Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

vẻ đẹp của hoa xoan qua những vần thơ - nguyễn việt chính



Vâng, chỉ riêng cái tên “Hoa Xoan” thôi đã là đầu đề cho bao bài thơ nói về loài hoa làm nên vẻ đẹp trữ tình của vùng quê yên ả và thanh bình ấy. 
Nhà thơ Trần Vương Việt đã hoài niệm về hoa Xoan bắt đầu từ những kỷ niệm của những ngày thơ ấu – những ngày mà nhà thơ trốn học cùng lũ trẻ trong làng chơi trò trốn tìm và trèo cây Xoan đùa nghịch. 
Bị cha mẹ la mắng vì những lần trèo cây Xoan bị ngã đau, bị nhựa Xoan dính vào làm ố hoen quần áo. 
Nhà thơ và lũ trẻ vẫn không rời gốc cây Xoan, nhưng lần này thì chỉ chơi trò đếm sao và đùa nhặt những bông Xoan tím đã rơi rụng. 
Kỷ niệm ngày thơ ấu như ùa vào trong thơ: 

Tháng ba hoa Xoan nở
 Những chùm tím xinh xinh
 Hoa tươi cười rạng rỡ? 
Trong nắng trời lung linh? 
Ôi những ngày thơ ấu 
Cùng chơi trò đếm sao
Đếm từng bông hoa rụng
Lòng tràn đầy xôn xao” 
(Hoa Xoan – Trần Vương Việt).

Khác với nhà thơ Trần Vương Việt, nhà thơ Khải Nguyên lại hoài niệm về hoa Xoan ở cái tuổi mười tám, đôi mươi với mối tình đầu đầy xao xuyến: 
Tháng Ba rồi, em có nhớ anh không?
Hoa Xoan tím bâng khuâng… trời cũng tím
Mưa bụi vương để mắt nhìn ngọt lịm
Rét nàng Bân thương quá, khúc giao mùa
Em có còn nhung nhớ tháng Ba xưa?
Nơi quê mình hai đứa cùng rong ruổi
Thả diều trên đê, tóc em xòa bối rối
Ngẩn ngơ chiều trao thương nhớ trong anh
Mùa gọi mùa hoa tím giữa trời xanh
Hương vẫn thế vẫn nồng nàn đến thế
Câu hát gửi tình yêu bao điều mới mẻ
Em đâu rồi sao lại có mình anh?
Tháng Ba ơi, xa xa quá… mong manh
Ngơ ngác cả bờ đê, anh một mình ngóng đợi
Tháng Ba mong chờ để mùa sau lại tới
Là bấy nhiêu mùa Xoan nở mãi trong nhau”  
(Hoa Xoan – Khải Nguyên).

Mạnh bạo hơn, quyết liệt hơn, nhà thơ Nguyễn Đăng Trình lại có trò chơi tập “làm vợ, làm chồng” khi mùa xoan đến. 
Trò chơi đó đã đi mãi trong anh trong chặng hành trình vào đời vất vả, gian truân. 
Một lần trong đời gieo một dấu ấn nào đó là anh lại nhắc đến thuở:
"Thềm Xoan  tim tím mùa bông
Thuở hai đứa  tập làm chồng vợ nhau
Rồi em quên  thoáng  tình đầu
Ta ru ta - trắng - nhánh - sầu - đông - mưa”.

Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa, cây Xoan không còn chỗ đứng như ngày xa xưa nữa. 
Thị thành bây giờ là thị thành của những “hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng”, chứ đâu có những cây Xoan sau một mùa rơi hạt đã nảy lên những mầm xanh biêng biếc khắp nơi để nhà ai đó có vườn rộng thênh thênh đã không ngại ngần để cho một vườn Xoan mọc tự nhiên đua nhau xanh tốt. 
Bây giờ có lẽ chỉ có ở miền quê xa xôi hẻo lánh, trên những con đường làng, gò đất hay đồng bãi mới có mặt của cây Xoan và hoa Xoan cũng từ đó mà nở tím cả trời xanh. 
Bài thơ “Hoa Xoan” của Nguyễn Hồng Hải đã giúp chúng ta biết thêm về điều đó: 
Riêng ở quê nhà mới gặp
Mùa hoa Xoan nở ngát đường
Ngàn ngàn cánh tím lả lướt
Dịu dàng gió thoảng làn hương”  
(Hoa Xoan – Nguyễn Hồng Hải). 

Ngàn cánh tím thả hương dìu dịu lên bầu trời; ngàn cánh tím rụng rơi ngan ngát trên mặt đất; trong mùi hương thơm dịu của những cánh hoa tím dịu hiền đó là tưng bừng tiếng hát lời ca của những mùa lễ hội. 
Những tiếng hát giao duyên, những trò chơi vui nhộn. 
Và ở đó là cuồn cuộn những dòng người và cuồn cuộn những tâm trạng của những con người trong những dòng thác người trên khắp các nẻo đường quê đất Việt ấy, trong đó có tâm trạng của những người đứng tuổi hoài niệm về tuổi xuân xưa: 
“Cái tuổi biết mùa xuân sang
Mơ màng như hoa Xoan ấy
Phía cuối bờ dâu xóm bãi
Mắt ai biêng biếc mong chờ” 
(Hoa Xoan – Nguyễn Hồng Hải). 

Những cành hoa Xoan trong gió “rét nàng Bân” đã đưa tâm trạng của lớp người “xưa nay hiếm” về với những phút giây của cái thuở: 
Ngỡ ngàng lối cũ tìm em
Hoa Xoan đã rụng tím thềm xưa xanh
Chim tươi giọng hót xao cành
Gió chiều đông buốt tê lòng cố nhân” 
(Hoa xoan – Nguyễn Nguyên Phượng). 

Thậm chí nói như cách nói của Chu Mạnh Cường thì: Hoa Xoan đã đi vào hoài cảm của nhiều người với gió mưa, rơi rụng, nhàu nát và u buồn: “Gió thổi hoa Xoan lan tan đầy tóc/ Màu hoa nhàu nát/ Đưa tay hứng hoa nghiêng chiều tím/ Mắt rưng rưng buồn/ Vạn cành hoa tìm theo khói sương…”.

Nhưng đó là tâm trạng cá biệt. 
Còn tâm trạng chung của nhiều người khi mùa hoa Xoan đến là tâm trạng nôn nao nhung nhớ đến xao lòng, bởi: 
Ngày ấy tình yêu còn rất trẻ
Anh vin cành, em nhặt tím hoa Xoan
Chỉ biết say mê, chẳng biết lỡ làng
Đầy ắp lối đi về hò hẹn”  
(Ngày ấy hoa Xoan – Bùi Kim Anh). 

Vậy đó, hoa Xoan tuy không phổ biến bằng hoa Hồng nhưng cũng là biểu tượng của “Tình yêu”. Không những thế, chỉ riêng cái mùi hương dìu dịu của hoa Xoan cũng là niềm ưa thích của nhiều người. 
Nhà thơ xứ Huế - Võ Quê (người Huế gọi cây Xoan là cây sầu đông) đã từng ghi dòng cảm nhận: 
Hoa sầu đông nở trắng
Hương xuân thầm lan xa
Đã qua mùa lá rụng
Nụ xanh còn non tươi”. 

Còn nhà thơ Tuấn Khanh lại nói về thứ hương thơm của hoa Xoan, một thứ hương thơm thoang thoảng nhưng ngất ngây: 
Như hương hoa Xoan bên thềm
Nhẹ nhàng nhưng ngất say”.  

Đặc biệt, nhà thơ Chế  Lan Viên lại cho hương thơm của hoa Xoan lan tỏa khắp không gian: 
Tháng ba nở trắng hoa Xoan
Sáng ra mặt đất lan toàn mùi hương”…

Hoa Xoan trong đời thì đang thưa thớt dần, nhưng hoa Xoan trong thơ thì còn đó hằng hà sa số. 
Tuy nhiên trong giới hạn của một bài viết ngắn, tôi xin phép khép lại bài viết này bằng chút cảm nhận về loài hoa Xoan trong thơ của nhà thơ “chân quê” Nguyễn Bính – những vần thơ về hoa Xoan đã sống và đi cùng năm tháng: 
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa Xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: Thôn Đoài hát tối nay”. 
(Mưa xuân)


Nguyễn Viết Chính
------------------------------
* nguồn: dantraonha.com


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét