Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

giai thoại văn chương - lê thương

dùng Truyện Kiều điều khiển trâu
 
Giai thoại truyền tụng rằng có anh thư sinh nọ quanh năm học ở tỉnh thành, nhân dịp năm cũ sắp hết được nghỉ học nên về quê ăn Tết. Đi qua một cánh đồng thấy mấy cô thôn nữ đang cho trâu ăn vừa cười đùa vui vẻ, chàng thư sinh liền tẻ vào đến làm quen. Thấy anh chàng thư sinh lững thững tiến đến, một cô trong bọn ngâm một câu Kiều:
Trông chừng thấy một văn nhân...
Rồi cô bỏ lửng, chàng thư sinh hí hửng, vuốt vạt áo the đứng ngóng nghe câu tiếp theo. Chợt một cô khác cất giọng:
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao...Tưởng mình được mấy cô ví là Kim Trọng không dè các cô cắc cớ lại ví mình với Mã Giám Sinh nên anh ta vừa thẹn vừa tức. Tuy nhiên thấy các cô xinh xinh lại ngâm Kiều mà Kiều là sở trường của mình, anh chàng liền lên mặt thách thức:
- Chà, các cô thuộc truyện Kiều lắm đấy nhỉ?
Một cô nhanh nhẩu đáp:
- Chúng em quê mùa, ít học đâu dám khoe tài. Còn anh chắc giỏi Kiều lắm nên mới hỏi thế chứ gì? Vậy nhờ anh đọc một câu Kiều bảo con trâu đang đi ở chỗ kia đứng lại giùm tụi em xem nào.
Chàng thư sinh hơi chột dạ, tự nhủ: “Chết chửa, xưa nay mình có dùng Kiều để điều khiển trâu bao giờ đâu?” Tuy thế anh ta cũng tìm được hai câu Kiều và tin chắc rằng sẽ điều khiển con trâu đứng lại nên anh chàng mạnh dạn đọc:
Tần ngần “đứng” suốt giờ lâu,
Dạo quanh chợt thấy mái sau có nhà.

Anh ta cố ý đọc to chữ “đứng” để con trâu đứng lại nhưng con trâu vẫn lững thững bước đi khiến các cô cười ầm. Tưởng con trâu chưa nghe, anh lại đọc hai câu khác:
Trong vòng tên đá bời bời,
Thấy Từ còn “đứng” giữa trời trơ trơ.

Lần này anh thư sinh hét to chữ “đứng” nhưng con trâu vẫn tiếp tục đi.
Một cô liền nói:
- Thôi, anh chả bảo nó được đâu, để em bảo giùm cho. Đoạn cô ngâm:
“Họ”... Chung có kẻ lại già,
Cũng trong nha dịch lại là từ tâm.

Cô đọc to và kéo dài chữ “Họ”, quả nhiên con trâu đứng lại ngay. Kế đó, một cô khác lại thách:
- Bây giờ đố anh bảo con trâu đi rẽ sang phải đấy?
Bị “xệ” quá, muốn gỡ thẹn, anh thư sinh liền đọc luôn:
Nàng rằng: Phận gái chữ tòng,
Chàng “đi” thiếp cũng một lòng xin “đi”.

Chàng thư sinh nhấn mạnh hai tiếng “đi”, con trâu đi thật nhưng lại đủng đỉnh đi thẳng chứ không rẽ bên phải. Anh ta bèn chạy theo con trâu đọc lại lần nữa nhưng nó cũng cứ đi thẳng. Chợt nhớ ra một câu khác, tin chắc lần này thế nào cũng có kết quả, anh chàng dõng dạc ngâm:
Rẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha.
Chàng ta cố ý kéo dài chữ “rẽ”, nhưng con trâu vẫn chậm rãi đi thẳng khiến các cô lại ôm  bụng cười một lần nữa. Anh chàng tiu nghỉu, thẹn tím cả mặt. Bấy giờ một cô trong bọn mới cất giọng ngâm:
Một vùng cỏ mọc xanh rì,
Nước ngâm trong “vắt” thấy gì nữa đâu.

Cô nhấn mạnh chữ “vắt”, quả nhiên con trâu ngoan ngoãn rẽ sang bên phải. Tiếng “họ” và tiếng “vắt” là những tiếng mà người miền quê dùng để điều khiển trâu bò, “họ” là đứng lại, còn “vắt” là rẽ sang phải.

hỗn với tôi thì tôi vả vào mặt bây giờ!
 
Lại một giai thoại văn chương khác, cũng dùng truyện Kiều để thử tài nhau. Chuyện kể rằng có cô hàng nước vừa trẻ lại vừa đẹp, giỏi về văn chương, làu thông truyện Kiếu. Các cậu cống, ông đồ, nho sinh nghe đồn kéo đến rất đông, ai cũng muốn khoe tài với hy vọng được lọt vào “mắt xanh” của người đẹp. Nhưng đã từ lâu mà chưa ai địch nổi “mồm mép văn chương” của giai nhân. Một hôm có anh thư sinh vào quán uống nước nghỉ chân, cô hàng nước cũng quen thói như mọi lần, giở giọng “đàn chị văn chương” ra trêu chọc chàng nho sinh. Nhưng chàng đối đáp trôi chảy lại có phần cứng cỏi. Cuối cùng cô nàng bèn ngâm hai câu Kiều:
Khen cho con... mắt tinh đời,
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già!

Khi ngâm cô nàng nhấn mạnh ba chữ “khen cho con”, nghỉ một lát rồi mới đọc tiếp ba chữ sau thành câu thơ có nghĩa: “Khen cho con đấy, con ạ!”. Chàng nho sinh hiểu ý bèn ngâm hai câu thơ cũng trong Kiều:

Vả... trong thần mộng mấy lời,
Túc nhân âu cũng có trời ở trong.

Lúc ngâm, chàng cũng nhấn mạnh tiếng “Vả...”, cũng nghỉ một lát rồi mới đọc tiếp những tiếng sau cho nên câu thơ có ý nghĩa: “Hỗn với tôi thì tôi vả vào mặt bây giờ!”
Thấy chàng thư sinh đối đáp lưu loát, hóm hỉnh, cô nàng vừa thẹn, vừa phục và từ đó người đẹp cũng bỏ luôn cái thói lên mặt “đàn chị” với mọi người.

Lê Thương
Richmond - Virginia 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét