Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

chân dung hay chân tướng nhà văn [kỳ 3-4] - nhật tuấn

KỲ 3
Trong 100 chân dung của Xuân Sách, có một trường hợp đặc biệt, đó là nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, đã mất từ 1939, quá xa trước cách mạng. Trong "Thi nhân Việt Nam" Hoài Thanh và Hoài Chân đã cung kính đặt Tản Đà lên ngồi ghế "chủ súy" của hội Tao Đàn, một người mở lối cho thi ca Việt Nam bước vào giai đoạn mới. Nhà văn Nguyễn Tuân cũng ca ngợi: "Trong chốn Tao Đàn, Tản Đà xứng đáng ngôi chủ súy, trong Hội tài tình, Tản Đà xứng đáng ngôi hội chủ mà làng văn làng báo xứ này, ai dám ngồi chung một chiếu với Tản Đà?”.
Và Xuân Sách cung kính viết về cụ:
“Văn chương thuở ấy như bèo
Thương cụ gồng gánh trèo leo tận trời
Giấc mộng lớn đã bốc hơi
Giấc mộng con suốt một đời bơ vơ
Ước chi cụ sống tới giờ
Chợ trời nhan nhản tha hồ bán văn...”.   
Nhà văn Bùi Huy Phồn tức Đồ Phồn thuộc lớp tiền chiến, năm 1941 đã viết tiểu thuyết trào phúng “Một chuỗi cười”, năm 1946 cũng tiểu thuyết trào phúng “Khao”, năm 1961 ông viết tiểu thuyết “Phất” hưởng ứng phong trào cải tạo tư doanh ở Hà Nội. Ông thuộc hàng quan chức văn hóa văn nghệ, từng làm Giám đốc nhà xuất bản Văn học (1958-1962), ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam khóa II (1962-1972), đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội các khóa 4, 5 và 6, ủy viên thường trực Hội văn học nghệ thuật Hà Nội. Trong vụ Nhân Văn Giai phẩm ông viết bài “đánh” Trương Tửu rất nặng. Xuân Sách viết chân dung ông không lấy gì làm ưu ái khi gọi trệch “đồ phồn” thành “đồ phấn”, “đồ vôi”:
Phất rồi ông mới ăn khao
Thơ ngang chạy dọc bán rao một thời
Ông đồ phấn, ông đồ vôi
Bao giờ xé xác cho tôi ăn mừng... 
Trong thế hệ kháng chiến chống Pháp , nhà văn Nguyễn Khải là người có khối lượng tác phẩm đồ sộ nhất. Suốt thời trai tráng, hầu như không năm nào Nguyễn Khải không ra tiểu thuyết, tập truyện ngắn mới. Ở Sài Gòn, có lần nhà thơ Hoài Vũ bảo tôi: "Văn viết có duyên tớ thấy có Nguyễn Khải và cậu…”. Tôi thì không nói, nhưng quả thực Nguyễn Khải viết gì thì viết, người đọc vẫn luôn luôn bị cuốn hút, hấp dẫn. Chính vì vậy tác động tuyên truyền, động viên của tác phẩm Nguyễn Khải rất mạnh, chỉ tiếc, vì chú trọng bám sát chủ trương đường lối của Đảng nên khi chủ trương thay đổi, tác phẩm của ông trở nên xa với hiện thực. Năm 1978-79, NXB Văn Học thực hiện biên soạn Bộ tuyển văn học cách mạng 3 thời kỳ: chống Pháp, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ. Tôi được giao gặp từng nhà văn để hỏi tác giả muốn chọn những tác phẩm nào. Một buổi sáng tôi tới nhà Nguyễn Khải ở bãi Phúc Xá. Lúc đó ông đang ngồi ở bàn viết, trước mặt là tranh vẽ bìa cuốn “Cha và con và…” sắp ra lò. Nguyễn Khải chọn đi chọn lại trong kho chữ của mình rồi bất chợt ông kêu lên: "Tung tóe mẹ nó hết rồi Tuấn ơi…”. Ông nhìn tôi thất thần rồi cười khảy: "Nhưng không sao, tao sẽ vót nhọn gươm đâm một cú cuối cùng”. Cái cú đó chắc là tập “Đi tìm cái tôi đã mất” trước khi ông mất. Xuân Sách chắc cũng hiểu được tâm sự Nguyễn Khải nên ông hạ bút:
“Cha và con và… họ hàng và…
Hết bay mùa thóc lẫn mùa lạc
Cho nên chiến sĩ thiếu lương ăn
Họ sống chiến đấu càng khó khăn
Tháng Ba ở Tây nguyên đỏ lửa
Tháng Tư lại đi xa hơn nữa
Đường đi ra đảo đường trong mây
Những người trở về mấy ai hay
Xung đột mỗi ngày thêm gay gắt
Muốn làm cách mạng nhưng lại dát”.
Về cái “dát” của Nguyễn Khải thì Xuân Sách nói đúng. Chính Nguyễn Khải từng tâm sự: "Tớ theo “triết lý con lươn” cứ ngửi thấy mùi hiểm nguy là tớ tiết chất nhờn lủi mất”.
Nhà văn Nguyễn Thành Long chuyên viết truyện ngắn và ký. Ông rất kỹ lưỡng và thận trọng trong viết lách như ông từng tâm sự: "Nhưng có lẽ là giời đầy tôi, tôi cứ phải lo nhận xét, ghi chép, và đắn đo ở từng chữ như vậy”. Kỹ lưỡng, đắn đó vậy nhưng rồi cũng không tránh được “vạ bút” hồi năm 1957 với "Trò chơi nguy hiểm" vào sau này với “Cái gốc” in trên báo Văn Nghệ. Tác phẩm của ông còn lại có “Lặng lẽ Sapa” và “Giữa trong xanh” . Xuân Sách đã khắc họa chân dung ông:
Thao thức năm canh nghĩ chẳng ra
Trò chơi nguy hiểm đấy thôi mà
Lửng lơ giữa khoảng trong xanh ấy
Để mối đùn lên cái gốc già”.
Nhà văn Đào Vũ cũng thuộc thế hệ chống Pháp. Vào thời kỳ hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Bắc, ông hưởng ứng phong trào bằng cả loạt tác phẩm “Vụ lúa chiêm”, “Cái sân gạch” rất được báo chí hồi đó tung hô. Xuân Sách đã chỉ ra cái cốt cách văn chương của Đào Vũ:
“Trời thí cho ông vụ lúa chiêm
Ông xây sân gạch với xây thềm
Con đường mòn ấy ông đi mãi
Lưu lạc lâu rồi mất cả tên…”.
Khi viết chân dung nhà văn Nguyên Ngọc, Xuân Sách chưa được thấy vai trò của ông trong đòi hỏi dân chủ khi ông tham gia biểu tình ở Hà Nội, viết bài trên trang mạng bauxite… Bởi vậy Xuân Sách chỉ nhắc tới “Đất nước đứng lên” tác phẩm nổi tiếng của Nguyên Ngọc và “Mạch nước ngầm”, truyện dài bị nhắc nhở khi Nguyên Ngọc viết ở Quảng Ninh mất cả điểm hai cuốn rất cách mạng “Đất Quảng” và “Rừng Xà nu”:
“Mấy lần đất nước đứng lên
Đứng lâu cũng mỏi cho nên phải nằm
Hại thay một mạch nước ngầm
Cuốn trôi Đất Quảng lẫn Rừng Xà nu...”.
Nhà văn thuộc thế hệ chống Pháp bị “tai nạn nghề nghiệp” nặng nhất có lẽ là Hà Minh Tuân. Ông tham gia hoạt động bí mật ở Hà Nội từ năm 1943, chính ủy trung đoàn năm 1950, Giám đốc NXB Văn Học năm 1958. Không may ông viết tiểu thuyết “Vào đời” nêu nỗi khổ của những thanh niên “vào đời” phải đi lao động trên công trường, “cái đòn gánh như con rắn quẫy nặng trên vai" và thế là ông ăn đòn hội chợ của đồng nghiệp, ngay cả báo chí cũng phát động quần chúng nhảy vào đánh đấm. Rốt cuộc ông mất chức Giám đốc NXB Văn học về công tác ở “Vụ cá nước lợ” thuộc Tổng cục hải sản, vài năm sau về làm trợ lý cho ông Như Phong GĐ NXB Văn học.
Xuân Sách khắc họa chân dung ông:
“Bốn mươi tuổi mới vào đời
Ăn đòn hội chợ tơi bời xác xơ
Giữa hai trận tuyến ngu ngơ
Trong lòng Hà Nội bây giờ ở đâu?”.
Trong những nhà thơ kháng chiến chống Pháp, có những người chỉ có một bài mà được lưu truyền mãi. Đó là nhà thơ Minh Huệ, sinh năm 1927, từng là chủ tịch Hội văn nghệ Nghệ - Tĩnh. Ông làm thơ từ hồi kháng chiến chống Pháp. Đề tài sáng tác chủ yếu của ông là Bác Hồ và cách mạng. Ông làm bài thơ "Đêm nay Bác không ngủ" sau khi được nghe kể lại câu chuyện gặp gỡ giữa Bác và một anh đội viên trong rừng giữa đêm mùa đông năm 1950.
Xuân Sách viết về ông:
“Vỡ lòng câu thơ viết
Mời bác ngủ bác ơi
Đêm nay bác không ngủ
Nhà thơ ngủ lâu rồi”.
Nhà thơ Hữu Loan là trường hợp khá đặc biệt trong những nhà thơ chống Pháp. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, năm 1936 trong phong trào Mặt trận Bình dân, năm 1943 giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa huyện Nga Sơn, sau đó phụ trách các ty: Giáo dục, Thông tin, Thương chính và Công chính trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1957 tham gia nhóm Nhân Văn Giai phẩm qua các bài viết lên những tiêu cực của các cán bộ tham nhũng, triệt hạ nhau để leo ghế. Sau khi hết thời gian cải tạo, Hữu Loan nhất quyết bỏ Đảng, bỏ cơ quan về quê kiếm sống không muốn dính dáng gì tới Hội nhà văn. Xuân Sách rất mến phục nhân cách của Hữu Loan:
“Ôi màu tím hoa sim
Nhuộm tím cuộc đời dài đến thế
Cho đến khi tóc bạc da mồi
Chưa làm được nhà
Còn bận làm người
Ngoảnh lại ba mươi năm
Tím mấy nghìn
Chiều hoang
Biền biệt”.

 

KỲ 4

                                                         








Hình : Nguyễn thị Ngọc Tú, Nguyễn thị Như Trang, Lâm thị Mỹ Dạ, Xuân Quỳnh
                          
Càng đi sâu vào “chân dung” những nhà văn đã quá cố trong “Chân dung nhà văn” của Xuân Sách  tôi càng có cảm giác xót thương của anh chàng Paven Ivannôvits Tsitsikôp rong ruổi khắp nước Nga Sa hoàng trên chiếc xe Britska "mua tên" những tá điền, những nô lệ đã chết nhưng chủ đất chưa khai báo, chưa xóa tên trong sổ để lừa vay tiền trong tiểu thuyết “Những linh hồn chết” của đại văn hào Nga Nikolai Vasilievich Gogol.
Phải nói ngay, tuyệt nhiên tôi không coi các nhà văn quá cố của ta như “những linh hồn chết” của các tá điền thời nước Nga Sa hoàng. Ngược lại tôi cảm phục và cảm thương họ, cho dù đã chết nhưng linh hồn họ vẫn còn sống  trong các tác phẩm họ để lại, cả một đời vót nhọn đời sống vào ngòi bút, vào những ảo tưởng mà họ xác tín, hy sinh cả những lạc thú, cả nghĩa vụ với vợ con để làm cái công việc khổ ải là sáng tác văn học để rồi nhiều người “chẳng còn gì”... Còn nhớ nữ văn sĩ Lê Minh Khuê đã có lần nói với tôi: "cái bọn nhà văn dù có thế nào xem ra vẫn rất đáng yêu, cứ hí ha hí hửng, tí ta tí tởn thật tội nghiệp...”.
Tôi muốn dành lòng cảm thương đó cho nhà văn Nguyễn Thế Phương. Ông chính gốc quê Thanh Hóa, xuất hiện và nổi tiếng ngay với “Đào chèo” viết về một cô đào nương bị tên Chánh tổng hãm hại, sau con gái của cô vẫn nối nghiệp mẹ nhưng là nữ văn công quân đội”. Truyện viết với cảm hứng “phản phong” của thời đó.  Tiểu thuyết đầu tay “Đi bước nữa” của ông cũng nổi tiếng với cái kết đại ý “không phải chị gái góa này mà cả làng này phải… đi bước nữa…”, tất nhiên là đi lên hợp tác hóa nông nghiệp. Cho dù sống ở giữa Hà Nội, làm tới Trưởng phòng văn học Việt Nam  NXB Văn học nhưng ông sống rất nghèo trong một căn hộ chật chội. Hàng ngày ông uống thứ rượu trắng rẻ tiền người ta vẫn pha phân đạm để tăng độ nặng của rượu và sự nghèo túng cùng với bệnh tật đã làm ông ra đi ở tuổi 59. Nguyễn Thế Phương viết về công giáo trong tiểu thuyết “Nắng” với cái nhìn chân thực, thân thiện với đông bào Thiên chúa giáo hơn nhiều nhà văn cùng thời. Càng về cuối đời ông càng rút ẩn vào chính ông, càng ít bè bạn. Xuân Sách buồn rầu dựng chân dung ông:
Đi bước nữa rồi đi bước nữa
Phấn son mưa nắng đã tàn phai
Cái kiếp đào chèo là vậy đó
Đêm tàn bạn cũ chẳng còn ai.
Có thể nói trong “chân dung nhà văn”, Xuân Sách đã dành lòng ưu ái và cảm phục hơn cả cho nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn tức Nguyễn Thi. Ông là hình ảnh “chiến sĩ – nhà văn" xuyên suốt, bền vững, không  dao động, suốt hơn 6 năm ở miền Nam, ông đã có mặt hầu hết các chiến trường đồng bằng Nam Bộ vừa làm thơ vừa viết truyện. Ông nổi tiếng với Trăng sáng (truyện ngắn, 1960), Đôi bạn (truyện ngắn, 1962) và đặc biệt với truyện ngắn "Mẹ vắng nhà", truyện ký “Người mẹ cầm súng” sau  chuyển thể thành kịch bản phim “Chị Út Tịch”:
“Trăng sáng soi riêng một mặt người
Chia ly đôi bạn cách phương trời
Ước mơ của đất anh về đất
Im lặng mà không cứu nổi đời”.
Ngược với Nguyễn Thi, Xuân Sách dành cho nhà văn Mai Ngữ mấy câu “chân dung” không lấy gì làm ưu ái lắm. Năm 1947 Mai Ngữ đi bộ đội, năm 1954, phóng viên Báo Quân đội nhân dân, sau cùng thành cán bộ Tạp chí Văn nghệ quân đội. Những tác phẩm tiêu biểu của Mai Ngữ: Sông phía trước (1972), Bầu trời và dòng sông (1966), Người lính mặc thường phục (1986), Gió nóng (1984), Thời gian (1992), Người đàn bà trên hạm tàu (1996), Trong tay bọn Angca (1980), Cành đào tàn trên xe rác (1997)… và đặc biệt là Chuyện như đùa (1988) và Lại chuyện như đùa (1990).
Tưởng chuyện như đùa hóa ra thật
Biết ông sòng phẳng tự bao giờ
Cái con thò lò quay sáu mặt
Vồ hụt mấy lần ông vẫn trơ
Một trong các nhà văn kháng chiến chống Pháp bị “tai nạn nghề nghiệp” nặng nhất phải kể đến nhà văn Phù Thăng, tên thật là Nguyễn Trọng Phu, từng là chiến sĩ trinh sát Trung đoàn 42, rồi làm phóng viên báo Quân Giải Phóng. Năm 1961, Phù Thăng viết tiểu thuyết Phá vây dày 500 trang, kể chuyện một tiểu đoàn trinh sát mở trận đánh nghi binh, thu hút lực lượng địch về phía mình, giải vây cho đồng đội. Không may trong sách có đôi câu phát biểu bị coi là “hòa bình chủ nghĩa” khi ông cho rằng dù nhìn ở góc độ nào chiến tranh cũng không phải là điều tốt đẹp, còn có chi tiết một chị cán bộ mỗi lần công tác qua bốt tề đều phải hiến thân cho thằng trưởng bốt khiến chị phải luôn uống thuốc ngừa thai... Thế là cuốn sách bị đập tơi bời, tác giả của nó phải chuyển về xưởng phim, sau đó thì về quê đi cày. Mấy năm sau, nghe nói Phù Thăng viết truyện cực ngắn có tên “Hạt thóc” kể về một gã tâm thần, từng là nhà văn, rồi chẳng biết do ngộ chữ sao đó, gã đâm ra lẩn thẩn, cứ nghĩ mình là hạt thóc hễ trông thấy gà qué ở đâu là co cẳng chạy.
Theo phongdiep.net, khi nghe tin “Chân dung nhà văn" ra đời, Phù Thăng lo cho Xuân Sách, đã gửi thư cho ông:
"Mình chưa được đọc nó, nên không biết phải nghĩ thế nào trước dư luận khen chê hiện nay (có khi bản thân ông thì cũng cóc cần các thứ dư luận ấy), nhưng vì tôi là bạn từ thuở hàn vi, đã cùng ông trải bao điều cay đắng nên không thể “mũ ni che tai” được. Tôi thực sự lo ngại cho những ngày còn lại trên cuộc đời bão giông trong lúc lưng ông đã còng, chân ông đã mỏi, mà tôi không biết phải làm gì cho bạn trong hoàn cảnh “ốc còn chưa mang nổi mình ốc”.
Và Xuân Sách trả lời:
“Từ khi cái “của quí” của tôi ra đời, tôi đã nhận được nhiều thư từ, nhiều bạn cũ bạn mới đến thăm, nhiều cuộc gặp gỡ nhưng khi nhận thư ông tôi thực sự xúc động. Nói cho cùng đời vẫn đáng sống ông ạ. Dĩ nhiên so với ông tôi có khấm khá hơn, điều đó làm tôi càng thương ông".
Và Xuân Sách thương Phù Thăng qua “chân dung”:
“Chuyện kể cho người mẹ nghe
Biển lửa bốc cháy bốn bề tan hoang
Đứa con nuôi của trung đoàn
Phá vây xong lại chết mòn trong vây”.
Một nhà văn quân đội khác, cũng "ăn đòn" phải bỏ Hà Nội chạy về Hà Nam . Đó là nhà văn Vũ Bão, năm 1947 làm quân báo, năm 1950 làm cán bộ Khu đoàn thanh niên Liên khu III. Ông chủ trương: "Thở bằng lá phổi của mình, nhìn đời bằng đôi mắt của mình, suy nghĩ về lẽ đời bằng cái đầu của mình, đi bằng đôi chân của mình và không bao giờ viết bằng ngòi bút đã bị bẻ cong”.
Do vậy, ông viết khá nhiều, năm 1957 tiểu thuyết “Sắp cưới” của ông dính dáng tới cải cách  ruộng đất nên bị đánh tơi bời, sau ông chuyển sang viết phim.
Sắp cưới bỗng có thằng phá đám
Nên ông chửi bố chúng mày lên
Đầu chày đít thớt đâu còn ngán
Không viết văn thì ông viết phim.
Nhà văn nữ Nguyễn thị Ngọc Tú xuất hiện sau hòa bình với tiểu thuyết đầu tay “Huệ” (1964) gây tiếng vang lớn, sau đó là các tiểu thuyết: Đất làng (1974), Buổi sáng (1976), Hạt mùa sau (1989), tập truyện  Người hậu phương (1966), Những dấu chấm phía chân trời (1983)… Tiểu thuyết “Đất làng” tuy được khen nhưng cũng bị chê là “nền đỏ lấm tấm đen” vì đưa cả cảnh xã viên “làm reo” với Ban chủ nhiệm HTX... Nhiều năm chị là biên tập viên báo Văn Nghệ, quan chức Hội nhà văn như Ủy viên chấp hành, TBT Tác phẩm mới…
Đất làng vừa một tấc
Bao nhiêu người đến cày
Thóc giống còn mấy hạt
Đợi mùa sau sẽ hay.
Nhà văn quân đội nữ Nguyễn Thị Như Trang, hàm đại tá, biên tập viên báo Văn Nghệ quân đội, viết nhiều nhưng chẳng đọng lại được bao nhiêu:  Màu tím hoa mua, Ở thành phố bờ biển, Câu chuyện ở cửa rừng, Hoa cỏ đắng… đều là truyện ngắn. Nổi bật là tiểu thuyết “Khoảng sáng trong rừng (1979):
Nhá nhem khoảng sáng trong rừng
Để cho cuộc thế xoay vần hơn thua
Xác xơ mầu tím hoa mua
Lửa chân sóng báo mây mưa suốt ngày.
Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh, ngày xưa, chẳng hiểu vì sao, giới cầm bút lại gỉ tai nhau :“… Ngọc Tú,…Xuân Quỳnh". Bà nguyên là diễn viên múa, sau chuyển sang làm thơ, hay nhất là thơ tình với những bài nổi tiếng: Thuyền và biển, Sóng, Hoa cỏ may, Tự hát, Nói cùng anh… ngoài ra còn có: "Tơ tằm - chồi biếc", "Hoa dọc chiến hào", “Gió Lào, cát trắng", "Lời ru trên mặt đất", "Sân ga chiều em đi".…Bà là vợ nhà văn Lưu Quang Vũ, cả hai tử nạn trong một tai nạn xe hơi gây nghi vấn trong dư luận. Không hiểu sao Xuân Sách nói bà “trồng cây táo” ra “cây bạch đàn”, chắc là chuyện riêng tư không dính đến tên tác phẩm.
“Mải hái hoa dọc chiến hào
Bỏ quên chồi biếc lúc nào không hay
Thói quen cũng lạ lùng thay
Trồng cây táo lại mọc cây bạch đàn”...

(còn tiếp)
----------------------
* nguồn: blog nhattuan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét