Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

Hoàng Hưng tuổi 70 vẫn đang ở giai đoạn tích lũy - Kim Anh


Nhà thơ Hoàng Hưng: “Cách tân trước hết là phải cách tân cho chính mình chứ không phải cho ai cả. Trước đây thơ tôi có ảnh hưởng lãng mạn, nhưng khi thời đại thay đổi, tâm trạng thay đổi thì thấy cái giọng đó không hợp nữa thì phải đi tìm cách diễn đạt khác. Vấn đề cách tân là để diễn đạt tâm trạng mới của mình bằng ngôn ngữ hay thi pháp mới, chứ không phải mình cố tìm cách cách tân cho mọi người. Vấn đề là đòi hỏi tự nhiên trong tâm hồn mình, nó đòi hỏi sự đổi mới nên phải tìm hình thức thích hợp. Tôi lại là người hay có thay đổi trong tâm trạng, cũng có thể do đọc nhiều nên rõ ràng cảm thấy không thể dẫm chân mãi theo những vết cũ được. Đi tìm tòi để thay đổi cũng chỉ là một cách học hỏi thôi chứ có sáng tạo gì đâu. Lúc trẻ  thì xông xáo, tìm kiếm, nhưng đến tuổi nào đó thì lại thấy có nhu cầu phải cân bằng trong nội tâm của mình...” 

Hoàng Hưng tuổi 70 vẫn đang ở giai đoạn tích luỹ

KIM ANH thực hiện

Là một trong những gương mặt nổi bật trên thi đàn VN đương đại, nhưng gần đây bạn đọc ít được thưởng thức thơ ông và cũng vì thế, ít được biết thông tin về ông. Trong buổi giới thiệu cuốn “Aniara – về con người, thời gian và không gian” của nhà văn Thụy Điển đoạt giải Nobel Văn học năm 1974 Harry Martinson (1904 – 1978) được tổ chức ngày 29.5 tại Thư viện Hà Nội, nhà thơ Hoàng Hưng lại xuất hiện giữa các bạn thơ, những người yêu thơ với tư cách là dịch giả - người “sáng tạo” kiệt tác này bằng tiếng Việt.
Nói “sáng tạo” bởi “Aniara...” được coi là một thiên trường ca triết học, khoa học giả tưởng bao gồm 103 khúc ca kể chuyện một con tàu vũ trụ chở tám nghìn người lánh thảm họa nguyên tử trên Trái đất; trong tác phẩm có “từ giọt sương cho đến vũ trụ” (đánh giá của Viện Hàn lâm Thụy Điển – PV) vì thế công việc chuyển ngữ thực sự là một cuộc “vật lộn” với ngôn từ... “Đây là một tác phẩm khoa học viễn tưởng và có rất nhiều chương Harry Martinson dùng từ kỹ thuật, thậm chí cả những thuật ngữ riêng mà ông sáng tạo ra... Quả là một thử thách đối với người như tôi, đã có nhiều lúc tôi muốn đầu hàng. Nhưng rồi những khúc ca nói về thiên nhiên, về tình yêu, tình đồng loại... đã được Harry Martinson ca ngợi với những từ ngữ vô cùng diễm lệ, đầy cảm xúc... đã kích động tôi, dẫn dắt tôi đi đến đích” – dịch giả chia sẻ. Và cuối cùng, “Hoàng Hưng đã sáng tạo một Aniara mới, ấn tượng. Một bến đậu phương Đông, có thể nói thế, cho con tàu đơn độc nhất trong những con tàu văn học. Không nghi ngờ gì nữa, điều này sẽ mang lại hạnh phúc cho Harry Martinson, người hướng về đạo Phật” (Erik Bergqvist – nhà phê bình văn học, nhà thơ, dịch giả người Thụy Điển). 

@ Trong Aniara, có không ít đoạn miêu tả những cảnh hoan lạc với những từ ngữ khá là gợi cảm... liệu đó có phải chính xác những từ mà Herry Martinson dùng? Hay là sự “sáng tạo” của dịch giả - nhà thơ?
Hoàng Hưng: Đó chính xác là những từ mà Henrry Martinson đã dùng, trong tác phẩm này còn có đoạn nói về một nhóm người vì quá bế tắc với cuộc sống nên đã lập ra một giáo phái hành lạc. Tác giả viết trong tựa cuốn sách của mình thế này: “Aniara bàn về mọi sự mà chúng ta không tự thân điều khiển được, nhưng lại phụ thuộc vào và cũng tham gia. Dù cách sống của mình ra sao, chúng ta cũng sống bên trong những cái khung mà chúng ta bị áp đặt vào một cách không thương xót. Có một cái khung sinh học. Chúng ta sinh ra, lớn lên, già đi và chết. Cái khung thứ nhất ấy đã chứa đựng tất cả niềm vui và tất cả nỗi lo sợ có thể có. Những khung khác được con người tạo ra trong mối quan hệ với thiên nhiên. Đó là những khung xã hội, chính trị, tôn giáo và khoa học. Sự sinh tồn của chúng ta chỉ là một toan tính dài nhằm giải thích cho mình thế giới bên trong những cái khung ấy, cho đến giới hạn của sự bí ẩn hay hãi hùng, hay thêm nữa, nhằm cô lập mình khỏi đó và che chở mình khỏi đó, nhờ những biểu tượng hướng nội, những biến dạng của bản năng...”. Vì thế, rất dễ hiểu là trong tác phẩm của ông, những gì dính dáng đến con người, đến cuộc sống của chúng ta đều hiện diện một cách chân xác. Và cũng vì thế, Aniara còn có rất nhiều đoạn về thiên nhiên rất thích, rất đẹp; những khúc tình ca cũng rất hay; những đoạn nói về đời sống tâm linh của con người; cảnh vũ trụ hoành tráng. Bối cảnh của câu chuyện ở trong một phi thuyền rất hữu hạn nhưng lại ở giữa một không gian vũ trụ vô hạn nên nó gây nên một cảm xúc rất kích động. Cảm xúc ấy thậm chí tuôn trào trong một số chương khi tôi dịch, cứ như là mình viết ra chính những suy nghĩ của mình vậy.

@ Ông có hài lòng với bản dịch này không?
Hoàng Hưng: Về cơ bản, tôi thấy hài lòng. Tất nhiên, nếu bây giờ xem lại một cách cẩn thận hơn nữa thì vẫn có từ muốn thay đổi. Thơ mà... có phải cứ cắm cúi và muốn mà làm được đâu...

@ Chính vì thế, nên thời gian gần đây bạn đọc ít được thưởng ngoạn thơ ông? Ông từng nói: Với nhà thơ, không làm được thơ là thất bại! Vậy giờ ông đang ở giai đoạn thất bại sao?
Hoàng Hưng: Tôi tạm coi là giai đoạn tích lũy thôi chứ chưa đến mức là không làm được thơ nữa. Hiện tôi vẫn sáng tác theo khuynh hướng thơ thiền, nhưng không công bố vì cảm thấy chưa đạt đến độ như mình mong muốn bởi thơ thiền là một thể thức vô cùng khó nắm bắt: Làm sao phải vừa mang tinh thần của thiền cổ điển nhưng lại có tâm trạng của con người hiện đại. Bản chất của thiền là vô ngôn, do vậy, cho dù nói bằng cách nào cũng rất dễ sai lầm, chỉ có tĩnh tâm mà lĩnh hội được thôi. Nói thế nào để có được cảm xúc nhưng lại vẫn giữ được tinh thần của thiền là vô cùng khó khăn. Bản thân thiền có nghĩa là phải đạt được sự bình lặng, nhưng tất cả đều tĩnh lặng thì làm sao có cảm xúc, làm sao làm thơ được? Đó là mâu thuẫn khó hóa giải. Thế cho nên tôi không dám nói là con đường tôi đang đi sẽ đến đâu.

@ Thế còn con đường cách tân thơ? Ông  được coi là người có ý thức cách tân thơ một cách rốt ráo, triệt để nhất...
Hoàng Hưng: Cách tân trước hết là phải cách tân cho chính mình chứ không phải cho ai cả. Trước đây thơ tôi có ảnh hưởng lãng mạn, nhưng khi thời đại thay đổi, tâm trạng thay đổi thì thấy cái giọng đó không hợp nữa thì phải đi tìm cách diễn đạt khác. Vấn đề cách tân là để diễn đạt tâm trạng mới của mình bằng ngôn ngữ hay thi pháp mới, chứ không phải mình cố tìm cách cách tân cho mọi người. Vấn đề là đòi hỏi tự nhiên trong tâm hồn mình, nó đòi hỏi sự đổi mới nên phải tìm hình thức thích hợp. Tôi lại là người hay có thay đổi trong tâm trạng, cũng có thể do đọc nhiều nên rõ ràng cảm thấy không thể dẫm chân mãi theo những vết cũ được. Đi tìm tòi để thay đổi cũng chỉ là một cách học hỏi thôi chứ có sáng tạo gì đâu. Lúc trẻ thì xông xáo, tìm kiếm,  nhưng đến tuổi nào đó thì lại thấy có nhu cầu phải cân bằng trong nội tâm của mình... Và đúng lúc ấy gần như là tôi “phát hiện” ra loại thơ thiền; Kết hợp với việc đọc khá nhiều sách thiền của Nhật Bản, Ấn Độ, Tây Tạng, Pháp, của thiền sư Thích Nhất Hạnh... tâm hồn của tôi thay đổi theo... và tôi lại có nhu cầu sáng tác theo xu hướng thơ thiền.

@ Tập thơ được xuất bản gần đây nhất của ông?
Hoàng Hưng: Đó là tập “36 bài thơ của Hoàng Hưng” phát hành năm 2008.
Cũng cần nói thêm rằng, trong tập thơ ấy có bài “Người về” - một bài trong tập “Ác mộng” (chưa được xuất bản). “Người về” được đưa vào tất cả các tuyển tập thơ quan trọng  nhất của VN, có mặt trong 100 bài thơ hay nhất của TK 20 của VN. Tổng tập văn học thế giới của tập đoàn xuất bản lớn của Mỹ, Mc. Millan cũng chọn “Người về” (và bài "Chó đen và đêm”). Trong tập thơ của VN do Mỹ xuất bản năm 2003, hiện diện hơn 20 tác giả: Trần Dần, Hữu Loan, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm, Nguyễn Duy, Nguyễn Khoa Điềm... lớp trẻ có Vi Thùy Linh. Hoàng Hưng được chọn 15 bài trong đó có “Người về”,  “Chó đen và đêm”; bài “Chó đen và đêm” của ông được chọn làm tên tập thơ với tên “Black dog, black night”.

@ Các nhà thơ trẻ hiện nay cũng rất nỗ lực trong việc cách tân. Ông nhận xét thế nào về con đường đi của họ?
Hoàng Hưng: Vì  còn trẻ nên họ còn tiếp xúc với thơ hậu hiện đại nữa nên con đường cách tân của họ có khác. Nhưng nhìn chung là sự cách tân ấy chưa thành hình. Một lý do quan trọng để thơ của họ khó định hình vì họ còn thiếu những kiến thức vững về văn hóa và ngôn ngữ. Thế hệ bọn tôi khi cách tân, bọn tôi biết tiếng Anh, tiếng Pháp tốt, đọc thẳng tác phẩm từ ngôn ngữ ấy nên hiểu về văn hóa của họ sâu, sự tiếp thu cũng có  khác. Những gì người trẻ học được hôm nay nhiều khi là những khúc xạ. Ngày xưa, các nhà thơ làm thơ mới được là vì các vị ấy được học tiếng Pháp tốt, các nhà thơ sau này sáng tác theo phong cách ảnh hưởng của Nga cũng là do họ có vốn tiếng Nga tốt. Do vậy, có thể nói các bạn trẻ cũng có yếu tố mới thật, nhưng chưa ra tấm ra miếng, còn lộn xộn thế nào đấy.

@ Nhìn lại đội ngũ các nhà thơ VN, có vẻ như ít hy vọng vào một “phiên đổi gác” sau thế hệ của các ông vì quá ít những gương mặt tạo được dấu ấn trên thi đàn?
Hoàng Hưng: Cũng không thể tùy tiện nhận xét thế được. Nhiều khi những hoàn cảnh xã hội chưa công bằng. Có thể có nhiều người tài nhưng xã hội chưa tạo điều kiện cho họ đi đến nơi đến chốn. Đâm ra chưa nổi lên được. Ví dụ: Nguyễn Quang Thiều, khi lúc đầu mới cách tân thơ cũng nhiều người chê bôi, nhưng khi anh ấy có địa vị một chút trong  Hội Nhà văn thì lại được đề cao. Đối với những người “ngoài lề” thì lại bị ác cảm, do vậy không nổi lên được. Như Bùi Chát trong nhóm “Mở miệng” chẳng hạn. Tất nhiên, bản thân các nhà thơ cũng chưa đủ mạnh để xã hội công nhận. Ở các nước khác thì những tiếng nói mới bao giờ cũng được ủng hộ.

@ Giống như đêm thơ “Tiếng vọng Việt Nam” vừa được tổ chức hồi tháng 3 ở Mỹ?
Hoàng Hưng: Tôi sang Mỹ đọc thơ nhiều lần rồi. Nhưng lần này là một sự kiện được tổ chức một cách ngẫu nhiên.  International Poetry Library và Innovent – một đơn vị chuyên tổ chức các sự kiện văn hóa, trong đó có liên hoan phim độc lập Sundance nổi tiếng – tổ chức theo sáng kiến của nhà thơ Ellen Bass. Năm ngoái lần đầu tiên bà Ellen Bass sang VN, qua sự giới thiệu của một số người, chúng tôi làm quen với nhau. Đầu năm nay, tôi sang Mỹ với con gái và có nói nếu tiện thì sẽ ghé thăm bà ấy. Bà ấy bảo nếu thế thì tôi sẽ tổ chức đêm thơ cho ông. Tôi không tin lắm vì ở Mỹ muốn tổ chức một sự kiện gì thì cũng phải chuẩn bị cả năm. Ellen Bass nói vậy và tổ chức International Poetry Libary làm luôn poster đưa lên mạng, kêu gọi tiền tài trợ và nói rất rõ là bao giờ góp được đủ tiền thì mới làm. Thế mà chỉ sau hai tháng, sự kiện đã được tổ chức. Tôi vô cùng cảm động. Đêm thơ ở Santa Cruz một thành phố du lịch xinh đẹp ở bờ biền Cali, mà vợ chồng Trịnh Lữ đang ở New York, cách mấy ngàn cây số cũng bay đến. Bạn bè ở tận Boston, San Francisco cũng đến. Hôm đó mọi người đều không thể ngờ là cái tình thơ nó lại lớn đến thế... Thực ra, đây là công rất lớn của bà Ellen Bass, bà ấy là một chuyên gia nghiên cứu về xâm hại tính dục trẻ em, rất có uy tín, chứ  không phải là do sự nổi tiếng của tôi.
Nhà thơ Hoàng Hưng cho biết thêm: Đây là lần đầu tiên mọi người đến nghe thơ của ông mà lại phải mua vé. Thế mà vẫn có hàng trăm người đến dự. Nhân sự kiện này, một tập thơ mang tên “Hoang Hung - Poetry & Memoirs”(HH - Thơ và hồi ức) gồm 54 bài thơ của ông  cũng được in và bán ngay tại nơi diễn ra sự kiện.

@ Ông nói: “Việc sáng tác thơ là hoàn toàn tự nhiên, khi nào có cảm xúc thì làm”. Thế những lúc không có cảm xúc làm thơ, ông làm gì?
Hoàng Hưng: Tôi dịch, và chỉ dịch thơ thôi. Nhiều người đề nghị dịch tiểu thuyết nhưng tôi không muốn phân tâm vì lối tư duy của văn xuôi. Hơn một năm nay, tôi giúp nhà giáo Phạm Toàn làm bộ sách giáo khoa cho nhóm “Cánh buồm”; làm đồng chủ biên của tủ sách “Tâm lý giáo dục hiện đại” theo sáng kiến của nhóm này. Tôi đang dịch cuốn đầu tiên trong bộ sách của Jean Piaget (Thụy Sĩ): “Sự ra đời của trí khôn con trẻ”, bộ sách kinh điển của giáo dục hiện đại, nhưng đối với nền giáo dục của VN thì hầu như còn xa lạ. Dịch giả Dương Tường, nhà văn Xuân Khánh cũng sẽ tham gia dịch. Đây là tủ sách hỗ trợ cho phương pháp dạy học mới của nhóm “Cánh Buồm”. Tôi muốn nói thêm, cứ bảo người trẻ hiện nay thực dụng, nhưng tôi thấy có rất nhiều người trẻ tâm huyết. Các bạn trẻ tham gia ở nhóm Cánh Buồm này chẳng hạn, phần lớn họ là những người đỗ đạt cao ở nhiều trường đại học trong nước và quốc tế, họ làm những nghề khác nhau để kiếm sống, nhưng dành thời gian nhiều nhất làm việc không công cho Cánh Buồm với hy vọng có những bước thay đổi căn bản trong nền giáo dục nước nhà...

@ Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.



Nhà thơ Hoàng Hưng sinh ngày 24.11.1942 tại thị xã Hưng Yên.
-    1960-1961 tình nguyện lên Tây Bắc phục vụ quân đội (dạy học cho sĩ quan trình độ cấp hai).
-    Năm 1965 tốt nghiệp khoa Văn, ĐH Sư phạm Hà Nội.
-    1965-1973 dạy văn cấp 3 tại Hải Phòng.
-    Ông đã từng tình nguyện vào Nam phục vụ trong “mặt trận văn nghệ” nhưng ngành giáo dục giữ lại vì là giáo viên giỏi lớp cuối cấp.
-    1973-1982: làm phóng viên, biên tập viên báo Người Giáo viên Nhân dân (Bộ Giáo dục).
-    Từ 1987 làm ở nhiều báo khác nhau.
-    1990-2003 làm ở báo Lao Động, có thời gian là trưởng ban VHVN, sau đó về hưu với chức danh “Phóng viên đặc biệt”.
-    Hiện sống tại TP.HCM.
    Những tập thơ tiêu biểu đã được xuất bản: “Ngựa biển”, “Người đi tìm mặt”, “Hành trình”, “36 bài thơ”…
    Những tác phẩm dịch tiêu biểu: Thơ Federico Garcia Lorca (Tây Ban Nha), Thơ Apollinaire (Pháp), “Các nhà thơ Pháp cuối TK XX”; “15 nhà thơ Mỹ TK XX”; “Aniara” (tác giả Thụy Điển Harry Martinson), “Thơ Allen Ginsberg” (chưa xuất bản)… 
-------------------------------
* nguồn: lethieunhon.com 9.6.12


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét