KỲ 22
NHÀ VĂN TÔ HOÀI (1)
Mới đây, một anh bạn nhà văn khá nổi tiếng sau khi đọc loạt “Chân dung hay chân tướng nhà văn” gọi điện khuyên tôi không nên viết các nhà văn quá cố, bởi người chết không còn cãi được mà chỉ nên viết người đang sống, còn “phản biện” được.
Chiều lòng anh bạn, kỳ này xin nói tới một nhà văn cao tuổi: lão nhà văn Tô Hoài.
Sinh thời, ông trùm văn hóa mác-xít Việt Nam, nhà phê bình văn học Như Phong “khái quát “ về nhà văn Tô Hoài vẻn vẹn có mỗi một câu: “thằng ngoại ô láu cá, văn chương đẽo gọt”.
Văn chương khoan nói, nhưng về cái sự khôn lỏi, láu cá đầy phong cách “ngoại ô” thì Hội nhà văn phải lấy “ông này tiên sư”.
Thời bao cấp, đi nước ngoài “tham quan, hội thảo, gặp gỡ” (hồi đó chưa có từ “giao lưu”) còn là một mơ ước xa vời với các bác có chân trong Hội nhà văn Việt Nam.
Từ khâu đầu tiên được Ban đối ngoại Hội dự kiến, Ban thường vụ Hội duyệt rồi qua Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Bộ Ngoại giao rồi tới Vụ Văn Nghệ, Ban tuyên giáo trung ương, Ban bí thư… là cả một “con đường sấm sét” muôn vàn trắc trở. Cử ai đi chứ cái thằng cha X. này phải coi lại. Nghe nói tư tưởng “có vấn đề ”. Nghe nói phát ngôn lung tung. Nghe nói viết lách không rõ ràng... Bằng ngần ấy ông “gác cửa”, chỉ cần một ông “phán cho một câu” là rớt đài… đợi chuyến sau.
Ấy vậy mà lọt qua được bằng ấy cửa tử rồi, vẫn cứ phải chờ “anh Lành" (tức đồng chí Tố Hữu) gật cho một phát mới gọi là tạm yên tâm và bắt đầu hồi hộp chờ nhận comlê, cavát, hộ chiếu, vé máy bay đợi ngày xuất ngoại.
Hội nhà văn Việt Nam hồi đó có hơn 150 Hội viên mà hàng năm chỉ có dăm bảy suất, bởi vậy đó là cuộc đấu tranh sinh tử, giành giật âm thầm và quyết liệt chẳng thua gì vũ đài quyền Anh.
Nhà văn nổi tiếng và có nhiều tác phẩm giá trị như Nguyễn Thế Phương, tác giả tiểu thuyết “Đi bước nữa”, “Đào chèo”… mà đến tận cuối đời mới được đi Trung Quốc ngắn ngày, còn nhà thơ Quang Dũng, từ “Đôi mắt người Sơn Tây” tới “Nhà Đồi”, viết lách cả ngàn trang văn học cách mạng mà… chưa ra khỏi biên giới lần nào.
Ấy thế mà riêng Tô Hoài, tổng kết lại trong thời bao cấp ông đã xuất ngoại tới cả trăm lượt, đủ các nước Á, Âu, Mỹ, Úc, Phi đến mức dân gian có câu:
“Đảng đoàn là Đảng đoàn Thông,
Ở đâu có rượu là ông tới liền
Đảng đoàn là Đảng đoàn Hoài,
Hễ đi nước ngoài là có ông ngay...”.
Hồi đó ông nhà thơ Hoàng Trung Thông và ông nhà văn Tô Hoài đều có chân trong Đảng đoàn Hội nhà văn Việt Nam. Các bác Hội viên “cả đời chưa một lần đặt đít lên ghế tàu bay” phải ca cẩm:
”cái thằng ranh ma thế, có mỗi con dế mèn mà bay khắp thế gian” .
Xem vậy đủ hiểu bác Tô Hoài luồn lách, chen lấn, cỡ cao thủ võ lâm mới lập kỳ tích số lần đi nước ngoài đáng đưa vào Guiness Hội nhà văn Việt Nam.
Vậy nhưng cái tính “ngoại ô láu cá” ấy của bác Tô Hoài chẳng phải do cách mạng hun đúc mà ngay từ hồi còn phong kiến đế quốc bác đã có nó rồi. Ngày nay đọc lại “Dế mèn phiêu lưu ký” mới thấy “anh Sen làng Nghĩa Đô” (tên thật của Tô Hoài) đã ranh ma từ độ ấy, mới giật mình, sao chú dế oắt “ngoại thành” này “khôn lỏi” thế? Lo toan cho cái thân mình thế? Mới nứt mắt chú đã:
“Ngày nào cũng vậy, suốt buổi, tôi chui vào trong cùng hang, hì hục đào đất để khoét một cái ổ lớn làm thành cái giường ngủ sang trọng. Rồi cũng lo xa như các cụ già trong họ dế, tôi đào hang sâu sang hai ngả làm những con đường tắt, những cửa sau, những ngách thượng, phòng khi gặp việc nguy hiểm, có thể thoát thân ra lối khác được…Bởi ăn uống điều độ, làm việc có chừng mực nên tôi chóng lớn lắm…”.
Từ thủa ấu thơ đã “phòng thân” kỹ lưỡng vậy trách gì khi trưởng thành chẳng rút ngay bài học “chui tọt ” vào hang sau khi lớn giọng trêu chị Cốc “vặt lông cái Cốc cho tao, tao nấu tao nướng, tao xào tao ăn” để mặc thằng Dế Choắt bị chị Cốc “giận cá chém thớt” mổ cho đến chết, trong lúc đó Dế Mèn ta “lên giường nằm khểnh, vắt chân chữ ngũ”, thây kệ thằng Dế Choắt ăn đòn thay mình.
Sau này, trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm, dù chàng Dế Mèn chẳng dám chọc tức Đảng câu nào, nhưng cũng “tự đấm ngực nhận lỗi” trên báo Nhân Dân số ra ngày 12 tháng 3 năm 1958:
“Tư tưởng xấu của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm đã tiếp tục len vào cơ quan của Hội nhà Văn, trên báo Văn, gây nhiều tác hại. Quan niệm mơ hồ của tôi, khách quan đã tạo điều kiện cho khuynh hướng tư tưởng nhóm ấy lợi dụng diễn đàn báo Văn và một số cơ quan khác của Hội Nhà văn như nhà xuất bản, câu lạc bộ, đã gieo rắc quan điểm chính trị và nghệ thuật nguy hại. Sự yên tâm vô lý của tôi trước tình hình đó là do tôi đã hầu như không để ý rằng miền Nam còn nằm trong lưới đế quốc Mỹ. Bộ máy chiến tranh tâm lý của Mỹ Diệm ngày đêm tìm mọi cách gieo rắc tư tưởng thù địch để phá hoại sự nghiệp xây dựng miền Bắc của chúng ta. Trong văn học hiện nay không thể quên mỗi tư tưởng đều hoặc có lợi cho ta hoặc có lợi cho địch".
“Tư tưởng xấu của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm đã tiếp tục len vào cơ quan của Hội nhà Văn, trên báo Văn, gây nhiều tác hại. Quan niệm mơ hồ của tôi, khách quan đã tạo điều kiện cho khuynh hướng tư tưởng nhóm ấy lợi dụng diễn đàn báo Văn và một số cơ quan khác của Hội Nhà văn như nhà xuất bản, câu lạc bộ, đã gieo rắc quan điểm chính trị và nghệ thuật nguy hại. Sự yên tâm vô lý của tôi trước tình hình đó là do tôi đã hầu như không để ý rằng miền Nam còn nằm trong lưới đế quốc Mỹ. Bộ máy chiến tranh tâm lý của Mỹ Diệm ngày đêm tìm mọi cách gieo rắc tư tưởng thù địch để phá hoại sự nghiệp xây dựng miền Bắc của chúng ta. Trong văn học hiện nay không thể quên mỗi tư tưởng đều hoặc có lợi cho ta hoặc có lợi cho địch".
Rồi thì thây kệ “chị Cốc” cứ “mổ” la liệt các “chàng Dế Choắt”: Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán… đuổi đi đào đất, vác than. Chàng Dế Mèn chui tọt ngay vào cái hang “đề tài miền núi” viết toàn chuyện “quan thống lý Pá Tra” đàn áp, bóc lột “vợ chồng A Phủ” tức “người Mèo ta khi chưa có Đảng”, tránh xa mọi chuyện hiểm nguy nơi phố thị, tha hồ cho “chị Cốc” hoành hành, chàng cứ ung dung “tọa hưởng kỳ thành”, vắt chân chữ ngũ lâu lâu lại “cưỡi con dế mền” bay đi tham quan nước bạn.
Thành công đó là nhờ Tô Hoài đã rút “kinh nghiệm” của chú Dế Mèn ngày xưa:
“Ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn gì cũng mang vạ vào thân”.
Cái đám Nhân Văn Giai Phẩm kia đúng là “hung hăng bậy bạ”, “có óc mà không biết nghĩ”, “Ôi thôi, chú mày ơi. Chú mày có lớn mà chẳng có khôn” (lời Dế Mèn dạy Dế Choắt) thì bị Đảng cho ăn đòn còn oan nỗi gì? Phải khôn ranh, láu cá thì mới giữ được thân, hưởng lộc dài dài, chẳng thế mà hiền lành như nhà văn Bùi Hiển cũng phải than:
”Tôi lại có cảm giác là anh (Tồ Hoài) có khuynh hướng hơi e ngại, hơi dè chừng…”.
Giống như chú Dế Mèn trong suốt cuộc phiêu lưu, chẳng thấy “hành hiệp giang hồ”, đánh kẻ mạnh cứu kẻ yếu, toàn đi “chọi" với Cào Cào, Châu Chấu… mà cứ hễ thua là bỏ chạy. Tô Hoài cũng vậy, suốt cả mấy thập kỷ ngồi ghế “lãnh đạo văn nghệ” (hết Hội nhà văn Trung ương lại tới Hội nhà văn Hà Nội), bao nhiêu nhà văn Hà Nội bị “Cốc mổ” như Nguyễn Xuân Khánh, Châu Diên, Vũ Bão, Lê Bầu… mà chưa lần nào thấy ông Dế Mèn lên tiếng bênh vực đàn em, chưa kể có khi còn xúi “chị Cốc” mổ thêm cho chết.
Hóa ra “triết lý con lươn” của Nguyễn Khải – cứ gặp rắc rối là tiết chất nhờn lủi mất, còn thua xa bí kíp “chui tọt xuống hang” của bác Dế Mèn. Cứ chữ “thọ” đeo sau lưng, Nhân Văn Giai Phẩm lủi lên Tây Bắc, Mỹ đánh bom Hà Nội, chuồn lên rừng… cứ thế làm gì bác chẳng lập kỷ lục Guiness “hễ đi nước ngoài là có ông ngay”.
Vậy nhưng “cứ tọt xuống hang” vậy rồi sự nghiệp văn chương chữ nghĩa của bác rồi sẽ đi về đâu?
KỲ 23
(tiếp theo)
Nhìn vào bản liệt kê tác phẩm của Tô Hoài, ta phải ngả mũ bái phục về khối lượng đồ sộ của “lão nhà văn” tuổi ngoài tám mươi vẫn viết không ngưng, không nghỉ:
“Lão đồng chí, Núi cứu quốc, Ngược sông Thai, Đại đội Thăng Bình, Xuống làng, Truyện Tây Bắc, Khác trước, Vỡ tỉnh, Người ven thành, Mười năm, Miền Tây, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ, Những ngõ phố, Người đường phố, Thành phố Lêningrat, Trái đất tên người, Kim Đồng, Vừ A Dính, Ông Gióng, Con mèo lười, Trâu húc, Đảo hoang, Sự tích Thăng Long, Nhả chữ vân vân…” và nhất là hồi ký “Cát bụi chân ai”.
Trong “Chân dung nhà văn”, nhà thơ Xuân Sách chọn mấy cuốn mà ông coi là tiêu biểu: “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Mười năm", “O chuột”, “Miền tây”, ”Giăng thề”, “Đảo hoang”. “Dế mèn phiêu lưu ký”, “O chuột” , “Giăng thề” viết trước cách mạng 1945, còn lại vài ngàn trang viết sau đó, Xuân Sách chọn có “Mười năm”, “Miền tây” và “Đảo hoang”.
“Mười năm”, tiểu thuyết dày 400 trang viết về làng Hạ gần Hà Nội vào 1936-1945, thời kỳ Mặt trận Bình Dân tới Cách mạng tháng Tám. Cái làng nghề dệt lụa này đang vào thời kỳ suy sụp, khung cửi xếp xó, xóm làng xác xơ gây nên thảm trạng “con đánh bố”, “trai gái sắp chết đói vẫn đòi ngủ với nhau”…
”Có áp bức là có đấu tranh”, thế là đám thanh niên trong làng như Lê, Lạp, Trung quên cả đói “chơi trò” trốn thuế, diễn kịch, lập hội Ái hữu, rải truyền đơn… và sau “Mười năm” trui rèn trong lửa cách mạng, Lạp và Trung đã trở thành “đảng viên cộng sản lãnh đạo quần chúng cướp chính quyền ở xã và phủ”, còn chị Hai Tâm, góa chồng, dâm đãng, bị một thằng đểu nó lừa… sau này cũng trở thành đảng viên cộng sản, có chân trong Đội Danh dự làm “công tác đặc biệt”.
Vậy là mọi ngả đường của phần lớn các nhân vật đều đi tới…vào Đảng cộng sản cả. Ca ngợi cách mạng đến mức đó mà “Mười năm” vừa mới ra lò đã bị Như Phong, nhà phê bình mác -xít “choang cho một búa":
”Phong trào cách mạng của ta trong thời kỳ ấy, nếu ai muốn tìm hiểu nó trong cuốn “Mười năm” thì sẽ luôn luôn gặp những hình ảnh rất lạ lùng, lờ mờ, nguệch ngoạc và có khi méo mó đến làm ta sửng sốt được…”.
Nhà nghiên cứu văn học Phan Cự Đệ thì răn đe:
”Nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa không chấp nhận lối viết hồn nhiên, tự phát, kinh nghiệm... mà đòi hỏi một sự nhận thức sâu sắc về những quy luật xã hội, một trình độ tổng hợp và khái quát ngày càng cao…”.
Ôi thôi, thế mới biết đi theo đường lối văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa của Đảng đâu có dễ. Nào nhận thức quy luật, nào tổng hợp, nào khái quát, các nhà văn đi theo cách mạng đừng tưởng bở dễ ăn theo được Gorki, Sôlôkhốp, Fađêép… những nhà văn cộng sản lẫy lừng thời đó.
Vậy là “Mười năm” đã bị “khai đao” ngay lúc mới sinh và cho tới bây giờ đọc lại thấy vẫn “đầu Ngô mình Sở”, may ra còn được vài trang tả cảnh “những phiên chợ lụa, những chái nhà sâu dặt dìu tiếng khung cửi, những mảnh sân vào những đêm trăng cuối thu thoang thoảng mùi hoa thiên lý, hoa cau, hoa ngọc lan, hoa móng rồng”.
Viết truyện “ngoại ô” xem ra khó xơi, Tô Hoài “láu cá” (chữ của Như Phong) phóng tuốt lên rừng viết truyện “Miền Tây” giàu chất phóng sự, báo chí hơn là tiểu thuyết.
Nếu như trước cách mạng, Tô Hoài thường đi sâu miêu tả cá nhân trong thân phận mỗi người, sang “thời đại mới”, ông sốt sắng đi theo con đường hiện thực XHCN theo cách hiểu của ông, chuyển hướng sang “phản ánh” cả một phong trào, một thời kỳ cách mạng.
Nếu như trước cách mạng, Tô Hoài thường đi sâu miêu tả cá nhân trong thân phận mỗi người, sang “thời đại mới”, ông sốt sắng đi theo con đường hiện thực XHCN theo cách hiểu của ông, chuyển hướng sang “phản ánh” cả một phong trào, một thời kỳ cách mạng.
Bởi thế cái đích ngắm của Tô Hoài trong “Miền Tây” là “phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp gay go và phức tạp ở các vùng cao những năm 1954-1957 giữa một bên là “bọn phản động” Đèo Văn Long, Mùa Sống Cổ…"xưng vua” và một bên là nhân dân và chính quyền cách mạng.
Tiếc thay, “phe phản động” chẳng thấy đâu, hoặc chỉ là những bóng ma lẩn khuất trong rừng đâu có dễ dàng lộ diện cho nhà văn tiếp xúc để mà “nhận thức quy luật”, “khái quát” để mà “phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp gay go”, bởi thế Tô Hoài phải dùng lại cái “chiêu” cũ: mô tả cái đói cái cơ cực trước cách mạng và cái “đổi dời” khi cách mạng về của đồng bào miền núi.
Tuy nhiên, gọi là “bám rễ” vùng cao, Tô Hoài cũng chỉ quẩn quanh trụ sở Ủy Ban, Đảng ủy… gặp gỡ các “nòng cốt” của Đảng chứ đâu có “ba cùng” được với bà con trong bản. Bởi thế nhân vật trong “Miền Tây”, dù cho có là nhân dân lao động đi chăng nữa cũng được sản xuất theo một công thức: cơ cực khi chưa có Đảng, đổi đời khi cách mạng về.
“Vừ Sóa Tỏa, suốt ba đời đi ở đúc lưỡi cày cho thống lý, bây giờ trở thành Chủ tịch xã…”. “Thào Khay, con bà Giàng Súa đã trở thành y sĩ, thành người cán bộ của Đảng, có chân trong châu ủy Châu Mộc…” vân vân và vân vân.
“Nhân vật” trong tiểu thuyết Miền Tây đã hiếm hoi lại được đúc ra từ một khuôn kiểu vậy, bù lại, lấp cho đầy những trang giấy, Tô Hoài đi sâu vào “tả cảnh”.
“Những đêm đầu mùa hè mây dày từng mớ, từng lớp vàng đẫm ánh trăng ủ trên những cánh rừng tít tắp chân mây, những thung lũng làng mạc xa lạ…”.
”Bóng tối trĩu nặng từng quãng nhanh và dữ dội, gió chồm lên rồi chết đứng từng đợt ngay giữa các triền núi, những dòng suối chảy ra lưng trời, chảy ngang người ngang ngựa…”.
Tuy nhiên, những đoạn văn có “mùi Nguyễn Tuân” như thế rất hiếm hoi, còn thường là Tô Hoài dùng “thủ pháp đen trắng”, so sánh “ngày ấy, bây giờ” :
”Trước kia mỗi phiên chợ Phiềng Sa, người đói muối đông nghìn nghịt chen chúc nhau, chồng đống lên nhau như đá đè, tiếng chửi rủa kêu khóc vang cả một góc núi. Bây giờ những ngày phiên chợ giáp Tết là những ngày hội tưng bừng của các dân tộc vùng cao. Sự thật kỳ diệu nhất sau ngày giải phóng là sự thay đổi vận mệnh của những con người, những người nô lệ bây giờ đứng lên làm chủ đất nước…”.
Chẳng hiểu có cái gì làm ông nhà văn bốc đồng đến thế, quên ngay mình đang viết tiểu thuyết mà nhảy phắt sang viết… xã luận báo Nhân Dân.
Khởi nghiệp bằng truyện con nít, “Dế mèn phiêu lưu ký” đã đưa ông đi khắp thế gian, Tô Hoài không quên xuất xứ, nên trong sự nghiệp văn chương của ông có tới trên 40 đầu sách viết cho thiếu nhi.
Thế nhưng chất nhân văn của chú Dế mèn và cô Chuột (O chuột) dường như ngày càng lấn át bởi chất “chính trị" như trong “Vừ A Dính”, “Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ”, “Kim Đồng”, những truyện kể con vật như “Chú mèo lười”, “Trâu húc”, "Người đi săn và con nai”, “Voi biết bay”, “Hổ và Gấu đi cấy”… còn lâu mới tới tầm chú Dế mèn và cô Chuột.
Thế nhưng chất nhân văn của chú Dế mèn và cô Chuột (O chuột) dường như ngày càng lấn át bởi chất “chính trị" như trong “Vừ A Dính”, “Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ”, “Kim Đồng”, những truyện kể con vật như “Chú mèo lười”, “Trâu húc”, "Người đi săn và con nai”, “Voi biết bay”, “Hổ và Gấu đi cấy”… còn lâu mới tới tầm chú Dế mèn và cô Chuột.
“Đảo hoang” là “tiểu thuyết thiếu nhi” được viết theo truyền thuyết An Tiêm nhưng thua xa “Quả dưa đỏ” của Nguyễn Trọng Luật ngày xưa. Trong “Đảo hoang”, Tô Hoài đã tùy tiện “sáng tác" thêm hai nhân vật là Mơn và Gái – con trai, con gái của An Tiêm. Rồi trên hoang đảo lại có thêm chàng trai tên Mali từ đâu dạt tới để sau này cùng với cô Gái sánh duyên đi xây dựng… miền đất mới.
Cái “cảm hứng” xây dựng miền đất mới, cuộc sống mới, con người mới, xã hội mới làm cho những “tiểu thuyết thiếu nhi” của Tô Hoài nặng về giáo dục làm mệt đầu con nít vốn đã bị nhà trường nhồi nhét đủ thứ “mới” ở trên đời. Bởi thế chúng nó bỏ anh Dế Mèn chạy tới với những Đôrêmôn, Harry Potter, cùng lắm Nguyễn Nhật Ánh dẫn tới nguy cơ “mặt hàng giành cho thiếu nhi” của nhà văn Tô Hoài không khéo bị lưu kho. Âu đó cũng là… quy luật tất yếu của cuộc sống.
KỲ 24
(tiếp theo)
Vào dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên, báo Văn Nghệ Trẻ số ra ngày 23-4-04 có bài phỏng vấn Giáo sư Phong Lê về “Văn học những năm kháng chống thực dân Pháp – bây giờ nhìn lại” .
Nhà nghiên cứu văn học này phát biểu:
”Đến Giải thưởng 1954-1955 với “Việt bắc” của Tố Hữu, “Đất nước đứng lên“ của Nguyên Ngọc, “Truyện Tây bắc” (giải nhất) của Tô Hoài thì bức tranh kháng chiến mới thực sự được mở rộng trong một cảnh quan vừa có chuyện vừa có người, có quê hương và đất nước, có gắn nối giữa chất trữ tình và sử thi, có hài hòa giữa chủ thể và khách thể…”.
Vậy là trong “thơ chân dung” nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Xuân Sách đã quên tác phẩm mang tầm vóc dấu mốc của văn học chống Pháp – “Truyện Tây Bắc”.
Vậy nhưng tác phẩm này có tương xứng với lời tâng bốc của ông Giáo sư?
Đó là một tập truyện ngắn Tô Hoài viết vào những năm 1953-1955 tiếp tục đề tài miền núi trong những tập “Núi cứu quốc” (1948), “Xuống làng” (1949) trước đó. Tuy nhiên, như Giáo sư Phan Cự Đệ khẳng định:
”Đến “Truyện Tây Bắc” mới là tác phẩm cắm mốc, khẳng định vị trí của Tô Hoài trong nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa”.
Tại sao một tập truyện ngắn đường rừng rất xa trung tâm của cuộc kháng chiến - những vùng chiến sự ác liệt nơi đồng bằng, trung du… lại được tôn vinh “cắm mốc”?
Đó là do “… thông qua hành động thực tiễn, đường lối giai cấp và đường lối dân tộc của Đảng, tác phẩm đã nói lên một cách đau xót nỗi thống khổ bao đời của các dân tộc anh em ở vùng cao dưới ách chiếm đóng của thực dân Pháp và bè lũ tay sai là bọn quan bang, quan châu, phìa tạo, thống lý…” như GS Phan Cự Đệ nhận xét.
Vậy là khác với những truyện đường rừng ngày xưa của Lan Khai, “Truyện Tây Bắc” của Tô Hoài có ”giá trị cao” là vì “thấm nhuần đường lối của Đảng”. Thảo nào trong hai truyện được coi là xuất sắc nhất trong cả tập là “Cứu đất cứu mường” và “Vợ chồng A Phủ” hễ cứ là “phong kiến” thì cực kỳ tàn bạo, gian manh, còn nhân dân lao động thì tốt thật tốt.
Trong “Cứu đất cứu Mường”, có “Cô Ảng ngày xưa đã một thời đẹp nức tiếng đất Mường Cơi”, thế rồi bông hoa rừng ấy lọt vào tay quan tri châu Né “tối ngày ngồi một xó nha, rót nước, nướng thịt, bưng xôi, đun nước tắm… con mắt mờ mịt…”.
Lạ thật, cái ông quan tri châu này chẳng hiểu có thực ở trên đời không mà bao kẻ hầu người hạ đâu hết lại bắt “mỹ nhân” làm chuyện tay chân đó?
Cái ”tình huống ban đầu” đã nặng mùi giả dối, ấy thế rồi sau 10 năm đầy đọa, “bông hoa rừng” được thả về làng mang theo hai con nhỏ (con quan chẳng hiểu vì sao bị đuổi khỏi nhà) vẫn còn… trẻ, đẹp để mỗi lần các quan đi săn ghé qua vẫn bị lôi đi hầu quan.
Thế rồi nàng Ảng khổ quá phải cho đi một đứa con trai tên Nhấn, còn đứa con gái lại phải làm tôi tớ cho thằng con chồng là Cầm Vàng, sau này dẫn lính về cướp bản, nó chỉ mặt Ảng chửi: ”Con già Mường này rồ thật” rồi vung roi lên đánh.
Chẳng hiểu sao “quan bố“ “quan con” lại xấu đến thế? Riêng thằng Nhấn - đứa con đã cho đi của nàng Ảng, lớn lên được anh cán bộ tên Sơn giác ngộ cách mạng trở thành du kích và bộ đội cụ Hồ. Thế còn cô em gái phải làm tôi mọi cho quan? Không thấy tác giả nói tới và thằng anh ruột đi bộ đội cũng… quên cô luôn (có lẽ do cô đã thuộc thành phần…nhà quan).
Trong “Vợ chồng A Phủ” cũng có một nhân vật na ná như nàng Ảng nhưng có phần may mắn hơn. Cô Mỵ cũng là một “bông hoa rừng”, cũng bị bắt về lấy con quan thống lý là A Sử. Lạ một điều là cưới được “mỹ nhân” mà thằng chồng vẫn hành hạ, ngược đãi cô vợ trẻ đẹp coi cô như trâu như ngựa khiến cô hái nắm lá ngón dắt trong người, mấy lần tính ăn để tự tử cho thoát kiếp tôi đòi.
Thế rồi đến ngày Tết, A Sử đi chơi xa vài ngày, đã không cho vợ đi theo hắn còn trói nàng lại ở cột nhà, ”xách cả một thùng sợi đay ra trói đứng, tóc Mỵ xõa xuống, A Sử quấn luôn tóc lên cột, làm cho Mỵ không cúi, không nghiêng được đầu nữa…” .
Trói vậy, không ăn không uống liền mấy ngày, chắc chắn khi A Sử đi chơi xa trở về, cô vợ xinh đẹp đã thành cái xác không hồn. Người ta chẳng hiểu vì sao chỉ cốt cô Mỵ không đi theo mà A Sử lại hành động như một kẻ giết vợ như thế?
Thôi đành chỉ tự hiểu đã là con quan thì thằng A Sử phải tàn ác, phải coi người như trâu chó, kể cả vợ mình. Vậy mới là “thấm nhuần quan điểm đấu tranh giai cấp”.
May cho nàng Mỵ, thằng chồng chỉ đi một ngày một đêm đã trở về không phải vì lo nàng chết mà chính vì lúc chơi trong hội tết nó bị một thanh niên trong bản đánh vỡ đầu. Mãi lúc đó, nàng Mỵ mới được nhà quan phát hiện đang bị trói và được cởi để đi hái thuốc chữa trị cho chồng. Còn anh thanh niên kia, tên A Phủ, bị ông ”quan bố” Pá Tra trói gô “sọc ngang cái gậy, khiêng về ném giữa nhà".
Thế là từ đó, A Phủ phải ở lại nhà thống lý Pá Tra làm trâu làm ngựa đề đền tội đả thương con quan. Một năm kia, đàn ngựa A Sử được giao chăn dắt bị hổ vồ mất một con. Thế là luôn trong mấy ngày, A Phủ bị trừng phạt trói đứng trong góc nhà nhịn ăn nhịn uống. Trong lúc đó, đêm đêm nàng Mỵ ngồi bên bếp lửa suy nghĩ:
”Chúng nó thật độc ác. Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết… Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi. Người kia việc gì mà phải chết thế… A Phủ…”.
Thế rồi nàng Mỵ rút con dao cắt dây trói cho A Phủ trốn và bất ngờ cô chạy theo:
”A Phủ cho tôi đi…Ở đây thì chết mất…”.
A Phủ chợt hiểu. Người đàn bà chê chồng đó vừa cứu sống mình. Và hai người lẳng lặng đỡ nhau lao chạy xuống dốc núi. Họ trở thành vợ chồng ngay trên đường trốn chạy và một tháng sau họ đã thoát được sang vùng tự do.
Truyện ngắn lẽ ra kết thúc ở đây trang thứ 20 – nhưng không, Tô Hoài còn kéo dài thêm 20 trang nữa kể chuyện “vợ chồng A Phủ đổi đời trong cách mạng” vậy mới đúng phương pháp hiện thực XHCH.
Sau vài năm xây “tổ ấm”, vợ chồng A Phủ đã có mái nhà,có khung cửi, có lợn trong chuồng. Ấy thế rồi một hôm quan Tây dắt lính ngụy tới cướp bản, dắt đi hai con lợn lại còn bắt A Phủ đi theo để khiêng lợn xuống đồn. Từ đó trong anh nung nấu lòng căm thù quân Pháp xâm lược, may thay một hôm có A Châu, cán bộ cách mạng tìm tới giác ngộ:
”Bao giờ nhân dân ta lấy được độc lập thì vợ chồng A Phủ về quê tôi chơi. Bấy giờ tha hồ đi, đâu cũng được ở yên, làm ruộng làm nương, làm buôn làm bán, đâu đâu cũng sung sướng như nhau…” .
Và ta cũng có thể đoán ngay được phần kết của “truyện ngắn kéo dài” “Vợ chồng A Phủ”. Bản làng trở thành khu du kích, cuộc sống vừa sản xuất vừa chiến đấu thật là vui vẻ, tươi sáng và tất nhiên A Phủ trở thành một chiến sĩ du kích xuất sắc.
“Truyện Tây Bắc” – đỉnh cao nhất trong sự nghiệp văn học cách mạng của Tô Hoài, tác phẩm đánh dấu mốc mở ra thời kỳ văn học hiện thực XHCN Việt Nam là như vậy. Văn chương dễ dãi, chẳng “đẽo gọt” như nhà phê bình Như Phong nhận xét, nội dung sơ lược, mang nặng mục đích tuyên truyền chính sách dân tộc miền núi của Đảng, bỏ qua tính chân thực vốn là cốt lõi của văn chương, viết theo lối viết “địch - ta” rạch ròi, vạch một ranh giới tuyệt đối giữa các nhân vật và chỉ chấp nhận họ hoặc ở phe này hoặc phe kia.
Rút cuộc, “đỉnh cao sự nghiệp Tô Hoài “ vốn ra đời theo yêu cầu nhất thời của cách mạng đã bị thời gian đào thải, ngày nay, ngoại trừ những học sinh và sinh viên phải làm bài, khó có ai đủ kiên nhẫn để thưởng thức nó.
KỲ 25
(tiếp theo)
Năm 1988, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh “cởi trói” cho văn nghệ sĩ. Mặc dầu mới chỉ có một “hớp không khí dân chủ cũng đủ làm văn nghệ sĩ ho sặc sụa” (nói theo một nhà văn Liên xô) gây nên hội chứng “phản tỉnh” không chỉ các nhà văn trẻ, một số cây đa cây đề cũng bị nhiễm “con virus” này, viết bài “tự chỉ trích” hoặc “phân bua” với thiên hạ mình cũng suy nghĩ độc lập lắm đây. Chế Lan Viên có “Bánh vẽ”, Nguyễn Minh Châu có “Đọc lời ai điếu cho một nền văn học minh họa”, Đào Xuân Quý có “Nhớ lại”, sau này Nguyễn Khải có “Đi tìm cái tôi đã mất”, Nguyễn Đình Thi có bài thơ gửi lại trước khi đi vào cõi vĩnh hằng.
Trong không khí “tái nhận thức” đó, Tô Hoài cũng viết một cuốn hồi ký dày cộp – “Cát bụi chân ai”, tuy không nặng mùi “phản tỉnh”, nhưng cũng nói rõ vài chuyện xoay quanh Nhân Văn Giai phẩm, “dựng lại chân dung” một số nhà văn “cây đa cây đề” nhưng khác Xuân Sách ở chỗ không đi vào văn chương, tư tưởng mà chỉ xoay quanh chuyện “đời tư”, sinh hoạt, ăn uống, bạn bè.
Nhân vật được Tô Hoài nhắc nhiều nhất là Nguyễn Tuân từ trước 45 cho tới khi mất. Qua đó người ta thấy một số nhà văn “con cưng” được Đảng o bế, cho đi nước này nước nọ, dẫu không đặc quyền đặc lợi như quan chức cao cấp nhưng hơn hẳn so với dân đen.
Nguyễn Tuân rất kỹ tính khi uống rượu:
“Tạng Nguyễn Tuân với cách thức hương hoa ấy hợp với các thứ uống hảo hạng Chianti của Ý, Rôm Giamaich hay Uýtky và Mao Đài. Mùa hè, làm cốc-tay thêm lát chanh với miếng đá, nhấm nháp cả ngày. Không đụng đến rượu ngọt, dù nặng. Cái Xa kê ngòn ngọt của Nhật thì vứt đi. Có lần, đạo diễn Đình Quang ở Nhật về biếu ông bình rượu Xa kê to tổ bố. Ông cho chúng tôi uống cả. Những năm ấy, chuốc đâu ra những của quý như thế mà vẫn kiểu cách của ông”.
Nguyên Hồng, ngược lại:
“Nguyên Hồng uống tạp, rượu nhắm ổi xanh, hành sống, cà pháo muối xổi... Buổi tối, Nguyên Hồng ngủ lại ở cái gác xép sân sau cơ quan. Chẳng biết cao hứng sao đi tìm tôi rồi ra chợ chiều cạnh bến xe Kim Liên mua miếng thịt bò, mấy nhánh cần tây và mớ rau húng. Thịt xào không mỡ với muối, rau húng chỉ cởi lạt, ngắt ăn cả nhánh. Hàng rau người ta rửa rồi mới đem ra chợ bán chứ ăn cả đất đâu mà lo. Khéo vẽ vệ sinh lôi thôi…”.
Xuân Diệu có vẻ phàm ăn:
“Không phải Xuân Diệu ăn, mà một người nào khỏe lắm gắp hộ, nhai hộ, biến Xuân Diệu thành con ma ăn, trông đến thương. Một chuyến chúng tôi cùng nhau thăm nước Lào, ở khách sạn Apôlô. Mỗi sáng Xuân Diệu nhắc: cậu không ăn sữa thì để riêng đấy cho mình, không ăn hết bánh cuốn thì lấy đĩa sẻ ra cho vệ sinh để mình ăn nốt. Cố lên, ăn phất phơ thế không được. Nhà bàn bưng ra nhiều món, Xuân Diệu cứ thong thả vừa nhai vừa ngắm từng miếng và ăn đến hết. Đêm ấy đau bụng phải đi cấp cứu”.
Qua “Cát bụi chân ai” thấy chân dung của phần lớn nhà văn cùng thế hệ tác giả như Trần Đức Thảo, Nguyễn Bính, Phan Khôi… kể cả những văn thi sĩ ở “phía bên kia” như Vũ Hoàng Chương, Doãn Quốc Sĩ, Phan Nhật Nam… tất nhiên với giọng văn không lấy gì làm ưu ái.
Về Nhân Văn Giai phẩm, trước khi đưa ra một số tình tiết “phản kháng” của văn nghệ sĩ, Tô Hoài “thủ” trước một lập trường chính trị vững vàng theo Đảng:
"Nhưng mà những hoạt động gây sự không phải chỉ ở vài bài báo trên Nhân Văn, mà cái chính là ý đồ chính trị rộng ra nữa của một số giới không phải là những người làm báo Nhân Văn trong tình hình nhạy cảm ở các đô thị lúc ấy… không ai lưu tâm những người bỏ tiền cho vốn in báo và những hoạt động chính trị đòi thay đổi và chia quyền lãnh đạo đã âm thầm dấy lên, trong giới tư sản đương bối rối, trong một số trí thức ở vùng mới giải phóng và ở đảng Dân Chủ. Báo Nhân Văn chỉ là một phần bề ngoài và là một thủ thuật chính trị dựa vào “trăm hoa đua nở”.
Vậy rõ ràng vụ Nhân Văn Giai Phẩm, Tô Hoài trước sau vẫn vững “lập trường cách mạng”, không có “phản tỉnh”, “phản mê” gì hết. Tuy nhiên ông cũng đưa ra một vài hồi ức cho thấy không phải nhà văn nào cũng “vững vàng” như ông.
Trong “Nhìn lại một số sai lầm trong bài báo và công tác" báo Nhân Dân ngày 12 tháng ba năm 1958 , Tô Hoài sát phạt anh em:
”Càng thấy rõ những tư tưởng nguy hại của một số người, từ báo Nhân Văn, không phải ngẫu nhiên tồn tại và có cơ phát triển đối kháng, chống lại Đảng, chống lại chủ nghĩa xã hội trong khi giai đoạn cách mạng đương chuyển nhanh, chuyển mạnh” và tự kiểm thảo: ”Tôi đã đánh giá thấp những hoạt động của tư tưởng chính trị và nghệ thuật kiểu báo Nhân Văn vẫn sống sót, lại nhặt nhạnh dần thêm những rơi rớt lạc hậu của từng người hoặc một phần nào trong tư tưởng mỗi người, vào lúc giai đoạn cách mạng đương chuyển, nó dẫy giụa chống lại bước tiến mới của cách mạng và đã tác hại không nhỏ”.
Tô Hoài nhớ lại, ngay sau khi đọc bài báo:
“Nguyên Hồng buông tờ báo xuống. Rồi Nguyên Hồng xua xua tay, nói như hét vào mặt tôi:
“Nguyên Hồng buông tờ báo xuống. Rồi Nguyên Hồng xua xua tay, nói như hét vào mặt tôi:
- Tiên sư mày, làm thằng Câu Tiễn ông thì không, Nguyên Hồng thì không!
Nguyên Hồng quỳ xuống trước tôi, rồi cứ phủ phục thế, khóc thút thít.
- Tao về Nhã Nam.
- Về Nhã Nam?
- Ừ, Nhã Nam. Đủ, đủ lắm rồi. Ông đéo chơi với chúng mày nữa. Ông về Nhã Nam”.
Phải chăng mượn lời Nguyên Hồng, 42 năm sau, Tô Hoài đã “chữa khéo” hành động của mình trong vụ Nhân Văn hồi đó là “Câu Tiễn”?
Trong những năm tháng “khó khăn" đó, Tô Hoài kể lại “hai họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm và Dương Bích Liên, tuy chỉ làm có cái bìa sách cho nhà xuất bản nọ nhưng chắc là không khí sát phạt ở các buổi họp khiến các anh ngại, đã xin ra Đảng”; Dương Bích Liên đã vẽ “một tranh sơn dầu hai đứa trẻ gái gầy guộc xanh lét cả tóc” có tên là “Hào” bị loại khi mang ra triển lãm; Nguyễn Sáng vẽ ký họa trên báo Nhân Văn một đầu người ở cổ có vết khía, như cái lá. Người ta bảo đấy là chân dung Trần Dần và cái sẹo còn lại khi anh định tự vẫn. Nguyễn Sáng không được xét huân chương kháng chiến; Nguyễn Huy Tưởng thì “mấy đêm không chợp mắt được. Nguyễn Huy Tưởng nói: ”Nước Hungari trong phe xã hội chủ nghĩa, nhưng trước nhất nước Hungari là nước Hungari đã ông thấy thế nào? Các ông thấy thế nào? Tôi không hiểu, tôi không thể hiểu”… Nguyễn Huy Tưởng băn khoăn. Nguyễn Huy Tưởng có những ý kiến khác những lời bình trên các báo. Tôi đùa: ”Ông là thằng cộng sản dân tộc ”Nguyễn Huy Tưởng cười hiền lành: ”Cậu bảo tớ bắt chước Ti tô? Không phải, Nguyễn Huy Tưởng là cộng sản Việt Nam. Nhưng mà nguy hiểm đấy. Chẳng nên đùa nhau thế”. Nguyễn Huy Tưởng nói nho nhỏ, cặp mày rậm nên con mắt hồn nhiên nhíu lại, buồn hẳn. Chúng tôi không bao giờ đùa cợt và nhắc lại như vừa rồi nữa”, Trần Dần, Lê Đạt , Hoàng Cầm, Phùng Quán bị tước hội tịch trong 5 năm nhưng “Nhưng đằng đẵng ba mươi năm không hội văn học nghệ thuật nào lôi ra xem xét lại. Sợ sệt, phấp phỏng không phải chỉ ở tâm trạng mấy ông “Nhân Văn cả nước”, mà tràn lan đến những “Nhân Văn phố, Nhân Văn xóm”, chẳng bị kỷ luật gì, nhiều người không phải vì bài văn câu thơ, mà bởi lời nói bông lông, bốc trời chẳng hạn, cũng bị quy chụp luôn”, khi học giả Phan Khôi mất “đi sau xe tang, chỉ có bác gái và các con với một mình chị Hằng Phương - cháu gọi bằng cậu”. Nhớ lại Phùng Cung, tác giả “Con ngựa già của chúa Trịnh”, 11 năm tù biệt giam, Tô Hoài ngậm ngùi: “Phùng Cung công tác chạy hiệu ở văn phòng cơ quan hội Văn Nghệ từ trên Tuyên Quang. Ở rừng, những việc tủn mủn không tên, giấy tờ công văn, giữ sách thư viện, làm sách mới, đi chặt củi, vác gạo, khiêng người ốm ra trạm xá, thui chó liên hoan... Đọc truyện ngắn Con ngựa già của chúa Trịnh Phùng Cung đăng trên báo Nhân Văn tôi cũng gật gù. “Thằng này viết được. Nhưng còn hộc máu ra mới nên cơm nên cháo đấy, con ạ”. Tôi không thể tưởng tượng ra được một Phùng Cung thế nào mà bị bắt. Lại hơn mười năm sau. Chặp tối, một người bước vào cửa. Dáng ủ rũ, mặt tái ngoét, không phải Phùng Cung mà là cái bóng Phùng Cung trên tờ giấy tẩy chì mờ mờ”.
Cũng trong cái thời nhà văn bị theo dõi tới từng câu từng chữ ấy, Tô Hoài nhớ lại:
“Có một thời, những người “theo dõi” báo chí, xuất bản và phát hành sách báo được phong làm lính gác. Lính gác thì phải có việc của lính gác, chẳng lẽ ăn lương để đứng không. Nhưng thật ra người ta chỉ đọc a dua rồi đánh đòn hội chợ. Cấp trên hô người ấy, bài ấy có vấn đề. Tự nhiên cảm thấy hình như có vấn đề thật và người ta dò tìm từng câu từng chữ. Thế nào chẳng ra vấn đề! Bỗng khó chịu cả cách diễn đạt khác nhau của mỗi ngòi bút, thế là làm sao... Khốn thay, người ta viết văn thất bại nhưng vẫn làm cán bộ theo dõi được. Cái nhìn sự sáng tạo cứ lên xuống theo thời tiết. Nguyễn Tuân cáu kỉnh nhẹ nhàng và chua chát:
- Có khi mày bảo chúng nó viết đi, để ông với mày đi chơi, thế là bớt được thằng công tác theo dõi!
Nói vậy, Nguyễn Tuân vẫn là Nguyễn Tuân, không có gì khác.
- Này, chúng nó đồn ầm lên ông mới nói, nếu ông còn trẻ thì ông cũng bỏ đất này ông đi.
Nguyễn Tuân thong thả nói, như cho mình nghe:
- Biết đuổi theo đứa nào mà cải chính bây giờ, tao mà chết, nhớ chôn theo với tao một thằng phê bình…”.
Những trang viết thực như vậy quả là những tư liệu đáng quý trong lịch sử văn học Việt Nam, tuy nhiên, cuốn “Cát bụi chân ai” của Tô Hoài lại gây xôn xao bạn đọc ở phần “bật mí” những khía cánh riêng tư của các ngôi sao văn học. Nhiều năm nay, thiên hạ đồn thổi về cái sự “tình trai” của Xuân Diệu, trong “Cát bụi chân ai”, Tô Hoài đã huỵch toẹt ra chuyện đó:
“Dịu dàng, âu yếm, Xuân Diệu cầm cổ tay tôi, nắm chặt rồi vuốt lên vuốt xuống. Bốn mắt nhìn nhau đắm đuối…Hai bàn tay mềm mại xoa lên mặt lên cổ rồi xuống dần, xuống dần khắp mình trần truồng trong mảnh chăn dạ…Chẳng còn biết đương ở đâu, mình là ai, ta là ai, hai cơ thể con người quằn quại, quấn quít cánh tay, cặp đùi thừng chão trói nhau lại, thít lại, giằng ra. Niềm hoan lạc trong tôi vỡ ra, lên cơn dữ dội, dằn ngửa cái xác thịt kia. Rồi như chiêm bao, tôi rời rã, thống khoái, im lặng. Giữa lúc ấy, hai bàn tay mềm như lụa lại vuốt lên mặt. Làn môi và hơi thở nóng như than bò vào mắt, xuống vú, xuống rốn, xuống bẹn... Cơn sướng lại cơn lên cho đến lúc ngã cả ra, rúc vào nhau. …
Thực là một trang đặc tả mà ngay đến các cây bút “hậu hiện đại” cũng chưa chắc viết nổi. Còn chàng Hoàng Cát, một “tình trai" của Xuân Diệu, khi lên đường vào B được Xuân Diệu tặng thơ với lời yêu đương thống thiết:
“Ôi Cát! Hôm vừa tiễn ở ga
Chưa chi ta đã phải chia xa!
Nhưng bóng em đi đã khuất rồi
Đứt lìa khúc ruột của anh thôi!
Tình ta như mối dây muôn dặm
Buộc mãi đôi thân, dẫu cách vời…”.
Ấy thế mà khi Cát trở về Hà Nội viết “Cây táo ông Lành” đăng báo Văn Nghệ bị đòn hội chợ, Xuân Diệu đã làm mặt ngó lơ.
Nhưng thê thảm nhất là kỷ niệm về Nguyễn Bính. Nguyên thời làm báo Trăm Hoa, nhà thơ được một cô gái trẻ đem lòng yêu, và sinh ra một bé gái tên Hiền. Khi cháu mới bập bẹ, cô gái trả con lại cho Nguyễn Bính để đi bước nữa. Thế rồi một đêm mưa, Nguyễn Bính bế con ra dốc hàng Kèn và trao cho một người đàn ông qua đường nào đó. Ôn lại chuyện cũ. Tô Hoài xót xa:
“Bấm đốt ngón tay, đã trên ba mươi năm rồi. Ai là người đã đi qua ngã sáu oan nghiệt tối hôm ấy - nếu trời để cho được sống, ông ấy cũng phải đến trong ngoài sáu bảy mươi rồi, nếu vẫn nhớ có người đưa cho một đứa trẻ, thế thì tên cháu là Hiền nhé…”Vâng tên cháu là Hiền, nhưng lẽ ra cần nói rõ, cháu là con gái của nhà thơ dân tộc: Nguyễn Bính.
“Cát bụi chân ai” dù thế nào, vẫn biểu lộ lòng nhân hậu và sự trung thực trí thức của Tô Hoài. Chỉ tiếc nó được viết sau khi ông nhà văn đã rời bỏ cái ghế Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội, nơi ông đã ăn dầm nằm dề cả gần hai mươi năm nay. Giá như ông chịu treo ấn từ quan sớm, chắc sự nghiệp của ông không chỉ còn lại với thời gian một “chú dế mèn”.
KỲ 26
(tiếp theo)
Nửa thế kỷ đã qua, vết thương cuộc cách mạng “long trời lở đất” – công cuộc cải cách ruộng đất vẫn chưa phai mờ trong ký ức dân tộc. Trong ”Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, sự kiện đẫm máu và nước mắt này được ghi lại một dòng vô cảm:
Nửa thế kỷ đã qua, vết thương cuộc cách mạng “long trời lở đất” – công cuộc cải cách ruộng đất vẫn chưa phai mờ trong ký ức dân tộc. Trong ”Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, sự kiện đẫm máu và nước mắt này được ghi lại một dòng vô cảm:
"Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành cải cách ruộng đất, bên cạnh những thành công kể trên, Đảng ta đã phạm phải một số sai lầm nghiêm trọng trong chỉ đạo thực hiện, nhưng sau một thời gian mới phát hiện được”.
Ngoài ra, trong cuốn “Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000”, Viện Kinh Tế Việt Nam xuất bản có ghi:
”Đợt cải cách được thực hiện tại 3.563 xã với 10 triệu dân và tỷ lệ địa chủ được qui định trước là 5,68% ”.
Như vậy, theo con số này, các đội cải cách ruộng đất phải xét xử trên 500.000 người chứ không phải 172.008 ngươi như chính Viện này đưa ra. Ngay ông Tố Hữu, Trưởng ban tuyên huấn thời đó sau này cũng thừa nhận:
“Không thể tả hết được những cảnh tượng bi thảm mà những người bị quy oan là địa chủ, ác bá (mà trong thực tế là trung nông) phải chịu đựng ở những nơi được phát động”.
Một thảm kịch có quy mô dân tộc vậy mà thời đó giới trí thức chỉ có Luật sư Nguyễn Mạnh Tường lên tiếng được một bài “Qua những sai lầm trong cải cách ruộng đất và Xây dựng quan điểm lãnh đạo”còn giới nhà văn chẳng những không lên tiếng phê phán mà còn ca ngợi như Nguyễn Đình Thi trong “Mẹ con đồng chí Chanh”, Nguyễn Tuân trong “Làng hoa”, Nguyễn Công Hoan trong “Nông dân với địa chủ”… Một số rất ít nhà văn viết trung thực về cải cách ruộng đất lập tức bị xử lý ngay như: “Sắp cưới” của Vũ Bão, “Cơm mới” kịch của Hoàng Tích Linh, “Chuyến tàu xuôi” kịch của Nguyễn Khắc Dực…
Phải chờ tới năm Đảng “cởi trói”, đề tài cải cách ruộng đất mới lại được đề cập tới: ”Thiên đường mù” của Dương Thu Hương, “Ác mộng” của Ngô Ngọc Bội, “Chuyện làng ngày ấy” của Võ Văn Trực…
Sau hai năm “cởi trói" ngắn ngủi, đề tài “cải cách ruộng đất” lại bị “cất vào kho”, văn chương chính thống lại “phải đạo” hơn là thời kỳ Nguyễn Minh Châu chưa đọc lời ai điếu cho nó.
Mãi vài năm sau này, đề tài húy kỵ này lại thấy lấp ló trong một vài cuốn tiểu thuyết như “Ổ Rơm” của Trần Quốc Tiến, “Dòng sông Mía” của Đào Thắng và sang năm 2006, thật vô cùng kinh ngạc, đề tài cải cách ruộng đất lại được đề cập tới một cách trực diện, cận cảnh và toàn cục trong tiểu thuyết “Ba người khác” NXB Đà Nẵng và ngạc nhiên hơn nó được viết bởi Tô Hoài, văn sĩ “lão trượng”, tuổi ngoại bát tuần, vốn nổi tiếng “tránh né”.
Liệu có phải như Đà Linh đã viết trong lời nói đầu:
“Chính những giày vò, trăn trở, khổ tâm từ những thảm trạng kinh hồn của cải cách ruộng đất thuở nào, vẫn âm ỉ, rền réo ngày một nặng hơn qua chặng đường dài - là dưỡng chất tạo nên tác phẩm này…”.
Quả thực, đọc “Ba người khác”, người ta như được sống lại cả một thời kỳ bi thảm của lịch sử, hiểu rõ những “quái thai” của một thời: cán bộ đội, rễ, chuỗi, cốt cán, đoàn ủy….
Trước hết, “cán bộ đội” là gì?
Theo quan điểm chính thống của Ban tuyên huấn trung ương, “cán bộ đội là những người được Đảng chọn lọc, tuyển lựa, có đạo đức cách mạng sáng ngời, có lập trường tư tưởng vững chắc, nắm vững đường lối chính sách của Đảng, thương yêu giai cấp, luôn luôn “ba cùng” với người nghèo”.
Còn theo nhân dân lao động thì “nhất đội, nhì trời”. Đội là những người quyền lực vô biên, trên cả Đảng, trên cả chính quyền.
Trong “Ba người khác”, Tô Hoài đưa ra hình ảnh cán bộ Đội vô cùng chuẩn xác và sinh động. Trước hết “cán bộ đội" là những người “cực kỳ quan trọng” mang sứ mệnh lịch sử:
"Vẻ mặt người nào cũng ra chiều đăm chiêu, quan trọng. Chúng tôi đương làm thay đổi cái làng này, cái xã này. Cả nước đã đứng lên. Các tổ chức sẽ bị đánh đổ, bao nhiêu địa chủ và bọn bóc lột phải đạp xuống đất đen, chúng tôi phóng tay đưa bần cố nông lên vị trí và địa vị người chủ thực sự của đồng ruộng …”.
Nhưng có thực thế không? “Cán bộ đội” có phải đang thực thi sứ mệnh cao quý đó không? Tô Hoài huỵch toẹt:
“ húng tôi như một bọn lén lút cờ gian bạc lận, kéo nhau ra đây đánh xóc đĩa lột nhau giữa nơi hoang phế đồng không mông quạnh. Hoặc như ngày xưa, cánh cướp tụ bạ một chỗ đợi đêm tới bật hồng lên xông vào làng…”.
Đúng như thế, toàn bộ nhân vật “cán bộ đội” được Tô Hoài mô tả trong truyện thực ra cũng là một đám “cờ gian, bạc lận”, “đám kẻ cướp bật hồng xông vào làng tàn phá…”.
Trước hết là nhân vật Đội trưởng Cự. Hắn nguyên là bộ đội khu 5, tập kết ra Bắc với đủ thói hư tật xấu của một tên lưu manh đầu đường xó chợ. Trình độ văn hóa của Cự chưa vượt lớp 3 nên hắn khăng khăng không nhận người có bằng tú tài hoặc đi học Liên xô về, hắn chỉ cần “người chữ nghĩa èng èng", trình độ văn hóa kém hắn, tức… dưới lớp 3. Đi ba cùng với bần cố nông, hắn mang lén “bánh đúc ngô” để ăn vụng. Vừa xuống xã, Đội trưởng Cự đã xin lệnh bắt Bí thư chi bộ và 6 địa chủ, luôn miệng quát tháo: ”Phải ra tay mới phá được thế bị khống chế, bởi địch đã có tổ chức phá hoại, gây rối loạn. Ông lão lòa ở xóm lội xuống ao trẫm mình hay là bị địch dìm chết?... Tăng cường tố khổ, mở rộng tố khổ để tìm ra đứa giết người, đứa đốt nhà…”.
Càng ngày hắn càng lộ mặt “ác ôn” chỉ thích bắt, tra khảo và bắn giết. Từ ngày đội xuống xã, “đường làng vắng hẳn, người nào bần cùng lắm mới ra đường, đi len lét, không ai dám đến nhà ai. Gặp anh đội, người già lùi vào bờ rào ngoảnh ra cúi đầu chắp tay vái…”.
Ối các ông "đầy tớ của dân” ơi, vì sao dân lại đến cái nông nỗi ấy?
Lợi dụng quyền lực Đội trưởng, Cự đi đâu cũng gạ gẫm các cô “rễ, chuỗi” tức những người hắn chọn sau này làm cán bộ. Về xã này Cự cũng ép được cô Đơm và cô Duyên ngủ với hắn. Hai cô này đều là cốt cán của đội, được hắn đền bù lại bằng cách cho làm du kích và cho nhận “quả thực” nhiều hơn người khác. Tận dụng quyền lực, Cự đưa cả vợ tới Đội để kết nạp cô ta vào Đảng. Không may vợ Cự vừa tới dự cuộc họp kết nạp của Chi bộ thì bị hai cô Đơm và Duyên xúm vào đánh ghen một trận tơi bời tan cả cuộc họp, làm mặt mũi đội trưởng cải cách càng thêm lem nhem.
Thế còn ông Đội phó tên Bối, nhân vật xưng “tôi” trong truyện. Ông vốn xuất thân gác cổng cho một hiệu thịt bò ở Hà Nội, chiến tranh bỏ đi “làm Việt Minh”, tới hòa bình quay về Hà Nội đã thành cán bộ và được phái đi cải cách ruộng đất. Ngay trên đường đạp xe xuống cớ sở, ông Đội phó đã "ăn cắp”... bánh đúc ngô của ông Đội trưởng dấu trong ba lô, xuống tới địa bàn, ông bắt rễ với một nhà có cô con gái hơ hớ và chỉ hôm trước hôm sau ông “cán bộ đội “ thò tay bóp vú nó:
“Em có cái túi hay nhỉ? – Tôi thò theo lách vào ngực Đơm. Đơm đẩy tay tôi ra. “Rõ cái anh này” .“Anh xem cái chỗ để tiền”. “Ngoài này kia mà, sao lại đi sờ vào trong.”. ”Anh nhầm”. Tôi lại thọc tay vào ngực Đơm như vừa rồi. Lần này Đơm đứng tây ngây, mặt đỏ lịm, để yên tay cho tôi vân vê…”.
Chỉ một đoạn đối thoại rất ngắn, bộ mặt đạo đức giả, đểu cáng của tên Đội phó đã bị lột trần.
Đảng chủ trương cán bộ đi cải cách ruộng đất phải “ba cùng” với nông dân tức “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, tuy nhiên cái anh Đội phó tên Bối này lại sợ cầm cày lội ruộng. Bởi vậy anh ta phải “diễn”, tức phải vờ vịt làm ra vẻ ta hăng say lao động lắm đây mặc thây thiên hạ biết tỏng anh đang lừa đảo:
“… Tôi cầm một cái cào cỏ. Tôi vác cào lên, một bên đeo túi dết. Cả xóm biết anh đội đóng bộ đi làm đồng đấy. Ai chả biết anh đội làm trò, tôi mặc họ và thản nhiên. Tôi xắn quần, đi từ xứ đồng cao trong chân tre ra con ngòi sâu rồi lại lội qua mấy khoảnh ruộng trũng. Đương khi nông nhàn, đồng áng lơ thơ xa xa mấy người lúi húi cào cỏ. Thấy người lội đồng mũ, quần xỏe trên gối, người ta ngẩng lên rồi lại cúi xuống quờ tay gốc lúa. Anh đội, anh đội thăm đồng đấy mà… Tôi có thăm hỏi đồng áng gì đâu…”.
Và nhà văn Tô Hoài hạ một câu nhận xét chung về “cán bộ đội”:
“Đi guốc vào bụng những anh đội mắt trố như mắt chó giấy, cái gì cũng lạ lại làm ra vẻ ta đã thạo. Nhưng tôi còn láu cá hơn những người có thể biết tôi vờ vẫn. Tôi cốt vác cào cỏ, sục mấy cái cho răng cào dính bùn và hai ống quần thì lâm tâm cỏ may. Tôi ra cửa đền ngoài chân đê hội ý đội. Làm bộ như tôi vừa đi làm đồng về chưa kịp rửa ráy, vác cả cào cỏ đến thẳng chỗ họp”.
Chẳng riêng gì Đội phó đóng kịch “lao động sản xuất” mà tất cả cán bộ đội tên nào cũng vờ vịt như thế. Đến nỗi lúc họp đội cải cách “người nào cũng khoe ngầm ta vừa chân ướt chân ráo ở nơi bán lưng cho trời, bán mặt cho đất về đây. Người thì cái giỏ đeo đít, người cái cuốc trên vai hạ xuống, có người quang gánh lõng thõng để ngoài thềm, cái thừng và chiếc nõ xỏ mũi trâu lăn lóc trong đám cỏ làm như đương đi đuổi trâu. Nhưng ai đấy có khôn mà chẳng ngoan. Sợi thừng gác bếp còn rơi ra cả tảng bồ hóng. Biết tẩy nhau cả. Mọi người nhìn nhau chỉ nhớn nhác một cái và lặng lẽ quay mặt đi”.
Những con người giả dối, vô liêm sỉ như vậy mà lại xúm vào bắt tay làm cuộc cách mạng long trời lở đất là tiêu diệt giai cấp địa chủ và đưa nông dân lên địa vị chủ nhân ông ở nông thôn thì khác nào dắt cướp về làng tàn phá và giết chóc.
[còn tiếp]
---------------------------
* nguồn: blog nhattuan
[còn tiếp]
---------------------------
* nguồn: blog nhattuan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét