KỲ 11
NHÀ VĂN HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
Hồi năm 1978, ông bạn họa sĩ Trịnh Tú, lúc đó là thư ký bác sĩ Tôn Thất Tùng, GĐ bệnh viện Phủ Doãn một hôm rủ tôi:
“Tới thăm vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường đi!”.
Tôi ngần ngại:
“Có việc gì cần không? Nếu không thì ngồi quán bà Dậu làm chén rượu chẳng hơn à?".
Hồi
đó tôi ở phố Ấu Triệu sát ngay bệnh viện Phủ Doãn nên Trịnh Tú thưởng
lẻn sang rủ tôi uống rượu ở quán bà Dậu ngay đầu phố tôi. Nguyên là ông
bạn vàng này mới nhờ tôi đưa bồ hắn từ Sài Gòn ra đi thăm nuôi chồng vốn
là sĩ quan quân đội cộng hòa đang cải tạo mãi tại vùng rừng núi heo
hút Thanh Hóa. Vì không phải thân nhân nên tôi không được vào trại,
phải ngủ rừng một đêm muỗi cắn gần chết. Sợ ông bạn lại “sai” việc nữa,
tôi giao hẹn trước:
“Tới chơi thôi, còn có việc thì thôi nhé!”.
Trịnh Tú cười cười:
“Tới giúp bà Mỹ Dạ, vợ ông Tường đi khám bệnh…”.
Tôi gật gật:
“Vậy thì được…”.
Tôi
tưởng vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường phải ở một căn hộ nào đó ở
khu hồ Tây hoặc khu nghỉ dưỡng Quảng Bá, không ngờ Trịnh Tú đưa tôi lên
đường đê La Thành vào trường viết văn Nguyễn Du tới một căn buồng mái
tranh, vách đất, trống huếch trống hoác, giữa nhà trải chiếc chiếu, một
người đàn ông gầy guộc, ngồi xệp, hai đầu gối quá tai. Chắc đã hẹn
trước, nhà văn vồn vã mời ngồi, còn chị vợ - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ thì
xin phép vào bếp rang… lạc đãi khách. Trịnh Tú vội xua tay:
“Thôi thôi… tôi tới coi sức khỏe chị sao? Liệu có giúp được gì rồi phải về ngay…”.
Trong
lúc Trịnh Tú hỏi chuyện chị vợ thì tôi ngắm nhà văn. Ôi chao ôi,
người đàn ông gầy gò, ốm đói kìa lại là người viết ra bút ký “Rất nhiều ánh lửa" đăng trang nhất báo Văn Nghệ ư? Điều kiện sống tối tăm và ẩm thấp thế này ông lấy đâu ra lửa?
Trên đường về tôi la oai oái. Thật không thể tưởng tượng được, một “nhà văn viết bút ký hay nhất của văn học ta hiện nay”
(Nguyên Ngọc), hồi Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 ở Huế là tổng thư
ký Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Thành phố Huế,
soạn “Lời hiệu triệu” kêu gọi quần chúng nổi dậy, thu băng phát
đi khắp các nẻo đường, phố phường Huế Tết Mậu Thân, có thành tích lớn
trong phong trào “diệt ác, trừ gian”, theo đồn đại đã từng ngồi ghế Chủ
tọa Tòa án Nhân dân tại trường Gia Hội. Năm 1972 được điều ra làm
Trưởng Ty Văn hóa tỉnh Quảng Trị ở Đông Hà (vùng mới giải phóng của Mặt
trận Giải phóng), 17 năm kiên trì làm “đối tượng Đảng” rồi được kết
nạp…
Một người đã bỏ đô thị “lên xanh” theo cách mạng với thành tích lớn thế sao ra Bắc lại bị “đãi ngộ” nghèo nàn đến vậy.
Ra khỏi nhà Hoàng Phủ Ngọc Tường, tôi lo lắng hỏi bệnh tật chị Mỹ Dạ, Trịnh Tú gạt đi:
“Bệnh tật gì đâu… bệnh thiếu… protid ấy mà… ăn uống thiếu thốn, kham khổ nên sinh bệnh thế thôi”.
Tôi nổi cáu:
“Một cặp nhà văn – nhà thơ có nhiều đóng góp cho cách mạng sao giờ lại đối xử vậy?”.
Trinh Tú cười hề hề:
“Cậu đi hỏi mấy ông trên, sao hỏi tớ? Thôi, ghé quán bà Dậu làm chén “cuốc lủi”, mặc mẹ sự đời”.
Sau
này vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường rời Hà Nội trở về Huế và nghe nói
được “đãi ngộ” khá hơn. Ở Đại hội Nhà văn lần thứ V (1995), văn phòng
Tổng Bí thư Đỗ Mười đưa xe đến mời nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tới gặp
riêng Tổng bí thư. Dịp tết Ất Dậu, ông Đinh La Thăng,
giờ là Bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải nổi tiếng vụ “trảm tướng” sân
bay Đà Nẵng, đòi đánh thuế cả xe máy dân nghèo, lúc đó là Phó bí thư
thường trực Tỉnh ủy đến tận nhà, tặng vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường một dàn máy tính xịn.
Năm 1980-1981, được Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam với tập “Rất nhiều ánh lửa” (1979).
Năm 2007, được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, cùng đợt với vợ là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.
Ông từng làm Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương và Tạp chí Cửa Việt.
Năm 1980-1981, được Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam với tập “Rất nhiều ánh lửa” (1979).
Năm 2007, được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, cùng đợt với vợ là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.
Ông từng làm Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương và Tạp chí Cửa Việt.
Tháng 7-1997, Hoàng Phủ Ngọc Tường sang thăm Paris. Khi được bà Thụy Khuê (RFI) hỏi:
“Nhìn từ phía những dữ kiện lịch sử mà anh nắm bắt được, diễn biến Mậu Thân đã xảy ra trong một trình tự như thế nào?".
Ông đã trả lời:
“Điều quan trọng còn lại tôi xin ngỏ bày ở đây, với tư cách là một đứa
con của Huế, đã ra đi và trở về, ấy là nỗi thống thiết tận đáy lòng mỗi
khi tôi nghĩ về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã
phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế
năm Mậu Thân. Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ
lương tâm dân tộc, và nhìn trên quan điểm chiến tranh cách mạng…”.
Phải chăng vì những oan hồn đó, sau này trên giường bệnh, ông làm những câu thơ đậm chất “tâm linh”:
Những chiều Bến Ngự dâng mưa
Chừng như ai đó mơ hồ gọi tôi
Tôi ra mở cửa đón người
Chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài hành lang.
Chừng như ai đó mơ hồ gọi tôi
Tôi ra mở cửa đón người
Chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài hành lang.
Hoặc:
“Nợ người một khối u sầu
Tìm người tôi trả ngày sau luân hồi…".
Cũng trên giường bệnh, trả lời nhà báo, Hoàng Phủ Ngọc Tường thành thực:
“Nhà văn phải nói lên sự thật…”.
Quá đúng, với ông, có lẽ trước hết là sự thật về cuộc Tổng tiến công nổi dậy năm Mậu Thân ở Huế.
Nhà thơ Xuân Sách có lẽ hiểu khá thấu đáo Hoàng Phủ Ngọc Tường nên đã hạ bút:
“Trăm năm ông phủ... Ngọc Tường ơi
Cái nợ lên xanh giũ sạch rồi
Cửa Việt tung hoành con sóng vỗ
Sông Hương lặng lẽ chiếc thuyền trôi
Sử thi thành cổ buồn nao dạ
Chuyện mới Đông hà tái nhợt môi
Từ biệt chốn xưa nhiều ánh lửa
Trăm năm ông phủ... Ngọc Tường ơi!”.
KỲ 12a
NHÀ THƠ NGUYỄN KHOA ĐIỀM
Vào
những ngày Đại hội nhà văn VN lần thứ 7, tháng 4 năm 2005 tại Hà Nội,
trong các cuộc nhậu có nhà thơ, nhà văn Trần Ninh Hồ, Nguyễn Hồ, Trần
Công Tấn, Mường Mán… thường “buôn chuyện” về nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm khi
đó đang là Trưởng ban tư tưởng văn hóa trung ương.
Chuyện
“buôn” rằng đồng chí Nguyễn Khoa Điềm thông minh đĩnh ngộ từ nhỏ. Hồi
năm 7 tuổi, trong bếp có “trách”* cá nục kho. Bé Điềm thèm quá, đành ăn
vụng, sau sợ bị mắng nên rắc vài mẩu cá từ chỗ để cái “trách” tới gầm chạn để vu cho… con mèo ăn vụng cá. Dựng “hiện trường giả” từ tuổi nhi
đồng vậy, quả nhiên sau này làm nên nghiệp lớn.
Chuyện
“buôn rằng” hồi chiến tranh chống Mỹ ở trên rẫy A Sầu, A Lưới mọi thứ
đều thiếu thốn, cán bộ đói lắm, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thường cùng
nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đốt rẫy bắt con “rít” (rết) nướng ăn,
ngon không thua gì... tôm nướng. Một hôm hai đồng chí phát hiện ra
cái… hang chuột. Eureka… một
bữa chuột nướng tuyệt vời. Thế là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tương quạt
lửa hun khói một đầu hang, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lăm lăm cầm con rựa (dao) đứng chờ cuối hang, chuột chạy ra là… chém. Hai nhà bác cứ chờ,
chờ mãi chẳng thấy con chuột nào chạy ra. Sau cùng một ông già Vân Kiều
đi qua vỗ vai Nguyễn Khoa Điềm:
“Họ đi rồi… họ còn ở đó thì không tìm được nhà của “họ” đâu…”.
Ý
cụ muốn nói chuột đã chạy rồi, nếu còn ở đó thì không phát hiện được ra
hang của nó đâu. Chuyện này có lẽ ám vào đồng chí Nguyễn Khoa Điềm
khiến suốt cả thời kỳ giữ chức Trưởng ban văn hóa tư tưởng đồng chí
chẳng chém được con “chuột” nào, chúng nó lẩn hết đâu mất.
Thời
nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm làm trùm tư tưởng văn hóa, không khí sáng tác
không được “hồ hởi, phấn khởi” lắm, khiến ngay trong Đại Hội Nhà Văn
Việt Nam lần thứ VII, tại Hội Trường Ba Đình - Hà Nội chiều ngày
23-4-2005, nhà thơ Trần Mạnh Hảo nhảy lên diễn đàn than thở:
“Vâng, tự do sáng tác là khi ngồi trước trang giấy, nhà nghệ sĩ là Chúa
Trời sáng thế. Anh tuyệt nhiên không được phép để một ám ảnh sợ hãi nào
quấy nhiễu mình. Ví như anh còn phải day dứt viết thế này, viết thế nọ
mới được duyệt in; rằng đang có bao nhiêu đôi mắt soi mói vô hình kiểm
duyệt anh từ xa ví như viết xong một câu văn là cứ phải mắc bệnh tương
tư, nhớ đến anh Khổng Minh Dụ (thiếu tướng công an - Cục trưởng Cục Bảo
vệ tư tưởng Văn hóa (A 25 Bộ Công An), Đỗ Kim Cuông (Vụ trưởng Vụ Văn nghệ Ban tư tưởng Văn hóa Trung Ương), Trịnh Đình Khôi (chuyên viên
cao cấp Ban Tư tưởng Văn hóa Trung Ương phụ trách theo dõi Hội Nhà văn
VN), Nguyễn Đình Nhã (Cục trưởng Cục xuất bản – Bộ Văn hóa Thông tin), Vũ Duy Thông (Cục trưởng Cục báo chí Ban Tư Tưởng Văn hóa Trung Ương),
nhớ mấy anh canh cửa phê bình, nhớ anh giám đốc duyệt bài, anh biên tập
viên cầm hai tay hai cái kéo, nhớ anh duyệt lưu chiểu hồi này với máy
dò câu chữ nghe đồn còn kỹ hơn máy dò hành lý hải quan; thì than ôi,
bằng ấy cơ chế kiểm duyệt đè nặng lên tâm lý sáng tạo của anh, nên “vừa
viết vừa run” như thế; nghĩa là anh vừa viết vừa tự thiến đứa con tinh
thần của mình, cho nên khi ra đời nó không được có cơ hội cuồng lên vì phát
dục, xóa hết bản năng sinh
tồn bùng sôi của nó đi, đẽo gọt chân nó sao cho vừa với đôi giày “chính
trị” đi, thì nhà văn ơi, tự do sáng tác ơi, ta chào mi, vì mi quá nhiêu
khê, quá rách việc, quá nhiều cơ quan và nhiều cá nhân quyết định việc
sống còn của ngòi bút mi theo kiểu nhiều cha con khó lấy chồng. Quá
nhiều người gác cửa, có thể bất cứ lúc nào vui thì cho anh qua, buồn thì
giữ anh lại khám xét, lục vấn, xử lý cấm cản tùy tiện vô nguyên tắc như
từng thô bạo xử lý bao nhiêu nhà văn, bao nhiêu tác phẩm chết oan vì
vừa ra đời đã bị bóp mũi”.
Một
tổng kết về “tự do sáng tác” như vậy hẳn rát mặt ngài trưởng ban tư
tưởng văn hóa. Vào khoảng năm 1994, tôi cùng ông anh ruột sống ở
Sài Gòn trước 1975 nay định cư ở Mỹ, nhà văn Nhật Tiến, “hưởng ứng chủ
trương hòa giải hòa hợp dân tộc” ra chung tập truyện ngắn “Quê nhà,
quê người” – Nhật Tiến viết phần “Quê người”, tôi viết “Quê nhà”. Bản
thảo gửi NXB Văn Học, trầy trật mãi không xin được giấy phép. Nghe nói
có ông lãnh đạo chửi “Mẹ nó, thằng Việt kiều (ý nói Nhật Tiến) thì
viết y như Việt cộng, còn thằng Việt cộng (ám chỉ tôi) thì lại viết
như… Việt kiều (!)". Cuốn sách tưởng bế tắc, không xuất bản được. Sau
nghe nói đồng chí Nguyễn Khoa Điềm có ý kiến sao đó, cuốn sách lại có
giấy phép tuy nhiên kèm theo yêu cầu là sách được xuất bản nhưng cấm
không được tuyên truyền trên các báo. Báo hại phóng viên một số tờ báo
sửa soạn phỏng vấn nhà văn Nhật Tiến đều phải rụt lại hết.
Thế
rồi sang năm 2000, khi Nguyễn Khoa Điềm trúng cử Ủy viên Bộ chính trị,
Trưởng ban tư tưởng Văn hóa thì liền sau đó cuốn “Chuyện kể năm 2000”
của Bùi Ngọc Tấn bị cấm, phải xay thành giấy vụn.
Cùng
lúc với “Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn, một cuốn sách khác cũng
bị dìm chết tức tưởi khi mới xuất xưởng in mà dư luận dường như không hề
biết tới: cuốn “Những người con của đất” - NXB Văn học - của Đỗ Bàn.
Cuốn
sách viết về thời kỳ đổi mới những năm tám, chín mươi ở một tỉnh miền
núi nghèo đói. Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã gây nên tình
trạng đấu đá tranh giành quyền lực trong Đảng. Ông Duy đại diện cho phái
tân tiến, có học, cần phải đổi mới gấp, chịu làm, năng động muốn phá vỡ
cơ chế hiện tại. Ông Bí thư tỉnh phái ôn hòa, làm hay không làm cũng
chưa chết ai, cứ đợi đấy. Ông Trịnh Giám đốc công an tỉnh ở phái bảo thủ
cơ hội, chờ thời tiêu diệt những người coi thường mình.
“Tao vô học nhưng tao phải là tao, chúng mày thích “tự cởi trói cho mình trước khi trời trói”, thì hãy đợi đấy!
Một
xã hội lùng nhùng, một nền kinh tế lùng nhùng, chỉ có thằng nói không
có thằng dám làm? Nghị quyết, chỉ thị, nghị định, quy chế… chỉ là những
văn bản cho bọn cơ hội bóp chết người trung thực dám làm và dám chịu
trách nhiệm. Văn bản chỉ thị của tỉnh thay đổi xoành xoạch: bắt dân
phá rau, hoa, chè, cà phê trồng khoai lang, cao lương… khi thất bại
đành bán rừng đổi gạo cứu đói và một loạt sai phạm đó lại dội vào đầu
những người thực hiện.
Trong
một thời gian ngắn, Giám đốc công an Trịnh đã bắt ngót trăm giám đốc
của các đơn vị kinh tế trong tỉnh, từ ngành chè, cà phê, lâm nghiệp,
thương nghiệp… có người đáng bậc cha chú, đàn anh của mình, có người đồng
chí trong những ngày Trịnh truy quét Fulro… bắt và bắt làm cho cả tỉnh
rúm ró lại. Những người như ông Duy chỉ còn biết thở dài ngao ngán, còn
ông bí thư thì như bù nhìn “rằm cũng ừ mười tư cũng gật”. Một xã hội công an trị đến ngộp thở, bị bưng bít tới cùng đường thì còn gì là cuộc
sống.
“Những người con của đất" là tiếng nói cảnh tỉnh của những con người trung thực thẳng thắn,
sống hết mình vì nhân dân, đã bị hào quang của đảng qua những kẻ dối
trá làm mờ mắt mà hy sinh tính mạng một cách vô ích. Nhưng đất vẫn là
đất, ai cũng phải sống rồi chết trên mảnh đất này, những kẻ độc ác, cơ
hội, tham lam rồi sẽ bị đất hủy hoại không thương tiếc.
Khi cuốn sách được phát hành cùng thời với cuốn “Chuyện kể năm 2000”
của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, Giám đốc Trịnh đã tìm mọi cách cấm phát hành,
làm việc với các ngành pháp luật của tỉnh để truy tố người viết… Lúc đó
tôi là Trưởng Chi nhánh phía Nam Nhà xuất bản Văn Học, đành
phải im lặng tiến hành thủ tục “thu hồi sách”. Sách bị giam cầm, người
viết như tù giam lỏng trong thời ông Nguyễn Khoa Điềm ngồi chót vót
trong ngành văn hóa tư tưởng.
* trách : một loại niêu đất .
KỲ 12b
NGUYỄN KHOA ĐIỀM (TIẾP THEO)
Sang năm
2003 lại một vụ “cấm sách” dưới triều ông Nguyễn Khoa Điềm. Lần này
động trời hơn vì tác giả bị cấm lại là ông nhà văn nổi tiếng ca ngợi
cách mạng: Nguyễn Khải, lúc đó là Phó Chủ tịch Hội nhà văn VN, đại
biểu quốc hội khóa 8. Hơn thế, cuốn sách đã đăng nhiều kỳ trên tạp chí
Nhà văn, nhưng đến khi in thành sách thì lại… cấm phát hành. Thực ra
cuốn “Thượng đế thì cười” chẳng chửi Đảng cũng không bôi đen chế độ, nó chỉ có mỗi tội kể chuyện đại biểu quốc hội… ngủ gật.
Chương 22, Nguyễn Khải huỵch toẹt chuyện quốc hội:
“Trong
suốt một nhiệm kỳ Quốc hội khóa 8 hắn chỉ phát biểu có một lần về
những điều bổ sung cho Luật Báo chí. Hắn đề nghị Quốc hội xem xét cho
ra báo tư nhân và nhà xuất bản tư nhân để đảm bảo quyền tự do ngôn
luận, tự do xuất bản của một xã hội văn minh. Hắn vừa ngồi xuống thì bà
T. cũng là đại biểu của thành phố Hồ Chí Minh, nguyên là một nữ luật
sư danh tiếng của Sài Gòn trước đây, một thượng nghị sĩ trong phe đối
lập với chính quyền Thiệu, đứng lên phản đối liền. Bà nói, đại ý, rằng
hắn chưa từng sống trong xã hội tư bản nên mới ngộ nhận là ở đó có tự
do báo chí! Không có đâu! Danh nghĩa là báo của tư nhân nhưng nguồn tài
trợ thường xuyên để nuôi sống nó luôn luôn là của các tổ chức chính
trị, tôn giáo, nghề nghiệp đầy quyền lực... Bà vừa dứt lời tiếng vỗ tay
đã vỡ ra vang dội và kéo dài khắp hội trường. Ông chủ quyền lực bắt
đầu ghét hắn từ ngày ấy, đã muốn đuổi hắn ra khỏi cơ quan quyền lực từ
ngày ấy. Rồi hắn lại ngủ gật nữa. Trong những phiên họp tranh cãi sôi
nổi về một từ, một câu trong những điều luật bổ sung của Bộ luật Hình
sự, thì hắn ngủ gục, đầu vẫn ngay, lưng vẫn thẳng nhưng đầu óc đã trống
rỗng, mờ mịt, người ngồi cạnh phải hích nhẹ hắn mới bừng tỉnh. Một ông
nghị gật như các báo vẫn chế giễu các ông nghị bản xứ thời Pháp thuộc…”.
Sách in xong bị cấm phát hành nhưng cũng còn may không bị đốt như “Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn, sau một năm nằm kho, cấp trên mới ra điều kiện muốn “giải tỏa” cuốn sách thì phải cắt bỏ cái đoạn “đại biếu quốc hội ngủ gật”.
Nguyễn Khải tâm sự:
“Tôi
thấy đoạn kể chuyện ngủ gật ở Quốc hội cũng chỉ là chuyện nói vui, còn
nhiều chuyện khác có ý nghĩa hơn, chỉ vì đoạn này mà cuốn sách không
thể tới được tay bạn đọc thì cũng tiếc nên tôi đồng ý cắt một trang.
Anh em bảo thế là không hay, cái ông Khải này lúc nào cũng nhân nhượng.
Thật sự tôi thấy điều ấy cũng không phải là quan trọng nhất, cắt bỏ đi
cũng chả ảnh hưởng gì đến quyển sách”.
Trong
mấy ngày giáp tết Ất Dậu, ông Nguyễn Khoa Điềm làm một việc xưa nay
một ông Trưởng ban văn hóa tư tưởng của Đảng chưa bao giờ làm là tới tận
nhà riêng chúc tết một số… nhà báo. Và cũng trong một cuộc Hội thảo
về công tác phê bình lý luận, tháng 11 năm 2004 tại Hà Nội ông Nguyễn
Khoa Điềm có những phát biểu mới mẻ xưa nay các ông Trưởng ban văn hóa
tư tưởng của Đảng chưa dám nói bao giờ.
Nói
thế nào thì nói, qua những hành động đó người ta thấy một sự cải
thiện hình ảnh ông trùm văn hóa văn nghệ Việt Nam xưa nay vốn vẫn bị coi là một “ông kẹ” luôn luôn cầm roi uốn nắn tư tưởng khắp bàn dân
thiên hạ.
Ấy
vậy rồi xảy ra một việc động trời chưa từng thấy “trên mặt trận văn
hóa và tư tưởng". Một nhà “phê bình lý luận" nổi tiếng Mao-ít ở TP Hồ
Chí Minh là Giáo sư Trần Thanh Đạm, trên tạp chí “Văn” số Tết Ất Dậu
của Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh đã viết một bài nảy lửa đả phá một số
quan điểm mới mẻ của ông Nguyễn Khoa Điềm làm người đọc bật ngửa về sự
mạo phạm cấp trên, cả gan vuốt râu hùm, công khai phê phán lãnh đạo
Đảng ngay trong dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng.
Ngay
trong phần mở đầu dài dòng đầy những nguyên tắc mácxít cứng nhắc, ông
Trần Thanh Đạm đã khen xỏ đồng chí Trưởng ban văn hóa tư tưởng:
”Diễn giả (tức NKĐ) không chỉ nói lên các ý kiến của mình với tư cách một nhà thơ, một người nghệ sĩ, ngoài các tư tưởng có tính cách chỉ đạo, còn có những ý tưởng riêng có tính cách cá nhân… làm bài phát biểu bớt đi tính áp đặt mà tăng thêm tính gợi mở, khuyến khích suy nghĩ và thảo luận…”.
Thực
ra đã là lãnh đạo Đảng trên bất cứ trận địa nào, khi phát biểu trước
quần chúng lúc nào cũng phải mang tính cách huấn thị và chỉ được nói
những quan điểm của Đảng mà thôi, sao “đồng chí” dám phá lệ gài “ý kiến
cá nhân” vào đó? Thật là một câu phê bình chết người đối với lãnh tụ
Đảng và chính vì lo cho Đảng, vì “bảo vệ Đảng” nên một quần chúng cách
mạng như Giáo sư Trần Thanh Đạm phải “thí mạng cùi” nhảy ra vạch trần “những ý kiến cá nhân sai trái” của đồng chí Trưởng ban tư tưởng văn
hóa để bảo vệ đường lối mác-xít của Đảng. Tinh thần của Giáo sư Trần
Thanh Đạm thật dũng cảm ghê gớm chưa?
Trong bài phát biểu của mình, ông Nguyễn Khoa Điềm thẳng thắn thừa nhận:
“Đúng là lý luận văn học của ta còn nhiều bất cập và thiếu hụt. Do hệ
thống lý luận văn học này được sản sinh trong môi trường của các nước
xã hội chủ nghĩa trước đây…”.
Trần Thanh Đạm cãi lại thủ trưởng:
“Đúng là lý luận văn học của chúng ta trước đây chịu ảnh hưởng của các
thành tựu lý luận văn học từ các nước xã hội chủ nghĩa (trước hết là
Liên xô)… song nói rằng lý luận văn học của ta sản sinh ra trong môi
trường đó thì chỉ đúng có một phần…”.
Rồi ộng ta cho rằng:
“Nền lý luận văn học của ta… sản sinh ra từ đường lối lý luận và thực
tiễn của cách mạng dân tộc, dân chủ và xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam từ
1930 và sớm hơn, từ đầu thế kỷ 20, thể hiện trong các văn kiện của Đảng:
Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm văn Đồng, Tố Hữu qua các đại hội văn
nghệ và đại hội nhà văn, các tác phẩm lý luận của các nhà văn, nhà thơ
lớn của chúng ta trong thế kỷ 20 như: Hải Triều, Tố Hữu, Nguyễn Đình
Thi, Chế Lan Viên, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh… và các nhà lý luận ưu tú
khác…”.
Trưng
ra các cây đa cây đề trong “nền phê bình lý luận cách mạng” theo cái
lối mang ngoáo ộp ra dọa con nít, Trần Thanh Đạm có ý hạch tội rằng
nói như Nguyễn Khoa Điềm thì còn đâu là tính sáng tạo và tính độc lập
tự chủ của Đảng ta xưa nay vẫn được tuyên truyền rầm rĩ ra cả thế giới
nữa.
Sau khi trưng ra ý kiến phát biểu của Nguyễn Khoa Điềm về lý luận văn học:
Sau khi trưng ra ý kiến phát biểu của Nguyễn Khoa Điềm về lý luận văn học:
“Hệ thống lý luận văn học của ta do phải tập trung cho thắng lợi của
chủ nghĩa xã hội mà phần nào bỏ quên hoặc tránh đi những đặc trưng văn
học, những vấn đề rộng lớn của văn chương và của con người…”.
Ông Trần Thanh Đạm dám lên giọng “xách mé”:
“Có lẽ khó quan niệm một chủ nghĩa xã hội gì mà văn học lại bỏ quên
hoặc tránh né các vấn đề rộng lớn của văn chương và con người?… Một
chủ nghĩa xã hội như vậy còn xứng đáng được gọi là chủ nghĩa xã hội
được hay không?… Thực tế nước ta mới quá độ lên chủ nghĩa xã hội, còn
phải “tập trung cho giải phóng dân tộc, đánh thắng đế quốc xâm lược “không thể phát triển và xây dựng một nền văn học như trong hòa
bình”… thế nhưng nói rằng chúng ta né tránh hoặc bỏ quên các vấn đề đó
thì không đúng…”.
Táo tợn hơn, Trần Thanh Đạm phê phán sếp lớn:
“Tôi cho rằng lý giải các yếu kém thiếu hụt của lý luận văn học chúng
ta như diễn giả đã làm là có phần hời hợt, sơ lược, chủ quan, không
trên cơ sở một nhận thức lịch sử thật chu đáo, thận trọng…”.
Rồi cả dọa nạt:
“Kết cục của diễn biến hòa bình trong lĩnh vực tư tưởng văn hóa là bạo
loạn lật đổ trên lĩnh vực chính trị xã hội. Những người cầm cờ, cầm
lái không thể mơ hồ trong nhận thức của mình…”.
Quả
thực xưa nay, chưa ai dám công khai dạy dỗ “lãnh đạo Đảng “trên
phương tiện báo chí của Đảng nặng nề thế này. Trong bài phát biểu của
Nguyễn Khoa Điềm có một luận điểm khá mạnh dạn, mới mẻ:
“Lâu nay trong quan hệ giữa nội dung và hình thức chúng ta chỉ chú
trọng những mặt nội dung mà xem nhẹ yếu tố hình thức, như vậy là chúng
ta mới đề cập mặt xã hội của văn chương mà chưa thấy yếu tính của văn
học là ngôn ngữ nghệ thuật…”.
Sự
thực, đây là một sự thừa nhận rất đáng biểu dương đối với một nhà lãnh
đạo văn hóa văn nghệ cộng sản. Tuy nhiên đối với các lý luận gia “mác-xít đến chiều" như Trần Thanh Đạm thì sự thừa nhận đó là đi chệch
đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng cần kéo còi báo động:
“Diễn giả đã “vơ đũa cả nắm” khi dùng đại từ “chúng ta" ở đây, nếu nói
“một số người trong chúng ta" thì còn nghe được. Đó là những kẻ cơ
hội, giáo điều, thậm chí ngu dốt trong văn học nghệ thuật…”.
Ô hô, nói vậy khác nào chửi sếp lớn là cơ hội, giáo điều, ngu dốt?
KỲ 12c
NHÀ THƠ NGUYỄN KHOA ĐIỀM (kỳ cuối)
Hẳn ai cũng
biết, những cây bút “quốc doanh” đặc biệt lý luận phê bình cả đời chỉ
quyết làm cháu ngoan bác Mao, sống chết với tinh thần văn nghệ Diên An
chẳng mấy thiện cảm với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - người cứ thích nói
ngược những gì thiên hạ nói xuôi.
Trong
con mắt các lý luận gia mác-xít hơn cả cộng sản như Mai Quốc Liên, Trần
Trọng Đăng Đàn, Trần Thanh Đạm… Nguyễn Huy Thiệp như một kẻ có tội, một
con chiên ghẻ cần rút phép thông công, một kẻ “ngoại tình” cần ném đá,
một tên “ăn cơm cộng sản thờ ma Việt kiều”…
Vì sao Thiệp trở thành “phần tử nổi cộm”, cái gai trong con mắt giới lý luận bảo thủ cực đoan như vậy?
Thưa
rằng xưa nay Thiệp vốn “ăn lộc” tối đa của Nhà nước, suốt một thời đổi
mới cho đến nhiều năm sau, cả bộ máy tuyên truyền của Đảng “bốc thơm”
Nguyễn Huy Thiệp lên mây xanh, trao "cây bút vàng” cho Thiệp trên khắp
các mặt báo chí, sách, điện ảnh, truyền hình làm lu mờ cả những giá trị
văn chương “cây đa cây đề". Ăn “lộc Đảng” nhiều vậy mà xem ra Thiệp
không chịu ca ngợi Đảng lấy một câu gọi là ghi nhận mình cũng từ cái
nôi văn hóa xã hội chủ nghĩa chui ra.
Đã
không “trả nghĩa” cho Đảng thì chớ, Thiệp ngày càng ngoa ngoắt xỏ xiên.
Bỏ qua những lỗi bôi bác lịch sử hoặc bôi đen xã hội như chuyện con dâu
ông tướng hưu nhét cả thai nhi nấu cho chó ăn, trong vở kịch “Suối nguồn êm dịu” vốn được bà Thụy Khuê ở đài RFI “tôn vinh” là “nhà thạch học”, tức sử gia không viết lên giấy mà khắc vào đá, Thiệp đã chơi lại cái mẹo “biểu tượng hai mặt’ của Nhân Văn ngày trước, bôi bác nhân vật lãnh tụ trong một xã hội “toàn trị” và bóng gió đề cao “Ông 2000” dễ thấy là biểu tượng của “ông” “Hiến chương năm 2000” mấy năm trước được phát động rầm rộ ở Paris đòi dân chủ, đa nguyên.
Không kể chuyện “đánh võ mồm” như trả lời phỏng vấn ở Pháp “ói mửa vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, trong truyện vừa “Tuổi 20 yêu dấu”, ông Thiệp chửi tuốt luốt cả từ nhà trường tới quốc hội, và trong “Chuyện trò với hoa thuỷ tiên”, Thiệp gọi đám nhà văn trong nước là bọn “giặc già” vừa bất tài, vừa tham lam vừa thất học…
Bị
chửi ông chửi cha vậy mà Hội nhà văn Việt Nam vẫn im thin thít, ngay cả
Tổng thư ký Hội Hữu Thỉnh vào những dịp đăng đàn diễn thuyết cũng… "ngó
lơ”. Tình trạng nuông chiều, e nể Nguyễn Huy Thiệp làm các phê bình lý
luận gia mao-ít ngồi đầy trong các Viện nghiên cứu và các trường Đại
học tức lộn ruột chỉ mong một ngày “hoàng đạo” nào đó sẽ tay dao tay
thước xúm vào đánh đòn hội chợ. Nào ngờ, ngày ấy chưa đến, đã thấy
Nguyễn Huy Thiệp chơi luôn một tiểu phẩm “Mổ xẻ nhà văn” xỏ xiên các nhà phê bình chỉ muốn tiến thân bằng xác các nhà văn. Hành động đổ
dầu vào lửa của Nguyễn Huy Thiệp càng nung nấu thêm “lòng căm thù” của
giới lý luận “mác-xít tới bến” chỉ chờ cấp trên gật đầu là xúm vào “bề
hội đồng".
Vậy
mà có ai ngờ, đồng chí Trưởng ban văn hóa tư tưởng Nguyễn Khoa Điềm
chẳng những không phát lệnh “giết chết thằng Thiệp” lại còn khen ngợi
Thiệp thì còn trời đất nào nữa hở… trung ương Đảng?
Lẽ
ra là người cầm cân nảy mực giữ gìn, bảo vệ tư tưởng của Đảng, ông
Nguyễn Khoa Điềm phải nghiêm khắc “lên án” và vạch ra những tội lỗi của
Thiệp, đằng này ngược lại đưa ra những luận điểm khá mới mẻ so với cái
vốn có của Đảng khi khen ngợi và có ý “tha bổng” Thiệp:
"Có người đã nói anh Thiệp đã viết những điều trước nay chưa ai viết.
Tôi thấy điều ấy không quan trọng lắm. Về mặt nội dung, có những điều
anh Thiệp sai nhưng về mặt đổi mới ngôn ngữ nghệ thuật thì anh Thiệp
lại có nhiều đóng góp… Ở vào thời điểm mang tính chuyển đổi thì nhiều lúc
hình thức lại mang tính cách mạng của nó…”.
Vậy
là những điều Nguyễn Huy Thiệp viết dù xưa nay chưa ai dám viết cũng
chẳng là cái gì phải làm ầm ĩ lên, cái chính là Thiệp đổi mới ngôn ngữ
nghệ thuật. Ông trùm văn hóa đã nói vậy tức đã “tha bổng” Thiệp. Lập tức
Trần Thanh Đạm dám xổ toẹt quan điểm của đồng chí Trưởng ban tư tưởng:
“Không
cần phải là nhà lý luận uyên thâm gì cũng có thể thấy nhận định của tác
giả về Nguyễn Huy Thiệp là không chính xác, là tách rời nội dung với
hình thức, tách rời ngôn ngữ nghệ thuật với tư tưởng nghệ thuật…”.
Và to gan lớn tiếng mắng mỏ ông Ủy viên Bộ chính trị dốt lý luận:
“Có lẽ do chưa nhận thức rõ về mặt lý luận cũng như thực tiễn nên diễn
giả đã tiếp cận các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp một cách siêu hình,
tách rời máy móc nội dung và hình thức…”.
Rồi
bằng một giọng đay nghiến, khinh khỉnh hoàn toàn ngược với giọng cấp
dưới với cấp trên, Trần Thanh Đạm tuôn ra liên hồi những lời lẽ đả phá
mạnh mẽ ý kiến của Nguyễn Khoa Điềm:
“Há rằng “phi anh hùng hóa" một ông tướng về hưu, “phi thần tượng
hóa" một anh hùng dân tộc v.v… chỉ là đổi mới và đóng góp cho ngôn ngữ nghệ
thuật hay sao?".
Táo tợn hơn, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, một ông Trưởng ban văn hóa tư tưởng bị kết tội công khai trên báo:
“Trong khi một số nhà văn, nhà phê bình lên án những ngôn luận
xằng bậy của anh Thiệp đối với các văn hữu trong Hội nhà văn thông qua
các bài như: Hoa thuỷ tiên, Mổ nhà văn, Tuổi 20 yêu dấu v.v… thậm chí
xúc phạm đến cuộc kháng chiến dân tộc thì đồng chí Nguyễn Khoa Điềm hình như có ý muốn che chắn cho Nguyễn Huy Thiệp…”.
Hơn thế nữa ông Nguyễn Khoa Điềm còn có một bước tiến đổi mới khá xa so với những người tiền nhiệm khi ông phát biểu:
“Người nghệ sĩ có tư chất và thẩm quyền của họ, không nên buộc họ lệ thuộc quá nhiều vào thực tại…”.
Nghĩa
là không nên ép uổng nhà văn viết “người thực việc thực”, "người tốt
việc tốt”, không nên bắt buộc nhà văn phải “đi thực tế” dựng nên “bức
tranh hào hùng về cuộc sống sản xuất và chiến đấu của nhân dân ta".
Vậy là Đảng đã “cởi trói’ cái nghĩa vụ “phi sáng tạo" cho nhà văn, đồng
thời còn thừa nhận “thẩm quyền” của người cầm bút.
Vớ được câu này, Trần Thanh Đạm mừng rỡ chẳng khác hải quan khám ra hàng lậu. Lẽ
ra mang danh nhà nghiên cứu, Trần Thanh Đạm phải nhiệt liệt ủng hộ
những tín hiệu đổi mới của ông Nguyễn Khoa Điềm, ngược lại đưa ra những
phản đối cũ rích:
“Người nghệ sĩ không phải lệ thuộc quá nhiều vào thực tại, song tôi
nghĩ người nghệ sĩ chân chính nào cũng quan tâm đến con người và cuộc
sống, có trách nhiệm với thực tại chứ không chỉ biết có tư chất và thẩm
quyền của mình…” nghĩa
là Trần Thanh Đạm vẫn đề cao cái “nghĩa vụ xã hội”, cái trách nhiệm “tổ chức quần chúng của Đảng” vốn là tôn chỉ của Hội nhà văn Việt nam.
Nguy hiểm cho ông Nguyễn Khoa Điềm hơn nữa khi ông nói:
“Cần tránh khuynh hướng cực đoan khi xem xét văn học chỉ như một sáng
tạo nghệ thuật thuần túy và văn học chỉ như một vũ khí chính trị…”.
Ngay lập tức, Trần Thanh Đạm mang cả “lời Bác dạy” để dằn mặt:
“Văn hóa nghệ thuật không ở ngoài mà ở trong kinh tế và chính trị”.
Vậy
đừng có tơ lơ mơ, chính trị bao giờ cũng là ‘thống soái”, thế là Trần
Thanh Đạm tiếp tục tiến lên, tiến lên ta quyết tiến lên, tiến lên ta gọi
cấp trên bằng... thằng. Tuy Đạm chưa dám gọi đồng chí Nguyễn Khoa Điềm
bằng thằng nhưng đã lớn tiếng mắng mỏ:
“Chưa bao giờ văn học và chính trị rời xa nhau nửa bước, chỉ những kẻ tự
lừa dối mình hoặc lừa dối người khác mới không trông thấy hoặc giả vờ
không trông thấy…”.
Rồi đao to búa lớn, Đạm khẳng định lại cái “vòng kim cô” vẫn úp trên đầu các nhà văn:
“Khẩu hiệu của Hội nhà văn Việt Nam và của báo Văn Nghệ là: "Vì Tổ quốc,
vì Chủ nghĩa xã hội” là một cam kết chính trị trung thực, thẳng thắn
và đẹp đẽ. Theo tôi đó là ngọn cờ chính trị và chính nghĩa của văn học
Việt Nam hiện đại…”.
Và sau hết Đạm nổi còi báo động:
“Mưu mô “diễn biến hòa bình" khởi đầu từ trận địa văn hóa tư tưởng trong đó có văn học nghệ thuật, truyền bá và thẩm thấu các các quan
niệm sai trái về nghệ thuật, nhân danh cái đẹp mơ hồ, trừu tượng để
ngụy trang sự lừa dối, cái ác, cái xấu, nhằm làm hủ bại đạo đức tư
tưởng của chúng ta và con cái chúng ta…”.
Suốt
bài viết Đạm không hề nhắc tới chức vụ Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban
tư tưởng văn hóa của Đảng của ông Nguyễn Khoa Điềm làm người ta không
thể không đặt câu hỏi:
"Ai đang đứng sau Trần Thanh Đạm và tạp chí Văn của Hội Nhà văn TP Hồ
Chí Minh, nhất là trong hình hình cuộc đấu đá ngày càng gay cấn khi Đại
hội Đảng đang tới gần?”.
Tất
nhiên nếu đồng chí Trưởng ban tư tưởng văn hóa Nguyễn Khoa Điềm vẫn
ngồi vững trên ghế ngay cả khóa sau thì Trần Thanh Đạm có uống cả ký
“mật gấu” cũng không dám “mó dái ngựa”. Cả cái tạp chí “Văn” của Hội
nhà văn TP Hồ Chí Minh cũng vậy, nếu không đánh hơi thấy sếp cũ sắp đi,
sếp mới sắp về thì dù có lệnh của tuyên huấn thành ủy cũng không dám
“cãi cấp trên” vốn là điều tối kỵ trong “sổ tay phóng viên”.
Vì
sao đồng chí Trưởng ban tư tưởng văn hóa Nguyễn Khoa Điềm lại “đốc
chứng” vậy ngay khi còn tại vị? Ngày nay trong kinh tế người ta hay nói
tới thuật ngữ “tái cấu trúc” tức là sắp xếp, tổ chức lại để xí xóa mọi
chuyện tham ô, tham nhũng. Các nhà văn, nhà lý luận văn học vào cuối
đời cũng có mốt “tái nhận thức" kiểu như Chế Lan Viên với “Bánh vẽ”,
Nguyễn Khải với “Đi tìm cái tôi đã mất”, Nguyễn Dình Thi với “bài thơ
gửi lại “… có tính cách “phản tỉnh”, “nghĩ lại những điều đã nghĩ”.
Khác với họ, Nguyễn Khoa Điềm sớm “tái nhận thức” vào cuối nhiệm kỳ và chắc cũng đã biết ngày trở về cố đô Huế cũng sắp tới.
Qua trường hợp Nguyễn Khoa Điềm, người ta thấy được cái khó của các “nhà lãnh đạo tư tưởng" Việt Nam. Giữa một biển cán bộ mênh mông, ý thức hệ còn sặc mùi mao-ít, ông
Nguyễn Khoa Điềm có muốn đổi mới, rũ bỏ những cái cũ kỹ và lỗi thời,
thực sự ông phải đương đầu với cơn bão bảo thủ ghê gớm cả trong Đảng lẫn
ngoài xã hội, đòi hỏi ở ông lòng dũng cảm và tâm huyết thật sự vì dân
vì nước là cái chưa thấy ở ông.
Từ dạo quay về làm dân ở Huế, tuy nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - sống rất lặng lẽ và kín tiếng. “Bây giờ tôi chỉ còn chường cái mặt tôi ra trong thơ”, nhưng dường như ông vẫn tiếp tục “tái nhận thức”. Tháng 6 -2011, trả lời phóng viên báo Lao Động, ông nói những câu khối anh phải giật mình:
“Bài
trừ tất cả các loại văn hóa liên quan tới phong kiến, thực dân... chúng
ta đã cắt đứt quá khứ, cắt đứt sâu chừng nào thì được cho là có quan
điểm lập trường tốt chừng đó. Đó là một thái độ rất nguy hại”,
“Thơ thì phải nói thật lòng mình, không thể giấu mình, không thể nói
dối... Việt Nam chúng ta lại quan niệm văn học là đạo lý, trách nhiệm...
nên gò bó sự sáng tạo cũng như hạn chế sự thổ lộ. Trong khi văn chương
phải thể hiện cái đẹp nội tâm của con người".
“Vì
vậy tôi đã nghỉ hưu, nhưng nhiều người lãnh đạo mong tôi phải thế này
thế kia, phải làm thơ ngợi ca, phải hô hào tiến lên... Vừa rồi khi tôi
công bố một số bài thơ trên báo sau khi về Huế, có rất nhiều ý kiến khác
nhau, thậm chí có người chê trách tôi “đổi giọng”, nhưng tôi không quan
tâm...
Tuy
nhà thơ không quan tâm nhưng chắc độc giả thì chờ đợi ông tiếp tục “đổi
giọng” như thế. Nhà thơ Xuân Sách dường như chưa nhận ra quá trình “tái
nhận thức” của Nguyễn Khoa Điềm nên viết chân dung khá đơn giản:
Một mặt đường khát vọng
Cuộc chiến tranh đi qua
Rồi trở lại ngôi nhà
Đốt lên ngọn lửa ấm
Ngủ ngoan A kai ơi
Ngủ ngoan A kai ời...
KỲ 13
NHÀ THƠ VŨ QUẦN PHƯƠNG
Ở ta có hai ông bác sĩ bỏ nghề chuyển sang nghiệp văn chương. Một là bác sĩ Trần Quán Anh tác giả vở kịch "Tiền tuyến gọi”, khuấy động sân khấu Hà Nội một thời, dân gian đổi tên vở diễn thành… “Tiền gọi”. Hai là bác sĩ Vũ Quần Phương, trong giới gọi chệch là Vũ Quần… Phăng – tức quần nữ cắt theo lối quần tây.
Hồi
đó, nữ sĩ Xuân Quỳnh đang sống với chồng là nhạc công “Tuấn violon”,
thế rồi một ngày đẹp trời gặp chàng thi sĩ đang có vợ, nổ ra tiếng sét
ái tình. Đôi thi nhân chỉ non thề biển, hẹn nhau cùng rũ bỏ gia đình,
lấy lại tự do xây dựng trăm năm hạnh phúc.
Y
hẹn, nữ sĩ Xuân Quỳnh ly dị chồng và chờ chàng thi sĩ bỏ vợ thực hiện
mộng ước “có nhau”. Than ôi, năm này qua năm khác, nữ sĩ cứ nhóng cổ chờ
hoài, chờ hoài chẳng thấy chàng nhúc nhích, ngày đi làm, tối về vẫn hú
hí vợ con. Chờ mãi, chờ mãi, nữ sĩ nổi cáu: "Tôi không thèm cái mặt
anh nữa. Tôi sẽ lấy một “thằng nhóc”, tài năng hơn anh, trẻ hơn anh…”.
Quả nhiên ít lâu sau, Xuân Quỳnh trở thành vợ nhà viết kịch Lưu Quang
Vũ. Còn chàng thi sĩ “vợ đẹp, con khôn, vui thú điền viên tới tới tuổi
xế chiều trong ngôi biệt thự sang trọng, rộng rãi, nội thất hiện đại”
làm sao bỏ được vợ theo người tình làm thơ?
Chàng thi sĩ đó là ai xin hỏi nhà thơ Vũ Quần Phương. Ông có lần trả lời báo chí:
Chàng thi sĩ đó là ai xin hỏi nhà thơ Vũ Quần Phương. Ông có lần trả lời báo chí:
“Ngày
tôi học cấp hai tôi may mắn được học thầy Nguyễn Xuân Huy là một giáo
viên dạy văn rất hay. Có thể nói, thầy là người đầu tiên truyền cảm hứng
văn thơ vào tôi. Đó là những ngày mà tôi không thể nào quên, cho đến
năm tôi lên cấp ba thì có thầy Nguyễn Tường Phượng, Đình Phong, Đoàn
Nồng và thầy Đoái Xuân Minh, Bạch Năng Thi. Có thể nói các thầy đã là
cầu nối để tôi đến với thơ ca. Vì từ những bài giảng của thầy mà tôi học
được cái mạch lạc khi viết văn, làm thơ sau này”.
Các
thày trên đều dạy học Hà Nội trước 1954, bởi vậy Vũ Quần Phương thấm
nhuần văn hóa phương Tây nên thơ khác hẳn các bác xuất thân bổ túc văn
hóa công nông. Chẳng thế mà đọc khổ thơ đầu trong bài thơ “Đợi” rất nổi
tiếng của Vũ Quần Phương:
“Anh đứng trên cầu đợi em
Dưới chân cầu nước chảy ngày đêm
Ngày xưa đã chảy, sau còn chảy
Nước chảy bên lòng, anh đợi em…”.
Dưới chân cầu nước chảy ngày đêm
Ngày xưa đã chảy, sau còn chảy
Nước chảy bên lòng, anh đợi em…”.
Người ta nhớ tới khổ cuối trong bài thơ Cầu Mirabeau (Le pont Mirabeau) của thi sĩ Pháp Apollinaire:
“Sous le pont Mirabeau coule la Seine
Vienne la nuit sonne l'heure
Les jours s'en vont je demeure”
Vienne la nuit sonne l'heure
Les jours s'en vont je demeure”
dịch nghĩa:
“Dưới cầu Mirabeau sông Seine chảy
Đêm đến giờ đã điểm
Ngày qua ngày anh vẫn đứng đây…”.
Không ai nói Vũ Quần Phương “cóp” thơ Apollinaire nhưng ảnh hưởng thì khá rõ.
Suốt
mấy chục năm, ông không chỉ làm thơ, còn làm “cán bộ”: Chủ tịch Hội
nhà văn Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thơ Hà Nội, Ủy viên Hội đồng thơ Hội
nhà văn VN 20 năm liền, nguyên Chủ tịch Hội đồng thơ khóa VII, chuyên gia
thơ của Hội Nhà văn VN, … Chức tước lớn và lâu năm vậy tất nhiên ông
phải…"phò chính thống” theo cách nói nhà văn Phạm Thị Hoài trên tạp chí
Cánh Én năm 2000.
Ông
như “cây kiểng” quý của Hội nhà văn, khi cần mang trưng. Không kể
những năm trước, gần đây, ông tham dự Hội nghị các nhà văn trẻ toàn
quốc lần thứ VIII tổ chức tại Tuyên Quang (9/2011) với tư cách khách
mời, mới nhất ngày 2-2-2012, Liên hoan Thơ Châu Á - Thái Bình Dương tại
Hạ Long (Quảng Ninh) với 71 nhà thơ thuộc 24 quốc gia, đoàn nhà thơ
Việt Nam có những tên tuổi lớn như Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Giang
Nam, Bằng Việt và tất nhiên có Vũ Quần Phương.
Ngoài
làm thơ ông còn… nói thơ. Mấy năm gần đây ông hay đi Mỹ thăm con, cứ
chân ướt chân ráo về nước ông lại lên tivi nói chuyện thơ. Tất nhiên ông
phải nói theo ý Đảng chứ đâu có “trật đường rày” bao giờ. Được nhà đài
tin tưởng 30 năm qua số lần ông nói chuyện thơ đã lên đến con số hơn… 2.000 - đáng đưa vào kỷ lục Guiness Việt Nam, vượt xa nhà văn Chu Lai vốn cũng thường đăng đàn nói... "văn”.
Thoát từ bác sĩ làm thơ, Vũ Quần Phương đôi khi có vẻ “nhớ nghề”:
“Tôi
được thấy tim tôi, các buồng tim đang co bóp/... Mình khảo sát tim
mình... kể cũng hơi hoang mang/ Nó vất vả thế ư? Suốt một đời người. Ghê
thật!/ Cái luồng huyết cuộn dòng xuôi xuống, trườn lên/ ... Ta nhìn nó
nhỏ nhoi mà đời bao nhiêu nỗi/ Nó là mình mà mình biết gì đâu”.
Là
“cán bộ thơ” nên đi Mỹ có vào thư viện đại học Princetone, Vũ Quần
Phương cũng chỉ tìm sách của những Lê Lựu, Nguyễn Khải, Ma văn Kháng… và
tết đến đóng cửa không “hội nhập”, không ra ngoài "giao lưu" với cánh
nhà thơ hải ngoại, và bầy tỏ lòng… yêu nước:
“Trong
căn nhà này là nước Việt/ Là đèn nhang, con cháu, giao thừa/ Ngoài căn
nhà này là nước Mỹ/ Ngày giữa tuần, phố đã vào trưa /Thiên hạ đi làm
yên tĩnh quá/ Nhà ta đón tết với riêng mình”.
Định
vị trong tư cách cán bộ khiến thơ Vũ Quần Phương cũng mực thước, chỉn
chu, “lề phải” chưa bao giờ “trật đường rầy” sang... lề trái. Thơ ông
thường nói “lý”, các nhà phê bình nói cho sang là “thơ trí tuệ”:
“Em ơi em! Biển sâu rộng nhường kia
Ai biết được tự nơi nào biển mặn
Ôi hạt muối mang cho đời vị đặm
Tự bao giờ biển đã biết thương ta".
Ai biết được tự nơi nào biển mặn
Ôi hạt muối mang cho đời vị đặm
Tự bao giờ biển đã biết thương ta".
(Trước biển)
Tóc xanh, tóc bạc không xanh lại
thì hồn cứ căng với gió mây
cứ đỏ màu sông, xanh sắc núi
cứ thâm u như cánh rừng dày”.
(Hành trình)
thì hồn cứ căng với gió mây
cứ đỏ màu sông, xanh sắc núi
cứ thâm u như cánh rừng dày”.
(Hành trình)
Như vậy đó,
toàn biển sâu, sông đỏ, núi xanh, cánh rừng... những nỗi niềm dân tộc,
những nỗi đau thời thế… không mong tìm thấy trong thơ Vũ Quần Phương.
Nhà thơ Xuân Sách đã dựng chân dung Vũ Quần Phương:
“Anh đứng thành tro… em có biết
Hôm qua lại gặp chuyến xe bò
Vẫn anh đi trong vầng trăng cũ
Áo đỏ bên cầu đợi ngẩn ngơ”.
12-2-2012
KỲ 15
NHÀ THƠ BẰNG VIỆT:
Tôi không quen ông Bằng Việt, cũng chưa một lần “diện kiến”, bởi lẽ tôi và ông là hai giai tầng khác nhau.
Ông
là con gia đình cách mạng, từ Huế sau khi ra Bắc, cụ thân sinh thoát ly
lên Việt Bắc tham gia kháng chiến, mẹ tham gia hội phụ nữ, bởi vậy sau
ngày Đảng, chính phủ về Hà Nội, ông được đi Liên xô học luật. Còn tôi là
học sinh “Hà Nội tạm chiếm”, những năm 60 khó vào đại học, phải đi lao
động Tây Bắc. phấn đấu thành “thanh niên tích cực lao động XHCN”. Nếu
ông là công dân hạng nhất thì tôi hạng ba, bởi vậy khó gặp nhau.
Tuy
nhiên cũng có lần tôi vinh dự được ông nói tới. Đó là vào năm 1979, nhà
thơ Nông Quốc Chấn về làm GĐ NXB Văn học thay nhà phê bình Như Phong.
Sếp
cũ vừa đi, sếp mới chưa về tôi đã “vạ miệng” làm sếp mới nổi trận lôi
đình ký quyết định chuyển tôi lên Cao Bằng công tác. Vì tính chất “trù
úm” quá rõ, tôi cương quyết chống lệnh không nhận quyết định.
Lúc
đó nhà văn Nguyên Ngọc mới về làm Bí thư Đảng đoàn Hội nhà văn lóc cóc
đạp xe lên Vụ tổ chức Bộ văn hóa xin chuyển tôi về tổ sáng tác, nhà văn
Đào Vũ cũng xin tôi về báo Văn Nghệ… Thật hiếm khi nào Hội nhà văn “bệnh
vực” hội viên mình tích cực như vậy. Tuy nhiên mọi can thiệp đó chỉ làm
sếp mới nổi giận đùng đùng: "Vận động… anh Nhật Tuấn vận động, lôi kéo
Hội nhà văn…” và khăng khăng không rút lại quyết định.
Những
ngày đó chuyện này thành cửa miệng tại các cơ quan xuất bản, báo chi.
Tại NXB Tác phẩm mới, vào một buổi sáng nhà văn Nguyễn Khải kể chuyện
này, nghe xong nhà thơ Bằng Việt buông một câu lạnh tanh:
"Đi Cao Bằng thì có gì phải làm rối chuyện lên thế?”.
Lập tức Nguyễn Khải trỏ mặt Bằng Việt mắng:
"Vậy mai anh đi nhá!". - Tất nhiên nhà thơ cười hề hề.
Nhà
thơ Bằng Việt hồi trẻ rất đẹp trai, nho nhã như nhà giáo, nói chuyện
nhỏ nhẹ, có duyên làm nhiều cô chết mệt nên “tình sử” cũng phong phú có
khi còn hơn Vũ Quần Phương. Tuy nhiên, chuyện đó cứ để trong dân gian,
chưa nói tới. Thường thường, bác sĩ bỏ nghề y sang làm thơ thì chỉ được
lộc thơ, riêng Bằng Việt bỏ nghề luật vẫn ăn lộc cả “lộc thơ” lẫn “lộc
quan” là thứ “nghề luật” góp phần. Ông đã từng giữ chức Phó
chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Hà Nội, một chức to ở cái thành phố oai
nhất nước. Nghe nói khi hay tin nhà thơ làm Phó Chủ tịch HĐND TP, dân
oan kéo đến xin gặp ông nhiều lắm khiến tan sở ông phải “chuồn” cửa sau.
Chuyện đó thời nay là chuyện thường ngày ở cửa quan, ngày xưa cha ông
nói “quan thấy kiện như kiến thấy mỡ”, chắc nay phải đổi thành “quan
thấy… dân kiện như lươn thấy rắn”. Câu này chỉ có nghĩa quan giống như
lươn tiết chất nhờn lủi mất mỗi khi gặp dân oan chứ tuyệt nhiên không
dám ví dân là… rắn.
Ngoài chức bên chính quyền, nhà thơ Bằng Việt còn làm Chủ tịch Hội đồng thơ Hội nhà văn VN. Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Cùng
với nhà thơ Hữu Thỉnh, ông là một trong hai hạt giống đỏ của Đảng trên
mặt trận quản lý và lãnh đạo giới nhà văn, nhà thơ vốn là thành phần
phức tạp nhất trong giới trí thức. Chẳng thế mà bất kỳ cuộc hội thảo thơ
nào ở xứ ta, hai ông đều tới cầm càng hội nghị.
Mang trọng trách Đảng tin cậy vậy, Bằng Việt phải “mẫu mực” cho giới cầm bút noi theo, nghĩa là suốt từ thủa cho ra lò “Bếp lửa”, ông đã làm không biết bao nhiêu thơ:
Những gương mặt - Những khoảng trời [Some faces and pieces of sky (1973)] - Đất sau mưa (1977) - Khoảng cách giữa lời (1984) - Cát sáng (1985) –Bếp lửa - Khoảng trời (Tập thơ) (1986) - Phía nửa mặt trăng chìm (1995) - Ném câu thơ vào gió (Tập thơ; Flying a verse with the wind; 2001) - Thơ trữ tình (2002) - Thơ Bằng Việt (Tập thơ - 2003)…
Làm
nhiều vậy nhưng thơ ông tuyệt nhiên không một chút “tà khí” tức “bàng
thống”, “phi chính thống” như nhà văn Huy Phương đã tổng kết: "tuyệt
nhiên không nghe một tiếng thở dài”. Ngược lại, đôi khi thơ ông còn quá
đà “mac-xit hơn cả Đảng”.
Trong
bài thơ “Rượu của Nguyễn Cao Kỳ" có một chai rượu ông này gửi tới.
Tất cả mọi người đều uống kể cả một ông tướng công an, trừ một anh lính
phòng không:
“Đám đông ồn ào của chúng tôi cứ uống
Anh bạn chỉ ngồi im, cũng chẳng nói thêm gì,
Và bữa rượu bỗng dưng thành đắng đót”.
Anh bạn chỉ ngồi im, cũng chẳng nói thêm gì,
Và bữa rượu bỗng dưng thành đắng đót”.
Khơi ra chuyện này, người ta thấy nhà thơ có vẻ thông cảm với anh lính “thù Mỹ ngụy muôn đời muôn kiếp không tan”, cứng ngắc hơn cả chủ trương hòa hợp dân tộc của Đảng.
Chính vì “phò chính thống”, nhà thơ phải 'tỉnh táo” như Y Nguyên phỏng vấn Bằng Việt trên báo Thanh Niên.
“Thường
thì người sáng tác ít khi“tỉnh” để có thể phân tích một cách rành rẽ
về quá trình sáng tạo của mình, nhưng ông thì ngược lại, tỉnh táo, thận trọng, khôn ngoan...”.
Kết luận vậy thì đau cho nhà thơ biết bao. Tuy nhiên chính vậy nên ông nhận được khá nhiều giải thưởng:
“Giải nhất về thơ của Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội (1968).
“Giải thưởng dịch thuật văn học quốc tế và giao lưu văn hóa quốc tế do Quỹ Hòa bình Liên Xô trao tặng năm 1982”.
“Giải thưởng Nhà nước về văn học (do Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trao tặng, 2001)”.
“Giải thưởng thơ của Hội nhà văn Việt Nam (2002).
“Giải thưởng văn học ASEAN 2003 cho tập thơ "Ném câu thơ vào gió".
"Giải thành tựu trọn đời" của Hội Nhà văn Hà Nội (2005) cho Thơ trữ tình thế giới thế kỷ XX”.
Tuy
làm “thơ cung đình” nhưng không phải Bằng Việt không có thơ hay. Từ
“Bếp lửa” còn tỏa nóng đến tận bây giờ tới những bài thơ tình lãng mạn
một thời được chép trong sổ tay nhiều cô cậu sinh viên tổng hợp và sư
phạm văn, được sử dụng nhuần nhuyễn các kỹ thuật điệp ngữ, ẩn dụ và nhân
cách hóa:
“Sương nơi ấy như triền mây trắng đặc
anh vẫn chờ em trắng một bến sương.
(Nơi một thủa mùa xuân còn ở đó)
“Sương nơi ấy như triền mây trắng đặc
anh vẫn chờ em trắng một bến sương.
(Nơi một thủa mùa xuân còn ở đó)
"Anh vẫn đợi một buổi em về thay áo,
đợi một niềm vui sắc nhọn như mũi kim”.
(Tình em đẹp mãi một bài thơ)
Nói anh nghe cuộc tình nào đã lỡ
con đường nào nức nở tiếng mưa rơi!
(Nét buồn mang dấu vết thời gian)
Tuy nhiên tính
lãng mạn “kiểu Pautopski” nhạt dần theo tuổi tác, thơ Bằng Việt ngày
càng đậm tính “suy tưởng triết học”, có thể do con người “luật học”
trong ông đã lên tiếng.
“Ngày sống vội, tuần sống vội, năm sống vội
uổi hoa niên, trung niên, kế tiếp tuổi già
Chong chóng quay, rút cuộc được gì?
Được chuyển động – làm bù nhìn của gió…”.
(Nhớ Trịnh)
Các
nhà văn ta, về cuối đời như Nguyễn Khải, Nguyễn Đăng Mạnh… hoặc cuối chức
như Nguyễn Khoa Điềm… thường “tái nhận thức” tức “nhận thức lại” để xí
xóa đi phần nào “tính Đảng” quá đà trước đây. Bằng Việt cũng vậy, trong
Hội thảo thơ ở Hải Phòng, ông nhắc các nhà thơ không thể thoát lý xã
hội:
“Tôi nghĩ, đã là một thành viên, đồng cam cộng khổ với cộng đồng loài
người, thì nhà thơ không thể thoát ra khỏi xã hội, vì vậy, khó có thể
tuyệt đối hóa thiên chức của thơ mà chỉ nói đến thiên nhiên thôi sao?”.
Tuy
nhiên cái yếu tố “xã hội” trong thơ ông không mang những trăn trở, vấn
nạn lớn của dân tộc mà lại lại giống như Y Nguyên đã phỏng vấn:
"Người ta vẫn nghĩ thi sĩ thường lãng đãng, vẩn vơ trên mây trên gió,
nhưng ông lại rất cập nhật thời sự. Cập nhật đến độ có thể biến những
cái tưởng như không thơ thành thơ, như chuyện ô nhiễm môi trường khu du
lịch sinh thái, chuyện xây cầu vượt, chuyện cấm đăng ký xe máy, chuyện
làm phim kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long...?”.
Mới đây hồi tháng 8- 2011, ông phát biểu trên mạng một câu động trời :
“Nếu không tha bổng cho Cù Huy Hà Vũ thì đấy là một sự ngu xuẩn”.
Tất
nhiên nếu cán bộ thường nói ở bàn nhậu thì chẳng sao, nhưng đây hẳn một
ông “quan văn” cỡ bự. Nghe nói sau đó cán bộ an ninh đã gặp ông. Tất
nhiên nhà thơ sẽ giải thích cho nhà an ninh vì sao phát biểu vậy. Chắc
đồng chí an ninh đã quán triệt tình thế của nhà thơ đứng giữa Đảng và
dân không thể không thông cảm với lời phát biểu của ông Chủ tịch Hội LH
VHNT Hà nội. Có thể thấy Bằng Việt cũng như thơ ông luôn bị kéo co giữa
một bên là nàng thơ và một bên là đồng chí chính trị viên.
Trên
blog của mình, nhà thơ Thủy Hướng Dương có kể lại cuộc nhậu sau ngày Bằng Việt trúng cử Chủ tịch Hội LHVHNT Hà Nội, nhà thơ có ứng tác:
“Anh biết anh là người đến muộn
Bia uống vừa xong, bưởi vẫn còn thèm
Em đừng nghĩ là anh thất bại
Bia anh còn liếm được nữa là em!”.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến có mặt lúc đó đề nghị đổi chữ” bia” thành chữ “thơ”:
“Thơ anh còn liếm được nữa là em…”.
“Thơ anh còn liếm được nữa là em…”.
Vậy là “thơ anh” quá… sạch… sạch đến nỗi có thể… liếm được. Tới đây chợt nhớ bài “Mùa sạch” của thi sĩ Trần Dần:
“Anh vẫn tìm em qua phòng triển lãm sạch
Qua khu sứ quán sạch
Qua sớm mai trường Đảng sạch
Qua Bộ Công nghiệp nặng sạch…”.
Nay thì xin thêm: "thơ sạch”.
Nhà thơ Xuân Sách đã dựng chân dung Bằng Việt:
“Nhen lên một bếp lửa
Mong soi gương mặt người
Bỗng cơn giông nổi đến
Mây che một khung trời
Đất sau mưa sụt lở
Mầu mỡ trôi đi đâu
Còn trơ chiếc guốc võng
Trăng mài mòn canh thâu”.
16-2-2012
----------------------
* nguồn: blog nhattuan
----------------------
* nguồn: blog nhattuan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét