KỲ 36
Chẳng riêng nông dân, bản tính con người là “tư hữu”. Tiến hành hợp tác
hóa nông nghiệp, thu gom ruộng đất, trâu bò, nông cụ vào hợp tác xã thực chất
là cưỡng chế. Người nông dân vì áp lực chính trị, đành phải ngậm đắng nuốt cay
giao sản nghiệp cho hợp tác xã.
Đó là
sự thực hiển nhiên không ai không biết.
Ấy thế
mà ông nhà văn Nguyễn Khải tô vẽ cho sự giao nộp ấy như một tự nguyện “cao
đẹp”, như ý nguyện thiêng liêng của người nông dân đối với cuộc vận động
của Đảng.
Ông
Điệp được vào hợp tác xã, làm ngay một mâm cơm gà, cá kho mời bằng được cán bộ
xã tới ăn mừng:
“Hôm qua chúng tôi vừa tổ chức liên hoan vào hợp tác xã, hôm nay làm bữa cơm nhạt mời hai bác sang uống chén rượu gọi là mừng cho
anh em chúng tôi đi theo
con đường xã hội chủ nghĩa…”.
Không
hiểu ngày nay, đọc lại câu “đi theo con đường xã hội chủ nghĩa”đã ấn vào mồm
anh nhà quê, ông nhà văn Nguyễn Khải có thấy “hài hước” chăng? Hẳn ngày nay
ông đã nhận ra “con đường xã hội chủ nghĩa" ấy càng đi càng mù mịt, càng phá
tanh bành cái hợp tác xã mà Đảng và Nhà nước tốn công xây dựng.
Mặc dầu
Đảng và Nhà nước đã dùng cả một bộ máy toàn trị để bao vây, cưỡng bách nhưng
công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp không phải là không vấp phải sự chống đối của
nông dân. Những phản ứng của nông dân như giết trâu bò, phá hủy nông cụ, chây
lì không chịu ký đơn… chắc chắn phải nổ ra. Tuy nhiên tất cả những chuyện đó bị
bịt đi, ngược lại việc cưỡng chế nông dân vào hợp tác xã được cả một bộ máy
tuyên truyền báo chí của Đảng tô vẽ như một cuộc đổi đời tự nguyện của người
nông dân.
Nguyễn Khải
cũng không đứng ngoài được “sự nghiệp tuyên truyền vận động hợp tác hóa” đó.
Chẳng những ông không dám đi sâu vào khai thác và phản ánh cuộc đấu tranh ngấm
ngầm cũng như ra mặt của nông dân chống lại việc cưỡng bức vào hợp tác, ngược
lại ông còn tô vẽ nó đúng như một cán bộ tuyên truyền. Chính vì thế cái
phần “xung đột” giữa Đảng và nông dân trong tiểu thuyết “Xung đột” rất mờ nhạt.
Chỉ có mỗi vụ Quảng “giả chết” ở đầu truyện để vu vạ cán bộ xem ra còn có vẻ
gay gắt còn sau đó chỉ thấy toàn nông dân “ơn Đảng, ơn chính phủ” được vào
hợp tác hóa để đổi đời. Phản ánh hiện thực nông thôn thời kỳ này, Nguyễn Khải
đã thực hiện đúng theo lý luận kinh điển của Đảng: "mâu thuẫn trong nhân dân"
là mâu thuẫn “nội bộ”, mâu thuẫn “thống nhất”, mâu thuẫn để... cùng đi lên.
Trong lúc
cố xóa mờ, giảm nhẹ xung đột giữa dân và Đảng, Nguyễn Khải lại tô đậm mối xung
đột giữa “nhà thờ ” với chính quyền vừa dễ viết cho sinh động vừa đúng đường lối của
Đảng coi đó là mâu thuẫn đối kháng, mâu thuẫn “địch - ta”. Bởi thế,
phần lớn “Xung đột” phần II xoay quanh chuyện Nhà nước o ép nhà thờ. “Gậy ông
lại đập lưng ông”, ngày nay chính những điều Nguyễn Khải mô tả trong tiểu
thuyết vô tình đã lột trần cái “tự do tín ngưỡng”, cái “tốt đạo đẹp
đời” xưa nay vẫn tuyên truyền.
Một trong
những mẹo chống nhà thờ của nhà văn Nguyễn Khải là bịa ra những bi kịch cá nhân
do nhà thờ gây ra. Cô Huệ, con gái ông Bốn sau 10 năm đi tu đã tố cáo tội ác của nhà thờ với bố đẻ:
“Bố ơi, khi con ở nhà đức tin con
mạnh, con vào ở đây đức tin con chẳng còn nữa, tất cả mọi người lừa dối con.
Bà Nhất thì cay nghiệt hơn dì ghẻ, đuối tay đuối sức một chút là bị phạt rồi.
Mỗi lần con nằm chực ở ngưỡng cửa cho bạn bè bước qua, cúi mặt xuống hôn đất
để tạ lỗi, con lại nhớ đến ngày ở nhà được bố mẹ nuông chiều. Sao con lại tự
đưa mình vào chốn khổ, khổ mà chẳng được ơn ích gì. Họ mặc áo bà dòng khấn
khứa từ sáng đến tối mà vẫn tằng tịu với người khác giới, có người uống thuốc
thôi thai, có người đi đẻ giấu, có người
còn đang tay bóp chết con nhỏ. Mẹ Nhất cũng có nhân tình. Con chẳng tin vào ai cả. Con chẳng tin có cái gì khác
ngoài những điều mắt con trông thấy, đời con thế là hết rồi…”.
Chỉ một
năm sau gặp bố, nữ tu Huệ chết trong một cơn “giãy giụa đau đớn”. Một nơi
địa ngục trần gian, đầy xấu xa và tội lỗi như vậy mà lại là một nhà nữ tu
thì quả thực liệu người ta có thể tin vào sự trung thực của ông Nguyễn Khải
chăng? Điều đó hoàn toàn có thể kiểm chứng được bởi lẽ nơi cô nữ tu bị đầy đọa
trong suốt hơn mười năm trời là một địa chỉ cụ thể, theo như tác giả là thôn
Bái thuộc Bùi Chu. Nếu cuộc điều tra chính thức được mở ra, ông nhà văn rất có
thể ra Tòa về tội vu cáo.
Sau nữ
tu, đến lượt các đấng chăn chiên bị "bôi bác”. Trước hết ông nhà văn giễu Tòa
thánh:
“Người ở thôn Hỗ vẫn coi cái địa phương xa lắc ấy còn ruột thịt hơn cả quê hương mình, còn thiêng liêng hơn chính linh hồn mình và
ràng buộc mình bằng trăm ngàn sợi dây bền chắc”.
Thậm
chí ông nhà văn còn giở giọng xỏ xiên:
“Hầu như đức Giám ở Bái kêu
khát, con chiên ở Hỗ đã thấy cổ mình se lại; đức Giám mục đi vấp, con chiên ở
đây đã thấy đầu ngón chân mình rớm máu; đức Giám mục se mình người ta đã đồn
đại nhau với nét mặt lo âu. Ngay đến những quyết định hệ trọng nhất của đời
người như nên sống thế nào, nên đi theo đường nào, họ cũng tùy thuộc vào cái
đầu đội mũ hàm ếch lắc hoặc gật. Hình như cái gậy vàng của Giám mục đối với xứ
Hỗ còn có hiệu lực sai khiến hơn cả chính con chiên ở Bái".
Và rồi “chân dung biếm họa” của Đức
Giám mục được ông nhà văn vẽ vời:
“Người
xứ Hỗ chỉ được nom dung nhan đức Giám khi người xuất hiện ở bàn độc, trịnh
trọng trong bộ áo lễ rực rỡ, chỉ được nghe lời nói dịu ngọt và đầy sức quyến rũ
của người qua những bức thư luân lưu, còn ở Bái thì người ta lại kháo nhau về
những tính tình quá trần tục của từng cha một. Rằng cha giám quản thích ăn
trứng trụng xôi, mỗi sáng có thể mút hàng chục quả với muối. Rằng không những
đức Cha chỉ biết đưa bàn tay cao quý cho kẻ khác hôn vào mặt nhẫn, mà cũng
những ngón tay nuột nà ấy còn biết xấp nước bọt đếm tiền nhanh như nhân viên
ngân hàng…”.
Quả
thực thật khó hiểu vì sao nhà văn Nguyễn Khải lại “ngậm một khối hờn căm” đối
với Thiên chúa giáo đến vậy. Một
nơi của nhà thờ làm ông nhà văn “ngứa mắt” không thua gì Tòa Giám mục chính là
chủng viện:
“Ở cái trường đạo nổi tiếng ấy anh sẽ được thăm những dẫy nhà ăn hôi
mốc, tanh tưởi như mùi chiếc đũa tre lâu
ngày không rửa, những đứa bé đứng ngồi, ăn húp, cười đùa gõ bát gõ đũa như
những kẻ mất dạy…”.
Than ôi,
chủng viện là nơi nhà thờ đào tạo tu sĩ đâu đến nỗi như trại tạm giam trẻ
móc túi ở Chí Hòa vậy? Và đây là nhà ngủ của các học sinh chủng viện:
“Những dẫy nhà ngủ chiếu cuộn lại từng đống trên giường, dưới đất, hoặc nửa ở
trên giường, nửa ở dưới đất, những cái gối gỗ bong sơn, những chiếc thập giá
nằm dài ở đầu giường mệt mỏi…”.
Giường
chiếu đã thế, sách vở còn tệ hơn:
“…
những kinh sách do chính tòa giám biên soạn truyền bá đạo lý của nhà Chúa
và những sự vô luân của quân cộng sản, những
truyện trinh thám, kiếm hiệp, ái tình từ cái đời thủa nào vẫn được lưu lại…”.
Đi sâu
vào chủng viện còn kinh hãi hơn:
“Sau
những dãy nhà lắm ngách lắm cửa tối hun hút và bí hiểm kia, còn những lớp nhà
phía sau nữa, những lớp nhà dài dằng dặc và trống rỗng đặc biệt vẫn có cái mùi
hôi mốc quen thuộc, thứ mùi của sự ngưng trệ, lười biếng. Ở tận một xó, một xó
bị bỏ quên trong vùng tối bùng nhùng ngay giữa cả lúc trời nắng vang lên những
tiếng cười lạc lõng: hai ông bõ già đang ngồi ăn cơm, một người to béo mặt
mũi sần sùi vừa câm vừa điếc lúc nào cũng nhìn người khác với nụ cười khó
hiểu và một người tay bưng bát cơm cứ run rẩy như trong cơn sốt, vừa ăn vừa ho
vung vãi…”.
Người
của chủng viện đã tật nguyền và tâm thần vậy, đến con chó của chủng viện cũng
không ra hồn… con chó:
“Dưới chân họ một con chó đen đã gần
trụi hết lông, trơ ra những đám thịt héo hon đen tím, mắt đầy nhử, quanh ra
quanh vào chậm chạp, thấy người lạ nó cũng chỉ đưa được đôi mắt kèm nhèm như
van vỉ nhìn lên một thoáng rồi lại cúi xuống tha thẩn như cũ, đụng đầu vào cột,
vào bậu cửa như một người đã lẫn cẫn…”.
Con chó
chủng viện đã như chó hoang vậy, tu sĩ trong chủng viện cũng chẳng hơn gì những
kẻ tâm thần:
“Nhưng
đêm đến, cái xác chết tưởng như sắp thối rữa kia khi đã ngửi thấy mùi ẩm ướt
của bóng đêm lập tức hồi sinh lại một cách nhanh chóng. Những khung cửa tối om
bỗng đỏ rực lên như hàng trăm con mắt lóng lánh. Ở nhà họp công cộng trên tầng
gác, bàn ghế đã được kê lại ngay ngắn, học sinh ngồi nghiêm chỉnh trên các ghế.
Và cái anh tu sĩ tầm thường của ban ngày, cái anh gầy gò, nhai trầu bỏm bẻm lúc
nào cũng có cái điệu bộ ngớ ngẩn, ngu dại nói lắp bắp, dưới ánh đèn của
ban đêm đã thay đổi hình dạng. Anh ta nhìn từng dãy ghế xoi mói, thuật lại một
cách hoạt bát những việc xảy ra trong ngày…”.
Thầy đã
thế còn trò cũng xấu xa không kém:
“Quả
thực cái bọn học trò đã trở thành một lũ lưu manh ấy không thích về với bố mẹ
chúng thật. Bây giờ học làm thầy chúng cũng không thích, học văn hóa lại càng
đáng chán hơn. Phải học, dù học gì cũng là gò bó, trói buộc rồi. Chúng chỉ ao
ước cái thời kỳ giằng co với cộng sản sẽ kéo dài nữa. Chỉ mong được sống
mãi mãi như thế này: ăn thỏa thích, chơi bời thỏa thích, nói năng bậy bạ, tục
tĩu thỏa thích và đêm đêm lại tập hợp nhau làm những chuyện ly kỳ…”.
Than ôi,
trường đào tạo linh mục của nhà thờ sao tăm tối, bệ rạc và chủng sinh thì lưu
manh quá vậy? Cái nhà trường của giáo xứ Nguyễn Khải mô tả “dơ dáy, xấu xa và
vô tích sự” đến thế mà vẫn lo lắng nó “đào tạo gián điệp, phản động” nên
Nhà nước vẫn cứ khăng khăng giải tán nó.
Trước
hết “ủy ban triệu tập những
gia đình trong xã có con đi học ở chủng viện Bái đến thảo luận và thi hành
quyết định của tỉnh". Cứ căn
cứ chính sách tín ngưỡng của Đảng thì việc giáo dân cho con em đi học
chủng viện là chuyện bình thường, vậy mà khi bị triệu tập, họ vẫn phải tới
trong tâm trạng lo sợ.
“Thời
gian chờ đợi cũng lâu, những người đến trước không trò chuyện, đùa bỡn như ở
các cuộc họp khác. Họ chỉ lặng lẽ nhìn nhau như những kẻ mất hồn, làm ra vẻ đờ
đẫn, ngây dại… Người ta dò hỏi nhau bằng con mắt, nghe ngóng một cách lo âu
những việc sẽ xảy ra và dành sự suy nghĩ cho những mưu mô sắp đem đối phó…”.
Thực ra,
Nguyễn Khải ngoài ý muốn đã mô tả chính xác tâm trạng người dân khi phải ghé
“cửa quyền” theo giấy triệu tập. Họ lo lắng, khép nép, rúm vào nhau chứ làm gì có hồ hởi, phấn khởi vẫn tuyên truyền:
Môn –
Chủ tịch xã mở đầu, nét mặt đã cau có:
“Chúng
tôi đã cử người đi mời từ chiều hôm qua, vậy mà chỉ có – Môn ngừng lại đưa mắt
đếm một lượt – hơn 10 gia đình… Sao các bà lại ngồi túm vào một góc thế? Ghế
đây! Rộng rãi bao nhiêu. Đã đi họp thì phải ngồi cho đàng hoàng thì nghe mới
lọt vào tai chứ. Nào, mời các
bà ngồi dịch lại đằng này…”.
Vậy là
giữa dân và chính quyền đã ngăn cách, một đằng cố tránh ra xa, một đằng cố kéo
lại không phải vì thông cảm mà để “làm việc”. Thấy dân tránh xa mình như tránh
dịch, Chủ tịch xã càng nóng:
“Các
bà cứ đi nghe những chuyện nhảm nhí đâu đâu rồi lại thắc mắc với chính phủ, với ủy ban. Ủy ban cho người đến tận nhà mời lại nói chuyện thì viện cớ từ chối.
Chính quyền là công bộc của nhân dân, nhưng nhân dân cũng phải biết vâng lời
chính quyền chứ…”.
Đảng
vần luôn nhắc nhở cán bộ “là
đầy tớ của dân”, “vì nhân dân phục vụ”, thực chất “đầy tớ” luôn coi “ông chủ”
như kẻ thù… thành thực. Bởi
thế câu trước câu sau, Chủ
tịch xã thò ngay bộ mặt trấn áp ra:
“Được,
những gia đình nào không cử người đến chúng tôi sẽ có cách, phải cảnh cáo.
Trên không ra trên, dưới không ra dưới thì còn thành thể thống gì nữa. Dân chủ
nhưng phải có kỷ luật…”.
“Dân
chủ nhưng phải có kỷ luật”
– dân chủ tập trung, dân chủ xã hội chủ nghĩa, dân chủ hơn cả… Mỹ bao năm nay
Đảng đã “ban”cho dân. Sau cùng, ông Mẫn, cán bộ trên huyện cử xuống cũng huỵch
toẹt:
“Trong
khi nhà trường chuẩn bị một chương trình dạy văn hóa đầy đủ thì phải giải tán
số học sinh hiện nay".
Và ra
lệnh cho phụ huynh học sinh:
“Vậy
như ở xã ta đây, các ông các bà đã cho gọi các em dưới ấy về chưa? Chẳng lẽ cứ
để chúng nó chơi bời dông dài mãi. Về nhà học thêm được ngày nào lợi ngày ấy".
Vậy đã
rõ, khi chưa dám công khai giải tán chủng viện thì chơi trò lén lút áp lực với
dân rút con em về không cho học nữa. Ông ta còn giở giọng đểu:
“Chúa gọi thì nhiều Chúa chọn có mấy, trăm người may đỗ cụ được vài người…”.
Một bà
là phụ huynh của học sinh chủng viện nghe ngứa tai quá, phản ứng:
“Thưa
với chư ông, cho con đi tu cũng chẳng mong gì con đỗ cụ để làm bà cố đâu ạ. Số
mệnh nó đã do Chúa định thì giao phó cho nhà Chúa. Chúng tôi là kẻ làm cha mẹ
chẳng dám ân hận điều gì…”.
Tuy
nhiên chuyện “giao con cho Chúa” với ông cán bộ huyện là chuyện tầm phào, bởi
vậy lại đe dọa:
“Các
bà tưởng cái trường ấy chỉ có đào tạo người đi truyền giáo hẳn. Học đạo một
phần, học làm kẻ thù của cách mạng chín phần… Thử hỏi những đứa do công an tóm
được đi kẻ khẩu hiệu, dán truyền đơn chống cộng là ai, toàn học sinh chủng
viện cả”.
Đến
lượt Chủ tịch xã giở giọng xuyên
tạc:
“Khi đi chúng là người tử tế lúc về hóa ra thằng ma cà bông. Các bà có muốn có con các
bà đi một bước công an phải theo dõi một bước không?”.
Con giun
xéo lắm cũng quằn, nghe cán bộ mạt sát con cái, một bà gầy gò, vấn khăn trắng
lên tiếng:
“Ông nói như thế chúng tôi không được đồng ý. Lúc nó ở nhà có một, đi học về lại gấp năm
gấp mười, hẳn hoi, tử tế. Thực thà là không thấy nó ăn nói cấc lấc điều gì, bố
mẹ cũng phải nể con chứ không nói khác…”.
Nói vậy
khác nào vả vào miệng cán bộ. Còn chút liêm sỉ, hẳn ông sẽ xấu hổ vì sự vu cáo
của mình bị lật tẩy. Đằng này đuối lý, ông Chủ tịch giở giọng “chính quyền” với
người cả gan cãi hắn:
“Bà
Đỗ có định gọi cháu nó về nhà không? Niên học mới thì chưa đến, nhà trường
chưa khai giảng vậy còn để
con nó ở đấy làm gì?”.
Đứng
trước cường quyền, người đàn bà vẫn không chịu khuất phục nhưng đành phải mềm
dẻo:
“Thưa với ông, cháu đã nhất quyết đi
tu, không gánh vác phần đời, không màng chuyện thế gian, là tự do tín ngưỡng
của nó, tôi nào nỡ gọi nó về, phải tội chết…”.
Nghe
mấy chữ “tự do tín ngưỡng”, ông Chủ tịch giật mình vì nó nằm trong “chủ trương chính sách của Đảng và Nhà
nước”, vội nhẹ giọng:
“Bà có
chắc rằng cậu ấy chỉ đi tu
chứ không làm việc gì khác?”.
Hắn hỏi
một câu rất khôn, gạt ngay chuyện “tự do tín ngưỡng" chuyển ngay
sang chuyện “truy tìm phản động”. Hắn cười gằn, giở giọng đe doạ:
“Bà
có biết những người có trách nhiệm ở đây đã dùng con bà vào việc gì không? Làm
liên lạc đưa tài liệu tin tức chống cộng đấy. Vụ hè vừa rồi con bà về mang cả
một bản kinh “cầu cho giáo hội im lặng” đút vào trong giầy ống. Nó mới
mười lăm tuổi đầu, còn ngây thơ lắm. Chớ để nó đi sâu vào con đường lầm lạc rồi
sau này nó oán trách bố mẹ đấy…”.
Thấy chính
quyền chụp cho con tội “phản động” tầy trời, bà mẹ hoảng sợ không còn dám cãi
nhau tay đôi với ông Chủ tịch xã nữa, đành chỉ thở dài uất ức rồi lại ngồi nén
mình như cũ. Ông Chủ tịch ép đến tận cùng:
“Nếu các bà không đi được thì cứ viết thư cho các cháu, ủy ban chúng tôi sẽ cử
cán bộ đi đón về…”.
Đây là
một “mẹo” cao cường, một khi nắm được những lá thư gọi con về của bố mẹ, ủy
ban sẽ có cớ dẹp bỏ trường chủng viện một cách êm thấm mà không phạm chính sách
“tự do tín ngưỡng" của Đảng. Chắc hiểu rõ dã tâm đó, người mẹ chối phắt:
“Dạ
không dám ạ, cháu nó bé còn phải mang xống áo cho cháu… thật tình không dám
phiền đến ủy ban… sợ cháu nó không chịu về lại thêm mất thời gian”.
Vậy
nhưng ông Chủ tịch vẫn dai như đỉa, giở giọng nhân nghĩa:
“Ủy
ban chịu phiền cũng được, miễn là phục vụ được nhân dân… Mất đến nửa tháng cũng
chẳng sao. Nếu bà đồng ý mai chúng tôi sẽ cho người đi…”.
Nhưng
người dân đời nào chịu “gửi trứng cho ác”, giao con cho ủy ban với du kích, người mẹ bị dồn vào chân
tường, sau cùng cũng đành phải chống lệnh chính quyền:
“Thưa với các ông, tôi xin thưa thực là tôi không có quyền phép gì gọi cháu nó
về. Trước đây nó là con tôi đẻ ra, nhưng bây giờ thì nó là quân lính nhà Chúa.
Nếu nhà có ơn phúc thì nó cứ đàng ngay lối thẳng mà đi, nhược bằng phận mỏng đức bạc, làm chuyện
bậy bạ thì chính phủ cứ việc bắt bớ bỏ tù, vợ chồng tôi không dám thắc mắc…”.
Giở
giọng “chính quyền” ra lệnh, vu cáo, dọa nạt không xong, ông Chủ tịch thay đổi chiến thuật, giở giọng mẹ
mìn, “đồng chủng đồng bào” lay chuyển bà con:
“Tôi
với các bà tuy không cùng máu mủ, ruột thịt nhưng dù sao vẫn là người làng… Bây
giờ các bà chỉ nhìn tôi là anh chủ tịch hay gây gổ, cái thằng khô đạo nhưng
một ngày kia nếu tôi và các bà gặp nhau ở một nơi nào thật xa, như trong Nam
chẳng hạn thì chắc là lúc
ấy chẳng ai còn nghĩ đến những điều nghi kỵ bực dọc ngày hôm nay mà chỉ
thấy quý mến nhau, tin cậy nhau vì là người làng, cùng quê…”.
Không đầy
hai chục năm sau, câu nói trên đã được “chứng nghiệm” khi những ông Chủ tịch
kiểu như Môn theo chân “giải phóng miền Nam” vào làm quân quản ở những xã Công
giáo như huyện Thống Nhất Đồng Nai, khiến người dân “quý mến, tin cậy” đến mức
phải… bỏ phiếu bằng “đôi chân”.
Ông Chủ
tịch lại tiếp tục mẹ mìn:
“Cái
tình quê hương đối với con người ta thắm thiết lắm, chứ không thờ ơ được đâu. Nếu tôi không nghĩ đến quê hương thì đã sinh cơ lập nghiệp tận đẩu tận đâu chứ còn mò về cái làng này
làm gì để chịu khổ sở đói khát. Nếu không nghĩ tới làng xóm thì tôi cũng đã xin
rút lui công tác từ năm nọ kia chứ chẳng phải đợi ai đánh đổ. Tôi năm nay bốn
mươi chín rồi. Ở đây tôi chỉ kém tuổi có bà Bân thôi, đâu cách nhau gần một
giáp thì phải. Đời tôi lăn lộn nhiều, đã từng nếm đủ mùi cay đắng cơ cực, cái
cao xa chẳng nói làm gì, còn cái trước mắt thì tôi không thể lầm được…Các bà
hãy tin ở lời khuyên của tôi…”.
Sau khi
“nam mô” một hồi, ông Chủ tịch xã lại giở giọng phù thủy:
“Các
bà hãy tin vào lời khuyên của tôi. Đã đành chúng nó không phải là con tôi nhưng
chúng là người của xã này, là người của làng tôi, làm ngơ thế nào được khi
biết chúng đi vào con đường tồi tệ… Mình giác ngộ hơn nó mà không bày vẽ chỉ bảo
cho chúng nó thì cái tội của nó chính là cái tội của mình, tôi sẽ có lỗi trước
bà con…”.
Cái khó
của ông Chủ tịch là làm sao vừa kết án được chuyện “đi tu” để ông có cớ giải
tán chủng viện mà lại vẫn không phạm vào chính sách “tự do tín ngưỡng của
Đảng”. Ông lý luận:
“Đi tu,
ừ, đã đành chính sách không cấm, quyền tự do của mỗi người. Nhưng vì lẽ gì mà
phải tu, chán đời ư, không kiếm được cơm ăn áo mặc ư, thiếu gì việc. Con trai
bằng lứa tuổi chúng nó
người ta đeo huy hiệu Đoàn, ao ước được thành bác sĩ, kỹ sư, ao ước được bay
nhảy đây đó, còn chúng nó co lại trong chiếc áo dài thâm, sáng khấn, tối khấn,
có bố mẹ mà không được nuôi nấng, có quê hương không dám nghĩ đến ngày về, có
thể lấy vợ đẻ con thì lại làm tội mình cho đến chết…”.
Say sưa
bài bác áo thầy tu đến thế này không hiểu là tâm tư của nhân vật Chủ tịch xã
hay là của chính ông nhà văn? Kết thúc bài “diễn văn” lên án đám học sinh
chủng viện, ông Chủ tịch xã cao giọng:
“Chỉ đọc kinh mà sống được ư? Ai cho nó ăn, ai cho nó mặc, vẫn là nhân dân. Còn chúng nó thì làm gì cho
nhân dân? Chẳng làm gì cả, một bọn ăn bám, cái lưng dài thườn thượt, cái
chân cái tay bủng beo vì bệnh lười…”.
Ông Chủ
tịch xã bộc lộ một điều: Nhà nước toàn trị không muốn cho trẻ con đến tuổi cắp
sách đến trường nằm ngoài sự “quản lý của Đảng”. Dẫu rằng nó vẫn ăn cơm của bố
mẹ nhưng nó phải vào Đoàn, phải đi học dưới “mái trường xã hội chủ nghĩa” nếu
không nó sẽ bị coi là “ăn bám” - ăn của bố mẹ thì vẫn bị coi là “của nhân dân”.
KỲ 38
Sau khi dùng “lý lẽ
ngoài đời” dọa nạt, lung lạc mà người mẹ vẫn không chịu gọi con về, ông
Chủ tịch xã chuyển sang bài bác “lý lẽ của đạo” mong “cắt cơn nghiện của nhân
dân” (ông Mác chẳng đã nói "tôn giáo là thuốc phiện” mà):
“Tôi cũng là người
công giáo đấy, nhưng nói thất lỗi với các bà, các ông, tôi không bao giờ tin
được là có Chúa thật. Nếu bảo bất cứ việc gì đều được lên trời thì tại
sao vệ tinh của Liên xô lại bay được lên trời, vậy ra Chúa ủng hộ cộng sản ư?
Chúa ủng hộ vô thần ư? Tại sao Tòa Thánh là đất Chúa ngự không phóng một vệ
tinh bằng quyền phép thiêng liêng của Chúa cho thiên hạ thêm lòng tin cậy.
Chẳng có gì cả đâu…”.
Đúng là đầu óc chứa
rặt “chủ trương chính sách của Đảng" mới đẻ ra lý lẽ “bài bác Chúa” ngu
muội đến vậy. Và đây là sản phẩm của “chủ nghĩa duy vật thô sơ” đã được cài đặt
vào đầu cán bộ:
“Ai có trình độ khoa
học cao, ai lao động giỏi thì kẻ ấy làm được việc kỳ lạ. Cha Thuyết bị sưng gan
chín phần chết, một phần sống, vậy ai cứu được mạng của Cha? Chính phủ ta, các
bác sĩ Liên xô, toàn những người vô thần cả. Chính Cha cũng đã từng nói với
tôi: ”Bố mẹ sinh ra lần thứ nhất, các bác sĩ Liên xô sinh ra lần thứ hai…”.
“Cha tuyên uý” của chủ
nghĩa Mác Lê, chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng của Đảng, tín đồ trung thành của
chủ nghĩa maoít-stalinnít - Chủ tịch xã Môn cứ thế “giác ngộ” cho đám
quần chúng đang bị “tôn giáo ru ngủ”:
“Ngay đến các cụ đạo
ngày ngày đứng trên tòa giảng vị tất các ông ấy đã tin chắc là có Chúa thật,
nếu họ tin sẽ có ngày phán xét chung thì vía cũng chẳng dám làm bậy, chẳng dám
nằm với người nữ, chẳng dám cầm súng bắn giết con chiên, moi tiền của kẻ khó…”.
Kết thúc bài diễn văn
công kích nhà thờ – ông Chủ tịch xã sổ toẹt:
“Bịp bợm cả. Các bà
tin được tôi thì tin, không thì thôi, nhưng sau này các bà sẽ thấy lời tôi nói
hôm nay là đúng. Xã hội người ta cứ tiến chứ có ai chờ con các bà giác ngộ rồi
người ta mới cất bước đâu…”.
Than ôi, hơn nửa thế
kỷ trôi qua, “xã hội người ta cứ tiến” – người ta đây có thể hiểu rộng ra là
thế giới, cho đến nay các “đồng chí” Chủ tịch xã vẫn còn ôm ấp ba cái
thuyết “đấu tranh giai cấp” và “xây dựng chủ nghĩa xã hội” loài người đã bỏ
qua.
Tất nhiên, lối “giáo
dục cưỡng ép” ấy khó mà chinh phục được con tim lẫn khối óc của người dân:
“Trong các cuộc họp
người ta đến miễn cưỡng, uể oải, cái xác ngồi đấy, nhưng tâm thần để tận đâu
đâu. Họ không cần nghe cán bộ giải thích, đằng nào cũng thế, thuế vẫn phải
đóng, đi dân công vẫn phải đi, nghe nhiều nào có lợi ích gì. Họ cứ sống như xưa
kia họ sống…”.
Giáo dân với Đảng còn
như vậy, linh mục với chính quyền “xung đột” được mô tả còn dữ dội hơn bằng
ngón nghề quen thuộc: “vu cáo" và “bôi xấu”.
Một lần có hẳn một
phái đoàn bốn linh mục và một tu sĩ ghé thăm xứ Hỗ. Đây là dịp ông nhà
văn xây dựng chân dung các nhà tu hành. Trước hết Cha Thuyết, Cha chủ nhà
được một Cha trong đoàn giới thiệu:
“Ông ấy vừa đi nằm nhà
thương ở Hà Nội về. Phải mổ gan lọc mật mới sống sót đấy. Tôi thì cho rằng chỉ
tại cái món thịt chó cả thôi. Ăn nhiều thịt chó dễ bị tích kén lắm. Cái giống
ấy nó chẳng nhiệt quá mà…”.
Vậy là một đấng chăn
dắt linh hồn con chiên suýt chết vì… xơi thịt chó thường xuyên. Rồi đến một Cha
khách, Cha Lân, khi ngồi vào mâm cơm thì mắt sáng lên:
“Ở đây Cha cũng cho
thả cá rô phi à. Cái giống cá ấy sinh sôi nảy nở đến nhanh. Nhưng cá này phải
hầm hoặc om kỹ mới ngon, còn rán thì xương khí rắn…Bày vẽ quá lắm, biết thế
chẳng báo trước; làm phiền Cha chủ sự…”.
Rồi lần lượt Cha
giới thiệu “tâm hồn ăn uống" của các Cha:
“Xin các Cha cứ tự
nhiên cho… Mỗi người một ý thích một tâm tính…Như đức Cha người chỉ thích ăn
trứng luộc, một lúc ăn hàng chục quả vẫn ngon lành. Tôi xin chịu. Cha Giản đi
kiết thì chỉ nghiện chè bột sắn, cứ nấu một soong to, Cha đủng đỉnh ăn cả ngày
cũng hết. Cha Thụy ở trên tỉnh lại ưa món chim câu hầm, nhưng ông cụ không có
răng, cứ nhấm nháp qua loa rồi nhè ra đĩa, lão bõ ở đấy chỉ ăn bã nhả ra mà béo
trắng... Còn tôi thì được cái bình dân, toàn nghiện những món rẻ tiền như bánh
đa mật chẳng hạn".
Quả thực không biết ở
cái xứ đạo nào mà ông bõ trong nhà thờ chỉ ăn bã do Cha nhả ra mà… béo trắng thì
thật nghề bôi xấu phải trao giải nhất cho ông nhà văn. Kinh hoàng hơn nữa là
khi các Cha bàn về món… tiết canh gà:
“Xin lỗi, các Cha đã
được ăn tiết canh gà bao giờ chưa?”.
Cha râu dài vừa nhai
nhồm nhoàm vừa nói:
“Mới nghe lần đầu
đấy. Chắc là tanh lắm hả?”.
“Lạy Cha, Cha lạc hậu
quá. Thật tình rất thơm ngon… Rắn sần sật mà bùi lắm. Cái dân Hà Nội họ làm món
ăn thì người khó tính đến đâu cũng phải vừa lòng…”.
Hết món ăn rồi đến món
uống. Cha sở tại, “sau vài hớp rượu da mặt ông càng đỏ rực mãi lên một cách
đáng sợ, tưởng như bật được máu tươi:
“Chính thế, nấu rượu
được nếp thầu dầu thì quý hóa nhất – cha Thuyết đưa con mắt nhỏ tí, lóng lánh
sáng nhìn mọi người – Vâng thưa các Cha, ngon nhất đấy ạ, càng để lâu
càng đượm, càng thơm mà nước rượu cứ trong vắt như nước mưa. Còn nếp bắc
thì chóng nhạt rượu lắm, nước rượu cũng đục…”.
Than ôi, nếu các đấng
chăn chiên, các đức Cha linh hồn của mấy chục vạn giáo dân Bùi Chu – Phát Diệm
mà tham ăn tục uống như trên thì đúng là Cha…“quốc doanh" ; tức các cán bộ
tuyên giáo được cài vào trường của nhà thờ học thành linh mục trà trộn
vào hàng ngũ giáo phẩm “nắm tình hình”.
Tất nhiên năm ông linh
mục này không phải “Cha quốc doanh”, sau khi bàn chuyện ăn uống chán
chê họ mới bàn chuyện ứng phó của giáo hội trong xã hội cộng sản. Dưới
ngòi bút Nguyễn Khải, họ đích thị là những tên biệt kích, đám người phản
động, đối tượng của cách mạng:
“Cha Lân ném một cái
nhìn nảy lửa, đôi lông mày rậm trở nên dữ tợn, giọng ông ta đanh lại, độc ác,
tàn nhẫn:
“Trong tay chúng ta
còn những gì? Chỉ còn lại mỗi cây thánh giá. Chúng ta chỉ trông cậy được vào
Chúa và các đấng thánh thần. Còn quần chúng của ta, cái lực lượng mười vạn con
người của chúng ta đâu rồi, vắng lặng bốn bề như tiếng gọi giữa sa mạc. May
thay chúng ta còn một vũ khí sắc bén mà không một kẻ nào tước nổi, đó là cái
lưỡi của chúng ta. Chúng ta hãy còn một khu vực tranh chấp mà không một kẻ nào
dám đoạt lại: đó là Tòa giảng của nhà thờ. Từ đấy chúng ta sẽ tiến công ra, sẽ
chiếm đoạt lại tất cả…”.
Nguyễn Khải đã vạch
một chiến tuyến dứt khoát giữa giáo hội và Nhà nước – cuộc đối đầu “ai thắng
ai”, “một mất một còn”. Mặc dầu xuất thân nhà dòng nhưng xem ra ông nhà văn
hiểu biết về Thiên chúa giáo cũng chỉ ngang anh một cán bộ Ban tôn giáo Chính phủ.
Cuộc đối đầu “giáo
hội” và “Nhà nước” diễn ra ngay khi các Cha vừa dùng cơm xong, ông Chủ tịch xã
Môn và ông cán bộ huyện Mẫn ập vào. Đã không xin phép được gặp, đã không báo
trước sẽ tới, ông đại diện chính quyền xông vào phòng khách của Tòa thánh khơi
khơi như vào trụ sở ủy ban và lại còn hậm hực:
“Ghê thật, hội họp với
nhau mà không thèm báo một lời cho ủy ban biết. Có chứng cớ ông thử tóm cổ một
lượt xem có trắng mắt ra không?”.
Ông Mẫn, cán bộ
huyện nói thẳng:
“Trước đây khi tòa Giám mục xin mở
trường cũng có đề ra chương trình một ngày học sáu tiếng giáo lý và hai tiếng
văn hóa... Là đấng chăn chiên mà hiểu biết ít thì rao giảng cũng khó khăn…”.
Cha Lân, đại diện cho
Tòa Giám mục phải “nói thẽ thọt”:
“Nhưng ông rõ cho,
theo luật lệ tòa thánh thì nhà trường không phải phục quyền các vua chúa phần
đời, không để cho nhiễm thói tục phần đời. Trường đạo chỉ chịu quyền ở Tòa Giám
mục. Tòa Giám mục lại chịu quyền ở Tòa thánh, không thể muốn thế nào cũng
được… Ngay đến chương trình học từng năm kẻ làm thầy phải giảng giải những gì,
đứa học trò phải đọc những sách gì đều do sự định liệu trước của Tòa Thánh cả.
Nói nôm na tòa thánh cũng như chính phủ trung ương bên tôi ấy mà…”.
Trước lý lẽ rành rẽ
của linh mục, ông Chủ tịch xã trở mặt, giở ngay cái mũ “phản
động” dọa nạt:
“Tôi xin hỏi Cha, vậy như trước kia
các ông cụ đạo đi làm tuyên úy trong quân đội Pháp hay làm sĩ quan có phải đợi
lệnh của Tòa Thánh cho phép không?”.
Dọa chán rồi, ông Chủ
tịch xã nổi cáu:
"Nói chuyện với bọn
này cứ như người đấm bị bông, mất thì giờ mà chẳng đâu vào đâu…”.
Ông cán bộ huyện Mẫn
cũng vứt bỏ những lời đường mật giở giọng đe nẹt:
“Nếu như Tòa Giám đặt mục tiêu cho
cái trường ấy là nơi đào tạo những phần tử chống đối lại cộng sản thi tôi xin
nói trước sẽ không bao giờ cụ giám quản đạt được ý nguyện đâu, mà có khi còn
mang vạ vào thân là khác. Vì các cụ cũng biết đấy, pháp luật thì rất vô tư… nhà
trường ngày nào cũng bắt các em làm bài chửi cộng sản, chửi các cơ quan nhà
nước thì chúng tôi khó chịu đến đâu…”.
Bị vu vạ “đào tạo phần
tử chống đối cộng sản” linh mục phải xuống nước:
“Chúng tôi biết địa vị của
chúng tôi lắm chứ. Chính phủ thì có trong tay nào quân đội, nào công an, còn chúng
tôi thì chỉ có tượng thánh thôi. Chỉ mong đừng ai đụng chạm đến mình là mừng
chứ còn chống đối gì”.
Rồi biết rằng nếu nhún
nhường sẽ bị “nhà cầm quyền” lấn tới, Cha đánh bạo:
“Chúng tôi thì cho
rằng bắt trường đạo phải dậy văn hóa đó là một bước lấn của ông vào quyền hành
giáo hội của chúng tôi…”.
Và Cha vạch trần “tim
đen” của nhà cầm quyền:
“Đã dạy văn hóa thì ắt
phải có giáo viên chứ gì. Tu sĩ của Trường thì lại không có bằng cấp,
chẳng qua kẻ lớn dậy kẻ bé. Mà cử giáo viên ngoài giờ chúng tôi lấy làm e ngại… Nếu ông giáo viên theo đạo Thích Ca chẳng hạn, ông ta sẽ quan
niệm về thế giới, về vũ trụ theo cái cách của ông ta. Hay nói cho rõ ràng hơn
nếu ông ta là vô thần thì lại càng rắc rối. Vì ông ta có thể nói với học trò
rằng thế giới này là do bàn tay lao động làm ra chứ không phải là do một đáng
sáng tạo nên… ”.
Lý lẽ của Cha đưa ra
làm ông cán bộ huyện cứng họng. Chính bản thân anh ta cũng thấy đòi hỏi đưa
giáo viên Nhà nước vào dạy trong trường của nhà thờ là vô lý. Anh ta triết
lý:
“Tôn giáo và văn hóa
quả thực có điều điều không thể đứng cạnh nhau. Chẳng lẽ lại giảng là trái đất vuông, qua lớp mây xanh kia là
thiên đáng… Chẳng lẽ nói cây lúa mọc lên là do ý Chúa chứ không phải do phát
triển biện chứng của nó. Chẳng lẽ nói con người là đất bụi hèn hạ chứ không
phải là sinh vật cao quý… Một đằng dìm con người xuống, một đằng làm cho con người
trở nên sáng suốt biết sống một cách có ý thức. Và có thể lấy thêm hàng nghìn
thí dụ khác về sự đối lập không sao dung hòa được…”.
Hiểu biết của “nhà cầm
quyền” về tôn giáo mới chỉ dừng ở mức độ coi nó như một thứ “mê tín dị đoan”,
là “thuốc phiện đầu độc nhân dân” đúng như ông thánh Mác-Lênin đã dạy. Chính vì
vậy ông cán bộ coi linh mục như kẻ có tội:
“Có thể nói những
người ngồi quanh cái bàn này đã tượng trưng được phần nào cho cái thế giới cha cụ hết sức phức tạp của địa phận
Bái. Có những tên chống đối cách mạng đến điên cuồng; có những người còn
bán tin bán nghi… nhưng giữa cái đám hùm sói ấy họ cũng không dám lên tiếng, vì lòng
dũng cảm của họ còn ít quá, họ còn cân nhắc quá nhiều đến cái địa vị và uy tín
giả dối của mình…”.
Cả 2 tập tiểu thuyết
Xung đột cứ xoay quanh những “xung đột” mà ông nhà văn tưởng tượng ra thế. Nhân
vật chia làm hai “phe” địch-ta rõ ràng. Một bên là các Cha Thuyết, Cha Lân, Cha
Bản… tham ăn, tục uống và nhát sợ cường quyền. Một bên là Môn: Chủ tịch
xã, Nhàn: Phó Chủ tịch, Mẫn: cán bộ huyện… người nào người nấy ngùn ngụt
lửa cách mạng muốn xông lên xóa nhà thờ để… xây dựng hợp tác xã. Dù là ở bên
này hay bên kia, mỗi nhân vật đều chỉ là cái loa phát thanh tư tưởng “cách
mạng hơn cả ông Các Mác” của ông nhà văn. Thay vì cho nhân vật sống như
một con người trong cõi nhân sinh với mọi buồn vui, hạnh phúc và bất hạnh của
nó, ông lại chỉ cho nói ra đằng mồm cái tinh thần cách mạng Đảng đòi hỏi ở cán
bộ.
Xung đột tập 1 và 2
của Nguyễn Khải một thời được giới phê bình trong nước kéo lên mây xanh, được
nhắc tới như một thành tựu xuất sắc của văn học cách mạng, được coi như
một tiểu thuyết sáng giá được đưa cả vào sách giáo khoa dạy trong trường phổ
thông và đại học.
(còn tiếp)
---------------------------
* nguồn: blog nhattuan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét