Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

chắp tay dòng đời [kỳ 11&12] - võ chân cửu


tiếng chim tu hú

Vườn nhà tôi ngập tràn tiếng chim tu hú gọi hè. Các nhà sư Phật giáo vẫn kể rằng: có một người tu mãi không thành chánh quả, cuối cùng hóa thành loài… tu hú!
Chim kêu là… nghiệp của chim. Nhưng tiếng của loài tu hú lại sinh ra khá nhiều chuyện? Đâu phải vì nó có tên trong sách đỏ (nguy cấp sắp tuyệt chủng), mà bời vì không ít người chỉ mới biết nó qua sách vở. Thật là tai hại bởi một dòng văn chương!
Khi chim tu hú gọi bầy

Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần…
Hai câu mở đầu bài “Khi con tu hú” từ lâu đã khá quen thuộc ở cả 2 miền. Nhưng tại phía Bắc, bởi vì tác giả Tố Hữu là… lãnh đạo, nên câu thơ trên đã được bình tán, ca ngợi theo kiểu cổ vũ lòng yêu nước để ra chiến trường.
Anh Phan Lạc Dân, một người làm thơ từ trường Sư phạm Quy Nhơn lên dạy học ở Lâm Đồng và ở suốt từ đó đến nay quả quyết không phải con tu hú gọi bầy. Bởi nó chỉ đi… một cặp, không bao giờ thèm tụ thành bầy. Vì chim mái theo chế độ… “đa phu”, nên đó chỉ là tiếng của hai… bạn tình. Người suy diễn từ đặc điểm sinh học lại gán cho tu hú là loài chim ranh ma, độc ác. Vì nó chỉ chuyên đẻ gửi, thường đẻ vào ổ các loài chim có thân hình bé hơn. Và trước khi đẻ, nó thường gắp một quả trứng có sẵn để xơi. Trứng ấp nở ra, tu hú con thường to hơn chim con ruột nhưng nó biết giả bộ cho giống để được mẹ nuôi mớm nhiều thức ăn, mau lớn rồi bay đi, kêu… tu hú.
Trong một xã hội loạn lạc, để những đứa con của mình được in ra, nhà thơ có khi cũng phải chịu cảnh… đẻ gửi. Nhưng cuối cùng, đâu lại vào đấy. Từ loài chim tu hú, đặc điểm sinh học lại gợi mở ra chuyện văn chương?

nghịch cảnh
 
Những năm 1969-1970, làng văn Miền Nam bỗng bùng lên hiện tượng Nguyễn Bắc Sơn (NBS). Thơ NBS vừa trữ tình, phản chiến, lại rất mới khi miêu tả hiện thực cuộc chiến tranh dưới mắt người thi sĩ. NBS sinh năm 1944, quê ở Bình Thuận. Từ nhỏ anh đã mê làm thơ nhưng tới tuổi phải vô trường sĩ quan. Ra trường không lâu, NBS đã đào ngũ nên bị bắt lính trở lại, được đưa đi làm… binh nhì địa phương quân. Nhờ giỏi tiếng Anh, nên NBS được trở thành thông dịch viên. Anh được đi theo các Ban chỉ huy quân đội Đồng Minh ở một số cuộc hành quân. Có lẽ nhờ vậy nên NBS… đã không bị phục kích chết đường. Ngay từ bài thơ đăng đầu tiên, NBS đã nói rõ:
Đời bắt một kẻ làm thơ như ta đi lính
Bắt lê la mang chiếc mai rùa
Nên tâm hồn ta là một cánh đồng úng thủy
Như con nước buồn sau mỗi cơn mưa
(Chân dung tự họa - Chiến tranh Việt Nam và Tôi)
NBS là công lao phát hiện của tuần báo Khởi Hành (bộ mới từ 1969) mà thi sĩ Viên Linh là thư ký tòa soạn. Thơ NBS từ khi mới đăng báo đã làm giới làm thơ và các cây bút lão làng ở Miền Nam bất ngờ, choáng váng. Nhiều người viết bài ca ngợi hết mực. Năm 1972, tập thơ “Chiến tranh Việt Nam và Tôi” được ấn hành. Có thể nói thể thơ, ngôn ngữ NBS dùng không có gì mới lạ. Nhưng nó lại lay đọng lòng người bởi lời thơ như “từ trong ruột nói ra”. Kể cả khi ông dùng những từ ngữ rất hạ cấp của cuộc đời, ý thơ vẫn không thô tục mà lại làm cho tâm hồn bay lên!
… Ta ghét đàn bà như ghét cứt

Nhưng vì sao ta cứ phải yêu em
Ôi! Mắt em nhìn như bẫy chuột
Sập chết đời ta biết mấy lần…
(Trên đường tới nhà Xuân Hồng - cô gái đã cho anh cưới về, để chịu kiếp “làm vợ thi sĩ” cho đến giờ).
Tính chất đặc biệt của người thi sĩ cũng đã được anh giải thích thêm, như ở đoạn đầu bài “Chân dung tự họa”:
Trên trái đất có rừng già, núi non, cùng biển, sông

Trong Nguyễn Bắc Sơn có kẻ làm thơ
Kẻ làm thơ đôi khi thành du đảng
Hoặc nhà tu theo khí hậu từng mùa…
Và trong một bài thơ tứ tuyệt:
Ta đọc ba ngàn quyển sách
Sao mà chẳng nhớ điều chi
Ta chỉ nhìn em một cái
Sao mà nhớ đến mê si!
(Giai nhân và sách vở”)
Như nhiều gia đình Việt Nam, cuộc đời NBS phải chịu một nghịch cảnh lớn. Cha NBS là một cán bộ ra Bắc tập kết. Khi vào chiến trường quê nhà, ông giữ chức Phó Chính ủy Khu VI (bao gồm cả tỉnh Bình Thuận bấy giờ). Sau năm 1975, cha con đoàn tụ nhưng không nói chuyện với nhau. 5 năm sau ngày cha mất, người con là Nguyễn Văn Hải tức NBS đã giãi bày nguyên do chuyện… “éo le” cuộc đời đã tạo ra.
… Bố tôi ước mơ làm cho loài người sung sướng

Và thế là ông từ tuổi thanh xuân
Cùng bạn bè đi làm cách mạng.

Ông làm cách mạng chừng nào
Thì loài người càng thêm sặc máu.

Tôi ước mơ cõi đời tốt đẹp
Và thế là tôi làm thơ ca tụng loài người
Tôi càng ca tụng chừng nào
Thì loài người càng xấu xa chừng nấy…
(Chuyện hai bố con tôi)
NBS vẫn giữ nguyên “khẩu khí” ngày nào.

giải thoát
 
Năm 2005, trùng với dịp 30 năm kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam, NXB Thư Ấn quán đã cho tái bản lại tập Chiến tranh Việt Nam và Tôi. Bài phê bình thơ Nguyễn Bắc Sơn do Đặng Tiến mới viết liền được những người chủ trương “Thơ Tân hình thức” trịnh trọng đưa lên Website của nhóm. Điều này một lần nữa cho thấy trong thơ, hình thức thể hiện không là quyết định. Kiểu thơ khẩu khí như NBS từ lâu đã có nhiều nhà thơ nổi tiếng sử dụng, từ Trần Tế Xương đến Thâm Tâm, Quang Dũng… Nhưng quan trọng nhất ở NBS là hướng về sự giải thoát cho tâm hồn người nghệ sĩ. Điều này quả là thật khó cho một người lỡ mang tính cách “Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo…”. Những năm sau này, bất cứ lúc nào gặp bạn bè văn nghệ, NBS cũng bày tỏ ước nguyện: lên tu trên núi Tà Cú nổi tiếng linh thiêng gần Phan Thiết. Ở đây có tượng Phật nằm lớn nhất nước. Khoảng năm 2000, tình cờ gặp nhau ở Sài Gòn, sau một trận lúy túy, NBS nhất định đòi về nhà tôi ngủ để sáng hôm sau tôi đưa ra bến xe đi Đà Lạt chơi với Nguyễn Dương Quang. Trước khi từ biệt, anh rút trong túi xách cuốn Kinh Hoa Nghiêm và ký tặng trở lại. Từ đó, NBS tiếp tục mất biệt cho đến nay. Nhà của anh ở đường Chu Văn An gần chợ đã bán để về đầu phía Nam Phan Thiết. Nghe nói NBS còn xây được một “tịnh cốc” trên núi cao Tà Cú. Cuối 2011, tôi và Nguyễn Sa Mạc từ Bảo Lộc cỡi xe xuống, nhờ bạn dẫn đến nhà mới thăm NBS.
Người nhà NBS lúc này thật tình cũng không rõ bây giờ anh đang ở trên núi hay về thăm Sài Gòn. Chợt nhớ mấy đoạn trong bài thơ mà anh đã làm tặng Vũ Trọng Quang, khi bạn đến thăm anh trên núi Tà Cú:
… Quân tử thất thời nằm gãi háng,

Thuyền quyên lỡ hội bỏ đi tu
Tiếng chuông em gõ bên chùa cổ
Mà sao lạnh điếng cõi sương mù

Sương mù, sương mù, ừ sương mù
Khuya về trăng mọc ngọn mù u
Cầm ống sáo đồng gõ vào vách núi
Tráng sĩ hề, lạnh thấu thiên thu
….
Ta lạnh, còn em đâu có ấm
Tiếng tụng kinh là tiếng chim rơi
Để ta tụng bài thơ thiên cổ
Thơ là Kinh Phật đó mình ơi!!!

Em ni cô, ta là thi sĩ
Có lúc thần tiên, lúc ngạ quỷ
Cầm kinh địa tạng ở trong tay
Mà uống rượu sầu say bí tỉ
…..
Nửa đêm tụng chú và rơi lệ
Nơi thanh lương địa mà sao lòng mình chưa thanh lương…
(Tháng Chạp sầu đời trên núi cao)

Tu như kiểu các thi sĩ thì làm sao mà đắc đạo được. Người ơi, tiếng chim tu hú bên trời lại kêu.


CHẮP TAY DÒNG ĐỜI ( KỲ 12 ) - VÕ CHÂN CỬU

nhịp sóng ngầm

Rừng xưa đã mất. Từ dọc triền núi cao ra tới biển, những nàng con gái ngày ngày đi lấy nước. Chiếc vò đội lên đầu, đôi gánh trên vai; em mảnh khảnh chiếc thùng đơn lẻ. “Nhịp hải hà”…
Từng có người nói rằng điệu thơ lục bát Việt Nam hình tượng từ bước đi của người phụ nữ. Thưở nhỏ, tôi chưa hiểu ra. Khi đã làm thơ, một hôm ngóng về bên kia bờ Cách Thử, nhớ làng. Mấy vần thơ chợt hiện lên, tôi mới tỏ tường:
…Bóng nàng kĩu kịt trên nương

Gánh giùm tôi trọn nỗi buồn nhân gian…
(Tân Thanh, Đại Mộng - 1972)

nhịp sinh thành
 
Có nhà nghiên cứu cũng sắp đặt Lục Bát là thể thơ “quốc hồn” của Việt Nam, tương tự như Thơ Đường của người Hán, hay HaiKu của Nhật Bản. Thơ Đường hay HaiKu giới hạn trong một số câu quy định. Riêng Lục Bát có thể là 2 câu mưỡu, nói lối, câu ca mở lời, đưa đẩy, hoặc kéo dài ra một truyện thơ khi chưa có văn xuôi… Nhưng so nó với dáng đi của người phụ nữ, nhất là những cô gái đẹp, liệu có cưỡng ép lắm không? – Không đâu, người phụ nữ bước đi, đâu phải lúc nào cũng “một, hai…” như người lính. Một bên vai hoặc cánh tay thường ôm, xách cái gì đó. Chiếc cặp đến trường, chiếc nón, cái giỏ đeo, túi xách hay một bông hoa… Và họ bước đi. Cánh tay còn lại đong đưa thành nhịp. Lục bát: nhịp sinh thành - nhịp song ngầm vạn thuở.
Đã có ghi nhận và tranh luận rằng người Thái, người Chăm từ xưa cũng đã làm “lục bát”. Nhà văn Võ Phiến từ cuối những năm ’60 của thế kỷ 20 trong một tạp luận đã ghi lại những dân ca Chăm mang âm vận này. Thơ là của nhân loại, không nên giành độc quyền. Đáng nói là câu thơ làm ra có hay không. Rõ ràng là Lục Bát đã đi những “nhịp hải hà” - mượn cách dùng từ của Nguyễn Xuân Sanh trong một bài thơ từ năm 1942. Lúc dìu dặt, lúc khoan thai, khi dồn dập… Có thể nói nhiều người làm thơ đã mở đầu với những câu lục bát, nhưng không ở mãi với người tình đầu. Có người, qua bao trăn trở đi tìm nhịp tự do (như Thanh Tâm Tuyền), hoặc gò câu trong niêm luật của Đường Thi (như Quách Tấn), nhưng cuối đời lại thôi thúc tìm về với cách gieo “lục bát”.
Nó là hơi thở, là bước chân của các cộng đồng cư dân ven biển?

những người thượng

cái rừng, cái lá, cái chim
cái cây, cái cối, cái tim con người
cái ta đứng giữa đất trời
cái da màu nắng ngâm lời cái đau
(b'lao 1972)

Bài thơ của Hồ Ngạc Ngữ đăng trên Tập san Văn 1972 đã ngầm nói lên điều này. Giữa núi rừng cao nguyên, cách điểm sự vật theo cách dùng mạo từ của người dân miền sông nước cho thấy sự lắng tìm của “Những cây bút trẻ” trước những bế tắt của âm điệu trong thời đại chiến tranh. Trong thơ Lục bát Miền Nam lúc này, có những kiếm tìm, nổi bật cách sắp đặt hình tượng, âm điệu “Nghe trong viễn mộ đôi hàng ngựa ra như Viên Linh “Hóa Thân” 1966). Nhiều tác giả thấy cách sắp đặt cho những chữ tạo nên câu “sáu-tám” vẫn không theo kịp sự cuốn hút của cấu trúc truyền thống nên đã chuyển sang hướng lục bát “huyền ảo” mà trau chuốt, nổi cộm là Phạm Thiên Thư “Lên non tìm động hoa vàng ngủ say”.
Từ giữa những năm ’60, văn hóa Thiền xâm nhập nhiều ngõ ngách của cuộc sống, tâm hồn. Như một ước mơ giải thoát. Các nhà thơ khi đã no đủ với các ngõ ngách “Tự do”, có người lại quay về, đóng khung trong xu hướng cổ điển của những cổ phong, thơ Đường, hoặc tìm đến với dòng thơ ba câu của thể HaiKu nhưng mang tính “công án”… Tuệ Sỹ, một nhà sư làm thơ nhận ra rằng: “Một thế kỷ đảo điên, điệu lục bát bỗng nghe trong cung bậc lạc loài. Lời thơ thay đổi; điệu thơ thay đổi; một thế kỷ thi ca thay đổi. Nhưng những ai từng lớn lên trong tiếng Mẹ ru, làm sao quên được những câu thơ lục bát? Tôi biết mình không thể làm được một bài thơ lục bát; mà hồn thơ đã bị đẽo gọt qua những khúc quanh phố thị”. Tâm trạng ấy một ngày kia đã được đánh thức, như một lẽ tự nhiên: …“Phố thị với những khủng hoảng cơ giới. Rồi những đêm, theo dõi bóng trăng mờ, tìm về “cây đa bến cũ, con đò nằm xưa”, âm hưởng lục bát của Nguyễn Du chợt đầy tâm tư vào những bước đường phiêu lưu của lịch sử. Tình cờ, những câu thơ lục bát của Hoài Khanh chợt khuấy động. Nó ngân vang từ phương trời đồng vọng của Nguyễn Du, ngay giữa dòng lịch sử cuồn cuộn sóng, hay bên lề cuộc Lữ tồn sinh”. (Lời bạt tập thơ Lục bát của Hoài Khanh tái bản 2011).  

thi sĩ Hoài Khanh là ai? thi sĩ “ẩn tu”?
 
Giữa trung tâm Sài Gòn, ngày xưa các nhà sách đều có khu bày sách văn học, quầy trưng bày các tác phẩm mới nhất. Ở nhà sách Khai Trí trên đường Lê Lợi, khách có thể tự do lật vài trang xem thử. Việc kiểm tra được nhân viên bảo vệ thực hiện kín đáo và tế nhị. Nhà sách Xuân Thu trên đường Nguyễn Huệ chuyên nhập khẩu về bán các tác phẩm nước ngoài mới nhất. Tại góc đường Lê Lợi, Công Lý, phía trước Pharmacie Diệu Tâm có một Ki-ốt bày các sách mới nhất do các hãng phát hành trực tiếp đưa đến. Tôi và nhiều tác giả mới lúc bấy giờ vẫn hay ra đây vì chị em hai cô Nga, Nguyệt, chủ Ki-ốt sách rất dễ chịu, thường cho khách quen ký nợ khi mua. Dăm ba bữa, tôi lại gặp một người đàn ông trung niên, tướng mặt đạo mạo, hiền lành đến theo dõi các sách mới mà nhà phát hành đã đem đến gửi. Có thể xem nơi này là “thước đo” tình hình tiêu thụ các sách văn học mới. Cô Nga giới thiệu đó là nhà thơ Hoài Khanh, chủ nhà xuất bản Ca Dao. Nhà thơ Hoài Khanh từng là người trông coi nội dung của tập san Giữ Thơm Quê Mẹ do một số nhà sư, trí thức chủ trì. Tạp chí mang tính “văn nghệ Phật giáo này tồn tại khoảng từ 1965-1969 cũng hiền lành như người phụ trách nội dung, nhưng đã giới thiệu được một số tác giả, tác phẩm độc đáo như Chinh Ba với truyện ngắn “Bài thơ trên chiếc xương cụt”. Nhà ở tận thành phố Biên Hòa, thi sĩ Hoài Khanh vẫn giữ thói quen hàng ngày tự đi xe Honda xuống Sài Gòn làm công chuyện rồi về. Trong một nền xuất bản tự do, các nhà văn, nhà thơ có tiếng tự đứng ra điều hành một nhà xuất bản là điều bình thường. Nhà xuất bản Ca Dao chuyên in các tác phẩm triết học, văn học có tinh thần “Hướng về Đông Phương” nên cũng sống được.
Thi sĩ Hoài Khanh sinh năm 1934 ở thành phố Phan Thiết, nơi mở cõi về Phương Nam cùng lúc với Sài Gòn (1698). Có lẽ nhờ vậy nên tâm hồn ông là nơi giao hòa giữa tính thần bí miền Trung và mênh mông sông nước châu thổ Nam bộ. Tính tình ông trầm lặng, ít nói về mình. Điều này cũng thể hiện khá rõ trong thơ ông. Trước 1975, Hoài Khanh đã xuất bản 4 tập thơ (Dâng Rừng - 1957, Thân Phận - 1962, Lục Bát - 1968, Gió Bấc, Trẻ Nhỏ, Đóa Hồng và Dế - 1970). Gần như những người có xu hướng nội tâm đều thuộc lòng ít nhiều những đoạn thơ của Hoài Khanh:

Rồi em lại ra đi như đã đến

Dòng sông kia vẫn chảy mãi xa mù
Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu
(Ngồi lại bên cầu, thi tập Thân Phận, 1962)

Thơ lục bát của ông mới thực sự thấm đượm, nằm sâu trong lòng người với những câu hỏi về thân phận và sự mong mong của kiếp người:

 
nhập định

Về đây trầm túy mặn nồng

Phiêu du từng chuyến thôi lòng lắng nghe
Về đây bụi khói tàu xe
Chân đi hồn lạc tiếng ve hạ tàn
Về đây nghìn cõi âm vang
Đêm sâu rừng ruộng vui tan cuộc nào
Về đây ngắm cõi gầy hao
Vuốt ve ôi tóc cũng sâu suối ngàn
Về đây tự hỏi dung nhan
Cõi kia cành lạnh đi tàn hoang vu
Ôi nghìn năm trắng sương mù
Một người úp mặt trả thù thiên cơ

(Làm tại Bạc Liêu, 1963 - trích từ tập thơ Lục Bát, 1968)
Có khi ông tự hỏi:

Mưa về tự cõi hoang vu

Còn ta từ cõi nào thu mối sầu
(Mưa và Đất - Lục Bát, 1968)

Trong những năm thập niên đầu của Văn học Miền Nam, có thể nói: cùng với Bùi Giáng (với Mưa nguồn, Lá Hoa Cồn), thì Hoài Khanh chính là người giữ cho tâm hồn Lục Bát sống mãi với nhịp thời gian. Bùi Giáng sau biến cố cháy nhà (1965) đâm ra hoảng loạn ngôn ngữ, thơ lục bát phần nhiều chơi chữ, thì Hoài Khanh vẫn mang nặng một mối sầu thiên cổ, ít ai tỏ tường. Ngày nay, bạn bè nói ông sống gần như tách biệt (vẫn trong một khu vườn yên tĩnh ở Biên Hòa).


nghe chim lạ hót trong vườn


Một hôm chim lạ ghé vườn

Hót lên cung bậc vô thường mong manh
Vườn con hoang vắng đã đành
Tiếng chim dựng lại những thành lũy xiêu
Những cơn biến động tiêu điều
Những tình bạn cũ dập dìu chia xa
Những tình yêu tưởng phôi pha
Chừng như sống lại đậm đà nhờ chim
Bao phen ký ức mong tìm
Giờ đây sống lại trong niềm ngất ngây
Cảm ơn chim, cảm ơn ngày
Giúp ta sống lại phút giây nhiệm mầu...

Tôi viết những dòng này để cảm ơn ông, nhà thơ “ẩn tu” nuôi dưỡng cho hồn Lục Bát. Rồi một ngày mai, tiếng chim lạ sẽ bay về đánh thức mỗi người tìm về tâm cảnh của mình...

[còn nữa] 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét