KỲ 54
Nhà văn Nguyễn Khải và nhà báo Nguyễn thị Ngọc Hải
Có thể nói
không ngoa Nguyễn Khải là nhà văn Việt Nam đầu tiên lôi chủ nghĩa cộng sản ở
Việt nam ra pháp trường lần lượt nhằm bắn vào những yếu huyệt. Một mặt cái chủ
nghĩa này chủ trương «đấu tranh giữa các mặt đối lập là động cơ của tiến hóa» mặt khác trong «nội bộ Đảng» họ lại hạ
xuống một cấp, không còn là «đấu tranh giữa các mặt đối lập nữa» mà chỉ còn là… «phê
bình và tự phê bình».
Nguyễn Khải
thẳng thắn vạch ra cái trò «phê và tự phê» đó là giả dối, vô tích sự:
«Các đảng
cộng sản đều coi phê bình và tự phê bình là cách giải quyết mâu thuẫn nội bộ
hữu hiệu nhất. Sự vật vận động sẽ sinh mâu thuẫn, giải quyết được mâu thuẫn sự
vật mới có cơ hội phát triển, tiến lên. Phủ định và phủ định của phủ định, nghe
vừa khoa học vừa huyền bí, như câu thần chú: “Vừng ơi, mở cửa ra!”, cứ đọc to
lên là cánh cửa vào tương lai sẽ mở toang (…). Nếu tin vào câu thần chú ấy thì
Mao Trạch Đông đã không bày ra tấn tuồng “cách mạng văn hóa” để tiêu diệt mọi
kẻ dám can ngăn những chủ trương đầy tính phiêu lưu của ông. Ấy là nói về những
người nắm quyền lực cao nhất, còn những người nắm những cơ quan quyền lực thấp
hơn cũng chả bao giờ họ tin vào cái phương pháp lãng mạn đó cả. Trong các cấp ủy
họ vẫn tự phê bình và phê bình nhau một cách sốt sắng giả dối…».
Chính vì toàn
thể cán bộ đảng viên cho tới nay vẫn đồng lòng và được phép diễn cái trò dối
trá này nên cái xấu không hề bị tiêu diệt và cái ác ngày càng nảy sinh:
«Và ai nấy
đều tự bằng lòng hơn sau những lễ xưng tội giải tội hết sức vui vẻ này. Và mọi
thói xấu, kể cả tội ác nữa, vẫn nghiễm nhiên tồn tại như trước đây, vẫn là
những vùng cấm chỉ những kẻ quá chán đời mới dám đơn độc xông vào (…). Đó là
một màn diễn khổng lồ, rất tốn kém, chả đem lại bất cứ kết quả nào. Vì chỉ là
diễn thôi, người cũ kẻ mới đều vào vai rất thành thạo. Rút cuộc kẻ có tội vẫn
ngày càng hung hãn, càng tự tin, còn người vố tội càng lúc càng dè dặt, hãi sợ.
Kỳ quái nhỉ?».
Bởi lẽ định
nghĩa con người là «tổng hòa các mối quan
hệ xã hội» nên những người cộng sản bỏ qua cái phần sâu thẳm, cái phần mù mờ, «những tiếng thì thầm rất nhỏ mỗi đêm trong chính mình»:
«Con người
có 2 mắt đều hướng ra cái thế giới vật chất bên ngoài, không có con mắt nào
hướng vào trong để ngắm nghía, kiểm soát cái thế giới tinh thần của nó nên nó
bị mù một nửa, cũng như nó không có cái tai bên trong nên không thể nghe được
những tiếng thì thầm rất nhỏ mỗi đêm trong chính mình. Hai cái khuyết tật bẩm
sinh ấy đã làm con người thiếu hoàn chỉnh, là nguyên do mọi đổ vỡ của nhiều
danh nhân dũng tướng vào những năm cuối đời. Nhưng cũng có một số ít người có
khả năng nhìn được sự vận động cả trong lẫn ngoài, nghe được những tiếng động
rất nhỏ cả ngoài lẫn trong. Họ không có cấu tạo vật chất đặc biệt nào mà chỉ
bằng cái năng lực tinh thần rất mạnh đã bù đắp được những khiếm khuyết bẩm sinh».
Mất cái khả
năng «lắng nghe chính mình» hoặc không được phép thăm dò vào những vùng cấm đó,
ngay đến các lãnh tụ cộng sản khi viết hồi ký cũng chỉ toàn một màu anh hùng:
«Nhiều
tập hồi ký của các danh nhân cả chính trị lẫn văn hóa đều thiếu cái phần còn
nhày nhụa của họ, cái phần thú vật của con người nơi sản sinh ra những tội ác
chưa hình thành, cái què quặt, cái buồn cười đã được kiềm chế đúng lúc, đã được
giấu nhẹm, cái phần họ muốn quên đi và rất dễ trở thành lang sói với đồng loại
nếu trong đồng chí, đồng nghiệp còn có người biết đến và nhớ tới. Cuộc chiến
đấu lớn, có tính bi kịch giữa mình với mình bao giờ cũng hoành tráng, cũng đẹp,
rực rỡ những màu sắc đối nghịch vì nó đã bộc lộ đầy đủ nhất cái phẩm chất LÀM
NGƯỜI trong mỗi CON NGƯỜI. Không phải bất cứ ai cũng tạo ra được trận chiến
thần thánh ấy, vì chiến trường ở ngay trong lòng mình, mình vừa là kẻ thách đấu
vừa là kẻ dám nhận đấu, dẫu thua cũng là cái thua của thần thánh. Một công việc
trang trọng đến thế, hùng tráng đến thế mà lại dám nghĩ là công việc của số
đông, của những người chưa hề chuẩn bị một cái nhìn bên trong, một cái nghe bên
trong cho riêng mình, cả đời họ sống trong tự mãn, trong u mê, bất thần mời gọi
hãy nhìn lại mình, hãy nhìn lại người để có được những phán xét và điều chỉnh
chuẩn xác! (…)».
Mất cải khả
năng «tự vấn», mất cái khả năng «tự nhận thức», «tự tra vấn mình», các
lãnh tụ cộng sản chỉ còn tìm tới những cái gây thích thú ở nơi đám đông. Đó là những cái mà Nguyễn Khải vạch ra sơ sơ đã thấy hãi hùng:
«Không
có mùi vị của thuốc súng, của máu người và những tiếng la hét cuồng nộ của đám
đông thì người cầm quyền biết thở bằng gì?».
Vậy chẳng hóa
ra những người cầm quyền là những con thú say máu hít thở bằng tiếng «cuồng nộ
của đám quần chúng» và bằng máu người. Nguyễn Khải quả thực đã rất «nhà văn»
khi đi tới cùng việc vạch trần bộ mặt giả nhân giả nghĩa của những người thành
thạo thích kích động quần chúng để được nghe tiếng la hét cuồng nộ của đám đông.
Thoát
khỏi vòng kim cô của Đảng bắt ne bắt nét nhà văn phải viết thế này phải viết
thế kia, Nguyễn Khải định vị lại cho chỗ đứng và bản chất của văn chương:
«Tập thể
không làm ra văn chương vì nó không có cảm nghĩ riêng, tâm sự riêng, tính cách
riêng. Nó là vô danh. Một tâm sự mãn nguyện, những tiếng cười hoan lạc, một
kiếp người quá đầy đủ cũng không thể có chỗ đứng trong văn chương. Vì văn chương bao giờ cũng thuộc về những
tiếng kêu của con người để đòi lại những gì còn thiếu: thiếu tự do, thiếu công
bằng, thiếu hạnh phúc…».
Vậy là văn chương
tuyệt nhiên không thể là tiếng kèn xung trận các nhà văn thổi lên thật to để
giúp Đảng đốc thúc, cưỡng ép hàng triệu, hàng triệu con người đi vào chiến
tranh giành giật quyền thống trị trên cả nước. Ngược lại, văn chương phải là «những
tiếng kêu than của con người».
«Đời
người là bể khổ, những khao khát về tinh thần của con người là vô cùng nên mới
cần có văn chương và nghệ thuật để bù lại. Còn mọi thứ đều được biết, đều đầy
đủ, đều mãn nguyện thì tôn giáo không còn, triết học không còn, và tất nhiên
văn chương cũng không thể còn. Nó sẽ chết vì bị ngạt, vì không còn những khoảng
trống huyền bí để suy nghĩ, để mơ mộng và để thở. Những gì mà chủ nghĩa cộng
sản hứa sẽ thành hiện thực trong tương lai thì cái hiện thực ấy sẽ giết chết cả
loài người. Vì thượng đế đâu cần những con dòi béo quay lúc nhúc dưới chân Ngài».
Khi hứa hẹn một
xã hội «làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu», một xã hội «thiên đàng» thì họ
đâu có biết họ đã giết chết con người.
«Cũng
may đó chỉ là những lời nói dối, tự dối mình và dối người của những con người
đã phải sống nhiều trăm năm trong cùng khổ, trong tuyệt vọng. Còn hướng tới
thiên đàng ư? Là thiên đàng trần gian hay thiên đàng thượng giới cũng không một
ai có thể sống nổi. Sống không lo nghĩ, không mong muốn, không đấu tranh là
kiếp sống con dòi rồi. Chả lẽ những con dòi cũng có thể cất cao những cái đầu
múp míp của chúng để làm ra triết học và thơ ca!».
Vậy thì cái «thiên
đàng vẫy gọi » kia chỉ đáng giành cho đám giòi bọ. Một sự « ỉnh thức
vĩ đại của Nguyễn Khải không chỉ bằng sách vở, tư biện mà chính là ông đã
«nghiệm sinh» trong đời sống:
«Những
điều viết trên đây không do tôi tưởng tượng ra mà do những trải nghiệm bản thân
mà có. Những năm còn trẻ cả vợ lẫn chồng đều ăn lương quân đội, lại phải nuôi
dưỡng những bốn đứa con, nhà ở ven bãi sông năm nào cũng phải chạy lụt, lại quá
chật có 15 mét vuông. Ăn thì mì hai phần gạo một phần, gạo phải nhặt sạn cả
buổi mới dám nấu thành cơm.
Còn
thức ăn ư? Chả nói nữa ai cũng ăn như thế, ăn dưa ăn mắm suốt mấy chục năm đã hóa
quen. Cả nhà chỉ có hai cái giường, một cái bàn, hai cái ghế, tiếp khách ở đấy,
mời cơm khách ở đấy, con học bài cũng ở đấy, và ông bố viết văn cũng chỉ có cái
bàn ấy. Đêm đêm nằm cạnh hai thằng con trai lớn đạp ngang, quẫy dọc, rắm đánh
thối um, vừa quạt cho hai thằng con ngủ tôi vừa mơ mộng đến một ngày nào đó,
các con đã trưởng thành, tôi có được một phòng riêng để viết và tiếp bạn, mỗi
bữa cơm đều có cá hoặc thịt, có cả chút rượu nữa càng hay.
Tôi
không phải lo nuôi con, không phải lo cả trăm thứ vặt vãnh để tồn tại, chỉ có
đọc sách, ngẫm nghĩ, đi chơi đây đó với bạn bè và viết, ắt hẳn tôi sẽ viết được
một hai cuốn sách để đời. Bây giờ tôi đã ngoài bảy chục tuổi, đã có đầy đủ
những gì tôi khao khát, có thể nói còn hơn cả khao khát. Tôi đã sống đầy đủ, sang
trọng nữa, hơn nhiều nhà văn tôi được biết ở các nước Đông Âu. Và tôi đã nghĩ
nếu chủ nghĩa cộng sản thành công ở Việt Nam thì cũng chỉ cho được tôi đến thế.
Khốn nỗi, lúc này tôi đâu còn năng lực làm việc bằng trí tuệ nữa mà cũng chả có
nhu cầu nào phải đòi hỏi. Cuộc sống được vỗ béo của một kẻ ăn không ngồi rồi đã
giết chết mọi tư tưởng ở trong tôi, rồi giết luôn đến đội quân chữ nghĩa, chúng
đã hóa ra rỗng tuếch, vô hồn. Nhà văn mà hết chữ thì chỉ là cái xác chết. Xác
chết con người với xác chết con dòi có gì là khác mà phải phân biệt!».
(còn một kỳ cuối)
-----------------------
* nguồn: blog nhattuan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét