Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

qui nhơn trong thơ nhạc cựu học sinh bình định - thu thủy

 
Quy Nhơn được hình thành từ rất sớm, thuộc vùng đất đàng trong xứ Thuận Quảng. Cách đây trên 400 năm đã xuất hiện phủ Quy Nhơn. Mảnh đất này đã có lịch sử hình thành phát triển cùng với nền văn hóa Champa từ thế kỷ 11, dưới triều đại nhà Tây Sơn và cảng Thị Nại từ đầu thế kỷ 18.
Ngày 20/10/1898, vua Thành Thái ra Chỉ dụ thành lập thị xã Quy Nhơn, đô thị tỉnh lỵ, là một trong những đô thị hoạt động thương mại với nước ngoài khá sầm uất lúc bây giờ.
Do vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, hội và tác động của sự phát triển của nền công nghiệp phương Tây vào thế kỷ 19 làm cho diện mạo Quy Nhơn thay da đổi thịt.
Thời kì 1954 - 1975, Quy Nhơn thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Ngày 30/9/1970, Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa ra Sắc lệnh thành lập thị xã Quy Nhơn từ xã Quy Nhơn thuộc quận Tuy Phước và các phần đất phụ cận (ngoại vi xã Phước Hậu, Phước Hải, Phước Lý), hình thành 2 quận là Nhơn Bình và Nhơn Định.
 Ngày 11/6/1971, Quy Nhơn được chia thành 2 quận, 16 khu phố:
Quận Nhơn Bình có 10 khu phố: Trung Cảng, Trung Từ, Trung Phú, Trung Đức, Trung Cường, Trung Hiếu, Trung Tín, Trung Châu, Trung Hòa, Trung Hải.
Quận Nhơn Định có 6 khu phố: Trung Chánh, Trung Kiệt, Trung An, Trung Thiện, Trung Hậu, Trung Nghĩa.
Tháng 2/1976 hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi hợp nhất thành Nghĩa Bình, thì thị xã Quy Nhơn trở thành tỉnh lị tỉnh Nghĩa Bình.
Ngày 3/7/1986 thị xã Quy Nhơn trở thành phố Quy Nhơn có 8 phường, 7 xã, với diện tích 212 km² và dân số 174.076 người.
Năm 1989, tỉnh Bình Định được tái lập, lấy thành phố Quy Nhơn làm tỉnh lị. Ngày 4 tháng 7 năm 1998, Quy Nhơn là đô thị loại 2. Đến tháng 1 năm 2010, thành phố Quy Nhơn được nâng cấp lên đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Bình Định.
Thành phố có 16 phường: Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Văn Cừ, Đống Đa, Thị Nại, Hải Cảng, Ngô Mây, Ghềnh Ráng, Quang Trung, Nhơn Bình, Nhơn Phú, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu.
Và 5 xã: Nhơn Lý, Nhơn Hội, Nhơn Châu, Nhơn Hải và Phước Mỹ (trong đó xã Phước Mỹ được tách từ huyện Tuy Phước và sáp nhập vào Quy Nhơn năm 2006) với tổng diện tích là 284,28 km², dân số khoảng 311.113 người [23/1/2011 nguồn Báo Bình Định].
Như vậy dù ở giai đoạn nào của đất nước, Quy nhơn vẫn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kĩ thuật và du lịch của tỉnh Bình Định. Là một thành phố ven biển Quy Nhơn có cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp với những di tích cổ Champa để lại trong thành phố trẻ trung nầy đã un đúc chất thơ của con người Quy Nhơn nhất là trong những cô cậu học trò đã có nhiều kỉ niệm với miền đất thơ mộng nầy. Hãy nghe tâm sự của Trần Kim Quy trong bài "Về Quy Nhơn":
1/ Anh về thăm đất Quy Nhơn
Biển trời như thấy xanh hơn
Tháp Chàm nghiêng bước chân em
Môi tìm môi tím thương thêm.

Anh về thăm đất Quy Nhơn
Thăm Cầu Đôi ngắm trăng suông
Ân tình bao thuở không phai
Sông dài ai nhớ thương ai.

Đk:
Quy Nhơn ơi! Tình yêu ôm ấp một đời
Dù xa mãi nhớ về người
Chim trời muôn lối
Quy Nhơn ơi! Người đi đi mãi bồi hồi
Lòng riêng muốn nói nghìn lời
Sầu nâng chén đầy vơi.

2/Anh về thăm đất Quy Nhơn
Thăm Hàn Mạc Tử cô đơn
Bên hàng dương gió vi vu
Như lời từ cõi thiên thu.

Ạnh về thăm đất Quy Nhơn
Phố phường rực ánh sao đêm
Ấm lòng du khách tha phương
Xa rồi mãi nhớ Quy Nhơn.

Link nhạc bài hát “Về Quy Nhơn":
Nhạc: Trần Kim Quy
Trình bày: Hoàng Dũng
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=JRGSPb2VM

Lại nữa, trong nỗi nhớ của người con xa quê, nhạc sĩ Thảo Trang đã khắc họa một Quê Ngoại Quy Nhơn tuy nghèo, nhưng không thể nào thiếu những hương vị quê nhà:
Ăn miếng phôi dừa, sim tím trong ngày thơ
Ăn bánh tráng dòn yêu thấu trong tình quê...
Chim chim dúi dẻ mọc hoang sát bên đường
Cù Lao Xanh ngát ôi dấu yêu người Quy Nhơn

Bài hát Nhớ quê ngoại Quy Nhơn:
Nhạc & lời: Thảo Trang
Trình bày: Thanh Thanh
http://www.youtube.com/watch?v=xiiXaAob9QI

Với Bạch Xuân Lộc gắn bó với miền biển nhiều hơn nên Đầm Thị Nai sông Hà Thanh là kỉ niệm đau đáu nhớ thương từ dạo hai bờ cách trở bên nầy bên kia phải nhờ chuyến đò ngang nối nhịp:
1.
Đã bao nhiêu năm,
Trăng thềm mây đổ,
Đèn chong mờ tỏ,
Canh cánh đôi lòng,
Cách trở vô ngần.
Như quá xa xăm,
Đôi bờ Thị Nại.
Qua sông ngài ngại,
Gió táp mưa sa,
Đò đưa năm cũ,
Dáng người ủ rủ,
Lòng trông xót xa.

Và khi đã có cây cầu Nhơn Hội nối liền hai bờ sông lòng tác giả lại rộn ràng mừng vui xen lẫn cùng với những bâng khuâng rất thi sĩ:
2.
Trời trong mưa tạnh,
Rộng mở lòng anh,
Cho tôi được thấy,
Một trời quang minh,
- Cầu đưa tôi đấy:
Nối tiếp đôi bờ.
- Cầu đưa em đấy:
Không còn bơ vơ,
- Cầu đưa ta đấy:
Về nối tình thơ.
Lòng tôi ngẩn ngơ,
Không còn bơ vơ.
Đôi bờ Thị Nại,
Không còn bơ vơ,
Đây cầu Nhơn hội,
Bên nhau vui hát,
Mây trời bàng bạc,
Thôi đời lãng du...

Mời các bạn nghe bài "Qua Cầu Nhơn Hội":
Thơ: Bạch Xuân Lộc
Nhạc: Kiều Tấn Minh
Trình bày: Tánh Linh
http://youtu.be/ESTsJeUOaLk

Cùng quê hương Nhơn Lý nhưng tuổi thần tiên của Hòa Nguyễn lại ở Quy Nhơn có em và mối tình đầu vụng dại:
Biển Qui Nhơn dừa xanh cao vạm vỡ
Ngắm trăng thanh đợm nở bao mối tình
Đêm sóng chài trên cát biển mông mênh
Trao ân ái em bồi hồi e thẹn

Nhớ suối Tiên mỗi lần ta hò hẹn
Em thì thầm bẻn lẻn tựa vai anh
Vang tiếng chim ca múa hót trên cành
Suối róc rách như Dương Cầm trổi nhạc

Hàng thông reo dạt dào theo tiếng hát
Những vần thơ Hàn Mạc Tử mến thương
Dốc Mộng Cầm hoa tỏa ngát mùi hương
Người còn đó ngủ yên lòng đất mẹ

[Vụng Dại Những Chiều - HN]

Dành cho Quy Nhơn tình cảm nuột nà, khi xa cách tâm hồn tác giả ray rứt khôn nguôi và khi ra đi trong trái tim nhà thơ vẫn lồng lộng Quy Nhơn yêu dấu và em xưa một thuở hẹn hò:
Em gái Qui Nhơn màu da xạm nắng
Mỗi hè về tắm sóng biển Phương Mai
Gốc dừa xanh nơi hò hẹn nhau hoài
Nghe sóng vỗ... thuyền khơi bờ cát trắng

Em Qui Nhơn, người em vùng biển mặn
Vẫn trong anh màu cát trắng quê hương
Hoàn cảnh quê hương em dỗi anh hờn
Đã xa cách tình ta từ thuở ấy...

[Quy Nhơn Trong Ta - HN]

Đi là chết trong lòng một ít - ai ra đi mà không khỏi bùi ngùi nhất là một lần đi đâu biết ngày trở lại nhà thơ Nguyễn Trác Hiếu mang tâm trạng u ẩn khi xa vùng trời yêu dấu:
 Chiều rời quê không gian u uất
Trùng dương sầu gợn sóng ưu tư
Đàn hải âu cất lời tha thiết
Vẫy cánh chào tiễn biệt người đi

Chiều rời quê mây giăng Ghềnh Ráng
Thị Nại buồn mờ dưới cánh bay
Qui Nhơn ơi, bao nhiêu kỷ niệm
Ta mang theo chua xót đắng cay

Chiều rời quê tâm hồn xao xuyến
Ngoảnh đầu nhìn thành phố thân yêu
Qui Nhơn ơi, thôi xin giã biệt
Thương quê nghèo xa cách từ đây.

[Chiều rời Quy Nhơn - NTH]

Một giai nhân trường Nữ ngày xưa - Lưu Ly - cũng chỉ hai câu hoài niệm về biển Quy Nhơn mà làm người đọc rung động đến tận cùng nỗi nhớ:
Ta đi quên gởi lời hò hẹn
Biển nhớ thương nên vẫn đợi chờ.
[Thơ Lưu Ly]

Thanh Hiền cũng gởi biển trọn ước mơ mùa con gái khi đã sang ngang:
Em thì thầm hỏi biển.
Ngày em đi lầy chồng,
Bao ước mơ con gái,
Biển giữ hộ em không?

.Mùa Xuân Hải Đường nở.
Tiễn em đi lấy chồng.
Hoa không cài lên tóc.
Em thả về biển Đông.
[Thì Thầm Với Biển - TH]

Ở mãi tận vùng Tây Sơn miền đất Võ - nhà thơ Trần Viết Dũng cũng trùng trùng kỉ niệm khi về lại Quy Nhơn ngang qua trường Nữ một thời oanh yến:
Bất chợt về trong lòng phố biển
Ngang qua trường ríu rít tiếng thơ ngây
Các em đâu hay có người lang bạt
Biết tìm đâu đàn sẻ cũ xa bầy.

[Qua Trường Nữ - TVD]

Những con chim non ngày ấy đã lạc đàn, mình nhà thơ với trăm nỗi bể dâu thôi dành làm khách lạ trong thành phố rất quen với kỉ niệm trùng trùng:
Biết chắc rằng phố nhỏ vẫn còn em
Còn nước mắt, mưa, bạn bè, còn tất cả
Khi trở lại anh như người khách lạ
Từng vòng xe chở kỷ niệm đầy hồn

Ngã tư này mình vội vàng hôn
Khoảnh khắc, nửa vòng quay đèn đỏ
Khuya em về mang theo cơn mưa nhỏ
Đủ làm sương đôi mắt ướt long lanh

Ghế đá này từng rướm máu vai anh
Đều đặn thế những dấu răng ngọc lựu
Biển thương yêu giấu trong lòng khó hiểu
Mà sóng luôn hăm hở, vỗ về

Góc quán này mình đã ngồi nghe
Bài hát cũ, ngày mai anh đi biển nhớ...
Mắt chim ngủ đêm đèn vàng thành phố
Mai mốt rồi chỉ còn lại lời ca

Cầu Đôi này anh từng chở em qua
Ai khéo đặt tên nghe buồn cười thế
Khi những kẻ yêu nhau hoài hoài đơn lẻ
Nước vẫn xanh cúi xuống chỉ riêng mình
[Đêm trở lại Quy Nhơn - TVD]

Cùng nhớ về Quy Nhơn nhưng nỗi nhớ của Hùng Thiện trong sáng hồn nhiên hơn:
Về với biển để yên lòng nắng gội,
Những sầu lo thường trú ở trong lòng,
Những dự định, toan tính vẫn chưa xong,
Cứ thong dong và ngắm nhìn lòng biển…

Ta ngắm biển để tâm hồn thánh thiện,
Ta yêu trời để mơ ước bay cao,
Đứng trước biển ta nhỏ bé làm sao,
Nghe tiếng thở hòa tan cùng sống vỗ.

Ở Cao Nguyên, trên rừng xanh đất đỏ,
Đẹp thác ghềnh, kỳ vĩ dáng non cao,
Rừng nơi đây phong cảnh đẹp làm sao!
Nhưng ta vẫn mơ màng về phố biển…

[Nhớ Biển - HT]

Từ những ngày làm học trò, Khổng Xuân Hiền đã biết yêu và Quy Nhơn là nỗi buồn một thuở với cung đàn:
đêm, sao xanh lặng lẽ.
gửi em một giọng đàn
ghi-ta và dương cầm
tình tự điệu ru đơn.
mấy nốt # lạc chỗ
trĩu nặng mắt em sâu
long lanh bémol buồn.
[Điệu buồn - KXH]

Bùi Đăng Khoa cùng chung tâm trạng si tình và để lại những vần thơ lục bát lạ lẫm:
Tên em ta đói từng đêm
Vệt mây cuối phố buông rèm tương tư
Mưa bay môi uống ngục tù
Mắt em nắng lạ trãi từng phiến băng
Đốt cơn trốt hút cuối năm
Tình yêu nổi sốt tối tăm mặt mày

[Lục bát một thời để nhớ - BĐK]

Lê Huy thì cứ mơ dòng sông tuổi nhỏ trở lại để khỏi tiếc mộng ngày xanh lỡ làng:
phải chi hồi đó...
những lần mượn bài, mượn vở, mượn nhạc
có lén kèm theo những lá thư nho nhỏ xinh xinh
thì những... cố tình dễ ghét hồi đó
đã làm nên "chuyện lớn" rồi

phải chi hồi đó...
hai đứa mình ở chung một xóm
(chẳng cần chung vách đâu)
thì những trò chơi năm mười, u quạ, ú tim, hồn nhiên hồi đó
đã làm nên "chuyện lớn" rồi.

phải chi hồi đó...
(ứh... ừh...)
phải chi hồi đó...
(ứh... ừh...)
thì hai chiếc đũa lẻ loi tội nghiệp hồi đó đã trở thành đôi đũa xinh xinh từ lâu rồi phải không?

[Phải chi hồi đó... LH]

Từ rừng về biển Trần Ngọc Luyện ngơ ngác lạc loài trước thành phố thay đổi không ngờ và cậu học sinh thủa nọ thấy hôm nay lại dạt dào kỉ niệm ngày xưa:
Tuổi thơ tôi
Những đêm trăng sáng
Trò chơi trẻ em bây giờ chỉ còn hoài niệm
Con đường đi học
Bạn bè, hoa sim và tiếng cười đuổi bắt
Đêm tiếng ê a
Học bài dưới ngọn đèn măng xông đầy tò mò háo hức
Mùa hè tiếng dế
Những chiếc hộp xinh là ngôi nhà cho con lửa* con than*
Chiều hè gió nồm
Đường Đống Đa mới toanh đón những cánh diều bay trên đầm Thị Nại.
Phố nhỏ hiền hòa
Đường phố thân quen, bạn bè tụm năm tụm bảy
Rạp xi – nê - ma
Những lần coi cọp** vào cửa nhờ nắm tay người lớn
Dòng sông Phú Huề
Mát lạnh những buổi trưa hè, no nê củ sắn khoai lùi
Bãi biển Quy Nhơn
Buổi chiều lặn hụp dưới con sóng để biết bơi

Tuổi thơ ơi sao mà nhớ thế!
Bài thơ này xin gởi lại tuổi thơ
[Tuổi thơ tôi - TNL]

Hồ Ngạc Ngữ xa quê đã lâu nhưng không vì thế niềm thương về thành phố cũ - người yêu xưa giảm bớt, hãy đọc những vần thơ lục bát chứa chan tình quê, tình người:
cảm ơn cơn gió nồm xanh
ru em giấc ngủ an lành trưa nay
bạc đầu ngọn sóng đắm say
trang thơ biển vẫn viết đầy yêu thương

cảm ơn bãi cát, rừng dương
dấu chân hò hẹn, con đường ngày xưa
đi về áo trắng trong mơ
mong làm chiếc cặp học trò em mang

[Bài thơ tình Quy Nhơn - HNN]

Nguyên Hạ - Lê Nguyễn khi rời xa Quy Nhơn bao lo âu khắc khoải nhưng khi trở lại mừng vui đến độ nghẹn lời:
Quy nhơn ơi -
Tôi trở về lần nữa.
Đã bao năm... Hay chỉ mới hôm qua
Những bước chân run - Lữ khách trở về nhà
Mưa trên lá - hay hồn ai đẫm lệ.

Quy nhơn ơi -
Bao con đường óng ả...
Ánh điện chói ngời... bỗng nhớ bóng đèn xưa
Những con đường ổ gà - ướt đẫm cơn mưa
Áo sũng nước - bàn tay nào vuốt vội

Quy nhơn ơi -
Nắng ngày xưa thật tội
Những gốc thông... E ấp bóng ngang mày
Nay trở về - bóng nắng đổ trên tay
Hàng thông cũ vươn cao... Reo với gió

[Quy Nhơn Ngày Trở Lại - NH-LN]

Mỹ Thắng mỗi lần Xuân về lại da diết với hình ảnh xuân xưa:
Ở quê xưa…

Bánh chưng, bánh tét,với mai vàng
Pháo nổ ngập đường hoa
Nụ cười ai xinh tươi
trong mùa xuân mới

Nơi đất lạ
Tôi lang thang tìm tôi của ngày tháng cũ
Nghe mênh mông vang vọng những ưu sầu
Còn đâu? Còn đâ?
[Nhớ Xuân - MT]

Cô nữ sinh Meocon hằng ngày đi học nhìn ra biển xanh cát trắng hồn thơ lai láng, liên tưởng giữa thiên nhiên và kiếp người để tìm mối duyên nợ:
Mặt trời nợ nắng lung linh
Vầng trăng nợ chiếc thuyền tình lênh đênh
Biển xanh nợ sóng vỗ ghềnh
Núi cao nợ đá chông chênh vách mòn
Vàng anh nợ chiếc lồng son
Hoa quỳnh nợ thoảng hương thơm trong vườn...
[Nợ - MC]

Cũng là biển Quy Nhơn, một chiều nhìn biển, gió và sóng người thơ nữ Kim Đức thấy rõ sự trống trải tâm hồn khi người ấy ra đi:
Cuối chiều trời không mưa
Hàng cây buồn ngơ ngác
Biển nay không có sóng
Bờ cát buồn miên man

Một ngày không có anh
Buồn đan thành sợi nhớ
Chỉ một lần gặp gỡ
Mà như đã yêu lâu

Rồi mưa cũng ghé qua
Hàng cây cười nghiêng ngã
Sóng vỗ về bờ cát
Anh – nghìn trùng cách xa
[Không Anh - KĐ]

Mang nỗi buồn khi vắng anh nhưng cô nữ sinh Bồ Đề Hoàng Kim Chi lại day dứt kiểu khác:
Anh như bao người lạ
Cũng đã không hiểu ta,
Nhưng trong anh tất cả…
Tiếc nuối… ta chẳng thà…

Đừng gặp anh lúc ấy!
Để rồi sẽ phôi pha
Bây giờ ta đã biết
Anh vẫn không thể nhòa.
[Chằng Thà - HKC]

Biển là nơi cất giữ những trăn trở đầu đời thiếu nữ những suy tư của tuổi biết mơ mộng biết yêu, biết chờ đợi như Rêu:
tìm trong sương khói phù vân
bóng nhòa hư huyễn nơi tâm kẻ sầu
nghe từng biển sóng thét gào
nghe vồn vã tiếng mưa nào xa xôi
sầu nào đã ở trong tôi
sầu nào vừa nở trên môi thơ người
[Tôi tìm cuộc trùng phùng tôi - Rêu]

Với biển xanh, nhà thơ Nguyễn Thị Phụng tôn vinh những giá trị quý giá của biển mà điển hình là hạt muối trắng mặn nồng:
Hạt muối thơm ngon từ biển sinh ra
Con gió muối nhuộm tóc râu trắng xóa
Mỗi nụ cười giữa nhà giàn - Mắt bể
Phong ba nào cản được sức người đâu!

Hạt muối quê hương mằn mặn thấm lâu
Ngấm vào máu hồng hào da thịt
Quý mạch nước từ biển xanh biêng biếc
Hòa cội nguồn nước mắt của yêu thương

[Mặn nồng muối trắng biển xanh - NTP]

Lê Khánh Luận nhớ về Eo Gió Quy Nhơn với người nữ tu thánh thiện và mối tình vụng dại đầu đời:
Em hay là Maria
Đang ngồi trên phiến đá?
Bóng hình ai rạng rỡ cảnh chiều 
Eo Gió vi vu hòa tiếng sóng reo
Cho ta thấy một chiều xao xuyến
Đường đến Chúa tự khắc nên duyên
Hình thánh giá dần in tâm khảm
Về Quy Nhơn một chiều ta can đảm
Đến tìm em hay để tìm soeur

[Một chiều Eo!- LKL]

Nhà thơ Nguyễn Mạnh Song Ka thì chút quà tặng mẹ ngày lên đường là hình ảnh Quy Nhơn từng ngôi nhà từ dãy phố và vô số kỉ niệm ngổn ngang khi xa mẹ - xa Quy Nhơn:
... Nơi thành phố này con đã sống và đã lớn,
Những ngày mùa Xuân mặc áo hoa đi dạo,
Những ngày mùa đông xỏ tay vào túi quần dạ lang thang
Thèm nhìn ánh đèn mờ của những quán mì dẹp muộn...
Nhớ người yêu xõa tóc sau khung kính mờ.
Con đường lên ga có những cây phượng già rụng hoa đỏ trên những viên gạch lát hè đã cũ.
Nơi đó bạn bè con từng bữa đi về
anh em tìm thăm nhau.
Phía cuối thành phố là bến tàu và biển.
Biển trầm lặng biển bao dung.
Và cuồng nộ những hôm gió lớn.
Nơi đó bạn bè con đã chuyền cho nhau từng điếu thuốc. Ngồi bên nhau và nói những chuyện tình
Cho đỡ cô đơn...
[Tặng mẹ ngày lên đường - NMSK]

Nhà thơ nữ Nguyễn Thị Tiết nhìn về sóng biển lại nhớ về ngày ấy chúng mình và nay thì anh đã xa chỉ còn lời của sóng chiều:
Em chợt nhớ
ngày ta đến
Bên nhau
cát mịn mát chân trần.
Trông xa lại rất gần
Anh muốn thành con sóng
Ôm biển rộng - bờ em.
Biển chưa vào đêm
Khơi xa còn xa tắp
Đất trời hòa nhập
Biển xanh mãi xanh
Sao em vắng anh!
Xa xa
cánh chim chiều lẻ bạn
Đâu đây vẳng tiếng hát
Sóng
chiều.
[Sóng chiều - NTT]

Với thể thơ bốn chữ với ngôn ngữ sắc sảo nên khi về phố cũ nhớ em Văn Công Mỹ cho ta chạm nỗi buồn thiếu phụ rất mong manh:
Chiều đi rất nhẹ
Tím vệt nắng tươi

Em về ngang phố
Lạ quen tiếng người
Ấu thơ ngày nọ
Còn hằn mắt môi

Không dưng ngần ngại
Chân sáo ngập ngừng
Ngày em trở lại
Lòng nghe rưng rưng

Chiều qua góc phố
Cây cao cúi đầu
Hỏi thầm bóng đổ
Người xưa nay đâu?
[Về qua phố - VCM]

Cùng hoài niệm về Cầu Đôi nhưng Vũ Đình Huy lại có những câu thơ ngộ nghĩnh dễ thương:
Cầu gì
thật lạ . Cầu Đôi.
Vầng trăng ai xẻ
chia phôi như là...
Ngày trước
chắc có ai qua
Hẹn ai trao nhẫn
về nhà... đánh rơi.

Qua cầu
Sừng sững Tháp Đôi
Ô hay
hạnh phúc, đơn côi láng giềng
Thôi thì
cũng một chút Duyên
Hanh hao vạt nắng
chiều nghiêng Tháp - Cầu
[Ngẫu Hứng - VĐH]

Xuân Phong thì mê mẫn với một khám phá về bãi biển Quy Nhơn với số phận nhọc nhằn của người dân miền biển:
Đêm Bãi Bàng dựa lưng vách núi
Mắt trông ra biển ngắm sao trời
Cơn gió chạy vòng quanh thung lũng
Nửa đêm gõ cửa từng nhà
Biển êm như tấm lụa
Hòn Rờ như cái nốt ruồi duyên

Người Bãi Bàng bám rừng bám biển
Như con hàu ăn bọt sóng đầu ghềnh
Như con nha núp trong rạng đá
Như con tôm theo con nước triều về
[Đêm Bãi Bàng - XP]

Với Trần Kim Loan Quy Nhơn là tiếng đàn lòng năm cũ của cái thuở ban đầu lưu luyến:
Nhạc thơ hòa quyện đất trời
Cho ta sống lại một thời mộng mơ
Từ lâu những tưởng hồn thơ
Ngủ quên giữa chốn bộn bề lo toan

Hôm nay chợt nhớ phím đàn
Năm xưa trổi khúc bàng hoàng tim ai?
Tần ngần so lại đôi dây
Ngân nga câu nhạc hòa cùng câu thơ..
.
[Tiếng Đàn Lòng - TKL]

Quy nhơn - đất đẹp - tình xinh mộng ước vuông tròn - cậu học trò trường Nam yêu và cưới cô nữ sinh trường Nữ một mối tình đẹp như mơ trong phố biển hiền hòa và hạnh phúc đơn sơ đó được Đào Thanh Hòa trân trọng:
Cám ơn anh đã ngỏ lời yêu em trước,
Nón ngã sang cầu, em cũng đã thương anh!
Cám ơn anh đã liều khi cưới em về làm vợ,
Con nhỏ vụng về không đẹp bằng bạn gái quanh anh.
Cám ơn anh đã đưa em về miền biển,
Làm dâu Khu Hai nghe sóng vỗ ơ thờ!

Cám ơn anh dù tính tình thô mộc,
Đôi tiếng nặng lời chưa từng vỗ pháo tai em.
Cám ơn anh khi tám năm thưa gần gũi,
Cơn mưa thư từ: hong mát những ngày hanh.
Cám ơn anh những khuya miệt mài bên bài vở,
Luôn cùng em qua ngày tháng nhọc nhằn...
Cám ơn anh đã sẻ chia công việc,
Những nặng nề anh gánh vác hộ em.
[Cám ơn anh - ĐTH]

Cùng chung một mái trường Cường Để Bửu Châu và Kim Đức nên duyên và họ luôn tự hào với tình yêu gắn bó:
Cho dù đời cơm áo
Nhọc nhằn và khổ đau
Anh vẫn là của em
Ta mãi là của nhau!
[Chung Thủy - Bửu Châu]

Với Lê Trọng Minh Kha dù chỉ lưu lại Quy Nhơn trong mấy tháng làm học trò trong mùa hè 1975 nhưng người thơ cũng để lại cho bãi biển tình người nơi đây hai bài lục bát da diết: 
Tặng Biển Quy Nhơn
(Xin tạ lỗi cùng người)
Từ ngày xa biển quy nhơn
Anh đành làm kẻ vong ơn giữa đời
Giờ em đang ở cuối trời
Anh còn nghe vọng tiếng hờn thiên thu.


Tặng Biển Ghềnh Ráng
(Một lần ghé thăm, một đời lưu luyến)
Đường lên Ghềnh Ráng mênh mông
Hai hàng dương vọng tiếng lòng thi nhân
Rằng ta còn vướng bụi trần
Ôm vầng trăng cũ mấy lần tơ vương
Anh từ ngàn dặm ruổi rong
Em về dấu kín tiếng lòng vỡ tan
[Chùm thơ về Biển - LTMK]

Còn Nguyên Kha - Khóa 2 trường Kỹ thuật QN, từ ngôi trường nhìn ra biển xanh tình yêu hoa sóng đã có tự thuở nào:
Thuở vào đời ta yêu màu hoa sóng
Gởi hồn mình trong nhũng chuyến đi xa
Phiêu bạt, lênh đênh chân trời góc biển
Hoa sóng cả rừng nở trắng đại dương

Biển lặng lẽ mỗi chiều hoàng hôn xuống
Và trầm tư ẩn chứa những điều gì
Biển u hoài như một gã tình si
Trong u tịch biển làm thân chịu đựng
[Hãy như là biển... NK]

Với Tạ Chí Thân thì Quy Nhơn là kỉ niệm về một mối tình em theo anh về vui vui - thật ngắn:
"Chậm bước sau anh chiều tan học
Gió thu về thổi vạt áo bay
Ước gì vạt áo thêm dài
Níu chân anh lại, để mình... sánh vai"
[Thơ thật ngắn - TCT]

Thỏ Con cũng diễn tả mối tình học trò mà ai cũng có qua bốn câu thơ nhỏ nhẽ:
Em tinh khôi áo trắng lượn lờ bay
Anh mới lớn say một thời nông nổi
Mắt em cười ru hồn anh một cõi
Dáng em ngoan mãi mãi vu vơ… buồn
[Thơ thật ngắn - TC]

Cô học trò trường Nữ Nguyễn Thu Trang thì Quy Nhơn là kỉ niệm êm đềm nhất của tuổi mười bảy tóc thề em tan trường về có anh theo về:
Tan trường, áo trắng nhẹ bay
Tóc huyền theo bước... lắt lay tình buồn
Anh mơ làm giọt nắng vàng
Nhẹ cài lên tóc... Ngọc Lan hương thầm
Mơ được làm chiếc lược trầm
Gỡ tóc em rối... suông mềm như nhung
Lại mơ làm sợi dây chun
Để em buộc tóc, những khi... hè về
[Tóc Thề - NTT]

Nhà thơ Thiên Di Phạm Văn Tòng thì Quy Nhơn là nỗi nhớ về bánh bèo cây Mận - dốc sắn Bà Hỏa của những hẹn hò thư sinh:
Nhớ người miệng nói huyên thuyên
Bước chân như cánh chim chuyền cành me
Gió như ngừng thổi lắng nghe
"Em tôi" mộng mị gọi Hè sang mau

Bánh Bèo Cây Mận đến mau
Ăn thi bao chén - Tôi mau tính tiền
Nhớ người ríu rít chim quyên
Dốc cao Bà Hỏa - Buông triền đồi sim

Nhớ người nhoi nhói con tim
Tình xưa nay đã: mộng tìm hư không
"Em tôi" có nhớ tôi không?
Hai mươi năm chẵn - Trôi sông khi nào

[Nhớ - TDPVT]

Trầm Tưởng NCM thì kỉ niệm sâu đậm nhất là mái trường tiểu học Nguyễn Trường Tộ nơi ghi dấu hình bóng cô giáo nay đã không còn:
Nhớ ngày nào cô về nhận lớp,
Mái tóc thề buông xõa bờ vai.
Má hồng, môi đỏ, dáng mảnh mai,
Lớp thì thầm: cô mình đẹp thế!
Giọng cô êm như bài thơ xứ Huế,
Lớp ngỡ ngàng, nghe mãi cũng quen.
Lớp: mười ba*, cô: tròn hai mốt,
Tình thầy trò như chị với em.
Hảo, Tiến, Minh, Tòng, Nghĩa, Ái,
Cùng cả lớp, cô thương đều như một.
*
Nhớ có lần rượt chơi vấp ngã,
Té bể đầu, mày mặt máu me.
Cô hốt hoảng, mắt rưng rưng lệ,
Thôi chết rồi! Minh có sao không?
Em đau lắm, nhưng nhìn cô khóc,
Lòng nghẹn ngào ngàn nỗi thương cô.
Vết thương kia chừng như tê dại,
Dịu êm rồi theo nước mắt cô...

[Tình Thầy Trò - TTNCM]

Thi sĩ Thục Nguyên về phương Nam lập nghiệp đã có gia đình - đã ấm êm trong hạnh phúc nhưng Quy Nhơn vẫn là mối tình đầu tràn ngập thương và nhớ của thời trung học:
Quy Nhơn ơi có biết gì không
Ta kẻ xa quê nhớ nao lòng.
Thẫn thờ đứng giữa sân ga nhỏ
Hỏi có ai về quê cũ không.

Ai về quê cũ cho ta gửi
Một thoáng hồn say bước chơi vơi.
Phố xưa lối nhỏ tình thơ dại
Một đời quay quắt nhớ khôn nguôi.

Ta muốn về ghé thăm trường cũ
Xếp hàng nghiêm dáng nhỏ tinh khôi.
Ra đi chưa vẫy tay từ biệt
Hàng phượng xưa chừng cũng bồi hồi.

Ta muốn về đợi bên biển thắm
Đón phút trường tan rộn rã…yêu.
Em đi bướm trắng vờn gót nhỏ
Xao động cỏ hoa dưới bóng chiều.

Ta muốn về chạy vào Gành Ráng
Nhảy đá vượt hang mở rêu phong.
Tên ai lỡ khắc bờ đá vắng
Để sóng ngàn khơi vỗ bạc lòng.

Ta muốn về leo lên Đồi Đỏ
Hái cành Sim tím ghép vào thơ.
Tặng người xuôi ngược trong dâu bể
Chút kỷ niệm xưa tưởng nhạt mờ...
[Nhớ Quy Nhơn - TN]

link ngâm thơ:
Thơ: Thục Nguyên
Trình bày: Minh Tiến và Đoàn Yên Linh
http://www.youtube.com/watch?v=r0hHFUToT28&feature=relmfu

Ở tận Paris hoa lệ chàng nhạc sĩ Ngô Càn Chiếu vẫn nhớ về những năm tháng làm học trò ở Quy Nhơn, vẫn có bài thơ gởi về quê nhà yêu dấu:
Miền trung mưa nắng quê tôi hai mùa
Ruộng nương xơ xác quê tôi thật buồn
Đã bao nhiêu năm ngàn giông bão xuống
Một vùng đất nghèo bao nỗi đau thương

Miền trung quê tôi cằn khô sỏi đá
Có con nắng về rát bỏng thịt da
Miền trung quê tôi dai dẳng cơn mưa
Dân tôi lo âu cho những vụ mùa
[Miền Trung Quê Tôi - NCC]

Mời Click vào đây nghe Miền Trung Quê Tôi:
Nhạc - Lời - Ca: Ngô Càn Chiếu
http://www.ngocanchieu.net/ngocanchieu/audio/mi%E1%BB%81n-trung-qu%C3%AA-t%C3%B4i

Trên ghềnh đá chơi vơi nhớ người thơ bạc mệnh hơn nửa thế kỉ trước Lê Công Dzũng ngậm ngùi:
Hôm nào dấu đá còn tên
Cầu phong em gọi hồn anh bên trời
Chút tình đủ cám ơn đời
Hồn anh du tưởng bên lời du ca
[Du Tưởng - LCD]

Hoài niệm về Quy Nhơn cũng là hoài niệm về tà áo lụa vàng để ngày xưa Nguyễn Thúc Luyện yêu hoa cúc nay thì áo xưa đâu rồi:
Bây giờ anh ngắm hoa cúc vàng
Thương nhớ dâng ngập tràn hình bóng ai dở dang
Còn đây nơi chốn xưa em ngồi
Ôi mắt môi xa vời đâu đây làn hương rơi

Một trời thương nhớ nghe xuyến xao trong tâm hồn
Thầm gọi tên em em hỡi biết bao giờ nguôi
Màu hoa còn đây thanh sắc hương trong tay
Qua biết bao tháng ngày hay là nhung nhớ tàn phai.
[Áo lụa vàng - NTL]

Hè về - phượng nở ve kêu, trong nỗi buồn chia ly học trò áo trắng em lồng lộng dưới trời hoa phượng đỏ làm nhà thơ Hồ Thế Phất ngẩn ngơ:
Em áo trắng đi dưới trời phượng đỏ
Nhạc ve sầu nhưng em có buồn đâu
Gió và nắng nâng niu tà áo mỏng
Mái tóc thề phơ phất lá me xao

Khuôn mặt em cứ hồng hào hoa phượng
Vẫn hao hao mùa nắng hạ đi về
Gió nồm rộ biển gởi hương giao hưởng
Trời thanh minh bừng hoa lựu hoa lê
[Mùa Phượng Đỏ - HTP]

Tận bên kia Thái Bình Dương cô học trò trường Nữ - Nguyễn Kim Tiến vẫn mộng về Quy Nhơn xa cách nghìn trùng:
Qui nhơn hỡi! Nắng vàng xưa đã tắt
Biết bao giờ lửa bén lại trong tim
Cho đôi má ửng thêm màu hồng phấn
Cho cuộc đời rạng rỡ tuổi thanh xuân

Qui Nhơn hỡi! Biển có còn mời gọi
Bước chân về tình tự bóng trăng soi
Sóng lao xao tiếng lòng trên phiến đá
Hồn âm thầm theo con nước về đâu?

Qui Nhơn hỡi! Rặng thông già có hỏi
Gió ở đâu sao chưa thấy thổi về
Cho cành lá reo vui cùng bướm trắng
Cho môi cười rạng rỡ tuổi hoàng hôn...

[Viết cho Quy Nhơn - NKT]

Chút kỉ niệm đâu đó cũng về với Nguyễn Thu trong một lần trở lại Quy Nhơn:
Tôi đến Quy Nhơn một ngày tháng sáu
Nắng vàng hoe, mây trắng dập dềnh trôi
Ngọn Tháp Đôi đổ bóng xuống chân đồi
Miền ký ức trăm năm còn sót lại

Tôi là ai mà lòng vương vấn mãi
Với biển, với người, nắng gió nơi đây
Dốc Mộng Cầm, bãi Hoàng Hậu vơi đầy
Bao năm tháng rời xa tôi vẫn nhớ

Ghềnh Ráng, Quy Hòa đập cùng nhịp thở
Với lời thơ Hàn Mặc Tử đau thương
Tà áo em bay rợp nắng sân trường
Chân ai bước xôn xao thành phố nhỏ
[Trở lại Quy Nhơn - NT]

Thanh Tùng về với biển để ngắm những con sóng và lời của sóng cũng là lời từ tạ riêng mình:
Làm sao cho ta quên
Có một thời nông nổi
Đời đôi lần hấp hối
Đau đớn dường như quen

Bờ vai nào ta níu
Cánh mỏi bờ môi ngoan
Ru hồn hoang phút cuối
Quên đi những mỏi mòn...

Nhờ mây trôi hờ hững
Sông tìm thấy bầu trời
Nhờ gió khua nên sóng
Dâng mạch sống xanh tươi...
[Sóng ru - TT]

Lâm Cẩm Ái với lời thơ dễ thương như nhắn nhủ một ai đó đã thành quá khứ trong bóng bụi mờ thời gian:
Chiều thênh thang ra biển
Biển vồn vã hỏi người
Em thì thầm nói nhỏ
Người xa rồi biển ơi
 
*
Chiều thênh thang xuống phố
Gió hỏi phố vui không
Phố buồn nhìn một bóng
Lẻ loi như thế à?
 
*
Cơn gió nào cuốn qua
Dấu chân chừng hấp hối
Con sóng nào xô vội
Cát lặng lờ trôi theo...
[Bóng bụi mờ - LCA]

Nhà thơ Nguyễn Xuân Đóa cũng Vọng về Quy Nhơn với nỗi xao xác bàng hoàng:
Phố nhỏ gối đầu lên dốc núi
Gió khơi lùa sóng vỗ thùy dương
Trường Sơn dang cánh tay chìm nổi
Chập chùng ôm cả nắng quê hương

Ghềnh Ráng mộng đầy trăng Mạc Tử
Tháp Đôi già nhớ lũ con Chăm...
Bên nhau bước nhỏ chiều mưa phố
Nghe lòng rộn rã chuyện trăm năm

Xa vắng chiều mưa người lạc xứ
Tuổi xuân rêu kín tự năm nào
Một mảnh trời quê đời thác
Đêm buồn nghe sóng vỗ chiêm bao.
[Vọng Quy Nhơn - NXĐ]

Quy Nhơn, người ra đi làm sao quên được ngôi trường yêu dấu nâng bước chân ta vào đời, ở đó có thầy, có bạn, có tôi trong veo trong thương yêu ngập tràn như Nguyễn đã viết:
Một thời cắp sách ngây thơ rộn ràng
Một thời sống trong yêu thương dịu dàng
Một thời nắng ấm tung tăng sân trường
Bạn ơi! Còn nhớ!
Một thời quấn quýt vui tình bên nhau
Học hành cố gắng chăm lo mai sau
Miệt mài chắp cánh bao ước mơ thần tiên

Click vào đây để nghe Trường Xưa Dấu Yêu:
Nhạc và lời: Nguyễn
Trình bày: Ngọc Anh
http://youtu.be/dLyg64gbUb8

Vương Hoài Uyên gói gọn hình ảnh Quy Nhơn trong mấy câu thơ lục bát nhưng đọc xong nghe xao xuyến đến lặng người:
Phố lang thang mấy con đường
Mưa qua đó có ngùi thương mái sầu
Trên cao gió hát ngọt ngào
Sóng theo gió vỗ rạt rào bãi đêm
Với tay tìm chút êm đềm
Cát trôi qua kẽ tay mềm xót xa .
[Quy Nhơn - VHU]

Tự hào là con cháu của vua Quang Trung, cậu học trò Cường Để Huỳnh Ngọc Tín đã từng mơ ước mộng lớn mai sau đã từng ngưỡng mộ mối tình xa xưa của người anh hùng áo vải:
Ngọc Hân, Công chúa Thăng long
Cảm trai xứ nẫu phong trần vì ai?
Nước một cõi chia năm xẻ bảy
Dân một đời đói rách lầm than!

ca ngợi mối tình cổ thi:
Nhìn ai Công chúa ngỡ ngàng
Trong lòng như đã mặt ngoài còn e!
[Thơ họa - HNT]

Và nói về tình cảm gắn bó với Quy Nhơn không thể nào không nhắc đến Vũ Thanh, gần như nhà thơ đã dành trọn tâm tình cho quê hương yêu dấu, luôn nghĩ về mình phải góp bàn tay nhỏ bé để hàn gắn những đau thương nhân loại nơi miền đất Hứa nơi mà ngày ra đi thi sĩ gởi lại một mối tình:
…Quy Nhơn hỡi thôi giã từ em nhé
Một ngày kia tôi hẹn sẽ quay về
Nhớ giữ giùm thời son trẻ của tôi
Những náo nức của một thời mới lớn
Những rạo rực của một thời hoa bướm
Những nồng nàn của một thuở mới yêu
Những bâng khuâng hò hẹn và những điều
Còn lỡ dở với bao nhiêu ước thệ
Xin giữ hộ tôi những dòng châu lệ
Của một người đi đã để lại đây
Người ấy bây giờ hun hút bóng mây
Cũng như tôi người hẹn ngày trở lại
Tôi sẽ nhớ và muôn đời nhớ mãi
Nhớ Quy Nhơn như nhớ một người tình...
[Quy Nhơn đôi mắt người xưa - VT]

Ctrl và Click vào Link để nghe nhạc phẩm “Qui Nhơn Đôi Mắt Người Xưa”:
Nhạc và lời: Vũ Thanh
Trình bày: Quốc Khanh
http://www.youtube.com/watch?v=gRvJ-mEzftE&feature=related

Không hẳn viết về Quy Nhơn chỉ toàn những hồi ức buồn, bàn tay tài hoa của Lam Hồng đã viết về mùa xuân Quy Nhơn với ước mơ xanh, đặc biệt bài thơ nầy hoán chuyển ngược xuôi kiểu nào cũng rất hay:
Quy Nhơn trời, biển, núi, trăng, thơ
Thắm tình non nước lặng ngẩn ngơ
Suy nghĩ đắp xây công tiên tổ
Nhớ thương quê mộng mãi thẫn thờ
Thi tứ dạt dào mênh mông biển
Nghĩa tình tha thiết ngập tràn bờ
Đi đến phương nào người mãi vọng
Thì đến xuân, mong trọn ước
[Xuân Quy Nhơn - Lam Hồng]

Quy Nhơn - đất đẹp, tình người bao dung, những dòng chảy về thơ văn vẫn tuôn mãi không ngừng với biển xanh đó, sông núi đó làm sao hồn thơ không dào dạt, bài viết này chỉ là một thoáng chạy bộ xem thơ - trong kho tàng thơ phong phú của những cựu học sinh Bình Định những người mà tuổi thanh xuân đã gắn bó với Quy Nhơn, với trường xưa, người yêu cũ. Hình ảnh quê hương thân yêu ảnh hưởng sâu đậm trong hồn thơ của tất cả nhà thơ Bình Định. Vẫn là Cầu Đôi - Tháp Đôi - Dốc Mộng Cầm - Mộ Hàn Mạc Tử - Suối Tiên - Sông nước Hà Thanh - Biển Quy Nhơn...
Phố xưa - Phượng đỏ - Dừa xanh - Phi lao... Nhưng mỗi trái tim đã cảm nhận mỗi khác vì đó là những kỷ niệm đẹp nhất trong một đời người và kỉ niệm đã hóa thành thơ, những vần thơ đã có từ xưa đến hôm nay và còn nữa đến tận ngàn sau...

Thu Thủy
---------------------
* nguồn: luanhoan.net





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét