Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

về nhà - trần thanh thiện




Chiếc xe khách giảm dần tốc độ để vào bến. Đã gần 12g trưa. Trời nắng gắt. Hơi nóng từ mặt sân ciment phả lên hừng hực và ngột ngạt. Bến xe vắng, chỉ có mấy chú xe ôm đang nán lại cố kiếm thêm một cuốc trước khi về nhà ăn cơm trưa.
Bà Mai lên ngồi sau xe một chú hơi lớn tuổi rồi cho địa chỉ nhà mình. Thấy bà về chắc ông Lân ngạc nhiên lắm, vì theo như dự tính thì ngày kia bà mới về. Bà đi thăm bà chị bị ốm nhưng thấy chị không đến nỗi nào, lại sợ chồng ở nhà một mình cơm nước không ai lo nên mới ở chơi 2 hôm bà đã nóng lòng muốn về. Giờ này không chừng ông đang ở một tiệm cơm nào đó, mặc dù bà đã chuẩn bị sẵn thức ăn trong tủ lạnh đủ dùng trong thời gian bà đi vắng, ông chỉ việc hâm nóng.
Bà Mai lục xách tay lấy chìa khóa mở cổng. Con Tina nhào ra ôm bà bằng 2 chân trước, đuôi vẫy lia lịa, mắt liếc nhìn con mèo đang mon men chực đến gần bà. Bà vuốt ve 2 con vật cưng rồi mở cửa đi vào phòng ngủ. Bà bỗng khựng lại, đứng như trời trồng, mắt dán vào giường ngủ, nơi chồng bà và một người đàn bà đang quấn lấy nhau!… Hẳn là họ đang ở trên mây nên không ai nghe tiếng cửa phòng mở. Bà Mai đứng chết lặng bên cánh cửa, đầu óc trống rỗng, nhìn và nghe mọi việc đang xảy ra trước mắt một cách hoàn toàn vô thức. Bà giật bắn người khi ông Lân lăn khỏi người đàn bà và nằm sãi người trên giường. Trong tích tắc, ông sửng sốt thấy vợ đang đứng đó, mặt trắng bệch, mắt thất thần. Bà nhìn chồng ngỡ ngàng như không tin vào mắt mình. Chiếc xách tay rơi kịch xuống sàn nhà làm bà choàng tỉnh. Không thốt được một lời, như người máy, bà quay lưng bước ra khỏi phòng. Có cái gì chặn ở cổ làm bà không thở được. Bà chỉ biết là tim bà đang run rẩy đập loạn xạ trong lồng ngực. Vừa đến được bàn ăn là mắt bà hoa lên. Bà cố với tay để vịn vào thành ghế nhưng không kịp và bà ngã nhào xuống sàn nhà bất tỉnh.
*
Mở mắt ra, bà Mai thấy mình đang nằm trên giường ngủ, người ê ẩm, chóng mặt và đầu nhức như búa bổ. Thoáng thấy chồng ngồi gục đầu ở chân giường, bà chợt nhớ lại mọi chuyện. Bà ngồi dậy, cầm lấy túi hành lý còn nằm trên sàn và đi nhanh ra khỏi phòng, lên gác, vào phòng con gái vẫn để trống từ ngày về nhà chồng mà lâu nay bà vẫn dùng làm nơi ngồi thiền mỗi ngày, rồi khóa cửa lại. Bà nằm vật ra giường nệm, thở hổn hển, tim đập dồn, người rã rời. Bà mệt lử như không còn chút sức lực nào. Bà nhắm mắt cố điều hòa nhịp thở, chậm dần, sâu dần. Bà cố giữ đầu óc rỗng không như lúc bà vẫn ngồi thiền. Nhịp tim dần bình thường lại và bà thấy khỏe hơn. Bà ngồi dậy, trải thảm ra sàn nhà, bỏ đệm lên rồi ngồi tư thế kiết già. Bây giờ tâm bà đang loạn. Bà còn chưa hiểu và chưa thể đối diện với thực tế phũ phàng. Bà tạm thời tìm nơi “lánh nạn” như bà vẫn thường làm khi gặp chuyện bất ổn. Lần này bà điều tâm rất khó. Phải gấp đôi thời gian thường lệ, tâm bà mới tạm yên. Bà tiếp tục ngồi thiền gần cả tiếng đồng hồ. Sau khi xả thiền thật kỹ, bà đứng lên, trải drap lên giường, thay áo gối, rũ mền chuẩn bị cho việc “ra riêng”, một điều mà bà mặc nhiên phải làm từ khi bước ra khỏi căn phòng đó. Từ khi Loan đi lấy chồng, phòng ngủ vẫn được giữ nguyên, cả mền gối và một số áo quần cũ mà Loan bỏ lại cũng vẫn còn trong tủ. Bà mở cửa sổ cho ánh nắng chiều tràn vào phòng. Thế là bà đã có nơi ẩn náu an toàn. Ở đây không có bóng dáng ông Lân cũng như không có gì gợi nhớ đến ông. Đó là điều bà cần lúc này. Bà bỗng ngạc nhiên thấy lúc này mình rất bình tĩnh. Bà không ngờ bà lại bình tĩnh như thế. Bà vốn “mít ướt”, thế mà… chưa có giọt nước mắt nào rơi ra cả. Bà bình tĩnh như thể bà đã biết trước việc này sẽ xảy ra! Nhưng mà đâu có! Bà không hề ngờ chuyện tày trời như thế này lại xảy ra với bà! Bà vào phòng tắm. Nước nóng làm bà khỏe hẳn và tỉnh táo hơn trước.
*
Chồng bà trước giờ tuyệt nhiên không có thói trăng hoa. Hồi còn học đại học, biết bao người theo đuổi bà. Nhưng đến tuổi lấy chồng, quanh bà chỉ còn ông là vẫn lặng lẽ bám trụ. Ba mẹ bà thích ông vì thấy ông đứng đắn, nghiêm trang, khiêm tốn, nhã nhặn, nói năng từ tốn. Ra đường ông chỉ nhìn thẳng không liếc ngang liếc dọc mắt trước mắt sau như nhiều thanh niên khác, nên bà đã chọn ông dù không thực sự yêu ông. Lấy chồng như bà đúng là rất mạo hiểm, vì bà chưa hiểu ông nhiều. Những điều bà biết về ông phần nhiều do nhận xét của người khác. Ba mẹ bà nói bà nên lấy một người điềm đạm như thế mới mong chững chạc ra, bỏ được tính bộp chộp và sẽ nói năng chậm rãi hơn . Cưới về bà mới biết sống với ông thật buồn. Ông khô khan, khép kín ngay cả với vợ. Chẳng lẽ theo bà trong một thời gian dài như thế mà ông không yêu bà? Yêu sao chẳng một lời nói yêu thương, không một cử chỉ âu yếm? Ông tự cô lập mình, ít giao tiếp, ít bạn bè. Bà rất thất vọng. Rồi cuộc sống vất vả với bao lo toan chồng chất đã vô tình kéo ông bà xích lại gần nhau hơn. Vừa đi dạy, về nhà còn soạn giáo án, vừa lo cho con, vừa lo công việc nhà, bà bận túi bụi. Thời gian đầu, ông Lân về nhà chỉ đọc báo, đọc sách, xem TV. Bà Mai hờn tủi khóc thầm ông Lân cũng không hay. Rồi dần dần bà khôn ra. Khi thì bà nói: Hôm nay anh lau nhà giùm em nhé. Hoặc: Anh bắc giùm em nồi cơm điện trong lúc em làm cá nhé. Khi thì: Anh ghé chợ mua giùm em 1 bó rau muống và một lạng thịt heo nạc nhé! Ông Lân lặng lẽ làm hết những điều bà nhờ mà không một lời than phiền. Rồi những dằn, lắc, những bầm dập trên đường đời nhiều ổ gà đã giúp hai mảnh đời ghép lại sít sao hơn. Không biết đó có phải là tình yêu hay không, nhưng càng ngày bà càng nhận ra rằng bà đã may mắn hơn nhiều người khác, khi quanh bà đàn ông trẻ hay già, đều ngày càng hư hỏng. Tuy vậy vẫn còn đó một khoảng cách mênh mông giữa hai người. Sống bên chồng mà bà luôn cảm thấy cô đơn, luôn khát khao một nụ cười ấm áp, một cái nhìn trìu mến yêu thương, một ánh mắt cảm thông, chia xẻ. Bao giờ ông cũng nhìn bà bằng cặp mắt thờ ơ, dửng dưng làm lòng bà ngày càng nguội lạnh. Họ ít khi chuyện trò, ngoài những trao đổi lặt vặt. Rồi bà có con. Một đứa rồi hai đứa. Thời gian thật diệu kỳ. Nó cướp đi tuổi xuân của bà, nhưng bù lại, nó giúp bà quen dần với cuộc sống chung lạnh nhạt. Vốn hay nhẫn nhịn, bà đã chấp nhận sự thua thiệt như chấp nhận số phận của mình. Mấy năm gần đây, khi hai vợ chồng đều đã nghỉ hưu và con cái đã có nhà riêng, bà vui mừng thấy ông vui vẻ cởi mở với bà hơn. Bà cứ tưởng lòng tận tụy và tính cam chịu của bà đã làm ông mềm lòng mà thay đổi phần nào cá tính. Chưa bao giờ bà nghĩ đến tình huống bi đát này.
*
Mấy đêm nay bà Mai ngủ không yên. Hể vừa thiu thiu là hình ảnh và âm thanh bà đã thấy và nghe lại tái hiện làm bà giật mình tỉnh giấc. Bà thấy lòng nhói đau. Trước kia bà bị mất ngủ kinh niên. Bà đã từng thức trắng nhiều đêm liền. Từ khi ngồi thiền, đêm nào bà cũng ngủ được, nhiều thì 4-5 tiếng, ít lắm cũng vài ba tiếng. Vậy mà ba hôm nay hầu như bà thức trắng. Bà không ghen. Bà chỉ thấy một nỗi thất vọng vô biên đang vò nát trái tim bà. Thất vọng, hụt hẫng, mất niềm tin. Bà đang chới với bên bờ vực của sự tuyệt vọng và cô đơn. Sẽ không ai biết được nỗi đau này của bà. Các con bà thì chắc chắn không bao giờ biết được, vì bà không muốn chúng mất lòng tin yêu nơi người cha mà chúng gần như tôn thờ, nhất là Loan. Có lần nó nói:
- Thanh niên bây giờ hư hỏng quá mẹ ơi. Ước gì con tìm được một người như ba. Chắc con không lấy chồng đâu. Nhìn tụi bạn khổ vì chồng mà con sợ quá. Thà ở vậy còn sướng hơn!
Bà đã nhẹ nhàng bảo:
- Vẫn còn nhiều người tốt quanh con đấy chứ! Và không có ai hoàn hảo đâu con à. Ai cũng được cái này mất cái kia.
Bây giờ chồng bà cũng xấu xa hư hỏng như thế. Thật xót xa! Thật đáng tiếc! Bà như vừa bị tước đi một điều gì rất quý báu mà bà hằng trân trọng. Mất vĩnh viễn. Làm sao bà có thể nhìn ông như trước nữa? Giữa bà và ông bây giờ không phải là một người đàn bà khác, mà chỉ là những gì bà đã chứng kiến trên chiếc giường quen thuộc kia. Một sự ám ảnh khốc liệt đã giết chết tất cả những gì tốt đẹp của ông trong lòng bà, những điều tốt đẹp mà vì chúng, bà đã quên đi bản thân để sống yên ổn bên ông lâu nay. Đây là chiếc giường đầu tiên vợ chồng bà sắm được không lâu trước khi bà sinh con đầu lòng. Sinh xong bà vẫn nằm trên chiếc giường cũ xập xệ, vạt giường bằng tre đã mòn nhẵn màu nâu bóng sau nhiều năm được nhiều người xử dụng. Con được 4 tháng thì vợ chồng bà “khai trương” chiếc giường này, có nệm mousse và trải drap hẳn hoi. Đây là nơi vợ chồng bà đùa giỡn với các con, đứa này rồi đứa kia khi chúng cỏn nhỏ và còn ngủ chung với cha mẹ. Khi các con đã lớn, đây là nơi hai vợ chồng bàn bạc chuyện gia đình, chuyện làm ăn sau một ngày làm việc tất bật không kịp nhìn mặt nhau, là nơi ghi dấu những phút giây thân mật hiếm hoi của vợ chồng bà. Bây giờ nó không còn thân thuộc với bà nữa mà đã trở nên xa lạ, đáng ghét, nơi chồng bà đã dẫm đạp tàn nhẫn lên trái tim bà, lên tâm hồn bà, lên cuộc hôn nhân và cuộc sống của bà. Nghĩ đến đó là bà thấy lòng đau như cắt. Trong đêm dài thăm thẳm, một mình đối diện với nỗi khổ, nhiều lúc bà phải ngồi thiền để tìm lại sự bình yên cho tâm hồn. Nhưng giấc ngủ vẫn không chịu đến nên bà lại đắm chìm trong những hồi ức và miên man những dự tính cho phần đời còn lại.
Trời đã sáng. Bà Mai lơ đãng nhìn vào chiếc gương soi nơi bàn trang điểm và giật mình. Một bà già tóc hoa râm, mắt quầng thâm, mí mắt trên sụp xuống và dưới mí dưới là một mảng da nhăn nheo nhão nhoẹt đang nhìn lại bà. Bà đấy ư? Một bà già má cóp, da hai bên mép trễ xuống tạo thành hai nếp nhăn như hai con sâu đáng ghét bò từ hai cánh mũi xuống tận cằm. Hai má chảy xệ một cách thảm hại. Bà buồn rầu nhìn khổ đau và mất ngủ hằn sự tàn phá trên nhan sắc của bà, một nhan sắc đã không mấy mặn mà lại còn bị 58 năm lăn qua để lại không ít vết tích phũ phàng. Sau mãn kinh, bạn bà ai cũng mập ra, chỉ có bà là gầy đi. Bà cao nên bây giờ trông càng cao hơn. Bà đi lêu đêu trong nhà như chiếc bóng lặng lẽ…
*
Cuộc chiến tranh lạnh đã kéo dài 7 ngày và có nguy cơ tiếp diễn vô thời hạn. Bà Mai lặng lẽ làm việc nhà. Ông Lân đi vô đi ra. Đến bữa, bà dọn cơm cho ông ăn rồi ngồi ăn một mình nơi góc bếp cạnh con chó và con mèo. Không ai nhìn ai. Không ai nói lời nào. Một tiếng thở dài cũng không.
Năm nay mùa mưa đến sớm. Đang tháng 3 mà ba đêm nay đêm nào trời cũng mưa. Mưa rả rích và dai dẳng như mưa Huế của thuở xa xưa. Thường ngày bà rất thích mưa, nhất là mưa đêm. Nghe mưa để nhớ Huế, nhớ ngày xưa êm đềm. Bây giờ mưa như xoáy sâu vào nỗi buồn của bà. Tiếng tí tách ngoài hiên như cùng bà đếm thời gian vô tận của đêm không ngủ. Ban ngày lại khác. Ngày này theo ngày khác qua đi hồi nào không hay. Nhìn lại mình thì đã gần 60. Mới đó mà đã hơn 30 năm, chính xác là 32 năm 9 tháng 16 ngày, bà về với ông. Vậy mà bây giờ bà chẳng còn gì nhiều.
Những đêm mưa ở Huế lúc bà còn bé là những thời khắc hạnh phúc nhất của bà. Bà thường ngủ quên trong vòng tay ấm áp của mẹ, để rồi ba bà phải ẵm bà về giường. Thuở ấy,  Ba mẹ bà là cái gì quý giá nhất của cuộc đời bà. Rồi họ theo nhau ra đi, bỏ bà lại với bao tiếc thương vô hạn. Anh chị em mỗi người một ngả, ai cũng có cuộc sống riêng. Mối liên hệ lõng lẽo dần. Chồng bà trước giờ, cùng với các con, là lẽ sống của bà. Ông là của riêng bà. Bây giờ bà thấy mình thật ngây thơ. Không ai là của bà cả, kể cả các con bà. Chúng đều đã có tổ ấm riêng. Gia đình chúng là lẽ sống của chúng. Thỉnh thoảng chúng mới chạnh nghĩ đến bà. Đó là lẽ thường. Bà ngày xưa cũng thế thôi. Bà đã có được một chút tiền tài, một chút danh vọng, nhưng bà đã để rơi mất nhiều thứ trên suốt đoạn đường dài bà đã đi qua. Những ước mơ, những hoài bão của tuổi mới lớn. Những lạc quan, yêu đời. Những đam mê nghề nghiệp. Lòng tin yêu vào con người, vào cuộc sống. Lòng háo hức, tò mò chờ đợi hạnh phúc gia đình của tuổi thanh xuân. Những kỳ vọng về tương lai sự nghiệp của hai vợ chồng, rồi của các con… Tất cả chẳng còn gì. Chỉ là một mớ ký ức rời rạc, nhạt nhòa mà bà ít khi có dịp nhớ lại. Thì ra bà chẳng còn gì nhiều.
Và sự thật thì hình như chẳng có gì quý giá và quan trọng đối với bà nữa. Mảnh đất này vợ chồng bà mua đã 30 năm. Sau mấy lần sửa đi sửa lại và một lần xây mới, cái nhà bây giờ khá đẹp và tiện nghi. Thế nhưng tại sao bà vẫn thấy nó xa lạ. Bà ở đây hay ở đâu cũng chẳng có gì quan trọng. Bà chẳng thấy tình cảm khắng khít nào đối với nó cả! Mà cái nhà làm bằng mồ hôi nước mắt của vợ chồng bà đấy! Hồi mới làm xong, nó là niềm vui và niềm tự hào của vợ chồng bà trong một thời gian dài. Cũng mới gần đây thôi. Vậy mà bây giờ có mất đi bà cũng không tiếc mấy. Có cũng tốt mà có cái nhà nhỏ nhỏ xấu xấu cũng được, không sao cả, miễn có cái che mưa che nắng.
Thế mà cái nhà ngoài quê, nơi bà đã cùng ông nội bà nội, ba mẹ và các anh chị em cùng sống chung trong suốt thời kỳ thơ ấu của bà thì bao giờ cũng là “của bà”. Nghĩ đến nó, bao giờ bà cũng thấy lòng ấm lên một tình cảm dạt dào, thương mến và gắn bó một cách kỳ lạ. Nó chứ không phải cái nhà mới mà mấy anh em bà vừa cùng nhau sửa sang lại cách đây không lâu trên sườn nhà cũ! Bà nhớ như in căn bếp lụp xụp lợp bằng mái lá, tường đất, có ba bậc cấp bước xuống sân. Bà nhớ chính xác vị trí của cái cối xay lúa, của cái cối đẽo từ một thân cây to để giã gạo mà qua tháng năm đã hằn sâu một vết lõm hình đít cối trên nền đất nện. Nhớ cái ảng nước gập ghềnh với mấy tảng đá màu xám, nơi bà đã nhốt con cá tràu bằng 2 ngón tay mà bà đã bắt được sau một buổi chiều lội ruộng với đám bạn cùng xóm. Cái bếp nằm cạnh vựa lúa, cao hơn nền đất chừng một phân với hai ông kiềng màu đen một lớn một nhỏ, nơi bà nội bà thổi cơm hằng ngày, để rồi một buổi chiều khi cúi mình thổi lữa, cơn tai biến mạch máu não đã cướp đi bà nội thân thương của bà. Bà nội là bà tiên huyền diệu, biến những buổi xế chiều của tuổi thơ bà thành những bữa tiệc thịnh soạn chỉ với một cái bánh tráng nướng thêm một cục đường đen, loại đường mía hồi đó dùng để kho cá không cần nước màu, một cái trứng vịt luộc, một cây mía, hoặc một cây kẹo que… Bà nội mất đi để lại một khoảng trống không gì lấp đầy được trong tâm hồn cô bé 8 tuổi. Bà là bà tiên nhân từ, sẵn sàng cưu mang và thương yêu những đứa con rơi của ông nội để lại trên những nẻo đường ông bà giong thuyền đi buôn.
Ngôi nhà thờ cổ kính ba gian hai chái chạm trỗ rồng phượng nằm thẳng góc với bếp. Đó là thế giới của ông nội, nơi ông ngồi đánh tài bàn hằng ngày với mấy ông bạn già. Chiều chiều bà vẫn lấp ló ngoài cửa nhìn những gánh bánh canh Nam Phổ, bèo nậm lọc, bánh ướt tôm chấy, bánh ướt thịt nướng thơm phức phục vụ mấy ông mà chảy nước dãi. Thỉnh thoảng bà cũng được ông nội đãi một chầu nhưng chẳng thấm vào đâu. Bà mê nhất con rồng uốn mình dọc mái nhà phía sau, uống nước mưa từ trời rồi nước theo miệng nó chảy xuống cái bể cạn loang lổ.
Bạn bè thuở đó bây giờ mỗi người một phương, chưa một lần gặp lại, nhưng giọng nói, gương mặt, thói quen từng đứa vẫn theo bà cho mãi đến nay. Những “đứa” từng chơi lò cò, nhảy dây, u mọi, bán hàng… với bà ngày ấy bây giờ cũng sàn sàn 60 như bà rồi, không biết chúng có nhớ bà không. Và liệu chúng có biết rằng khi bà nhắm mắt xuôi tay, biết đâu chỉ có chúng, cùng với ngôi nhà cổ kính ở miền quê nghèo miền trung, xác xơ với mỗi năm một vụ lúa một vụ màu, mưa thối đất và lạnh thấu xương vào mùa đông, gió nồm lồng lộng mang theo hơi nước biển vào mùa hè, với ông bà nội của bà và bao kỷ niệm thuở ấu thơ êm đềm, là những thứ cuối cùng bà nhớ đến và sẽ theo bà vào thế giới bên kia.
*          
Bà Mai ngồi bên cửa sổ mở rộng. Giấc ngủ say đêm qua đã mang lại cho bà nguồn sinh khí mới. Bà thấy sảng khoái, thanh thản và lạc quan hơn. Bà yên lặng nhìn vườn cây tươi xanh mới được tắm mát và rửa sạch bụi bặm nhờ trận mưa đêm qua. Khá lâu rồi bà mới có được cảm giác bình yên và hạnh phúc như thế này. Nắng sớm xuyên qua cái giàn đan bằng sợi inox che hết diện tích khu vườn nhỏ sau nhà, phủ một lớp vàng óng ả lên những giọt nước mưa chưa kịp khô, còn đọng trên lá cây. Đám mồng tơi, khóm bồ ngót, cây tắc, cây chanh và cây mít mới trồng hoan hỉ đón nắng mai. Cái giàn ông Lân mới làm vài tuần nay, chuẩn bị cho bụi mướp đắng đầu này và bụi mướp ngọt đầu kia của khu vườn, leo lên. Cả hai đều mới lên được nửa chiều cao của giàn và đang ậm ạch leo lên từng ngày. Cái giàn cao quá khổ, cỡ gấp rưởi chiều cao bình thường, vừa có công dụng ngăn bớt nắng trưa và chiều chiếu vào nhà bếp và phòng ngủ của ông bây giờ, vừa cho trái để ăn. Trái mướp ngọt già để khô trên giàn làm dụng cụ chùi son và rửa chén thì khỏi chê. Còn cây mướp đắng này bà lấy giống từ ngoài Huế, bà muốn trồng thử xem trồng ở đây nó có ngon như mướp đắng ngày xưa bà ăn hay không.
Đang mơ màng nhớ đến giàn su su mẹ bà trồng trước cửa nhà bếp ngày xưa thì tiếng ông Lân tằng hắng sau lưng làm bà giật mình quay lại. Ông đã vào phòng bà hồi nào bà không hay. Ông đứng đó nhìn bà, ánh mắt van lơn. Lát sau ông khó nhọc mở lời:
 - Em tha lỗi cho anh. Tại em “cấm vận” anh lâu quá anh chịu không nổi. Tình cờ có được số điện thoại này nên anh gọi cô ấy về nhà. Em thông cảm cho anh. Anh không thể dẫn người ta đi đâu được vì ở đâu cũng gặp học trò cũ của anh hoặc của em nên anh đành dẫn về đây. Anh không hề quen biết cô ấy. Anh biết mình thật khốn nạn. Anh…
Ông Lân ấp úng rồi đứng im.
Không chút đắn đo, bà Mai đỡ lời:
- Thôi, chẳng có gì quan trọng đâu anh. Mọi chuyện rồi sẽ qua đi. Cũng có lỗi của em trong đó nữa. Nhưng có lẽ chúng ta chỉ nên tiếp tục sống chung như bạn bè thôi. Nếu anh có nhu cầu thì xin cứ kiếm khách sạn hoặc đi đâu đó. Còn nếu anh muốn đưa ai về sống chung em cũng không cản. Em sẽ dọn đến ở với con, không sao cả.
Nói thế thôi chứ cả ông Lân và bà Mai đều biết bà chẳng muốn ở với đứa con nào cả. Bà nghĩ đến ngôi nhà ở làng quê, nơi chôn nhau cắt rốn của bà. Ở đó cũng có một ngôi chùa nhỏ nhìn ra con sông rộng nhưng hiền hòa. Con sông, và biết đâu cả mấy con chuồn chuồn ớt nữa, đã giúp cho bà biết bơi khi bà còn là cô bé tí tẹo. Cảnh vật thanh bình và thân thuộc biết đâu chẳng giúp bà tìm lại được giấc ngủ yên lành ngày xưa! Bà vốn đã muốn sau này về nằm cạnh ông bà nội và ba mẹ bà đó thôi.
Một chú chim sãi cánh trên bầu trời ngoài cửa sổ, vừa bay vừa gọi bạn làm bà nhớ da diết mấy cái tổ chim rồng rộc vẫn đung đưa trên tàu lá dừa trước cổng nơi quê nhà.
1/5/2012
-------------------
* nguồn: xunau.org
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét