Phật
dạy: Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành. Nên chuyện một
người đang là đảng viên cộng sản (Marx: Tôn giáo là thuốc phiện của
nhân dân), một cán bộ hải quan như nhà thơ Mai Văn Phấn hốt nhiên biến
thành Phật âu cũng chẳng có gì lạ. Nhưng cái tin giật gân này ở đâu ra?
Thưa bởi nhà thơ Dương Kiều Minh vừa thông báo trên tạp chí Nhà Văn số
tháng 03-2012.
Tạp
chí Nhà Văn số 03-2012 (của Hội nhà văn Việt Nam) có in bài của tác
giả Dương Kiều Minh ca ngợi hết lời tập thơ vừa được giải thưởng của Hội
Nhà văn Việt Nam “Bầu trời không mái che” của Mai Văn Phấn, với một
tiêu đề sau: “Cuộc trở về tâm không trong tập Bầu trời không mái che
của nhà thơ Mai Văn Phấn”.
http://tapchinhavan.vn/news/Nghien-cuu-Ly-luan-Phe-binh/Cuoc-tro-ve-tam-khong-trong-tap-Bau-troi-khong-mai-che-cua-nha-tho-Mai-Van-Phan-1112/
Chúng
tôi xin được trao đổi với tác giả Dương Kiều Minh về bài tụng ca Mai
Văn Phấn để đẩy ông nhà thơ này vào cõi Phật sớm khi đã đạt được
đỉnh của tu thiền là TÂM KHÔNG.
Thưa,
TÂM KHÔNG là một khái niệm của nhà Phật. Phật tử hay tăng ni tu thân
tích đức, ăn chay niệm Phật cốt để đạt TÂM KHÔNG. Lời Phật dạy: “Ta là
Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”.
Theo nhà Phật: Tâm: lòng dạ. Không: rỗng, không có gì hết.
Tâm
không là cái tâm ở trạng thái trống không, không ham muốn, không lo
buồn, không giận hờn, không thương ghét, không bị ngoại cảnh chi phối,
không không...
Giữ được tâm không thì an lạc tự tại, tức là đắc đạo.
Theo
Kinh Phật: TÂM KHÔNG là điều kiện cần thiết để đắc A La Hán. Thực ra,
đắc TÂM KHÔNG thì đã đi được 90% đoạn đường. Đắc TÂM KHÔNG nghĩa là đã
đạt được ba thực tại Niết Bàn: THÂN KHÔNG, TÁNH KHÔNG, PHÁP KHÔNG. Kinh
Phật dạy tu được TÂM KHÔNG là THÀNH PHẬT…
Nếu
Dương Kiều Minh viết đúng sự thật, thì chúng ta cần phải nhiệt liệt
hoan nghênh đã có một vị Phật sống gần 60 tuổi vừa xuất hiện tại Việt
Nam là nhà thơ Mai Văn Phấn.
Chúng
ta thử xem vị Phật sống Mai Văn Phấn viết thơ ra sao mà đạt được TÂM
KHÔNG, theo sự trích dẫn và lời bình ngút ngát tụng ca của Dương Kiều
Minh:
Lay giật tả tơi cho đã cơn hưng phấn điên cuồng
Cơn ức chế thèm khát
(Đỉnh gió)
Co quắp con ngủ trong gió lạnh
Mơ thành bào thai
Cuống nhau nối mặt trời
Mô Phật! Phật gì kỳ vậy ta?
Ngay
tiêu đề bài viết của Dương Kiều Minh đã thông báo tin mừng rằng Mai Văn
Phấn và tập thơ “Bầu trời không mái che” đã hoàn tất cuộc trở về TÂM
KHÔNG tức NIẾT BÀN tức NGƯỜI VÀ THƠ ĐỀU ĐÃ THÀNH PHẬT.
Thành
Phật rồi sao còn tham sân si tới mức thèm khát “cơn hưng phấn điên
cuồng” là sao? Thành Phật, đạt tới cõi TÂM KHÔNG, cõi mà Phật tổ Thích
Ca Mâu Ni từng đạt tới, Phật hoàng Trần Nhân tông từng đạt tới, sao con
người trong tập thơ Mai Văn Phấn vẫn phải ức chế cơn thèm khát dục tính “Cơn ức chế thèm khát” là sao?
Mai
Văn Phấn thành Phật rồi, đạt tới cõi ngộ rồi, cõi Phật rồi, TÂM KHÔNG:
tâm không còn một chút hỉ nộ ái ố thì làm sao làm thơ đây? Mà nhà thơ
bao giờ cũng chứa trong tâm hồn mình cả nỗi sầu thiên địa “mang mang
thiên cổ sầu”. Thử tước nỗi sầu, nỗi đau, nỗi khắc khoải dằn vặt kiếp
người của Nguyễn Trãi, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm,
Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Tú
Xương, Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Huy Cận… đi thì nước
Việt sẽ không còn nền văn học nữa.
Không,
Mai Văn Phấn chưa thể nào đạt được TÂM KHÔNG, không thể nào thành Phật
khi trong thơ ông vẫn còn đầy khát vọng dục tính, còn đầy những “Cửa
mẫu”, “bào thai”, thèm khát điên cuồng, tử cung, cuống nhau, ức chế… Hãy
nghe chính Dương Kiều Minh bình thơ Mai Văn Phấn sau đây, ta biết từ ÔNG
PHẤN đến ÔNG PHẬT còn là một khoảng cách vô cùng:
“Như phần đầu tôi đã đề cập, tập thơ mới Bầu trời không mái che của nhà thơ Mai Văn Phấn được bao phủ bởi không gian và ánh sáng từ cuộc trở về tĩnh lặng đến cái đích của Tâm không và tái sinh ở một đời sống mới với tinh thần "Vẫn hiểu nhau dù quên tiếng nói/ Đã yêu. Hiến dâng. Đã sống".
Trong
cuộc trở về đầy hứng khởi và đam mê nhưng cũng không ít những khó nhọc
của sự công phu hướng nội theo lối hành lang hun hút dần về với ánh sáng
tịnh độ mênh mông của cõi tâm không.
Bông hồng sớm nay mình anh thấy
Tiếng chim hót tỉnh giấc
Tạ ơn con đường dẫn anh đi
Mây trên cao
Lá cây rơi
Cả những gì chưa hiện hữu
(...)
Tiếng chim qua đỉnh đầu
Vào cơ thể anh lúc đang tịnh độ
Xua đi cho lòng yên lặng
Sao về được tâm không
(Hình đám cỏ - Nhịp I)
Ôi, tâm không. Trên thế gian cũng như vũ trụ mênh mông rộng lớn này, chỉ những gì rỗng không mới có thể chứa tải và sinh sôi mà thôi. Tâm không tức là bầu trời, là biển cả. Chỉ có Tâm không mới chất chứa và sinh nở. Những câu thơ cùng được sinh ra từ tâm không đó thôi, tâm không mới đủ sức thu chứa những ý nghĩa của thiên tạo và nhân tạo cùng những dư ba của kiếp người”.
Do
nhà thơ Dương Kiều Minh chưa hiểu được khái niệm TÂM KHÔNG nên đem vào
áp dụng cho thơ Mai Văn Phấn khiến bài viết khen nhau này không còn giá
trị. Ca ngợi nhau vô tội vạ thế này quả tình còn bằng mười hại nhau.
Nhân
việc nhà thơ Mai Văn Phấn bị bạn bè đẩy lên bàn thờ mà thành Phật,
chúng tôi xin bàn qua một đôi điều vì sao NỀN THƠ TRẠNG NGUYÊN do báo
chí thổi phồng đang dẫn thi ca Việt Nam đến đoạn đầu đài.
Chung
quy, trước hết là lỗi ở Hội Nhà văn Việt Nam đã chính trị hóa toàn bộ
nền văn học, dùng văn học làm phương tiện cho những ý đồ phi văn học. Ấy
là việc trao giải thưởng văn học cho những tác phẩm dở. Ví dụ Hội nhà
văn vừa trao giải thưởng cho cuốn “Hội thề” của Nguyễn Quang Thân ca
ngợi các tướng giặc Minh là nhân nghĩa, lịch lãm, hào hoa, sang đây khai
hóa văn minh và dùng lòng nhân ái giúp đỡ Đại Việt; còn Lê Lợi, Nguyễn
Trãi và các tướng lĩnh Lam Sơn là quân vô học, phàm phu tục tử, chuyên
hiếp đáp dân mình NHẰM Ý ĐỒ PHỤC VỤ CHO 16 CHỮ VÀNG (CHÓE) đó sao? Xin
bạn đọc vào công cụ tìm kiếm http://google.com
gõ mấy chữ: Trần Mạnh Hảo phê bình tiểu thuyết “Hội thề” của Nguyễn
Quang Thân sẽ đọc được năm bài phê bình “Hội thề” của chúng tôi.
Lại
nữa, đang lúc chuyện biển đảo nước nhà lâm nguy trước cái lưỡi bò xâm
lược phương Bắc, chính ra Hội Nhà văn phải hướng dư luận ca ngợi vua Gia
Long – người đã cho các đội hải thuyền tới canh giữ Hoàng sa, Trường
Sa, đưa hai quần đảo chiến lược này vĩnh viễn vào bản đồ Đại Việt, thì
Hội lại đi trao giải thưởng cho truyện ngắn “Dị Hương” của Sương Nguyệt
Minh chửi bới vua Gia Long là hôn quân bạo chúa để phục vụ cho ý đồ của
ai? (“Dị hương” thó ý tứ, văn phong Nguyễn Huy Thiệp). Xin bạn đọc gõ
vào công cụ tìm kiếm trên tiêu đề “Dị hương: Sao lại bịa chuyện nói
xấu vua Gia Long thế?” sẽ đọc được bài phê bình của chúng tôi.
Gần
đây, có cả mấy chục tập thơ dở (như hai tập thơ của ông Hữu Thỉnh:
“Trường ca biển” và “Thương lượng với thời gian” được giải thưởng nhà
nước và giải thưởng Hồ Chí Minh) đã nói lên chuyện văn học không còn đích
thực nữa, văn học đã biến thành công cụ cho những ý đồ phi văn học.
Việc gần đây nhất, Hội Nhà văn trao giải thưởng cho bốn tập thơ nhạt
nhẽo của bốn tác giả: Mai Văn Phấn, Đinh Thị Như Thúy, Đỗ Doãn
Phương và Từ Quốc Hoài là một việc làm phi văn học, đúng như bài viết
của chúng tôi: “Sao Hội Nhà văn Việt Nam lại hè nhau tiễn thi ca lên
đoạn đầu đài”.
Ngay
cả giải thưởng thơ Làng Chùa năm nay trao cho một bài thơ dài rất dở
cũng do ông Nguyễn Quang Thiều, phó chủ tịch Hội và các vị Nguyễn Đăng
Điệp (Viện trưởng Viện văn học), Y Phương, Trần Quang Quý… cán bộ Hội về
chấm giải đó sao?
Báo
chí lề phải và báo chí mạng tha hồ tung hô các trạng nguyên thơ bằng
những lời mà đem ca ngợi Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… chắc hai cụ tổ thơ Việt
Nam này còn phải ngượng.
Là
một người làm thơ kiêm viết phê bình, chúng tôi lên tiếng phản biện các
giải thưởng của Hội Nhà Văn là một việc làm danh chính ngôn thuận; sao
Hội Nhà văn có hàng chục tờ báo, có hàng trăm nhà lý luận phê bình, mà
Hội lại không đàng hoàng chính chính, dùng báo chí để tranh luận với
chúng tôi tìm ra lẽ phải, sao lại phải cử một ông phó chủ tịch Hội Nhà
văn Việt Nam là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, người được cho là trí thức
nhất Hội, núp vào xó tối, trả lời chúng tôi bằng bức thư qua email kinh
hãi như sau:
“Từ: nguyen quang thieu
Tới: Bo Me
Đã gửi 8:43 Thứ Sáu, 15 tháng 6 2012
Chủ đề: Re: Về: nqthieu gui
Đây là nội dung file tôi gửi anh:
Hà Đông, 14.06.2012
Gửi anh Trần Mạnh Hảo,
Tôi nhắn tin cho anh, không thấy anh trả lời. Bởi vậy tôi viết mấy dòng gửi anh.
Thư
này tôi chỉ đề cập đến hai điều anh viết liên quan đến làng Chùa của
tôi và đến cá nhân tôi. Tất nhiên những gì anh chửi thơ tôi từ năm 1994
đến nay, tôi không bao giờ bàn luận với anh. Chẳng lẽ tôi lại chửi lại
anh. Vì như thế thật vô học. Chắc anh hiểu tại sao tôi dùng chữ CHỬI
khi nói về những bài viết của anh.
Điều
thứ nhất: Anh đã dè bỉu và xúc phạm cuộc thi thơ do những người nông
dân làng tôi tổ chức. Cuộc thi này là lời kêu gọi những người Việt Nam
nhớ về nguồn cội của mình thông qua một thể loại văn học mà người Việt
Nam yêu thích: đó là thơ ca, khi ngày càng nhiều hơn những kẻ vô ơn và
vô học với cố hương, tổ tiên, ông bà, cha mẹ và đồng loại của mình. Vì
là nông dân nên họ đã mời những người có hiểu biết thơ ca giúp họ chấm
giải. Và tôi được họ phân công làm thư ký giúp việc cho họ và cho những
người chấm giải. Làng Chùa của tôi đã yêu thơ, làm thơ và tổ chức các
cuộc thi thơ ở nhiều hình thức có lẽ đã hơn hai thế kỷ này rồi. Tôi đã
đọc cho những người nông dân làng tôi nghe những gì anh viết về cuộc thi
thơ hay nói cách khác là lời kêu gọi tình yêu quê hương, tình yêu con
người. Nếu anh là kẻ có đọc về việc tổ chức cuộc thi đó, anh sẽ không mù
lòa để mà không nhận ra tính nhân văn của nó. Ở đây, không ai tuyên
xưng Trạng nguyên hay Bảng nhãn… cả.
Sau
khi nghe những gì anh viết, những người nông dân làng tôi sợ tôi cả
giận mất khôn mà dặn rằng: Con không được viết bất cứ bài báo nào chửi
lại ông ấy. Làng ta nghèo và học hành không nhiều nhưng không được làm
điều vô học. Ông Hảo có viết thơ thì chắc không phải là kẻ ác độc đến
tận cùng. Nhưng ông ấy là kẻ vô phúc. Kẻ vô phúc thì đáng thương hơn là
đáng giận con ạ. Chắc thể nào trước khi chết, ông ấy sẽ nhận ra điều đó.
Những
người nông dân yêu thơ và thích làm thơ làng tôi nhờ tôi nhắn tới anh
một câu. Đó là một trong hàng trăm câu nói của những người làng Chùa:
Một chữ mà có ÂN thì nở hoa, vạn chữ chỉ có OÁN thì sinh sâu bọ.
Điều
thứ hai: Anh viết tôi là Công an cài vào Hội Nhà văn và để rồi chiếm
Hội Nhà văn. Anh đã vu khống tôi và có thể gây cho bạn bè tôi và bạn
đọc những hiểu lầm tệ hại về tôi. Nếu là người còn một chút nhân cách
thì không bao giờ làm điều bẩn thỉu ấy. Vì lời dạy của những người nông
dân làng tôi, tôi không bao giờ nói lại anh trên báo chí hay các trang
mạng cho dù như thế sẽ có không ít những người hiểu sai về tôi. Nhưng
với những gì anh viết về tôi (tôi xin nhấn mạnh: không liên quan đến
thơ ca của tôi) tôi chỉ còn biết nói với anh một câu duy nhất: anh là
một thẳng đê tiện và bỉ ổi.
Nguyễn Quang Thiều.
Chúng tôi xin chờ ý kiến của công luận và của Hội Nhà văn Việt Nam.
Sai Gòn ngày 15-6-2012
Trần Mạnh Hảo
-----------------------------
* nguồn: internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét