KỲ 27
(tiếp theo)
Theo quy trình “phóng tay phát động quần chúng”, khi cán bộ đội về làng bước đầu tiên thăm nghèo, hỏi khổ, tìm cho ra người nghèo khổ nhất làng để bắt “rễ” tức là vác ba lô tới “ba cùng”, ôn nghèo, nhớ khổ từ đó tìm ra người nghèo khác gọi là “chuỗi” hợp thành đám cốt cán của đội, sau này sẽ chia nhau nắm giữ các chức vụ quan trọng ở trong làng.
Lý
thuyết vậy, nhưng ông Đội phó Bối xuống xóm lại chọn ngay nhà lão Diệc
cắm chốt vì lão có đứa con gái hơ hớ. Đã chót bóp vú con gái người ta
rồi ông Đội phó đành chọn bố cô gái, tức lão Diệc làm “rễ”. Trớ trêu,
lão Diệc lại có bố vợ là Phó Thìn vốn có ngót mẫu ruộng, có bát ăn bát
để, có nguy cơ bị kích lên thành địa chủ.
Lão
Diệc mồ côi từ nhỏ, lớn lên làm công cho nhà lão Thìn, lão này có đứa
con gái Út bị “xi cà que” tên là Khoèo, chẳng gả được cho ai, tốt nhất
là gán cho thằng Diệc. Thế là được bố vợ cho một dẻo đất làm nhà, thằng Diệc cõng cô Khoèo về chung sống
đẻ ra cô Thơm. Ông Đội phó Bối bắt rễ vào lão Diệc, lại cả ngày cứ cặp kè với cô con gái nên mãi vẫn chưa tìm ra ai là địa chủ khiến tên Đội
trưởng Cự phải mắng:.
“Đồng
chí đã biết “ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”, tố khổ cả tháng mà
không tìm ra địa chủ, cái thằng rễ không mở mồm vạch thằng bố vợ gian ác
một câu thì còn ai dám nói. Thằng Diệc được bồi dưỡng thế nào mà vẫn là
cái đụn rạ, họp thôn không ấp úng
nói đủ được câu “thưa toàn thể đồng bào”, người ta xỏ lá phản ánh lên
là cốt cán ăn nói khinh nông dân. Tôi biết hết, chẳng cần báo cáo của
đồng chí đâu. Việc xóm nào không qua được mắt này".
Thế là lấy cớ tăng cường cho Đội phó, gã Đội trưởng Cự dọn ngay về nhà lão Diệc và "chớp” ngay cô Thơm, nẫng tay trên của
ông Đội phó. Do lão Đội trưởng Cự làm mạnh tay, cụ Phó Thìn “một lão
già tám mươi tuổi heo hắt như cái dây khoai, mắt thong manh mù dở, khoèo
chân không duỗi ra được” bị quy thành địa chủ, bị bắt giam và bị đưa ra
pháp trường đấu tố:
“Sớm
hôm sau, bốn người đeo súng trường vào chỗ giam địa chủ Thìn. Người nào
cũng hăng hái, sững sờ khác thường như vừa có chén rượu. Tôi đứng giữa
nhà, nhìn bao quát. Hai người mở chốt cũi. Đũng quần lão già đầy kẹp
cứt, cả gian âm u ẩm ướt thối không chịu được. Mấy người nhà xúm lại
khóc rưng rức, đỡ lão Thìn.
Tôi hét:
- Cút ra đằng kia!
Một
dân quân vào bếp lấy ra cái đòn ống. Trưởng thôn Cối ở đâu xồng xộc
chạy vào, cúi xuống, lột cái áo vét đã đen địa chủ Thìn đương mặc, ngẩng
lên cười hê hê: “Để cho mày khỏi vướng …”. Rồi xỏ tay vào mặc áo luôn…”.
Cảnh đấu tố sau đây là tiêu biểu và phổ biến tại khắp làng thôn miền Bắc vào thời kỳ đen tối của lịch sử đó:
“Bãi
mít tinh đông nghịt người. Giữa đám, những tàu dừa kết thành hàng rào
xanh trang trí sau bàn tòa án. Cuộc đấu nổ liên tiếp, khi địa chủ Thìn
vừa được đặt xuống ngồi tựa vào cái cọc. Người chạy lên chạy xuống, tới
tấp.
- Mày có biết tao là ai không?
Thế nào mà tiếng lão già sắp chết này vẫn nói sang sảng:
- Thưa bà nông dân… tôi không biết…
- Tao đi ở cho cháu mày.
- Thế thì tôi không biết thật ạ.
- Mày lấy roi cặc bò đánh tao. Đả đảo địa chủ!
Rồi
hớt hải chạy xuống giữa tiếng đả đảo cuồn cuộn trong đám người… Lão Thìn
lả người, lăn quay ra giữa bãi đống văn tự, giấy tờ, sổ sách chữ Tây
chữ ta trong nhà lão khuân ra đốt, khói un lên, tàn than lả tả bay như
đàn bướm đen. Những tiếng quát rộ lên: Không cho nó nằm! Nó nằm sập gụ
cả đời rồi! Bắt nó đứng! Bắt nó… Địa chủ Thìn bị xốc lên, trói hẳn vào
cái cọc đã chôn sẵn. Đầu lão ngật đi. Chốc chốc lại ỉa tháo ra cái quần
đã tụt võng hẳn xuống hai đốt chân bằng cái ống nứa…”.
Nhưng kinh khủng nhất là cảnh con rể lên tố khổ bố vợ, cháu gái vác súng chuẩn bị bắn ông ngoại:
“…Giữa
những tiếng láo nháo hô đả đảo, bác Diệc run run bước lên. Mặt tái
ngoét như con gà cắt tiết. Tổ dân quân mấy xóm dàn hàng ngang. Đơm khoác
súng đứng hàng đầu… Bác Diệc chỉ tay vào địa chủ Thìn:
- Tao thù mày! Tao thù…
Rồi khóc rống lên, chạy xuống. Đội trưởng Cự xô ngay ra trước loa, quát to:
- Hôm nay là ngày thắng lợi của giai cấp nông dân chúng ta, cấm không ai được khóc”.
Cái
ngày “đại thắng của nông dân” đó cũng là ngày không biết bao nhiêu
người đã ngã xuống chết tức tưởi, chết trong la hét, chửi rủa của đám
đông bị kích động một cách mù quáng:
“Cả
nghìn con người lại im như tờ. Khi một loạt tiếng súng tỏa khói xanh um
lên, đám đông ở dưới đẩy nhau chạy. Ai cũng khiếp tiếng nổ. Người hãi
máu, bịt mắt lại. Người nhốn nháo ra các ngả. Tiếng trống cà rùng của
đội thiếu nhi nổi lên khua rầm rầm, vang vang. Thế là địa chủ Thìn chết...”.
Cụ
Thìn chết oan uổng, chết nhục nhã khi cả con rể, cả cháu ngoại đều
đứng trong hàng ngũ những kẻ hành hạ cụ. Duy nhất chỉ có cô con gái – bà
Khoèo, vợ thằng “rễ” Diệc và mẹ cô “chuỗi” Thơm vì quá thương xót bố và
căm thù bọn tội phạm đã lao đầu vào cối đá tự tử.
“Người thứ ba” – hay “cán bộ đội “thứ ba tên Đình, lại cũng chẳng tử tế gì. Theo đánh giá của chính Đội phó cải cách:
“Mà cái thằng Đình cũng ác ôn ra trò, phét lác một tấc đến trời, lại tỏ vẻ lý sự, đạo đức, phải phết nó một đòn bịt mồm”.
Cũng
giống như ông Đội phó, cán bộ Đình vừa xuống xóm đã gạ ngay được cô cốt
cán tên Duyên để rồi cô này sang tay Đội phó và sau cùng cả cô Thơm lẫn
cô Duyên đều lọt vào tay Đội trưởng cải cách.
“Ba người khác” của Tô Hoài đưa ra một bức tranh khá toàn cảnh công cuộc
cải cách ruộng đất, đặc biệt đi sâu khắc họa chân dung những cán bộ
Đảng thực thi cuộc “cách mạng ruộng đất” ấy. Do cách lựa chọn trung
thành với Đảng, đứng vững trên lập trường Mác Lênin nên những kẻ được
chọn đều là bọn lưu manh, trộm cướp, thất học. Đó là tình trạng phổ
biến được nhà văn Tô Hoài khắc họa một cách chân thực và sinh động. Và
đó cũng là đóng góp lớn nhất của tiểu thuyết “Ba người khác” cho đề tài
cải cách ruộng đất – đề tài mà văn học và nghệ thuật chắc chắn còn đề
cập tới trong những tác phẩm ngày càng sâu sắc hơn, dũng cảm hơn, phơi
bày toàn bộ thực chất cuộc vận động “người cày có ruộng”, minh oan cho
hàng trăm ngàn oan hồn hiện vẫn còn vất vưởng, chưa được siêu thoát vì
những tên tội đồ vẫn chưa bị trừng phạt.
Mặc
dầu bấm bụng cho phép xuất bản cuốn “Ba người khác” của Tô Hoài, nhưng
“trên” vẫn chỉ đạo ngầm báo chí, nhất là báo Đảng không được tuyên
truyền rùm beng, tốt nhất là tảng lờ, báo nào viết bài về cuốn sách này
thì nhất thiết phải… chê.
Nghiêm chỉnh vâng theo chỉ thị đó, báo Sài Gòn giải phóng số ra ngày số ra ngày 28-1-2007 đăng bài “Đọc tác phẩm “Ba người khác” của nhà văn lão thành Tô Hoài" của Trúc Anh chê bai kịch liệt
với ý là nhà văn Tô Hoài chơi trò "chạy tội” khi chính ông đã từng là
Chánh án Tòa án nhân dân, là Đội phó Đội cải cách vậy mà bây giờ chưa có
lời sám hối nào với nạn nhân trong cải cách ruộng đất, mà còn đổ hết
tội cho anh Đội trưởng, còn mình chỉ là anh Đội phó hám gái, chỉ thừa
hành lệnh cấp trên.
KỲ 28
(tiếp theo)
Trước hết, ông Trúc Anh cho rằng “bi
kịch về những sai lầm trong cải cách ruộng đất ở Ba người khác, với
những người quan tâm hoặc hiểu biết về nó, đều đã quen thuộc. Có lẽ cũng
biết điều này, để tránh sự “quen thuộc”, nhà văn Tô Hoài đã chọn cách
viết tác phẩm từ lời kể của tên tội phạm, khác với những tác giả trước
đây, viết với tư thế là nạn nhân, pháp quan, thầy đời v.v…".
Cách lựa chọn “khôn ngoan” của Tô Hoài bị Trúc Anh riễu cợt:
“Và
sự lựa chọn này đã khiến Ba người khác ngay lập tức được các nhà phê
bình, nhà văn “tài cao, đức trọng”, tôn vinh nhiệt liệt như đón chào
ngôi sao rực sáng trên bầu trời văn chương Việt Nam…”.
Từ đó, Trúc Anh “lật tẩy” thái độ của Tô Hoài với cải cách ruộng đất:
”bằng thứ giọng bình thường hóa tội ác, toàn bộ lời kể của Đội Bối,
trong Ba người khác, không chỗ nào tỏ ra đau khổ hay sám hối".
Và quy trách nhiệm cho Đội Bối mà thực chất là Tô Hoài:
“Không
biết khi kể chuyện, Bối đã hết chất lưu manh, dối trá hay chưa, nhưng ở
cái xã và các xã đang “thổ cải” thời kỳ ấy, những nơi mà mầm mống nhân
tính đã bị chính những người như họ tiêu diệt thì chắc chắn không thể có
một ông Đội Bối vô can, và bây giờ lại uốn éo thanh minh rằng mình cũng
chỉ là nạn nhân…”.
Trúc Anh kết tội Tô Hoài chỉ chăm chăm vào chuyện dâm dục:
“Trong Ba người khác, chuyện tình dục tội lỗi được kể bằng thứ ngôn ngữ
chính xác, khoái cảm hả hê, tâm đắc. Chỉ với 250 trang sách mỏng, những
cảnh hoang dâm, quần dâm diễn ra thường xuyên, mọi lúc mọi nơi: Ba anh
Đội: Cự, Bối, Đình thay nhau, nhường nhau làm tình các nữ dân quân, bần
cố nông “rễ, chuỗi”: Đơm, Duyên…bất kể ban đêm, ban ngày, trước, sau
lúc hội họp, lúc đấu tố; làm tình ngay bụi cây bên đường làng, bên đống
rạ trong sân; làm tình cô Đơm trước người mẹ tàn tật, làm tình cô Duyên
bên ông bố điếc; Đội Bối quần dâm với nhiều nữ dân quân trong một đêm ở
lán gác…”.
Nhưng
có thực trong những ngày “long trời lở đất”, tức những ngày nông thôn
chìm đắm trong không khí khủng bố, đàn áp thời cải cách; chuyện sex, tức
chuyện “dâm dục” có nổi lên tràn lan vậy, hay chỉ là cái cách nhà văn
Tô Hoài phóng đại để làm lu mờ những chuyện khác?
“Trong
Ba người khác, Đội thấy gái và gái thấy Đội, bất cứ hoàn cảnh nào, cũng
như lũ cuồng dâm vồ nhau làm tình, không hề từ tình cảm mà chỉ từ động
dục, đổi chác, lợi dụng nhau... giữa làng xã tiêu điều, đói khát, oan
khốc, đấu tố tùy tiện. Viết về tình dục và dâm đãng để tạo ra sự rùng
rợn về một loài kinh tởm hơn cầm thú và man di mọi rợ chưa từng có trong
xã hội loài người, thì Ba người khác quả là “ép phê”.
Tác giả bài báo đặt câu hỏi nghi ngờ anh “Đội Tô Hoài “ tố điêu:
“Nhưng
người đọc buộc phải ngờ anh Đội Bối “tố điêu”, vì chắc chắn cái hiện
thực hoang dâm hủ bại ngập ngụa trên, chỉ có trong trí tưởng tượng ác
độc, vô luân của bọn tố điêu, chứ không thể có ở làng quê Việt Nam bất
cứ thời kỳ nào. Cái giỏi của nhà văn lớn Tô Hoài chính là ở chỗ này: Vừa
làm cho Ba người khác trở thành tác phẩm ăn khách mà vẫn tiếp tục lột
trần Đội Bối, cà cuống chết đến đít còn cay, đã thất bại thảm hại, rơi
xuống dưới đáy xã hội mà vẫn nguyên vẹn bản chất dối trá, lưu manh của
anh Đội Bối ngày xưa”.
Và
dẫu anh Đội phó Bối có chìm ngập trong những chuyện dâm dục, đổ hết
tội cho Đội trưởng Cự, nhưng cái chức Chánh án của anh (cũng là của Tô
Hoài) đã tự tố cáo anh:
“Trong
Ba người khác, đội phó Bối, kiêm chánh án, không chỉ dùng “nghệ thuật”
hoang dâm (vì ngày nay, hoang dâm đang được nhìn nhận là “đổi mới tư
duy”) để bình thường hóa tội ác, mà còn trút hết mọi tội ác diễn ra ở xã
thời cải cách, lên đầu đội trưởng Cự, một kẻ theo địch, đã chết, chẳng
bao giờ có cơ hội viết tự truyện để bào chữa cho mình, đổ tội sang người
khác, và nói thêm: Hàng nghìn vụ xử án, kết án oan “kẻ thù giai cấp”
hồi đó đều không thể thiếu chữ ký của chánh án Bối".
Tác
giả bài viết cho rằng Tô Hoài muốn chạy tội cho mình trong cuốn “tự
truyện” này, đổ hết lỗi cho người khác cho dù thời cải cách ruộng đất
ông đã làm tới chức… Chánh án Tòa án nhân dân:
“Song đỉnh điểm cao thâm của nhà văn lớn Tô Hoài trong Ba người khác lại
ở chỗ, vừa rút hết vốn sống của người trong cuộc, viết ra loại sự thật
đáp ứng được khẩu vị và sự hiếu kỳ, khiến người đọc, nhất là các nhà phê
bình đang muốn nổi của nền văn học Việt Nam, phải trầm trồ tâm phục
khẩu phục, ông đồng thời vẫn tách bạch được sự thanh cao, thánh thiện
bằng giọng văn dưng dửng, biếm biếm, như mình hoàn toàn là người ngoài
cuộc, nên cùng lúc, ông cũng được ca ngợi là khách quan, dũng cảm khi
dám mổ xẻ, phanh phui đến tận cùng một đề tài nhạy cảm”.
Và
chính vì lối “chạy tội” đó, Tô Hoài đã không dám chỉ đích danh thủ phạm
gây nên thảm trạng cải cách ruộng đất chính là Đảng và Nhà nước mà là
do người của… địch cài vào:
“Bi
kịch cải cách ruộng đất ở xã nọ kết thúc có hậu, kèm theo lời giải đáp
“đúng hướng” về nguyên nhân đẻ ra sự xáo trộn làng quê kinh hoàng: Đội
Cự có vẻ như do địch cài vào, Đội Bối là đảng viên giả mạo, còn Đội
Đình, đảng viên thật sự, chỉ có mỗi tội lãng mạn không tưởng”.
Vậy
là đảng viên Tô Hoài và Đảng cộng sản của ông là… vô can, lỗi là ở “kẻ
xấu” chui vào hàng ngũ ta. Để thực hiện được “ý đồ chạy tội “ đó, Trúc
Anh đã tố cáo Tô Hoài dùng mẹo “ve sầu thoát xác”:
“Nhiều người bảo Ba người khác đã mở ra diện mạo mới cho văn chương Việt Nam.
Nói như thế là chưa thấy hết tầm cỡ của Tô Hoài, chưa hiểu thế nào là
thuật kim thiền thoát xác. Đọc xong Ba người khác, không nhìn ra người
thứ tư, một anh Đội Bối B, sau cải cách, sau sửa sai, vẫn tiếp tục được
thăng quan tiến chức, hưởng ngập mặt những bổng lộc, quyền lợi, nhờ cải
cách ruộng đất, và đến tận cuối đời, chứng khôn ranh vẫn nguyên vẹn, vẫn
thu hút được quanh mình đủ loại “chuỗi, rễ” đời mới, là chưa hiểu hết
cái sâu xa, cái vô cùng của tác phẩm…”.
Anh
Đội Bối B chẳng phải ai khác, chính là nhà văn Tô Hoài, sau cải cách
vẫn thăng quan trong Hội nhà văn, vẫn “lập kỷ lục quốc gia” về… số lần
đi nước ngoài.
*
* *
Bài “Đọc tác phẩm “Ba người khác”
của nhà văn lão thành Tô Hoài “ của Trúc Anh rõ ràng lên án nhà văn Tô
Hoài với lời lẽ thật quyết liệt, sâu cay, vậy mà chắc do “trình độ có
hạn”, hoặc đầu óc lú lẫn vì đấu đá nội bộ, ông NTK Vụ trưởng Vụ báo chí
“hồi ấy” đọc xong lại “nhầm tưởng” là… bài báo quá khen “Ba người khác"
của Tô Hoài, trái với chỉ đạo của Ban tư tưởng là không được khen, chỉ
có… chê. Lập tức ông nổi giận đùng đùng, tại cuộc giao ban báo chí ngày
6-2-2007, ông lên giọng “lãnh đạo”:
“Nếu
ý của tác giả là phê phán cuốn sách thì tự bài viết đã bộc lộ sự non
tay, né tránh và sơ hở, nhiều đoạn trong đó vô hình chung ca ngợi tác
phẩm một cách quá lời. Nhìn toàn cục, bài viết nhập nhằng giữa khen và
chê, chê qua loa nhưng khen thì quá rõ…”.
Và rồi ông Vụ trưởng Vụ báo chí kết cho tác giả Trúc Anh và báo Sài Gòn giải phóng cái tội “chết người”:
“ …thiếu tính định hướng…”.
Trong
làng báo Việt Nam, đây là tội nặng nhất, báo chí có thể đưa tin sai
lệch, thiếu chính xác, nhưng “thiếu định hướng” tức là cãi bướng, không
tuân theo sự chỉ đạo của "Ban tư tưởng” là…chết.
Mặc
dầu thừa biết là thủ trưởng “phán láo”, kết tội oan uổng nhưng mấy ông
Tổng biên tập vẫn ngồi im thin thít, không ông nào dám cãi lại. Bởi lẽ
im lặng là vàng, anh nào dám ho he cãi lại cấp trên thì coi chừng, mất
ghế có ngày. Biên bản cuộc họp giao ban này chắc được giấu biến để khỏi
tới tay lão nhà văn Tô Hoài tránh cho ông nổi giận rất có hại cho sức
khỏe người già.
Dẫu
sao, dù Tô Hoài có “chạy tội” hay không, “Ba người khác” vẫn là một dấu
son trong sự nghiệp, vẫn là cuốn tiểu thuyết phản ánh chân thực, lên
án mạnh mẽ cuộc cải cách ruộng đất do Đảng phát động, mà hơn nửa thế kỷ
đã trôi qua, nay vẫn còn là vùng đất cấm đối với các nhà văn ăn bổng lộc
của Đảng.
Ngày
xưa ở Hà Nội hồi trước 1954, hàng năm vẫn tổ chức đua xe đạp quanh bờ
hồ. Trong các cua-rơ – vận động viên đua xe – nổi lên một người được
gọi đầy thiện cảm là “cua-rơ Bát Già”. Xấp xỉ tuổi 70, sức đã yếu so với
đàn em trẻ, nhưng cua-rơ Bát Già vẫn bền bỉ bám đường đua, nhất định
không bỏ cuộc, vẫn cán đích trong tiếng vỗ tay râm ran của hàng ngàn
người hâm mộ cho dù cuộc đua đã kết thúc. Hình ảnh lão nhà văn Tô Hoài
ngoài 90 tuổi vẫn miệt mài cầm bút gợi nhớ tới cua-rơ Bát Già ngày xưa.
Kính chúc bác Tô Hoài sống lâu trăm tuổi để còn viết nhiều và viết hay
hơn nữa.
18-4-2012
KỲ 29
NHÀ VĂN NGUYỄN KHẢI
Tôi có cơ may gặp nhà văn Nguyễn Khải từ thời lý tưởng cộng sản
còn mê hoặc lòng người đến mức tôi đang là học sinh tốt nghiệp lớp 10, học
sinh cá biệt, hạnh kiểm 3 vì nói năng nhăng nhít, cấm cửa đại học phải lên rừng
núi Tây Bắc lao động dài hạn, ấy vậy mà chỉ hai năm sau, tôi đã trở thành
“chiến sĩ thi đua toàn quốc”, được bác Hồ tặng bằng khen, được cử đi dự Đại hội
lên hoan chiến sĩ thi đua toàn quốc lần 3 ở Hà Nội, và ở đây tôi vinh dự được
gặp nhà văn Nguyễn Khải.
Hồi đó tôi ngồi hàng ghế gần Chủ tịch đoàn, ngồi hàng ghế sát tôi là hai ông trạc 30, trắng trẻo, đẹp
trai, đang ghé tai nhau thì thào chuyện gì đó. Sau mới biết đó là nhà thơ Việt
Phương, thư ký Thủ tướng Phạm Văn Đồng đang nhờ nhà văn Nguyễn Khải góp ý bản
nháp “Thư gửi đồng bào miền Nam” của
đại hội.
Họp xong, tôi lại lên Tây Bắc làm thằng thợ rừng còn Nguyễn
Khải vẫn ở Hà Nội trong hào quang nhà văn
quân đội danh nổi như cồn.
Trong đoàn “lực sĩ” chạy marathon trên
“đường cách mệnh” nhằm
tới cái đích xa vời là chủ nghĩa hiện
thực xã hội chủ nghĩa: Vũ Tú Nam, Hồ Phương, Nguyễn văn Bổng, Nguyễn
Trọng Oánh, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Anh Đức… có một “đại kiện
tướng” vừa bền bỉ không mệt mỏi vừa
khôn ngoan luồn lách qua mọi chướng ngại
vật, vừa “nhát sợ” phòng thân để về đích lĩnh ân sủng của Đảng: Giải
thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật
– đó là nhà văn Nguyễn Khải.
Ông sinh năm1930, ở Hà Nội, cha là tri huyện, mẹ là vợ bé,
thủa nhỏ sống nhiều với mẹ ở quê ngoại Hưng Yên . 17 tuổi làm y tá cho một đơn
vị bộ đội địa phương. 19 tuổi làm phóng viên báo tỉnh Hưng Yên. 21 tuổi làm báo
“chiến sĩ” Quân khu 3. Sau hòa bình, 26 tuổi về công tác ở tạp chí Văn Nghệ
Quân đội. Nhiều năm là Ủy viên chấp hành Hội nhà văn.
Cứ xem quá trình "công tác” đủ thấy suốt đời ông là một thư
lại, lính văn phòng, đeo chữ thọ sau lưng, chưa một ngày đặt chân vào chiến
trường khiến ông trở nên nổi tiếng trong hai câu thơ dân gian khi ông viết “Bút
ký Hòa Vang” lấy tài liệu từ các bản thành tích thi đua từ trong Nam gửi
ra:
“Hòa Vang nào ở đâu xa
Hòa Vang là ở ngay nhà đó
em..”.
Truyện ngắn đầu tay của Nguyễn Khải là “Ra ngoài”, “Xây dựng” chẳng có giá trị gì. Năm 1956 viết tiểu
thuyết “Người con gái quang vinh” nữ anh hùng Mạc thị Bưởi chìm nghỉm ngay khi mới xuất bản. Chỉ đến
tiểu thuyết “Xung đột “ – phần 1 năm 1956 và phần 2 năm 1960, danh tiếng Nguyễn
Khải mới nổi lên rầm rĩ trên bầu trời văn học cách mạng vốn còn rất
thưa thớt sao.
Sau “Xung đột”, Nguyễn Khải viết chừng hơn 20 đầu sách khác
nữa, nhưng nhắc tới ông người ta vẫn chỉ nhắc tới “Xung đột” như là một trong
những đỉnh cao trong sự nghiệp được nhà phê bình chính thống “gạo cội”, Giáo sư Phan Cự Đệ
tâng bốc:
”Từ nhiều năm nay, với
tư cách là một nhà văn quân đội, Nguyễn Khải luôn luôn có mặt ở những vị trí
hàng đầu của cuộc sống. Tác phẩm của anh phản ánh những mảng hiện thực mang
tính thời sự nóng bỏng, đồng thời vẫn nêu lên được những vấn đề triết học, đạo
đức có tầm khái quát cao. Tài năng và phong cách
Nguyễn Khải bắt đầu hình thành và khẳng định từ khi Xung đột – tập I được giới
thiệu lần đầu tiên trên tạp chí Văn Nghệ Quân đội năm 1957…”.
“Xung đột” – tập 1 viết về cải cách ruộng đất và sửa sai tại một làng công giáo toàn tòng – thôn Hỗ
thuộc Giáo phận Bùi Chu. Xưa nay viết về
đề tài cải cách ruộng đất, thông thường các nhà văn miền Bắc có hai chọn lựa:
- Hoặc diễn tả nó như là cuộc đấu tranh giai cấp với mâu thuẫn
đối kháng, địch ta: một bên là nông dân, một bên là địa chủ, cường hào đại
gian đại ác. Cuộc đấu tranh này là “một mất một còn”, ranh giới địch – ta rõ
ràng và tuyệt đối. Viết theo lối này các nhà văn được đeo chữ thọ sau lưng, rất
an toàn và được “bảo hiểm” bởi lẽ họ thả sức bôi xấu phe địch – tức địa chủ và
thoải mái ca ngợi phe ta – tức nông dân được Đảng phóng tay phát động. Tuyệt đại
đa số các nhà văn cây đa cây đề đều theo lối viết này: “Nông dân với địa chủ” của Nguyễn Công Hoan, “Con trâu” của Nguyễn Văn Bổng, “ Mẹ con đồng chí Chanh” của Nguyễn Đình Thi. Mặc dù được báo chí của
Đảng khen “kịp thời, kịp thời” nhưng
tất cả đều đi vào bến lú sông quên chỉ
vài tháng sau khi xuất bản.
- Hoặc diễn tả nó như là một cuộc đấu tranh “nội bộ nhân dân” –
tức đi sâu vào chuyện “nhất đội nhì trời”, chuyện “con tố cha, vợ tố chồng”,
chuyện “án oan biết oán ai”…. Viết theo lối này nhất định dễ “ăn đòn” bởi
tội “nói xấu cách mạng”, chê Đảng lúc
nào cũng tự nhận sáng suốt mà sai be sai bét.. Đi theo con đường dễ vỡ nồi cơm
này có rất ít người và thường là “thân tàn ma dại” như Vũ Bão với “Sắp cưới” , Hoàng Tích Linh với “Cơm mới”, Nguyễn Khắc Dực với “Chuyến tàu xuôi”. Gần đây có cởi mở hơn,
viết về cải cách ruộng đất theo kiểu “mâu thuẫn nội bộ” như “Dòng sông mía” của Đào Thắng còn được
tặng thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 2005.
Tất nhiên khôn lõi đời như Nguyễn Khải chẳng dại gì chọn kiểu
viết thứ hai – tức diễn tả cải cách
ruộng đất như là cuộc đấu tranh “nội bộ”
nhân dân – tức mâu thuẫn để đi tới thống
nhất – dễ bị quy chụp, dễ bị ăn đòn là
thứ Nguyễn Khải tránh cho thật xa.
Vậy thì tốt nhất chọn lối viết thứ nhất tức diễn tả mâu thuẫn
đối kháng, có tao không có mày, ta nhất định thắng, địch nhất định thua, và để
an toàn hơn thế nữa, Nguyễn Khải không chọn chiến tuyến đối lập địa chủ với
nông dân như các nhà văn cây đa cây đề mà chọn tuyến đối lập có tính đối kháng : một
bên là bọn phản động đội lốt tôn giáo với bên kia là những nông dân nòng cốt
cách mạng, trung kiên, một lòng theo Đảng.
Bởi thế tiểu thuyết Xung
đột – Tập 1 của Nguyễn Khải thực ra là chuyện đấu tranh “địch ta” kiểu “câu
chuyện cảnh giác"được vẽ vời công phu bằng văn chương câu khách.
Xung đột – Tập I xảy ra vào năm 1956, cuộc cải cách ruộng đất
vừa hoàn thành với bao sai lầm và làng thôn bắt đầu sửa sai theo hướng dẫn của
cấp trên. Tuy nhiên cái sai lầm cải cách ruộng đất ở đây không phải do Đảng
nhắm mắt học theo kinh nghiệm Trung Quốc, quy định tỷ lệ địa chủ để cố ép tìm
ra cho đủ số – viết như vậy dễ “vỡ nồi cơm”, Nguyễn Khải lái thủ phạm gây nên
bao sai lầm trong cải cách sang các… cha
cố.
Ông lu loa rằng khi Đội cải cách về làng, cha xứ đã ngầm gài
người cho đội “bắt rễ” và trở thành chỗ
dựa cho Đội, từ đó tố oan cho những cán bộ cốt cán của Đảng để đến nỗi họ bị xử
trí như Môn, xã đội trưởng, Thụy, cán bộ xã… có người còn bị xử tử như Rỹ, Bí
thư Chi bộ… Bao nhiêu tội lỗi đều do… nhà thờ gây ra cả, cách mạng chỉ có… mất
cảnh giác chút thôi.
Thực chất trong Xung đột – tập I Nguyễn Khải đã bẻ queo sự thực
lịch sử, chạy tội cho Đảng trong việc
bắn giết cả những đồng chí của mình, trút tội giết người đó sang… âm mưu thâm
độc của Nhà thờ chứ không phải do sự ngu dốt sai lầm trong đường lối cải cách
ruộng đất.
Trên cái “bệ đỡ an toàn” đó, Nguyễn Khải tha hồ phóng bút trách
gì nhà phê bình Phan Cự Đệ chẳng tấm tắc khen:
”Người đọc như bị hút
vào những sự kiện nóng bỏng trong những năm khôi phục và cải tạo kinh tế: cuộc
đấu tranh giai cấp và đấu tranh trong nội bộ nhân dân diễn ra căng thẳng, ác
liệt và vô cùng phức tạp vào khoảng cuối năm 1956 ở một số vùng đạo gốc tỉnh
Nam Định, khi Đảng ta tiến hành sửa chữa những sai lầm trong cải cách ruộng đất
và bắt đầu cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp”.
Chơi trò lập lờ đánh lận con đen, xúy xóa sai lầm của Đảng
trong cải cách ruộng đất, trách gì Xung đột – tập I chẳng được cả một hệ thống
tuyên truyền của Đảng kéo lên mây xanh ngay trong thời gian Đảng đàn áp văn nghệ sĩ, khét lẹt nhất qua vụ
Nhân Văn Giai Phẩm. Trong khi những tác phẩm phản ánh được chút ít hiện thực
khách quan như những truyện ngắn và thơ
trong nhóm Nhân Văn Giai phẩm, tiểu thuyết “Vào đời” của Hà Minh Tuân, “Phá
Vây” của Phù Thăng, kịch của Hoàng Tích Linh, Nguyễn Khắc Dực… bị đòn vọt
thì hàng loạt tác phẩm của Nguyễn Khải cứ nối đuôi nhau ra đời trong sự reo
mừng, tâng bốc của cả một bộ máy các nhà phê bình văn học của Đảng.
Mở đầu “Xung đột” – Tập
1, Nguyễn Khải chơi trò “giật gân” miêu tả một “sự kiện động trời” ngay khi
làng xã mới bước vào đợt “sửa sai” sau cải cách ruộng đất. Đó là “Đại hội công giáo tám xứ toàn miền” với
đủ các gương mặt của “phe đối nghịch”
tức toàn bộ các gương mặt “phản động” của nhà thờ cùng các con chiên bị dụ dỗ
và mê hoặc họp thành một mặt trận, một chiến tuyến chống lại chính quyền cách
mạng. Đánh vào trí tò mò của độc giả vậy, trách gì cuốn sách không hấp dẫn?
Bộ chỉ huy của lực
lượng chống đối này gồm toàn những người khoác áo choàng thâm. Trước hết là tu
sĩ Thịnh, “hoạt động phần đời nhiều hơn
là phần đạo…Thầy không phải là người tu tầm thường mà là một người hoạt động
chính trị xuất sắc. Năm nay thầy mới hai mươi tám mà năm hai mươi bốn đã làm
tới trưởng khu Cao Mại, một tay xây dựng hai mươi bảy ban xã ủy, lãnh tụ liên tôn diệt cộng toàn
khu…”.
Rồi đến cha Vinh là
người đã “mang quân từ Phát Diệm về đốt
trụi xóm, lấy thóc của nhà xứ, thóc của dân đổ đầy hàng trăm chiếc thuyền đậu
kín như lá tre ở cống Cả, đã quay điện con ông Thiềm bây giờ nửa sống nửa
chết, đã ngủ với cô Mến có thai ba tháng, thuốc độc chết ông trùm Thúy… Rồi thì
cha Thịnh dẫu được “đi Hà Nội họp, ăn một ngày bảy tám cân*, được gặp cả Hồ Chủ tịch” ấy vậy mà khi trở về giáo xứ lại dấu mặt
tổ chức đại hội công giáo, xui con chiên:
”Bây giờ các nơi công giáo đều nổi dậy cả rồi, chúng ta phải đòi công
giáo tự trị… chiến tranh tàn khốc, chế độ đổi thay, chỉ có đạo Chúa là không gì
diệt nổi…”.
Tóm lại các tu sĩ đều
là loại núp áo choàng thâm làm việc xấu xa, bỉ ổi, gây họa cho dân cả. Chẳng
hiểu khi bôi bác nhà thờ như vậy, Nguyễn Khải có khi nào nghĩ một thời mình
cũng từ đó mà ra?
KỲ 30
(còn tiếp)
Trong đám tay chân đắc lực của các cha phải kể đến cô Lý,
đẹp nhất nhì trong làng, nhưng lại “làm ruộng không biết, đi buôn không vốn,
hoạt động đoàn thể cũng không nốt, nào ai biết cô ả làm gì, chỉ thấy đi suốt
ngày đi cả đêm. Thời tạm chiếm Lý là tay
đưa tin đắc lực của đại đội cha Báu, từ ngày cha Vinh về thì lại là tay chân
thân cận của ông Vinh… đặc biết có cảm tình với tu sĩ Thịnh…”.
Tay chân đắc lực cho các cha còn có anh Quảng, con trai phó
trưởng xứ “mười bảy tuổi đã sung vào đội
quân của cha Báu, mười tám tuổi chuyển qua đội quân com-măng-đô, ít lâu sau
được cử làm người hộ thân cho viên quan
năm chỉ huy quân sự miền hạ Nghĩa Hưng…". Khi bàn đến việc đánh cán bộ, Quảng
hăng hái:
”Nó có dao sắc mình cũng
có dùi bén. Một trăm người không đánh nổi vài đứa à? Có cần tử vì đạo tôi cũng
xin dâng mình…”.
Tóm lại, phe “phản cách mạng” nhân danh Chúa đều gồm những con
người ghê gớm, dạn dày kinh nghiệm chống nhà nước cộng sản.
Bên phía cách mạng có Thụy là đội trưởng du kích, mặc dù bị
truy ép tàn khốc trong cải cách ruộng đất vẫn khăng khăn :
”Làm việc vì Đảng, đừng
làm cho người ta khen. Những kẻ có ác ý không biết nhưng Đảng tối cao, thiêng
liêng sẽ biết, sẽ dành phần thưởng sau này…”.
Có Môn, xã đội phó, là một trong bốn người bị giáo Thịnh bố trí “kích” lên thành
đầu sỏ Quốc dân đảng ở xã. Sau khi hai trong bốn người đó, một bị xử bắn, một
tự tử, Thụy và Môn mới được tha bổng và phục chức cũ. Chính quyền xã lúc này
đang “non yếu”, dân quân du kích phần lớn là giáo dân tin theo nhà thờ, xã đội
trưởng thì mải đi buôn, Chủ tịch xã là chị Nhàn thì lại hay bận đi… họp huyện.
Thế là sau vài ngày họp trù bị, bầu không khí thù ghét cải cách ruộng đất, thù
ghét Đảng và Nhà nước trong đại hội công giáo đã dâng tới mức các giáo dân hô
khẩu hiệu chống cộng:
“Đả đảo đội cải cách
ruộng đất".
“ Đả đảo”.
“Đả đảo chính sách của
Đảng Lao Động…”.
“Đả đảo”…
Tới lúc đó cha Thuyết mới chính thức ra mặt chủ trì “đại hội công giáo toàn miền” đòi lôi cổ
những người đã tố cha Vinh ra đại hội để hỏi tội. Nực cười thay, đứng giữa
đại hội, anh nông dân tên Hạ đã không thanh minh cho cha Vinh thì chớ, ngược
lại còn tố cáo cha:
“Ngưỡng cửa buồng cha lẽ
ra phải rất trong sạch, đàn bà bước qua phải thay ngay ngưỡng cửa ấy, tại sao
có người ngày nào cũng bước qua mà ông Vinh vẫn không thay… tại sao ông Vinh lại
đeo lon quan ba dẫn quân bốt Thạch đi càn quét…”.
Người thứ hai được bố trí lên “minh oan” cho cha Vinh cũng
“phản cung” như Hạ, thế là “màn kịch” của “phe nhà thờ” dày công dựng lên bị đổ
bể ngay từ đầu.
Người ta phải đặt câu hỏi với nhà văn Nguyễn Khải tại sao “nhà thờ” vốn được ông mô tả vô cùng gian ngoan, xảo quyệt, mưu
sâu, đòn độc vậy sao lại dựng lên một màn kịch vụng về vậy? Phải chăng họ ngờ
nghệch đến thế? Chắc vì nhà văn đã nhiễm sâu trong máu nguyên tắc “ta là thiện, là tốt đẹp, giỏi giang” –
“địch là ác, là xấu xa, ngu dốt” nên mấy ông cha cố mới bị bôi bác ngờ
nghệch đến thế.
Sau thất bại “minh oan “ cho cha Vinh, đại hội cử ngay ra một
đoàn đi bắt “hai con quỷ dữ” là Môn và Thụy - cốt cán của cách mạng - tới đại
hội để giáo dân hỏi tội. Hai ông này thân cô thế cô nên đành phải mài sắc hai
con dao chờ sẵn ở nhà. Mặc dầu nhà Thụy có một tiểu đội bộ đội đóng quân nhưng
không dám can thiệp cứ đứng nhìn “người của đại hội” tới bắt Thụy và Môn. Đến
khi Lý và Quảng hai người tích cực nhất xông vào đánh Thụy, tiểu đội trưởng bộ
đội mới xông vào can ngăn. Chỉ chờ có thế, Quảng va chạm vào người anh bộ đội
rồi “tự
thọc ngón tay cào rách màng lỗ mũi, máu
rỉ ra một dòng nhỏ, hai tay hắn đưa lên quẹt khắp mặt, mặt lem nhem máu” rồi lăn ra giả vờ chết. Thế là “tin dữ”
bộ đội giết dân loang ra khắp làng khắp xóm:
“Chuông bắt đầu đánh
chính thức loan báo “tin nổi dậy” cho toàn xứ, cho các xứ khác. Trống thôi thúc từng nhịp. Người từ các dong xóm vì tò
mò lặng lẽ kéo đến mỗi lúc mỗi đông…”.
Anh bộ đội tên Nẫm bị giáo dân lôi ra đánh đập, hành hạ với
những lời chửi bới: "thằng bộ đội khốn
nạn đánh cả dân, ai đóng thuế nông nghiệp nuôi cho nó ăn béo, ai dệt vải cho
nó mặc để nó vô ơn bạc nghĩa đi bênh mấy thằng quỷ ở xứ này. Có người đòi phải
lấy đanh đóng vào tay chân nó phơi mưa…”.
Cha xứ bấy lâu nay vẫn dấu mặt đến lúc này thấy cần phải chường
ra để “chăn dắt con chiên”, bởi vậy cha
Thuyết thân chinh đi tới chỗ quàn “cái xác” Quảng “lật
chiếu nhìn mặt Quảng. Ôi có lẽ nó đã
qua đời rồi, nó không còn thở nữa. Cha mở hộp dầu thơm nức dúng tay làm dấu vào trán Quảng, vào hai lòng bàn
tay, hai gan bàn chân, vừa nguyện bằng tiếng La tinh. Tiếng đọc kinh nổi lên
rền rĩ:
“Lạy Chúa Ki-ri-xi-tô
thương xót chúng tôi, xin Chúa thương xót chúng tôi…”.
Tiếng chuông đánh nhịp hai
tiếng một điểm hồi dài, báo tin một linh hồn kẻ lành được lên nước thiên đàng
hưởng phúc thanh nhàn đời đời. Xác Quảng được liệm bằng chăn khiêng vào trong
nhà để chính gian giữa…”.
Vậy là nhà thờ đã tạo ra cái cớ “bộ đội giết dân” để kêu gọi
giáo dân toàn miền vùng dậy lật đổ nhà cầm quyền cộng sản. Tiếc thay, cái quả bom nổ chậm ấy,
cái căn nguyên để khởi nghịch đó lại vỏn vẹn chỉ là cái chết giả vờ của một anh
chàng ngờ nghệch chỉ có mỗi cái máu “chống cộng” hăng tiết vịt. Liệu các cha Thiên chúa giáo của cả một giáo xứ có ngây thơ, ngớ ngẩn như vậy chăng,
hay nhà văn Nguyễn Khải vẽ vời vậy?
Quả nhiên cái vụ Quảng giả chết để vu vạ cho bộ đội lập tức bị
lật tẩy một cách dễ dàng khi chị Nhàn – Phó Chủ tịch xã đi họp huyện về yêu cầu
“phải khám nghiệm tử thi làm biên bản
rồi cho chôn luôn”. Vợ “người chết” sợ quá ôm chặt lấy "xác chồng” không
cho động tới và ngay tối đó “hai mẹ
con Quảng đem võng đến cáng hắn về. Khiêng qua cầu sang xóm bên kia, đường vắng
lặng, Quảng thò cổ ra nhìn quanh không có ai, y nhỏm dậy nhảy ngay xuống đất
rồi chạy vụt vào một cái ngõ sâu thẳm…”.
Vậy là “âm mưu” của nhà thờ vu cáo bộ đội giết dân để làm ngòi
nổ cho cả phong trào “giáo dân nổi dậy” chống chính quyền bị phá vỡ một cách quá dễ dàng và… lãng xẹt. Cuộc XUNG ĐỘT
giữa nhà thờ và chính quyền cộng sản tưởng là ghê gớm lắm, rút cuộc chỉ một chị
Phó Chủ tịch xã ra một cái lệnh là “âm mưu của
nhà thờ” bị tiêu tan.
Tất nhiên vụ “Đại hội
giáo dân” kích động dân làm loạn tuy có qua đi nhưng xung đột giữa “nhà thờ” và “cách mạng” vẫn còn đó. Nó
len lỏi vào các gia đình gây nên những "bi kịch” mà gia đình anh bộ đội Tường
là một thí dụ tiêu biểu. Sau mấy năm xa nhà, nhân dịp tết được nghỉ phép, Tường tưởng sẽ được hưởng không khí gia đình đầm ấm sau những
năm tháng xa nhà, ngờ đâu vừa đặt chân về nhà anh đã va ngay phải cuộc xung đột
giữa “nhà thờ” và “cách mạng”.
Trước hết là cái Khoai,
đứa con gái của Tường “nó không vồ vập,
không cười, đứng né sang một bên cho bố nó dắt xe đạp vào, mắt ngước lên lấm lét như nhìn người lạ
luồn ngay ra đằng sau lủi chạy mất...”.
Con đã xa cách thế, đến bố cũng vậy:
”Bố thấy con trai
lần đầu về ăn tết với gia đình từ ngày
đi bộ đội cũng không vui, cũng có vẻ hậm hực …”.
Tại sao vậy nhỉ? Hóa ra vẫn là “xung đột” giữa “nhà thờ” và
“cách mạng”. Bố anh trách:
“Dạo đầu năm vợ mày lên
thăm, mày định giật ảnh tượng của vợ mày, bảo những cái ấy là vô tích sự phải
không?... Dù mày có là bộ đội nhưng trước hết vẫn là bầy tôi của Chúa, vẫn là
con tao. Mày không được ăn nói bậy, nghe không?”.
Rồi mặc cho anh con trai thanh minh,ông vẫn kể tội:
“Hôm ấy vợ mày nói với
mày xin đánh tượng vàng đeo, mày bảo: ”Chẳng đạo gì bằng đạo ăn, để tiền mà đong thóc với lại “có người lạc
hậu mới tin đạo... Tao nghe chuyện ấy đã định viết thư lên bảo thẳng với các cấp
chỉ huy của mày là không biết dạy con tao để con tao thành kẻ vô loài, rồi tao
sẽ từ mày, hiểu chưa?”.
Cứ như thế những ngày
Tường về phép ở nhà là những ngày “chiến
tranh ý thức hệ” – tình cảm thiên nhiên của vợ chồng, của cha con dường như
đã bị vót nhọn trơ lại có mỗi “xung đột”
giữa “chúa và bộ đội”. Ngày Tết họ hàng tới thăm nhau, trò chuyện cũng toàn
mùi “chính trị”.
Quảng, cháu của Tường vừa gặp lại chú đã lên giọng khiêu kích:
“Độ này chú tiến bộ làm
đến cấp gì rồi? Gớm, các ông bộ đội chính trị bỏ mẹ… À… à… bốn túi đây mà, đại
đội hay tiểu đoàn? Áo vải chắc là đại đội… chú đi bộ đội lâu thế vẫn là đại
đội thôi à?”.
Rồi Quảng xoay sang chuyện chính trị thật:
“Chú đi xa không rõ. Ở
nhà vừa rắc rối lắm. Bộ đội đánh dân nhưng ủy ban lật lọng thế nào lại hóa ra nhân dân đánh bộ đội… Mấy thằng phản Chúa hại dân lại ra làm việc rồi... Chú xem,
chúng nó ra nhận việc hôm trước hôm sau hạ lệnh bắt người ngay, không hiểu đem
đi buộc đá bỏ biển hay tù đày mãi đâu chẳng thấy tin về. Cứ như tình hình này
có lẽ chính phủ muốn tiêu diệt công giáo chắc…”.
Thế rồi khi hết phép, vào lúc chia tay, Tường thưa chuyện cùng
bố mẹ lại cũng là chuyện… chính trị:
“Cách mạng nổi lên hai
anh em con mới ra khỏi nhà mụ Bao, từ bấy đến nay con ăn cơm bộ đội, mặc áo bộ đội, được bộ đội dạy dỗ thì sống
chết với bộ đội. Còn bố mẹ sợ lụy vì con, không muốn nhận con nữa thì cứ việc
làm giấy lên ủy ban mà từ. Con xin chịu…”.
Cứ như vậy, ông con trai bộ đội về phép chẳng bàn bạc gì được
chuyện làm ăn kinh tế sao cho bố mẹ, vợ con ăn sung mặc sướng lại sa đà vào toàn chuyện “chúa” với “cách mạng”. Sự
thực quan hệ gia đình, họ hàng khi đứa con phương xa trở về trong những ngày
tết thiêng liêng có đến nỗi rặt một mầu chính trị như thế không. Hay là từ cái
tựa “xung đột” của tiểu thuyết và bài
học nằm lòng của chủ nghĩa Mác đã ăn sâu vào tác giả: "tiến hóa là sự đấu tranh giữa hai mặt đối lập” khiến ông nhà văn
nhìn vào đâu chỉ cũng chỉ thấy có xung đột chính trị.
(còn tiếp)
---------------------------
* nguồn: blog nhattuan
---------------------------
* nguồn: blog nhattuan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét