào một chiều tại khu sơ tán bom Mỹ của Hội nhà văn VN, nữ văn sĩ Nguyễn Thị Ngọc Tú đang lúi húi… rán cá - thứ của hiếm thời bao cấp, trước cửa phòng, ngẩng lên chợt thấy bác Nguyễn Tuân đứng lù lù với chiếc mũ “phớt” và hàng râu muôn thủa.
Bác cầm can chỉ chỉ:
Bác cầm can chỉ chỉ:
”Con này chín non... Chị lật con kia lên kẻo cháy...”.
Giá là người khác hẳn đã xơi một chiếc guốc, xéo đi cho…"nước nó trong”, nhưng với bác Nguyễn, nổi tiếng “ngông” chị Ngọc Tú chỉ cười cười.
Đã có rất nhiều bài viết về cái “ngông” của bác Nguyễn. Sau Cách mạng năm 45, cái “ngông”, cái văn chương “nhâm nhi, tỉ mẩn” thời trước trong những “Hương cuội”, “Thả thơ”, "Đánh thơ”, ”Những chiếc ấm đất”… mang vào sáng tác cho quần chúng công nông binh, chẳng hiểu bác Nguyễn sẽ phải uốn éo sao đây? Thật đáng lo thay!
Sau này, Nguyễn Tuân tâm sự:
“Giả sử bây giờ tôi còn trẻ, có lẽ tôi xin đi học ngành y làm thày thuốc, vì làm cái nghề văn này sợ lắm…”.
Sợ thật đấy chứ, đường đường một đấng “phù thủy chữ nghĩa”, “ma thuật ngôn từ”, theo cách mạng được Đảng tín nhiệm đưa lên ghế Chủ tịch Hội Văn nghệ VN, vậy phải “công nông hóa ngòi bút” sao đây để “lãnh đạo tin cậy”, cho dù trong lớp chỉnh huấn đã bày tỏ lập trường “rũ bỏ con người cũ” bằng cách… treo cổ mớ bản thảo ngày xưa, từ bỏ “những đứa con tinh thần” vốn làm bác nên danh.
Thế là Nguyễn Tuân xắn tay áo lên “nhả chữ”, mở đầu sáng tác cách mạng bằng tập “Tùy bút kháng chiến” trong đó tiêu biểu là “Đuốc dân công tiếp vận”. Để tăng khí thế cho bài ký, bác viết:
“Hôm nay tôi kể chuyện một con đường thóc đêm đêm rầm rập bước chân người…bao nhiêu người bần cố nông gánh gạo về ngàn. Thật là vĩ đại. Không biết bao nhiêu là con số…Trên vai mỗi người còn đèo thêm một bó đuốc…Tôi cảm thấy đây là lần đầu tiên, nước Việt Nam chúng ta đốt đuốc đi đêm một cách vĩ đại, huy hoàng...”.
Thật là vĩ đại, thật là huy hoàng, chỉ tiếc nó mới được hô lên từ… cổ họng, đại ngôn để xuê xoa cái nghèo cảm xúc. Cũng theo cách đó, ông mạt sát dân “vùng tề”:
”Tôi nghĩ đến một cơn lốc khổng lồ lật ngửa những mái gianh đang úp vào mặt bùn kia, hút ngược bao nhiêu nhố nhăng kia lên giời và quét sạch cái không khí dịch tễ của nơi này đi…”.
và chửi Pháp:
”Chiều tà Việt bắc Đông bắc rừng rực lên những đồn Pháp, chiếu ống nhòm như những mâm cà độc dược, như những kim tự tháp loét ngọn…” .
Không còn “ngông”, cũng chẳng còn “nhâm nhi”, “Tùy bút kháng chiến” của Nguyễn Tuân, “quả mùa đầu” cho cách mạng, sau này được hai Giáo sư “mao nhiều hơn cả dân mao-ít” là Phan Cự Đệ và Hà Minh Đức reo mừng:
”Sau Tùy bút kháng chiến, ta đã có một công dân Nguyễn Tuân bên cạnh một Nguyễn Tuân nghệ sĩ, một cán bộ Nguyễn Tuân hòa hợp với một nhà văn Nguyễn Tuân”.
Thế là khỏi lo “con bò trắng răng”, Nguyễn Tuân - chàng lãng tử ngông nghênh đã bỏ thói “nhâm nhi tỉ mẩn”, mài nhẵn xù xì gai góc, dọn giọng hót cho bần cố nông nghe, trở thành “nhà văn cán bộ”, vượt quá yêu cầu của Đảng.
Vậy nhưng khổ nỗi "cái nết đánh chết không chừa”, trở về Hà Nội sau năm 1954 có rượu tây, có ánh đèn xanh đỏ, có dáng “kiều thơm”... bệnh “ngông “ trong Nguyễn Tuân tái phát.
Vậy ông đã “ngông” như thế nào?
Trong khi cả thiên hạ đang phải gân cổ ca bài “chống chủ nghĩa cá nhân”, làm việc quên mình vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, năm 1957, Nguyễn Tuân lại chơi ngông, nhâm nhi, tỉ mẩn luôn một bài… “Phở”.
“Thật ra ăn phở cho đúng, đúng cái “gu” của phở, phải ăn thịt chín. Thịt chín thơm hơn thịt tái, mùi thơm miếng thịt chín mới biểu hiện đúng cái tâm hồn của phở…”.
Than ôi, cái “ngông của Nguyễn Tuân" cũng mới ở mức độ vuốt ve con tì con vị, chứ chưa dám “ngông” thở than oán trách gì chế độ, ấy thế mà cũng đã bị ông trùm phê bình mác xít Như Phong choang cho một chùy trên báo Nhân Dân:
”Ở Nguyễn Tuân, ưa phân tích cầu kỳ các cảm giác như vậy không phải chỉ là một phong cách văn chương mà còn là một lối sống ưu du, hưởng thụ mà anh muốn truyền bá. Có đặt cả quá trình sáng tác của Nguyễn Tuân, mới thấy bài “Phở” hãy còn mang nhiều dấu vết của khuynh hướng nhảm đó…”.
Khổ nỗi, nhâm nhi con tì con vị là… nghề của chàng. Thôi thì không cho “nhâm nhi” miếng ăn, miếng uống thì ta “xơi” cảnh vật vậy, so với thiên hạ đang phải nhai “con người mới xã hội chủ nghĩa” thì chàng vẫn còn… ngông chán.
Thế là cũng năm 1957, Nguyễn Tuân viết “Cây Hà Nội”:
“Hà Nội của ta rất nhiều me, nhiều sấu với những trẻ em trèo me, trèo sấu ngày xưa. Nhưng bên cạnh những phố trồng toàn me toàn sấu, còn những cây đứng lẻ tẻ khắp Hà Nội. Hoàng lan, ngọc lan, sữa, long não, gạo, lim, đại, đỗ quyên Nhật…”.
Huyên thuyên về “cây”, nhưng chàng Nguyễn vẫn không quên gài một câu xỏ xiên về “người”:
“Lắm lúc tôi muốn rộng lượng tặng huân chương cho một vài cái cây thủ đô vì một số công lao của chúng đối với cuộc sống hàng ngày của người Hà Nội. Anh tưởng chỉ có một số người nào mới có công lao thôi sao… Anh họp nhiều quá, lâu quá, cây đẹp không đợi được anh mãi…”.
Cái mẹo đó sau này được đúc kết lại thành “thủ pháp nghệ thuật" có tên là “gài mìn” nhiều năm sau được một số cây bút trẻ học lỏm. Hết “cây” lại đến “hồ”, mượn lời một chị Ba Lan, Nguyễn Tuân mệnh danh “Con hồ Thủ đô” là một…viên ngọc êmơrôt “nằm giữa một cái nền hộp nữ trang bọc nhung xanh hồng, kẻ đường con cờ…”.
“Êmơrôt” là cái quỷ gì quần chúng công nông làm sao biết? Thôi thì bỏ qua cái tội quên lời Bác dặn “viết sao cho dễ hiểu”, nhưng cái “lỗi” “lan man, lẩn mẩn” thì vẫn còn đó.
“Một hôm tôi đang nhìn hai cô cân táo đen táo đỏ bán lẻ, tôi đang nhìn bà quay kẹo bông cho trẻ em, tôi đang nghe cái ông đội mũ rạ rách thuyết minh cho cái ống dòm thời sự chiến tranh của ông đỗ ở xế ga tàu điện cũ bờ hồ, bỗng thấy nhớ mấy cây lộc vừng năm nào vẫn soi bóng xuống hồ…”.
Rõ chuyện tầm phào, “mậu dịch viên nhà nước” đâu hết toàn “tả” tư thương để mà nhớ về "quá khứ”? Có lẽ chợt nhận ra “lỗi” này, Nguyễn Tuân vội vàng bày tỏ lập trường:
“Tổ chức tết trung thu Độc lập cho các em thiếu nhi quanh hồ phá cỗ” và rồi hăng lên bốc phét:
“Trong những ngày vui ấy, một anh bạn tôi đã hồi sinh lại với thời đại đã vứt tõm xuống hồ Hoàn Kiếm một khẩu súng lục, nhất định từ bỏ ý định tự sát vẫn ám ảnh mình, một chị bạn tôi cũng vứt xuống lòng hồ một cái hộp sắt hàn thiếc trong ấy có cả một cuốn nhật ký một người đẹp sắp phát điên…”.
Cách mạng cảm hóa người ta ghê gớm chưa, một anh sắp tự tử vứt cả súng, một chị chán đời quăng cả nhật ký xuống hồ. Bác Nguyễn “hư cấu" thế này đến con nít cũng chẳng tin. Ấy thế rồi để tăng thêm "tính cách mạng” cho bài viết, xuê xoa đi những chỗ “tầm phào”, bác Nguyễn lên giọng “chính trị”.
Nào:
“Đối với con người Hà Nội, đối với thủ đô năng suất gấp trăm gấp ngàn thành phố khác trên đất Việt Nam, hồ Gươm như là một người bạn thân thiết…”,
nào:
“hồ là lá phổi làm thắm tươi dòng máu đập nhanh của gần nửa triệu con người thủ đô Hà Nội đang hàn gắn, chắt chiu và vững tâm xây dựng…”,
nào:
” Với anh chị em tập kết Trị Thiên, Khu năm, Nam bộ, có lẽ hồ Hoàn Kiếm còn thân mật hơn với tất cả chàng trai và cô gái sinh trưởng ở Hà Nội…”.
” Với anh chị em tập kết Trị Thiên, Khu năm, Nam bộ, có lẽ hồ Hoàn Kiếm còn thân mật hơn với tất cả chàng trai và cô gái sinh trưởng ở Hà Nội…”.
Than ôi, giọng văn khinh bạc của bác Nguyễn đâu rồi? Còn lại một thứ văn “tả cảnh” của học sinh phổ thông làm luận “Em hãy tả hồ Hoàn Kiếm".
Mạt sát “phong kiến đế quốc” và “tung hô cách mạng” từ nay đã trở thành cảm hứng chủ đạo xuyên suốt văn chương chữ nghĩa của chàng. Trong “Từ Tân thế giới mà về”, ông tả bà con khi rời Việt Nam:
”… ở đâu phe phẩy ngọn cờ vàng ấy thì nơi đó ngày đêm nổi dậy tiếng than khóc mếu ly tán, vợ tiễn chồng, con tiễn cha. Tiếng khóc sinh ly dưới cờ vàng mà thảm hơn cả những tiếng tử biệt…”, ăn uống ở Tân Thế giới thì:
”cá khô mủn ra như mạt cưa, một quả trứng luộc cho cả chục người ăn (sic) thịt trâu đánh đàn và rau muống thắt lưng được (hi hi)…”, khi bà con trở về quê hương đã vào ”cái thế kỷ lớn lên của chủ nghĩa cộng sản, cái thế kỷ của Liên xô đưa người hòa bình lên tinh cầu vũ trụ” và bởi thế bà con cực kỳ xúc động:
“Thật là sống lại. Lúc đi cũng chả nghĩ được ai là tốt ai là xấu. Nay về, thấy mọi người đều thân hơn cả ruột thịt. Giờ được về thấy nước như non tiên…”.
Và rồi nhà văn Nguyễn Tuân “tưởng tượng":
“Tôi không theo đoàn đại biểu kiều bào lên Hà Nội gặp bác Hồ nhưng tôi không khỏi hình dung, tưởng tượng nhiều tới buổi gặp gỡ này. Chủ tịch nước chúng ta 70 tuổi thọ. Cụ già phu mộ Tân thế giới 80 tuổi chẵn. Cụ Hồ thì chủ động xuất dương mà bôn ba khắp châu này biển nọ mưu hạnh phúc cho tất thảy những người đau khổ thế gian, trong ấy có người đau khổ đi phu Tân Thế giới…”.
Khi viết những dòng hào sảng, đầy cảm hứng này, không hiểu bác Nguyễn có biết số phận những Việt kiều Tân đảo này rồi đây sẽ mất hút trong những vùng kinh tế mới trên núi rừng Tây Bắc xa xôi? Trí tuệ sắc sảo như nhà văn Nguyễn Tuân ắt phải biết nhưng viết thế thì vẫn cứ... phải viết. Chứ còn biết làm sao?
KỲ 19
NHÀ VĂN NGUYỄN TUÂN [tt]
Tranh: Trịnh Công Sơn
Tháng 3 năm 1953 sau đợt học tập chỉnh huấn, Nguyễn Tuân viết bản thu hoạch “Nhìn rõ sai lầm” đạt kết quả… vượt cả mức Đảng yêu cầu. Không những rũ bỏ con người cũ, ông còn lên án nặng nề những “đứa con tinh thần":
“Cuốn sách ấy – Vang bóng một thời – là những tang chứng đầu tiên về tội lỗi của tôi với dân tộc. Trong “Vang bóng một thời" tôi đã đứng về phía bọn phong kiến, bóc lột thống trị nhân dân lao động mà đưa ra một cái nhân sinh quan phản tiến bộ của bọn quan lại địa chủ tiêu dao hưởng lạc bất lực trước nhiệm vụ lịch sử…Truyện dài “Thiếu quê hương" in năm 43 là một tội lỗi nữa về sáng tác cũ... Tập “Nguyễn” in sau ngày Tổng khởi nghĩa…tôi tự truyền thần cái tôi thối nát và phá hoại đó…tự dối mình cho là tâm hồn mình vẫn thanh cao mặc dầu thân thể tắm vào bùn nhơ của rượu, thuốc phiện, dâm ô…”.
Kết tội, vùi dập tác phẩm của mình quyết liệt, tàn nhẫn vậy, phải chăng Nguyễn Tuân chịu sức ép của cán bộ Đảng? Không hẳn thế, nếu không xác tín, không tự nguyện, không viết từ con tim thì không thể có những lời lẽ cháy bỏng vậy. Chính vì lẽ đó, Nguyễn Tuân viết về Đảng với giọng hào sảng:
“Chân lý của Đảng đang đưa tôi sang một chỗ đứng mới. Từ chỗ đó, tuy còn là non yếu, tôi sẽ cố gắng bước dần lên, Đảng và nhân dân dìu dắt tôi dần lên…”.
Để nắm chặt văn nghệ sĩ, Đảng luôn luôn nhắc nhở:
“Văn học nghệ thuật là vũ khí của Đảng, mỗi nhà văn là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa…văn học phải phục vụ chính trị…”.
Ta có thể thông cảm hoàn cảnh khắc nghiệt của các nhà văn Việt Nam phải đội trên đầu “cái vòng kim cô” đó mà bất kỳ ai cũng có thể đọc “niệm chú” cho kẻ đang đội phải thân tàn ma dại. Vậy nhưng khác với Tôn Ngộ Không bị Phật tổ buộc phải đội, trong cái chợ văn chương xã hội chủ nghĩa, ai muốn vào thì vào, ai muốn ra cũng chẳng cấm, bất kỳ nhà văn nào muốn từ chối danh hiệu “người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa văn nghệ” đều có thể xếp bút nghiên theo việc cày bừa, đều có thể tháo cái “vòng kim cô” trả lại Đảng kiểu như nhà thơ Hữu Loan từ bỏ Hội Nhà văn về làm ruộng, Đảng còn mừng nữa là khác.
Nhưng với Nguyễn Tuân thì khác, ông “ngông” ở đâu không biết chứ trên “mặt trận văn hóa văn nghệ” ông “phục vụ chính trị” vào loại xông xáo nhất, hăng hái nhất trong các nhà văn “tiền chiến”.
Thử coi Nguyễn Tuân tả đồng chí Lê Duẩn giảng bài:
“Hình ảnh “thày học" (Lê Duẩn) hửng dưới rặng hoa mơ hoa bưởi trắng, nở bên những mái gồi, trên những con đường thấp thoáng quần áo xanh lam dặm. Càng ngày càng hiểu thêm ra thấy rõ chủ nghĩa Mác là mùa Xuân của loài người. Càng thấy mình trẻ lại trong sự giáo dục ân cần của Đảng...”.
Thật khó ngờ rằng mãi đến những năm thập kỷ 60, ông nhà văn Nguyễn Tuân vẫn tràn đầy cảm xúc “mùa xuân của chủ nghĩa cộng sản” trong khi trước đó rất lâu, André Gide đã viết “Retour de l’URSS”, Koetsler đã viết “Le zero et l’infini” , nhà văn Nga Bulgakov đã viết “Trái tim chó”, Pasternack đã có “Bác sĩ Zhivago”, nhà báo Proust đã lật tẩy: ”chủ nghĩa cộng sản là sự đánh đồng cái cao thượng và cái ti tiện” , “Câu lạc bộ Petophi” ở Hunggary đã sôi nổi đòi thoát khỏi ảnh hưởng của chủ nghĩa đó. Không lẽ những tiếng vọng lịch sử đó không tới được tai Nguyễn Tuân? Không lẽ trí óc lỗi lạc của ông nhà văn không mảy may tiếp nhận những tia hồi quang của những người tiên phong cùng thời đó?
Vậy mà không, cũng năm đó, ông tả hai cái xác Lê Nin và Staline:
“Tôi cảm thấy như những cặp lông mày, lông mi sắp sửa chớp chớp và tất cả ở đây sắp được nghe thêm một lời nói rất mới rất nhẹ. Một vừng sáng hồng tỏa lên từ hai khuôn mặt trong lặng. Đấy là thần thái của những người sống, người còn sống. Đấy là thần thái của những vĩ nhân thế giới đã thức chọn một đời và trong lúc nhân loại ngày nay đã đi mạnh được trên cái đà của chủ nghĩa cộng sản thì Người đã yên tâm chợp mắt trong giây lát…Người nghỉ đây nhưng người đã hóa thân vào trong tâm não của cả nhân loại…Người đã thành tên tuổi của một kỷ nguyên mới, của một nền cảm xúc mới và một nếp lạc quan mới…”.
Nếu không xuất phát từ đáy lòng, sao có thể viết được những câu văn bay bổng đến thế? Tuy nhiên, người ta có thể tin chắc nếu được dịch sang tiếng Nga, hai đồng chí lãnh tụ tối cao đang nằm trong quan tài pha lê cũng phải nhổm dậy cười hô hố: "Thằng nào hót hay thế?”.
Khổ nỗi không hót “hay” như vậy, lần sau “nó” cắt suất không cho đi tham quan các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa nữa thì… khổ. Bởi vậy ở một chỗ khác, Nguyễn Tuân lại “bốc phét”:
“Tuyết sẽ trùm lên hết Cung điện Mùa Đông Pêtrôgrat. Nhưng lửa nghị lực và sức làm việc nóng sôi của Lênin ở lều đây sẽ làm tan khối băng tuyết…”.
Í trời ơi, lửa của lãnh tụ nóng như vầy không khéo đốt cháy cả nhân dân Nga. Thế rồi được uống rượu Vodka nhắm với trứng cá hồi, ông nhà văn lại ba hoa về tượng Staline:
”Người nhìn ra xa, nhìn chủ nghĩa cộng sản đang hình thành giữa trời nước Liên xô bát ngát. Sta-lin to cao bình tĩnh như một ngọn đèn bể. Gió bể Cát-piên cuốn bụi dưới chân Người. Người đuổi theo những ý nghĩ lớn. Sta-lin không nói. Sta-lin lặng im như một pho tượng sống… Vây quanh lấy Sta-lin, cuộc sống tưng bừng xây dựng của Stalingrát và của cả Liên bang xô viết đang nói to lên những điều Sta-lin lặng nghĩ trên ngã ba sông…”.
Tượng đá mà còn biết nghĩ, và những ý nghĩ đó còn được cả bàn dân thiên hạ nói to lên, thì quả thực “nghề này phải lấy ông này tiên sư”.
Chỉ nội trong chuyến được Đảng cho đi tham quan Liên xô, Nguyễn Tuân đã “hót” lia lịa cả loạt bài: "Lăng và hồ Lênin”, "Về Stalingrát” ,“Thăm nhà máy cày”. Nhân “Liên xô kỷ niệm Cách mạng tháng Mười được chẵn năm mươi năm”, Nguyễn Tuân ao ước:
”Tôi muốn tôi được hóa thân làm một ngòi pháo cây bông lửa màu soi mình suốt đêm thâu trên pha lê tuyết ngần của Mạc Tư Khoa tôi hằng quý mến, của Lêningrát tôi hằng nhớ thương…”.
Ôi chao, tình thương mến thương quê hương cách mạng Tháng Mười của Nguyễn Tuân rào rạt đến như vậy thì còn có nhà văn nhà thơ thế giới nào hót hay hơn được nữa? Chỉ tiếc chưa đầy hai chục năm sau, “kiểu đấu hót” này đã bị Ngài Putin vứt vào thùng rác của lịch sử.
Được đi thăm Trung Quốc, Nguyễn Tuân ca ngay một tập “Bút ký Trung Hoa” trong đó có cả loạt bài, nào “Cung thiếu nhi”, nào “Ngày Quốc tế thiếu nhi tại Bắc Kinh”,”Xưởng máy dệt gai ở Cáp Nhĩ Tân”, "Gang thép khu Đông Bắc và người công nhân Trung Hoa”, ”Xưởng máy mẫu cơ ở Thẩm Dương”, ”Làng ngoại thành Bắc Kinh”, “Sân khấu Trung Quốc”…ở đâu cũng thấy Nguyễn Tuân đề cao công ơn của Đảng cộng sản Trung Quốc mang tới cho nhân dân Trung Hoa. Chẳng chịu kém thi sĩ Chế Lan Viên trong hai câu thơ để đời:
“Bác Mao nào ở nơi xa…
Bác Hồ ta đó cũng là bác Mao..."
Nguyễn Tuân cũng phóng bút:
“Trong cuộc sống tưng bừng ngày nay của Trung Quốc có Mao Chủ tịch và Đảng cộng sản Trung Hoa luôn đem vui tươi ấm no đến cho nhân dân, tôi cảm thấy cây liễu đã trổ hoa thật và bóng liễu ngày nay xanh rờn bắt nắng hơn bao giờ hết…” .
Ôi chao ôi, công ơn Mao Chủ tịch và Đảng cộng sản Trung Quốc cao đẹp đến nỗi cây liễu cũng ra hoa thì thật là bốc phét đến… Tàu cũng phải cười. “Nhà tiên tri giả” Nguyễn Tuân liệu có biết chỉ không đầy chục năm sau, Mao Chủ tịch và Đảng cộng sản Trung Quốc đã dìm chết cả chục triệu người vô tội trong biển máu của “Cách mạng văn hóa”.
Nguyễn Tuân là tấm gương tiêu biểu cho phẩm chất “Tuần chay nào cũng có nước mắt” của các nhà văn Việt Nam. Hồi đầu Cách mạng tháng Tám, ông đã có “Lột xác”, “Ngày đầu tuổi tôi cách mệnh”,”Trên đường đến với Đảng”… Thật chẳng ai ngờ, mới ti toe làm cách mạng, Nguyễn Tuân đã mượn lời “Thần cách mệnh” thở ra giọng sắt máu:
”Ta là kết tinh của Bạo Phá. Ta là cái chổi quét mạnh vào những thứ nhân nghĩa không khoa học. Ta khai chiến với hiện tại. Ta là Hồng Hài Nhi của cuộc đời rơm cỏ bây giờ. Đối với cái khối của cải bất nghĩa, ta là cốt mìn, ta là bom nguyên tử. Ta đốt, ta quật ta phá, ta tạo ra tan rã, ta ngự trị lên cuộc đời mâu thuẫn. Ta là lịch sử. Kẻ nào nghịch với ta, ta giết…” ( nhạc kịch “Cỏ Độc lập”).
Ghê gớm chưa, rõ ra là giọng “trí, phú, địa, hào đào tận gốc trốc tận rễ” từ thời xô viết Nghệ Tĩnh đã nhiễm sâu vào máu chàng lãng tử họ Nguyễn.
Rồi để ca ngợi Đảng trong kháng chiến chống Pháp ông có “Đuốc dân công tiếp viện”, “Thắng càn", “Đường vui” ,”Tình chiến dịch”,”Tuỳ bút kháng chiến”... Vào thời kỳ cải cách ruộng đất, bao nhiêu máu và nước mắt của hàng chục ngàn người chết oan chẳng mảy may làm Nguyễn Tuân buông một tiếng thở dài, ông cứ ngó lơ cái bi kịch có tầm vóc dân tộc ấy để mà đấu hót ca ngợi công ơn Đảng và Chính phủ đã cho “người cày có ruộng” trong những “Làng hoa”, “Tổ đổi công Chị Nhì ở Phú Yên”…, hoặc chửi rủa địa chủ phong kiến trong “Tây Bắc căm thù”,”Bóng nó còn đè lên xóm làng…” ?
Vậy nhưng bổng lộc Hội nhà văn Việt Nam đâu có nhiều cho Nguyễn Tuân “xê dịch” khắp thế giới dẫu đã tình nguyện làm con họa mi ca ngợi chủ nghĩa cộng sản. Và dường như Đảng đã nhận ra chàng Nguyễn “đấu hót” về tình quốc tế vô sản vĩ đại như thế đủ rồi nên “mời” chàng lên rừng để làm nhiệm vụ “tuyên truyền chính sách đại đoàn kết dân tộc” và chẳng ai ngờ, dẫu phải rời đất thánh Hà Nội, chàng cũng đã hoàn thành công tác một cách xuất sắc…
KỲ20
NHÀ VĂN NGUYỄN TUÂN[tt]
Đó là vào dịp đi thực tế sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Thực ra trong vụ này, Nguyễn Tuân cũng có “tham gia" vài bài như “Quanh việc phê bình tờ báo Văn”, “Phê bình nhất định là khó”, Tìm hiểu Sê-khốp, Cây Hà Nội v.v...” nhưng cũng chỉ ở mức độ “em xin thưa lại với Đảng” kiểu như “tình trạng lệch lạc trên mặt sáng tác của báo Văn là do trình độ yếu” hoặc “đến với nghệ phẩm, anh đến với nó mà anh tham lam quá đáng hoặc hung hăng một cách không cần thiết thì nó biến mất”…thượng số chỉ thế, chứ chẳng phải đòi tự do sáng tác, đòi dân chủ gì ghê gớm như bà Thụy Khuê đã viết trong “Thi pháp Nguyễn Tuân”:
“Thời kỳ Nhân văn giai phẩm, Nguyễn Tuân trở lại với tính nghệ sĩ cứng đầu, viết những bài tiểu luận khá ngang tàng, phê bình chế độ và một số lãnh đạo văn nghệ".
Ôi chao là ngộ nhận, bởi lẽ ngay sau khi được đồng chí Như Phong (GĐ NXB Văn Học) uốn nắn trên báo Nhân Dân, đầu chẳng cứng mà khí phách cũng chẳng ngang tàng (từ sau cách mạng chưa bao giờ chàng có được cả hai phẩm chất này để mà “trở lại”), Nguyễn Tuân sám hối ngay một bài “Nguyễn Tuân tự phê bình” in trên Văn Nghệ, tự nhận “hồi Nhân văn Giai Phẩm tôi đã có sai lầm hữu khuynh…”, ”trong lòng mình thẩm lậu một con đê chưa hàn khẩu” (riêng câu này, bà Thụy Khuê có thể dùng để minh chứng thêm cho cái bà gọi là “thi pháp Nguyễn Tuân”, nhưng “thi pháp” nào cũng còn có ý nghĩa gì khi nó gói ghém một điều giả dối?), thành khẩn không thua gì trong “Lột xác”, báo cáo thu hoạch sau đợt học tập chính trị hồi còn ở Việt Bắc.
Tuy nhiên lần này có khác, kiểm điểm xong, Đảng mời Nguyễn Tuân “đi thực tế mãi trên Điện Biên” và lại còn dặn:
”Các đồng chí mắc sai lầm lần này phải cố gắng đi thực tế…”.
Những tưởng cái “ngang tàng, cứng đầu” trong con người Nguyễn Tuân vùng dậy mà quăng đi cái mũ cối bị chụp lên đầu, hoặc chí ít cũng có một lần thở dài trong trang viết của mình, nào ai có ngờ, những bài viết của Nguyễn Tuân trong đợt đi thực tế này lập tức được các nhà lý luận của Đảng vỗ tay reo mừng. Nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ sốt sắng:
”Chưa bao giờ câu văn Nguyễn Tuân có được cái âm điệu hùng tráng vui tin và lạc quan đến thế. Đáng quý ở đây là sự hòa hợp với cuộc sống mới xung quanh, ý thức đóng góp phần mình vào cái công trường không lồ của chủ nghĩa xã hội”.
Nhà nghiên cứu Trương Chính khẳng định:
”Chính trong chế độ mới, ông đã tìm ra con người chân thực của ông”.
Nhà văn Nguyên Ngọc cũng reo mừng:
”…tôi muốn chào mừng ở anh Nguyễn Tuân một cách đứng mới, một vị trí mới, không những chỉ là một vị trí mới của anh trong tác phẩm mà trước hết là một vị trí mới của anh trong cuộc sống mới. Anh đã đi rất nhiều, rất say sưa về những con người mới mà lòng hy sinh cao cả của họ đã hiến dâng hết cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội...”.
Tập “Tuỳ bút Sông Đà”của Nguyễn Tuân viết sau đợt đi Tây Bắc đã được dán rất nhiều tem đỏ kiểu thế. Bởi lẽ, vượt cả yêu cầu của đồng chí Tố Hữu, ông đã coi những người bị đày đi làm kinh tế mới, những công nhân lầm lũi đập đá vá đường trên những vùng rừng núi xa xôi, heo hút là “những thỏi vàng của một khối vàng xã hội chủ nghĩa Đảng ta đem đầu tư vào Tây Bắc”.
Niềm tin yêu Đảng lúc này chẳng biết thực hay vờ làm Nguyễn Tuân cất lên những trang viết đầy hào sảng:
”tâm hồn tôi đã in sâu và vang động tất cả cái ý thức xã hội chủ nghĩa của người đi mở đường miền Tây”,.
”Tiếng máy nổ của kế hoạch kinh tế sẽ trùm lên tiếng cối nước. Ba năm chưa được thì lại năm năm và cuối cùng là rừng ở đây sẽ quấn quanh lấy người, lấy hơi người, mười đầu ngón tay con người sẽ giao hòa với cuống hoa đầu quả, hoa không còn là ngàn hoa vô định, cỏ cũng không còn cỏ dại dặm dài. Hoa chẩu, hoa các cây công nghiệp, cây ép dầu, cây bóng mát, cây ăn quả sẽ đua tươi với mọi thứ hoa hương và hoa sắc. Hẳn vì đã thấy trước cái triển vọng thơm ngọt tươi thắm ấy của lũ chúng ta ngày nay trên con đường lớn này, mà trên đồi ngục Sơn La, từ những ngày hoa cỏ bị dập vùi, các đồng chí tiên liệt Đảng ta đã tượng trưng giồng lên mấy gốc đào...”.
Ôi chao ôi là chàng Nguyễn, lên cơn “thi pháp” mà vẫn không quên cây đào của đồng chí Tô Hiệu, tiền bối cộng sản, trồng ở nhà ngục Sơn La mà ngày nay đã có người đặt nghi vấn liệu hình tượng này có thuộc loại “cây đuốc sống” Lê Văn Tám?
. Chỉ tiếc không đầy 20 năm sau giá như ông lại ngược sông Đà chuyến nữa để thấy các đồng chí cán bộ Đảng tại nơi ông đã đi qua cùng với đám lâm tặc phá rừng như thế nào – hơn 10 triệu ha rừng nguyên sinh, rừng gỗ quý, rừng phòng hộ đã bị chặt nát biến thành những “phủ” lộng lẫy, những tiện nghi sa hoa, những xe hơi đắt tiền.
Ngày nay đọc lại những “Sông Đà”,”Tờ hoa”, “Tình rừng" của Nguyễn Tuân, người ta chỉ còn thấy đôi chút giá trị ở những tư liệu dư địa chí mà ông đã thừa nhận lấy của “một ông tây”:
“Tôi đọc ở Thư viện khoa học một bộ bảy quyển dày và to “La mission Pavie” của một học giả thực dân Pháp viết rất kỹ về Lai Châu. Những kiến thức ấy cho tôi những trang viết sinh động trong tập Sông Đà…”.
Còn phần lớn là những trang tán nhăng tán cuội về những “con người giả” như anh bộ đội Điện Biên trở về quê “vận động cả gia đình lên Tây Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, lấy núi rừng miền Tây làm quê hương thứ hai…” hoặc như anh cán bộ Phương, người kinh lên vùng cao công tác, được Nguyễn Tuân ca ngợi:
"Cán bộ Đảng ta, nhất là ở Tây bắc, nhất là đối với một số đồng chí gây cơ sở ở vùng địch hậu cũ, cán bộ Đảng nó cứ như là một con dao pha ấy. Vứt đâu cũng được, cái gì rồi cũng làm. Loay hoay ngày đầu, nhưng có ý thức trách nhiệm, rồi cũng tìm ra, vừa làm vừa học…”.
Giá như Nguyễn Tuân sống thêm chục năm nữa, hẳn ông sẽ thấy tầng lớp cường hào ở nông thôn ngày nay đều là “cán bộ Đảng ta” như vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng bị cướp đầm tôm..
Tuy nhiên, dẫu đã hát hay thế mà Nguyễn Tuân vẫn bị “bắt bẻ” trong “Tờ hoa”, “Tình rừng” vì dám lên án kẻ đốt rừng. Ô hay, bác Hồ đã dậy: ”Dẫu có phải đốt sạch cả dẫy Trường Sơn để thống nhất đất nước thì vẫn cứ phải đốt”. Nhà văn Nguyễn Tuân có “quán triệt” lời bác dậy không mà bóng gió lên án “kẻ đốt rừng”?
Sau hai “tai nạn nghề nghiệp” này, Nguyễn Tuân thôi không chơi “cảnh”, chơi “rừng” nữa, ông dứt khoát trở thành một chiến sĩ dùng ngòi bút làm vũ khí xung phong trên mặt trận “chống Mỹ cứu nước:
“Cho giặc Mỹ ăn một cái Tết ta”, ”Hà Nội ta diệt B52”, ”Hà Nội giải tù Mỹ đi qua phố Hà Nội”…
Chửi Mỹ như một bà nhà quê mất gà. Nào là “những tên phát xít Hoa Kỳ hợm hĩnh về súng đạn và du côn du kề lộng hiểm”. Nào là: "từ lòng đường xông lên mùi của Thần Chết, một cái thứ khắm thối Hoa Kỳ mà không thứ nước huê đế quốc nào tẩy tan được…”. Nào là: “Thằng Tổng thống kẻ cướp Mỹ ấy càng leo thang xâm lược càng nện dùi mạnh vào cái mặt trống hòa bình…”, ”Nước Hoa Kỳ đã đi một lèo từ man rợ thẳng tới đọa lạc mà không có thông qua giai đoạn văn minh, văn hiến nào…”.
Cứ như thế “cơn bão ngôn từ” của Nguyễn Tuân lên tới đỉnh điểm ở bài ký nổi tiếng “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”. Trong bài này ngoài giọng chửi Mỹ xoe xóe, Nguyễn Tuân còn phủ lên cái chết tang thương của bao người Hà Nội một thứ “lạc quan cách mạng” phi nhân:
”Chợ Ngọc Hà không phải là vỡ chợ mà là xác thù đã vỡ tan trên buổi chợ chiều”.
Ô hay, bom rơi xuống chợ, người chết, nhà cháy, toàn là dân ta cả, có “xác thù ” nào đâu mà nhà văn khéo tưởng tượng.
Rồi thì “cô gái trại hàng hoa vứt đó cái ô - dọa sắp tưới vườn chiều, cầm vội tay súng…”, hi hi, chắc cô này không chồng, không con, không nhà, không cửa nên bom ném vào xóm là cầm ngay lấy… cây súng.
Ô hay, bom rơi xuống chợ, người chết, nhà cháy, toàn là dân ta cả, có “xác thù ” nào đâu mà nhà văn khéo tưởng tượng.
Rồi thì “cô gái trại hàng hoa vứt đó cái ô - dọa sắp tưới vườn chiều, cầm vội tay súng…”, hi hi, chắc cô này không chồng, không con, không nhà, không cửa nên bom ném vào xóm là cầm ngay lấy… cây súng.
Rồi thì “Tôi đi giữa Hà Nội hôm nay đã chói thắm Huân chương Độc Lập hạng Nhất. Hà Nội phấn khởi đón mừng Huân Chương thi đua lập thành tích mới…Hoa sấu vẫn nở vãi vương khắp thủ đô tưng bừng chiến thắng…”.
Lạy đức Chúa nhân từ, máu đổ, người chết, nhà sập... bao nhiêu bi thương đó ông không thấy, chỉ thấy có “thành tích với huân chương”? Phải chăng tâm hồn nghệ sĩ của “thiên tài Nguyễn Tuân” (nói theo bà Thụy Khuê) đã trơ như đá, rắn như sắt, cứng như thép mất rồi.
Người ta có thể tôn vinh Nguyễn Tuân như một “phù thủy ngôn từ”, một “Thần bút và một thi pháp đặc biệt “ (bà Thụy Khuê), người ta có thể ví ông như “một nhà làm xiếc chữ ở trên dây”, tiếc thay, từ sau năm 1945, cái dây đó đã đặt xuống đất rồi mà ông cứ vờ như nó vẫn dăng cao để ông cứ còn uốn éo mãi trên cả ngàn trang chữ.
Phải chăng đó là “thi pháp Nguyễn Tuân” theo nghiên cứu của bà Thụy Khuê?
Tuy không có di cảo “tái nhận thức” như Nguyễn Khải, Chế Lan Viên… nhưng những năm cuối đời, ông không còn viết những trang “hùng tráng” như “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” nữa. Khoảng giữa năm 1978 Hội nuôi ong Việt Nam mời một số nhà văn trong đó có tôi và Dương Thu Hương lên Tam Đảo nghe báo cáo về nghề. Sau đó tôi có viết bút ký “Thành phố con ong” về “tổ chức xã hội loài ong” mà nếu ta đi sâu sẽ phải nghĩ tới sự có mặt của … Thượng Đế, về vai trò con ong chúa sau một đời tận tụy, cuối đời thu hết tàn lực bay ra khỏi tổ chết cô đơn trên mặt đất khỏi làm ô nhiễm tổ ong. Bài ký đăng trang nhất báo Văn Nghệ, Nguyễn Tuân có đọc bởi lẽ gặp tôi ở giữa cầu thang NXB Văn Học, ông nhìn thẳng vào mặt tôi rồi vừa đi ông vừa nói như người ngủ mê: "Thành phố con ong…thành phố con ong…”. Lúc đó tôi thầm đoán tuy không nói ra nhưng chắc Nguyễn Tuân cũng mong muốn “một con ong” chúa hy sinh cao thượng vì cộng đồng, một xã hội loài ong ưu việt gấp mấy lần “xã hội bầy cừu”. Hẳn là chuyến đi Sài Gòn sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã làm ông suy nghĩ nhiều.
Nhìn rõ những bước lận đận của Nguyễn Tuân, nhà thơ Xuân Sách đã làm thơ chân dung ông:
“Vang bóng một thời đâu dễ
quên,
Sông Đà cũng muốn đẩy
thuyền lên
Chén rượu Tình rừng cay
đắng lắm
Tờ hoa lại trút lệ ưu phiền"
[còn tiếp]
----------------------
* nguồn: blog nhattuan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét